thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 3]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Kỳ trước: [chương 1 & 2]

 

3

 

"Anh cô ở đây đấy," người gác cửa quán rượu cười và nói với Agnieszka. Giữa hai chiếc răng cửa của gã có một khoảng trống lớn làm cho mặt của gã trông không mấy lương thiện. "Anh cô ngồi ở quầy rượu bên trong. Nhưng làm sao cô chen vào đó được? Đêm nay đông khách lắm…" Gã bước đến một đám người mới đến, nói cười ồn ào.

Agnieszka bước vào bên trong. Phòng tối đen và chật chội; phía trên trần thấp lấp lánh ánh sáng từ những ngọn đèn hình ngôi sao. Cô phải ngừng lại gần sàn nhảy; mấy cặp trên sàn chen chúc nhau trên một khoảng chỉ có mấy mét vuông cho nên họ cứ dẫm lên chân nhau và đụng vào người nhau, rồi xin lỗi và cất tiếng chào nhau. Mấy người đàn bà ăn mặc giống nhau và cùng thoảng mùi nước hoa rẻ tiền hiệu Poem. Họ tựa đầu vào vai người bạn nhảy, khói thuốc quyện lại dưới trần nhà, người ca sĩ tóc quăn đang nức nở một bài ca về chia ly. Một người chạy bàn bảo Agnieszka: "Cô đứng tránh qua một bên, đừng đứng chắn đường…" Mặt anh ta sát mặt cô. Anh ta trẻ, trông cũng đẹp trai, mặt hơi chìm trong bóng tối, tóc chải mướt mỡ bôi tóc và miệng để ló ra một chiếc răng vàng. Anh ta lại lên tiếng, giọng nhỏ và nghe rầu rầu: "Vâng, thế được rồi." Cô gái ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của người chạy bàn khi anh ta bước đi; mùi mỡ bôi tóc nặc nồng đến mức không thể bay đi được trong căn phòng đầy hơi khói thuốc. Người thổi kèn saxo, mập và lùn, mặt bệu và chảy, đang phùng má trợn mắt – một nét đặc thù thường thấy ở những nhạc công đã chơi nhiều năm ở các hộp đêm. Ông ta đang vụng về bắt chước các nhạc công chơi Jazz ở Mỹ. Một người đàn bà say rượu cười rên rỉ, ôm chặt lấy người bạn nhảy của mình, tay của cô ta xoè ra, trắng bệch, trông giống như một cái mạng lưới đan bằng các ngón tay mập mạp. Agnieszka nhăn mặt cười. Nhạc bất chợt ngừng lại và hàng chục người nhễ nhại mồ hôi rời sàn nhảy và đi ngang qua mặt cô khi quay về chỗ ngồi. Một người say rượu vẫn còn nán lại trên sàn và kêu lên: "Nữa đi chứ!" Hai người đàn bà kéo anh ta về bàn. Đèn bật sáng; các nhạc công lau mồ hôi trên trán và đặt nhạc cụ xuống.

Một người sau lưng cô thì thầm vào tai cô:

"Em giống như nàng Mona Lisa. Mặt em sao buồn thế? Có phải vì, cũng giống như Mona Lisa, em không có đồng hồ Tissot đeo tay? Anh có thể giúp em đấy…"

Agnieszka tiếp tục đi vào bên trong. Cả một đám đông hỗn loạn: người ta kêu la, ca hát, chửi nhau, cụng ly, hôn nhau và vỗ vào tay nhau. Sau quầy rượu, hai người phục vụ quàng trước mình một tấm vải trắng, chạy lui chạy tới. Một người nhỏ con và gầy, mặt mày vui vẻ và linh hoạt; người kia to lớn, mặt bình thản và lạnh lùng. Anh ta điều động cái ly với vẻ nghiêm chỉnh đến trang trọng. Khi phục vụ cho khách, anh ta giống như một bác sĩ giải phẫu chuẩn bị một ca mổ, có một vẻ tin tưởng là mọi việc sẽ tốt đẹp với trí tuệ và bàn tay khéo léo của mình. Anh ta hầu như không phản ứng gì trước những tiếng kêu la tuyệt vọng của khách, vẫn cứ làm việc theo kế hoạch của mình, chính xác một cách đặc biệt.

Cuối cùng thì cô cũng mon men đến được bên Grzegorz. Anh ngồi ở một góc quầy, nơi mà rìa của quầy uốn một vòng nhẹ nhàng. Anh nhìn thẳng về phía trước, mắt lờ đờ, không nói chuyện với ai. Hai người cùng có những nét giống nhau khá rõ; giống như cô, anh cao lớn, màu tóc khó có thể nói là đen hay nhạt; cũng giống như mắt của cô, mắt của anh đổi màu tùy theo ánh sáng chung quanh, từ màu xanh da trời nhạt cho đến màu xanh lá cây thẫm. Mặt của anh bầu bĩnh, chiếc mũi ngắn; những đường nhăn quanh miệng đổ xuống. Anh tựa đầu lên bàn tay. Khi Agnieszka sờ vào tay anh, anh giật mình. Anh hỏi:

"Cô ta có đến không?

Agnieszka lắc đầu. "Không," nàng đáp. "Anh thực đã lậm quá rồi. Grzegorz."

Anh nhìn nàng, cái nhìn hoang vắng như thể đang nhìn một vật vô tri. "Em cũng có thể đúng đấy." Anh kéo ly nước lạnh đến gần mình hơn. "Nhưng rồi em rút ra kết luận gì?"

"Em cũng muốn làm vài ly với anh. Nhưng em cũng không muốn uống với một người say bí tỉ như anh trong ngày hôm kia đó. Anh có muốn mời em một ly không?"

"Anh không biết có được không nữa. Nhưng anh cũng vẫn mời em.

Anh quay qua người phục vu quầy rượu, nói nhỏ nhưng giọng chắc nịch:

"Rót đầy ly đi."

Anh nâng ly của mình và cụng ly với Agnieszka. Họ cùng uống, rồi anh nhìn nàng hờ hững:

"Thế cô ta không đến phải không?"

Giọng của anh rất bình thản. Agnieszka nhận ra rằng anh đang cố say nhưng chưa say được.

"Không, cô ta không đến."

Anh cười:

"Anh biết thế mà, không cần chờ em bảo đâu. Nhưng em có hiểu vì sao anh hỏi không?"

"Em biết chứ. Nhưng cô ta không đến."

Anh gật đầu. Người phục vụ vui vẻ hỏi: "Một chầu nữa chứ?" Và không cần câu trả lời, anh ta lại rót đầy ly của hai người trước khi biến mất sau hàng chai rượu. Ban nhạc lại bắt đầu trỗi lên, những người uống rượu leo xuống ghế và bắt đầu chen chúc nhau tiến ra sàn nhảy.

Grzegorz lên tiếng:

"Anh biết cô ta không đến chứ. Buổi tối đến là chịu không nổi, Agnieszka ạ. Nhắm mắt lại là anh thấy cô ta; cô ta đưa tay ra và nói gì đó nhưng anh không nghe hay không hiểu. Anh nghĩ rằng ở trong nhà của cô ấy, cô cũng nhìn vào bóng tối và cầu nguyện cho anh cũng như anh cầu nguyện cho cô ấy. Nhưng khi mở mắt anh chỉ thấy mỗi một góc giường của Zawadzki và một khoảng trần nhà. Anh nghe tiếng vòi nước nhỏ giọt. Có thể chữa được cái vòi này không? Và anh cứ nằm như thế và thức hàng giờ. Khi có tiếng taxi ngừng lại ngoài đường, anh nhổm dậy khỏi giường và đi đến bên cửa sổ. Anh nghĩ cô ta đi taxi đến tìm anh, tất cả dằn vặt khổ sở này rồi sẽ chấm dứt. Anh đếm những bước chân đi lên cầu thang, nhìn theo những bóng người và lắng nghe những giọng nói. Có thể nào chữa cái vòi nước đó ngày mai được không?"

"Được thôi."

Anh im lặng rồi đẩy ly của hai người về phía người phục vụ, yêu cầu:

"Rót đầy đi, và cho thêm một tí nước…"

Người phục vụ nhìn Agnieszka, dò hỏi:

"Bộ chưa đã hả?"

Nàng lắc đầu:

"Anh cứ rót đầy ly đi."

Người phục vu rót đầy ly và bước đi. Gần đó, hai người đàn ông đang cụng ly với nhau.

"Chúc mừng anh nhé. Tôi là Wacek, anh tên gì?"

"Jozek."

"Jozek gì? Pilsudski hả?"

"Không phải."

"Tên kia hả?"

"Cũng không phải. Jozio Kwiatkowski."

"À ra thế."

"Đúng là thế."

Ban nhạc đang chơi một bản tango. Agnieszka nâng một góc màn ngăn sàn nhảy và quầy rượu để nhìn những người đang khiêu vũ. Một người đàn ông nhỏ con đứng bên cạnh nàng nói:

"Tôi đang rời khỏi nước này. Ở đây người ta hoặc chỉ là người say hoặc là người anh hùng. Những người bình thường không thể có chỗ đứng ở đây. Chào cô nhé."

Ông ta trả tiền và bước đi. Grzegors hỏi cô:

"Hôm nay thứ năm phải không?"

"Bây giờ đã qua thứ sáu rồi."

"Chờ đến chủ nhật. Anh chỉ cần chờ đến chủ nhật mà thôi. Khi đó mọi việc sẽ rõ ràng: hoặc là thế này – hay thế khác. Chính cô ta nói thế: cô ta cần một tuần để suy nghĩ. Chỉ còn hai ba ngày nữa thôi. Nếu đến chiều chủ nhật mà cô ta chưa đến thì có nghĩa là đã hết rồi. Và khi đó thì…"

"Thì sao?" Nàng nghiêm giọng hỏi .

Anh ngẩng mặt lên và nhìn thẳng vào mặt nàng. Ngồi im một lúc, anh nói:

"Chẳng sao cả. Anh sẽ tiếp tục sống. Đó chính là điều tệ nhất."

"Chẳng phải là điều tệ nhất đâu. Anh chỉ mới hai mươi lăm tuổi."

Anh nhún vai, giọng châm biếm:

"Như thế thì sao? Mà này, hôm nay ai được hai mươi lăm tuổi đấy? Và thế thì sao? Tại sao anh lại cần biết điều này? Chắc em không lú lẫn đến độ nói với anh rằng tương lai anh đang mở rộng, mọi thứ vẫn đang ở phía trước, vân vân. Không ai trên đời này tin những điều đó. Mọi cảm nghĩ của con người đều thiêng liêng, chắc chắn không ai trong đời lại dại dột một lần thứ hai đem cả cuộc đời của mình cho một người đàn bà như lần đầụ, cho nên đó mới là vấn đề: dâng hiến tất cả. Cuối cùng, đó là cách người ta gọi tất cả những thứ như dầu xoa người, mũ cao su, phá thai, phải không?"

"Rồi thì sao?"

"Anh nghĩ là Slowacki từng cho một nhân vật của mình hỏi 'có phải linh hồn con người là một ngọn đèn không bao giờ bị tắt?' Trước những cảm nghĩ tốt đẹp của con người chúng ta phải quì xuống như quì trước một tượng đài, như trước một ngôi sao. Chúng ta phải bảo vệ nó, mang nó như một ngọn đuốc, ngay cả dù cho chỉ còn một đóm lửa nhỏ nhoi. Phải thổi nó bùng lên cho đến khi thật hết hơi. Đây là thế kỷ hai mươi rồi, Agnieszka ạ. Isolde sống trong một nhà thổ, trong khi Tristan say sưa với mấy tên ma cô ở góc quán rượu. Con người ngày nay không dành mấy thì giờ cho những cảm xúc lớn; người ta từ sáng sớm đã phải nhảy ra khỏi giường; rồi vội vàng ăn sáng qua loa; chen chúc trên xe điện, cãi vã từng xu với người lái xe, mua trả góp những bàn ghế tồi tàn ở những cửa hàng, vân vân. Phải quì. Phải quì. Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là."

Anh ngừng lại và nhìn người phục vụ, gật đầu. Rồi anh nhìn vào ly rượu vừa được rót đầy trở lại sau khi người phục vụ bước đi. Một người đàn bà ngồi cách đó mấy ghế cất tiếng hát, giọng nghe như vịt đực: "Em còn quá bé…" Lại có một giọng đàn ông sỗ sàng: "Nhưng em thích đi nằm." Người đàn bà bây giờ ngừng hát; bà ta cúi đầu nhìn xuống ly rượu, nói lẩm bẩm trong miệng. Người thổi kèn saxo vẫn còn mê say bắt chước các nhạc công nhạc Jazz của Mỹ. Người phục vụ vui vẻ nhìn Grzegorz và hỏi: "Uống cà phê không?"

Grzegorz tỉnh lại. Anh nói:

"Nếu anh muốn tôi uống, nhưng cũng chẳng ích gì đâu; dù sao hôm nay tôi cũng không để say đâu." Và anh quay qua phía Agnieszka: "Em muốn uống cà phê không?" Cô gật đầu. "Cho hai tách cà phê nhé." Người phục vụ trở lại đặt hai tách cà phê trước mặt họ. Grzegors nhấp một ngụm cà phê và lắc đầu chán nản: "Ngay cả cà phê cũng chẳng ra gì".

Người phục vụ vui tính khoa tay nói:

"Cái thời đại chúng ta nó như thế đấy!"

"Mẹ kiếp cái thời đại đó. Thêm một huyền thoại ngu xuẩn nữa!" Và anh quay qua Agnieszka: "Anh nghĩ ra một điều?"

"Điều gì?"

"Anh muốn đến một ngày nào đó anh sẽ viết nên một cái gì đó."

"Một cuốn sách phải không?"

"Đúng, một cuốn sách."

"Viết về tình yêu chăng?"

Anh phá ra cười, những vết nhăn quanh mắt anh chợt trở nên trắng bệch. Anh nói:

"Không đâu. Viết về tình yêu là tự làm cho mình trở nên lố bịch. Ít nhất cho đến nay, văn chương tiểu thuyết viết về tình yêu chỉ là một thứ nhảm nhí. Này, việc gì lại phải viết về tình yêu. Anh muốn đọc một cái gì đó viết về chính mình và những suy nghĩ của mình khi anh không ngủ được và cứ thức nhìn trần nhà như thế trong suốt hai mươi đêm liền. Tất cả những gì viết về tình yêu là nhạt nhẽo, như ánh đồng so với mặt trời. Chỉ có Dostoevsky là phần nào trung thực, nhưng người ta chạy khỏi tình yêu của ông ta khi bàn tay bị bỏng, như thể nắm phải một thanh sắt nung đỏ. Nó không dành cho con người hiện đại. Không phải cho thời đại của chúng ta."

Anh chồm người ra phía Agnieszka và nắm lấy tay cô:

"Em nghe nhé, đây là một câu chuyện hoàn toàn mới. Câu chuyện của hai người. Anh sẽ không nêu tên thật của họ, nhưng cũng chẳng đặt tên cho họ."

Bây giờ anh thực sự đã chuếnh choáng, giọng của anh đã nặng, hơi thở dồn dập. Nhưng anh vẫn nói:

"Đúng, một câu chuyện hoàn toàn mới. Chuyện hai người gặp nhau ở một nơi tận cùng của cuộc sống. Anh chưa biết họ là ai, anh phải xác định cho rõ đã, em hiểu chứ? Anh ta phải là người bình thường, rất bình thường; cô ta cũng thế, có lẽ là vậy, tuy anh chưa biết… Hay giả dụ rằng, anh ta uống nhiều quá và than phiền, cũng có thể lắm chứ, không phải sao? Trong lúc như thế, còn có việc gì làm nữa ngoài uống rượu và than thở? Ở Ba Lan này, người say rượu được hưởng một chế độ ưu đãi, say sưa đã thành một tiêu chuẩn đạo đức mới đặc biệt. Người ta biết rằng khi con người say, thì một giống gì đó đang ăn lấy ông ta. Nhưng đừng bận tâm, mình lại trở về với đề tài của mình… Và cô ta thì sao? Ma quỉ mới biết cô ta phải là người thế nào. Cô ta phải trải qua nhiều thử thách, cô ta phần nào phải an phận hoặc cảm thấy đắng cay. Bất cứ khi nào có việc gì xảy ra, thật khó mà tin rằng lần này sẽ thực là một cơ hội xứng đáng. Người khách này, thí dụ nhé, đã quyết uống cho say, bởi vì ông ta đang vội vã huỷ hoại một cái gì đó ở chính ông ta, ông ta sợ phải đau khổ, dằn vặt, vân vân. Cô ta cũng tìm cách chạy thoát tất cả những hệ lụy đó, bởi vì nói cho ngay tình người bạn của cô cũng chẳng tốt đẹp gì, ông ta uống như hũ chìm, đánh lộn, có một quá khứ chỉ là một chuỗi dài những chuyện không hay. Nhưng như thế mà vẫn có thể tìm thấy những điều tốt đẹp về ông ta, một phần nào đó, một nơi nào đó; vào một lúc nào đó, vào ngày thứ bảy, hẳn phải có cơ hội gì tốt đẹp, một điều gì đáng bỏ công, và họ phần nào muốn nắm lấy dịp đó, dù bất cứ giá nào. Trái đất này là một nơi tồi tệ, cuộc sống là một địa ngục nhỏ khôi hài, nhưng ở một nơi nằm sâu dưới cái bề mặt đó, kim loại đã bị nung chảy và sôi sục một màu sáng bạc. Người ta muốn làm nên cái điều to tát đó chỉ bằng sức mạnh của ý chí. Mỗi ngày, mỗi giờ nó sụp đổ hàng ngàn lần, và cũng hàng ngàn lần người ta lại khởi công lại từ đầu. Có thể cuối cùng mọi việc đều tốt đẹp, ai mà biết được? Nhưng rồi lúc đó người ta lại bắt đầu kềm chế họ."

Anh chợt ngồi thẳng dậy và đẩy bàn tay của Agnieszka ra xa; anh nói:

"Người ta. Những con người khốn nạn ngu xuẩn chưa bao giờ thấy đủ với cái thế giới ngục tù của riêng mình và vẫn ưa xía vào chuyện người khác. Người ta bắt đầu cho bàn tay nhám nhúa của mình đụng đến mọi chỗ, thầm thì, tính toán, ngứa tay, ngứa miệng, kéo những nạn nhân của mình ra một góc, rồi to nhỏ những chuyện của nạn nhân của mình. Họ bảo anh ta: anh có biết không, cô ta sống với người này, người nọ? Rồi họ học với cô ta: cô biết không, năm 1947 anh ta giết ông trưởng ga ở Mysliborz, cả người thủ quỹ và kỹ sư phụ tá? Này bác có biết anh ta thế này, cô ta thế nọ không? Người ta nhiều chuyện, dối trá, bịa đặt những chuyện ngu ngốc, đến một ngày nào đó không còn biết chuyện gì thật chuyện gì giả, chuyện gì là nói xấu chuyện gì có thực, ai là bạn và ai là đồ heo, ai là tri kỷ ai đểu cáng; không thể biết được chuyện gì ra chuyện gì, và người ta quyết định tách rời…"

Anh ngừng lại; hàm dưới của anh run lên. Bây giờ trông anh thật khốn khổ. Người phục vụ vui vẻ lại nhìn anh và hỏi:

"Rót nữa nhé?"

Anh gật đầu rồi lấy ly của mình, nốc hết một hơi. Agnieszka hỏi:

"Đã chưa?"

Anh trả lời, không nhìn vào mặt cô:

"Chưa đâu. Như thế quá đơn giản. Cuối cùng thì người ta muốn hiểu nhau dù cho có thế nào đi nữa. Nhưng anh không biết việc gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Đó là điểm kết thúc, rõ ràng là kết thúc, nhưng phải có một điều gì xảy ra trước đó. Đúng, đúng, anh tin chắc điều này, nhưng vẫn chưa rõ chính xác nó sẽ diễn tiến như thế nào. … Một điều gì đó bình thường một cách đặc biệt. Nó nhất thiết không phải là một cuốn sách hay, tại sao phải hay? Dù sao đi nữa, không ai đi viết sách về tình yêu chân thực, việc này quá khủng khiếp và lố bịch, không ai dám phơi bày nó đầy đủ đâu… Như thế thì nó là cái gì đây? Cái người ta cần ở đây là một điều gì đó tầm thường, một cái gì đó tầm thường đến dung tục. Phải chăng bệnh tật? Hay một vầng trăng nào đó, một khoảng nước có trăng soi? Dù sao, một cái gì giống như thế phải hiện hữu; em cũng nghĩ như thế đi. Một tai nạn xe lửa? Một thiên tai, một cái chết? Chết, có lẽ cái chết? Khi người ta đã nói lên được và làm được, thì không có gì có thể tầm thường hơn được. Và như thế, cái chết này thuộc loại nào đây, Agnieszka? Chết vì bị một con kiến độc cắn, hay bị một cục gạch từ giàn giáo rớt xuống trúng đầu? Hay có thể tự tử chăng? Nhưng ai đây? Chàng hay nàng? Không, phải là chàng, điều đó rõ rồi, vì dù sao thì phụ nữ cũng ham sống hơn đàn ông. Đúng rồi. Bây giờ anh thấy rồi."

Anh ngừng lại để thở. Tóc anh rớt xuống trán, anh vuốt ngược lại. Mồ hôi ướt đẫm mặt của anh, chảy dài xuống má, mắt của anh dường như nhỏ lại. Agnieszka nói nhỏ:

"Anh ta tự sát. Đó là kết cuộc phải không?"

Anh suy nghĩ rồi đáp:

"Không đâu. Dù cho có thế, nhưng vẫn chưa là kết thúc. Nó chỉ mới là nửa đoạn đầu, kết thúc còn xa lắm. Việc tự tử không thành, Agnieszka ạ, trong truyện này không có gì xong cả. Những gì xảy ra sau đó còn tệ hơn, bởi vì hoá ra những gì chúng ta sợ và bị khủng bố ở trên trái đất này thực ra không có gì ghê gớm lắm. Nhưng việc gì đến sau đó? Đoạn kết có hậu vui vẻ không bao giờ hay lắm trong văn học. Người ta chia tay nhau. Hết. Chấm dứt. Có thể người ta cố sống một cách thông minh, cũng có thể họ không muốn gì cả, ai mà biết được? Nhưng ở thời điểm này chúng ta phải kết thúc nó, trò chơi đã xong. Cho nên người ta chia tay. Việc theo đuổi hạnh phúc thế là xong, hạ màn. Luôn luôn vô ích, nhưng vẫn đáng cho người ta hy sinh cuộc sống vì nó. Không phải tôi nói đâu. Lời của Stendhal đấy. Nó có đáng thế không, anh?"

Anh quay qua hỏi người phục vụ quầy rượu, ông ta đáp:

"Đáng chứ."

"Không đáng đâu, nhưng cũng chẳng sao. Cho thêm hai ly vodka nữa đi."

Agnieszka nói:

"Chị ấy không tha thứ cho anh đâu nhé."

"Cái gì?"

"Những điều anh vừa nói."

"Cô ta có đến đâu mà nói."

"Anh muốn phá huỷ mọi thứ phải không?"

"Đúng. Anh không muốn nhớ gì cả. Thật độc ác nếu yêu cầu một người nào đó nhớ lại những giây phút thần thánh nhất của mình. Ký ức là thùng rác, không ai muốn bới lên cả."

"Thế cuốn sách có tựa là gì?"

Anh tần ngần:

"Chưa nói được. Dù sao, nó cũng sẽ nằm yên trong trí tưởng tượng của anh mà thôi. Dù sao, anh cũng là một chuyên viên hoá chất, mẹ kiếp thật. Và về cái tựa – một cái tựa nói lên sự im lặng, về sự cần thiết phải giữ im lặng trước mọi người. Như vậỵ thì nó phải thế nào đây?"

Quán rượu nay không còn ai. Người phục vụ vui tính đang bận rộn dùng một miếng khăn vải lớn lau trên mặt quầy. Máy lọc cà phê espresso không còn sôi sục nữa và ban nhạc đã ngưng chơi từ lâu. Có người đang ngủ gục trên tay. Một người bạn cứ kéo giật anh ta, giục giã:

"Bolek, dậy đi nào… Bolek, đừng say nữa… Bolek, đừng làm phiền người ta…"

Người phục vụ vui tính nói:

"Chúng tôi đóng cửa tiệm đây. Ngày mai nhé."

Grzegorz trả tiền; hai anh em cùng bước ra đường. Một ngọn gió lạnh thổi ngang đường. Grzegorz nghiêng về phía Agnieszka và cầm lấy tay cô. Tay của anh nóng, đẫm mồ hôi.

"Cô ta đến không?"

"Những người yêu nhau gặp nhau quá muộn màng, "Agnieszka đáp. Cô ngáp, cảm thấy buồn ngủ rũ rượi. Grzegorz phá ra cười. Anh buông tay cô em ra.

"Agnieszka, đó lại là một chuyện hoang đường khác. Anh chẳng lớn hơn em bao nhiêu, nhưng anh có thể nói với em điều này: Anh chưa hề thấy có ai gặp nhau đúng lúc trong đời mình đâu. Không có lúc nào là đúng lúc cả. Không thể có chuyện đó. Luôn luôn hoặc là trễ quá hoặc sớm quá. Hoặc là quá nhiều kinh nghiệm hoặc quá ít. Luôn luôn có một cái gì đó chắn ngang đường. Điều này cũng thường thôi."

Anh ngừng một lát rồi hỏi:

"Em có thích không?"

"Không, em ghét buồn bã lắm. Im lặng và tối tăm, chỉ có cho người chết mà thôi."

"Anh không uống nữa đâu, Agnieszka ạ. Có lẽ anh thương em rất nhiều. Anh cầu cho em ít nhất cũng không giống như thế này."

Họ ngừng lại. Mặt trời đêm dường như loãng đi, trông dơ bẩn và đầy những đám mây trống rỗng. Bình minh đã ló dạng từ những mái nhà ẩm ướt. Mấy người lái taxi ngáp vặt, những chiếc xe giao sữa đầu tiên đang đổ tới. Một người nào đó đang bước theo họ từ xa, húng hắng lên giọng chửi bới.

Agnieszka nói:

"Em cũng thương anh nhiều lắm. Chính anh cũng biết em thương anh chừng nào."

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — “nhà văn nổi loạn” nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021