thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 4]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Những kỳ trước: [1 & 2][3]

 

4

 

Lá dày và phủ cả bầu trời; nằm ngửa mặt nhìn lên, họ chỉ thấy một mảng xanh phía trên nhưng cũng chẳng thấy được những con chim đang líu lo. Cỏ còn nóng bốc ra một mùi hăng, và là là trên mặt đất một ngọn gió thoảng mùi thông và những nụ hoa đầu mùa. Thỉnh thoảng, mấy con sóc ở đâu đó phóng ra từ những chỗ ẩn nấp dưới mấy bụi cây; mắt của chúng nhỏ như hạt nhãn đảo qua đảo lại, nhìn quanh một cách cẩn trọng, và lát sau chúng lại thoăn thoắt nhảy lên các cành cây nhanh không thể tưởng được.

"Anh chỉ nhớ thời thơ ấu của mình có chừng đó."

"Một con sóc?"

"Đúng. Trong nhà trước đây có nuôi một con sóc. Khi anh được mười tuổi thì con sóc đó được giao cho anh."

"Anh gọi nó là gì?"

"Joasia. Nó không sợ gì cả. Anh ngủ với nó, nó chạy theo anh như con chó con, khi anh ăn, nó đưa mũi vào sát dĩa của anh."

"Rồi sao nữa?"

"Joasia chết. Răng của sóc thường mọc ra rất dài nếu nó không ăn hạt. Một hôm nó không mở miệng ra được nữa. Và anh không còn biết làm sao được."

"Thế tại sao anh không cho nó ăn hạt?"

"Lúc đó là thời bị chiếm đóng. Chủ yếu là chỉ ăn bánh mì với mứt mà thôi. Anh nghĩ là thời đó người ta làm mứt từ củ cải trắng mà ra."

"Chỉ có chừng đó thôi phải không?"

"Ý em hỏi sao, chừng đó?"

"Anh chỉ nhớ được chừng đó?"

"Chưa đủ sao? Tại sao phải nhớ hết mọi chuyện?"

"Kể cho em đi."

Chàng nhún vai.

"Anh chẳng nên nhớ những chuyện khác."

"Có nhiều không?"

"Cũng đủ."

"Cũng lạ thật."

"Cái gì lạ?"

"Mình biết quá ít về nhau."

"Quá ít?"

"Ít kinh khủng. Mỗi ngày anh lại mỗi khác."

"Nhưng em không thích những ký ức của anh. Mỗi khi anh định kể, em lại bảo anh ngừng lại."

"Em muốn nghe những chuyện khác."

"Nhưng đó là những chuyện quan trọng nhất."

"Em muốn anh quên đi những chuyện đó. Đo là điều đâu tiên em muốn làm cho anh. Đừng nhớ những chuyện đó, anh nhé."

"Như thế thì em thực muốn biết gì ở anh?"

"Giả dụ như hiện nay anh đang nghĩ gì?"

"Và nếu những ý nghĩ tầm bậy thì sao?"

"Kệ nó. Dù sao người ta không đi Bielany với ông Einstein. Anh nói đi."

Anh ngồi ôm gối. Nàng nâng mặt anh lên: anh có những nét trong sáng, điềm đạm, nghiêm trang so với một thanh niên. Anh nhắm mắt lại, những đường nhăn hai bên mép cho thấy những khổ sở. Anh nói:

"Anh đang nghĩ đến khi những dằn vặt này chấm dứt, những lần gặp gỡ trong những quán cà phê, trong công viên, trong rạp hát… Mấy bức tường, Agnieszka ạ. Bốn bức tường. Ở với em một tuần. Chỉ một ngày và một đêm sống với em, rồi sau đó anh chết đi cũng được. Thật là kinh khủng: một ngày anh sống thiếu em đúng là một ngày bị đánh cắp. Và biết bao ngày như thế đã trôi qua? Và còn bao nhiêu ngày như thế nữa? Bắt đầu là những năm đó, bây giờ là lang thang, vô định… Không ai trả chúng lại cho chúng ta, không có ngày nào trở lại đâu. Chúng ta có thể đã mất bao nhiêu ngày đẹp đẽ như thế? Và tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa?"

"Đừng nói những chuyện đó, Pietrek."

"Đôi khi anh không muốn tin vào những điều đó. Chúng ta đơn độc, hoàn toàn đơn độc, em có biết thế không. Không có ai giúp chúng ta đâu, cho dù em van xin đến thế mấy và em xin đến ai đi nữa. Anh nghĩ rằng không có ai ở bất cứ đâu có thể cho chúng ta những bức tường. Chúng ta phải chờ đợi – thế đấy. Chúng ta phải chờ, phải đợi, chờ đợi rất lâu, và nếu cuối cùng chúng ta đạt được điều mình muốn, có lẽ lúc đó chúng ta đã hết hơi rồi, không còn thú vị gì nữa. Lúc đó thì chúng ta đã bỏ phí biết bao nhiêu ngày của cuộc đời mình. Tệ hại nhất chính là điều này."

"Nhiều người cũng không có bức tường nào đâu."

"Rất nhiều người chẳng có gì cả, nhưng đó có phải là lý do đâu."

"Cuộc sống thế đấy anh ạ."

"Anh không thích câu này. Nói cho cùng, nó nghĩa là gì?"

"Tất cả."

"Và không có gì cả."

"Cũng có thể là như thế. Bây giờ là mùa hè. Anh phải kiếm chỗ nào đi nghỉ đi, Pietrek. Để thư giãn một tí.".

"Và sau đó khi trở về mọi chuyện lại trở lại y nguyên như cũ. Chúng ta lại mong đợi nhau, vội vã hôn nhau ở cửa khi chiều tối. Rồi chúng ta mất ngủ đêm này qua đêm khác, chúng ta cứ nghĩ mãi làm sao được giúp đỡ và ai giúp chúng ta đây. Và chúng ta tiếp tục xa nhau như thế. Chúng ta nhớ nhau điên cuồng, dằn vặt nhau, cãi nhau, và nặng lời với nhau. Không phải vì chúng ta không yêu nhau. Không phải thế. Chỉ vì chúng ta không có những bức tường. Nếu Romeo và Juliet mà sống ở Warsaw trong năm 1956 thì có lẽ họ cũng không bao giờ gặp nhau đâu. Và điều tệ hại nhất là không ai có lỗi cả."

Anh im lặng, nhìn lên chóp xanh trên cao của ngàn cây, và nói:

"Điều khổ sở nhất là anh yêu em. Với những người khác chuyện này hẳn quá dễ dàng."

"Cái gì?"

"Tất cả và không có gì cả."

Anh nằm ngửa mặt nhìn lên trời, đầu gối lên hai tay. Qua ngàn cây xanh rì và dày đặc, anh nhìn mặt trời đỏ đang xuống dần. Nhưng cảnh tượng này không kéo dài. Khu rừng bắt đầu sẫm tối và lá cây đã mất màu. Gần đấy là một trường bắn, mấy người lính vừa chấm dứt một ngày thao tập ở đó đang trở về trại, vừa đi vừa hát: "Đêm quá dài." Họ kéo dài vần cuối, nhưng đột nhiên ngưng bài hát, để cho một người hô lớn nhịp "Ba, bốn," và họ lại đồng ca: "Đừng để phí." Một ngọn gió buồn buồn thổi đến từ bờ sông thoảng hơi ấm.

"Pietrek này."

"Gì em?"

"Anh lấy được căn phòng đó chưa?"

"Rồi."

"Ngày mai?"

"Vâng."

"Bạn anh không ở đó chứ?"

"Chúng ta sẽ chỉ có một mình."

"Anh không nói là anh sẽ đến với em chứ?"

"Không."

"Thế em nói sao với trong nhà đây?"

"Tốt nhất là đừng nói gì cả."

"Em phải nói. Mẹ em dễ phát khùng lắm."

"Nói là em phải ra ngoài thành phố."

"Đi đâu?"

"Đâu cũng được."

"Để làm gì?"

"Làm bất cứ gì?"

"Anh nghĩ ra một việc gì đi."

"Đi Podkowa Lesna. Thăm người bạn. Học chung với nhau. Tại sao em lại hỏi thế? Em bao nhiêu tuổi, Agnieszka?"

"Khi ở với anh, em hai mươi hai. Còn anh bao nhiêu?"

"Một trăm."

"Sao anh nói thế?"

"Cái ngày trên giấy khai sinh thì có nghĩa gì? Trên trái đất này có những nơi một ngày dài như một thế kỷ. Cứ đến đó rồi biết."

"Anh bị bắt năm nào?

"Năm mươi hai."

"Chuyện đó sẽ không xảy ra nữa chứ?"

"Nếu mà nó cứ xảy ra lại, nếu mà nó lại lập lại, thì chắc không ai còn sống sót được đâu… Khi anh ở đó, anh nghĩ về em, em có biết không?"

"Ở đâu?"

"Ở Mokotow."

"Lúc đó anh đã quen em đâu."

"Điều đó không quan trọng. Anh nghĩ rằng nếu anh ra khỏi đó, anh sẽ gặp em. Và chúng ta không bao giờ phải xa nhau, và anh sẽ không bao giờ phải trở lại nơi đó. Mỗi một ngày anh chết khi trời mọc, và cuối ngày anh lại hồi sinh. Người chỉ huy ở đó là một tên đại tá. Ông ta thường bảo tụi anh: Đây là Mokotow. Ai mà ra khỏi đây được có thể đi mua vé số. Khi thẩm vấn tù nhân, ông ta rống lên: ‘Chúng tao sẽ giết tụi bây theo cách của Bôn-sê-vích. Một phát đạn bắn sau đầu…’ Những khi đó anh nghĩ về em."

"Thế ông ta bây giờ ra sao?"

"Ông chỉ huy trưởng đó hả?"

"Vâng."

"Ông ta bị bắt. Anh đọc được ở đâu đó."

"Thế anh có vui không?"

"Trễ quá nên chẳng thấy vui gì."

"Anh không còn nghĩ về chuyện đó nữa phải không?"

"Nếu anh không có em, chắc anh bao giờ cũng nghĩ về nó. Bây giờ anh nghĩ em là người mà số phận đã cho anh để đền bù, để chuộc lại những ngày đen tối đó. Chỉ có em mà thôi. Nhưng khó mà quên lắm, anh bảo em, Agnieszka ạ. Có những chuyện mà người ta có lẽ không bao giờ có thể quên được. Anh nhớ có một lần…"

"Bây giờ, mọi chuyện sẽ thay đổi nhiều, phải không?"

"Tại sao em luôn luôn phải nói thế?"

"Em phải nói thế."

"Được, thế thì mọi việc phải khác đi."

"Khi chúng ta đã có một nơi, chúng ta sẽ không để ai vào trong suốt một năm. Chúng ta sẽ treo một tấm bảng ở cửa: Chủ nhà đi vắng một năm."

"Khôi hài thật đấy."

"Tại sao?"

"Có lúc anh ở chung phòng giam với một người có cùng giấc mơ như thế. Anh ta nói: ‘Sau khi tôi ra được cõi thiên đường này, tôi sẽ bế môn và không thèm để ý gì đến chuyện đời nữa. Mẹ kiếp tôi không ham tự do bay nhảy nữa.’ Anh thấy là mơ mộng thì trong hay ngoài tù đều giống nhau."

"Chúng ta sẽ sắm bàn ghế loại gì?"

"Đôi khi không ai có thể ngủ được," Piotr nói, và Agnoieszka biết ngay rằng anh sẽ không bao giờ để tai nghe bất cứ gì cô muốn nói, ngược lại bây giờ cô phải nghe anh nói, dù cho cô đã biết hết tất cả những mẩu chuyện anh kể về nơi đó. Piotr nói: "Tụi anh chỉ được nói thì thầm. Nhưng tụi anh kể hết cho nhau nghe chuyện của mình – những ảo vọng và cả những thực tế. Không ai biết tại sao hay để làm gì mà cũng không ai thực sự nghe hay để tâm. Mọi người cho quay lại cuốn phim của cuộc đời mình trong đầu. Mỗi người chỉ nghĩ về mình, nghĩ đến những cuộc phiêu lưu của mình dù cho chúng thực sự chưa hề xảy ra…"

"Đừng nói những chuyện đó nữa. Nghĩ đến nhà chúng ta. Đến con chúng ta. Mình sẽ đặt tên con là Fyodor, như tên của Dostoevsky nhé."

"Anh nhớ tất cả mọi chuyện. Cả cuộc đời của anh. Mỗi một chuyện nho nhỏ cuối cùng đã xảy ra. Anh nhớ lại từng người anh đã có dịp nói chuyện với họ. Tất cả những lời người ta nói ra. Mỗi một ngày. Mỗi một đêm. Cuối cùng đến một lúc anh có thể cố gắng nhớ lại được từng ý nghĩ anh từng nghĩ. Những gì anh đã nghĩ một năm, năm năm, mười năm trước đây. Anh đã làm gì nên nỗi? Vào lúc nào trong cuộc đời anh đã phạm những lỗi lầm chết người, điều mà anh mảy may không biết gì. Điều mà không ai nói gì với anh? Có phải một người bạn của anh đã làm chỉ điểm? Có phải một người nào đó đã làm việc cho cảnh sát chính trị? Ai là người có trách nhiệm đặt anh vào chỗ anh đang ở lúc đó? Ông ta người như thế nào? Già hay trẻ? Độc thân hay có gia đình? Anh đã gặp ông ta ở đâu? Quán rượu, trong trường học, trên phố, hay trong sân vận động? Câu chuyện bắt đầu như thế nào? Anh đã nói gì với ông ta? Đôi khi trong ý nghĩ của mình anh chợt nghi người này, người nọ, một người mà bỗng nhiên hẳn phải là người anh đang tìm kiếm. Và rồi anh nghĩ: đúng là ông ta, không thể là người khác được, hẳn phải là người này. Mình đã làm gì ông ta? Ông ta đã làm gì? Ông ta làm thế nào mà đưa mình đến đây được? Ông ta chủ định làm thế, hay mình bị bắt cùng với ông ta? Anh cảm thấy uất lên vì oán hận, rồi bỗng nhiên lại một bộ mặt khác xuất hiện trong đầu, và tất cả lại bắt đầu trở lại và anh cố nhớ xem mình đã gặp nhân vật mới này ở đâu, ông ta mặt mũi ra sao, anh đã nói gì với ông ta, và ông ta có thể đã báo cáo điều gì về anh."

"Đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Đừng nói chuyện đó nữa. Nghĩ xem ngày mai sẽ ra sao. Sẽ không có ai ngoài chúng mình. Anh sẽ nằm cạnh em. Em sẽ ôm anh, rồi anh sẽ không còn nghĩ đến chuyện đó nữa. Anh không còn nghĩ đến căn hộ, nhà tù, và những gì dằn vặt anh. Điều duy nhất quan trọng là một ít thời gian ngắn ngủi mình còn có trước khi trời sáng. Phải không?"

"Đúng đấy, Agnieszka. Nhưng ông ta là ai? Có bao giờ anh biết được hay không?"

"Anh cứ nghĩ là anh sẽ không bao giờ biết được đi. Anh cần gì ở ông ta bây giờ nào? Anh muốn trả thù chăng?"

"Không đâu, không đâu. Anh chỉ muốn nhìn vào mặt ông ta, dù chỉ trong giây lát. Nhìn mặt ông ta trong giây lát. Có thế thôi. Anh nghĩ chỉ một lần được nhìn mặt ông ta anh cũng có thể hiểu được nhiều điều về cuộc đời mình. Có lẽ hiểu hết không chừng. Đôi khi anh nghĩ thế đấy. Và anh nghĩ anh sẽ đánh đổi tất cả những gì anh có để hiểu được điều đó."

"Ngay cả em ư?"

"Ngay cả em."

"Nếu thế thì tốt hơn cả là anh đừng bao giờ biết bất cứ gì về việc đó. Bây giờ mình phải đi về thôi."

"Sớm thế sao?"

"Tối nay em cần phải học một tí…"

"Agnieszka này!"

"Gì đó, anh yêu?"

"Giả dụ như anh không có em, có lẽ anh chẳng ham sống. Bây giờ đây em là niềm tin duy nhất của anh. Chỉ có em. Anh cho rằng anh có quyền suy nghĩ như thế. Ôi nếu anh không có em, anh sẽ không ngại làm bất cứ gì để cho tan hoang tất cả, anh sẽ tự huỷ mình, để không bao giờ phải yêu, phải tin, phải đau khổ nữa. Không có em thì phía bên này chấn song nhà tù cũng chẳng có nghĩa gì với anh, bên này cũng giống như bên kia thôi. Em hiểu thế không?"

"Em hiểu, nhưng đừng nói chuyện đó nữa. Anh nghĩ đến ngày mai đi."

"Đồng ý."

"Hứa với em đi. Hứa với em là anh chỉ nghĩ dến ngày mai thôi, anh sẽ không nói đến chuyện gì khác. Anh nhé?"

"Ừ."

"Anh đưa em về nhé?"

"Sao em phải hỏi?"

Họ ngồi dậy và bước về hướng trạm xe điện. Khu rừng bây giờ nằm im lìm, mênh mông trong buổi hoàng hôn. Các chóp ngọn cây lẫn vào nhau và nhập vào trong bầu trời tối.

 

[còn tiếp]

 

-------------------
Hình ở đầu trang: Một cảnh trong phim Ngày thứ tám trong tuần (1958)

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — "nhà văn nổi loạn" nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021