thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 5 & 6]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Những kỳ trước: [1 & 2][3][4]

 

5

 

Phố Brzeska chưa vào giấc ngủ. Hôm nay là ngày 15, những ngày lãnh lương luôn luôn như vậy, đàn ông thường đứng tụ tập trước cửa nhà. Họ mặc áo không cài nút; ngực, tóc và mặt mũi đẫm mồ hôi. Trước khi ngày ra đi hẳn, bầu trời xám xịt còn đè nặng trên những mái nhà, thân thể con người, vỉa hè, cây cối. Có người đứng, có người ngồi; người đi từ đầu phố đến cuối phố, nhập vào nhóm người này rồi lại tấp vào nhóm khác; từ cột đèn đường này đến cột đèn đường nọ; có người ngồi dựa tường trên những đám cỏ bị dẫm nát; vài người thò những chiếc đầu bù xù ra khỏi những cửa sổ dơ bẩn ở tầng trệt – ai cũng say sưa uống tu từ chai : bia, vodka, rượu rẻ tiền; họ bị sặc khi uống, rượu chảy xuống bàn tay, đổ trên áo đẫm mồ hôi và chảy cả trên thân mình nhễ nhại. Như một con thú mệt mỏi, gió thổi hỗn loạn trên lề đường, mang theo mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, hơi thở nặc nồng mùi rượu. Lẫn trong đám đàn ông này là những người đàn bà bước lui bước tới, vài người máng lên người những chiếc áo ngủ cũ kỹ hay những chiếc áo khoác ngoài choàng vội lên thân mình chỉ có đồ lót bên trong, vài người khác lại mặc những chiếc áo màu sáng có những vết nửa vòng tròn do mồ hôi bám ở cánh tay; vài người đang thúc giục mấy người đàn ông trở về nhà; vài người khác đi vào phố để tiếp tục thong dong. Họ cãi nhau với mấy người đàn ông, kéo những người đàn ông này ra khỏi các nhóm bạn, giằng lấy mấy chai rượu ra khỏi những bàn tay đang cố níu lại; và họ lên tiếng la mắng mấy người đàn ông bằng những lời lẽ thô bỉ của chính mấy ông.

Agnieszka không lạ gì với cảnh tượng đường phố trong những ngày lãnh lương; cô biết phố xá này sẽ như thế nào trong những ngày thứ bảy, chủ nhật, và những đêm trước những ngày nghỉ. Mỗi khi cô gặp phải những đám người ồn ào đang đứng đầy đường từ bức tường này đến bức tường nham nhở khác, cô luôn luôn thấy sợ hãi tràn ngập – một nỗi lo sợ nặng nề, ngột ngạt, quen thuộc một cách khó chịu, vì cô đã phải sống với nó nhiều năm rồi. Cô cố bước nhanh qua họ, cố tránh những người say, và đẩy những người đàn ông qua một bên khi cô tránh được người này thì vấp phải người kia. Hôm nay cô cầu sao có thể an toàn vượt qua những cặp mắt đang hau háu nhìn mình.

Cô nép sát người vào Piotr và nhắm mắt. Hai người đi vào phố quàng tay nhau. Cô chỉ còn cách nhà khoảng vài trăm mét, và cô đã nghĩ hai người sẽ vượt qua được đám người trên phố mà không ai để ý gì. Nhưng rồi từ một cửa nhà nơi có một nhóm đông người đang đứng, mặt của họ chìm trong bóng tối, có một người nói với Piotr:

"Coi chừng con nhỏ đó nghe. Nó xỉn đó."

Piotr sấn tới nhưng Agnieszka lấy hết sức giữ anh lại:

"Đừng anh, em van anh, đừng!"

"Thả anh ra!"

"Chúng sẽ giết anh đấy!"

Nàng bấm mạnh móng tay vào lòng bàn tay của chàng, càng lúc càng bấm mạnh hơn, đến độ cô như cảm thấy được nhịp đập trên gân trong lòng bàn tay. Nàng nói nhỏ:

"Nếu anh làm gì, em sẽ không đi với anh nữa đâu, em không đi, em không đi."

Họ tiếp tục bước đi. Có người nói:

"Sao lại làm phiền cô ta? Tôi biết cô này mà."

"Cô ta tử tế con nhà lành không đấy?"

"Chắc đi chứ."

"Để yên cô ta đi, mấy tên nham nhở."

"Ma cô mới đúng. Ma cô luôn luôn sẵn sàng chơi."

"Búp bê ơi!"

"Này em ơi, em chỉ cho anh một lần, anh cũng sướng chết thôi."

"Chào cô bé."

"Đừng có quá ngại ngùng."

"Trông giống như geisha thứ thiệt."

"Đã thử cô ta chưa?"

"Tao hả? Tao không dám với cao đâu. Tao là người khiêm tốn lắm."

"Mày kiếm đâu ra hơi sức mà làm? Bộ ăn khoai mà có sức hả?"

"Đừng lo. Em mà chịu thì tao làm sáu lần còn được."

"Có lẽ cũng phải mất sáu tháng."

Agnieszka thì thầm:

"Đừng anh, đừng."

"Em ơi, em ở một mình phải không?"

"Tao cũng muốn thử đấy, nhưng tay anh ta cứ giữ riết chỗ đó."

"Em chịu chơi lắm, Zfyszko. Mày sẽ bị gục đó."

"Chúa ơi, nếu mà em chịu tao!"

"Hỏi em đi. Nhỡ em lại rộng lượng thì sao."

"Em khó thể rừ chối lắm."

"Chỉ một em bé như thế mà Michalowski tàn đời."

"Lậu ư?"

"Hoa liễu."

Agnieszka lại thì thầm cản anh:

"Đừng, đừng…"

"Rất xinh!"

"Lạy trời! Chỉ một cú thôi, rồi con chết cũng đành."

"Tao sẽ quầng nó cả đêm."

"Đúng là thứ nóng bỏng."

"Thế thì sao?"

"Đừng lo quá. Châu chấu còn đá được voi nữa là."

"Đừng đút cái đầu của mày xuống."

"Tao có thể ngẩng đầu lên. Nhưng ai sẽ kéo nó lên?"

"Cái thằng mặt lầm lì này không biết nó đã thực sự làm con này chưa?"

"Hẳn nó phải nhảy xổ dến như con thỏ, lăng xăng như một tên thợ hớt tóc."

"Nhưng nó có làm cho con nhỏ ra được không? Tướng nó quá bạc nhược."

"Hỏi nó xem."

"Này anh bạn ơi! Bạn làm ăn như thế nào?"

"Này, để tôi cho ông bạn mượn cái của quí của tôi!"

"Này đừng làm thế. Có lần tôi cho người bạn mượn cái của tôi khi anh ta lấy vợ, và cứ xem anh ta trả lại cho tôi như thế này này."

"Tôi xem đây, mà có thấy gì đâu."

"Vấn đề chính là ở chỗ đó."

"Hỏi xem em muốn bao nhiêu?"

"Ông có bao nhiêu đó."

"Hai mươi đồng."

Họ rẽ vào cửa nhà mình. Tối đen ở đó, và họ cảm thấy cảm ân bóng tối. Đường phố giờ đã yên, họ chỉ còn nghe hơi thở lạnh lẽo của chính mình. Agnieszka tựa mạnh vào tường, họ phải ngừng lại để thở. Mặt của nàng nổi lên trên bức tường – một mảng xanh xao. Anh nhìn thấy nét hoảng sợ trên gương mặt đó. Có mùi hăng hăng của nước tiểu, của thuốc giặt áo quần, thoảng xuống từ lầu trên. Một xe tải chạy ngang qua ầm ầm, có tiếng mèo kêu từng chặp. Pietrek khàn giọng nói :

"Không có gì cả. Không xảy ra gì cả. Anh chỉ nhớ có khu rừng của mình. Anh chỉ biết có ngày mai thôi. Em nghe anh nói chứ?"

Anh cố nắm lấy tay cô nhưng cô giật tay ra. Cô im lặng và một lần nữa anh chỉ nghe nhịp thở mạnh của cô. Trong phòng của người bảo vệ, máy phát thanh vang lên tiếng hát khàn khàn: "Ta sẽ đi theo con đường lát bạc giữa những khu vườn…" Có người đột ngột tắt máy; một lần nữa chỉ có im lặng thêm sâu lắng khi có tiếng mèo kêu. Pietrek lập lại:

"Không gì xảy ra cả. Ngày mai vào giờ này chúng ta sẽ ở bên nhau, ngày mai vào lúc này…"

Anh đưa đôi tay ra định nâng đầu cô gái. Nhưng bất ngờ cô lấy hết sức mình vung tay xô vào mặt của anh. Anh lùi lại, vấp phải một cái thùng nằm trên đất và ngã xuống. Đầu của anh va mạnh vào nền nhà. Cô gái kêu lên:

"Anh đi đi. Đi đi. Đi!"

Rồi không quay lại, cô vội vàng chạy biến lên cầu thang, nhảy ba nấc một.

 

6

 

Về đến nhà, nàng máng chiếc áo khoác ngoài và đi vào phòng khách, người như mất hồn, run rẩy toàn thân. Cha nàng đang tập đi ngược đầu. Chiếc áo của ông bung ra ngoài quần. Mặt ông bạnh ra vì gắng sức, mắt ông đỏ ngầu; ông thở nặng nề, mồ hôi nhỏ giọt từ chiếc đầu hói; cái cảnh này thật không đẹp mắt tí nào, Agnieszka quay mặt nhìn chỗ khác. Nàng thấy bực bội vì cái đam mê này của cha, dù rằng nàng vẫn cảm thấy có phần thương hại ông. Khi thấy nàng, ông nhảy tung người và đứng trước nàng, tươi mặt vì hài lòng. Ông hỏi:

"Con thấy ba vẫn còn ngon lành đấy chứ?"

"Có lẽ cũng khá đấy."

"Mấy người trẻ như con không hiểu thể lực dồi dào là gì đâu. Đôi khi, nhìn những người ốm yếu, bạc nhược, quả tình ba thấy thương cho họ: người ta ngày nay mềm yếu như con sên."

Ông lấy cái máng trên ra khỏi tấm kính soi và khéo léo đặt nó vào chỗ. Ông vẫn còn gồng bắp thịt ở tay, bắp thịt trông chắc và tròn, chạy lui chạy tới như những con chuột nhỏ dưới màu da bạc của ông. Ông đốt một điếu thuốc và gắn nó vào một ống điếu bằng gỗ. Rồi ông lại lên tiếng:

"Ba không tin người ta sẽ cho ba nghỉ việc."

Cô nhún vai, hỏi:

"Tại sao ba có ý nghĩ đó?"

Ông cười buồn bã:

"Con cười, nhưng không hẳn buồn cười đâu. Bây giờ, họ cho người già thôi việc nhanh lắm. Mà kiếm việc nào có dễ gì. Gần đây ba phải giải quyết vụ một ông già thâm lạm công quỹ nhiều năm qua để dành tiền cho tuổi già. Ông ta rồi cũng thoát được, cuối cùng người ta chỉ nói ông ta thiếu tinh thần trách nhiệm. Có nhiều vụ như thế lắm."

Ông không nói nữa mà nhìn vào bàn tay của mình. Bỗng nhiên ông nhìn thẳng vào mặt Agnieszka và hỏi, trong giọng của ông cô cảm thấy có sự âu lo:

"Agnieszka, trông ba có vẻ già đến năm mươi lăm tuổi chưa?"

Ông nhích mặt đến gần mặt nàng, nàng cảm thấy hơi thở của ông chua và nặng. Ông trông già hơn tuổi nhiều lắm; mặt ông nhăn nhúm, đầu ông hói, da của ông đầy những dấu vết của bệnh gan, và dưới mắt là những túi nặng nề. Ông đã sụp đổ, tiêu vong, đúng như nghĩa của nó, vì chiến tranh, vì bần cùng, vì thiếu ăn: thân hình vạm vỡ của ông trông mạnh như một con thú tương phản với nét mặt già nua. Cô nhìn chăm chăm vào mặt ông một lúc – cô liên tưởng một con chó già khốn khổ; cô không thể nào so sánh cách khác được. Cô nhìn hướng khác và phá ra cười. Cô nói:

"Trông ba nhiều lắm là bốn mươi. Nói chung, con nghĩ ba không việc gì phải lo lắng. Nhiều người chỉ mong có được sức khoẻ như ba."

Ông thở ra khoan khoái. Ông nói:

"Con phải tập thể dục, có ích nhiều đấy." Rồi ông chợt đổi đề tài, hỏi: "Grzegorz đâu rồi?"

"Con không biết. Con vừa mới về. Có ai đến kiếm anh ấy chăng?"

"Không. Con nghĩ anh con có thể ở đâu giờ này?"

Người mẹ, cho đến giờ vẫn nằm im, nay lên tiếng:

"Tại sao lại hỏi nó. Nó có cần biết việc gì đang xảy ra trong nhà này đâu. Nó còn phải đi rượn với bạn của nó, đó là điều quan trọng nhất đối với nó. Ông chết cũng được, tôi chết cũng được, miễn là nó được tự do với bạn nó."

"Thế mẹ muốn con đi với mẹ phải không?"

Người mẹ ngồi dậy; hai người nhìn nhau chăm chăm một lúc, rồi người mẹ nhắm mắt lại, mặt của bà nay lại mang vẻ đau khổ thống thiết của người tuẫn đạo. Agnieszka đóng sầm cánh cửa và đi vào nhà bếp. Không cần phải bật đèn, cô đặt ấm trà lên trên bếp ga. Chỉ có lúc đó, khi nhấc lấy ấm nước nặng nàng mới cảm thấy đau ở tay. Nàng đưa tay lên ngang tầm mắt để xem qua ánh sáng của ngọn đèn đường chiếu hắt vào – những đốt xương bàn tay bị tím bầm. Nàng nhìn ngọn lửa xanh đang xì xụp và nghĩ: "Ngày mai anh sẽ không đến. Ngày mai chìa khóa sẽ nằm dưới thảm, như anh đã đồng ý với Roman, không ai đến lấy nó. Nếu có một máy đọc ý nghĩ con người, hẳn anh phải biết những gì đang đến với em. Em không chắc có bao giờ tự em có thể nói với anh. Người ta không thể hiểu nhau những chuyện như vậy. Như thế người ta có thể hiểu nhau những chuyện gì? Khi người ta vay mượn nhau mười đồng, một đôi giày, hay một cái vắt áo quần. Đó là giới hạn của khả năng của chúng ta. Có người nói là bóng đêm tách biệt người và người; hai chúng mình đã nghe nói như thế. Và đây là ngọn lửa từ bếp ga. Nó cho một ít ánh sáng, một ít hơi ấm. Chúng ta có thể pha trà. Hay nấu cháo sữa ăn sáng. Nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn thế. Mình có thể ném cái ấm đi, khóa cửa phòng lại, thổi tắt ngọn lửa, và cố đừng nghĩ đến chuyện gì. Không nghĩ là cha đang dần trở thành con khỉ; lát nữa em phải trở ra với họ và lên giường ngủ, chắc chắn ngày mai chúng ta không gặp nhau…"

Cha của cô đi vào. Ông nói: "Mẹ con muốn uống trà pha từ ấm." Ông bước đến góc phòng, với tay định bật đèn. Nhưng Agnieszka lên tiếng, mặt của cô còn đẫm nước mắt:

"Ba đừng bật đèn."

Ông ngừng tay.

"Con đang mơ chăng?"

"Đúng."

Ông ngồi xuống, bó gối như thường lệ. Một lúc, ông chồm người về phía nàng, ông hỏi, cố lấy giọng tự nhiên:

"Ba muốn biết chuyện gì có được không?"

"Một ông hoàng trong truyện cổ tích."

"Hoàng tử có lâu đài không?"

"Hiện nay thì không, nhưng trước đây ông ta đã sống nhiều năm trong một lâu đài."

"Lâu đài bằng pha lê phải không?"

"Vâng, và xi-măng cốt sắt."

"Chàng ta thấy được gì từ cửa sổ?"

"Tuỳ thôi. Con nghĩ chẳng thấy gì nhiều. Người ta đặt chấn song bằng sắt ở cửa sổ để cho không ai tính đến chuyện bỏ chạy. Có lẽ họ chỉ có một ý định nhân bản trong việc này, nhưng nếu có ai đó cho ba nghe một bài hát về một người tù nhìn bầu trời xanh từ chấn song, ba có quyền không tin vào chuyện đó. Trong thực tế, người ta không thể thấy gì."

"Con nói gì thế, Agnieszka?"

"Không sao cả. Không có việc gì cả. Ba trông giống như người bốn mươi lăm. Năm tới sản lượng bánh xe máy cày sẽ tăng 15 phần trăm. Cuối cùng, Zawadzki sẽ dọn đi, và bầu trời của chúng ta sẽ không trống vắng: vài tuần trước, tất cả báo đều đăng hình máy bay phản lực của Ba Lan. Ta cũng sẽ xuất xe hơi Ba Lan qua Pakistan, và số thợ mỏ mà là những người nuôi ong tài tử sẽ tăng bốn lần. Mọi việc đều tốt đẹp, "vàcô kêu lên – nhưng xin đừng bắt con nói cho ba nghe con nghĩ gì và nghĩ như thế nào!"

Ông đứng dậy và đến gần cô, hạ thấp giọng, đặt tay lên vai cô:

"Mẹ con đã làm con bực mình. Nhưng con phải nhịn bà. Con nhớ là bà liệt giường nhiều tháng rồị mà không có bệnh viện nào muốn nhận bà. Con biết là bệnh viện nào bây giờ cũng nghẹt người. Con phải chiều bà mới được."

"Mẹ bệnh không chữa được. Bác sĩ biết rành hơn ba chứ. Họ không nhận mẹ vì họ phải lo chữa những người khác. Mẹ sẽ chết ở đây thôi."

Ông buông lỏng tay và nặng nề ngồi xuống. Cô thấy ông đang nhìn mặt mình, nên càng cố ngồi lẩn vào trong tối. Một lúc, ông nói:

"Cuối cùng người ta cũng nhận thôi."

Nhưng Agnieszka nói chắc:

"Không đâu. Đừng mang ảo tưởng nữa. Trong hoàn cảnh như thế, khi mà những người khác cũng không có chỗ thì chắc họ không thể nhận mẹ đâu. Mẹ phải ở với mình mà thôi."

"Thế con không thương mẹ ư?"

Agnieszka nhún vai:

"Số phận của mẹ liên quan đến con."

Ông đưa tay vuốt trán. Bỗng nhiên cô thấy ông già sụm lại, và bây giờ rõ là một ông già khốn khổ, cho dù ông có lên gân đến chừng nào. Ông nói:

"Ba cũng thường nghĩ đến chuyện này. Đó có lẽ là điều tốt nhất cho mẹ con. Tại sao bà phải chịu đựng không cần thiết như thế trong nhà này, với cha, với con, với những tên say ngoài đường? Cuối đường bao giờ cũng là hết. Ta phải biết thời khắc đó, khi tất cả đều đã ở đàng sau. Tuổi già cũng đang đến với cha. Cần có nhà cho những người già giải quyết cuộc đời của họ mà không đau đớn gì. Khi cha trở nên vô dụng, cha sẽ yêu cầu Grzegorz cho cha vài viên thuốc ngủ. Có lẽ lúc đó cái học hóa chất của nó cuối cùng lại hữu dụng."

"Thế thì ba lo rầu chuyện gì? Ba sẽ gặp mẹ trên trời, ở đó hai người lại tiếp tục sống với nhau cuộc sống hạnh phúc. Bây giờ thì chuyện tầm phào này đã đủ. Ba bật đèn lên đi, con sẽ pha trà hoa lài cho."

Ngoài phố có tiếng hát. Cô đóng mạnh cửa sổ và bước về phía lò, rồi đứng nhìn sửng một nắp nồi, những ý nghĩ lại miên man đến với cô: "Anh bây giờ đang ở đâu? Anh đang thấy gì, nghĩ gì? Làm sao người ta có thể tìm lối ra được trong đám hỗn độn những người saỵ, người điên, người khùng. Ước gì em bây giờ được thấy anh ra sao? Ngày mai ta còn gặp nhau chăng? Nếu mai đây còn gặp nhau, mình sẽ nói gì với nhau. ‘Em xin lỗí’ – không, em không nói thế đâu. ‘Em không tự chủ được’ – không, em cũng không nói thế. ‘Em không biết tại sao mình lại làm như thế’– cũng không. Anh biết gì không? Mình đừng nói gì với nhau cả. Mình sẽ không đá động gì đến việc đó. Chúng ta sẽ kiếm ngay chiếc chìa khóa; mình sẽ mở cửa và cuối cùng mình cũng có được bốn bức tường kín đáo chung quanh, không có ai ở đó, không có những ký ức đau thương, tất cả, tất cả đều có thể xong cả…

Lại có giọng người mẹ kêu lên từ phòng ngoài:

"Nước đang sôi kìa. Không ai nghe nước sôi hả?"

Agnieszka giật mình, cha cô cũng thế. Họ nhìn nhau cười. Cô nói:

"Con đi ra ngoài một lát. Con bị nhức đầu."

"Đi gặp Zawadzki đi," cha cô nói, "hẳn nó phải vui."

"Anh ấy có còn loay hoay với cái xe mô tô không?"

"Còn chứ."

Nàng lại mỉm cười, nói:

"Đừng lo. Mọi việc rồi sẽ ổn thỏa. Ngày chủ nhật ba sẽ đi câu. Đó mới là chuyện quan trọng."

Ông thở dài, nói:

"Hai ngày nữa. Ba phải chờ thôi."

"Có đáng là bao. Rồi ba sẽ thấy dễ chịu hơn."

Cô mặc vội chiếc áo khoác ngoài và chạy xuống cầu thang. Ở một góc sân bên ngoài, Zawadzki đã dọn cho mình một nơi sửa xe từ bãi gạch vụn, nơi mà anh ta để chiếc mô-tô của mình. Cô thấy anh ta đang ngồi lúi húi với chiếc máy xe. Cô lên tiếng:

"Chào anh. Còn hai ngựa nữa là anh có thể chạy được rồi."

Anh ta đáp, không màng ngẩng mặt lên:

"Có lẽ cô nên đi ngủ đi. Con gái không nên lang thang giữa đêm. Người ta có thể nghĩ tầm bậy đấy."

"Có gì đâu. Em muốn nói chuyện với anh. Cô hôn thê của anh ra sao rồi?"

Cô đi quanh anh ta, trong khi anh ta nghiến răng nói :

"Nếu cô ta nghĩ rằng có thể giỡn mặt được với tôi, thì e rằng cô ta sẽ được một sự ngạc nhiên chẳng thú vị gì."

"Nhiều người đàn ông chì hơn anh còn bị đàn bà gạt nữa là."

Anh ta đột nhiên đứng dậy. Anh nhấc cái bóng đèn điện gắn vào một sợi dây điện dài và để cho ánh sáng chiếu vào mặt mình. Anh nói một cách bực dọc:

"Này Agnieszka. Cô xem kỹ mặt thằng này nhé. Cô xem tôi có thể bị người khác xỏ mũi hay qua mặt hay không?"

Ánh sáng chiếu hắt lên mặt anh ta; vai rộng và dáng người cao lớn, có những nét thô cứng, anh ta trông thật mạnh mẽ. Bỗng nhiên Agnieszka chợt nghĩ: "Mình đã gặp anh ta ở đâu đó trước đây. Không, không phải anh ta. Một người nào đó giống anh ta vào lúc này. Giống anh ta như hệt. Người này cũng khoát tay trái của ông ta cùng một dáng điệu đó. Ở chỗ nào nhỉ và ai đây nhỉ?" Và cô trả lời cho Zawadzki:

"Không, dĩ nhiên anh không phải là người như thế."

"Nếu điều người ta nói là sự thật, thì tôi sẽ đập cho cô ta một trận như mấy tên lính trong quân đội đập một con điếm vì cô ta truyền bệnh cho chúng."

"Cô ta cho anh mắc bệnh gì nào?"

"Tôi e rằng sau chuyện đó, tôi khó mà tin ai được nữa. Trong cuộc sống thì tôi cũng đã biết được nhiều chuyện, nhưng tôi không muốn người đàn bà đầu tiên mà tôi biết lại giỡn mặt với tôi như thế." Anh ta ngẩng khuôn mặt đầy dầu nhớt nhìn cô, nói tiếp: "Tôi muốn tin vào con người. Cuối cùng, đó là điều quan trọng nhất. Mẹ kiếp, cô không hiểu điều đó sao?"

"Anh chưa bị cô nào lừa gạt cả hay sao?"

Anh ta cười không mấy vui vẻ:

"Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ. Lạy Chúa, tôi đã ở trong một trại tập trung, và tôi cũng đã ra mặt trận. Đôi khi tôi nghĩ mình đang ở dưới mấy tầng địa ngục. Dù sao, những kinh nghiệm đó cũng dạy cho ta được điều gì, đồng ý không?"

"Dĩ nhiên," cô đáp và lại nhìn mặt anh ta một lần nữa, tự hỏi: "Mình đã gặp khuôn mặt này ở đâu? Nó như thế nào? Một người đang phấn đấu vươn lên đến tội nghiệp – cái bộ mặt căng thẳng đó diễn tả một sự tập trung thật đặc biệt. Ở nơi nào? Khi nào?" Và rồi cô bảo Zawadzki:

"Em thật lú lấp. Em có lần gặp một người giống anh như hệt. Nhưng em không thể nhớ gặp ở đâu và khi nào. Bây giờ chắc em thức trắng đêm. Thôi chào anh nhé, Zawadzki."

Cô đi trở vào nhà. Ở phòng ngoài, cô đụng đầu cha mình. Ông đã mặc áo khoác ngoài và đang đưa tay với lấy chiếc mũ trên máng. Ông hỏi:

"Con chắc là Grzegorz không nói nó đi đâu chứ?"

"Không, anh không nói gì cả. Anh ấy chỉ nói là sẽ không uống rượu nữa."

"Mẹ không ngủ, bà cứ lo cho nó. Ba phải kiếm nó về."

"Ba đi ngủ đi. Coi chừng ngày mai ngủ quên, đi làm trễ để cho người ta nói? Để mình con đi kiếm anh ấy được rồi."

Và khi đi trở xuống cầu thang, cô lại miên man suy nghĩ: "Anh ơi, anh đang ở đâu? Anh có ra phố uống rượu say như Grzegorz không? Hay anh đang la cà, tán dóc với người ta, nói cho họ chuyện của mình mà không ai liên quan đến trừ chúng mình, anh và em. Có phải anh đang làm thế không? Hay anh đang chong mắt nằm ở đâu đó và thì thầm gọi tên em, Agnieszka, Agnieszka? Có lẽ cũng như em, anh sợ ngày mai? Nếu vào lúc này anh có thể hiểu và cố đoán điều gì, thì anh hãy nhớ: hiện giờ em đang ở bên anh đây. Em ở bên anh dù cho anh đang nằm trong hóc hẻm nào. Ngay cả khi anh đã mất trí và đi tìm một cô gái đứng đường nào đó. Em ở với anh khắp mọi nơi, miễn là anh có nghĩ tới em là được."

Ở cửa, cô gặp Zawadzki đang đưa xe mô-tô ra. Anh nói:

"Tôi phải chạy thử một vòng. Cô đi đâu đây?"

"Đi kiếm Grzegorz."

"Anh cô đang say phải không?"

"Chắc chắn là anh ấy không phải đang quì dâng lễ trong nhà thờ."

Bây giờ họ đã ở ngoài đường. Zawadzki đạp máy, và máy bắt đầu phát động. Anh nói:

"Leo lên đi. Tôi đưa cô xuống phố."

Xe chạy ầm ĩ. Được chừng vài trăm mét, máy xe bắt đầu húng hắng. Xe giật mạnh vài lần rồi ngừng hẳn, chết máy. Agnieszka nhảy xuống xe. Zawadzki nói:

"Lại cái dây ga."

Trông anh cực kỳ chán nản. Họ đứng trong ánh sáng của ngọn đèn đường, tia sáng từ trên chiếu xuống, làm nổi bật những nét khắc khổ của anh ta trên khuôn mặt trông rất bất động. Agnieszka giật mình. Cô nói:

"Bây giờ em biết rồi."

"Cái gì?"

"Em biết đã thấy ở đâu một khuôn mặt giống như mặt của anh. Có lẽ không phải là một khuôn mặt mà là một người đứng trong cách anh đứng hiện nay. Với cùng biểu lộ đó."

"Thế nào?"

"Trong một phim xi-nê. Một tên khủng bố chẳng may giết nhầm một người. Anh ta phải thoát chạy, dù cho đang bị thương. Cả thành phố truy lùng anh ta. Cảnh sát, cớm chìm, cớm nổi, ai cũng muốn bắt anh ta, mỗi người có lý do riêng của mình. Ngay cả cô bạn gái của anh ta cũng tìm anh ta."

"Cô ấy tử tế quá. Rồi sao nữa…"

"Cuối cùng thì cô ta kiếm ra anh này," Agnieszka nói và cười nhẹ. "Cô ta kiếm ra khi anh này đang hấp hối và không còn hơi sức nào mà chạy. Cảnh sát thì đang siết chặt vòng vây; em nhớ là đèn pin của cảnh sát đến càng lúc càng gần. Cô gái quyết định chết với anh ta. Em không nhớ được ngay cả những lời cuối trong phim. Người đàn ông hấp hối hỏi: ‘Còn phải đi xa không em?’ Và cô gái trả lời: ‘Đường còn xa lắm, nhưng ta đi chung với nhau.’"

Nàng ngừng lại.

"Rồi sao nữa?"

"Zawadzki, họ chết chung với nhau. Một tràng đạn của cảnh sát bắn họ chết. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Cho đến phút cuối, họ tin rằng cái chết hiển nhiên là cần, là đáng, không có cách nào khác. Cuộc sống chứa đầy những đe dọa chia lìa, nhưng cái chết làm cho con người sống với nhau."

" Cô điên quá, cô hiểu không?"

"Em hiểu. Thôi chào anh."

Và cô bước đi.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — “nhà văn nổi loạn” nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
Lá dày và phủ cả bầu trời; nằm ngửa mặt nhìn lên, họ chỉ thấy một mảng xanh phía trên nhưng cũng chẳng thấy được những con chim đang líu lo. Cỏ còn nóng bốc ra một mùi hăng, và là là trên mặt đất một ngọn gió thoảng mùi thông và những nụ hoa đầu mùa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021