thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 7]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Những kỳ trước: [1 & 2][3][4][5 & 6]

 

7

 

Nàng đi tìm khắp các quán rượu dưới phố nhưng không thấy anh đâu cả. Nàng đi vào những nơi người có tiền có bạc vui chơi, rồi đến cả những quán mà các viên chức mang theo những chai rượu vodka trong cặp và khui chai rượu dưới gầm bàn. Ở tiệm Kameralna, người gác cửa quen Grzegorz, ông Miecio to lớn, nháy mắt với nàng và nói nhỏ: "Anh cô có đến đây, nhưng sau đó lại tếch xuống phố. Gần đây anh cô thất tình, phải không?" Agnieszka đáp: "Phải." Bây giờ, sau khi nhìn hàng trăm bộ mặt say sưa, và nói chuyện với biết bao nhiêu người canh cửa các quán rượu, cô hoàn toàn kiệt lực; cô bước không vững, chỉ có trong đầu một ý nghĩ: "Buồn ngủ quá, buồn ngủ…" Miecio nắm tay nàng và dẫn nàng vào phòng giữ áo; ông ta lại đổ cho nàng một ly vodka và bảo: "Cô đi đến tiệm Zieleniak đi. Anh ta đến đó để say sưa đó." Ông ta bỏ nàng vào trong một xe taxi và đóng cửa xe lại. Người tài xế ngạc nhiên khi nàng cho ông ta biết nơi nàng muốn đến. Ông ta huýt sáo:

"Cô muốn đến đó ư? Đó không phải là chỗ cho những cô gái trẻ như cô đâu?"

Agnieszka bực mình:

"Quỉ thật, làm sao ông biết chỗ nào là dành cho các cô gái trẻ?"

Ông ta đưa tay điều chỉnh tấm kính chiếu hậu để nhìn mặt nàng; mỗi khi xe đi ngang qua một ngọn đèn đường, ông ta lại cố tình chạy chậm lại và nhìn thật lâu vào kính. Ông ta im lặng một lúc lâu; chiếc taxi, máy chạy ầm ì, lê mình giữa thành phố lặng yên. Cuối cùng, ông ta phá ra cười: "Cô không ra con người như thế. Quả thực là thế." Ông ta thở dài, nói tiếp: "Con người ta đến chết vẫn còn ngu." Ông ta đặt tay vào tắc xi mét, nói: "Cô đến rồi đấy. Vui chơi đi, bây giờ cô là gái lớn rồi đấy."

Cô trả tiền tắc xi và ra khỏi xe. Cô bước giữa các xe ngựa đang đứng im; các con ngựa đã say ngủ, đầu gục xuống, mũi chúi vào các bao đựng thức ăn dành cho chúng. Trên trời không có cả một vì sao lấp lánh; chỉ có chiếc kim phía trên Điện Stalin là chiếu ánh sáng, ảm đạm, máu me. Công trường Zieleniak tối và chết chóc, nhưng cô biết rằng khi mặt trời mọc nó sẽ bộc phát một cuộc sống nhộn nhịp đến ớn lạnh, những vụ làm ăn khả nghi, tiếng xì xoạt của những đồng tiền nhăn nhúm, và những tiếng thì thầm của những câu chuyện vội vàng. Những chuyện thô tục cỏn con thì người ta nói ồn ào, cô suy nghĩ, chân cô suýt dẫm lên một người say, những chuyện vĩ đại thì người ta thì thầm. Còn sự thực thì người ta tránh nói đến. Ai có thể nói sự thực không phải được che phủ dưới lớp những chuyện thô tục tệ hại nhất? Một con ngựa chợt khịt mũi ngay trên đầu cô khiến cô giật mình, nhảy qua một bên và lên tiếng mắng nó.

Nơi đây là một trại lính mênh mông; những người làm trong bến cảng thường lui tới, mang nông phẩm tươi vào cho thành phố. Khi đi vào, nàng thấy anh ngay lập tức. Anh đang ngồi gần quầy rượu, ở một bàn ướt cả bia. Anh đang dùng ngón tay vẽ nguệch ngoạc lên bàn những hình ảnh phức tạp. Ở cùng một bàn là một người say đang ngủ, đầu gã cúi xuống. Khi Agnieszka ngồi xuống bên cạnh anh, Grzegorz vẫn không nhìn lên. Nàng hỏi:

"Anh đang muốn cứu độ nhân loại phải không?"

"Đúng."

"Và thế nào?"

"Năng lượng của bom khinh khí. Đó là thứ duy nhất có thể làm cho con người ngày nay lạc quan."

"Nói hay đấy. Thế anh không muốn về nhà ư?"

"Cô ta không đến phải không."

"Không."

"Mẹ chưa chết phải không?"

"Chưa."

" Không có gì thay đổi?"

"Chưa."

Đến lúc đó anh mới ngước mắt lên nhìn nàng:

"Như thế thì em đến đây làm gì?"

" Em muốn anh về nhà."

"Em có óc khôi hài đấy."

"Anh biết là em sẽ không chịu ngủ khi anh chưa về."

"Anh có bao giỡ ngủ được đâu. Thế thì sao?"

"Grzegorz?"

"Cái gì?"

"Em đã đi tìm anh suốt đêm đấy."

" Em đã tìm ra rồi đấy, còn phàn nàn gì nữa?"

"Grzegorz, em mệt ghê gớm. Em muốn ngủ. Em không cần gì khác. Chỉ cần được ngủ thôi. Em không biết đã mấy đêm rồi đêm nào em cũng phải đi tìm anh.Về nhà đi, nếu anh còn biết tới em. Anh nếu muốn cứ uống cho say đi, nhưng uống nhanh lên rồi về nhà ngay."

Anh nhìn nàng và nói:

"Em rất đẹp. Mắt em quả thực màu xanh. Mặt em có vẻ bi thương của người tuẫn đạo. Góc miệng của em rất dễ gây xúc cảm – nó có vẻ tội nghiệp của trẻ con lẫn với sự cay đắng. Những nguời bị lưu đày, những kẻ tù tội, đều mơ tưởng những người đàn bà như em. Người bạn trai của em hẳn phải mê mệt vì em, phải không? Cha mẹ không thích anh ta vì trước đây anh ta đã ở tù. Đó cũng là điều lạ. Khi anh có bạn gái, cha mẹ bao giờ cũng khoái bạn anh. Cho đến khi có vụ phá thai đầu tiên."

"Thôi, về nhà đi, Grzegorz."

"Nghe anh nói này, Agnieszka. Tốt hơn cả là em nên về nhà một mình. Anh muốn làm theo ý mình cho đến cuối. Anh muốn xem con người có thể mê muội đến mức độ nào. Em không nên chứng kiến cảnh đó. Em đi đi và để anh ở đây."

"Anh muốn tự hủy đời anh phải không, Grzegorz?"

"Em muốn nói sao cũng được. Trong trường hợp này em gọi thế nào cũng không quan trọng. Không có ẩn dụ nào dùng được đâu. Anh muốn không còn phải yêu, đau khổ, chờ đợi và tin vào những điều mà cuộc sống không xác tín. Anh có đòi hỏi nhiều ở gia đình không? Điều duy nhất anh muốn là em quên anh đi. Em có quyền gì nhân danh cha mẹ kêu gọi anh thế này thế nọ khi chính em cũng chẳng thương gì ai? Những người xa lạ ngu xuẩn đó, toàn là những lời dối trá – cái quan hệ duy nhất của anh với họ là cái địa chỉ trên giấy chứng minh của anh – tại sao chúng ta phải yêu thương họ?"

Nàng chăm chú nhìn anh. Anh đang già đi nhiều. Anh già rất nhiều so với tuổi của anh. Mỗi một ngày, khoé miệng của anh lại càng trũng xuống, những đường quanh mắt anh lại càng trắng ra. Anh lẽ ra có thể gọi là đẹp trai nếu bộ mặt không luôn luôn trông như phù thũng, và đôi mắt, cũng xanh như đôi mắt của nàng, lúc nào hình như cũng có những tia gân máu và đục ngầu. Nàng nghĩ thầm: "Anh ngu quá. Anh không biết được em thực sự thương anh đến chừng nào. Có lẽ thương anh hơn hết thảy so với bất cứ ai. Nếu em biết chắc là anh đang thực muốn trở thành một con người vô tri vô giác như thế, em đã không ngồi ở đây. Em biết là anh nói những gì anh thực sự nghĩ. Và em, máu mủ của anh, em gái của anh, em đang ngồi đây, nhìn vào bộ mặt âu sầu của anh, và em không làm được gì cả cho anh; em cũng không lôi được anh về nhà. Em ước gì anh hiểu ngay giờ là em thực sự không làm được bất cứ gì cho anh."

Ở quầy rượu có một vụ lộn xộn. Người phục vụ ở quầy lôi cổ một người khách; ở cửa, một người khác dùng đầu gối húc vào người của người hầu bàn. Agnieszka chồm người về phía Grzegorz. Nàng nói:

"Thế em không có ý nghĩa gì với anh hay sao?"

"Thế là mị dân đấy. Phương pháp này đã hoàn toàn bị phá sản. Stalin chẳng thành công gì với cách này; sao em lại nghĩ là em có thể thành công?"

"Em không nghĩ thế. Em chỉ có thấy mệt mỏi thôi."

"Ai cũng mệt mỏi. Ở nước Ba Lan này có hai điều làm người ta gần gũi với nhau – rượu vodka và sự mệt mỏi."

"Grzegorz, anh biết là cuối cùng rồi tình hình cũng tốt hơn mà."

"Anh chắc điều đó. Nhưng em nói cho anh nghe, làm sao chúng ta có thể quên được những gì đã xảy ra, chúng ta đã sống như thế nào, con người đã được đối xử ra làm sao? Đảng viên thì được phục hồi sau khi chết, thế thì ai phục hồi cho anh đây khi anh đang còn sống?"

"Nhưng anh chưa làm gì xấu cả."

"Anh không có khả năng gì. Anh chỉ có nhiệt tình. Trong phạm vi hành động của mình, anh là một thằng vô dụng. Anh đã làm hết sức. Điều này cũng có nghĩa là làm được một việc gì đó, em biết không. Anh bảo đảm với em, tẩy xóa những tội lỗi tày trời thì dễ mà xóa đi những việc làm tầm bậy nho nhỏ thì khó. Anh là bí thư ở trường. Anh đuổi sinh viên chỉ vì người ta có người cô ở Pernambuco hay bởi vì ông cố mấy đời của người ta làm cớm chỉ điểm dưới thời Nga hoàng. Anh đã làm hết sức, tin anh đi. Nhưng giờ đây anh muốn biết: anh đang ở đâu? Anh là một thằng tồi bại hay một người anh hùng? Nhưng điều đó cũng thực sự không quan trọng. Mọi kẻ tồi bại đều có thể trở thành anh hùng nếu đến lúc người ta cần anh hùng. Anh muốn biết anh sẽ trở lại cuộc sống bình thường bằng cách nào đây. Và anh muốn biết chắc là trong tương lai hai bàn tay của anh không bị nhem nhúa."

"Anh không biết được những điều đó ở đây đâu, ở trên Zieleniak. Hơn nữa, vẫn còn có ý kiến. Ý nghĩ khôn ngoan và chính đáng."

"Đúng thế. Nhưng nhược điểm của mọi ý kiến khôn ngoan là ở chỗ người ta ngu đần tìm cách thực hiện nó."

Bây giờ Agnieszka thấy mệt đến độ nàng không thể nhướng mắt lên được. Nàng nói:

"Đó chỉ là một cách nói mà thôi. Anh chỉ tìm lý do biện minh việc uống rượu mà thôi. Anh luôn luôn có cớ để uống."

"Sự kiện mà anh còn sống đây đã đủ là cái cớ cho anh làm được tất cả mọi chuyện.Nhưng anh muốn biết: rồi đây cái gì sẽ xảy ra? Em nói là cái cớ. Cũng được đi. Anh nói cho em nghe điều này. Có một lần anh gặp một bạn học cũ – anh không gặp anh ta nhiều năm rồi. Hai người đi vào một quán rượu và mỗi người làm vài ly. Vào lúc đó những người như anh này người ta thường gọi là những ‘người phản động ngầm’ theo nghĩa chính thức của từ này. Anh và bạn anh nói chuyện; hai người thực sự đã nói chuyện tâm tình. Hồi đó có nhiều điều anh bất mãn, người bạn này cũng thế. Rồi sau đó ai đi đường nấy. Người bạn này còn tệ hơn kẻ thù. Kẻ thù tệ hại nhất. Anh ta không có súng, nhưng anh ta rỉ tai, nói xấu. Một con người như thế còn nguy hiểm hơn một đảng cướp có súng ống. Bằng cách này hay cách khác cái bẫy anh ta giương ra cũng sập xuống. Ba giờ sau anh lại gặp anh ta – ở trụ sở công an. Anh và anh ta bước vào cùng lúc, cho nên cần nói rằng lịch sử không về phía ai cả. Anh bênh vực niềm tin, lẽ sống của mình trước kẻ thù; anh ta thì bảo vệ tự do của mình. Chúa ơi, như thế thì ai là tồi bại, ai là con người? Cho đến bây giờ, anh vẫn chưa rõ."

Anh nghiêng qua phía nàng, nói tiếp:

"Ngay cả việc giả dụ cô ta sẽ đến, cuối cùng rồi cô ta cũng đến, khi đồng hồ chuyển qua phút cuối cùng của ngày chủ nhật, giả dụ cô ta sẽ bỏ chồng và con mà đến ở với anh – thì anh sẽ đón cô ta với bộ mặt nào, với trái tim nào? Anh có phải yêu cô ta không, nếu anh không còn tin ở anh nữa, nếu anh khinh chính mình? Có phải cái thế giới mình đang sống đây là nơi tình yêu có thể thăng hoa? Đàn ông không ngủ với đàn bà vì lạc thú nữa mà để có chuyện nói với người khác. Anh không muốn cuộc đời của anh là một ảo vọng. Anh không muốn phải che dấu tình yêu của mình. Và để bắt đầu, anh muốn biết nước Ba Lan này sẽ đi về đâu. Việc gì sẽ xảy ra với những người bị oan uổng. Cho Đảng? Cho tự do? Anh muốn biết những gì sẽ xảy ra cho những người phản bội niềm tin của anh. Cho những người cứ bảo đảm với anh rằng anh đang chiến đấu và đang thắng lợi, trong khi thực sự anh đang rút lui, hành động chống lại nhân dân, đánh mất niềm tin và lương tâm. Ta có thể nghe giọng của chính mình trong cổ họng của mình, nhưng đối với cuộc đời của chính ta thì ta chỉ có thể nhận thức bằng lương tâm. Anh muốn kiếm nước để rửa tay mình cho sạch. Như thế có phải không khi ta nói chuyện về tình yêu trong hoàn cảnh này. Mọi người đã nghe rằng có một thứ như thế, nhưng – nó trông như thế nào? Nó phải như thế nào? Làm sao ta có thể thoả hiệp được những cảm nghĩ thuần khiết và những bàn tay dơ bẩn? Đó là vấn đề. Và không phải là vấn đề duy nhất. Cái ông Hamlet ngày nay với câu hỏi ‘Hiện hữu hay không hiện hữu’ cũng đủ để cho ông ta làm một tên chạy vặt cho một ông bí thư đảng của một thành phố nhỏ. Cuộc sống đã phá nát tất cả những mẫu mực đã được tính toán trước giống như rất nhiều những con chim bồ câu đất sét: chúng ta phải tạo ra gì đây để thay chỗ của chúng? Hiện hữu hay không hiện hữu. Mọi người đều kiệt lực, ngã gục trên mặt đất, làm sao nâng họ dậy? Hiện hữu hay không hiện hữu. Chủ nghĩa yếm thế đang đến – đến nhanh – và trở thành tiêu chuẩn đạo lý độc tôn. Hiện hữu hay không hiện hữu. Có thể có gì có giá trị trong một thế giới người ta phải dùng thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, khủng bố để tồn tại? Hiện hữu hay không hiện hữu. Ôi, chúng ta đã tạo ra những mặt trăng nhân tạo, nhưng những con người có những ý nghĩ chân thực và những ước vọng chân thực lại phải tìm một nơi trú ẩn an toàn. Hiện hữu hay không… Này, anh phục vụ, cho thêm một nửa vại đi."

Người phục vụ đi ngang qua bàn và lấy đi chai rượu đã cạn. Ánh sáng – những khung cửa sổ đã đầy những tia sáng dầy bụi. Một nhóm người chuếnh choáng say đang đi vào ồn ào. Agnieszka nhanh chóng quan sát họ: tất cả đều ăn mặc sang, nói cười vui vẻ.

Grzegorz nói:

"Đã đến giờ các hộp đêm đóng cửa."

Anh hất hàm nhìn những người mới đến. "Kiến trúc sư. Người ta đến đây để làm hết bồn rượu cuối cùng. Cần phải duy trì quan hệ với quần chúng."

Người phục vụ đến và đặt chai rượu lên bàn. Anh ta hỏi: "Khi nào ông thanh toán đây?"

"Vài ngày nữa," Grzegorz nói và người phục vụ bước đi. Anh lại quay qua nói với cô em: "Em nhìn họ đi, em có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn."

Agnieszka quay đầu lại. Cả một đám chen chúc ở quầy rượu, không khí như một buổi sáng náo nhiệt. Một người đàn ông cao lớn tóc bạc dáng dấp có vẻ sang trọng, mặc một bộ đồ may rất khéo bằng vải dạ của Anh quốc, ông ta đập vào vai của một người còn trẻ, mặt như một tên trộm mới vào nghề, và ông ta nói lớn: "Tôi không phải là người lạ. Tôi là một cậu bé cũng như anh. Ở Wola. Trước chiến tranh tôi thường đi đến Roxy. Tôi thích xem phim cao bồi. Ở Wola người ta thường chiếu phim loại đó. Anh có biết Stasiek Malinowski cũng là người Wola không?"

"Không," người kia đáp, cái trán thấp nhăn lại.

Người tóc bạc tiếp tục oang oang:

"Đó, anh thấy đấy, anh thấy đấy. Chúa ơi, thật là một thời ghê gớm. Đói khát, khổ sở. Không ai dám mơ tưởng chuyện kiếm được việc làm."

Ông ta vung tay làm một dáng điệu gạt ngang tất cả. "Cô phục vụ! Cho chúng tôi một chầu cho tất cả mọi người. Chúng ta uống mừng giai cấp công nhân của Wola." Rồi ông ta nói tiếng Nga: "Tôi đãi hết tất cả." Ông quay qua gã thanh niên trước đó, hỏi: "Tôi tên là Andrzej, cậu tên gì?"

"Kazik."

"A, chàng thanh niên ơi," ông ta đưa ly rượu cho gã thanh niên, "Uống mừng cậu, Kazik. Và chào mừng Wola!"

Grzegorz rời ghế đứng dậy. Anh đổ hết rượu trong chai vào một ly lớn và đi về phía quầy. Anh cúi đầu chào một thiếu nữ mặc váy hở ngực. Anh hỏi:

"Tôi có thể cùng uống mừng với các bạn được chứ?"

Nhiều người nhao nhao:

" Xin mời, xin mời, tự nhiên, tự nhiên…

"Mừng giai cấp công nhân củaWola," Grzegorz nói và anh tạt cả ly vodka vào mặt người đàn ông tóc bạc và bước lui. Trong tay gã thanh niên trán thấp lấp lánh một cây dao. Grzegorz rút ra một cây súng. Anh đưa tay trái lên. Anh bảo:

"Đứng im. Đừng nhúc nhích nhé. Thằng này không muốn chơi theo kiểu nông dân đâu. Chỉ biết bắn thôi."

Hai anh em bước ra đường. Ở bên ngoài, Agnieszka hỏi:

"Anh thấy đỡ hơn chưa?"

"Có phần nào."

Anh bỏ cây súng vào túi. Nàng liếc ngang nhìn anh.

"Em không thể nói anh thiếu chất Ba Lan trong người."

Anh nhún vai, cười yếu ớt, nói:

"Hắn ta nói hắn ta thích phim cao bồi. Chúng ta phải xâm nhập vào giấc mơ và ước vọng của giai cấp công nhân, hiểu được động cơ của họ…" Anh im lặng, rồi bỗng hỏi: "Chủ nhật này cô ta đến không?"

"Em chắc cô ta đến chứ," Agnieszka hờ hững đáp. Cô không tin vào chính mình, vào những lời mình nói ra, và cả bầu trời đang nhạt dần.

 

[còn tiếp]

 

----------
Hình ở đầu trang là chân dung Marek Hlasko, tranh sơn dầu, Józef Czapski vẽ năm 1958, hiện đang được treo tại Instytut Literacki, Maisons-Laffitte, Paris.

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — “nhà văn nổi loạn” nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
Lá dày và phủ cả bầu trời; nằm ngửa mặt nhìn lên, họ chỉ thấy một mảng xanh phía trên nhưng cũng chẳng thấy được những con chim đang líu lo. Cỏ còn nóng bốc ra một mùi hăng, và là là trên mặt đất một ngọn gió thoảng mùi thông và những nụ hoa đầu mùa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Đường phố giờ đã yên, họ chỉ còn nghe hơi thở lạnh lẽo của chính mình. Agnieszka tựa mạnh vào tường, họ phải ngừng lại để thở. Mặt của nàng nổi lên trên bức tường – một mảng xanh xao. Anh nhìn thấy nét hoảng sợ trên gương mặt đó... (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021