thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 8]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Những kỳ trước: [1 & 2][3][4][5 & 6][7]

 

8

 

Kim lớn của đồng hồ nhích đến gần số mười hai. Agnieszka nghĩ: "Bảy giờ rồi. Anh sẽ không đến. Chắc chắn anh sẽ không đến." Nàng cảm thấy thanh thản, và trong một chốc cảm giác ân hận như bị chìm trong tiềm thức. Nàng đứng dưới đồng hồ lớn của nhà ga chính. Đó là một ngày thứ bảy; những người mắc cơn sốt cuối tuần đang chạy hối hả trên các sân ga. Tay xách tay mang túi xắc, va-li, họ xô đẩy, chửi rủa nhau trong đám đông. Loa phát thanh oang oang thông báo các chuyến xe sắp rời bến; đèn đỏ, đèn xanh nằm ngay dưới loa chiếu sáng rồi tắt. Nàng lại nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ đã qua số mười hai được ba phút. Nàng lại nghĩ: "Thế là xong. Cuộc sống như thế đấy: ánh sáng, tiếng động, đám đông. Không thể thấy rõ điều mà người ta gọi là khổ ải. Không có gì ngoài sự hoảng loạn này." Kim đồng hồ nhảy qua một phút nữa; khi nhìn xuống, Piotr đột ngột xuất hiện trước mặt nàng. Anh nói:

"Anh không tài nào leo lên được xe điện. Thứ bảy người ta đi như điên. Ba lần tụi bảo vệ đuổi anh xuống khỏi mấy nấc thang."

Nàng cười:

"Bộ người ta không biết là anh đi gặp em sao?"

"Chúng nó không cần biết gì cả. Chúng là bọn dân phòng. Đi ra khỏi chỗ này đi. Anh không ưa mấy nhà ga này. Đến đây anh chỉ tưởng đến việc chia tay."

Hai người vẫn chưa nhúc nhích. Họ nhìn nhau. Piotr xanh xao, đôi mắt mệt mỏi. Loa phát thanh lại vang lên oang oang: "Xe lửa đi Minsk Mazowiecki rời từ…" Người ta chạy vội vã từng đám. Agnieszka hỏi:

"Anh có giận em không?"

Anh lắc đầu nói:

"Em có thể quen với tất cả mọi chuyện. Nhiều người còn làm hay hơn cả em. Người ta mang găng tay cao su dày, thứ mà thợ mỏ dùng. Em đeo găng tay như thế, em có thể đấm người ta liên tiếp trong suốt bốn mươi tám tiếng mà không để lại bất cứ dấu vết gì. Chỉ có mặt cao su sẽ phồng lên một tí, như trẻ em sưng nướu khi mọc răng lần đầu. Anh nhớ, có một đêm…"

"Đi đi," Agnieszka ngắt lời, "Bạn anh nói mấy giờ thì để chìa khoá ở đó?"

"Sau sáu giờ trở đi. Bây giờ hẳn phải có ở đó rồi."

"Vậy mình còn chờ gì nữa."

Trên đường đi, họ ghé qua một quán cà phê nhỏ. Khách hàng chen chúc ngồi từng nhóm nhỏ quanh mấy chiếc bàn, chuyện trò nhặng lên như ruồi. Một người hói đầu ngồi lắc qua lắc lại ở một chiếc đàn dương cầm kiểu cũ làm bằng gỗ cây hạt dẻ màu nhạt; mắt ông ta nhắm lại, những ngón tay mập nện trên phím đàn. "Ông ta ngủ gục, thằng cha cà chớn," Agnieszka nghĩ thầm và cô ngạc nhiên khi thấy mình tức giận vì điều này. Chờ đợi một lúc lâu, một bà hầu bàn lùn mập đem cà phê và bánh ngọt đến cho họ; cà phê thì nguội ngắt, bánh ngọt thì nhìn hết muốn ăn. Piotr im lặng; đầu anh cúi thấp, anh dùng thìa khuấy cà phê, không suy nghĩ gì.

"Anh trông giống như một thằng đần." Agnieszka tức giận nói. Nàng cảm thấy nỗi âu lo canh cánh trong lòng đang lớn dần.

Anh nói nhỏ:

"Anh thích thế đó."

"Anh nói gì đi chứ?"

"Anh sợ. Anh luôn luôn lo sợ. Không có việc gì xảy ra như ý anh muốn. Anh cứ sống mà trong lòng phập phồng."

Agnieszka đá vào chân của chàng dưới bàn. Chàng nhăn mặt. Nàng hỏi, giọng run lên như bi phẫn:

"Thế em thì sao? Em phải nói gì đây?"

"Anh nghĩ rằng em đã ngủ với người nào đó trước đây rồi, không phải à?"

Nhìn chàng với vẻ chán ghét, nàng gào lên:

"Bây giờ anh ngủ với em, được chưa? Đó là điều duy nhất quan trọng với anh, phải không?"

Đột nhiên nàng đứng phắt dậy và chụp lấy tay chàng:

"Đi đi!"

"Trả tiền đã, trời ơi!"

"Có bao nhiêu để lại cho bà ta hết đi, rồi đi ngay đi."

Họ vội vàng bước ra, người nhân viên giữ áo khoác nhìn theo ngạc nhiên. Ngoài đường trời đang tối dần, hoàng hôn thỉnh thoảng chợt sáng nhờ mấy ngọn đèn đường. Họ yên lặng đi cạnh nhau. Anh muốn quàng tay sau lưng nàng, nhưng nàng đẩy anh ra. Anh kêu lên:

"Em sao thế?"

Nàng ngừng lại, nhìn sâu vào mặt của anh. Anh phải nhắm mắt lại. Nàng thì thầm: "Pietrek."

"Gì em?"

"Lần đầu tiên ngủ với đàn bà anh cảm thấy thế nào?"

"Có thể nói là thích."

"Vì trở thành đàn ông phải không?"

Anh cười khô khan:

"Không phải vậy đâu em. Anh thấy hạnh phúc vì không bao giờ mình phải là đàn bà."

"Mình đến đó làm gì?"

"Thế thì về đi."

Anh thấy trên mặt nàng có một thoáng do dự. Nhưng nàng quả quyết: "Không. Đi đi. Em hỏi chỉ để biết thế thôi."

Họ lại im lặng bước bên nhau. Khi đi ngang qua một ngọn đèn đường, bóng của họ đổ chập vào nhau, và rồi trượt lên nhau ở một phía. Có tiếng mèo kêu trên mái nhà nào đó. Agnieszka cười ngượng ngập. Một luồng khí lạnh từ bến sông Vistula thổi vào, nhưng nàng cảm thấy nóng đến độ phải cởi bớt những hạt nút áo phía trên. Bỗng nhiên Piotr nói:

"Đây là lần đầu tiên của anh từ khi ra khỏi tù."

"Cái gì?"

"Với em."

"Thế ư," nàng hỏi mà không hẳn ý thức điều mình hỏi.

"Đúng, tự do thực sự không đến ngay đâu."

"Còn xa không?" nàng lại hỏi sau một lát im lặng.

"Gần đến rồi. Một khúc nữa. Vài chục mét. Mười mét. Năm. Đến rồi."

Hai người đi vào nhà, leo lên một cầu thang. Phía trên cao, có con mèo nào đó lại kêu meo meo. Bỗng nhiên Agnieszka muốn giết con mèo. Cầu thang nực mùi thuốc giặt, mùi tương ăn và mùi khoai chiên. Agnieszka chợt nghĩ: "Chuyện như thế này đã xảy ra trước đây rồi. Nó đã xảy ra ở một nơi nào đó. Cầu thang này. Tiếng mèo kêu…" Một người bước xuống cầu thang thoáng tình cờ nhìn họ; Agnieszka chỉ muốn la lên: "Tại sao ông lại nhìn kiểu đó, đồ vớ vẩn!" Rồi họ đến một cánh cửa; trước cửa chính là con mèo nãy giờ vẫn kêu gào. Nó phun phì phì nước giải rồi bỏ chạy. Piotr cúi xuống và lần mò tay dưới chiếc thảm. Anh tìm một lúc rồi đứng dậy, nói lúng túng:

"Nó không có đó. Anh ta không để lại chìa khoá."

"Gõ mạnh cửa đi," nàng quyết liệt nói.

Anh ngập ngừng, bắt đầu tìm cách chống chế:

"Có lẽ anh ta không thể…"

Nhưng nàng lại ngắt lời anh, nói như gắt: "Gõ cửa đi."

Anh gõ nhẹ, không ai trả lời. Agnieszka bước đến và lấy hết sức đá vào cửa. Con mèo đang lẩn quẩn quanh mấy bậc thang kêu thảng thốt. Có tiếng bước chân sền sệt bên trong, và rồi tiếng chìa khoá mở. Đứng ở cửa là một người đàn ông trẻ có bộ mặt con gái, mặc bộ đồ ngủ màu xanh lá cây; hơi thở nặc nồng mùi rượu. Anh ta lúng túng khi thấy Piotr:

"A, anh bạn. Chết thật, tôi đãng trí quá. Đúng là tôi đã quên bẳng. Tôi ân hận quá. Thôi, cũng chẳng sao, mình sẽ có cách thu xếp. Vào đi, xin mời."

Anh ta chìa tay vào hướng hành lang tối đen.

Anh ta hơi loạng choạng, nhưng rõ ràng cũng đang cố giữ cho tỉnh táo. Nhưng Piotr nói: "Thôi, cám ơn anh."

"Bước vào đi," Agnieszka giục, lấy hết sức đẩy sau lưng anh. Hai người bước vào một hành lang dài làm theo kiểu xưa, vấp phải mấy va li gỗ và tủ đựng ly tách. Có mùi long não và cả một mùi lạ lẫn lộn giữa giấy cũ và hoa khô. Người mặc đồ ngủ đi trước, khéo léo bước để tránh chập choạng.

"Đây rồi," anh ta nói.

Họ bước vào phòng. Chỉ có một bóng đèn nhỏ đang thắp sáng. Điều đầu tiên Agnieszka thấy là một cô gái hoàn toàn trần truồng nằm ngủ trên một chiếc ghế xếp. Khi họ đi vào, cô ta không mở mắt mà cũng chẳng nhúc nhích. Agnieszka nghĩ: "Lại say rồi." Người đàn ông ngượng ngập cười giải thích: "Tôi gặp cô ta trên xe lửa. Cô ấy đi thăm ai đó, chồng hay hôn phu gì đó." Anh ta chìa tay ra và nháy mắt với Agnieszka, nói: "Thế thôi. Thế giới này nhỏ bé lắm. Cuối cùng người ta cũng gặp nhau trên giường mà thôi. Nhưng cũng còn có một chiếc giường xếp khác. Anh chị cứ làm việc của anh chị, cứ tuột tấm khăn trải giường mà thôi. Mình chẳng làm phiền gì nhau."

Agnieszka lên tiếng:

"Cám ơn nhé, anh tốt lắm. Chúng tôi sẽ đến vào lúc khác vậy. Có phải con mèo của anh đang kêu ở bên ngoài hay không?"

"Con mèo hả?" người chủ nhà lập lại. "Con mèo? Đúng của tôi đấy."

Agnieszka quay qua Piotr.

"Đấm vào cằm anh ta, nhanh lên!"

Piotr bước đến trước mặt người chủ nhà và bậm tay đấm vào thái dương của anh ta. Anh ta ngã xuống như một khúc gỗ.

"Đó là tội giam đói con mèo," Agnieszka nói.

"Mình đi đi."

"Một lát đã."

Nàng đi đến góc phòng và bật đèn. Căn phòng trở nên rất sáng. Agnieszka đi quanh cô gái và bắt đầu nhìn ngắm cô ta. Piotr khịt lỗ mũi và kéo lấy tay nàng:

"Em điên rồi sao? Mình đi đi!"

"Em phải nhìn cô gái này cho kỹ đã," nàng chậm rãi nói. "Đến đây nào. Anh thấy chưa? Miệng, mũi cô ta đều xinh… Đáng tiếc là cô ta say, nên mình không thấy được đôi mắt của cô. Màu nâu, màu xanh hay màu đen? Cũng thú vị nếu mình biết được người nào nay đang dài cổ chờ cô ta. Anh thấy vú cô ta có xinh không? Cô ta không thể nào quá hai mươi, em nói chắc đấy."

"Em điên rồi."

"Em không điên đâu," nàng đáp, với tay lấy tấm chăn đắp cho cô ta và đặt một cái gối chêm dưới đầu cho cô gái. "Nhưng em muốn được điên đấy. Đó là điều tốt nhất."

Nàng đứng dậy bước về phía cửa sổ. Anh thấy nàng đang cố cầm nước mắt. Anh không đến gần nàng. Nàng đặt tay lên chậu hoa, anh thấy những ngón tay trắng muốt.

Người chủ căn hộ đã tỉnh. Anh ta đứng dậy, mắt còn bị loá. Anh ta ấp úng: "Có chuyện gì đấy…"

Agnieszka quay lại, nàng bảo nhanh: "Đấm vào cằm anh ta, Pietrek."

Pietrek tung nắm đấm. Gã thanh niên lại ngã xuống, làm lăn đùng một chiếc ghế. Agniewszka cười nói:

"Cho đáng tội không tưới hoa," Agnieszka nói và nhìn gã thanh niên cười. "Không chịu chăm lo hoa và thú đàng hoàng. Thôi ngủ đi. Đừng giận nhé."

Ra ngoài phố, Nàng phá ra cười. Anh nắm lấy cánh tay nàng, hét lên:

"Em làm gì thế?"

Họ ngừng bước. Nàng bảo:

"Anh không thể nói gì được về tình trạng này. Chắc chắn chuyện như thế này không xảy ra cho anh khi ở trong tù."

Bước thối lui, anh nói:

"Chúng ta nên chia tay đi. Anh nói em nghe không, Agnieszka, chúng ta nên chia tay đi. Trong mỗi quan hệ của con người, có một đường ranh mà mỗi bên không thể vượt qua. Tốt hơn cả là chấm dứt và ít nhất là giữ lại những ký ức. Tự trọng. Nhân phẩm. Dù cho hoàn cảnh thế nào, những điều này không phải là thứ đồ bỏ như ta tưởng."

Nàng lại cười:

"Như thế cuộc đời chỉ dạy cho anh được chừng đó thôi sao? Bỏ cuộc? Cái nhà tù mà anh luôn luôn nói tới?"

"Đúng. Bỏ cuộc còn hơn nhìn mọi thứ chìm trong bùn. Anh không có ý muốn chết. Anh phải sống với cái gì đó. Anh phải nhớ chuyện gì đó. Một điều gì không phải đồ bỏ."

"Em yêu anh. Và em sẽ ở với anh. Em muốn ngủ với anh hôm nay. Em không cần biết ở đâu hay cách nào."

Một nhóm người đi chơi đi ngang qua họ; họ đi choáng cả mặt đường, cười nói vui vẻ. Piotr và Agnieszka bước tránh qua một bên. Piotr nói:

"Đến chỗ của anh đi."

"Chỗ của anh? Nhưng anh sống với bốn người bạn mà." "Có lẽ tụi nó chưa về đâu," anh nói với vẻ tuyệt vọng. "Hôm nay là thứ bảy, còn sớm, tụi nó hẳn còn đi chơi đâu đó. Mình khoá cửa phòng lại và không mở cho tụi nó dù ngày mai chúng có ném anh ra khỏi nhà." Rồi anh la lên cho cả phố nghe: "Đến một lúc đi! Ít nhất một lúc!"

Họ quay lại. Hai người lại đi cạnh nhau. Im lặng họ nghe bước chân của mình vang trên phố. Họ đi ngang qua các quán rượu, các cửa tiệm, các rạp chớp bóng. Agnieszka nhìn các khung cửa sổ có đèn chiếu sáng và nàng nghĩ: "Mấy bức tường. Bốn bức tường. Có lẽ ba. Lẽ nào có một căn phòng chỉ có ba bức tường. Người ta có thể sống trong một căn phòng như thế chăng? Có nơi nào có một căn phòng như thế chăng?" Nàng cố nghĩ đến những chuyện khác, nhưng có một ý nghì vượt lên trên tất cả — nàng muốn ngủ, cuối cùng được ngủ thiếp đi. Nàng không nhận ra con đường mà Piotr đang dẫn nàng đi qua. Nàng chỉ có ý thức trở lại khi anh đưa nàng qua một cửa vào và họ đứng trong một khu vườn tối như mực. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh: không một phòng nào thắp đèn.

"Tại sao ở đây tối thế?"

"Em không thấy ư?" Anh cười. "Đây là nhà bỏ hoang."

Chỉ có lúc đó nàng mới để ý là các cửa sổ đều trống trơn. Lúc đầu nàng không thể thấy gì; các cửa sổ nhô ra trong bầu trời tối đen.

"Anh sống ở đây hả?"

"Chỉ có tụi anh ở đây. Chính tụi anh sửa sang lại khu này. Leo lên phòng bằng thang cây. Còn hay hơn cả đoàn xiếc. Nhưng điều này không quan trọng. Tụi nó không có nhà. Em hiểu không? Mình chỉ có một mình, Agnieszka."

"Một mình," nàng lập lại. Bỗng nhiên nàng quàng lấy người anh, kéo anh đến sát mình; nàng bắt đầu hôn lên mắt và môi anh một cách cuồng nhiệt. Nàng nói trong hơi thở: "Một mình với nhau, một mình với nhau. Anh hiểu chứ, anh hiểu chứ?" Nàng ấn mạnh thân mình vào người của anh. Vào lúc đó, từ trên cao một khung sáng hình chữ nhật đổ xuống trên họ. Nàng nhắm mắt lại. Piotr đẩy nhẹ nàng ra. Anh nói:

"Tụi nó về rồi. Ở đây chỉ có một phòng có đèn. Phòng của anh."

Hai người ngẩng đầu ngước nhìn lên. Phía trên cao, quá khỏi cửa sổ, khu vườn và cảnh đổ nát chung quanh, những vì sao lấp lánh qua màn sương mù. Một con thú chạy ngang qua họ, những bàn chân mềm mại nện nhẹ trên vỉa hè.

Agnieszka cất tiếng, giọng khản đi:

"Ngày mai là chủ nhật. Mình sẽ ra khỏi thành phố, anh nghe em không, Chúng ta sẽ đem theo một tấm chăn và ra khỏi thành phố. Chúng ta vào rừng, hay bất cứ chỗ nào. Ngày mai đến kiếm em trước buổi trưa."

Nàng vùng ra khỏi anh và chạy đi, không muốn cho anh thấy những giọt nước mắt đang chảy dài trên mặt. Nàng chạy như người điên, đẩy những người đi đường qua một bên. Chỉ sau khi để ý người ta đang quay nhìn mình, nàng không chạy nữa và bắt đầu bước chậm rãi.

Bây giờ nàng đã về đến nhà, nhưng không có can đảm bước vào. Nàng nghĩ: "Nhất định mình không đến đó nữa, không đến đó nữa." Cuối cùng, khi đã quyết định bước lên cầu thang, nàng gặp Zawadzki ở cửa ra vào: anh ta đang đưa chiếc mô-tô ra khỏi nhà. Anh nói vẻ hãnh diện:

"Tôi đã súc bình xăng. Bây giờ xe phải chạy ngon lành. Đi với tôi một vòng chăng?"

"Cám ơn anh lắm, nhưng em không có bảo hiểm nhân thọ."

"Cô em đừng cố tình làm khó dễ. Nếu cô muốn biết, thì ông anh của cô đang uống rượu trong cái quán cách đây ba căn. Hồi nãy, tôi thấy anh cô ở đó. Đi bắt anh ta đi kẻo anh ta còn đi xa hơn."

Anh ta mở máy xe và lái đi. Nàng chìm đắm trong những ý nghĩ tuyệt vọng: "Đi kiếm anh chăng? Hay để anh yên, để anh làm việc gì anh muốn?" Bỗng nhiên nàng nghe một tiếng ầm kinh khủng, nên quay lại nhìn. Ở góc đường, Zawadzki chạy xe đụng phải một người bán hàng đang đẩy xe táo từ chợ đi ra. Cả đường vương vãi toàn là trái táo từ xe đổ xuống. Zawadzki và những người bán hàng đang to tiếng với nhau, ồn ào đến độ náo động cả phố.

Nàng nghĩ: "A ha, cũng hay đấy."

Nàng bước vào quán ăn. Trước đây, chủ của nó là một người thuỷ thủ to mập nặng gần 250 kí; bây giờ ông ta đi rồi, chỉ còn lại những hí hoạ vẽ ông ta — những hình trên tường vẽ một người khổng lồ cầm trong tay một chiếc tàu.

Agnieszka bước đến bên Grzegorz, nàng bảo:

"Grzegorz nàỵ lần này em không đi kiếm anh đâu nhé. Anh có thể tin em, đó là một tình cờ mà thôi."

"Anh tin em. Ngồi xuống đi."

"Này anh Grzegorz. Lần đầu tiên trong đời em, em van anh hãy thương em: về nhà đi. Em đã mất ngủ nhiều đêm rồi bây giờ em không đứng vững được nữa. Mẹ cũng không ngủ được, và lại sẽ lên cơn, em lại phải đi tìm anh mà thôi."

"Cô ta không đến."

"Đúng thế," Agnieszka nói. Cô im lặng một lát rồi nói. "Grzegorz, anh có cây súng. Giết em, giết mẹ, giết bất cứ ai anh muốn, nhưng về nhà đi."

"Thêm một ngày nữa. Nếu ngày mai cô ta không đến, thì không còn lý do gì mà chờ đợi nữa."

Họ im lặng. Rồi nàng đê ý là anh đang nói gì với nàng. Nàng nhìn môi anh mấp máy, nhưng không còn có thể hiểu được gì. Đầu nàng gục xuống, tất cả những ý nghĩ của nàng cứ đan kết lẫn lộn thành một ý nghĩ duy nhất — nàng nghĩ đến giấc ngủ. Nàng chợt tỉnh hẳn, bảo anh: "Grzegorz, uống chúc sức khoẻ của em đi. Chúc cho tình yêu của em. Chúc cho ngày chủ nhật sắp đến."

Nàng rót đầy ly cho anh. Khi anh nâng ly lên môi, nàng chụp lấy tay anh giữa đôi tay của mình và ép vào thật mạnh. Chiếc ly vỡ; Agnieszka siết chặt thêm những ngón tay và cảm thấy những mảnh chai ấn sâu vào thịt của anh. Nhưng anh không kêu lên; anh chỉ xanh mặt, trên trán rịn những giọt mồ hôi. Cả hai nhìn máu của anh nhỏ giọt trên chiếc khăn bàn ăn dơ bẩn. Nàng siết tay mình mạnh đến độ xương cổ tay kêu răng rắc. Nàng kêu lên:

"Nào."

Anh đứng dậy; vẫn còn nắm tay anh và không chịu nới lỏng, nàng dắt anh băng qua phòng và đi ra đường. Đến lúc đó nàng mới buông tay anh ra. Nàng bước loạng choạng, nặng nề rồi đứng dựa vào tường, thì thào: "Anh đánh em đi."

Anh cười. "Em chơi hay đấỵ." Anh nói. "Anh tưởng rằng con người đã cạn kiệt tinh thần rồi, không thể tưởng tượng được chuyện gì hay ho. Sức manh của con người luôn luôn tuôn ra từ sự độc ác. Đó là điều căn bản. Thật đáng tiếc là em đã để lộ con người của em quá trễ; nếu không, có thể anh đã kiếm được việc thích hợp cho em rồi." Anh đến bên nàng, nâng mặt nàng lên. "Nào em bé. Được rồi, chúng ta đi về. Lần đầu tiên anh bắt đầu thấy thích em đó."

 

[còn tiếp]

 

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — “nhà văn nổi loạn” nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
Lá dày và phủ cả bầu trời; nằm ngửa mặt nhìn lên, họ chỉ thấy một mảng xanh phía trên nhưng cũng chẳng thấy được những con chim đang líu lo. Cỏ còn nóng bốc ra một mùi hăng, và là là trên mặt đất một ngọn gió thoảng mùi thông và những nụ hoa đầu mùa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Đường phố giờ đã yên, họ chỉ còn nghe hơi thở lạnh lẽo của chính mình. Agnieszka tựa mạnh vào tường, họ phải ngừng lại để thở. Mặt của nàng nổi lên trên bức tường – một mảng xanh xao. Anh nhìn thấy nét hoảng sợ trên gương mặt đó... (...)
 
Nàng đi tìm khắp các quán rượu dưới phố nhưng không thấy anh đâu cả. Nàng đi vào những nơi người có tiền có bạc vui chơi, rồi đến cả những quán mà các viên chức mang theo những chai rượu vodka trong cặp và khui chai rượu dưới gầm bàn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021