thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN [chương 9]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

MAREK HLASKO

(1934-1969)

 

 

NGÀY THỨ TÁM TRONG TUẦN

 

Những kỳ trước: [1 & 2][3][4][5 & 6][7][8]

 

9

 

Khi tỉnh dậỵ, nàng thấy cha mang dép đang đi lui đi tới trong phòng. Nàng vẫn còn mơ màng chưa hết giấc ngủ, tưởng như đang đến từ một nơi xa xăm nào, nhưng rồi nghe một tiếng động, và tiếng động đó — đều đều, liên tục — xua đuổi phần ngủ mê còn đọng ra khỏi mí mắt của nàng. Nàng nằm yên không nhúc nhích, như thể thu mình lại, không đủ can đảm mở mắt ra và biết rõ mình đang ở đâu. Nàng chỉ mở mắt khi nghe tiếng cha bước về phía cửa sổ.

Ông kéo màn và đứng đấy, người hơi cúi xuống, có vẻ tuyệt vọng. Bàn tay của ông đặt trên khung kính cửa sổ, mắt ông nhìn ra đường. Một lát, ông nói, ngón tay đập đập trên mặt kính:

"Trời mưa. Mây thấp như thế. Trời sẽ mưa cả ngày."

Agnieszka khoác áo ngủ vào người và bước tới cửa. Nàng đứng bên cạnh cha. Mái nhà bóng loáng, nước chảy ồ ồ trong máng xối; người đi dường bước nhanh, tay vén quần khỏi đường phố ướt át.

Agnieszka đưa tay sờ mặt kính, cô nói:

"Tuyết. Mưa tuyết. Tháng năm mà cũng có mưa tuyết. Trời xấu cả tuần."

Cha nàng tuyệt vọng hỏi:

"Nhưng tại sao có bao nhiêu ngày lại cứ nhằm vào ngày chủ nhật. Tại sao trời phải mưa ngày chủ nhật?"

"Một thủ đoạn của Cộng Sản đấy. Để cho người ta khỏi đi nhà thờ."

Nàng mặc vội vàng và vào nhà bếp. Zawadzki đang cạo râu, huýt sáo inh ỏi.

"Chào anh. Grzegorz đâu rồi?"

"Anh ta đi đâu rồi đó."

"Anh có đi không?"

"Đi đâu?"

"Đi gặp Julia.

"Tên cô ta là Maria, không phải Julia." Anh giận dữ. "Cô nghe thế ở đâu đó?"

"Không quan trọng đâu. Anh có đi không?"

"Trong thời tiết này ư? Cô có điên không?"

"Thế thì sao? Anh đã súc bình xăng…"

"Tôi sẽ đi chủ nhật tới. Đừng lo nhé, tôi sẽ trị cô ta. Chưa có người đàn bà nào qua mặt được thằng này." Rồi anh ta chợt quay qua nàng. "Mà này, ma quỉ gì cô lại thích để ý chuyện đó vậy?"

"Anh cắt mặt kìa. Anh phải cẩn thận khi cạo râu mới được. Em không để ý chuyện của anh đâu. Em chỉ hỏi cho có tình vậy thôi."

Grzegorz đi vào nhà bếp. Anh ném chiếc áo khoác sũng nước, ngồi trên đầu giường và kéo giày ra. Agnieszka hỏi:

"Anh bệnh hả?"

"Tại sao?"

"Anh định đi nằm đấy."

Anh nhướng cặp mắt đỏ những gân máu nhìn nàng, rồi chỉ ra cửa sổ:

"Có việc gì hay hơn để làm giờ này không?"

"Anh có thể đi uống rượu. Sau đó đến chiều là say và đi ngủ mà không bị biến chứng gì."

Zawadzki bước vào nói:

"Hai người ở chơi nhé, tôi phải đi đây."

Agnieszka ngồi xuống giường cạnh Grzegorz, nàng hỏi:

"Sao anh không đi bây giờ đi. Cũng chẳng sao đối với anh, phải không? Nếu bây giờ anh say, thì cũng có thể xe điện hay xe tải nào đó cán phải anh. Như thế anh sẽ được bình yên. Và thành phố này ban đêm cũng trống vắng."

"Anh không bao giờ bắt đầu uống trước sáu giờ chiều. Cái thế giới này mạt đến nơi rồi. Con người phải giữ tinh thần của mình."

"Grzegorz," Agnieszka nói. "Em muốn nhân dịp thật đặc biệt này là anh còn tỉnh để nói với anh điều nay. Nếu kể từ hôm nay anh không bỏ rượu, em sẽ đi gặp ông bí thư chi bộ của anh và nói cho ông ta biết việc của anh. Anh không thể ở trong đảng được. Người ta dĩ nhiên không cần người như anh."

Anh nhìn nàng chăm chăm rồi nói, tay vỗ má nàng:

"Em chậm rồi, em bé ơi. Ngày hôm qua người ta lấy lại thẻ đảng của anh rồi." Anh cười. "Một đất nước tơi tả. Những con người tơi tả. Em muốn cải tạo anh bằng bất cứ giá nào, nhưng chẳng may người ta đã làm trước cho em rồi . Điều hay nhất mà em có thể làm được với ông bí thư của anh là lên giường với ông ta. Giữa hai cuộc họp. Em muốn nói gì thêm cho anh nữa không?"

Agnieszka im lặng. Cô nhìn tấm kính cửa sổ mà mưa đang rửa sạch. Không thể thấy gì bên kia phố. Rồi nàng hỏi:

"Grzegorz, con người có thể như cây cỏ đến mức nào?"

"Anh thích câu hỏi này đấy. Anh cũng muốn tập trung tìm giải đáp. Khi anh đã có thể kết luận, anh sẽ cho em biết."

"Thế cô ta có biết không?"

"Cô nào?"

"Cô của anh đó."

"Như anh biết thì anh không có cô nào cả."

"Anh đang chờ cô ta đó thôi."

"Anh cũng chờ đợi nhiều chuyện khác. Mà không được việc gì cả." Anh chợt đứng dậy. "Em muốn gì ở anh? Nếu em muốn tìm giải đáp cho những vấn đề hiện nay, em hãy tìm đọc tờ Lá cờ Tuổi trẻ. Có lần người ta mở một cuộc hội thảo để xem tình yêu của một đoàn viên thanh niên Cộng Sản phải như thế nào. Rất là giáo dục. Những cái tên dởm này lại nói về phụ nữ rành hơn là Balzac. Bây giờ để anh ngủ đi."

Người cha đi vào, ông than thở: "Mẹ con nói là đau chung quanh tim. Ba thực không biết phải làm sao đây."

"Tốt hơn cả là ba đừng làm gì hết," Grzegorz nói. "Ít nhất lương tâm của ba khỏi phải thắc mắc là mình đang tham dự vào một việc gì đó. Ba không thể bàn những chuyện đại sự của thế giới này ở phòng ngoài kia được hay sao?"

Agnieszka nhấp vội tách trà và đi xuống cầu thang. Piotr chờ nàng ở cửa. Tay kéo chiếc mũ áo lên đầu, nàng bảo:

"Mình đi đâu uống cà phê đi. Hôm nay mình không nói chuyện đó nữa. Đó là cách tốt nhất."

Chàng gật đầu.

Quán cà phê đông nghẹt, họ không kiếm ra được một cái bàn. Họ lại lên xe điện xuống phố. Ở khoang phía trước, vài người say đang ồn ào, hẳn sáng nay họ đã uống rượu, nhưng ai cũng ăn mặc đẹp để đi chơi ngày chủ nhật. Piotr hỏi:

"Em có biết không? Em có từng nghĩ là nước Ba Lan này giống như thế nào hay không?"

"Anh muốn nói sao?"

"Hình ảnh của nước Pháp là Marianne. Người Mỹ có tượng Nữ thần Tự do là biểu trưng nền dân chủ của họ. Một thời nói đến nước Nga là người ta nghĩ đến con gấu. Như thế hình ảnh của nước Ba Lan là gì?"

"Em không biết."

"Anh thường suy nghĩ về điều này. Em hiểu sao không?" Anh chỉ mấy người say. "Một con người như thế đó, mặc một bộ đồ chơi quần vợt rẻ tiền. Hơi say. Trong một phòng đợi rộng mênh mông. Không có cả một cái bàn. Để cho hình ảnh đầy đủ hơn, hắn ta có thể cầm ở tay trái một cuốn Tinh thần của Vua. Tay phải một chai rượu để cho cân xứng. Ý của anh có điên rồ không?"

"Em không biết. Có thể điên rồ, mà cũng có thể thông minh. Trời đang mưa, đó là điều quan trọng đối với em."

Những quán cà phê dưới phố cũng đông nghẹt. Họ đi từ quán này qua quán khác, ướt sũng và lạnh. Hai người muốn vào một rạp chiếu bóng, nhưng dù trời mưa, trước mỗi rạp cũng có hàng dài người sắp hàng chờ mua vé, trên đầu che tờ báo hay chiếc cặp. Ở nhà hát thành phố, người ta yết một tấm bảng cho biết buổi trình diễn đã hết vé. Agnieszka đề nghị:

"Hay mình đi nơi nào đó ăn tối đi."

"Thật tiếc anh không có tiền. Em có không?"

"Em cũng không. Bao nhiêu tiền em có, em đổ hết vào việc đi tìm anh Grzegorz."

"Bao giờ mình cũng có thể đi nhà thờ, không phải trả tiền mà luôn luôn có chỗ. Người ta vẫn còn thích cầu nguyện. Anh nghĩ là những chi tiết lắt nhắt đó có liên quan với nhau. Nghiêm chỉnh hơn là Thượng đế muốn đấy."

"Mình đi đâu đây, Pietrek?" Nàng miễn cưỡng hỏi.

"Anh không biết. Trên trái đất này có lẽ không có chỗ cho những người yêu nhau."

Họ đứng nhìn nhau trong thành phố sũng nước. Cả hai cũng ướt sũng. Những đợt mưa bị gió thổi tạt đến từng cơn. Xe chạy trên đường bắn nước vào họ, người đi đường chen lấn, xô vào họ. Giọng một người đàn bà vang lên từ loa phóng thanh lớn.

Nàng nói như van:

"Anh đừng nói thế."

"Anh có đọc ở đâu đó người ta viết rằng cái ước muốn vô thức lớn nhất của con người là làm một người nô lệ. Anh bắt đầu tin vào điều đó. Anh thấy chính mình cũng đang muốn trở lại nhà tù. Không suy nghĩ, không lo lắng bất cứ chuyện gì. Cuộc sống có đáng gì đâu nếu luôn luôn có một bảng cấm cắm ở mọi nơi trên trái đất này. Điều duy nhất anh muốn là có một bản án. Tội gì hay thời hạn bao lâu không phải là vấn đề đối với anh."

Chàng nắm lấy tay nàng:

"Em nghe anh nói này. Anh sẽ trở lại đó. Anh sẽ làm một điều gì đó để người ta phải nhớ mình mấy chục năm nữa. Anh sẽ ở lại đó và thế là xong. Chúng ta sẽ không còn phải lang thang, mà cũng không ai bận tâm xua đuổi mình nữa…"

"Đi nào," nàng hét lớn.

Nàng nắm lấy cánh tay chàng và lấy hết sức kéo chàng đi theo. Họ bước vào một bãi đất hoang. Nàng vùng chay, nhưng vẫn không buông tay chàng ra. Họ ngã trên gạch vụn và trên các mô đất, nhưng rồi đứng dậy và chạy tiếp. Cuối cùng nàng ngã trên mặt đất vương vãi những hộp thiếc, vỏ chai và đất bùn bẩn thỉu. Nàng lôi chàng xuống đất nên chàng ngã trên người nàng. Lấy hết sức mình, nàng nắm tóc chàng và ghì đầu chàng vào vú của mình. Bàn tay phải của nàng kéo quần của chàng xuống. "Làm một lần cho xong đi, anh nghe em chưa?" Nàng hét vào tai chàng. "Anh ơi, đừng đổi ý nữa. Nghe em nói đây, không có sao cả. Con người thật ra có hơn gì thú vật đâu. Mình không nên nghĩ là mình có gì khác người ta. Mình không thể làm được gì cả. Điều duy nhất mình có thể làm là chấm dứt ngay những dằn vặt này. Đừng nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau đó. Làm đi nào, làm đi! Làm đi, đừng bỏ chạy!"

"Đi đi," chàng kêu lên. "Đi đi, anh giết em bây giờ."

"Giết em đi, giết em đi, nhung khoan đã. Sau này mình không còn nhìn mặt nhau nữa. Sau đó thì bình an cho cả hai đứa. Cuối cùng là bình an. Không còn mong đợi. Không còn tình yêu. Không còn chủ nhật. Không còn nói về nhà tù của anh. Đã hẳn chúng ta sẽ cảm thấy ghê tởm. Nhưng thế thì sao? Tất cả có gì quan trọng đâu. Đừng chạy. Em không để anh chạy đâu. Đến đây nào. Sau đó chúng ta sẽ quên nhau. Và sẽ không còn gì nữa. Nào, đến đây."

Chàng thoát ra khỏi được su kềm chế của nàng và nhảy ngược về sau. Vài viên gạch trơn tuột, rơi xuống phía dưới vỡ vụn. Trong một lúc, chàng đứng phía trên nàng, mặt tối sầm lại, tay giơ lên như chực đánh. Chàng lắp bắp, khan giọng vì giận: "Agnieszka, Agnieszka." Rồi chàng chạy xuống con dốc nhỏ, gạch vụn và đất đá tuôn xuống theo bước chân mình. Nàng nằm yên bất động, nước tuôn trên tóc, trên mặt, trên khoảng dưới thân mình trần trụi. Sau đó, khi nàng đã trở lại phố, thì Piotr không còn đó nữa. Một nhóm người đứng trú mưa ở cửa ra vào của một nhà, thỉnh thoảng họ ngẩng đầu lên ngước nhìn bầu trời xám xịt. Một thằng nhỏ cứ lải nhải: "Mẹ kiếp! Mẹ kiếp!" Một người khác lại nói: "Chỉ vì mấy trái bom chết tiệt đó. Nếu người ta đừng có cho nổ bom, thời tiết đâu đến nỗi tệ như thế này." Cả đất trời đều sũng nước; người ta có cảm tưởng là mọi vật đều dần dần chảy tan mất.

Ở nhà, cha nàng vẫn đứng cạnh cửa sổ như hồi sáng. Grzegorz ngủ trong bếp. Agnieszka cởi áo ngoài và ngồi lên giường. Mẹ nàng nằm yên, nhắm mắt lại. Người cha than vãn:

"Không đi câu gì được. Làm sao có thể đi ra ngoài khi trời mưa như thế này? Chúa ơi, ta đã vay 50 đồng để mua đồ đi câu, thế mà chẳng được gì cả."

Bỗng nhiên nàng thấy mặt của ông sát mặt mình, nhăn nhó vì tức giận. Nàng ngã mạnh người ra phía sau, bởi vì nàng có cảm tưởng ông sắp chụp lấy cổ của nàng đến nơi. Ông gầm lên, giọng hổn hển:

"Không có mày, không có thằng say nằm trong bếp, tao đã có một cuộc sống ra con người rồi. Hôm nay chủ nhật, tao đã có thể đi chơi hoang hay uống rượu say đã đời rồi. Một ngày mưa là cả đời người bị lỡ. Tao phải ở nhà và nuôi bệnh mẹ mày. Hôm nay chẳng đi câu và ngày mai lại chen chúc trên xe điện."

Bỗng nhiên ông nhảy lên trên giường người mẹ đang nằm, hét lớn:

"Ra khỏi giường đi, bà già. Dậy đi, chết đi, sao cũng được, nhưng phải khác đi, phải thay đổi, rồi cũng phải có gì thay đổi chứ…"

Agnieszka lại lang thang ngoài đường phố. Một cậu con trai chừng mười mấy tuổi hỏi nàng: "Cô đi chung dù với tôi nhé?" Mây đen xuống rất thấp, nằm ngay trên mái nhà.

 

[còn tiếp]

 

 

Đã đăng:

Tiểu thuyết đầu tay của Marek Hlasko (1934-1969) — “nhà văn nổi loạn” nổi tiếng nhất của Ba Lan vào thời hậu-Stalin. Xuất bản lần đầu tại Ba Lan cách đây đúng 50 năm, tác phẩm một thời vang bóng này nói lên cuộc sống đương thời ngột ngạt, quá khứ nặng nề và tương lai mờ mịt của đông đảo những người trẻ tuổi bị gạt bên lề xã hội. [Bản dịch của Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Cuộc sống không có bảo đảm gì cho tương lai. Cần phải nhổ vào mặt tất cả những ai nói đừng lo nghĩ gì cả. Người ta nói rồi vài năm nữa thế nào cũng có thay đổi. Cái gì thay đổi. Khi nào thay đổi? Tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi cũng không có được nữa là... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
Lá dày và phủ cả bầu trời; nằm ngửa mặt nhìn lên, họ chỉ thấy một mảng xanh phía trên nhưng cũng chẳng thấy được những con chim đang líu lo. Cỏ còn nóng bốc ra một mùi hăng, và là là trên mặt đất một ngọn gió thoảng mùi thông và những nụ hoa đầu mùa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... Đường phố giờ đã yên, họ chỉ còn nghe hơi thở lạnh lẽo của chính mình. Agnieszka tựa mạnh vào tường, họ phải ngừng lại để thở. Mặt của nàng nổi lên trên bức tường — một mảng xanh xao. Anh nhìn thấy nét hoảng sợ trên gương mặt đó... (...)
 
Nàng đi tìm khắp các quán rượu dưới phố nhưng không thấy anh đâu cả. Nàng đi vào những nơi người có tiền có bạc vui chơi, rồi đến cả những quán mà các viên chức mang theo những chai rượu vodka trong cặp và khui chai rượu dưới gầm bàn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)
 
... "Thế là xong. Cuộc sống như thế đấy: ánh sáng, tiếng động, đám đông. Không thể thấy rõ điều mà người ta gọi là khổ ải. Không có gì ngoài sự hoảng loạn này." ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên] (...)

 

----------------
Dịch từ các bản tiếng Anh và tiếng Pháp:
Marek Hlasko, The Eighth Day of the Week, trans. Norbert Guterman (Evanston, Ill.: Northwestern University Press, 1994).
Marek Hlasko, L'Impossible dimanche: le huitième jour de la semaine, trad. Anna Posner (Grenoble: Cynara, 1988).
 
    
 
Để tìm hiểu thêm về tiểu thuyết Ngày thứ tám trong tuần và cuộc sống của Marek Hlasko, mời độc giả xem tiểu luận "MAREK HLASKO: Những gì không đến từ Ba Lan..." của Hoàng Ngọc Nguyên.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021