thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SỔ LỚN: [chương 7] “Bài thực tập cho thể xác cứng cáp”

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

AGOTA KRISTOF

(1935~)

 

Vài ý nghĩ của người dịch khi đọc cuốn tiểu thuyết LE GRAND CAHIER:
 
Tiểu thuyết Le Grand Cahier được viết dưới hình thức một cuốn sổ ghi chép của hai cậu bé sinh đôi. Trong thời gian về miền quê để tránh chiến tranh, hai cậu bé tự học cách mô tả những sự kiện xảy ra chung quanh và ở chính mình. Hai cậu tập làm văn trên những tờ giấy rời. Khi nào viết được một bài hoàn chỉnh, thì hai cậu chép nó vào một cuốn sổ lớn. Các chương của cuốn tiểu thuyết chính là những bài tập làm văn ấy.
 
Hai cậu bé sinh đôi đã tự quy định cho mình một nguyên tắc hành văn như sau: "Les mots qui définissent les sentiments sont très vagues; il vaut mieux éviter leur emploi et s'en tenir à la description des objets, des êtres humains et de soi-même, c'est-à-dire à la description fidèle des faits." [Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.] (trang 34, chương “Nos études”)
 
Đó chính là cái bút pháp độc đáo của cuốn tiểu thuyết Le Grand Cahier: đơn giản và vô cảm. Mọi sự kiện đều được nhìn qua con mắt của hai đứa trẻ, ghi lại bằng ngòi bút của hai đứa trẻ, và không bị diễn dịch theo bất cứ một định kiến nào. Và chính vì thế, độc giả sẽ thấy cuộc sống bày ra tất cả những góc cạnh lạ lùng nhất của nó. Một điểm độc đáo khác: suốt cả cuốn tiểu thuyết, hai đứa trẻ sinh đôi luôn luôn có cái nhìn hoàn toàn đồng nhất, luôn luôn có hành động hoàn toàn đồng nhất, và luôn luôn phát ngôn hoàn toàn đồng nhất. "Chúng tôi", chứ không bao giờ "tôi". "Chúng tôi thấy", "chúng tôi làm", "chúng tôi nói"... Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một ẩn dụ? Câu trả lời sẽ dần dần hiện ra trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 14/08/2006

 

____________

 

CUỐN SỔ LỚN

 

Bài thực tập cho thể xác cứng cáp

 

Bà Ngoại thường đánh chúng tôi, bằng hai bàn tay xương xẩu, bằng một cái chổi hay bằng một miếng giẻ ướt. Bà kéo tai chúng tôi và túm tóc chúng tôi.

Những người khác tát tai và đá đạp chúng tôi, thậm chí chúng tôi cũng không biết tại sao.

Những cú đánh ấy gây đau đớn và làm chúng tôi khóc.

Những lần té ngã, những vết xước, những chỗ đứt thịt, sự lao động, cái lạnh và cái nóng cũng gây đau đớn nữa.

Chúng tôi quyết định làm cho thể xác chúng tôi cứng cáp hơn để có thể chịu đựng sự đau đớn mà không khóc.

Chúng tôi bắt đầu bằng cách tát tai nhau, rồi đấm nhau. Thấy mặt chúng tôi sưng vù, Bà Ngoại hỏi:

— Ai đánh bọn mày đấy?

— Chính chúng con đấy, Bà Ngoại.

— Bọn mày đánh nhau à? Tại sao?

— Chẳng tại sao cả, Bà Ngoại. Đừng lo, đó chỉ là một bài thực tập.

— Một bài thực tập? Bọn mày khùng thật rồi! Cũng chẳng sao, nếu bọn mày lấy đó làm vui...

Chúng tôi cởi trần truồng. Đứa này thay phiên quất đứa kia bằng dây nịt. Chúng tôi nói theo từng cú quất:

— Không đau.

Chúng tôi quất mạnh hơn, càng lúc càng mạnh hơn.

Chúng tôi đút bàn tay vào lửa. Chúng tôi dùng dao cắt vào sườn chúng tôi, cánh tay chúng tôi, ngực chúng tôi, và đổ cồn lên những vết thương. Mỗi lần làm thế, chúng tôi nói:

— Không đau.

Sau một thời gian, chúng tôi thực sự không còn cảm giác gì nữa. Đó là một kẻ nào khác bị đau, một kẻ nào khác bị phỏng lửa, bị cắt đứt da, chịu đựng hành hạ.

Chúng tôi không còn khóc nữa.

Khi Bà Ngoại nổi giận và gào thét, chúng tôi nói:

— Đừng gào nữa, Bà Ngoại, hãy đánh đi.

Khi bà đánh chúng tôi, chúng tôi nói:

— Đánh nữa đi, Bà Ngoại! Xem này, chúng con đưa cái má bên kia cho bà, như trong Thánh Kinh đã viết. Bà Ngoại cứ đánh thêm vào cái má bên kia.

Bà đáp:

— Cầu cho quỷ nó bắt bọn mày cùng với cái Thánh Kinh và những cái má của bọn mày!

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

---------
Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "Exercice d’endurcissement du corps" [chương 7], trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).
 
 

Đã đăng:

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Bà Ngoại của chúng tôi là mẹ của Mẹ chúng tôi. Trước khi đến sống trong nhà bà, chúng tôi không hề biết Mẹ chúng tôi lại còn có một bà mẹ. Chúng tôi gọi bà là Bà Ngoại. Người ta gọi bà là Mụ Phù Thuỷ. Bà gọi chúng tôi là "đồ chó đẻ"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chúng tôi phải làm một số công việc nào đó cho Bà Ngoại, nếu không thì bà không cho chúng tôi ăn và bà để chúng tôi ngủ ngoài trời. Đầu tiên chúng tôi không chịu vâng lời bà. Chúng tôi ngủ ngoài vườn, chúng tôi ăn trái cây và rau đậu sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Hố xí thì ở cuối vườn. Không bao giờ có giấy. Chúng tôi chùi đít bằng những chiếc lá to nhất của những loại cây nào đó. Chúng tôi bốc ra cái mùi hỗn hợp của cứt bò, cá, cỏ, nấm, khói, sữa, phô-mai, bùn, đất sét, đất thịt, mồ hôi, nước đái, và mùi meo mốc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021