thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SỔ LỚN: [chương 8] “Ông tuỳ phái”

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

AGOTA KRISTOF

(1935~)

 

Vài ý nghĩ của người dịch khi đọc cuốn tiểu thuyết LE GRAND CAHIER:
 
Tiểu thuyết Le Grand Cahier được viết dưới hình thức một cuốn sổ ghi chép của hai cậu bé sinh đôi. Trong thời gian về miền quê để tránh chiến tranh, hai cậu bé tự học cách mô tả những sự kiện xảy ra chung quanh và ở chính mình. Hai cậu tập làm văn trên những tờ giấy rời. Khi nào viết được một bài hoàn chỉnh, thì hai cậu chép nó vào một cuốn sổ lớn. Các chương của cuốn tiểu thuyết chính là những bài tập làm văn ấy.
 
Hai cậu bé sinh đôi đã tự quy định cho mình một nguyên tắc hành văn như sau: "Les mots qui définissent les sentiments sont très vagues; il vaut mieux éviter leur emploi et s'en tenir à la description des objets, des êtres humains et de soi-même, c'est-à-dire à la description fidèle des faits." [Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.] (trang 34, chương “Nos études”)
 
Đó chính là cái bút pháp độc đáo của cuốn tiểu thuyết Le Grand Cahier: đơn giản và vô cảm. Mọi sự kiện đều được nhìn qua con mắt của hai đứa trẻ, ghi lại bằng ngòi bút của hai đứa trẻ, và không bị diễn dịch theo bất cứ một định kiến nào. Và chính vì thế, độc giả sẽ thấy cuộc sống bày ra tất cả những góc cạnh lạ lùng nhất của nó. Một điểm độc đáo khác: suốt cả cuốn tiểu thuyết, hai đứa trẻ sinh đôi luôn luôn có cái nhìn hoàn toàn đồng nhất, luôn luôn có hành động hoàn toàn đồng nhất, và luôn luôn phát ngôn hoàn toàn đồng nhất. "Chúng tôi", chứ không bao giờ "tôi". "Chúng tôi thấy", "chúng tôi làm", "chúng tôi nói"... Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một ẩn dụ? Câu trả lời sẽ dần dần hiện ra trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 14/08/2006

 

____________

 

CUỐN SỔ LỚN

 

Ông tuỳ phái

 

Chúng tôi nằm trên băng ghế hình góc vuông ở trong bếp. Đầu chúng tôi chạm nhau. Chúng tôi chưa ngủ, nhưng mắt chúng tôi nhắm lại. Có ai đẩy cửa vào. Chúng tôi mở mắt. Ánh sáng của một chiếc đèn pin làm chúng tôi loá mắt. Chúng tôi hỏi:

— Ai đó?

Một giọng đàn ông đáp:

— Không có sợ. Các bạn không có sợ. Hai người các bạn là hay tôi nhiều uống quá?*

Ông cười, ông thắp cây đèn dầu trên bàn và tắt đèn pin. Bây giờ chúng tôi có thể thấy ông rõ ràng. Ông là một người lính ngoại quốc, không cấp bậc. Ông nói:

— Tôi là tuỳ phái của đại uý. Các anh làm cái gì đó?*

Chúng tôi nói:

— Chúng tôi sống ở đây. Đây là nhà của Bà Ngoại.

— Các anh cháu ngoại của Mụ Phù Thuỷ? Tôi chưa bao giờ thấy các anh. Các anh ở đây từ lúc nào?*

— Được hai tuần nay.

— À! Tôi thì đi phép về nhà của tôi, trong làng tôi. Cười nhiều.*

Chúng tôi hỏi:

— Làm sao ông nói được ngôn ngữ của chúng tôi?

Ông nói:

— Mẹ tôi sinh ở đây, trong nước các anh. Đến làm việc trong nước tôi, hầu bàn trong quán rượu. Gặp cha tôi, cưới với. Khi tôi nhỏ, mẹ tôi nói với tôi tiếng các anh. Nước các anh và nước tôi, là những nước bạn. Đánh kẻ thù cùng nhau. Hai anh đến từ đâu?*

— Từ Phố Lớn.

— Phố Lớn, nhiều nguy hiểm. Bùm! Bùm!*

— Vâng, và không còn gì để ăn.

— Ở đây, tốt để ăn. Táo, heo, gà, đủ thứ. Các anh ở lâu? Hay chỉ nghỉ hè?*

— Chúng tôi ở đây đến khi hết chiến tranh.

— Chiến tranh sớm hết. Các anh ngủ ở đây? Ghế trống, cứng, lạnh. Mụ Phù Thuỷ không muốn đem các anh vào phòng?*

— Chúng tôi không muốn ngủ trong buồng Bà Ngoại. Bà ngáy và bà hôi hám. Chúng tôi có mền và khăn trải giường, nhưng bà đã bán mất rồi.

Ông tuỳ phái lấy nước nóng từ cái vạc trên lò và nói:

— Tôi phải chùi phòng. Đại uý cũng đi phép về tối nay hay sáng mai.*

Ông đi ra. Vài phút sau, ông trở lại. Ông mang cho chúng tôi hai cái mền xám của quân đội.

— Không bán cái đó, Mụ Phù Thuỷ già. Nếu bà ấy quá tệ, các anh nói cho tôi. Tôi, bùm, bùm, tôi giết.*

Ông lại cười. Ông đắp mền cho chúng tôi, tắt đèn, và rời phòng.

Ban ngày, chúng tôi giấu hai cái mền trên gác xép.

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

* Trong nguyên tác, ông tuỳ phái nói tiếng Pháp rất vụng, theo kiểu ghép từng chữ một, và hoàn toàn sai văn phạm.

 

---------
Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "L’ordonnance" [chương 8], trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).
 
 

Đã đăng:

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Bà Ngoại của chúng tôi là mẹ của Mẹ chúng tôi. Trước khi đến sống trong nhà bà, chúng tôi không hề biết Mẹ chúng tôi lại còn có một bà mẹ. Chúng tôi gọi bà là Bà Ngoại. Người ta gọi bà là Mụ Phù Thuỷ. Bà gọi chúng tôi là "đồ chó đẻ"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chúng tôi phải làm một số công việc nào đó cho Bà Ngoại, nếu không thì bà không cho chúng tôi ăn và bà để chúng tôi ngủ ngoài trời. Đầu tiên chúng tôi không chịu vâng lời bà. Chúng tôi ngủ ngoài vườn, chúng tôi ăn trái cây và rau đậu sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Hố xí thì ở cuối vườn. Không bao giờ có giấy. Chúng tôi chùi đít bằng những chiếc lá to nhất của những loại cây nào đó. Chúng tôi bốc ra cái mùi hỗn hợp của cứt bò, cá, cỏ, nấm, khói, sữa, phô-mai, bùn, đất sét, đất thịt, mồ hôi, nước đái, và mùi meo mốc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Chúng tôi quyết định làm cho thể xác chúng tôi cứng cáp hơn để có thể chịu đựng sự đau đớn mà không khóc. Chúng tôi bắt đầu bằng cách tát tai nhau, rồi đấm nhau. Thấy mặt chúng tôi sưng vù, Bà Ngoại hỏi: — Ai đánh bọn mày đấy? — Chính chúng con đấy, Bà Ngoại. — Bọn mày đánh nhau à? Tại sao? — Chẳng tại sao cả, Bà Ngoại. Đừng lo, đó chỉ là một bài thực tập... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021