thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SỔ LỚN: [chương 10 & 11] “Trường học” & “Mua giấy, sổ chi chép và bút chì”

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

AGOTA KRISTOF

(1935~)

 

Vài ý nghĩ của người dịch khi đọc cuốn tiểu thuyết LE GRAND CAHIER:
 
Tiểu thuyết Le Grand Cahier được viết dưới hình thức một cuốn sổ ghi chép của hai cậu bé sinh đôi. Trong thời gian về miền quê để tránh chiến tranh, hai cậu bé tự học cách mô tả những sự kiện xảy ra chung quanh và ở chính mình. Hai cậu tập làm văn trên những tờ giấy rời. Khi nào viết được một bài hoàn chỉnh, thì hai cậu chép nó vào một cuốn sổ lớn. Các chương của cuốn tiểu thuyết chính là những bài tập làm văn ấy.
 
Hai cậu bé sinh đôi đã tự quy định cho mình một nguyên tắc hành văn như sau: "Les mots qui définissent les sentiments sont très vagues; il vaut mieux éviter leur emploi et s'en tenir à la description des objets, des êtres humains et de soi-même, c'est-à-dire à la description fidèle des faits." [Những chữ định tính các xúc cảm thì rất mơ hồ. Tốt hơn nên tránh dùng chúng, và hãy chú tâm vào việc miêu tả các vật thể, con người, và chính mình, nghĩa là miêu tả trung thành các sự kiện.] (trang 34, chương “Nos études”)
 
Đó chính là cái bút pháp độc đáo của cuốn tiểu thuyết Le Grand Cahier: đơn giản và vô cảm. Mọi sự kiện đều được nhìn qua con mắt của hai đứa trẻ, ghi lại bằng ngòi bút của hai đứa trẻ, và không bị diễn dịch theo bất cứ một định kiến nào. Và chính vì thế, độc giả sẽ thấy cuộc sống bày ra tất cả những góc cạnh lạ lùng nhất của nó. Một điểm độc đáo khác: suốt cả cuốn tiểu thuyết, hai đứa trẻ sinh đôi luôn luôn có cái nhìn hoàn toàn đồng nhất, luôn luôn có hành động hoàn toàn đồng nhất, và luôn luôn phát ngôn hoàn toàn đồng nhất. "Chúng tôi", chứ không bao giờ "tôi". "Chúng tôi thấy", "chúng tôi làm", "chúng tôi nói"... Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng đó là một ẩn dụ? Câu trả lời sẽ dần dần hiện ra trong hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 14/08/2006

 

____________

 

CUỐN SỔ LỚN

 

Trường học

 

Chuyện này xảy ra cách đây ba năm.

Lúc ấy vào buổi tối. Bố mẹ chúng tôi nghĩ chúng tôi đang ngủ. Trong một phòng khác, họ nói về chúng tôi.

Mẹ nói:

— Chúng nó không chịu xa nhau.

Bố nói:

— Chúng sẽ chỉ xa nhau trong giờ học mà thôi.

Mẹ nói:

— Chúng không chịu.

— Chúng sẽ phải chịu. Điều đó cần thiết cho chúng. Mọi người đều nói như thế. Các giáo viên, các nhà tâm lý. Thoạt đầu sẽ có khó khăn, nhưng chúng sẽ quen với điều đó.

Mẹ nói:

— Không, không bao giờ. Em biết chúng nó mà. Chúng nó chỉ là một người và cùng là một người.

Bố nói lớn tiếng hơn:

— Nói cho đúng, vậy là không bình thường. Chúng nghĩ cùng một điều, chúng làm cùng một việc. Chúng sống trong một thế giới khác. Trong một thế giới của riêng chúng. Mọi sự như thế là không lành mạnh lắm. Thậm chí nó làm anh lo lắng. Đúng thế, chúng nó làm anh lo lắng. Chúng nó thật kỳ quặc. Chẳng ai biết chúng nó suy nghĩ cái gì. Chúng nó quá già dặn so với tuổi chúng nó. Chúng nó biết quá nhiều.

Mẹ cười:

— Anh sẽ không phiền trách chúng vì sự thông minh của chúng đấy chứ?

— Chẳng có gì đáng buồn cười cả. Tại sao em lại cười?

Mẹ trả lời:

— Trẻ sinh đôi bao giờ cũng có vấn đề, nhưng điều đó chẳng phải là một bi kịch. Mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi.

Bố nói:

— Đúng, mọi thứ sẽ đâu vào đấy nếu chúng ta chia cách chúng nó ra. Mỗi cá nhân phải có một cuộc sống của riêng mình.

Vài ngày sau, chúng tôi bắt đầu đến trường. Mỗi đứa ở một lớp khác nhau. Cả hai đứa đều ngồi hàng ghế đầu.

Chúng tôi cách xa nhau bằng cả chiều dài của nhà trường. Khoảng cách ấy thật quái dị, nỗi đau đớn không thể chịu nổi. Giống như người ta cắt mất nửa thân thể của chúng tôi. Chúng tôi mất thăng bằng, chúng tôi chóng mặt, chúng tôi té xuống, chúng tôi bất tỉnh.

Chúng tôi tỉnh dậy trong chiếc xe cứu thương đang chở chúng tôi đến bệnh viện.

Mẹ đến tìm chúng tôi. Mẹ mỉm cười và nói:

— Các con sẽ ngồi chung một lớp kể từ ngày mai.

Về đến nhà, Bố chỉ nói với chúng tôi:

— Những thằng giả đò!

Chẳng bao lâu sau đó, ông ra mặt trận. Bố là một phóng viên, một đặc phái viên chiến trường.

Chúng tôi đi học được hai năm rưỡi. Các thầy giáo rồi cũng ra mặt trận; các cô giáo đến dạy thay cho họ. Sau đó, trường đóng cửa vì có quá nhiều lần báo động và máy bay thả bom.

Chúng tôi đã học đọc, viết, làm toán.

Ở nhà Bà Ngoại, chúng tôi quyết định tiếp tục học mà không cần thầy, chỉ tự học.

 

 

Mua giấy, sổ chi chép và bút chì

 

Ở nhà Bà Ngoại, không có giấy, cũng không có bút chì. Chúng tôi đi tìm trong một cửa hiệu gọi là: "Tiệm Sách và Dụng Cụ Văn Phòng". Chúng tôi chọn một xấp giấy có kẻ ô, hai cây bút chì và một cuốn sổ lớn dày. Chúng tôi đặt tất cả những thứ đó lên cái quầy thu ngân trước mặt người đàn ông mập mạp đang đứng bên kia quầy. Chúng tôi nói với ông ấy:

— Chúng cháu cần những vật này, nhưng chúng cháu không có tiền.

Ông bán sách nói:

— Cái gì? Nhưng... chúng mày phải trả tiền.

Chúng tôi lặp lại:

— Chúng cháu không có tiền, nhưng chúng cháu tuyệt đối cần những vật này.

Ông bán sách nói:

— Trường đóng cửa. Không ai cần vở hay bút chì nữa.

Chúng tôi nói:

— Chúng cháu học ở nhà. Chỉ riêng chúng cháu tôi, chúng cháu tự học.

— Bảo cha mẹ chúng mày cho tiền.

— Bố chúng cháu đang ở ngoài mặt trận, còn Mẹ chúng cháu đã ở lại Phố Lớn. Chúng cháu sống ở nhà Bà Ngoại, bà cũng không có tiền.

Ông bán sách nói:

— Chúng mày không thể mua bất cứ thứ gì mà không trả tiền.

Chúng tôi không nói gì nữa, chúng tôi chỉ nhìn ông bán sách. Ông cũng nhìn chúng tôi. Trán ông ướt đẫm mồ hôi. Một lát sau, ông quát lên:

— Đừng nhìn tao như vậy! Đi đi!

Chúng tôi nói:

— Chúng cháu sẵn lòng phụ trợ cho một số công việc nào đó để đổi lấy những vật này. Tưới vườn cho ông, chẳng hạn, nhổ cỏ dại, khiêng hàng hoá...

Ông bán sách lại quát lên:

— Tao không có vườn! Tao không cần chúng mày! Và trước hết, chúng mày nói năng bình thường không được sao?

— Chúng cháu vẫn nói năng bình thường mà.

— Ở tuổi chúng mày mà lại nói: "sẵn lòng phụ trợ", nói năng như vậy là bình thường, hả?

— Chúng cháu nói một cách chính xác.

— Quá chính xác, đúng thế. Tao không ưa cái lối nói năng của chúng mày chút nào! Cả cái lối chúng mày nhìn tao nữa! Xéo ngay!

Chúng tôi hỏi:

— Ông có nuôi gà không, thưa ông?

Ông bán sách chặm mồ hôi trên khuôn mặt trắng nhợt bằng một chiếc khăn mùi-soa trắng. Ông hỏi chứ không quát tháo:

— Gà? Tại sao gà?

— Tại vì nếu ông không có gà, chúng cháu có thể đem biếu ông một số trứng để đổi lấy những vật dụng mà chúng cháu không thể thiếu được.

Ông bán sách nhìn chúng tôi, không nói một lời.

Chúng tôi nói:

— Giá trứng tăng từng ngày. Ngược lại, giá giấy và bút chì thì...

Ông bán sách ném xấp giấy của chúng tôi, hai cây bút chì của chúng tôi, cuốn sổ của chúng tôi về phía cửa và gào lên:

— Cút ngay! Tao không cần trứng của chúng mày! Lấy hết các thứ ấy đi, và đừng trở lại nữa!

Chúng tôi lượm các vật dụng ấy một cách cẩn trọng và chúng tôi nói:

— Rất tiếc, chúng cháu buộc lòng phải trở lại khi chúng cháu đã dùng hết giấy và bút chì.

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

---------
Dịch từ nguyên tác Pháp văn, "L'école" và "L'achat du papier, du cahier de des crayons" [chương 10 và 11], trong Agota Kristof, La Grand Cahier (Paris: Éditions du Seuil, 1986).
 
 

Đã đăng:

Chúng tôi đến từ Phố Lớn. Chúng tôi đã đi suốt đêm. Đôi mắt của Mẹ đỏ ngầu. Mẹ mang một hộp các-tông lớn, và hai anh em tôi mỗi đứa mang một va-li nhỏ đựng quần áo, cộng với cuốn từ điển to kềnh của Bố mà anh em tôi thay nhau ôm cho đỡ mỏi tay... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Bà Ngoại của chúng tôi là mẹ của Mẹ chúng tôi. Trước khi đến sống trong nhà bà, chúng tôi không hề biết Mẹ chúng tôi lại còn có một bà mẹ. Chúng tôi gọi bà là Bà Ngoại. Người ta gọi bà là Mụ Phù Thuỷ. Bà gọi chúng tôi là "đồ chó đẻ"... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chúng tôi phải làm một số công việc nào đó cho Bà Ngoại, nếu không thì bà không cho chúng tôi ăn và bà để chúng tôi ngủ ngoài trời. Đầu tiên chúng tôi không chịu vâng lời bà. Chúng tôi ngủ ngoài vườn, chúng tôi ăn trái cây và rau đậu sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Hố xí thì ở cuối vườn. Không bao giờ có giấy. Chúng tôi chùi đít bằng những chiếc lá to nhất của những loại cây nào đó. Chúng tôi bốc ra cái mùi hỗn hợp của cứt bò, cá, cỏ, nấm, khói, sữa, phô-mai, bùn, đất sét, đất thịt, mồ hôi, nước đái, và mùi meo mốc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Chúng tôi quyết định làm cho thể xác chúng tôi cứng cáp hơn để có thể chịu đựng sự đau đớn mà không khóc. Chúng tôi bắt đầu bằng cách tát tai nhau, rồi đấm nhau. Thấy mặt chúng tôi sưng vù, Bà Ngoại hỏi: — Ai đánh bọn mày đấy? — Chính chúng con đấy, Bà Ngoại. — Bọn mày đánh nhau à? Tại sao? — Chẳng tại sao cả, Bà Ngoại. Đừng lo, đó chỉ là một bài thực tập... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chúng tôi nằm trên băng ghế hình góc vuông ở trong bếp. Đầu chúng tôi chạm nhau. Chúng tôi chưa ngủ, nhưng mắt chúng tôi nhắm lại. Có ai đẩy cửa vào. Chúng tôi mở mắt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bà Ngoại nói với chúng tôi: — Bọn chó đẻ! — Người ta nói với chúng tôi: — Lũ con của Mụ Phù Thuỷ! Đám con của đĩ! — Những kẻ khác nói: — Đồ ngu xuẩn! Quân đầu trộm đuôi cướp! Bọn hỗn láo! Đồ lỗ đít! Lũ bẩn thỉu! Đồ heo! Bọn mạt hạng! Lũ con hoang! Đồ cứt són! Quân chết tiệt! Nòi sát nhân!... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021