thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐI.COM [2]
Kỳ trước: [1]

 

M đón chúng tôi ở khách sạn, sau đó đưa chúng tôi vào một khu phố cũ còn chút dấu tích của kiến trúc Pháp và một vẻ rất Tàu, ăn cơm. M nói: “Nếu hai ông muốn đi chơi núi, để tôi gọi cho ông bạn giáo chủ trong đó, sẽ đón hai ông. Có yêu cầu gì cứ nói với giáo chủ, kể cả thịt rừng. Chỉ ngoại trừ gái.” M cười cười nói tiếp: “Cũng không chừng, giáo chủ thì không dám nhưng đãi khách thì có thể.” Cơm ngon. Một số người nước ngoài có vẻ cũng thích thú. Tiến hỏi: “Nếu muốn đi biên giới thì đi làm sao?” M cho biết: “Gần thị xã cũng có một cửa khẩu, nhưng mùa này nước ngập hết rồi. Còn một cửa khẩu nữa ở Tịnh Biên cách đây khoảng hơn hai chục cây. Thích thì cứ bảo tụi xe ôm chở.”

Chiếc xe ôm chở ba. Trên đường, những người lái xe ra dấu cho nhau biết có công an giao thông chặn đường hay không. May là xe chúng tôi không bị phạt. Trời mưa khi xe gần đến Tịnh Biên. Mưa cũng đi. Những cây thốt nốt dần dần hiện ra. Những người gốc Miên cũng dần dần hiện ra. Cảm giác ở một vùng biên giới bao giờ cũng xa xăm. Tiến bảo là chao giao.

Chợ biên giới Tịnh Biên đa phần bán mỹ phẩm và vải vóc. Chúng tôi không vào chợ mà đi qua một chiếc cầu gỗ nhỏ mở ra một đoạn độc đạo giữa mênh mông nước hai bên. Một không gian khác hẳn. Như thể chúng tôi đã vừa bỏ lại một đất nước phía sau. Trời vẫn mưa lất phất. Nước trắng đồng. Nước xoá bỏ những lằn ranh, những cột mốc địa lý. Dường như chúng tôi vừa đi qua một chiếc cầu nữa. Tôi đoán là cầu vì có lan can hai bên. Một vài người đàn ông Campuchia chạy xe ôm bám theo chúng tôi. Họ nói gì đó bằng tiếng Miên. Người lái xe ôm cho biết những người đàn ông Miên chào mời thuê họ chở qua biên giới.

Chúng tôi dừng lại ở chỗ cuối cùng không được phép đi qua. Cửa khẩu.

Tôi nhớ đến những từ mà bây giờ không còn ai dùng nữa, như biên ải, quan san, quan tái… những từ gợi cảm, gợi nhớ của cả một nền văn học đã tàn lụi. Những chữ lần lượt tắt thở bởi chúng đã từng sống cái hơi thở thời đại của nó. Quả thật, tôi đang sống lại với chữ “Nhạn Môn Quan” nghìn trùng cách trở, phiêu bạt và cô độc của anh chàng Kiều Phong ngộ nạn cõi giang hồ.

Dãy núi Khom Lưng phía bên Campuchia mờ trong mưa. Không thể không đốt một điếu thuốc để tận hưởng cảnh tượng “đất chìm trong nước, nước chìm trong mưa” (chữ của Trần Tiến Dũng) và mưa chìm trong nỗi quan hoài sử lịch. Người lính biên phòng không cho chụp hình. Chiếc máy ảnh cất giấu nỗi buồn của Chúa.

Bỏ lại biên giới sau lưng để nhìn thấy hơn ba ngàn chiếc sọ của người dân vô tội dưới chân núi Voi bị giết bằng nhiều cách khác nhau. Những phụ nữ bị hãm hiếp cho đến chết. Những phụ nữ chịu nhục hình bởi sự thù oán truyền kiếp bằng một cây tre đầy mấu mắt chọc thẳng từ cửa mình lên tới cổ. Những chiếc sọ vỡ bởi cán cuốc và báng súng. Những chiếc sọ trẻ con. Đấy là năm 1978.

Bỏ lại những oan hồn cho bọn Khmer Đỏ. Chúng tôi đi qua những cánh đồng cô quạnh. Không khí trong veo. Nhị tì người Hoa trong thung lũng thốt nốt. Những ngôi chùa Miên kiêu ngạo trong vẻ mặt u tối của những người chăn bò.

Những con ếch được moi bụng và người ta dồn thịt bằm với nghệ vào trong đó. Những nền văn minh dồn vào bao tử tôi. Tôi bị dồn vào trong ánh mắt của người đàn ông bán bánh mì ếch dồn thịt.

Núi Cấm linh thiêng năm ngàn một vé vào cổng. Núi Cấm huyền bí la liệt hàng quán và xe ôm. Núi Cấm biến sắc thành núi Câm. Tiến bảo tôi không muốn tái sinh nữa. Tôi nghĩ là Tiến đùa cho vui, nhưng trên đường về ngang núi Két, Tiến xuống xe và đi vào trong đám cây thâm u lên núi. Tôi đứng ngoài chờ, tin rằng Tiến sẽ quay ra. Cho đến khi tắt nắng, vẫn không thấy Tiến đâu, tôi đành về thị xã Châu Đốc một mình, không hiểu đã có điều gì xảy ra trong Tiến.

Năm 2010. Trong vườn tượng quốc tế dưới chân núi Sam, có một người đàn ông đầu trọc, cởi trần trùng trục tự biến mình thành tượng, tư thế như một con két đang gáy trên một tảng đá lớn. Mỗi ngày, khi mặt trời lặn, ông ta lại hú lên những âm thanh kỳ dị của rừng rú và thuyết giảng rằng đó là âm thanh của bản năng nguyên thủy. Và sự sắp đặt âm thanh là một nghệ thuật của cuộc sống an lạc. Ông ta nói người nào nghe ông ta và thực hành những lời ông dạy thì sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Nếu thế giới này không nghe lời ông ta, tai hoạ sẽ khôn lường. Một đấng đến sau ông ta, quyền phép hơn ông ta sẽ áp đặt lối sống của một đẳng sinh vật không phải người cũng không phải quỉ, vô thức và bạo liệt. Triệt để và toàn diện. Không một ai có thể đứng ngoài.

Quần chúng cho rằng ông ta điên.

Tôi trở lại Châu Đốc với ý định xem người đàn ông này có phải là Tiến năm xưa không. Chen giữa đám đông hiếu kỳ, tôi lắng nghe tiếng hú của nhà tiên tri. Trong một tư thế đứng tấn chững chạc, hai tay co lại thành hình góc vuông đưa ra phía trước, bàn tay nắm chặt, miệng ông ngậm lại, nhưng từ đó những âm thanh vẫn phát ra hùng dũng đầy khí lực nội công. Khi là tiếng chó sói tru, khi là tiếng cọp beo gầm gừ, lại có khi nghe như tiếng rên hoan lạc của con người lúc làm tình. Tôi không nghĩ ông ta điên. Tôi cũng không nghĩ đó là Tiến.

Buổi tối năm 2005 khi quay trở lại thị xã Châu Đốc một mình, tôi vội vã tìm M và báo cho M biết Tiến đã vào núi. Không có vẻ gì lo lắng, M nói: Chỉ tính riêng núi Sam đã có khoảng trên ba trăm cốc của các ông đạo. Trong toàn bộ Thất Sơn thì không thống kê được. Có thêm ông Tiến nhà cậu vào càng vui. Chẳng có gì phải bận tâm.

Tôi thuê một chiếc xe lôi đạp dạo phố. Người đạp xe hỏi có muốn tìm gái không? Vào khách sạn thì một trăm ba. Mượn đi hát Karaoke ôm cho đỡ buồn thì bo năm chục. Em không lừa đảo. Thấy anh buồn thì em giới thiệu thôi.

Tôi có buồn không? Gọi điện thoại cho Phượng, tôi bảo Tiến đã thành Phật rồi. Phượng nghĩ tôi rỡn chơi. Nhưng đến năm 2010, khi tìm Tiến ở Châu Đốc, tôi đã gặp Phượng trong đám người đứng nghe nhà tiên tri biểu diễn âm thanh trong vườn tượng. Phượng cho biết, chỉ vài ngày sau khi Tiến lên núi Két, cô đã đi tìm Tiến. Dòng dã suốt một tháng, Phượng tìm thấy Tiến trong một cốc nhỏ cũ nát của ông đạo già, nhung Tiến không cho Phượng gặp với lý do đã nhập thất. Cô nấn ná quanh núi để chờ gặp Tiến cho bằng được, nhưng sau bảy ngày tham thiền, đột nhiên Tiến biến mất. Cái cốc cũ nát cũng biến mất. Ngọn núi hoang vu, chỉ có cây với đá lởn vởn.

Phượng bảo từ đó em sống trong tâm trạng của một người con gái bỏ nhà theo trai, mặc dù không thấy trai đâu. Quanh quẩn sống dưới chân núi Sam. Làm đủ thứ nghề, trừ làm gái. Cuối cùng em phát hiện ra làm nghề bói toán là ngon ăn nhất. Em mua sách về học thuộc lòng, nói như két. Thấy ai đáng ghét thì hù cho sợ chơi. Người ta càng sợ mình càng có tiền.

Tôi cười bảo: “Em hù anh thử xem có đáng sợ không?”

“Em đâu có ghét anh.”

Tuy nhiên, Phượng cũng bảo tôi xào bài rồi rút ra một lá. Nhìn Phượng bày bài, tôi có cảm giác cô muốn coi bói cho tôi thật. “Số cậu lẽ ra phải ở nhà lầu đi xe hơi, nhưng vì chỗ cậu đang ở đó có một âm hồn quấy phá. Tôi nói cho cậu biết, sắp tới cậu sẽ gặp một tai nạn khủng khiếp. Vì thương cậu đường xa tới đây, tôi mách cho cậu biết, cậu phải vào trong núi tìm thày của tôi để thày giải cứu cho. Nếu cậu không đi được thì để tôi ra tay giúp cậu. Cậu có muốn tôi giúp không? Nếu cậu muốn thì mua ba trăm sáu chục bó nhang, một ít gạo và muối đem đến đây, tôi cúng sư phụ để sư phụ tôi bắt âm hồn đó về núi tu, cậu sẽ được an lành…”

Tôi thành tâm đưa cho Phượng ít tiền và bảo em cúng giùm anh. Cô ngần ngừ rồi cũng đút tiền vào túi. Em cám ơn anh.

N bảo số anh chết vì gái. Tôi cười nói anh chỉ có thể chết vì em. Năm 2015, một bệnh lạ xuất hiện làm mười triệu người chết chỉ trong vòng một tháng. N cũng mắc bệnh lạ đó. Và nàng yêu cầu tôi không được gặp nàng. Tôi bảo em chết thì anh chơi với ai, thôi cùng chết. Hằng ngày tôi vào bệnh viện thăm N, bất chấp sự lây nhiễm. Không phải tôi lãng mạn cổ điển, mà vì tôi cũng thật sự chán sống. Có người hỏi tôi tại sao các nhà văn Việt Nam không ai dám tự sát? Không ai có vấn đề gì sao? Thì tôi vẫn đâm đầu vào chỗ chết đấy thôi. Tôi vẫn tự hủy hoại mình trong ý thức rực sáng về sự vô nghĩa và đạp chân đến cái tối hậu của bùn lầy hiện hữu. Tự chấm dứt sự sống không phải là cách hành xử duy nhất cho một thái độ quyết liệt và tự do. Nhưng rồi tôi cũng không hiểu tại sao N không chết, tôi không chết. Sống tiếp trong một bối cảnh không đáng sống là một bi kịch lạ lùng nhất của con người. Tôi phải làm việc gấp ba lần để có không khí thở. Nhưng đó vẫn là thứ không khí đã được nhuộm màu. Năm 2005, tôi viết kịch bản với hy vọng có thể bán được cho các hãng phim tư nhân, nhưng tôi đụng phải các khái niệm về đạo đức của chính các nhân vật của mình, như khái niệm về “hãng phim tư nhân” chẳng hạn. Có lúc nó là hiện thực, nhưng có lúc nó chỉ là một khái niệm. Cũng tương tự như thế, “hội nhập” là một từ mang tính khẩu hiệu từ cuối thế kỷ 20, nhưng đến giữa thế kỷ 21, “hội nhập” mới trở thành một thực thể. Trong khoảng thời gian biến chuyển của một từ, sự nhập nhằng có thể đưa người ta đến những cái chết lãng nhách. N nói, năm 2015 em đã ở trong sự chết và em thấy các xác chết đang manh nha sống lại. Sẽ đến lúc các xác chết thống trị thế giới. Tôi cười bảo con người có lúc nào thoát khỏi sự thống trị của các xác chết đâu. N nói đây không phải vấn đề tinh thần. Hitler, Staline, Mao Trạch Đông, Roosevelt, Naponéon, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Caligula… sẽ phân chia lại thế giới và cai trị loài người theo kiểu chuyên môn hoá về khả năng hoá thân.

Cũng trong năm 2015, người đàn ông trước đây đã xuất hiện trong vườn tượng dưới chân núi Sam biểu diễn âm thanh và loan truyền về một người sẽ xuất hiện sau ông ta… đã trở lại. Người ta gọi ông là ông Đạo Tiếng. Vẫn cái đầu trọc và cởi trần trùng trục, nhưng lần này ông ta chỉ biểu diễn hình thể. Nó hoàn toàn không phải là cái thứ performance khều khoào của các nghệ sĩ học đòi triết lý. Mỗi một phần thân thể, mỗi một tế bào đều cất tiếng nói và người xem cũng không thấy gì hơn đó là một thứ ngôn ngữ bản năng. Những bắp thịt nổi cuộn, uốn lượn, bò trườn. Thèm khát và phô trương. Rồi tất cả từng bộ phận thân thể đang kêu la kia trở nên hợp nhất. Nó tạo nên một sức mạnh hùng hổ và lấn át mọi cảm xúc để chỉ còn một cảm xúc duy nhất là bùng vỡ. Hành động. Không một ai đứng xem có thể đứng yên. Bắt đầu là họ quơ chân, khua tay. Sau đó họ lăn lộn dưới đất hoặc nhảy cẫng lên. Đám đông như một lũ động kinh dấn thân vào một bản thể sống động và phổ quát của dục tính.

Phượng nói với tôi, người đàn ông này nhất định là Tiến. Nhưng Tiến không nhận ai là anh em, bạn hữu, hay người tình của mình. Người đàn ông trong vườn tượng nói: “Tôi đến từ tương lai và chuẩn bị cho tương lai”. Có một số kẻ khôn ngoan biết rằng người đàn ông này có thể lợi dụng được, bèn tôn ông là sư phụ. Nhưng ông nói chỉ có bọn láo toét mới dám nhận mình là sư phụ và đuổi đám người cơ hội đi chỗ khác.

Tôi thật sự cũng không biết về Tiến nhiều lắm. Bởi vì tôi không quan tâm đến quá khứ của bạn bè. Khi chơi với một ai đó, tôi chỉ cần biết họ đang làm gì, thế nào. Trước khi gặp Tiến, tôi đã đọc được một số bài thơ của hắn và tôi thấy hắn là kẻ có thể làm cho người ta đau mắt, ngạt thở hoặc cảm cúm vì bầu trời lông gà lông vịt do hắn làm ra. Tôi không thích người tốt việc tốt mà chỉ thích người xấu việc xấu, nên chơi với Tiến. Việc Tiến bỗng nhiên bỏ tất cả vào núi tu đạo thật ra chỉ là bước nhảy sau cùng của một quá trình nhấp nhổm tự hủy, lăm le giữa hư vô và thường tại. Sau này tôi biết Tiến cũng đã có thời kỳ vào chùa và học nội công với một nhà sư. Tiến có thể coi tử vi và chữa được một số bệnh bằng phương pháp nội công. Có lần Tiến nói với tôi: “Số phận hay định mệnh của con người không phải chỉ là số phận, định mệnh của từng cá nhân mà nó có tính chất tập thể. Tôi đã xem nhiều bản tử vi và thấy rằng có một sự trùng hợp đáng ngại về một tai hoạ khủng khiếp vào giữa thế kỷ 21.” Phải chăng Tiến muốn tìm cách thoát khỏi tai hoạ ấy trước khi nó xảy đến?

Phượng kể: “Vào mỗi đêm rằm em lại chiêm bao thấy anh Tiến. Ảnh cởi trần trùng trục y như cái ông trong vườn tượng. Ảnh ôm em và khuyên nhủ em đừng vay mượn gì của thần thánh. Vì thần thánh cho vay nặng lãi lắm. Lúc đầu em cũng không hiểu ý ảnh là sao. Nhưng càng sống em càng thấy là thần thánh còn khó chơi hơn dân ma cô tú bà. Nợ nần dân ma cô tú bà cùng lắm thì chết là hết. Nhưng nợ thần thánh thì oan trái tới muôn đời sau. Em nghe nói ở miền Bắc có Bà Chúa Kho, còn ở Châu Đốc có Bà Chúa Xứ, cả hai bà đều cho vay tiền làm ăn. Em không vay tiền nhưng có khấn với Bà Chúa Xứ rằng nếu Bà linh thiêng thì xui khiến cho anh Tiến quay trở lại. Trong giấc mơ anh Tiến trách em tại sao lại muốn ảnh rời bỏ con đường đã chọn, rằng Bà Chúa Xứ có thể sẽ làm hỏng sự nghiệp tu hành của ảnh, rằng các thần thánh cũng tranh dành quyền lực khốc liệt còn hơn con người nhiều lắm… Tuy nhiên, em thấy rõ một điều rằng em và anh Tiến có nợ nần với nhau từ kiếp trước, nên kiếp này em phải đoạ đày vì ảnh. Tại sao ảnh không cho em trả nợ ảnh?”

Tôi thầm nghĩ, không phải em nợ nó mà nó bỏ chạy trốn nợ em, nhưng tôi nói: “Tiến nó muốn em dứt bỏ nghiệp. Dứt bỏ luân hồi.”

Sau lần đó, gần như tôi không còn gặp Phượng nữa. Có thể Phượng cũng đã vào núi và trú thân trong một cái cốc nào đó. Người ta đồn trong núi Két có một bà thày bói nói không sai điều gì. Tôi cũng nghe đồn có rất nhiều ông lớn bà lớn thường vào núi Két coi bói.

Năm 2030 có một hội nghị toàn cầu về các hiện tượng bí ẩn. Cả sự minh triết và mù quáng đều được hội nghị đề cập tới. Đã có rất nhiều dẫn chứng đáng tin cậy cho thấy đang có một sức mạnh vô hình chi phối cuộc sống con người theo một chiều hướng khổ hạnh. Vào thời gian đó, N bỗng dưng lãnh cảm. Nàng từ chối mọi cuộc làm tình và tuyệt đối không vui chơi giải trí. Tôi cho rằng đó là những biểu hiện tâm sinh lý của giai đoạn tiền mãn kinh, nhưng N bảo không phải. Có một tiếng nói khác trong N ngăn cản nàng làm theo ý muốn, ức chế cả tinh thần lẫn thể xác. Một thống kê cho thấy gần 40% phụ nữ có vấn đề về tâm thần và tỉ lệ người điên tăng lên 20% mỗi năm. Tôi có cảm giác N cũng đang cận kề điên loạn. Giữa lúc bối rối và lo lắng, tôi nhớ đến Phượng.

Đưa N xuống Châu Đốc chơi, tôi đi lại cái hành trình của 25 năm trước. Bến phà Năng Gù vẫn hiu hắt trong tiếng máy nổ của chiếc phà cũ kỹ. Tôi nghĩ nếu không có tiếng máy nổ xình xịch ấy, dòng sông Năng Gù không thể chảy và những cô gái quanh đây sẽ mãi mãi trinh tiết.

Chiếc phà còn thì tất nhiên những gã xe ôm cũng vẫn còn. Tôi thuê hai chiếc vào An Hoà Tự. Thày Huỳnh Phú Sổ vẫn hai mươi tuổi thông minh, đẹp trai trên bàn thờ. Tổ đình được công nhận là di tích quốc gia. Dì của Phượng vẫn nấu rượu và nuôi heo. Tôi nhắc lại chuyến đi năm xưa, dì của Phượng vẫn còn nhớ và mời tôi với N ở lại chơi. Dì nói: “Hồi đó tôi cứ nghĩ là sẽ được ăn cưới Phượng, nhưng không ngờ Phượng lại bỏ đi biệt tích. Tội nghiệp nó. Cái anh bạn của anh chắc giờ này bộn con cháu he?” Không hiểu dì của Phượng có ý muốn thăm dò tôi về tung tích của Phượng và Tiến không, tôi dè dặt nói: “Bạn tôi không lấy vợ. Cậu ấy đi tu rồi.” Dì của Phượng vui vẻ: “Vậy là Đức Thày đã cảm hoá ảnh”. Tôi nghe như Tiến vừa giải thoát. Trong một cảnh giới khác, tôi thấy Tiến đang đứng giữa các loài thú hoang. Hắn cũng hoang dã như thú. Không phải giải trừ tinh thần. Không phải lược giản sự sống. Mà nguyên sơ.

Trước khi vào núi, tôi và N tìm ăn tất cả các loại mắm, từ mắm thái, đến mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm bò hóc, mắm ba khía… Ăn mặn khát nước. Chống lại sự thoái hoá cảm giác. Thúc đẩy nhân quả.

N tự thắp một nén nhang dưới chân núi cho hai linh hồn. Coi như một lần chết.

Chúng tôi đi theo một lối mòn được khoảng năm trăm thước thì bị những tảng đá bít đường. Leo qua các tảng đá, chúng tôi bám vào cành cây lần mò bước tới. Đường càng lúc càng khó đi. Chúng tôi định hướng bằng cách leo dốc. Mệt muốn đứt thở. Nhưng không thể dừng lại, quay về. Ít nhất một lần trong đời đi tới tận cùng. Cho dù là cái tận cùng không đâu. Tôi nghĩ đến đoạn đường thánh giá của Chúa. Đi hết số phận. Đi cạn mồ hôi và máu. Cả tôi và N đều lờ mờ hiểu ra “ĐI” là một giải pháp. Chúng tôi trở nên phấn chấn. Cái cản ngại nội tại dần dần mất đi. Cái cản ngại bí ẩn của một tiếng nói khác dần dần rõ nét. Và không còn cách nào khác là buộc phải triệt hạ, thủ tiêu, giết chết cái “tiếng nói khác” bí ẩn kia đi, nếu N muốn thoát khỏi tình trạng lưỡng nan bất khả dung hợp làm tê liệt mọi cảm xúc.

Chúng tôi nhìn thấy tảng đá lớn nhô ra khỏi sườn núi. Đó là mũi Két. Chênh vênh. Tôi nhớ tới lời Phượng nói: “Không ai có thể leo lên tới đó và không ai đứng được trên cái mũi Két ấy, trừ Thày. Mỏm núi linh thiêng sẽ hất nhào xuống đất bất cứ ai còn nghiệp chướng.” Tôi nói với N: “Mình phải lên tới đó.” Khoảng cách không xa, nhưng tôi nghĩ phải đi vòng lên đỉnh núi rồi mới bước xuống được tảng đá ấy. Thế là lại bước, tôi không còn khái niệm về thời gian, phần vì không nhìn thấy mặt trời, phần vì mệt. Có lúc tôi như mộng du. Một tiếng nói của chính tôi thúc giục: Mi phải đi cho đến khi tắt thở. Tôi vừa lết vừa kéo N theo. Bỗng nhiên tôi nhận ra một điều khác sáng rỡ trong tôi: Càng đi tôi càng thấy mình nhẹ. Tôi đã tháo bỏ và trút cạn tôi cho con đường. Đúng lúc tôi cảm thấy mình không còn gì và sẽ lịm đi, tôi nhìn thấy cái mỏm đá rộng ngay trước mặt. Một khoảng bằng phẳng to bằng cái chiếu, nhẵn thín. Ở giữa có vài chỗ lõm như ai đó đã đặt cái mông của họ xuống cát ẩm. Tôi quay sang N. Nàng cũng đang sững sờ, nhưng rồi bất ngờ, nàng reo lên.

Cho đến rất lâu sau này, tôi không quên được cảm giác lúc ấy. Nó vẫn là một thứ cảm giác nước đôi. Chết đi và sống lại. Sau tiếng reo của N, chúng tôi nghe thấy nhiều thứ tiếng khác. Tiếng bước chân và tiếng nói chuyện của những kẻ hành hương. Tôi tự hỏi không biết mình ảo giác hay đã thật sự đi hết một con đường? Tôi nhìn N và tôi biết không còn điều gì quan trọng. Nàng tươi cười và có chút hóm hỉnh.

N nói với tôi: “Anh có biết lúc ấy em thật sự nghĩ gì không?” Tôi lắc đầu. “Bỗng dưng em nghĩ, nếu như em có con với anh thì chẳng có chuyện quái gì xảy ra. Em sẽ như mọi người đàn bà khác cơm nước giặt giũ quét nhà và linh tinh đủ thứ việc vặt. Và lúc ấy, anh nhớ không? Em đã hôn anh và muốn khóc”. Nhớ nụ hôn của N và cách N hôn tôi, tôi tin rằng N đã thoát được nguy cơ biến dạng bởi một “tiếng nói khác”.

Nhưng thật ra tôi biết mọi thứ đang biến dạng, kể cả tôi. Và tôi nhìn sự biến dạng một cách e dè, bởi vì vẫn có một điều gì đó không thuộc về mình. Cuối năm 2005, một loạt hiện tượng “Đức mẹ khóc” xảy ra. Những giải thích về cái dấu vết lõm sâu trên má tượng Đức mẹ như một dòng chảy của các giới chức tôn giáo cũng như chính quyền đều không thoả đáng. Những kẻ ăn mày phép lạ được hả hê và những kẻ phỉ báng niềm tin cũng được thoả chí. Người sống vẫn phải sống và kẻ chết vẫn cứ chết. Tiếng đọc kinh dưới chân tượng và tiếng hát của các ca sĩ hạng hai trong quán cà phê hoà vào không gian vô tận. Các thiên thần trên mái nhà thờ vẫy cánh. N nói em phải ăn một cái gì đấy cho cứng bụng. Tôi bảo cóc, ổi, bắp rang, đậu phộng da cá đồng hành tới tương lai. Chúng ta còn đầy một thế kỷ trước mặt. Và chúng ta sẽ phải khóc trước ĐI.COM. Tôi đã biết gì về ĐI.COM ở thời điểm năm 2005 khi ĐI.COM chưa xuất hiện? Tại sao tôi lại hỏi? Tại sao tôi buột miệng nói ra? Tôi không hiểu được khi viết những dòng này người tôi lại ớn lạnh.

ĐI.COM cho tôi đến gần với cái chết trong lúc tôi chờ N tới ở quán cà phê quen thuộc. Khởi đầu là một chút cồn cào trong bụng. Sau đó choáng đầu. Cảm thấy không ổn, tôi ra lấy xe với ý định sẽ về cơ quan nghỉ một chút. Nhưng chỉ đi được một quãng, tim tôi nặng và trì trệ đập, choáng váng muốn ngã. Tôi ngừng xe, ngồi bệt xuống đường gọi điện thoại nhờ bạn bè đưa đi cấp cứu. Không hốt hoảng, tôi tự nhủ không được chết, không được để cho lịm xuống. Cùng lúc tôi cầu nguyện, mặc dù tôi vốn vô đạo. Lạy Chúa cứu con. Tôi nghĩ đến ĐI.COM. Nghĩ đến N. Tôi cảm thấy cái chết ngấp nghé. Quả tim sẽ thôi không đập nữa và đầu óc sẽ thôi không nghĩ gì nữa. Tôi yêu hư vô. Và hư vô sẽ đón nhận tôi, hoà tan tôi vào nó. Sẽ vĩnh viễn không là gì. Vĩnh viễn cô đơn.

Nhưng rồi ĐI.COM buông tha tôi, trả tôi lại cho cuộc đời. Tôi nói với N, anh muốn đến một nơi nào đó, nghỉ và quên đi những điều không cần nhớ. Tôi cảm thấy có Tiến cùng đi với tôi. Những đứa bé bắt cua biển ở Vĩnh Châu có cả ba dòng máu Việt, Tàu, Miên tò mò nhìn chúng tôi khi chúng tôi cũng tò mò nhìn sự lam lũ của chúng giữa biển bùn lấp xấp. Tôi muốn chụp hình một cô bé có nụ cười đẹp. Một đứa láu lỉnh bảo “hãy cười cho hết hàm răng”. Ừ nhỉ, đã bao giờ tôi cười hết hàm răng như cây khế đồi cao trổ hết bông của Phạm Công Thiện? Tôi rơi vào một cơn mệt u tối. Tiến truyền nội lực cho tôi bằng cách áp hai tay trên đầu tôi. Một hơi ấm toả ra từ hai bàn tay Tiến xâm nhập vào tôi. Sao tôi lại mong manh thế? Những đứa bé lấm lem đang lún xuống bùn. Tôi biết chúng sẽ đi qua đám bùn cạn ấy để ra biển, không hề gì. Và chúng vẫn cười hết hàm răng cho nỗi vất vả cơm áo và cái bất khả vãn hồi của số phận.

 

[còn tiếp]

 

 

Đã đăng:

ĐI.COM [1] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Một nửa trái đất bị bao phủ trong bóng tối sợ hãi. Mỗi ngày lại có một tin đồn mới về sự xuất hiện của “ĐI.COM.” Chưa ai dám khẳng định là mình đã nhìn thấy “ĐI.COM,” nhưng tất cả các chính phủ, các phương tiện thông tin đều không thể trấn an dân chúng thoát khỏi sự hoang mang... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021