thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐI.COM [5]
Những kỳ trước: [1] [2] [3] [4]

 

Năm 2049, tình trạng nhiễm sóng của cơ thể con người đã trở nên trầm trọng. Nó làm cho hệ ý thức trở nên nhoè nhoẹt. Trên những khoảng chồng lấn của các nếp gấp tư duy bị ĐI.COM xâm nhập, ý thức không thể phát hiện, ở đó ĐI.COM phát ra mệnh lệnh và tạo ra tính tương thích mặc định. Con người hành động theo ĐI.COM mà không hề biết. Người ta không nhớ những gì mình đã làm, bởi các dữ liệu hành động đã bị ĐI.COM xoá bỏ. Nó để lại một khoảng trống ký ức nôn nao vừa buồn bã vừa thèm khát hành động tiếp tục.

Con của Diệu An vào chùa làm ni cô. Nó bảo cuộc sống là oan trái. Nó không biết nó thuộc về ai. Tôi cũng không biết nó thuộc về ai giữa tôi, Diệu An và người nó gọi là bố. Thỉnh thoảng nó vẫn đến thăm tôi, dù rằng nó bảo không thích có một người bố hay một người tình giống như tôi. Tôi đùa bảo nó nhưng nếu con có một đứa con giống như bác thì con sẽ vui. Nó nói đẻ ra một đứa con là tạo ra một nghiệp lớn cũng ngang bằng như một hành động sát sinh. Ni cô Diệu Hoà có khuôn mặt như một “vầng trăng sương.” Tôi không quen tả cụ thể chi tiết một nhân vật, nhưng khuôn mặt của Diệu Hoà giống như một nỗi ám ảnh vẫn làm tôi tự hỏi: “Cái vẻ đẹp bên trong của con người thật sự là gì?”, khi sự trong sáng bị phủ mờ bởi những trải nghiệm buồn. Tôi cảm thấy ở Diệu Hoà một nỗi bất trắc thường trực. Nó làm tôi xao xuyến và mơ hồ sợ hãi. Trước khi Diệu Hoà vào chùa, mỗi năm tôi gặp cô bé ba bốn lần. Sau khi Diệu Hoà vào chùa cũng ba bốn lần tôi gặp mỗi năm. Mỗi lần gặp Diệu Hoà là mỗi lần tôi cảm thấy mình phải sống khác. Thánh thiện hơn. Nó trở thành một nỗi khắc khoải kéo dài trong nhiều năm. Tôi có phải là người có lỗi trong sự có mặt của Diệu Hoà trên cõi đời này? Chắc chắn không. Tôi không cảm thấy Diệu Hoà là của tôi hay từ tôi, nhưng tôi cảm thấy cô bé ấy vì tôi. Dĩ nhiên tôi biết Diệu An trước khi biết Diệu Hoà và sự liên kết cả ba chúng tôi với nhau không mang tính chất gia đình, mặc dù khi Diệu Hoà còn bé, tôi vẫn bồng bế cô ấy. Điều tôi cảm thấy rõ nhất, Diệu Hoà là một Diệu An hoàn chỉnh hơn được mang đến với tôi bởi một ý muốn bí ẩn. Nhưng cả tôi và Diệu Hoà đều cố gắng chống lại điều đó, không phải vì ý thức đạo đức, mà không muốn làm hỏng cái đẹp đẽ và lớn lao trong một mối quan hệ tưởng như bình thường. Trước mặt Diệu Hoà, chân tâm tôi được soi sáng và tôi cảm thấy có một niềm hạnh phúc bên ngoài cuộc sống này. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận biết được có một khoảng tối sâu kín trong lòng Diệu Hoà, nó mang mầm mống của sự hủy diệt. Vào năm hai mươi ba tuổi, Diệu Hoà phóng mình xuống giếng sâu trong chùa, xoá bỏ hẳn dấu vết của khoảng tối mờ mịt ấy trong lòng. Không ai hiểu được cái chết của Diệu Hoà. Cũng không ai hiểu được tại sao Diệu An ngồi gõ mõ suốt ngày đêm. Tiếng mõ siêu độ thời gian, nhưng không siêu độ con người.

Chiều cuối năm 2005, tôi ngồi với N trong công viên Văn Thánh. Chẳng mấy khi trời Sài Gòn lại đẹp thế. Nắng nhẹ và gió mang hơi nước từ lòng hồ mát rượi. N nói cần phải cho nhân vật N của anh bạo liệt hơn. Em muốn có những biến cố làm thay đổi số phận con người.

Tôi bảo tất cả những nhân vật khác đều sẽ chết cùng với sự khốc liệt trong số phận của họ. Riêng N, anh muốn cô ấy là một người thấu hiểu và cùng anh đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời anh.

N nói anh chưa bao giờ hỏi em nghĩ gì, cũng như chưa bao giờ anh hỏi em sống thế nào. Đã có những người đàn ông tán tỉnh em và họ mặc nhiên như em thuộc về họ. Họ thích nói mà không cần biết cái lố bịch của sự phô trương. Em không định nói anh cũng như họ, nhưng thật sự thì anh cũng đâu biết em như thế nào.

Tôi bảo: Quả thật, anh không biết gì về em ngoài một em trước mặt anh. Và anh không muốn biết gì hơn thế. Anh không muốn phải nghĩ ngợi khi đang có một người đàn ông khác sở hữu em.

Không ai có thể sở hữu em, ngoài em. Và anh đã không hỏi em về điều đó. Anh không hỏi chính em.

Chưa bao giờ tôi lại có một cảm giác đơn độc đến thế. Tất cả mọi phụ nữ thân yêu của tôi đã ở ngoài tôi. Tôi nói với N: Có thể anh đã sai lầm khi không quan tâm đến bối cảnh xuất hiện của nhân vật. Nhưng đừng hiểu là anh vô tâm. Anh chỉ muốn sống với nhân vật của mình không định kiến với quá khứ, chấp nhận một nguyên trạng như nó là thế và tạo ra tương lai.

N bảo ngày mai em về quê. Anh ấy cùng đi với em. Em cũng muốn xác định lại mối quan hệ nửa vời này. Để yêu anh, em cần phải hủy hôn ước với anh ấy. Em không muốn sống như một kẻ phản bội.

Chia tay buổi chiều ấy, chúng tôi không hôn nhau. Nhưng tôi biết không bao giờ tôi mất N. Những gì tôi biết được về người đàn ông là chồng chưa cưới của N vỏn vẹn thế này: “Đồng hương Phú Yên. Mẹ em bảo đấy là con của một người mà xưa kia mẹ em đã yêu. Nhưng người đàn ông ấy đi tập kết, bỏ lại tình yêu của mình cho năm tháng phai nhạt. Ông ta lấy một bà vợ miền Bắc. Hai mươi năm sau ngày hoà bình lập lại, ông ta và mẹ tình cờ gặp lại nhau. Ông ta có một người con trai từng học ở Nga. Mẹ có một cô con gái. Ông ta đề nghị mẹ làm thông gia để gìn giữ một chút tình xưa. Mẹ bảo tùy bọn trẻ. Anh ấy đến gặp em. Em thấy cũng được nên đồng ý hứa hôn. Một vụ qui hoạch treo làm màu sắc cho thời gian trống trải.” Có một lần tôi gọi điện thoại cho N, anh ta bốc máy nói cộc lốc: “Đừng lộn xộn”, rồi cúp. Dường như anh ta biết tôi đang chen vào cuộc sống của họ.

Tôi ra Nha Trang nằm để thấy gần N hơn.

Từ sáng đến chiều tôi đi dọc bờ biển từ Chụt tới Bãi Tiên. Tết. Người vắng. Biển hoang vu sóng. Tôi vạ vật buổi trưa trong quán, buổi chiều trong gió, buổi tối trong củi lửa của Sailing Club. Tôi muốn nhảy với một ai đó quanh đống lửa, nhưng cả đến bọn Tây cũng không hào hứng. Những ý nghĩ trong đầu tôi cà giựt cà tưng. Tôi cảm thấy cần phải xông thẳng ra Tuy Hoà giành lại N. Nhưng một cơn buồn ngủ lạ lùng trì kéo tôi lười biếng trên ghế. Một ai đó đang gõ nhịp trên mặt bàn. Tôi chìm dần xuống u tối. Không còn ngọn lửa. Không còn tiếng sóng. Không còn nhạc. Bỗng dưng tôi cảm thấy như có ai đó cầm tay tôi kéo đứng lên. Tôi mở mắt. N đang đứng trước mặt tôi. Tôi nhớ đến câu nói của mẹ tôi khi tôi bệnh: “Mẹ không để mất con.” Dường như tôi bật khóc.

Bố tôi bảo mày là thằng ở dưới lỗ chui lên. Quả thật thú vị, nếu như tôi có thể chui ra từ một cái lỗ nào đó được chọn lựa và tự do. Tôi vẫn có cảm giác mình không nguồn cội, không dòng giống, không quê hương. Ở dưới chân núi Sam năm 2020, người đàn ông mà tôi vẫn nghĩ là Tiến nhập thân dùng ngón tay viết trên đá câu chân ngôn này: “Phật không phải là người Népal hay Ấn Độ, Giêsu Christ không phải là người Do Thái hay Palestine, Ta không phải là người Việt hay Trung Quốc, Ta chỉ là một con chó gặm miếng xương Người quẳng xuống và xưng tụng dòng dõi của loài khuyển trung thành.” Gần như ngay tức khắc, dòng chữ ấy đã bị các lực lượng an ninh, dân phòng xúm vào đục bỏ. Ông Đạo Tiếng bị tống vào nhà thương điên.

Diệu Hoà ở trong chùa tụng kinh vô sở trú. Tâm hồn nàng ngổn ngang giữa cõi Phật và phi Phật.

Tết năm 2006 ở Sailing Club Nha Trang, tối hôm N bất ngờ xuất hiện, tôi đã đưa nàng về khách sạn ngủ chung. Mặc dù thế, cả tôi và N đều sống trong một cảm giác không thuộc về nhau, không thuộc về bất cứ điều gì. Trong lúc đó tôi cũng nhận được tin nhắn của Muội: “Em biến mất.” Hơn ba mươi năm sau, cả Diệu An và Diệu Hoà cùng gõ mõ cầu siêu cho những nỗi niềm bí mật. Mắc cạn giữa những người đàn bà, tôi như con cá nằm trong lưới. Năm mười sáu tuổi, khi gặp tôi ở Huế, Diệu Hoà bảo: “Bác dụ dỗ cháu đi.” Tôi nói dụ dỗ gái vị thành niên đi tù chung thân đấy. Hoà nghiêm trang triết lý một câu rất sến: “Tình yêu không phải đã vốn là một nhà tù sao?” Tôi cười “vì thế bác đâu muốn ở tù.” Hoà hạ một nhát chém ngang cổ tôi: “Nếu bác không chịu đi tù thì cháu đi tu.”

Nhịp đời đi là những tiếng mõ xa vắng. Tù hay tu cũng là vô sở trú, năm mười sáu tuổi Hoà chưa biết điều ấy. Trong tháp bà Ponagar ở Nha Trang, tôi đã nhìn thấy một cô gái thành kính lấy tay chà lên đầu Linga rồi xoa lên hai má mình. Lời cầu nguyện của cô sâu thẳm đến nỗi tôi nghĩ không thể bỏ qua một giây phút nào có thể mà không để cho con cu cực lạc. Nhưng tôi vẫn dừng ngay trước cửa tâm hồn Hoà, bởi vì tôi biết, tôi chỉ có thể là người phá hủy. Dù thế, tôi vẫn không thoát khỏi cái định mệnh phá hủy. Năm mười tám tuổi, Hoà cởi áo cho tôi xem hai bầu vú rực rỡ. Khi ấy Muội đã chết. Muội Muội cũng đã chết. Cả N và Diệu An cùng đã tắt kinh. Tôi cúi lạy cuộc đời ban tặng, lòng hân hoan khôn tả nhưng vẫn phải nhắm mắt khước từ. Tôi nói: “Cháu đẹp lắm. Bác không thể làm hư hỏng đời cháu…” Hoà bảo: “Hư hỏng càng đẹp. Cháu thích loạn luân.” Điều gì ngăn cản tôi yêu Hoà? Tôi hèn hay tôi sợ, tôi cũng không biết nữa. Đó là một cái đẹp nguy hiểm và không giới hạn, tôi bỏ chạy và trốn trách nhiệm về thứ tình yêu cuồng dại ấy. Sau khi Hoà đi tu, tôi luôn bứt rứt không biết mình xử sự như thế có đúng không. Và khi Hoà chết, tôi biết chắc chắn rằng mình đã sai lầm.

Năm 2055. Tôi cảm thấy mình đang sống những ngày cuối cùng. Không phải vì ĐI.COM. Mà là sự tàn tạ đã đang làm ung thối thân xác tôi. Hai bàn chân tôi tươm máu và hầu như không còn cảm giác. Đôi khi kiến bu đầy, tôi cũng không biết. Nhưng giờ đây, trong khi chờ đợi ĐI.COM tới, tôi vẫn không khỏi hồi hộp và xao xuyến. Tôi đã dùng cả cuộc đời tôi để chống lại sự mù quáng, thế mà rốt cuộc, tôi cũng đang nôn nao đón nó trong một trạng thái chuẩn thuận. Tôi sẽ tự biến mất một cách điên dại trong sự hỗn độn của đám đông. Tôi tưởng tượng tôi cũng hò hét sùi bọt mép đòi một ai đó phải chết. Đòi một trật tự khác cho một sức mạnh cuồng tín của màu da. Đòi sự ngu ác thống trị. Tôi ghê tởm con người và cái định mệnh tự kỷ ám thị về sứ mệnh của mình.

— Anh đừng để ánh mắt mờ tối. N nhắc và tôi thấy nàng lo âu.

— Đầu óc anh tù mù quá. Tôi nói.

— Hãy giữ cho lòng trong sáng. N nói như níu kéo. Hít thở thật sâu và chậm.

Giờ thì hãy lên đường, lão già. Tôi nghe thấy tiếng gọi từ sâu thẳm và cố chống lại nó. Một nỗi cay đắng làm nghẹn họng tôi.

— Anh sao vậy? N hốt hoảng hỏi.

Tôi nuốt nước bọt, trả lời:

— Không sao.

Đôi chân bủn rủn, tôi không thể đứng lên. Khi ấy, từ xa tiếng gào rú vang tới va đập làm rung cánh cửa kính. Lồng ngực tôi bị ép. Tôi muốn cầu cứu Chúa của tôi. Nhưng ngài giấu mặt. Đám đông đến gần, tôi nghe rõ tiếng loa phóng thanh của những người biểu tình: “Chúng tôi cần thịt người.”

Chưa phải là ĐI.COM. Tôi thở ra. N vuốt ngực tôi. Trên màn hình TV, phát thanh viên của Tân Hoa Xã đưa tin, người ta đã tìm thấy dấu vết của những đứa bé mất tích cách đây hơn ba mươi năm, chúng xuất hiện như nguyên trạng và được thân nhân nhìn nhận, nhưng những con người này tỏ ra không có ký ức. Trong số những đứa bé được tìm thấy lại đó, người ta phát hiện ra có năm đứa mang gien di truyền của Mao Trạch Đông.

Năm 2035, Phượng báo tin cho tôi rằng đã xin một đứa con nuôi từ trung tâm dịch vụ kết nối các mối quan hệ gia đình. Lý lịch của nó chỉ ghi bị bỏ rơi, do đó không biết rõ nguồn gốc xuất thân của đứa bé. Trên đùi nó có một cái bớt màu đỏ giống như ngọn lửa. Thằng nhỏ rất đẹp trai và dễ thương, nhưng càng lớn càng thấy nó ít tình cảm. Đâu là chuẩn mực của việc nên người? Em cảm thấy bối rối khi nghĩ về điều đó, Phượng nói. Dường như thằng nhỏ thuộc về một thế giới khác, vừa lơ ngơ, vừa dữ dội. Có những lúc em thấy nó mơ màng sao đó, như thể có một hoài vọng và chờ đợi. Tất cả tình yêu em dành cho nó, nhưng vẫn thấy nó xa lạ.

Năm 2050, đứa con nuôi của Phượng bỏ đi khỏi đất Hoà Hảo ngay sau khi chôn cất Phượng xong.

Tôi chỉ biết tin Phượng chết sau đó ít tháng, nên cũng không có dịp nhìn thấy mặt thằng nhỏ con Phượng. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, thằng nhỏ đến tìm tôi và tự giới thiệu là con Phượng. Ấn tượng của tôi về thằng nhỏ là một sản phẩm tổng hợp các chất liệu về màu da và khí chất cực đoan. Nó nói cần một việc làm bán thời gian. Tôi gửi nó cho một người bạn có cơ sở dịch vụ quản lý sự rảnh rỗi. Trong ba tháng đầu tiên, nó được giao làm bạn với một bà lão, mỗi ngày hai tiếng đồng hồ. Được đánh giá tốt. Kiên nhẫn và vui vẻ. Tiếp đó, nó được giao một công tác đòi hỏi sự lịch thiệp và duyên dáng hơn, ăn uống và giải trí với một người đàn bà mỗi tối. Người bạn gặp tôi cho biết khách hàng của ông ta muốn ký một hợp đồng dài hạn với thằng nhỏ, nhưng nó từ chối, và hỏi liệu tôi có thể giúp thuyết phục thằng nhỏ đồng ý không. Tôi không muốn làm áp lực tình cảm với thằng nhỏ, bởi vì tôi biết nó có một mục đích khác để sống, tuy rằng tôi không thật sự biết khoảng thời gian còn lại nó làm gì. Chỉ ba năm sau, thằng nhỏ đã nổi tiếng là lãnh tụ của một nhóm quá khích cổ vũ cho quyền khai thác thịt người. Hàng ngày chúng đi biểu tình với một thực đơn các món ăn chế biến từ thịt người và khẩu hiệu “Thịt người dành cho người.” Lý thuyết về sự tinh lọc con người và giải quyết nạn nhân mãn được chúng quăng lên tất cả các phương tiện thông tin.

Tình hình xã hội của tất cả các tộc người da vàng đều rơi vào khủng hoảng. Có một nan đề giữa tính nhân đạo và sự hợp lý không thể dung hợp. Các lãnh tụ trẻ có cơ hội để xiển dương những tham vọng chính trị. Họ lột mặt nạ ngụy tín đạo đức và đòi xoá bỏ các định chế hủ lậu dựa trên cơ sở niềm tin. Không còn chỗ cho những tâm hồn yếu đuối, ĐI.COM trở thành một thượng đế mới. Hành động là cứu cánh của hành động. Không có sự an ủi hay yên bình nào cho con người ngoài hành động theo ĐI.COM.

Trong vũ trường Liz năm 2014, tôi và cô gái ngồi trong một góc tối. Cô gái uống rượu. “Em thích một đêm bắt đầu bằng âm nhạc trên sàn nhảy. Âm thanh và ánh sáng trong vũ trường lúc nào cũng quyến rũ em. Nó làm cho em hứng khởi. Em thích được sờ mó, hôn hít trong một bầu khí sôi động. Em thích được làm tình giữa đám đông đồng loã. Em thích được làm nóng bằng cảm giác thác loạn. Sau đó về khách sạn. Cô gái nói. Hãy ôm em từ phía sau.” Tôi vòng tay sau lưng và thọc vào trong áo cô gái bóp nhẹ bầu vú. Người quản lý tiến về phía tôi với một ly rượu trên tay, hắn đưa cho tôi và nói: “Mời ông. Vui vẻ nhé.” Tất nhiên phải vui. Tôi không nhớ đã quen hắn trong trường hợp nào. Hắn nói tiếp: “Đừng về sớm.” Tôi ở lại không phải vì lời dặn dò hứa hẹn của hắn, mà vì cô gái muốn uống rượu. Sau mười hai giờ khuya, dàn nhạc ngừng chơi nhường chỗ cho những tiếng kêu khác thường từ phía trong, rồi trên sân khấu xuất hiện một người đàn ông ở truồng. Ông ta tiếp tục phát ra những âm thanh kỳ dị làm tất cả những người có mặt phải đứng bật dậy nhìn. Sau đó ông ta uốn vặn thân người. Những động tác của cơ thể tương ứng với âm thanh từ miệng ông ta thoát ra. Nó tạo ra một kích động khác với âm nhạc và sex. Mọi người thích thú làm theo ông ta. Tôi nghĩ đến ông Đạo Tiếng. Một thứ bản năng khác của con người đang được khơi dậy.

Tôi đưa cô gái về khách sạn. Xúc cảm từ mùi ngây ngất.

Khi tôi tỉnh dậy, cô gái đã bỏ đi để lại số điện thoại và lời nhắn: “Em phải đi làm. Đừng tìm em ban ngày.” Buổi tối, tôi quay trở lại vũ trường Liz gặp cô gái. “Đêm của em bắt đầu bằng rượu, cô gái nói, và kết thúc bằng kem đánh răng. Em chỉ thích những người đàn ông xộc vào em bằng miệng với râu, môi và lưỡi. Đừng bắt em tắm trước khi làm tình. Nước xối trên làn da làm em nguội lạnh.” Bất ngờ Muội xuất hiện. Cô gái bám lấy Muội. Ríu rít. Cô gái nói: “Nếu anh thích, đêm về ngủ với bọn em.” Nhưng tôi cảm thấy mình thừa ra. Rượu cũng thừa ra. Thuốc lá cũng thừa ra. Tôi bỏ về trước.

Năm 2052. Báo chí nhận dạng được năm thanh niên da vàng giống hệt nhau hoạt động ở năm khu vực khác nhau. Một ở Bắc Kinh. Một ở Singapore. Một ở San Francisco. Một ở Paris. Một ở Berlin. Họ chính là những con người được nhân bản từ Mao Trạch Đông. Cả năm đều hoạt động chính trị và có uy thế đáng kể. Chủ nghĩa tương thích và loại trừ được họ áp dụng vận động cho các cuộc tranh đấu. Tính cực đoan được đa số những người trẻ ủng hộ. Họ chiếm lĩnh các diễn đàn và triệt hạ lẫn nhau trong một ước muốn thống nhất quyền lãnh đạo các hoạt động của người da màu. Thằng nhỏ con của Phượng chịu sự chi phối của Mao Trạch Đông Bắc Kinh, theo cách gọi của giới báo chí. Chúng liên kết với nhau vừa theo kiểu lý tưởng vừa theo kiểu Mafia. Bởi thế, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc tranh chấp đẫm máu xảy ra trên qui mô toàn cầu. Có một lần thằng nhỏ con Phượng đến tìm tôi, nói: “Cháu cần một chỗ ẩn nấp ít lâu.” Tôi gởi nó lên một chiếc tàu đánh cá xa bờ của một người bạn. Hai năm sau, nó xuất hiện lại. Và tôi được biết là Mao Trạch Đông Bắc Kinh đã bị đầu độc chết. Sự trốn tránh của nó chỉ bởi một lý do là bất đồng ý kiến với anh ta trong việc có nên hợp nhất các hoạt động của những người da màu khác nhau hay nên tập trung xây dựng một đế chế da vàng. Tôi hỏi nó: “Ý kiến của cháu thế nào?” Nó nói: “Một đế chế da vàng là đủ. Mao Trạch Đông Bắc Kinh không thực tế. Anh ta vẫn duy trì tính cách duy ý chí của bản gốc.” Tôi ngần ngừ một lúc rồi quyết định hỏi nó: “Bản gốc của cháu là ai?” Nó thản nhiên hơn tôi tưởng: “Cháu không thể biết được điều ấy. Chỉ có một điều chắc chắn là cháu biết có một tiếng nói khác trong cháu. Và cháu cần phải chống lại nó.”

Năm 2014. Muội nói: “Điều duy nhất em muốn là biến khỏi thế giới này một cách lặng lẽ nhất.” Người đàn ông trùng trục mang hình ảnh Tiến dưới chân núi Sam càng lúc càng tỏ ra khẩn thiết trong những câu nói mông lung của mình. Như thể sắp tận thế. Nhưng Muội không dành một chút quan tâm nào tới ông Đạo Tiếng khi nghe tôi kể về nhân vật này. “Sự ồn ào của ông ta giống như những con cào cào tán loạn khi người ta bước vào chỗ của chúng. Điều thật sự quan trọng là chính ông ta cần phải biến đi, trả lại cho chân không sự yên tĩnh của nó.” Tôi cảm thấy chính mình bị phủ nhận.

Năm 2054. Phạm vi hoạt động của Mao Trạch Đông San Francisco được xác định từ Bắc Mỹ đến lục địa Trung Hoa và trong nhất thời nó kết nối với Mao Trạch Đông Singapore tạo nên một mạng áp lực vòng quanh Thái Bình Dương. Tất cả những cư dân da vàng sống quanh bờ biển này đều chịu những tác động của chúng. Thuật ngữ báo chí dành cho hiện tượng mang tính khủng bố này là “cơn sốt vàng.” Chúng cưỡng chế người ta xuống đường với khẩu hiệu “Chúng ta là số đông.” “Số đông” tự cho phép mình làm mọi việc nhằm thực hiện lý tưởng hoán đổi vị thế trung tâm của người da trắng. Nền văn minh ăn thịt người mang trong mình nó cái giá trị thanh lọc và bởi thế cơn sốt vàng càng ngày càng quyết liệt. Có những kẻ bỗng dưng biến đi không tăm tích, đồng thời có những kẻ mới xuất hiện như từ dưới đất chui lên. Như thể đã có một nhà máy nghiền và đúc khuôn các con người, chúng sống không lý lịch nhưng có một mục đích rõ ràng. Hoàn thiện một phẩm cách đồng đội không sợ hãi và quy hướng ý nghĩa tồn tại vào hành động.

 

[còn tiếp]

 

 

Đã đăng:

ĐI.COM [1] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
Một nửa trái đất bị bao phủ trong bóng tối sợ hãi. Mỗi ngày lại có một tin đồn mới về sự xuất hiện của “ĐI.COM.” Chưa ai dám khẳng định là mình đã nhìn thấy “ĐI.COM,” nhưng tất cả các chính phủ, các phương tiện thông tin đều không thể trấn an dân chúng thoát khỏi sự hoang mang... (...)
 
ĐI.COM [2] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... Chúng ta còn đầy một thế kỷ trước mặt. Và chúng ta sẽ phải khóc trước ĐI.COM. Tôi đã biết gì về ĐI.COM ở thời điểm năm 2005 khi ĐI.COM chưa xuất hiện? Tại sao tôi lại hỏi? Tại sao tôi buột miệng nói ra? Tôi không hiểu được khi viết những dòng này người tôi lại ớn lạnh... (...)
 
ĐI.COM [3] (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... Tôi đã nhận thấy những dấu hiệu can thiệp của ĐI.COM vào đời sống mình và tôi không muốn ĐI.COM có thể làm điều gì đó với bất cứ một sinh linh nào khởi phát từ tôi... (...)
 
ĐI.COM [4]  (tiểu thuyết) - Nguyễn Viện
... N nói “ĐI.COM” là cảnh giới của những phản ứng xâu chuỗi, nó kết nối các tâm cảm dị biệt vào một trường và tạo nên sự bùng phát vô thức tập thể theo cấp độ lũy tiến hệ số cá nhân được kết nối. Tôi bảo cho dù “ĐI.COM” là gì hay không là gì thì cũng không bao lâu nữa sẽ đến lượt anh bị xô đẩy vào cái đám đông mù quáng kia... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021