thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Man Nương” [4]

 

Lời toà soạn:
“Man Nương” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp cuối cùng nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu, trước hết, chương “Man Nương. Chương này gồm 6 phần.

 

 

Đã đăng: “Man Nương” [1] - [2][3]

 

“Tôi có điều này hay, muốn chia sẻ với chị...”

“Ừ, anh cứ nói.”

“Tối hôm qua tôi đọc bài thơ đăng trên tạp chí Thơ số ra mắt ấn hành dưới Nam California của tác giả hiện đang sống trong nước tên Lê Viết Hoàng Mai:

Chị tôi đen
sấp ngửa nắng mưa trên cánh đồng nứt nẻ
gàu dai vục ụp nước sông
quắt queo thân chị mảnh mai
tóc rụng mắc dày răng lược
bao đêm rồi chị ngủ được không?
thời con gái chưa đến thì đã hết
ra đường chị te tái chạy
duyên đâu?
                              mà để tìm chồng
chị giấu ước vọng của mình
đêm rộng
mặt trăng rằm cô độc
chiếc giường nửa sải tay
                              bập bềnh
                                      nghiêng nghiêng khẽ
                                                      phía chị nằm
Ước chị hóa đàn ông
hẹn chị trên đồi cỏ tía.’

‘Ước chị hóa đàn ông, hẹn chị trên đồi cỏ tía.’ Trong đời thiếu gì những bận ước ao như tác giả Hoàng Mai. Ước làm một cái... gì gì đó, cho mình hoặc cho ai đó.”

“Thơ đôi khi không đơn thuần chỉ là cảm xúc hay kì quặc khó hiểu như mình thường nghĩ. Chúng còn là kinh nghiệm.”

“Nói về kinh nghiệm tôi đọc thêm chị nghe bài thơ ‘Người Tình’ của Abdul Wahab Al-Bayati, nhà thơ Ả Rập:

I.
Với đôi mắt của nàng
Và tất cả linh hồn nàng
Nàng lắng nghe âm nhạc tà giáo
Nghe dòng sông thở dài trong những khu rừng của rặng Altas,
Nghe những thành phố truyền kỳ,
Nghe những giờ trống không, mất mát
Nghe những trái vàng của đêm tối bên trên chiếc giường của mưa
Trong vòng tay của người chồng ngái ngủ
Nàng là trinh nữ.
chơi với mặt trăng, đi chân không trên những ngọn cây
Theo sự tử vong của những con bướm của một mùa xuân chết
Nàng van nài bằng đôi tay
Giờ hẹn hò đã qua
Đêm với đôi mắt sốt nóng đang đổ xuống
Trên những bao lơn của Biển Trắng.
 
II.
Vào đêm này Beirut bị hãm hiếp trong những quán rượu.
 
III.
Nàng đang lắng nghe, nhưng người tình đã chết
Trong quán cà-phê, đợi người mệnh phụ của bảy mặt trăng
Trong âm nhạc của Bach
Và trong những bài thơ của Éluard
Vào tuần thứ tư của tháng chạp
Vào Giáng Sinh
Nàng ước rằng thế gian đã chết,
Rằng nàng bò như một con chó dưới mưa,
Rằng nàng bị đánh bởi những ngọn roi của lửa
Rằng nàng được khiêng như một vật hi sinh ra biển trải dài
dưới những bao lơn
nhưng giờ hẹn hò đã qua.
 
IV.
Hãy tách rời nàng khỏi tôi:
Những năm du hành / những thế hệ,
Những sông ngòi / những lục địa,
Những sách vở / thành phố / vách tường.
Nhưng mà tôi luôn luôn canh chừng nàng
Từ khe hở nơi cánh cửa.

(.....)

Trò chuyện giữa hai người vẫn tiếp tục, như mưa.

“Tôi từ nhà đến đây.”

“Chứ không phải từ nhà thương.”

“Chốc tối tôi sẽ vào thăm bà ấy một lát. Những dòng thơ khi nãy anh đọc vẫn còn chật cứng trong đầu tôi.”

“Tôi hiểu.”

“Nội trong ngày mai cô con gái bà ấy sẽ về đến.”

“Rồi cô ấy cũng sẽ phải đi, chỉ có vợ chồng, giờ giấc thăm viếng của nhà thương là vô dụng.”

“Ừ, anh nói đúng.”

“Những dòng thơ tôi đọc chị nghe, tôi đã đọc cho bạn trai tôi, nhưng anh ta nghe như vịt nghe sấm. Muốn anh ta mau buồn ngủ cứ đưa thơ cho anh ta đọc, vài phút sau là anh ta ngáy khò.”

“Chỉ cô ấy mới giải quyết, biết làm gì với những thùng thư tích tụ nhiều năm như thế.”

“Biết đâu bà ấy bất ngờ tỉnh dậy khi nghe tiếng nói hay ngửi mùi vị của cô con gái.

(.....)

Tiếng chuông chùa ngân vang.

“Chị kể điều gì về chị đi.”

“Suốt thời gian năm đầu tôi sống trong cư xá sinh viên, chia chung phòng với chị bạn từ Phần Lan sang đây du học. Khóa đầu cả hai đều có lớp 7:30 sáng. Dậy sớm là điều rất khó khăn đối với tôi, trái với thức khuya lại rất dễ dàng. Cũng may chị bạn để đồng hồ và luôn thức dậy đúng giờ. Rồi bao giờ chị cũng bước sang giường lay tôi dậy. Cuối năm học, tổng cộng mấy chục cái lay tôi dậy cho đúng giờ khỏi bị trễ lớp, lúc dọn ra khỏi cư xá, chị bảo, từng ấy buổi sáng trong suốt một năm trời, chị làm việc đó, chỉ vì thích ngắm cái mặt mê ngủ của tôi, và để nghe chữ đầu tiên trong ngày từ tôi là ‘Ồ’ sau đó là ‘cám ơn’, rồi nhoẻn miệng cười thật tươi.”

“Tôi mà là roommate của chị thì cả hai cùng trễ.”

“Trễ thì lấy lớp trễ vậy.”

(.....)

“Ai đang sống cũng ôm trong người mầm mống chết của chính mình.”

“Và cả vòm cầu kín mít của riêng mình. Bước qua khỏi vòm cầu, bề rộng cộng đồng sẽ lạc lối, mất hút, tan rã như bụi tro.”

“Thử lật đổ cấu trúc thời gian.”

“Chỉ có trong trí tưởng.”

“Trí tưởng hay ảo tưởng?”

(.....)

“Ai bảo cái chết của mình không ảnh hưởng tới xã hội?”

“Chết là một cách tước đoạt mọi ý nghĩa. Qua một đời người ý nghĩa cũng chỉ còn lại là sự liên hệ ý tưởng hoặc nhớ nhung. Mọi sự vật sinh ra bởi một số điều kiện nhất định, khi điều kiện không còn thì sự vật cũng biến mất.”

“Cái chết không chấm dứt hết mọi tình nghĩa. Rất nhiều trường hợp nó lại càng làm tăng sự sâu đậm.”

“Thờ phụng tổ tiên, thắp nhang, khấn vái, dâng hoa quả thức ăn, và cầu nguyện cũng là hình thức nối liền hai cõi âm dương.”

“Viết thư cho con hằng ngày cũng là một cách?”

“Tạm cho là như vậy.”

“Vào Chùa thắp nhang cầu kinh cúng lạy cũng là một cách communicate giữa người sống và người chết.”

“Tôi nhớ mảnh vườn bà ngoại tôi có mấy cái mộ chôn người thân. Sống chết cứ thế quyện hòa. Mỗi mùa hè về quê thăm ngoại, tôi leo, nhảy từ mộ này sang mộ kia, mệt thì dựa lưng mộ mà ngủ, có khi còn đái cả lên mộ.”

“Bà dì tôi tin God như tin thày bói. Khi được may mắn, hài lòng, thì bà bảo là God loves me. Khi chồng bị đau nặng, con bị đụng xe, bà ấy bị mất việc... thì bảo là God tests me.”

“Bởi con người khổ nên phải tạo ra God để được an ủi. Rồi chính con người lại sợ hãi God.”

(.....)

“Lằn ranh giữa lạc quan và nhạy cảm quá đỗi mơ hồ.”

“Không lạc quan hay bi quan mà chính quan mới là quan trọng.”

“Cảm giác không biết có thật hay không nhưng là một phần của đời sống. Nó là significance.”

“Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh tư bản, quá chú tâm vô cái thước đo đếm tiền bạc.”

“Đời sống hiện đại nơi đâu mục đích cũng chỉ để kiếm tiền.”

“Nhìn từ phương diện xã hội không hẳn sai. Chỉ bậy là Marx đã quá cậy dựa vào lòng giận dữ, thù hận nơi con người.”

(.....)

“Sao lại cảm thấy guilty, không nên. Nếu được phước ăn ngon mặc đẹp, sống thoải mái thì cứ hưởng, chỉ đừng quên kẻ khác.”

“Chúng ta là cái khoen nhỏ trong cái dây xích lớn. Là tế bào trong thân thể.”

“Chị và tôi đang ở trong ngôi chùa bao quanh bởi những kẻ không bình thường.”

“Họ nhìn hai ta như là họ vậy.”

(.....)

“Không một ai thay đổi được những gì mình đã làm, hành nghiệp, gieo nhân, gặt gió, đã vay ắt trả.”

“Hai mắt chị mở to như cả đại dương chị Mây ạ. Tuần trước, trong giấc mơ chiếc đồng hồ báo thức của tôi bị hỏng đã lâu nay bỗng dưng chạy lại được. Cắt nghĩa thế nào được hả chị?”

Tiếng chuông chùa ngân vang.

“Tôi đang tập điềm đạm hơn, bớt cảm xúc hơn, thản nhiên hơn.”

“Chị và tôi đang ở giữa nhịp cầu. Ngoái nhìn đầu cầu thì cứ sợ con kiến con sâu. Nhìn xuôi cuối cầu là cố vin thành cầu để khỏi ngã gục.”

“...mà những ngón tay mình lo sợ không còn khả năng bấu chặt thành cầu.”

“Tôi biết một ông họa sĩ, ông ta bảo lúc còn đi học chỉ mong vẽ được hơn bạn. Ra trường chỉ mong vẽ để được nhiều người khen. Giờ già rồi chỉ mong vẽ được theo ý mình.”

(.....)

“Hôm nay, khi quẹo xe vào cổng chùa, tôi thấy chú ~~~ đi nhặt rác. Bà ——- ngồi thù lù ôm đùi. Cô .. .. .. đi tới đi lui như vũ ba lê. Lòng tôi rộn vui bất ngờ. Thấy lại họ như gặp lại người thân thiết của mình sau quãng thời gian bỏ nhà đi xa.”

“Còn tôi, ngồi nhìn mãi chùm hoa ****. Mùa đông mưa gió giá lạnh thế này nhưng sao nó cứ nở bung. Đúng là hoa nở trái mùa.”

(.....)

“Tuổi nào cũng có mặt trái, mặt phải của nó cả. Cũng như sống nơi đâu cũng có vấn đề của nó cả.”

“Khi nãy anh có nhắc ngoái đầu nhìn lại đầu cầu, mà thật thế, khi còn bé, nhìn con dán cũng sợ nó cắn chết chứ chẳng đợi con sâu róm. Giờ thì bò cạp tôi cũng không ngán.”

“Chị có khả năng trở thành con rắn không?”

“Được như con kỳ nhông là thú vị. Cứ đổi da theo thời tiết, khỏe ru.”

“Tuổi trẻ thường ignorant, nông cạn, sôi nổi, sa ngã, dễ hư hỏng... Nhìn thằng bạn có bồ, mình chưa, cũng buồn đến mất ngủ.”

“Sáng sớm mặt mọc cái mụn cũng lo.”

“Tuổi già chín chắn, như ba tôi những năm cuối đời chẳng hạn. Nhưng trái lại thể xác quá đỗi yếu đuối.”

“Biết được thế thì cứ làm cái gì mình thích đi.”

“Tôi cũng vẫn còn... trần gian lắm chị ạ.”

“Rốt cuộc rồi cũng phải nhận ra một điều là mình tạm trú trên trần thế này. Nơi tạm trú gọi là nhà, và cảm giác lạc lõng nhất là kẻ không nhà.”

 

[chương này còn 2 phần]

 

 

------------
Đã đăng:
 
ám mưa hột......một hột ngàn hột trăm hột tỉ tỉ hột hoa nước rớt rơi trên áo mưa rắn lục lưỡi thèm liếm bọt trắng xà bông trong tách cà phê sủi bọt trào tràn mạ nói khi đẻ mi ra mi không khóc bà mụ vả bốp * * * * vô mặt mi cũng không khóc thứ chi lì lạ lì lùng rồi mi nghiến mi nhay mi rị mi nút mi mút đầu vú mạ đau thét thì ra mi đã có răng... (...)
 
Dưới đây là cuộc đối thoại của người đàn bà và đàn ông. Cả hai là người Mỹ gốc Việt, tuổi ngoài ba mươi. Người đàn bà tóc rẽ giữa, suôn dài quá vai. Dáng cao ráo, khoẻ mạnh. Chị bận quần jeans đà, áo len đen, bên ngoài khoác áo mưa màu đất đỏ, mang boot đen, mặt không thoa phấn, màu son đã nhạt do nước mưa bôi xoá... (...)
 
... ai nói tui ngu tui khùng tui dị dạng tui điên tui dại tui tàng tàng tui mát dây tui thuộc người cõi trên cõi ngoài cõi lạ cõi hành tinh khác tui cám hấp tui nửa khối óc tui chậm trí tui biết tui không bị té giếng là được rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021