thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [5]
Những kỳ trước: [1] [2] [3] [4]

 

Đêm 24.12.1980. Trong lán trại bằng lá giữa rừng, có một tiếng nói nhỏ: Chúa đã đến. Hơn một trăm người đang nằm thao thức đều ngồi bật dậy. Họ tiếp tục thầm thì: Chúa đã đến. Và rồi từng ngọn nến được thắp lên trên đầu giường họ. Ánh sáng giống như đêm phục sinh soi sáng thế gian. Những khuôn mặt người hiện ra, râu tóc bù xù và quần áo rách rưới. Họ khổ hạnh và tăm tối. Có tiếng người làm dấu thánh giá. Tất cả những người khác làm theo. Xin Chúa đến giải thoát chúng con khỏi sự dữ và mang bình an của người cho chúng con. Trong giây lát sự im lặng trở nên trầm trọng như thể Chúa đã thật sự đến và vỗ về họ. Rồi tất cả những ngọn nến đều tắt phụt như chưa hề có một thứ ánh sáng nào đã được thắp lên trên thế gian.

Chúa nhận lời cầu xin của họ.

Người cho bánh hứa mang họ đi khỏi sự lầm than và âu lo khi họ rời trại cải tạo.

Nhà tiên tri bảo: Các ngươi sẽ phải trốn chạy đồng loại và nguyền rủa lẫn nhau vì chân tay các ngươi đã mọc móng vuốt và máu các ngươi đã tràn đầy sự dữ.

Các anh tôi bảo chỉ có một nhà tiên tri cho thế giới này là Marx. Hãy san bằng mọi sự và làm nên một thế giới khác.

Ngày ấy, bọn địa chủ, bọn trung nông, bọn làm ăn buôn bán có tiền đều bị đập mặt xuống đất và đuổi ra khỏi nhà. Chỉ tiêu thành phần ác ôn được phân bổ về cho từng địa phương. Nơi nào không đủ thì cứ đôn lên cho đủ. Vượt chỉ tiêu có thưởng. Tấn tuồng nhân sinh ai oán mà hoành tráng. Tổ cha nhà chúng mày. Ông cố ông kỵ nhà mày. Ngày xưa bà rửa đít cho cả nhà chúng mày. Bây giờ thì cả nhà chúng mày cúi xuống ăn cứt bà. Cứt bà là tinh hoa chắt lọc của tổ tiên nhà chúng mày đấy. Người đàn bà mồm loa mép giải dí đầu ông lão xuống bãi phân dưới đất, đôi mắt đẫm lệ.

Tôi hỏi các anh: Tại sao người đàn bà được tổ chức cho đi đấu tố lại khóc, đấy không phải là vinh quang của giai cấp sao?

Các anh tôi bảo: Mày không hiểu lịch sử là gì. Cần phải biết ăn ớt và uống rượu mới làm chính trị được em ạ.

Chén đắng mà con người dành cho nhau khó uống hơn của Chúa. Tôi không biết ăn ớt cũng không biết uống rượu. Sầu thiên cổ đổ vào đáy vực đàn bà. Nhưng tổ mẫu Thị Màu bảo gian dâm cũng có chín mười đường gian dâm. Staline chết thì mặc mẹ nó, chúng mày khóc lóc như ông tổ nhà chúng mày thì bà tổ nhà chúng mày đây ai khóc? Tôi vội thưa: Có con. Mày là thằng nào? Con là con hoang của bà đây. Lại đây bà xem mặt nào. Tôi bước tới gần, trong lòng khao khát được ôm chầm lấy bà. Thị Màu bảo: Mặt mày giống Thị Kính chứ đâu giống tao. Tôi thưa: Bên ngoài con giống Thị Kính nhưng bên trong con giống bà. Thị Màu hỏi: Thế bây giờ mày làm gì? Dạ, con quét lá đa. Thị Màu cười sằng sặc: Mày quét lá đa thì đích thị là con Thị Kính chứ không phải con tao.

Nền văn chương ẩm ướt tạo ra nấm. Các anh tôi bảo đó là nấm độc. Các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến... không trồng nấm độc nhưng cũng phải bỏ trốn. Chỉ còn Thị Màu ở lại, bà nói: Tao mới chính là tâm linh dân tộc.

Khi ấy nhà tiên tri đã vào tù, ngài rao giảng: Các ngươi có than khóc thì hãy than khóc cho con cháu các ngươi vì con cháu các ngươi đã chết trước khi chúng được sinh ra.

Người cai ngục nghe thấy thế thì kinh hãi bởi ông ta đã lấy ba bốn người đàn bà mà không một ai đẻ cho ông ta đứa con nào. Bọn quan quyền sai đem nhà tiên tri đến dinh thự của họ. Họ hỏi: Tại sao con cháu chúng tôi lại tật nguyền? Nhà tiên tri đáp: Các ngươi chỉ nhìn thấy tai ương mà không thấy ánh sáng soi rọi trên bầu trời. Hãy nhìn vào trong mắt con cái các ngươi, các ngươi sẽ thấy sự công bằng của đấng sáng tạo.

Bọn quan quyền sai đem trả nhà tiên tri về nhà tù. Họ nói: Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cái chết của người này.

Người cai ngục treo cổ không một lời tuyệt mệnh. Các quan hỏi nhau: Tại sao không phải là nhà tiên tri mà lại là người của chúng ta phải chết? Trong song sắt, nhà tiên tri ngửa mặt lên trời cầu nguyện. Thượng đế sẽ đến trong ánh sáng chói lọi. Kẻ mù sẽ được nhìn thấy và người sáng mắt sẽ đui mù. Người sẽ làm cho sự tàn rữa được hồi sinh và sự phù ảo trở nên vĩnh cửu.

Tôi vẫn nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ cạo đầu làm một hành giả. H bảo: Anh cạo đầu trông không đẹp trai bằng để tóc dài, nhưng em thích kẹp cái đầu chôm chôm của anh giữa hai đùi. Tôi bảo tôi đi tu rồi. H nói: Tình tu mới lãng mạn mà tu tình thì đáo bỉ ngạn niết bàn phật tính.

Nhà tiên tri bảo: Trước khi ngày ấy đến, con người sẽ hủy diệt nhau và thế giới đổ vỡ. Người sống sót không phải đã lên tàu của ông Nôe mà nhờ biết im lặng. Người ấy sẽ bắt đầu một ngông cuồng khác cho đến khi Chúa lại đến để kết thúc mọi sự.

Tôi hỏi: Chúa có khóc không?

Lúc nào Chúa cũng khóc.

Tạo vật do Chúa dựng nên còn khóc nhiều hơn Chúa.

Bởi vì chúng không nhận biết Chúa.

Sao Chúa không mang con người về?

Con đường phải đi không khác được.

Chén đắng của Chúa đấy ư?

Các anh tôi nói: Mày lầm bầm cái gì vậy? Triết học chỉ là thứ ngớ ngẩn của con người. Khi máu đã đổ thì tốt nhất là đọc kinh cầu hồn.

Cô gái đẩy tôi vào bờ tường: Hãy nói yêu em đi. Nói đi. Nói đi. Tôi há mồm bảo: Anh sắp chết. Cô gái nói: Hãy yêu em đi rồi chết. Hai tay tôi buông xuôi. Cô gái hét lên: Anh không được chết. Nhưng hai chân tôi đã khuỵu xuống. Cô gái quào vào mặt tôi: Hãy mở mắt ra.

Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ nhắm mắt. Thế giới được tạo dựng để nhìn ngắm và hưởng thụ nhưng ngay cả sự hưởng thụ, con người cũng ép buộc nhau. Tôi đến và tôi đi trên con đường thép gai hoen rỉ có những bộ xương người co quắp. Ở đấy cỏ mọc lên nhưng không che giấu được sự hoang tàn của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tôi nhìn ngắm tấm ảnh. Ông Ngô Đình Diệm mặc áo dài khăn đóng đứng dưới chân cụ Ngô Đình Khả, bên phải ông Diệm là Đức Cha Ngô Đình Thục, bên trái là ông Ngô Đình Nhu, kế tiếp là ông Ngô Đình Khôi, rồi ông Ngô Đình Luyện, cuối cùng là ông Ngô Đình Cẩn. Cụ Khả nói: Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm được và rồi chúng ta chết. Lịch sử là sự dối trá vĩ đại nhất được viết bởi máu của những con người nhỏ mọn. Nói xong cụ Khả quay lưng lại và bước lui vào trong. Những người con của cụ cũng quay lưng lại, nhưng câu chuyện của họ vẫn tiếp tục.

Ông Diệm buồn rầu nói: Chúng ta đã không được chết như chúng ta muốn.

Giọng ông Khôi trầm trầm: Và máu của chúng ta sẽ còn chảy mãi...

Ông Cẩn than thở: Em không nhắm mắt được.

Đức cha Thục: Ở Phi châu xa xôi, đôi khi ta vẫn tự hỏi đâu là ý Chúa, khi số phận giáng lên gia đình chúng ta những cái chết khốc liệt. Những cái chết tức tưởi ấy minh giải điều gì?

Ông Luyện: Chúng ta đã chết như hàng triệu người Việt Nam khác đã chết trong sự nhầm lẫn ấy. Và không phải chỉ có máu của chúng ta mà máu của tất cả những người khác cũng không bao giờ khô được.

Ông Nhu không nói gì. Tôi nhìn thấy những sợi tóc sau gáy của ông dựng lên. Ở trên góc cao của bức hình, những người phu đào huyệt đang quăng đất lên và có rất đông người xếp hàng chờ bước xuống. Họ ăn mặc chỉnh tề và nghiêm trang như các vị thánh.

Đồng chí Mao Trạch Đông phát không cho mỗi anh trí thức một giải lụa, anh nào không thích màu mè thì cho một bát thuốc độc. Nhưng không anh nào dám tự xử. Tôi nghĩ đi chơi đĩ thì anh nào cũng thế. Đồng chí Mao Trạch Đông đã xiết dây thòng lọng quanh cổ họ và dắt xuống ruộng bắt cày thay trâu. Tôi lại nghĩ và được miếng cơm vào mồm thì ai cũng phải nhục.

Tôi thấy ông Nhu đứng lên đi về phía những người đang xếp hàng chờ bước xuống mộ. Ông xem mặt từng người. Vẫn im lặng. Chỉ có một người ông không quen. Hai người nhìn nhau cố nhớ một điều gì đó, nhưng rồi họ quay đi. Tôi biết người lạ mặt đó. Nhà tiên tri nói: Khi thằn lằn biến thành khủng long, trời khô hạn nắng nóng, rừng bốc cháy và không một hang hốc nào có thể trú ẩn, con người sẽ phải rời bỏ đất đai và than khóc trên biển cạn.

Kẻ biến hình bảo: Ta là đấng sáng tạo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Hãy hoan hô ta trên mọi nẻo đường trốn chạy của các ngươi. Bởi sự trốn chạy chính là khởi nguồn cho mọi hy vọng và sáng tạo. Trong lòng bàn tay ta trái tim con người run rẩy và chân ta nhuốm máu dơ bẩn của những con vật hiến tế.

Ông Nhu quay lại hỏi nhà chính khách trẻ:

Anh có tin việc anh làm không?

Thay đổi bao giờ cũng là điều tốt.

Anh có biết kẻ biến hình không?

Đấy là đấng sáng tạo.

Anh tin người ấy?

Không. Tôi chỉ tin việc tôi làm.

Thực sự nó là gì?

Xóa bỏ quá khứ.

Tôi bỏ tấm ảnh vào trong ngăn kéo. Tiếng ông Diệm vọng ra: Xin Chúa tha thứ cho kẻ không biết việc họ làm.

Tôi không muốn nghe nữa. Tôi cần xả xui. Em bán trinh được ba cây vàng cũng bõ đời con gái. Đừng làm em nhột. Thế giới đã thay đổi. Kẻ biến hình bóp vú cô gái quê và bảo: Vấn đề không phải là vú to hay vú nhỏ, cái chủ yếu là có vú hay không. Vâng, tôi nói, có vú là có sữa, chúng ta sẽ không phải chết khát. Nhà chính khách trẻ bảo không cần phải cải tạo tư tưởng, quyền lực cách mạng đủ để áp đặt mọi cảm giác. Khi giơ tay đầu hàng, nước trong quần tôi chảy xuống, nước mắt tôi cũng chảy xuống. Cuộc chiến tranh kết thúc đã lâu nhưng những người lính vẫn cầm súng. Tôi vẫn giơ tay đầu hàng, trong tư thế ấy tôi ngửa mặt bú sữa từ một bầu vú không phải mẹ mình.

Ngày 13.10. 1977. Hôm nay Đức Mẹ sẽ hiện ra cùng với con cái của người. Từ chín giờ sáng nhà thờ Fatima đã đông nghẹt. Người ta đến từ khắp nơi. Uống nước phép và để cho cơn khát nhân đức được thánh hóa. Con muốn sống không phải như một niềm hy vọng được cứu rỗi mà chính sự cứu rỗi. Con không chỉ muốn lau nước mắt kẻ khác mà chính con là nước mắt. Sông Sài Gòn đầy những bè lục bình trôi. Màu hoa tím nhạt của nó mờ ảo. Tiếng cầu kinh trong nhà thờ rợn lên như sóng. Hãy cho chúng con một dấu hiệu về sự hiện hữu của Người. Tiếng cầu kinh mỗi lúc một lớn và khẩn thiết. Hãy gìn giữ chúng con trong thành trì của Chúa. Trời nóng hừng hực. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Mặt trời chói lòa. Nước Nga sẽ trở lại. Tin mừng và hy vọng của Người thiêu đốt chúng con.

Có rất nhiều người bảo họ đã nhìn thấy Đức Mẹ trong chiếc áo của ánh sáng. Có người bảo họ nhìn thấy bánh thánh đỏ máu.

Ngày hôm sau cha sở nhà thờ Fatima bị bắt. Phép lạ của Chúa vẫn xảy ra ở những nơi mà con người cần.

Tháng 3.1975. Ông dân biểu chồng Mì hỏi thượng tọa Thích Trí Sáng:.

Thày ủng hộ chúng tôi để lật đổ chính quyền Thiệu chứ?

Hãy về nói với chủ của anh rằng, quyền lực phải được kiểm soát kẻo nó là tai họa.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ quyền lực.

Anh có quyền đến đâu để chia?

Chúng tôi cướp nó trên tay người khác.

Khi tôi chưa cho phép thì điều ấy không xảy ra được đâu.

Xin thày chỉ dạy.

Khi lịch sử chọn, anh chấp nhận chứ?

Tôi yêu nước.

Anh không cần bày tỏ điều ấy. Tôi không muốn anh chiến đấu, mà tôi muốn anh đầu hàng. Anh làm được không?

Thưa thày, nếu điều ấy có thể làm chấm dứt cuộc chiến.

Đồng chí Mao Trạch Đông bảo: Tao muốn chúng mày phải đánh nhau tiếp. Thế giới cần phải đại loạn. Đứa nào thiếu đạn cứ đến gặp tao. Đồng chí Pôn Pốt nói giết người bằng cán cuốc có nhiều ấn tượng thị giác hơn bằng súng. Nền văn minh cán cuốc được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Campuchia. Chủ nghĩa thi đua lên cao trào. Đếm sọ tính bậc lương. Thủ tướng Trần Văn Hương thưa bẩm: Chúng em chống cự với quân Minh mười năm oải lắm rồi.

Đồng chí Mao Trạch Đông gầm gừ trong mồm: Chúng mày không muốn đánh nữa thì tao đánh cho chúng mày một bài học.

Năm 1979. Việt Nam có một cuộc chiến tranh mới. Ngắn ngủi nhưng sinh động. Cú mìn cóc nhảy lên nửa thước chém đứt đôi chân đi đứng của người anh em làm công nương Diana thương cảm. Nhưng công nương đáng yêu nhất trần đời tử nạn quá sớm. Thế giới chưa gỡ hết mìn. Họa sĩ Thành Chương bảo không cần đụng vào tớ cũng biết quả nào nổ quả nào tịt. Ừ khôn chết dại chết biết thì sống. Tình hữu nghị anh em của thế giới đại đồng môi hở răng lạnh. Chúng mày chê súng đạn thì tao viện trợ cho cuốc sẻng. Tiện nghi kiểu Trung Quốc đấy. Giết người và đào mả lấp mộ đều tốt.

Nhà chính khách trẻ bảo tuẫn tiết như tướng Nguyễn Khoa Nam thì không nổi tiếng thơm bằng đầu hàng. Ông bác tôi trong trại cải tạo nói với những người bạn tù: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải giữ lấy tư cách và khí tiết. Làm chính trị thì chỉ có vấn đề thắng thua chứ không có chuyện đúng sai. Cho nên đứa nào nhận tội và không thắt cravate khi gặp ban quản giáo thì chỉ đáng vất vào sọt rác.

Tôi ở trong thùng rác chui ra nói: Bác ơi cháu là dân ngu cu đen thì thế nào ạ? Thì ở đâu cứ ở đấy là lẽ khôn ngoan của người đời. Đứa nào muốn đổi đời thì đừng hèn. Bác lạc hậu rồi. Nhạc Bất Quần đứng trên đỉnh vũ lâm Trung Hoa nói: Ai trong số các bạn không ăn gian thì cứ xuống núi về quê chăn vịt. Quần hùng chĩa kiếm lên trời hô vang: Chúng tôi theo gương minh chủ. Các nhà phê bình văn học đồng thanh nói truyện của Kim Dung vẫn còn tính thời sự. Thị Màu bảo họ vẫn nói thế từ khi bà vén váy tìm chồng.

Ngày 21.4.1975. Các phóng viên của AFP, UPI, BBC, Reuter chầu chực trong quán bar. Anh bạn Custer ba ngày nay không đi đánh billard. Mọi người uống rượu giết thì giờ. Cô Silver của BBC sốt ruột không biết làm gì bèn lột quần lót ra nhìn: Em đã cởi quần rồi, tới đi Custer.

Cuối cùng thì Custer cũng tới, hắn bô bô cái mồm: Anh ngửi thấy mùi quần của em từ Dinh Độc Lập.

Mọi người hỏi: Anh ở trong đó ra à?

OK.

Có gì mới không?

Các bạn nên chuẩn bị chuồn là vừa. Ông Thiệu đã sẵn sàng chuyển giao quyền hành.

Hắn chỉ nói có thế rồi đến uống rượu tán tỉnh Silver. Một tuần vài lần, Custer đi đánh billard. Tất cả các phóng viên nước ngoài đều bám vào hắn. Những câu chuyện tầm phào vô tội vạ của hắn làm đảo lộn thế giới.

Ê Custer, hẹn nhau ở Trung Đông chứ?

Hỏi Chúa.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ tây sang đông, ở giữa in hoa văn chữ “song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “gia đình – hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy... (...)
 
... Ngày rồng hạ sinh, có mây ngũ sắc phủ trên mái nhà. Để cho cuộc đản sinh của rồng mãi mãi là huyền thoại, người mẹ đã phải chết trong sự sợ hãi bởi những bóng ma tật nguyền của tương lai đứng trước cửa đòi báo oán. Rồng không khóc. Bà mụ đỡ đẻ cho rồng bảo: Đứa bé có năm tràng hoa quấn cổ này về sau gan lì lắm... (...)
 
Năm 1963. Bà Trần Lệ Xuân bảo món thịt nướng của mấy ông sư ăn không được. Mì lên chùa Ấn Quang đốt hương cầu nguyện cho bố. Người đưa tin cho biết, miền Nam sẽ có nhiều biến cố khó lường, nếu Mì muốn, sẽ đưa Mì ra nước ngoài. Mì nói: Tôi đã một lần xa bố. Tôi không muốn đi xa hơn nữa... (...)
 
Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân. Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021