thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [6]
Những kỳ trước: [1] [2] [3] [4] [5]

 

Khi quá buồn thì con làm gì? Kẻ biến hình hỏi tôi. Tôi nói: Chửi một ai đó. Chửi sau lưng hay trước mặt? Dạ, chửi sau lưng. Sao không dám chửi trước mặt? Vì đó không phải là cách của tổ tiên dạy bảo. Thế con đã từng chửi ai? Dạ, con không dám nói. Con chửi thế nào? Địt mẹ mày, sao không hiện nguyên hình. Chửi xong có hết buồn không? Dạ, buồn hơn. Rồi con làm gì? Con hoan hô. Hoan hô ai? Người con ghét. Hoan hô trước mặt hay sau lưng? Dạ, trước mặt. Vì sao? Lúc ấy nó mới hiện nguyên hình.

Custer hỏi Silver:

Em về Mỹ với anh?

Không, em ở lại để nhìn sự đổ vỡ.

Ngày 16.3.2004. Mỹ Loan tông cửa vào phòng giữa lúc Khánh My và Hồng Phượng đang mút những ngón chân của Đại Quang. Hai cô đồng thanh quát: Sao không gõ cửa?

Lịch sự làm quái gì. Cho tao vui với. Tao cần tiền.

Hồng Phượng hỏi Đại Quang: Cho nó ngồi luôn không anh?

Càng đông càng vui.

Đại Quang vén váy Mỹ Loan, hỏi: Thơm hay thối?

Thơm.

Năm 1972. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, mỗi điểm 10 là một dũng sĩ diệt Mỹ-Ngụy, điểm 10 môn toán giá trị bằng xác một Mỹ, điểm 10 môn thủ công bằng xác một Ngụy. Máu giặc chảy thành sông và xương giặc chất thành núi trong sổ học bạ của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Hằng nói, em đã đọc bà Hoài viết điều ấy trên Talawas. Văn Cao cũng hát: Đường vinh quang xây xác quân thù. Tính căm thù trở thành đạo đức cách mạng. Chúng ta đã sống và chết trên xác người.

Năm 1972. Ở Sài Gòn người ta bảo ba thằng Việt cộng đu một cành đu đủ không gãy.

Em cảm thấy mình già đi. Những cái vớ vẩn làm em mệt mỏi. Em muốn nằm xuống, chìm rất sâu vào giấc ngủ. Nhưng Quân đến rủ đi uống cà phê. Em nói em chỉ muốn tan ra thôi. Quân bảo muốn tan ra thì uống rượu. Em nói em thích uống rượu với nhân vật Lý Công Uẩn của anh. Quân hỏi Lý Công Uẩn là ai? Em nói Lý Công Uẩn là nhân vật đi nhặt xác người. Sao giống như đi nhặt lá bàng của Nhất Linh vậy? Quân hỏi. Em cười, thì cũng đại khái vậy. Một cái lá với một xác người thì có gì khác nhau đâu, phải không. Bao giờ về Việt Nam, chắc em phải mời Lý Công Uẩn của anh lên đê Yên Phụ nhậu thịt cầy. Nói chuyện thế sự với Lý Công Uẩn chắc vui.

Ngày 28.3.1975. Ba triệu người tán loạn trong tầm đạn pháo ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Họ tìm cách vào các sân bay hoặc chạy ra bờ biển. Và họ chết trên đường băng. Chết trên cánh máy bay. Chết bên mạn tàu. Chết dưới biển. Họ đạp lên nhau mà chết. Họ làm mồi cho súng đạn mà chết. Họ chết vì tuyệt vọng và đói khát. Họ chết vì hy vọng viển vông.

Năm 1976. Những ngôi sao chứng kiến cảnh tượng này: Có tiếng đập cửa dồn dập lẫn với nhiều tiếng người hò hét. Mở cửa. Mở cửa ra mau. Cánh cửa vừa hé thì bị đẩy tung ra. Người ta ập vào giữ chặt tay cha em. Rồi bắt tất cả mọi người ra khỏi nhà ngay lập tức, chỉ được mang theo quần áo. Mẹ em, chị em sợ hãi khóc. Cả nhà bị tống lên một chiếc xe tải. Người ta đem gia đình em tới một nơi gọi là khu kinh tế mới, chỉ có cỏ tranh mọc ngút ngàn. Sau đó người ta đã đào hết nhà em lên xem có giấu vàng bạc không.

Năm 1978. Em được sinh ra trên hải phận quốc tế. Em không có tổ quốc. Quân nói.

Năm 1967. Lý Công Uẩn đang chữa bệnh ở Trung Quốc được mời về để bàn việc quân cơ. Khi chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, người lái máy bay phát hiện tín hiệu đường băng không đúng, vội hỏi: Bây giờ làm sao?

Uẩn bình tĩnh nói: Hãy hỏi lại mặt đất.

Tín hiệu vẫn không thay đổi.

Đồng chí nhìn kỹ lại đi.

Đường băng này quá quen thuộc với tôi.

Thế thì hãy đáp xuống theo thói quen.

Ở dưới đất, ban lễ tang đã được thành lập, những bài điếu văn đã được viết xong. Nhưng máy bay xuống an toàn.

Các quan chức đón người nói: Chúc mừng đồng chí bình an.

Lý Công Uẩn cười nhạt: Tôi còn phải sống để nhặt xác các đồng chí.

Năm 1968. Lý Công Uẩn giơ tay phát biểu ý kiến tại tổng hành dinh chiến dịch Mậu Thân: Tôi không đồng ý. Nhưng bộ đội vẫn tổng tiến công vào các thành phố miền Nam. Không nơi nào nhân dân nổi dậy. Không ít trong số họ đã trở thành những kẻ phản bội. Cũng không ít hơn trong số họ đã phải chết vì không tìm thấy đường rút lui. Những chiếc máy bay bà già phát loa phóng thanh kêu gọi Việt cộng hồi chánh. Trong khi những chiếc C47 khạc đại liên nghe man rợ như tiếng bò rống trước khi chết. Lý Công Uẩn nhìn hỏa châu sáng suốt đêm trên bầu trời, lòng tan nát. Nhân dân tránh bom đạn dồn từ chỗ này đến chỗ kia. Nhưng ở Huế không có chỗ cho họ trốn tránh. Bãi Dâu đầy xác người vô tội. Họ được phán xử bởi lòng căm thù.

Năm 1972. Nhân dân lại phải bỏ cửa nhà chạy trốn binh đao. Chúa phán: Con chồn có hang, con cáo có ổ, nhưng con người sẽ phải sợ hãi vì không nơi nương tựa. Đạn pháo nổ trên đầu họ. Mìn nổ dưới chân họ. Xe tăng phục kích họ.

Năm 1975. Nhân dân bỏ cả đất để chạy. Xác họ lênh đênh làm thối nước biển. Từ ngày ấy Lý Công Uẩn dở điên dở dại, khi thì ngẩng đầu cười, khi cúi mặt khóc nấc. Hai tay Uẩn lúc nào cũng đưa ra phía trước lẩm bẩm phân bua: Tôi vô tội.

Trần Nhân Tôn bảo: Ông về Yên Tử với tôi để giải trừ nghiệp chướng.

Nhưng Uẩn đáp: Còn một xác người lưu lạc thì tôi chưa về được.

Ngày 16.3.2004. Lan Thanh đập cửa phòng Đại Quang đang uống bia với các em.

Nứng lồn thì vào.

Lan Thanh bước vào. Ba cô gái sợ hãi vội quơ quần áo che người.

Chúng em xin lỗi. Chúng em không biết.

Lan Thanh không đếm xỉa gì tới chúng, chỉ nói với Đại Quang: Tao mở quán để cho thằng khác hủ hóa sa đọa chứ không phải mày.

Nói xong bà đi ra.

Cô gái phọt ra từ miệng tôi sau cái hắt xì. Lý lịch tự khai của nàng thế này: Em biết chữ nhưng chữ không biết em, vì thế em có thể hát karaoke với anh mà không sợ chữ ngộ. Tôi bảo tôi cũng sợ chữ lắm, nhưng thích em nên tôi hát bằng tay. Và bàn tay tôi đã được mách bảo: Nàng là con gái của người tình cũ của tôi. Năm 1979, mẹ nàng vượt biên để nàng lại cho bà nội nuôi. Khi tôi gặp mẹ nàng, nàng mới biết bò. Tôi còn nhớ bức thư người đàn bà viết cho tôi từ một bệnh viện ở Indonesia, “em bị hiếp hai mươi mốt lần trên vịnh Thái Lan”. Người đàn bà ấy không bao giờ trở lại. Người con gái nhất định không đi, dù được mẹ bảo lãnh. Vậy thì chúng ta hãy hát lên. Tôi ôm cô gái. Chúng ta không thừa nước mắt để khóc quá khứ.

Tôi bảo em giống như thiên thần. Nàng bảo bà nội em giàu lắm, nhưng em vẫn thích đi làm. Tại sao không làm nghề khác? Nàng bảo cho em hút thuốc. Ngọn khói bay lờ lững. Em thích, nàng nói, tại sao không hôn em? Tôi lắc đầu: Anh rất muốn. Thì làm đi. Tôi lại lắc đầu. Cứ nghĩ là mẹ em cũng được. Không phải thế.

Năm 1979. Mọi người đều phải ăn bo bo, nhưng chúng tôi thì không. Thậm chí nếu muốn, chúng tôi còn có thể ăn bơ Mỹ. Nàng kiếm được tiền dễ dàng như có một kho báu ở giữa sự nghèo đói. Đó là cái khe hở dành cho những kẻ có quyền lực. Buổi trưa, tôi về nhà nàng ăn. Ăn xong, làm tình rồi đi làm tiếp. Buổi tối, tôi ngủ lại và làm những việc của đêm tối. Đôi khi kiệt sức, tôi phải trốn khỏi đêm tối. Buổi sáng, tôi đến cơ quan dạo một vòng trình diễn cho các sếp thấy cái bộ mặt rửng mỡ của mình rồi chuồn về nhà nàng ngủ bù. Tôi cũng không quên rờ má các em đồng nghiệp trẻ và tặng phần tiêu chuẩn bao cao su cho các bạn trai.

Ngày 16.3.2004. Thôi uống đi. Tôi cầm ly bia đưa cho cô gái. Cưa đôi nhé, cô gái nói. OK. Đừng nói chuyện mẹ em. Nhất trí. Cô gái lại đốt thuốc. Tôi hỏi: Em chơi ma túy? Chút đỉnh.

Năm 1979. Nàng đã bước xuống từ trên mái nhà. Và đạp trên đầu tôi, nói: Anh phải chiều em cho đến lúc em đi khỏi anh. Từ dưới nhìn lên, tôi thấy nàng tràn ngập ánh sáng. Làn da mỏng hồng lên như màu mận, hai đùi tròn và mịn. Hai tay tôi vuốt ve cổ chân nàng. Bàn chân nàng di chuyển trên người tôi.

Ngày 16.3.2004. Em có biết cái phần sa đọa nhất của con người không? Biết, cái lỗ mồm. Thế thì uống hoan hô cái lỗ mồm.

Năm 1979. Nàng bắt tôi há mồm ra rồi lùa tất cả nàng vào đó, bắt đầu từ cái lưỡi mang theo những ngôn từ của con cá mắc cạn. Cho đến khi ngón chân út của nàng chỉ còn một đụn xương nhỏ, tôi bảo con người ta no bụng đói con mắt. Thế là nàng lại xòe ra như một con công. Diêm dúa và hân hoan. Nàng múa bằng hai mông.

Ngày 16.3.2004. Em có biết cái phần trinh bạch nhất của con người không? Biết, cái lỗ rốn. Thế thì uống phân ưu cái lỗ rốn.

Năm 1979. Kẹp hai tay vào trong đùi, nàng nằm co rút như con cuốn chiếu, chịu đựng cơn động cỡn bất chợt. Tôi bảo tôi không thể vào vai người khác. Nàng không bao giờ nhắc đến người đàn ông là bố đứa bé.

Ngày 16.3.2004. Em hơi mệt, cô gái nói, hôm nay em ngồi bàn ba lần, bị một lần có ông không biết uống, em phải gánh. Khách thích gọi em, phải không? Tại em biết chiều. Em cần tiền để hút? Cô gái gật đầu. Sao anh đi một mình? Tại vì anh đi không để vui.

Năm 1979. Mỗi lần đạt tới cảm giác sướng nhất, bao giờ nàng cũng đẩy tôi ra. Run rẩy một mình. Tận hưởng và hối lỗi. Xa cách và khó hiểu. Nàng ích kỷ vùi đầu vào đống gối và đôi khi nàng khóc.

Ngày 16.3.2004. Không để vui thì để làm gì? Chỉ để thấy con người đơn độc. Anh nói năng kỳ quá hà. Hà quá kỳ năng nói? Em muốn đi toa-lét. Anh muốn đi theo em. Thôi, anh ngồi đó đi, chờ em.

Năm 1979. Nàng bảo, em mơ thấy toàn nước. Nước tràn qua em, tràn vào em, rồi cuối cùng em tan thành nước. Thế rồi em thấy em bay lên. Chúa bảo: Xuống. Em biến thành cơn mưa. Nước mưa chui vào ống cống. Trong ống cống, em nhìn thấy tất cả mọi người quen biết. Không hiểu sao một cảm giác kinh hoàng tối tăm bỗng phủ ụp xuống, em mù mắt.

Ngày 16.3.2004. Doãi người trên ghế, tôi thực sự cảm thấy thèm một điếu thuốc. Thèm một an nghỉ. Sự trống trải giống như một cánh buồm rũ, tôi há mồm ngáp. Một đàn ruồi bay ra. Tiếng vỗ cánh của chúng có mùi tanh và mùi tanh có âm thanh của hai mép cửa mình xao động. Cô gái quay trở lại, miệng cười tươi tỉnh. Níu tay cô gái đứng dậy, đi vào toa-lét, tôi không thể không nhìn vào bàn cầu, chỗ cô gái vừa tụt quần ngồi xuống. Tôi đái chồng lên lớp nước vàng ong của bia của mọi nỗi niềm vớ vẩn. Tôi cũng đái lên người cô gái. Đái vào cơn co giật chuyển mình của thế giới. Đái vào nỗi trầm thống mơ hồ dưới lớp da trơn. Đái vào mọi ám thị. Đái vào sự khổ dâm của chín phần mười nhân loại dúm dó.

Năm 1976. Tất cả chuông nhà thờ, nhà chùa đều rền rĩ vang lên giờ báo tử. Chúa sẽ ra tay uy quyền cho người giàu có trở về tay không và đưa người hèn mọn lên. Nhưng trước khi Chúa kịp ra tay, nàng đã giúp gia đình chồng tẩu tán toàn bộ tài sản đến những người họ hàng nghèo khó. Ban cải tạo công thương nghiệp cho cậy tủ, đào bới nền nhà và moi móc tất cả mọi ngõ ngách nhà chồng nàng chỉ để thấy một nỗi ai oán. Toàn bộ hàng hóa gửi gấm họ hàng sau đợt cải tạo ấy không ai trả lại. Họ bảo nếu họ không lấy thì nhà nước cũng lấy mất. Cuộc cách mạng vô sản thiếu phần chuyên chính này được nàng hoàn chỉnh đoạn kết. Đến từng nhà mà trước đây gia đình đã nhờ cất giấu tài sản, nàng điều đình: Các bác đều biết đấy là mồ hôi nước mắt của gia đình tôi. Để đền ơn các bác đã tiếp tay cho tư sản mại bản thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân (tội này cũng dễ bị bắt đi cải tạo lắm), tôi đề nghị các bác cho mua lại với giá vốn. nếu bác nào không đồng ý, tôi nhờ công an giải quyết giùm. Sòng phẳng kiểu giang hồ, nàng thu hồi được toàn bộ số hàng hóa đã gửi và bán đi với số lời gấp hai mươi lần. Sự biết ơn của gia đình chồng đã cho phép nàng tự do đi lại với tôi, đồng thời tìm kiếm mọi cơ hội để nàng vượt biên cho khuất mắt.

Ngày 16.3.2004. Cô gái nằm nhắm mắt. Tôi hỏi: Em say à? Không. Nàng ngồi dậy. Nào uống tiếp. Em cần phải uống cho lũ chúng nó làm giàu. Anh có giàu không? Anh bo em bao nhiêu? Muốn gì em cũng chiều.

Năm 1979. Nàng nói: Em muốn đi xem phim. Chúng tôi vào REX B. Phim Ba Lan. Gái Đông Âu đẹp hơn Tây Âu. Tôi luồn tay vào trong áo nàng, mân mê bầu vú. Nàng bảo âu yếm nhau nơi công cộng cũng thú vị. Tôi nói: Suốt thời đi học, anh vẫn ao ước được dẫn gái vào rạp bóp vú.

Ngày 16.3.2004. Má mì gõ cửa bước vào. Cô gái rót bia. Mời anh, má mì cầm ly, chào mừng Trung Quốc đưa người vào vũ trụ. Chúc mừng em hết kinh. Tin thời sự cuối ngày cho biết ông Arafat đau bụng. Hàng ngàn người biểu tình chống chuyến thăm Philippines của tổng thống Mỹ. Tôi xoa mông má mì, nhớ mùi da nồng của người đàn bà hơn hai mươi năm trước.

Năm 1980. Chiều mai em xuống Vũng Tàu, nàng nói. Anh đưa em đi. Thôi, coi chừng đi tù oan. Nàng kể: Người ta dẫn em đến một căn nhà trong xóm. Ở đó, đã có bốn năm người cùng chờ vượt biên như em. Đến chập tối thì căn nhà đông nghẹt. Con đường đi ra chỗ tàu phải qua một cánh đồng. Bất ngờ một ngọn đèn pha từ trong xóm quét trên bờ ruộng. Người dẫn đường hô nằm xuống. Ngọn đèn quét đi quét lại một lúc lâu rồi tắt hẳn. Khi em đứng dậy thì không còn ai. Em lủi thủi lần mò quay lại trong xóm. Không dám gõ cửa nhà ai. Em ngủ ngồi suốt đêm ngoài sân nhà người ta chờ sáng đón xe về lại Sài Gòn. Gần mười lần như thế, chưa bao giờ nhìn thấy tàu bè. Một lần khác, cũng ở Vũng Tàu, khi mọi người đang tụ tập trong nhà chuẩn bị xuống bến thì du kích xuất hiện ngay cửa. Họ hô đứng im. Một người nào đó đã nhảy ra ôm anh du kích. Tiếng đạn nổ, mọi người bỏ chạy. Đêm đó, em ngâm nước dưới ruộng tới khi chuông nhà thờ đổ lễ sáng. Còn có một lần ngay tại con kinh bên quận tám. Gã chủ đò bảo em ẩn vào trong cái lu đựng nước ngọt. Cảm thấy điều ấyï ngu xuẩn, em không vào, nhất định ngồi ngoài. Khi chiếc ghe tách bến, không biết vì lý do gì, nó lật nghiêng. Tất cả những người chui vào trong lu đều chết. Tôi hỏi: Em vẫn chưa sợ à? Nàng bảo có nhiều điều còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Ngày 16.3.2004. Má mì nói: Em mời anh một món nhé. Tôi vẫn xoa mông má mì. Thực đơn của ngày là một cơn mưa. Cô gái bên tay trái nép sát vào tôi. Chàng thanh niên chạy bàn gõ cửa thò đầu vào nói: Liên có điện thoại. Cô gái xin lỗi đứng dậy. Tôi nói với má mì: Cứ để nó chạy sô.

Năm 1980. Anh tìm mua giùm em khẩu M 79 được không? Em sử dụng à? Không, chủ tàu. Chủ tàu thì để nó lo. Em muốn có một khẩu Colt 45 hoặc K 54. Anh nghĩ nó chỉ rắc rối và nguy hiểm hơn. Em không muốn bọn cướp biển sờ vào em.

Ngày 16.3.2004. Tôi chui vào một phòng ngủ có rất nhiều chữ viết trên đầu giường và những hình vẽ bộ phận sinh dục. Cô gái nói: Anh có thể viết hoặc vẽ bất cứ cái gì cũng được. Mỗi người ngủ với em đều làm thế à? Dạ. Nàng đưa cho tôi cây bút. Tôi viết: Khoan cắt bêtông, phone 08.8888888.

Bốn mươi phần trăm người dân không được dùng nước sạch. Ba phần tư nhân loại sống dưới mức nghèo khổ. Đồng chí Elsin hỏi ý kiến Mỹ trước khi bắn vào tòa nhà quốc hội Liên bang Xô viết. Gấu bị săn bắt bất hợp pháp. Triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh làm nhiều con phố ngập lụt. Cơn bão mặt trời làm thông tin nghẽn mạch. Cô gái bảo em sẽ lấy chồng. Tú bà đốt phong long trước cửa. Cuốn tiểu thuyết bị tịch thu. Cô gái viết tôi đứng dạng chân dưới gốc cây xù xì để cho gã trai đâm vào đáy tử cung nước bắn ra tung tóe ướt cả đùi mở mắt nhìn khuôn mặt con đực rồi tôi lạnh lùng thả váy xuống. Cơn cớ chịu chơi cuối mùa hiu quạnh, tôi hỏi chơi tiếp nhé? Cô gái nói anh đọc văn chương thế à? Không đọc thế thì đọc thế lào? Triết lý cũng là để hành động. Văn chương cũng là để đồng hành. Bọn ấm ớ bảo văn chương là cuộc chơi. Thế thì chúng mày có dám chơi tới bến không? Tôi hỏi cô gái trời sáng chưa? Cứ ngủ thì trời sẽ không bao giờ sáng, cô gái nói. Vậy thì ngủ. Hãy trùm cho anh cái chăn. Thế giới trong chăn con sâu ủ dột, con cua lột vỏ.

Em đã đi rồi ư? Nếu như anh mua cho em khẩu súng thì em có bị hiếp không? Trên thuyền, bọn đàn ông run bần bật, nàng kể trong thư cho tôi, bọn cướp biển run một chi giữa, còn bọn đồng hội đồng thuyền thì cả tứ chi đều run. Đã có lúc em ưỡn người lên cho tất cả đàn ông được thấy. Có thể là em đã hạ nhục mọi người khi mọi người để em bị hạ nhục. Cũng có thể là em đã hạ nhục chính em.

Tồn tại là cứu cánh cho cái gì? Con sâu vẫn ủ dột, nàng bảo, anh là đồ vất đi. Tưởng là đồi trụy, hóa ra phản động. Nàng cười nắc nẻ với ý nghĩ của mình và đắp thêm cho tôi một cái chăn nữa. Như thế là tôi đã nằm trong mộ huyệt, trước khi có thể tự quyết định về sự tồn tại của mình. Ba mươi năm trước, tôi đã khổ sở vì ông Heidegger hiện tồn tính thể, bây giờ lại vẫn ông Heidegger tính thể hiện tồn. Tôi vất quyển sách vào sọt rác, úp mặt vào cô gái. Cô gái hỏi thế này là triết học hay phi triết học? Tôi bảo bất khả luận. Anh buồn cười thật, nàng vò đầu tôi. Tôi cảm thấy mình vô nghĩa và muốn chui vào nàng. Những lúc như thế này, nàng nói, em mới thật là em. Có thật sự một niềm an ủi không, tôi không biết, nhưng nó đã là một hành động, ít ra khải thị tôi về tông truyền án lệ. Bọn cưỡng dâm tập thể bảo, trên ngọn cờ đầu độc quyền đổi mới văn chương không có chỗ cho chúng mày. Đừng tưởng bở. Thưa các bác, nhà em không dám giành chỗ của các bác, nhà em vẫn đang trùm chăn để khóc thương cho Argentina – Madonna buồn nôn trên sự trinh tiết của Á Căn Đình phiên âm Hán tự.

Tôi trốn chạy khỏi cô gái. Trốn chạy trú xứ.

Người đàn bà năm xưa viết: Có thể anh ngạc nhiên khi nhận được thư em. Có thể anh nghĩ rằng em đã quên mọi sự. Thật ra, em chẳng thể quên điều gì, cũng như đã chẳng thể quên anh. Cuộc sống giống như một bản án mà kẻ tuyên án không ai khác hơn là chính ta. Những trải nghiệm thật sự không mang đến một điều gì khác ngoài sự hồi cố. Mọi việc chúng ta đã làm, mọi khoảnh khắc chúng ta đã sống đều quí giá. Em có một đứa con như anh đã biết, lúc nó bé tí, cũng như lúc nó là một cô gái. Em cũng biết anh đã từng ngủ với nó. Và em tin rằng anh yêu quí nó. Hiện bây giờ nó đang ở trong trại cai nghiện. Nó cần anh. Em biết chắc thế. Anh hãy đến với nó, như một người cha, và quan trọng hơn, như một người tình. Anh và nó là phần em lưu lạc. Em không thể làm gì tốt hơn được cho anh và cho nó, bởi em là người đã chết. Em đùm bọc anh và con trong linh hồn em.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ tây sang đông, ở giữa in hoa văn chữ “song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “gia đình – hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy... (...)
 
... Ngày rồng hạ sinh, có mây ngũ sắc phủ trên mái nhà. Để cho cuộc đản sinh của rồng mãi mãi là huyền thoại, người mẹ đã phải chết trong sự sợ hãi bởi những bóng ma tật nguyền của tương lai đứng trước cửa đòi báo oán. Rồng không khóc. Bà mụ đỡ đẻ cho rồng bảo: Đứa bé có năm tràng hoa quấn cổ này về sau gan lì lắm... (...)
 
Năm 1963. Bà Trần Lệ Xuân bảo món thịt nướng của mấy ông sư ăn không được. Mì lên chùa Ấn Quang đốt hương cầu nguyện cho bố. Người đưa tin cho biết, miền Nam sẽ có nhiều biến cố khó lường, nếu Mì muốn, sẽ đưa Mì ra nước ngoài. Mì nói: Tôi đã một lần xa bố. Tôi không muốn đi xa hơn nữa... (...)
 
Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân. Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân... (...)
 
Đêm 24.12.1980. Trong lán trại bằng lá giữa rừng, có một tiếng nói nhỏ: Chúa đã đến. Hơn một trăm người đang nằm thao thức đều ngồi bật dậy. Họ tiếp tục thầm thì: Chúa đã đến... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021