thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN [7]
Những kỳ trước: [1] [2] [3] [4] [5] [6]

 

Năm 1969. Lý Công Uẩn bị đem ra phê bình.

Đồng chí là con của giai cấp quan lại phong kiến thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ vô sản.

Đồng chí là sản phẩm của thứ đạo đức lạc hậu.

Đồng chí không có quyết tâm làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2002. Lý Công Uẩn nằm hấp hối. Ông Putin của nước Nga sang thăm. Tả hữu đặt vào tay Uẩn cuốn “Lênin toàn tập”. Ông Putin buồn buồn nói: Ở nước tôi, không ai đọc sách này nữa. Nói xong Putin vuốt mắt Uẩn.

Nhưng Uẩn bật dậy, la toáng lên: Tao không chết. Tao không chết. Tao không chết.

Bà Năm Hồng ở Tây Ninh nói vọng vào: Còn nhiều xác người lắm.

Tôi đã đến nhà bà Năm Hồng nhìn thấy những chiếc bao nhỏ đựng cốt người được đặt trên những cái giá gác qua vách chờ thân nhân đến nhận. Từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt, bà lang thang trên các chiến trường tìm lại xác đồng đội. Bà làm không vì ai, cũng không để được điều gì. Những bao cốt không có người nhận, bà gửi về nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Năm 1010. Thày địa lý Tàu nhìn cái hồ tròn xanh long lanh như một con mắt, ông nhận ra ngay đây là chỗ hùng khí rồng phát lộ. Ông thuê người chở đất đổ xuống giữa hồ thành hình giống như cái mu rùa để làm mù mắt rồng. Sau này người Việt xây trên miếng đất nổi giữa hồ một cái tháp để thờ rùa mà không biết ác tâm của ông thày địa lý. Cái tháp giống như cán gươm mà lưỡi vô hình của nó đã đâm ngập vào mắt rồng.

Tháp bút “Tả thiên thanh” của ông Nguyễn Văn Siêu dựng bên hồ vừa nhỏ vừa ngắn không đủ sức để giải bùa ếm của người Tàu.

Sinh thời, bố tôi bị tâm thần phân liệt. Lúc nào ông cũng cảm thấy như có người đang âm mưu hãm hại mình. Khi lên cơn, ông ra đường quơ tay chỉ nhà hàng xóm, sừng sộ: Tao đây, có giỏi thì cứ bắt tao đi. Muốn giết thì giết tao đi. Tao đéo sợ thằng nào. Tuy chửi thế, nhưng tôi biết, đấy là lúc sự sợ hãi đã lên đến tột đỉnh. Ông không còn kiểm soát được mình. Ông chửi và đập tay vào nhau cho đến khi miệng ứa máu và hai bàn tay dộp lên mới qua cơn. Tháng tư vào mùa lễ phục sinh, khí hậu nóng nực nhất trong năm, bố tôi thường hay lên cơn. Tôi không biết phải làm gì, cũng không cảm thấy buồn tủi hay oán trách. Tôi chỉ nghĩ, nếu con người không được sinh ra thì tốt hơn.

Ngày 16.3.2004. Hồng Phượng không muốn lỡ mất cơ hội ràng buộc của mình với Đại Quang, cô nói: Anh đưa em đến khách sạn.

Tinh khí đầy cứng trong bầu giái, Đại Quang gật đầu.

Hắn gọi một chiếc Taxi.

Vừa đóng cửa phòng, Hồng Phượng đã chồm tới ôm cứng Đại Quang. Cô hiện nguyên hình là một con quỉ. Đôi mắt long lên, trắng dã. Hai hàm răng nghiến lại, cô đè Đại Quang xuống, vội vàng lột quần áo hắn. Lưỡi cô thè ra vừa liếm vừa quấn chung quanh người Đại Quang.

Khát vọng dâm dục của quỉ đã vuốt cặc Đại Quang dài ra như một con lươn. Nó đâm vào cửa mình Hồng Phượng lút đến cổ họng. Cô rên như bị chọc tiết.

Hệ thần kinh trên đầu Đại Quang tê điếng. Một xúc cảm hiện hữu chân thực và siêu thoát. Hắn thấy cửa vũ trụ mở ra tất cả những bí ẩn của sự sống.

Thuốc an thần càng làm cho bố tôi mất ngủ. Một vài loại thuốc khác có thể chế ngự được cơn điên nhưng tạo ra những phản ứng phụ như thèm thuốc lá, tay chân lật bật và thân thể mất thăng bằng. Bố tôi bảo, cứ để tao điên có khi lại dễ chịu hơn.

Năm 1961. Anh em nhà Lý Công Uẩn đều bị á khẩu mà không rõ nguyên do. Họ lần lượt qua đời trong sự cô quạnh. Chỉ sau cái chết của ông Ngô Đình Diệm năm 1963, Uẩn mới trở lại căn nhà xưa bởi một cảm thức tương lân về cái phù ảo của quyền lực chính trị.

Tôi đã trở về nơi tôi từng sống với bố mẹ và những đứa em. Căn nhà ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã thuộc về một ai đó, tôi không biết. Điều chắc chắn nhất là tôi đang bước lên chiếc cầu thang gỗ. Phía dưới, đứa em gái áp út nằm ngủ trên ghế bố sau quày hàng. Mẹ tôi nằm ở chiếc giường phía trong. Tôi chỉ nghe thấy tiếng họ trong ký ức. Bố tôi đang bận bịu gì đó trong nhà bếp. Cũng chỉ là những âm thanh rất xa tiếng bố tôi phàn nàn vì đồ đạc thất lạc. Không nhìn nhưng tôi cũng biết đứa em gái kế tôi đang thay quần áo sau cánh cửa tủ. Tôi nghĩ cần phải sắp xếp lại căn gác cho hợp lý. Sẽ kê cái tủ ngay sát đầu giường cô em thay bức bình phong cho kín đáo. Bàn máy vi tính của thời tương lai đưa vào sát tường. Phần giữa nhà sẽ kê một bộ bàn ghế mây. Còn chiếc giường sát cửa sổ phía sau, trong một thoáng tôi không nghĩ được nó thuộc về ai. Tôi không nhớ được mình vẫn ngủ ở đâu trong căn nhà này. Và một nỗi bơ vơ tràn ngập tôi. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngôi nhà thờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng đọc kinh khi nhà thờ hoàn toàn vắng người, lúc ban trưa hoặc nửa đêm. Cuộc chiến tranh đã đưa đẩy gia đình tôi đi nhiều nơi, ở nhiều căn nhà khác nhau, và tất cả chúng tôi đều nghĩ đây sẽ là căn nhà chúng tôi sống mãi mãi, cả khi chúng tôi không một ai còn tồn tại. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở về. Các em tôi cũng đã trở về. Bố mẹ tôi cũng trở về. Tất cả họ đều im lặng. Ký ức của tôi không phải là một ngăn tủ đóng kín. Trước cửa căn nhà, tấm màn gió màu xanh lá cây rũ xuống ngăn cách với mặt đường. Hình như có ai đó sợ ánh sáng. Nhưng bóng tối không phải là chỗ an toàn. Tôi vén màn nhìn ra ngoài, chú tôi vừa đi ra nói vọng lại: Mọi sự đã sẵn sàng. Đấy là cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi sắp phải ra đi sao? Tiếng bố tôi vẫn càu nhàu, không thấy cái búa đâu cả. Làm sao bố tôi thấy được khi tôi đang cầm nó trong tay và đập vào bức tường. Tôi cũng không hiểu tôi đập tường để làm gì, nhưng tôi biết chắc đó là điều cần thiết. Sau này tôi mới biết được nhờ cái lỗ ấy mà tôi sống sót. Viên đạn pháo rơi ngay trước cửa và căn nhà bốc cháy bịt kín lối ra bằng lửa. Tôi chui ra cái lỗ nhỏ như lỗ chó ấy thoát ra đường. Tôi đã được chọn để sống. Và đôi khi tôi vẫn tự hỏi sự sống ấy để làm gì. Trong rất nhiều năm, tôi đã bị dằn vặt bởi ý nghĩ ích kỷ. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đời sống tôi trở nên sáng tỏ. Sự mù mờ ảo ảnh sương khói và những giấc mơ nửa hư nửa thật luẩn quẩn mà tôi cũng không biết nó nằm trong đầu hay đang hiện hữu bên ngoài tôi. Có tiếng ai gọi ngoài cửa bảo: Đã đến giờ rồi. Tôi không biết chuyện gì, bố tôi trong nhà bếp nói vọng ra: Chúng tôi chưa chuẩn bị xong. Người ngoài cửa lại nói: Không cần chuẩn bị gì cả. Tôi nghĩ cho dù có là cái chết thì cũng nên chuẩn bị. Người ngoài cửa dường như nói với tôi: Nếu mày không muốn đi thì thôi. Vâng, tôi chỉ muốn ngủ. Thế thì hãy ra đường mà ngủ. Bố tôi bảo: Không được, nó là thằng hay ốm vặt. Người ngoài đường nói với tôi: Mày phải tự thu xếp. Dường như tôi bừng tỉnh nói thật to: Ông là ai? Không có tiếng trả lời. Người ngoài đường đã bỏ đi. Căn nhà yên tĩnh trở lại. Tôi nghĩ cần phải treo một cái gì đó lên tường. Tôi tìm trên kệ sách những tấm lịch cũ. 1974. 1973. 1972. Có những bông hoa đã úa tàn từ thế kỷ trước. Những người đàn bà khỏa thân sau bữa cơm chiều. Ánh trăng chiếu vào họ làm cho làn da ẩm ướt và có mùi cỏ. Phải treo họ lên ở đâu đó trong ký ức của những con giun. Tôi hỏi bố nhà mình còn đinh không? Bố tôi bảo không cần đinh. Cứ đóng đi. Liệu những người đàn bà có sống được không khi bị cất vào trong kệ sách? Mẹ tôi bảo đừng có dớ dẩn. Tôi nói mẹ đang ngủ cơ mà. Ừ mẹ ngủ đây, nhưng đừng có đóng đinh họ. Cô em gái đã thay quần áo xong và bước ra lan can. Tôi nói không nên mơ khi còn thức. Ít ra thì cũng để em nhìn thấy một thế giới khác chứ, em tôi nói. Làm gì có một thế giới khác. Tất cả chỉ là một thôi. Ở phía nhà thờ, những con chim sẻ ríu rít trên mái ngói. Người đàn ông đi tìm ý Chúa gục đầu trên những phím phong cầm. Mẹ tôi bảo khi con băn khoăn hoặc sợ hãi thì hãy phó dâng cho Chúa. Tôi đã chui ra khỏi cái lỗ chó nhìn ngọn lửa bùng bùng trên mái nhà. Cách thượng đế đến với con người giống như thợ săn dồn con thú vào bước đường cùng. Tôi đi tìm người chú để nương náu. Nhưng dường như chú tôi cũng chỉ là cái bóng. Những ngôi mộ đã được giải tỏa dành đất cho người sống. Người chết vất vưởng lang thang trên những cỗ bàn đã thiu mốc. Tôi quay lại ngôi nhà mình. Ngọn lửa vẫn cháy. Rất nhiều người đang đứng đọc kinh. Người đi tìm ý Chúa dang tay và ngửa mặt lên trời. Trong đầu ông ta có những con mọt đang đục đẽo. Tôi nghe thấy tiếng của chúng đùa rỡn với nhau. Thằng em trai út ngồi hút thuốc lá trong góc nhà. Nó bảo đốt cả thế giới thì mới mong diệt được chuột. Đứa em gái nằm ngủ sau quầy hàng đã thức. Nó chải đầu và ngứa miệng. Nhưng nó chỉ ú ớ những âm thanh của một cơn gió giật. Cái lược rơi xuống đất. Tôi bảo lại đây anh bóp đầu cho. Dùng cả mười đầu ngón tay bấu vào đầu nó, cái sọ nhũn như một quả bóng, tôi nói lý thuyết cấu trúc là một điển hình cho những áp đặt sinh tồn. Chẳng ai hiểu được câu nói ấy, tôi vẫn tiếp tục vò cái đầu đứa em cho đến khi nó thật sự mềm. Tôi bảo nó muốn nói gì thì nói đi. Nó lắc đầu. Thế gian khép mắt. Bóng tối tràn từ tây sang đông. Những ngọn cây cúi xuống ngủ. Trên mỗi một ngôi mộ mọc lên một ngọn nến. Những người đọc kinh đã xếp thành hai hàng. Họ đi dọc theo những ngôi mộ, một tay lần tràng hạt, một tay cầm hoa. Tôi nhìn thấy họ khuất sau đường cong của quả đất. Bố tôi đã tìm thấy cái búa, ông bảo Chúa vẫn chờ chúng ta đóng đinh người. Tôi không thích tranh luận với bố hay bất cứ ai, nhưng tôi vẫn nói một mình. Chúa đã xuống khỏi thánh giá và đi vào sa mạc. Tiếng búa của bố đập ong ong trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình cần phải đi ngược về phía biển. Những người lưới cá đang ngồi khóc vì thuyền của họ đã vỡ. Tôi hỏi Chúa của các ông đâu? Ngài đã lên trời, họ nói. Tôi bảo không phải, Chúa của các ông trong sa mạc. Họ lấy đá ném tôi. Dường như tôi đã chui xuống đất và thoát ra ở dưới chân núi. Con khỉ nói: Ngộ cũng chuẩn bị chạy trốn đây, nị nên giả vờ chết thì mới may ra sống được. Cái đồ khỉ Tàu, tôi rủa và tiếp tục chạy lên núi. Với tay tới mặt răng, tôi cầm cái nia vàng ném xuống đất. Ánh sáng vỡ ra tung tóe làm mù mắt những người lưới cá. Mẹ tôi bảo đừng có viển vông, hãy cứ ngồi ở nhà khâu cúc áo đơm khuy cho mẹ, tao lấy vợ cho. Hãy chọn một cách sống an toàn cho đến khi ý Chúa được hoàn tất. Trong khi ấy, người đi tìm ý Chúa vẫn ngửa mặt lên trời. Những con mọt trong đầu ông ta đã gặm tới sổ kế toán thu chi. Và người đàn bà đứng gần nói: Thưa cha, đã tới giờ ăn cơm. Người đàn bà quạt cho ông ta bằng cái quạt giấy. Tôi hỏi: Cha có thể nuôi con một ngày không? Người đi tìm ý Chúa bảo: Thực phẩm này không phải của ta, con cứ ăn. Cha có thể cho con trú ẩn không? Chỗ này không phải của ta, con cứ ở. Mồm người đàn bà há to như mồm con cá sấu, răng chĩa ra tua tủa, quát vào mặt tôi: Vấn nạn của ngươi là gì? Ôi, to chuyện quá. Tôi bỏ chạy trước khi có thể mang họa. Phía sau lưng tôi, người đàn bà cười sằng sặc: Bé giái non hột mà cũng học đòi. Mẹ tôi bảo về nhà đi con, thế giới này đầy cạm bẫy. Tôi thắp một cây nhang cắm xuống đất. Lạy thổ thần, người là mẹ của hoa trái, là bà cố của tai ương, xin hãy chỉ đường cho tôi về nhà. Người đàn bà đốt phong long quơ ngọn lửa ngoài cửa. Thổ thần uống rượu trắng khề khà. Tất cả chúng mày đều vớ vẩn. Tôi nhắm mắt bước. Con đã về rồi đây mẹ ạ. Nhưng quả thật, tôi không thể nào nhớ được cái giường tôi vẫn ngủ nằm ở đâu.

Ngày 30.4.1975. Nhà chính khách trẻ kể: Hôm ấy tôi ở trong dinh Độc Lập, ngồi chờ quân giải phóng đến tiếp quản. Đây là lịch sử. Tôi đang ngồi trong lịch sử với một nỗi niềm lo sợ. Tất cả giơ tay lên. Chúng tôi lần lượt ra khỏi lịch sử trong tư thế hai tay để trên đầu. Một vài nhà báo quen chạy tới ôm lấy chầm lấy tôi. Chúng ta thắng rồi. Tới lúc đó, tôi khóc.

Ông Phan Thanh Giản bảo: Đầu hàng là một kinh nghiệm kỳ lạ nhất về sự hiện hữu.

Khi trong lòng an bình, bố tôi lảm nhảm đọc kinh. Giọng ông vui cũng như tôi đã nghe thượng tọa Thích Huyền Diệu ê a lời kinh tán trong vườn Lâm Tì Ni ở Népal xa xăm. Chúa không ngồi trên ngai vàng. Người ở trong gió và người mang lời kinh vu vơ đến cho những ai cần sự vu vơ để đi qua trần gian.

Nếu một lúc nào đó, người mang đến cho tôi chén thuốc độc và bảo: Phần của mi. Tôi sẵn sàng cầm lấy và uống trọn số phận mình.

Vì chột mắt, nên con rồng vẫy đuôi bay vòng vòng một chỗ mà cứ ngỡ mình bay thẳng. Quẻ Bát thuần càn, hào thượng cửu: “Kháng long, hữu hối”. Lý Công Uẩn nói với bà Năm Hồng: Cẩn thận kẻo động mồ động mả.

Ngày 16.3.2004. Những con ma ngụy tụ tập chật trên đồi Thương Tiếc. Chúng đến từ Nam Lào, Quảng Trị, Huế, Tây nguyên, duyên hải Trung bộ, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Trần truồng và đói khát. Lý Công Uẩn nói to: Chưa đến ngày phán xét, sao các ngươi lại đến?

Chúng đồng thanh trả lời: Ngày nào cũng là ngày phán xét.

Ai dám phán xét các ngươi khi ngày Chúa chưa đến?

Những ngọn cỏ này, những bóng cây này.

Ta có thể phán xử gì cho các ngươi?

Thưa hoàng thượng, chúng tôi cần một chỗ nằm.

Khi ấy, Bùi Giáng cầm cây phất trần đi ngang qua, nói: Nếu các bạn chưa chết thì đừng nằm. Còn rủi như các bạn đã chết từ khuya rồi thì lại càng không nên nằm, bởi các bạn là ma.

Chúng nói như hô khẩu hiệu: Ma cũng phải nằm.

Khi các bạn nằm, các bạn không phải là ma. Bởi vì bản chất của ma là không thật, hiện tượng của ma là nhát người. Các bạn hãy lên đường chọc ghẹo bá tánh cho hãi hùng thân phận, ly kỳ số kiếp.

Một số con ma vốn là văn nghệ sĩ nói: Phải đấy.

Vấn đề của các bạn là chọn hình thức nào cho ra dáng con nhà ma.

Nhạc sĩ họ Công Tôn xen vào: Các toa như thế nào thì cứ xuất hiện y như thế cũng đủ làm kinh động thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Xoong bảo: Cậu chỉ là cái thằng Đã Là. Vấn đề ở đây là cái Đang Là.

Nhạc sĩ họ Công Tôn cãi: Chúng ta là cái Vẫn Là.

Cái thứ Vẫn Là của cậu chỉ là giả hình. Âm nhạc của cậu đánh đĩ thập phương.

Thơ của toa là thứ ma cô ma cạo.

Bùi Giáng ôm con khỉ bỏ đi. Lý Công Uẩn ngán ngẩm nói to: Thôi giải tán.

Cả ngọn đồi Thương Tiếc vọng lên: Thưa hoàng thượng, đi đâu?

Đi đâu là chuyện của các ngươi. Lý Công Uẩn nói như thế và kẻ nào trong các ngươi nghe được thì nghe.

Những con ma lại rầm rĩ hỏi nhau: Đi đâu?

Bấy giờ nhà thơ Nguyễn Xoong lên tiếng: Hãy đến vườn Đá Tảng.

Vườn Đá Tảng rộng hơn hai mươi mẫu trên cao nguyên Di Linh. Bên những viên đá tảng là tiếng thông reo từ muôn vạn kiếp phiêu diêu. Thái tử Siddhartha đã khai hoang miếng đất này từ tiền kiếp của ngài. Trước khi đi Tây hoằng pháp, ngài đã giao lại cho nhà thơ Nguyễn Xoong gìn giữ cùng với một thảo am nghi ngút mây trời. Nguyễn Xoong mang vợ con đến giữ đất chùa sau khi đã leo lên một tầng thượng trong thành phố đái xuống đất và nói: Con người đã chết.

Cái chết của Nguyễn Xoong xảy ra vào đúng giờ khắc cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai sau Thiên chúa giáng sinh, cũng là thời hạ nguyên của sắc tướng hiển lộ. Đêm ấy, Nguyễn Xoong vừa làm xong bài thơ ca tụng mùi khai trong háng đàn bà thì ngửi thấy mùi khét của cây cỏ cháy. Ông bước ra ngoài thảo am. Lửa phừng phừng bốn phương trời đất. Lửa cháy tới đâu lũ người xuất hiện tới đó, họ mang theo cuốc xẻng và những biểu ngữ viết bằng máu: “Máu tao chảy đến đâu, đất chỗ ấy thuộc về tao”. Lũ người chạy băng qua chỗ Nguyễn Xoong đứng và ngọn lửa của họ biến ông thành cây đuốc và đất của ông thành đất của họ. Cái chết của Nguyễn Xoong nhanh đến độ mùi khai của háng đàn bà trong thơ ông không kịp tan. Sau khi thành ma, Nguyễn Xoong tiếp tục làm thơ vần vũ với mùi khai ấy.

Bọn ma ngụy kéo nhau tới vườn Đá Tảng. Một con ma bỗng hỏi: Bùi Giáng đâu?

Ma Xoong bảo: Lão ấy giả điên quay lưng lại với thời cuộc.

Thế còn Công Tôn đâu?

Hắn về hội nhạc sĩ chờ kết nạp đảng.

Ở vườn Đá Tảng, ma Xoong đọc thơ khai trong lúc các con ma khác khóc than về sự chia cắt âm dương. Lý Công Uẩn buồn rầu bước đến bảo: Lẽ ra các ngươi phải nghe thơ Lý Thường Kiệt. Nhưng Triệu Đà từ Quảng Châu đội mồ chạy tới bảo: Tôi sai lầm. Tham vọng hùng cứ của các vĩ nhân là mầm mống nhiễu loạn thế giới. Lý Công Uẩn nói: Nếu ông không sai lầm thì đã không có tôi. Những con ma chập chờn cũng vọng âm: Nếu không có các ông thì đã không có chúng tôi.

Hằng nói: Em đã quen sống không có anh. Và đôi khi em tự hỏi: Anh có thật sự cần thiết với em không? Tôi nói: Thật sự không có điều gì cần thiết.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ tây sang đông, ở giữa in hoa văn chữ “song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “gia đình – hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy... (...)
 
... Ngày rồng hạ sinh, có mây ngũ sắc phủ trên mái nhà. Để cho cuộc đản sinh của rồng mãi mãi là huyền thoại, người mẹ đã phải chết trong sự sợ hãi bởi những bóng ma tật nguyền của tương lai đứng trước cửa đòi báo oán. Rồng không khóc. Bà mụ đỡ đẻ cho rồng bảo: Đứa bé có năm tràng hoa quấn cổ này về sau gan lì lắm... (...)
 
Năm 1963. Bà Trần Lệ Xuân bảo món thịt nướng của mấy ông sư ăn không được. Mì lên chùa Ấn Quang đốt hương cầu nguyện cho bố. Người đưa tin cho biết, miền Nam sẽ có nhiều biến cố khó lường, nếu Mì muốn, sẽ đưa Mì ra nước ngoài. Mì nói: Tôi đã một lần xa bố. Tôi không muốn đi xa hơn nữa... (...)
 
Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân. Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân... (...)
 
Đêm 24.12.1980. Trong lán trại bằng lá giữa rừng, có một tiếng nói nhỏ: Chúa đã đến. Hơn một trăm người đang nằm thao thức đều ngồi bật dậy. Họ tiếp tục thầm thì: Chúa đã đến... (...)
 
Khi quá buồn thì con làm gì? Kẻ biến hình hỏi tôi. Tôi nói: Chửi một ai đó. Chửi sau lưng hay trước mặt? Dạ, chửi sau lưng. Sao không dám chửi trước mặt? Vì đó không phải là cách của tổ tiên dạy bảo. Thế con đã từng chửi ai? Dạ, con không dám nói. Con chửi thế nào?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021