thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CẢNH TƯỢNG SAU TRẬN CHIẾN [trích]: Dưới bóng Vladimir Ilitch | Trên hòn đảo vắng của chàng

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JUAN GOYTISOLO

(1931~)

 

 

DƯỚI BÓNG VLADIMIR ILITCH

 

Anh nhận được một giấy mời của những bạn đồng ngũ. Mày biệt vô âm tín cả mấy thế kỷ rồi. Chẳng đứa nào trong bọn ta hiểu được lý do thái độ im lặng của mày. Mày làm cái giống gì một mình, xa lánh mọi người, tự giam trong phòng kín như một ẩn sĩ thế? Bộ mày tưởng là đời sống đã ngừng trôi? Những khát vọng và cuộc đấu tranh của chúng ta bộ mày không còn quan tâm nữa? Có lẽ mày nghĩ là con người có thể đổi qua sống ở một hành tinh khác?

Anh đến thăm họ. Anh bước đi trong một quang cảnh mùa thu: một con đường phủ đầy lá, dọc hai bên đường là hai hàng cây khô trụi và bệnh hoạn. Gió giật từng cơn, anh bước tới một cách khó nhọc. Ngôi nhà, nhìn từ xa, giống như một trường học dành cho những đứa trẻ con nhà giàu hoặc còn giống như một bệnh viện loại cao cấp, một nhà an dưỡng. Đêm xuống đột ngột và đèn đuốc khắp nơi bật sáng. Anh đi ngang qua trước những khu nhà phụ thuộc toà nhà chính: một phòng tập thể dục bỏ trống, một phòng làm tóc nữ lộng lẫy. Anh có đủ thì giờ thoáng nhìn thấy khoảng nửa tá những người khách nữ, trong số đó anh nghĩ là anh nhận ra được vợ của vài người bạn: ai nấy hoàn toàn ngồi bất động, đầu kê dưới cái máy sấy bằng điện, tựa như các bà đang nạp ăc-qui cho óc mình. Tim anh đập mạnh hơn: chính vợ anh cũng nằm trong số mấy bà. Anh muốn chào vợ, hỏi xem bà ấy làm cái gì ở đây, nhưng giọng anh yếu, và bà cũng không thể nghe anh vì tiếng máy sấy. Tôi trở lại ngay, anh la lên; và anh bước lên chiếc cầu thang xoắn sang trọng dẫn vào nhà trong. Hành lang dài thắp đèn néon, những cái băng ca, những nữ y tá. Anh hỏi đường một bà béo mập đang đẩy một cái bàn có bánh xe chất đầy chai lọ và thuốc men, đi qua một căn phòng sáng rực những ngọn đèn chùm bằng thuỷ tinh: một con bé dễ thương, mặc một chiếc áo dài diềm xếp nếp không đều nhau, có vẻ như là bị rách, để lộ hai bờ vai và một chút ngực, tinh nghịch mỉm cười với anh. Nắm tay trái để trên hông: cánh tay phải, cũng uốn cong như thế, cầm trong lòng bàn tay một vật không trông rõ, bị mờ đi vì ánh chói của chiếc áo. Katie! anh kêu lên. Nhưng những bước đi của anh, cho dù anh không muốn, cứ đưa anh đến tận cuối hành lang. Anh nghe nhiều tiếng nói, những tiếng kêu reo, những tiếng cười. Nghe tin anh đến, những bạn đồng ngũ cũ thời ở trong quân đội ngồi vòng tròn đợi anh, vừa bắt giọng hát những bài ballades, những hành khúc cách mạng, những ca khúc chính trị. Bọn họ trông lố bịch, ăn mặc như mấy thằng bé con: quần ngắn, áo màu, mũ đi biển, yếm dãi lấm đầy vết cháo, những dải băng thắt nơ, những thứ độn đầu. Lối cư xử và ngôn ngữ họ dùng cũng rặt trẻ con: họ rống lên, xô đẩy nhau, làm rơi vật này vật nọ tứ tung, vỗ tay. Họ nhào ra đón anh, đứng thành một vòng tròn quanh anh, và họ cầm tay nhau hát hò. Cái tượng bằng thạch cao của vị Lãnh tụ, cái đầu hói và chùm râu cằm ma quỷ,[1] có vẻ như đang quan sát với con mắt khinh bỉ cái hỗn độn và rối loạn của những đồ đệ lạc đường của mình. Lời chẩn đoán dựa vào lịch sử và y khoa quả là sáng rõ và, bởi vì các đồ đệ nhiệt tình của Người nhận phần nhắc nhở cho Người, câu chẩn đoán mang hẳn một cái tên chính xác: chủ nghĩa lệch lạc khuynh tả trẻ con. Suy sụp tinh thần trước cảnh tượng ấy, anh đã bỏ trốn khỏi cái cảnh huyên náo của lớp học. Anh muốn gặp Katie, quỳ xuống trước mặt nàng, hôn lên hai bàn chân nhỏ bé của nàng. Bấy giờ các nữ y tá chạy theo anh và thét những lời chửi mắng cay độc. Những cánh cửa đã bị lấp kín, và cần phải đi xuống bằng một cầu thang sau nhà gớm ghiếc hai bên tường đầy những chữ viết: Hãy ủng hộ cho tổ chức ân xá! Đả đảo trật tự tư sản! Hoan ô đình công trên cả nước vì hoà bình. Anh muốn trở lại chỗ làm tóc càng nhanh càng tốt, và có một lời giải thích dứt khoát với vợ. Tầng hầm của toà nhà vẫn nằm trong vùng tranh tối tranh sáng và anh đi vào một hành lang nơi anh nghe có tiếng gọi tên mình. Một lần nữa, có một cái gì huyền bí níu chân không cho anh tiến tới. Tiếng gọi của những người bạn mỗi lúc càng cấp thiết. Họ thò đầu ra khỏi miệng những thùng rác, hát một khúc cải chính than thân. Không ai có thể làm gì được để giúp họ và, vì họ đã tự nguyện ra khỏi đường lối đúng đắn do Đảng vạch ra, họ phải chịu một hình phạt khắc nghiệt: mỗi người chết thúi trong thùng rác của mình, trong bãi phế thải thối tha của Lịch sử.

 

 

TRÊN HÒN ĐẢO VẮNG CỦA CHÀNG

 

Nhân vật của chúng ta không là, chưa bao giờ là người thích khoa hoc giả tưởng: anh chỉ cần lướt qua khoảng nửa tá báo ngày và tạp chí mà anh đặt mua là có thể khám phá ra ở từng mỗi trang nhiều thí dụ chứng minh ưu thế không chối cãi được của cái thật đối vối một kiểu tưởng tượng tầm thường và nhanh chóng bị lỗi thời. Chúi mũi đọc loại sách này là một cách rèn luyện mạo hiểm chẳng thua gì bước đi trong một bãi mìn: nhân vật chính của câu chuyện chúng ta đâm vào thế giới hiện đại không được giám sát gần như là bằng những bước rón rén, mỗi bước tiến tới đều phải dừng lại để thở, nhìn lại sau lưng mình như thể anh nói lời từ biệt với thế giới và ghi trong đầu những triệu chứng báo hiệu ngày tàn phi lý sắp tới nơi của mình. Cái hành tinh bé tí trên đó anh đang sống đã nhồi nhét đầy chất nổ: trong khi nó âm thầm vẽ ra quỹ đạo của nó, một cách quỷ quyệt nó đã tự biến thành một thùng thuốc súng. Sự tình cờ không sao tin nổi từng tạo ra đời sống hữu cơ trong cái bọc nước hầu như không nhìn thấy trôi bồng bềnh giữa một màn dày đến ngạt thở những thiên hà sắp đến ngày tàn rồi. Cái thế giới thu nhỏ của khu Sentier, cái thế giới thu nhỏ của chính cuộc đời anh được hưởng, mà ai nấy không hề biết, một thời hạn đáng ngại và bấp bênh: thời hạn của một bản án tử hinh tạm thời được hoãn. Trong căn phòng bé tí của anh ở phố Poissonnière — đua tài với mấy ông thầy tu tiên tri đang điển chế cái biết của thời đại họ từ đầu thiên niên kỷ của chúng ta —, anh chàng sao chép cho xen kẽ những thư tình và những lời yêu đương viết cho Agnès, Katie, Magdalen hay cho hai cô song sinh nhỏ bé với những lời cảnh báo giấu tên gửi đến nhiều tờ báo khác nhau như bao nhiêu những bản viết tay nhét trong chai mà một nạn nhân bị đắm tàu ném ra giữa biển. Trong tình trạng dửng dưng mà cuộc sống bên lề do anh tự ý chọn ban cho anh, bằng những câu chuyện buồn cười và những nhận xét châm biếm, anh cố gắng làm cho đỡ buốt cái tính cách bất hồi giá lạnh của trận đại hồng thuỷ đã được báo hiệu.

 

_________________________

[1]Trong bản Pháp ngữ: méphistophélique — gợi nhớ đến Méphistophélès, là tên một nhân vật quỷ trong truyền thuyết Faust.

 

----------------
“Dưới bóng Vladimir Ilitch” và “Trên hòn đảo vắng của chàng” dịch từ các chương “A l’ombre de Vladimir Ilitch” và “Sur son ile déserte” (bản tiếng Pháp của Aline Schulman) trong Juan Goytisolo, Paysages après la bataille (Paris: Fayard, 1985). Nhan đề của nguyên tác tiếng Tây-ban-nha của cuốn tiểu thuyết này là Paisajes después de la batalla.

 

Những tác phẩm khác của Juan Goytisolo đã đăng trên Tiền Vệ:

Thưa ông chủ nhiệm: nếu tôi dám cầm cây viết lên và gửi những dòng vụng về nhưng thành thật này cho mục thư bạn đọc của tờ báo mà ông là vị chủ nhiệm lỗi lạc, ấy là nhân danh những truyền thống và lý tưởng của chủ nghĩa tự do, của sự khoan dung và hiếu khách làm nên những nền tảng xã hội của đất nước chúng ta... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
... Anh nhận một thư mời trình diện của Sở Cảnh Sát: một tờ giấy in hình chữ nhật trên đó có tên họ anh và địa chỉ anh cũng như ngày và giờ ghi rõ ràng anh phải có mặt trước ông cò. Anh hoàn toàn không biết lý do cuộc hội kiến và, trong khi bước quanh co qua các hành lang và cầu thang dẫn đến văn phòng ông... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tội ác ở nhà ga Chamartín  (truyện / tuỳ bút) 
... Đi từ ga Atocha đến ga Chamartín, xem bảng ghi giờ khởi hành của các chuyến xe lửa đi Barcelona, mua một cái vé, ngái ngủ bước những bước lạc lõng loanh quanh căn phòng và nhẹ nhõm khi khám phá ra một dãy ghế có thể đặt lưng xuống. Cô đơn, vô định, buồn bã, mệt, ngủ, rồi ngủ say. Abdellah Arrouch không biết, hay giả vờ không biết, là khi nằm dài trên ghế ngồi mà không bỏ giày ra... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021