thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Mỵ Châu” [3]

 

Lời toà soạn:
“Mỵ Châu” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau chương “Tiên Dung” và trước các chương “Âu Cơ” và “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Mỵ Châu” [1][2]

 

Ngày... tháng...

Quyết định cắt liệng buồng trứng giờ mới thấy là đúng. Tự do, chẳng còn lo sợ, hồi hộp. Kệ tía nó, hai con rồi, trai gái đủ cặp, đẻ thêm chỉ tổ tốn tiền, đau đớn, khỏi đi làm luôn. Đẻ đau khiếp trăm mà nuôi khiếp ngàn. Nhìn con Tiên trước mắt thì biết, sợ xanh mặt, tóc gáy dựng đứng. Ngày nào lên giường ngủ mà không có chuyện vì nó là thở phào nhẹ nhõm. Sợ nhất là nó dính cái bầu, đi đoong đời con gái. Không lẽ mẹ phá thai giờ đến phiên con. Nói cho nó nghe mà nó cứ I know I know I am not stupid, mom. Thôi con ơi, khôn ba năm dại vài phút. Có thân thì liệu mà giữ. Giờ mới thấm thía cái tấm lòng má mình mấy chục năm trước.

 

11:30 p.m.

Trời trở lạnh, ghé chợ Safeway rồi đến nhà Thông, giờ mới về. Nhà hết sữa, bánh mì, giấy đi cầu. Khi đi ngang hàng rượu, mình dừng một đỗi, những chai rượu màu vàng đậm, trong veo xếp đều trên kệ, nghĩ tới Thông, muốn mua cho ảnh một chai mà giá đắt hơn nhiều so với chợ Việt Nam. Thôi để bữa khác, mình không muốn ảnh uống nhiều, sợ hại sức khoẻ, nhưng lại hay mua rượu cho ảnh. Không muốn ảnh hút thuốc lá mà lại hay mua, như người sợ ma mà cứ thích coi phim ma. Ngày nào tiền tip hậu hĩnh là bay vào tiền thuốc lá, bia, rượu phần cho ảnh, mà lòng mình mừng rơn.

Ảnh ở trong khu chung cư nghèo mạt trên đường Story. Toàn là Mễ. Cộng đồng Mễ. Làng Mễ. Gia đình nào cũng chật cứng vì con, mạt vì con, ngóc đầu không lên được là vì con. Lác đác vài gia đình Cam Bốt, Lào, cả Việt Nam nữa. Mà lạ thật, ban ngày ồn ào náo động chát chúa bao nhiêu, ban đêm yên tĩnh đìu hiu buồn bã bấy nhiêu. “Nhờ vậy mà anh còn ở đây đến ngày hôm nay,” ảnh nói, trong apartment một phòng, căn cuối, dãy cuối. Mình ghét thậm tệ cái màu đèn vàng tù mù èo uột một cách bịnh hoạn treo trên lối leo lên hành lang dẫn vào phòng ảnh. “Y như vô nhà tù, tu viện hay nghĩa địa. Cả ba nơi đều làm tóc gáy em dựng đứng,” mình nói. “Anh ở đây riết rồi chẳng khác gì người chết hay sắp chết,” mình nói tiếp.

Ruột lòng gan phèo phổi tim thận mình đổ tuốt luột hết ra ngoài, lăn lóc như hột nước mưa trên tàn lá khoai lá dừa lá chuối lá môn. Còn ảnh, cái gì cũng đựng lại, cột kín, trùm ủ, bưng bít. Mặt ảnh lúc thì như bị táo bón, còn không thì trĩ đang hành. Cô đơn cô độc cô quạnh cô quả...

Người hướng nội, kẻ hướng ngoại, rõ như ban ngày, ban đêm.

 

Ngày... tháng...

Cả ngày nay điện thoại gọi đến kiếm con Tiên ơi ới, cứ năm ba phút là điện thoại reo, chẳng khác nhà thầu xuất nhập cảng, khách gọi mua hàng bốc hàng dở hàng. Nó đi thì thôi, về tới nhà là ôm cứng điện thoại, còn không thì tán dóc với mấy đứa bạn trên internet. Khi nãy thấy nó cầm cái điện thoại cầm tay, hỏi đâu ra, nó liền chu mỏ nói của nó, mới mua, mình hỏi tới sao cứ ngồi trước computer cả ngày vậy, cái miệng nó lia lia “homework, homework, homework.” Chịu, ngước nhìn con to cao hơn mình gần cái đầu, mặt mày câng câng. Tiếng Mỹ nó nói mình bắt không kịp. Internet mở, tắt làm sao mình cũng đách biết. Mình ngu dốt, chậm lụt như con bò tót. Mình sốt ruột quá, bắt đầu ớn, sợ, ngửi hít thân thể nó có mùi gì là lạ, hay mình bị ám ảnh hở trời? Lỡ nó dính cái bầu thì sao? Đời mình đã không ra cái chó gì rồi, đĩ không ra đĩ, má không ra má. Tiền tháng nào xào sạch tháng đó. Bao lâu rồi mình mới mua được cái áo mình thích? Mua toàn đồ sale 50% trở lên. Nó thì Bebe, Macy’s, Nordstrom... toàn đồ nhãn hiệu. Tuần trước nó đòi mua cho được đôi boot 90 đô. Tối qua nó ngắm nghía cái jacket ở Gap gần 120 đô. “Tao nhẵn tiền rồi.” Cái mặt nó sưng sỉa lên như cái mâm. Trong trường bạn bè mang cái gì là về nhà đòi cho bằng được cái đó. “Bằm tao ra mà đào tiền.” Mấy năm trước nó đâu tệ vậy. Biết giúp, hiểu má, chỉ mới trở chứng, đổ đốn cỡ gần năm nay. Trước kia mấy bà bạn, bà khách có con bắt đầu tuổi này than trời như bọng. Tóc chưa bạc bắt đầu bạc, bạc rồi thì nhanh qua đêm. Mình nghe tai này lọt tai kia, giờ mới thấm thía. Trước kia, mỗi khi nó làm mình điên tức, tát cho mấy cái là hả dạ. Giờ mà tát nó, không chừng nó tát lại. Mình đành dìm cơn nóng, chỉ biết khóc lóc, thở than với Thông, với Mây. Sợ than mãi ảnh nghe cũng chán. Nói mãi với Mây cũng ngại. Còn nói với ông già, ổng cũng rầu thúi ruột chẳng kém chi mình. Cả hai thấy rõ sự bất lực, tuyệt vọng của nhau qua ánh mắt, cử chỉ lúng ta lúng túng, làm như giấu diếm điều chi gian dối. Lắm lúc mình chỉ biết chửi thằng cha nó cho hả dạ, nhưng nghĩ lại phần lỗi cũng do mình, nông nổi, ngu đần, bạt mạng, ai nói gì cũng tin. Tại sao mình không giỏi giang khôn ngoan như những người đàn bà khác cho con cái được nhờ? Người ta cũng bỏ chồng, chồng bỏ, chồng chết, chồng bịnh, chồng tù tội... đủ mọi đoạn trường chông gai thử thách, có khi hoàn cảnh còn te tua hơn mình gấp trăm ngàn lần, nhưng sao con cái họ học hành giỏi giang, có nhà có cửa, xe cộ, cho con học đàn, chơi banh, học trường tư... còn mình chẳng ra con cặc gì cả. Mình cũng đầu tắt mặt tối, nhưng trời không cho cái đầu nhìn xa thấy rộng, học ít hiểu nhiều thì biết làm sao bây giờ. Học cái gì cũng không vô, mà vô thì lại mau quên. Muốn đi học thêm nghề cắt tóc, bị tóc thì ai cũng phải cắt, còn móng tay thì chỉ người nào thích làm đẹp, dư tiền, xí xọn mới làm. Nghề móng tay giờ lấy xe vận tải hốt đổ không hết. Dự định thì dễ, thực hành sao khó quá! Phải chi có chồng phụ cho một tay thì đỡ biết mấy. Có bà khách hôm trước nói một câu chẳng biết tự than thân trách phận hay ngậm ngùi thương xót cho mình, “Tui đây li dị chồng từ năm băm bảy tuổi. Từ đó đến nay, bất cứ lúc nào tui cũng rập tâm dõi mắt kiếm chồng, mà cô biết không, chẳng có ma nào muốn lấy mình cả, mà mình cũng chẳng vừa ý ma nào. Thằng đàn ông nào ngó mình cũng ngó kiếm luôn cái giường để đè mình. Đã vậy, lỡ để hắn ngó thấy mấy đứa con của mình trước thì thôi rồi... à ơi good bye, chuồn lẹ. Ôi thôi trăm ngàn lý do kì đà cản mũi. Cuối cùng, chỉ có cái giường của mình, đêm đêm nằm xoải chân xoải tay, có lúc thoải mái, có lúc lạnh lẽo là được nhất. Giờ tui đúng sáu mươi tuổi, tui đành bó tay, chịu thua, bỏ qua chuyện kiếm chồng. Tuổi cô, còn chơi được cứ chơi xả láng. Tội gì! Coi tui đây nè, suối tình cạn khô, lỗ liếc gì lâu ngày không thông giờ chắc cũng bị lấp kín mẹ nó rồi...”

 

Ngày... tháng...

Tổ sư nó, làm đã phờ người ra rồi mà cha con cứ canh giành giựt khách nhau. Con mẹ Liên thiệt là đồ mất dạy, chơi xỏ mình, tưởng mình ngu không biết, đã nghỉ làm rồi mà còn hớt tay trên, chủ kì này cũng bị dính theo. Nó đi ôm theo lô khách, chôm luôn cuốn sổ điện thoại khách gọi hẹn. Nó chuẩn bị cả hơn tháng nay, hèn gì giờ nhớ lại, cặp mắt gian thần tháu cáy của nó lia qua lia lại lạnh ớn xương sống. Mấy ngày nay tiệm ế ẩm. Học trò trở lại trường, phải sắm sửa giấy bút áo quần cho con, mấy má cũng bớt đỏng đảnh làm đẹp. Kiểu này chắc mình phải đổi nghề quá! Trở lại làm assembler lần nữa thử xem sao. Đã từng làm gần hai năm ớn hơn ăn nếp nát. Ngồi căng mắt ngó mấy cái bo lớn hơn mấy hột sỏi, rồi đứng chạy máy muốn long cả hai đầu gối. Cái dây điện mỏng hơn sợi cước chạy ngang chạy dọc, hết hàn, chấm, rồi xì riết mắt mình đã yếu sẵn, tối về soi gương, thấy hai tròng biến thành bốn tròng, chỉ vài năm nữa là đui luôn. Đã vậy làm hãng nào cứ vài ba tháng là manager lịch sự mời vào văn phòng phát cho cái check cuối, nói lời cám ơn với điệu bộ hết sức nhã nhặn, thông cảm cho mình và hiểu cho hãng. Cái số mình không thọ lâu với hãng điện tử, kị đạn thì đúng hơn. Giờ coi bộ nghề móng tay cũng bấp bênh chẳng khác kiếm ghe vượt biển. Tương lai rồi sẽ ra sao? Không lẽ 60 tuổi đầu còn ngồi cong lưng cạy, sơn, gắn, thoa bóp tay chân thiên hạ! Lúc đó mình, tay run mắt mờ, nói năng lẩm cẩm, chắc chẳng ma nào dám tới. Nghề này như ăn xổi ở thì, được ngày nào hay ngày đó. Sống sao mệt quá! Kiếm được đồng tiền chảy máu mắt chứ chẳng giỡn chơi. Mình bị suyễn trở lại, ngửi mấy cái mùi thuốc móng tay riết rồi bị ung thư thì bỏ mẹ, lại không có bảo hiểm sức khoẻ. Tuần nào cũng mua mười đồng vé số mà chẳng trúng. Thông cũng mua cho mình năm đồng cầu may, “Mua giấc mộng triệu phú chỉ tốn năm đồng bạc, rẻ chán em ạ!” ảnh giễu. “Mà đừng như cô bé đội trứng vịt lộn đi bán, tưởng trúng... mối. Vịt má vịt con chạy đầy sân, rượt đuổi theo bầy vịt đổ toi rổ trứng.” Anh vừa nói vừa cười, trông thương thiệt thương.

 

Ngày... tháng...

Ông già lại lục đục suốt đêm, chắc bụng đau hay sao mà vô ra nhà cầu miết. Mấy lần mình định ra hỏi ổng có sao không, mà không dám, bởi nếu mình hỏi, ổng sẽ ngại vì đã đánh thức mình. Ở với ổng dẫu chưa lâu nhưng riết mình rành tính nết ổng quá, cái gì cũng sợ, ngại, phiền, mất lòng người khác, không muốn để ai nói. Lòng tự trọng quá cao. Mình đâm lo, ngủ không được theo ổng. Ổng ngồi trong nhà cầu càng lâu mình càng hồi hộp, sợ ổng gục trong đó thì bỏ mẹ. Mà mình có ra hỏi ổng, ổng cũng sẽ trả lời, “không sao, ba không sao cả.” Hoặc, “ba chỉ rêm bụng một chút thôi, con đi ngủ đi.” Hai cha con mà tính tình khác nhau một trời một vực. Cha mẹ sanh con trời sanh tánh. Ông cha tế nhị biết điều bao nhiêu thì thằng con trời đánh thánh vật bấy nhiêu. Cả đêm mình nằm loay hoay đếm bao nhiêu lần ông vô ra nhà cầu mà không dám giựt bồn cầu. Sáng sớm tuột xuống giường là một cực hình, đã vậy, lò đầu ra khỏi phòng thấy ổng pha ấm trà ngồi sẵn ở bàn ăn, coi lại bài tập cho thằng Lô. Mặt ổng xanh rờn như tàu lá chuối. Mọi hôm thấy ổng đã già, sáng nay thấy già bạo. “Ba bệnh hả ba?” mình hỏi. “Ừ, bụng ba hơi rêm một chút, nhưng chắc chẳng sao,” ông trả lời. “Sáng nay ba ở nhà nghỉ để con đưa thằng Lô đi học.” “Không sao, ba đưa được.” Dạo sau này ổng yếu hẳn. Bệnh sốt rét, vàng da, loét bao tử, nặng nề nhất là căn bịnh ung thư bọng đái, hậu quả 9 năm tù cải tạo làm mục ông từ thể xác tới tinh thần.

Niềm vui của ông giờ đây là gặp lại vài ba người bạn lính thời trước 75, rôm rả chuyện trên trời dưới đất, vạch trần tội ác Cộng Sản, chửi lính Cộng Hoà hèn yếu, chính phủ Mỹ phản bội... Mỗi lần mấy ông bạn già tới chơi là mình lỉnh vào phòng để mấy ổng tự do thoải mái uống trà, rung đùi bàn chuyện phục quốc, khen chê xã hội Mỹ, buồn vui theo cộng đồng tị nạn... dựa theo tin trên đài phát thanh Đoan Trang, Mai Hân, Đỗ Vẫn Trọn, Việt Dzũng, Lê Thanh Tùng, Mây Lan.... Báo chí thì Thời Báo, Người Việt Tự Do, Việt Nam, Diễn Đàn Tị Nạn, Việt Mercury.... Thôi thì đông tây kim cổ, năm châu bốn bể, trong nước ngoài nước... do mấy lão lãnh tiền già, trợ cấp tàn tật, sống nhờ con cái ngồi bàn thấu đáo tận tường. Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh lúc hấp hối trối trăn chỉ cầu mong có miếng đất dài cỡ hơn thước rưỡi bên nhà để nằm yên nghỉ. Mình nghĩ bộ hai chả quên mất là hai chả đã từng có thời làm chủ luôn một nửa “đất” Việt Nam hay sao?

Mấy ông lớn tuổi thích về Cali ở có lẽ là vì vậy. Nơi tụ họp đủ loại bạn bè: thời đi học, thời lính chiến, thời cải tạo, giờ là bạn già xa xứ. Già thường sống nhiều với quá khứ. Khí hậu nơi đây quanh năm lại ấm áp, vây quanh bởi cộng đồng người Việt, thức ăn chẳng thiếu món gì. Lại muốn đi nhà thờ nhà thánh nghe cha giảng kinh tiếng Việt cũng có, mà chết muốn sư sãi đến tụng kinh niệm nam mô Phật đúng ngày giờ là có ngay. Nghĩ cũng tội ông già, đúng là kiếp con rệp. Thời trẻ thì chiến tranh, bị đi lính. Đi lính là lao vào ngõ tử, ngửi mùi đạn bom. Trung niên thì… thời bình, nhưng ổng lại bị đi tù cải tạo mút chỉ, xa vợ xa con, đói khát. Tuổi già thì bị sống xa Việt Nam, lại bịnh hoạn. Ổng như người sống sót chứ chẳng phải sống. Vợ chết, con cái chẳng đứa nào ngó ngàng, giờ lại sống trên đất lạ xứ người, nghe Mỹ hỏi là ú ớ, run như gặp kẻ cướp. Sống được ngày nào hay ngày đó, không chừng ổng sống với mình đến ngày chết. Không lẽ mình lo chuyện chôn cất ma chay cho ổng luôn sao?

 

Ngày... tháng...

Ghé tiệm Aays Rents and Sells, chuyên bán dụng cụ cho người bệnh trên đường Santa Clara mua thùng tã lót cho ông già, tốn gần 60 đô. Ngày trước tốn tiền tã cho con, giờ tốn tiền tã cho ông già... chồng bỏ. Thứ tã quỷ quái gì mà đắt thấy mồ tổ. Ổng biết, nên xài rất tằn tiện, nghĩ thiệt thương ổng. Sáng nay ổng đi tái khám, cầu mong ông đỡ, không phải bị hàn xì cắt khâu như hồi đầu năm ngoái.

Cu ổng cứ rỉ rả nước tiểu máu mủ tinh khí. Nghĩ buồn cười, phải chi cắt cha nó hai hòn dái phải đỡ hơn không? khỏi bị rỏ dãi, như mấy cha thái giám tuyển vào cung vua ngày trước, nhìn đàn bà con gái như nhìn cục đất cục đá ngọn cây cọng cỏ trước cửa nhà. Ổng nói bác sĩ chỉ cắt cái lò xo xoắn thoát nước tiểu, danh từ y tế hình như gọi là tuyến liệt thì phải. Ông diễn tả mình nghe như vịt nghe sấm, như tiếng Ả Rập, chỉ biết ái ngại, xót xa, nể phục, thương ổng hơn. Ổng tự lo liệu tất cả, không hề than vãn hay để mình nhúng tay vào. Người tự trọng tự giác tự ái vậy là cùng đường. Nhìn ổng, đố ai biết ổng bị bịnh. Cũng may cho ổng, khi đi khám định kỳ, bác sĩ thò tay từ hậu môn, thúc quậy xem xét sao đó nghi ông già có cái “hột đậu đỏ” nằm chấn ngang bọng đái, vậy là gửi đi thử máu, soi rọi chụp hình. Cuối cùng cho ổng biết là bị ung thư bọng đái. Mình nghe, lo sốt vó hơn ổng. Ổng tỏ vẻ điềm đạm, bình tĩnh, vẫn đón đưa thằng Lô đi học mỗi ngày, vẫn dọn nhà gấp quần áo như không có chuyện gì ghê gớm xảy ra. “Sống chết có số cả con ạ,” ổng nói. Mình ứa nước mắt. Ổng quay mặt. “Bác sĩ bảo may mà ba phát hiện sớm, sống ít nhất cũng được năm năm, mà dài cũng phải trên mười năm, thế là dư lắm rồi.” Đôi lúc mình thấy ông ngồi thừ, mặt tư lự, như người mất trí, mất hồn. Tuyệt đối không bao giờ nghe ổng thở dài, hay than van, cau có, chửi rủa, oán trời, than đất. Từ đó đến nay, sau cuộc giải phẫu cách đây gần hai năm, cộng thêm “hàn xì” lại ba lần, ổng đi nhà thương “thí” Bascom mỗi tháng một lần, đều đặn như mình có kinh. Bác sĩ theo dõi bịnh tình tăng giảm, hỏi chừng ông như mỗi ngày thay mấy cái tã, đi đái mấy lần. Thằng con trời đánh thánh vật vẫn biệt tăm. Đứa con gái rượu ở tận Úc chưa một lần qua thăm. Nghe bà cô gọi sang mách nó đã bỏ chồng nhưng không bỏ nghề massage. Mình hỏi ổng có định đi thăm con gái không, ổng im lặng một đỗi, rồi nói: “Ừ, cứ từ từ, thư thả đã.” Mình thì lúc nào cũng như ngồi trên lò lửa, ưng gì là làm ngay, sợ nhất là phải đợi chờ hay bị cấm cản.

 

Ngày... tháng...

Khi chiều chở con Tiên đi khám răng. Nó nhìn mình, nói tỉnh bơ: “Má đi nha sĩ mà bận đồ như đi kiếm đàn ông.” Mình nổi nóng, máu dồn lên tận mang tai: “Mày nói gì? Mày nói tao là con đĩ phải không?”

Trước kia, con Tiên thường nhăn mặt vì lối bận quần bận áo của mình. Nghĩ giống mấy con mụ nhà quê, kệch cỡm, rẻ tiền. Không tân thời, kiểu cách, sang trọng, quý phái, ngon lành như má của mấy đứa bạn trong trường. Sau này, mình nhận ra điều khác nữa, là nó khó chịu quần áo cũn cỡn màu mè sặc sỡ mình ưa thích. Phải công nhận cái gu áo quần của mình khác với những người mình quen biết. Ưa bận áo trắng đeo xú chiêng đen, áo đen chơi xu chiêng trắng, ngược đời, hay hay lạ lạ dù biết là kì quặc, lập dị, khó coi. Mình thích chọn kiểu áo hở rốn, nhiều lỗ, váy ngắn cũn dù biết đùi tong teo, nhiều sẹo. “Em có đẹp không?” mỗi lần bận cái áo đầm mới, mình lại đứng ngay trước mặt Thông, xoay một vòng, hỏi, và biết chắc mẩm anh sẽ trả lời: “Ừ, đẹp, đẹp, em đẹp lắm!” “Đẹp, đẹp, đẹp, đụ, đĩ, đượi đéo đã đời... đều điệp.” Mình nói cho một hơi.

 

Ngày... tháng...

Sáng nay nghỉ làm rủ Mây đi coi bói. Con nhỏ chắc đang chán đời, “Ừ, đi thì đi.” Mình đi vì lòng tin, ước mong, khẩn cầu, hi vọng. Còn Mây, đi vì mình rủ. Mấy lần trước rủ đi, Mây chiều mình, đến nơi chỉ ngồi phòng ngoài. “Bà để tiền bao tui đi ăn còn có ơn ích hơn, cả hai đều chắc bụng, rồi bà muốn nghe, tui nói cho bà nghe. Mấy mụ thầy bói biết bà rõ chắc gì bằng tui.” Nó nói cũng có lý. Cái tật mê đi coi bói của mình, cần một chút tỉnh táo, hay người chỉ có 1/4 khối óc cũng biết là tầm phào, tào lao nhưng sao mà khó bỏ quá sức! Thông cũng hay cười mình vì cái thói tật này. Mình tự an ủi: bỏ tiền mua sự nhẹ dạ, cả tin, yếu đuối, trấn an lòng bằng cái giá rẻ hơn đi bác sĩ tâm lý, tốn gấp năm gấp mười lần.

Nhà bà thầy bói nằm trên đường Cone, góc King và Story, sau lưng chợ Big K-Mart. Bà nói giọng Nam pha Trung nhanh, gọn nhưng thân mật. Con Trinh giới thiệu, nó cũng giống mình, kiếm được tờ Thằng Mõ, Triều Thành là chúi mũi đọc mục Gỡ Rối Tơ Lòng, sang trang Tử Vi, rồi dừng lại Tìm Bạn Bốn Phương. Mình thuộc gần hết địa chỉ số phone của mấy ông bà thầy bói trong vùng. Mặt bà nào cũng đúc một khuôn, như mấy bà sửa sắc đẹp cùng bác sĩ. Trét phấn son cứ như mua được giá hạ 75%. Bà ngồi trên cái ghế đẩu sát bàn vuông nhỏ, thấp, sau lưng bày biện đủ thứ hầm bà lằng. Từ giây đèn điện, hoa ni lông đủ màu đủ kiểu to tổ chảng, đến các loại tượng Phật, từ liu điu như ngón út thằng Lô đến to như tướng thằng Lô lên năm tuổi. Từ Phật Tây Tạng sang Phật Tàu Ấn Độ Mỹ Nhật Bản Việt Nam In Đô Thái Lan... chỉ thiếu Phật Mễ. Mây ngồi trong phòng bếp, mắt ngó vườn sau, nhưng mình biết nó đang lắng nghe bà thầy bói nói gì. Bà chìa bộ bài ra lệnh mình chia, kinh, rồi chọn. Bà trải bài thành thạo như mấy tay chia bài nhà nghề ở sòng bạc Las Vegas. Bà bắt đầu nói, giọng chậm rãi, trịnh trọng hơn khi nãy, mặt cũng chẳng kém. “Em đang có người theo bám, tuổi nhỏ hơn em... đã chết... chết oan ức, chết tức tưởi... Em phải cúng giỗ... cầu xin phù trợ để em được yên thân.” Trong đầu mình chợt hiện ra hình ảnh thằng Khôi, thua mình hai tuổi, ở sát sau nhà, mấy lần nó định đè mình, may sức mình khoẻ, họng mình to, nó sợ vụt chạy mất. Nó đi vượt biên bị ghe lật, không chừa một mạng. Nhớ trước khi đi, thằng Khôi lấp ló từ biệt mình ở kẹt cửa bếp, hai mắt nó buồn thỉu buồn thiu. Mình hứa với bà thầy bói là sẽ về cúng giỗ cho nó. Mua cúc vàng, kẹo bánh, trái cây, nấu nồi chè thưng. Bà nói vài tháng nữa thì hạn mình sẽ đỡ. Rồi bà bắt đầu quay qua nói lung tung khi nhìn kỹ mặt mình, khuyên nên đi sửa mũi. “Hai lỗ mũi em hếch như vầy thì không cách chi giữ được tiền, nghèo khó vất vả cả đời.” Bà chìa business card giới thiệu quảng cáo bác sĩ Nguyễn Lang nổi tiếng khéo tay, sửa đẹp tự nhiên, giá rẻ nhất vùng. Mình ngồi chăm chú nghe tiếng bà và cả tiếng chân ghế lẫn guốc khua của Mây trong bếp. “Vậy sửa cái gì thì giữ được đàn ông?” mình nghĩ thầm, rồi cười, chắc bà chẳng hiểu cái cười bất chợt của mình. Bà đang nói, giảng giải, chỉ dạy, phán... Mình trả lời, lắng nghe, hỏi... chợt chuông điện thoại reo to, bà vội chụp, y như con Tiên ở nhà. Bà vừa nghe, vừa thở hổn hển, hai gò ngực bự phập phồng sau lớp len mỏng tím mồng tơi bó sát. “Ừ, ừ, ông giữ phần tui một đĩa, tí xíu tui tới nhậu. Ừ, tui tới mà... thiệt mà… tiết canh vịt thằng cha Hai Thồ mà đánh thì hết sẩy, khỏi chê, ừ... ừ tui tới liền tới liền...” Mình nghe, hoang mang thì ít, mà đôi guốc và chân ghế trong phòng bếp bắt đầu khua to hơn. Rồi Mây bước ra, đứng vòng tay tựa hông tủ bàn thờ., ngó. Bà thầy bói vẫn vô tư thiết tha bàn về buổi nhậu tiết canh vịt do tay Hai Thồ nào đó đánh mà thiếu bà bớt vui. Điện thoại ở đầu bên kia chuyền tay qua vài người khác, bà thầy bói miệng cứ líu lo, hứa chắc chắn là sẽ có mặt trong vòng mười lăm phút, dù khách đang còn ngồi chình ình trước mặt.

Vừa chui vô xe, Mây nói: “Bà tốn mất 20 đô cho 30 phút, mua được chút an tâm, thôi thì cũng được, chỉ thế thôi nhá, đừng nghe lời bà ấy xúi dại mà đi sửa mũi, cắt mắt, vá chim... Đời bà sao hay giao cho mấy ông bà thầy bói quyết định giùm hoài vậy?” Mình chỉ biết ngồi im lặng, đực mặt nhe răng cười trừ. Mây rủ lại quán Ngự Bình ăn bánh bèo, bánh nậm, bánh lá. Mình gọi bún bò Huế, khi nhìn miếng huyết heo lềnh bềnh trên mặt tô, nghĩ ngay tới đĩa tiết canh vịt trong trí óc thèm khát của bà thầy bói khi nãy.

 

[còn 3 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

... Soi gương thấy mặt mình bành nát ra như cái bánh tráng nhúng, phờ phạc, rệu rạo, không chút sức lực. Hai môi tím thâm, tóc dựng đứng, lỉa chỉa như cái chổi cào, xấu xí như con ma trơi. Mình vừa sợ vừa chán cả mình, bẩn thỉu dơ dáy như con đĩ già hết thời, cạn nước, mà mình là con đĩ chứ còn gì nữa... (...)
 
... Dạo này mình hay có cảm giác như đang bay trên mặt đất. Không được bay bổng như chim, mà la đà nghiêng ngả, mất thăng bằng. Cảm giác kì quặc bám lấy mình nhiều giờ trong ngày... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021