thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Mỵ Châu” [5]

 

Lời toà soạn:
“Mỵ Châu” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau chương “Tiên Dung” và trước các chương “Âu Cơ” và “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Mỵ Châu” [1][2][3][4]

 

Ngày... tháng...

Vừa đi ăn tối với Mây về. Mây đưa mình vào tiệm Ý. Ngồi nhìn Mây ăn món spaghetti ngon lành, còn mình thì ráng nhá mà chỉ vơi được góc đĩa, xin cái hộp đem về cho thằng Lô. Tối nay mình thao thao bất tuyệt về tình yêu, đề tài muôn thuở. Mây có vẻ buồn buồn trên đường về. Mấy lần mình định hỏi nhưng ngại ngần làm sao. Mình không rõ cái tình mình dành cho Mây thế nào, vừa thương vừa nể, nói sợ cũng không ngoa. Mình lo lắng một ngày nào đó Mây rời khỏi thành phố này quá. Ở Mây có cái gì đó, vừa thông minh, sâu sắc, giỏi giang, nhưng cách sống lại cực kỳ đơn giản, cư xử có tình có ý có lòng. “Ở đâu khó ở đó có Mây.” Hiếm khi nghe Mây than van, trách móc. Thường thì Mây mềm mại, duyên dáng, nhưng khi cần cứng rắn, nghiêm nghị thì chẳng thua gì mấy bà xơ trường nữ hay ông giám thị trường công. “Tui mà là đàn ông là tui tán bà ngay,” mình nói nửa đùa nửa thật, ai đó nghe muốn nghĩ sao nghĩ. Có một lần mình nằm mơ được ôm Mây, hôn tràn khắp thân thể Mây. Da dẻ Mây mịn mướt, mũi Mây ướt át như mũi mèo. Tóc Mây mềm thật mềm cứ mọc dài mọc dài lan tới tận chân tường. Mình kẹp cổ Mây giữa hai đùi, rồi siết chặt, cảm giác sướng ran như hồi lên năm lên bảy ngồi kẹp thành giường lắc rung người như cưỡi ngựa, hay lên chín lên mười thường trốn bà già ra bãi đất hoang gần nhà ngồi kẹp thanh súng đại bác của Mỹ thời chiến tranh sót lại. Thanh sắt to, cứng, nóng hổi vì phơi nắng. Mình vừa kẹp vừa rung vừa ghì vừa lắc, chẳng sợ ai dòm ngó. Sướng còn hơn đéo đụ bọn đàn ông con trai sau này. Có lần mình mơ nghe tiếng Mây cười to, giọng tươi vui của kẻ tràn trề hạnh phúc. Giấc mơ ngắn ngủi, tầm thường, nhưng mình giấu kín không dám kể lại Mây nghe.

Trong bữa ăn tối Mây nói về cuốn phim Mây xem tuần trước. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng hoàn toàn không có sex. Mình tròn mắt hỏi sao lạ lùng vậy, Mây trả lời vì hai người đang làm chung sở, đã có gia đình. Vợ chồng của hai người đã từng vướng vào vòng ngoại tình, giờ đây họ không muốn trả thù bằng cách lặp lại sự phản bội. Mình nghe, hiểu không sâu, nhưng nghĩ cũng có lý, bởi mình yêu Thông cũng tha thiết, cần thiết nữa là khác, mà hai đứa có xéc xiếc gì đâu. Một buổi sáng nào đó thức dậy, Thông chợt biến mất trên cõi đời này chắc mình chơ vơ lắm lắm!!! Mình sẽ khổ đau vì sự mất mát này biết dường bao. Như chết, thì ai cũng phải chết thôi, nhưng nghĩ tới một ngày không thấy được người mình thương nữa mới là dễ sợ. Mình đâm nghĩ ngợi vẩn vơ, Mây nhìn mình đùa, “Gì chứ yêu mà bà không hiểu không biết không rõ thì tui nghi ngờ quá!” “Tại lâu nay tui nghĩ đơn giản là hai người yêu nhau thì phải ham đụ, nếu không thì chỉ là bạn bè, anh em, cha con, chú cháu, thầy trò...” “Thế đàn ông lên cơn đi tìm gái đứng đường cũng cần phải rung động yêu thương thì cu mới nứng được à!” Mây nói.

 

Ngày... tháng...

Phiếu điểm nhà trường con Tiên gửi về, ba con F, hai con D, một con C-. Bất lực, tuyệt vọng cùng cực, chẳng biết phải làm sao, khóc hết nổi, la mắng không xong, nhào vô đấm đánh đá nó một trận cũng không được. Nó đi đâu từ đêm qua, mình như người ngồi trên lò lửa, muốn chạy ra mấy chỗ nó thường lui tới chơi bowling nhưng Mây đề nghị để Mây đi, sợ mình ra đó làm ầm ĩ con Tiên quê với bạn. Mình lôi phim bộ ra coi trong khi chờ đợi mà không vô, gọi phone cho Thông, anh không có nhà, ông già đưa thằng Lô qua nhà ông Trí ăn giỗ từ chiều. Mình đang có kinh, ra òng ọc như heo bị thọc huyết. Mây nói đi thay quần đi, trông bẩn thỉu bê bối quá. Mình soi gương, thiệt y như con mẹ điên, trợn trừng hai mắt, há rộng họng, hỉnh mũi, tự làm hề như hồi lên bảy lên mười, thử coi mình xấu xí đến cỡ nào.

May có ông già phụ mình chăm sóc thằng Lô sau giờ học cũng đỡ. Con Tiên không được cái may mắn đó. Thằng cha nó giờ chắc đang còn hú hí với con mẹ nào??? Con cái hư, lỗi lớn do cha mẹ. Con Tiên không biết gì về thằng cha của nó cả. “Ba con là ai? đang ở đâu? làm gi?” nó giờ hết thắc mắc, lì trơ rồi. Mình cũng chẳng còn nhắc. Trước kia, mỗi lần đánh con, cứ tưởng như đánh được thằng cha nó. Chửi nó mà cứ như chửi thằng cha nó. Chửi đánh hả hê, sung sướng đã đời làm sao! Mấy lần suýt bị mất con, cô giáo ở trường thấy vết bầm báo cảnh sát tới nhà lập biên bản, về sau mình sợ quá mà phải chừa. Thỉnh thoảng có lên cơn, chỉ dám đay nghiến hay tát nó mấy cái là cùng.

Hồi trước con Tiên đi học về là đóng cửa ở nhà một mình. Nó tự biên tự diễn tự lo liệu, chẳng ai ngó ngàng, cứ mì gói tọng vào, còn không thì bánh mì nướng quẹt peanut butter và jam, chắc vậy mà giờ nó than nước da không được mịn mướt láng lẩy như mấy đứa bạn. Nó mở miệng than là mình nhảy cẫng lên như đạp phải cứt, “Cứ thuốc lá rít vào, thức cho thật khuya, ôm điện thoại là hai năm nữa sẽ y như con đĩ già cạn nước đứng đường.” Má con trao đổi một lát là thành động đất Cali, núi lửa Hawaii, lụt lội Huế. Mình biết đó là điểm dở mà không sao kiềm chế được. Nhiều lần tự nhủ là sẽ, nên, phải ngọt ngào, dịu dàng, kiên nhẫn với con Tiên mà không thực hành được. Mình không làm được thì sao bắt con làm? Trước kia mình đâu đến nỗi tệ hại như vầy. Làm như càng ngày tính nết mình càng thay đổi. Hay mình sợ hãi, trốn chạy điều gì, rồi dùng con Tiên như là cái cớ?

Mình nói với Thông không chừng mình đổi nghề, kiếm việc assembler làm, như mọi người, đúng 5 giờ là về lo cơm nước trông coi con cái, không phải làm hai ngày cuối tuần. Thông ngồi im nghe, biết tính mình lúc hứng lên, hay đang tức giận, chán nản điều gì là nói ào ào, thế này thế nọ, xong sau đó vài phút rồi thôi. “Bắt em ngồi yên một chỗ, làm hoài một việc, từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ngày này sang ngày khác, được bao lâu? Chẳng bao giờ em ngồi nóng ghế. Em lúc nào cũng như con vụ, xoay tứ chiều, như con lật đật, không lúc nào yên. Chẳng nghề nào dễ dàng cả em ạ. Em tin anh đi. Nghề nào dễ mà kiếm được tiền nhiều hơn... chứ từ sơn giũa móng tay nhảy qua hàn xì mấy con chips thì cũng như xe Honda đời 78 đổi qua Toyota đời 79, không biết nằm đường lúc nào.” Thông nói.

 

Ngày... tháng...

Sáng nay bà khách Ấn Độ quen đến nhuộm tóc. Tóc bả đen nhánh muốn thành đen xanh, đen đậm, đen thui, đen đục. Giữa trán bả ịn cái triện son tròn vo đỏ chót y như vợ ông Ấn. Bà Ấn này chừng ngoài bốn mươi, dáng người sang trọng quý phái. Bà cười lộ hàm răng trắng đều, mình đoán chắc bà cũng biết đan vá may khâu nấu nướng làm bánh cắm hoa và thích thơ của ông Ta-go nào đó nổi tiếng bên Ấn Độ như Việt Nam mình có ông Nguyễn Du vậy.

Ra khỏi nhà bà mang giày, không xỏ dép như mấy ông Ấn Độ thường hay vô tiệm mình cắt tóc. Bận đồ thì ấm kín từ trên xuống dưới, mà lại thích đi dép lẹp xẹp vậy mới tức cười, nhìn không giống ai, y như người Việt Nam mới từ bên đảo sang. Thì ra người xứ nóng sang xứ lạnh đều giống nhau. Cổ tay bà thích đeo vòng vàng kêu leng keng như chó đeo lục lạc trong nhà. Mình cũng có một bộ vòng bằng vàng tây bảy cái chạm khắc bảy kiểu. Bà mang sari nhưng trông gọn gàng, dài chỉ ngang mắt cá chân nên đi đứng không vướng víu. Màu sari cũng nhu, không rực rỡ nhiều màu như vợ ông Ấn. Nhìn bà, lại nghĩ ngay tới vợ ông Ấn, biết giờ ra sao? Ở đâu? Còn hay khụt khịt mũi mỗi khi trở trời không? Còn mong có con nữa không? Cha mẹ sanh đẻ nuôi nấng khôn lớn, gả chồng phương xa, bởi vẫn giữ phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó như Việt Nam mình ngày trước. Lấy chồng ở xa nửa vòng trái đất, y hệt mình. Mình theo chồng đi Mỹ, còn bà qua Mỹ lấy chồng thì cũng rứa...rứa... Cả hai chẳng sống trọn vẹn được với chồng, như bom nổ chậm dù đã được tháo gỡ, nhưng có ngờ đâu đó là thứ bom xì bom thối bom không ga trời ạ!

 

Ngày... tháng...

Trời lành lạnh. Gió mùa thu thổi, lá vàng bay tá lả trong bầu trời buồn thỉu buồn thiu. Ông già đi khám bác sĩ xin thêm thuốc. Thằng Lô đi học. Khi nãy vào phòng con Tiên, nó bị cảm cúm hai ngày nay, hỏi con muốn ăn gì má nấu, nó nói muốn ăn xúp nui hầm thịt gà với rau đậu cà rốt khoai tây. Thấy con bé nằm bẹp dí trên giường, mình bỗng xót lòng rát dạ làm sao. Mình kể lại giấc mơ đêm qua cho nó nghe. Má nằm mơ má thấy con. Nó hỏi má thấy con làm sao. Trong giấc mơ má thấy con là người đàn bà 40 tuổi. Nó hỏi chỉ một mình con trong giấc mơ của má thôi hay còn ai nữa. Mình nói có, có ít nhất một người nữa. Đó là buổi sáng con vừa thức dậy, bên cạnh một người đàn ông. Người đàn ông đó là ai, nó hỏi. Người đàn ông má chưa hề gặp, mình trả lời.

Con nhỏ nằm quay mặt vào tường, thở phào một cái nhẹ nhõm. “Con sợ ở tuổi 40 thức dậy một mình như má bây giờ.”

Mình đi chợ, nhưng về đến nhà mới biết quên mua nui, vô phòng hỏi nó, nó bảo không sao, không có nui cũng được. Hỏi cho có, chứ mình cũng chạy ra lại chợ, mua bịch nui.

 

Ngày... tháng...

Nằm ngó đỉnh trần, cái đèn nhô ra, rồi thụt vào, rồi lại nhô ra, lại thụt vào... kì quái hết sức. Lan man nghĩ đủ điều trên trời dưới đất, chẳng chuyện gì ra chuyện gì, nối kết được gì. Ngộ nhất là cái gì mình làm cũng không dính được với ông Ấn, thằng Mễ, chỉ trừ có cái vụ đéo đụ. Không có cái vụ đéo đụ thì chưa chắc. Kể ra cái vụ đéo đụ cũng có sức mạnh kinh khiếp. Nó đeo cứng, dính chặt như nam châm hút, hoặc ma quái dị thường. Nó như mồi lửa đốt vào cánh đồng cỏ khô hạn hán mấy mùa. Cả hai đều bị khuất phục, đầu hàng vô điều kiện. Cũng qua cái vụ đéo đụ mà làm cho hai người không hiểu tiếng của nhau nhưng hiểu được lòng nhau, dù là không hiểu hết, nhưng cũng không thể nói là không hiểu. Bởi hiểu nên cứ cần nhau và không dứt được nhau.

Còn Thông và ông già và mình nói cùng thứ tiếng Việt, nhưng lại hiểu, cần nhau ở những phần khác. Vá víu vào những lỗ hổng trong lòng, xoa dịu hoặc bôi xoá những vết thương mà cả ba người đều biết không cách chi lành lặn. Hôm nay mình văn vẻ quá!

 

Ngày... tháng...

Trong ngày, mình cứ lặp đi lặp lại mãi một câu, “Anh đụ em một cái đi anh, em chổng mông cho anh chơi, anh làm cho em sướng thật sướng đi anh…” Mình nói trong khi lái xe, lặt rau, nấu cơm, đi chợ, quét nhà, đắp bột móng tay cho khách, trước giờ đi ngủ, sáng sớm súc miệng. Nói lẩm bẩm, lúc to lúc nhỏ lúc thầm thì trong cuống họng. Nói xong, tự thấy kỳ quặc, vô duyên, thậm chí bịnh hoạn. Một thói quen lâu ngày, từ nhiều năm nay. Mình không rõ nguyên do phát xuất từ đâu. Mình muốn bỏ, nhưng không được. Ban đầu chỉ nằm yên trong đầu, sau bật thành lời, giờ trở thành câu thần chú, lời cầu kinh mới chết cha mình chứ! Mỗi lần nói xong, có khi lờ đi, không nghĩ gì cả. Có khi tự hứa phải dừng, ngưng ngay. Nhưng thường nói xong, mình cảm thấy đã điếu làm sao! Cười vu vơ. Cũng may con Tiên thằng Lô chẳng hiểu má tụi nó lẩm bẩm điều chi. Mấy lần thằng Lô hỏi, “Má nói gì dzậy?” “Má hát,” mình bẽn lẽn. “Hát gì kỳ dzậy?” nó chưa tha. “Má hát nhạc Rap Việt Nam,” mình chống chế.

Phải nhất định bỏ cái câu “mất dạy” này mới được.

 

Ngày... tháng...

Tiệm hôm nay ế hơn mọi ngày. Trong khi ngóng khách, cả lũ ngồi đọc mấy tờ báo chợ. Một xấp giấy của ai để trước cửa tiệm bò bảy món Thăng Long, gió thổi bay búa xua. Bà Phụng ra lượm một tờ vô đọc cho cả lũ nghe. Thì ra thư nặc danh chửi bậy. Thứ ném đá giấu tay lâu lâu xuất hiện.

 

 

 

Bà khách gốc Chợ Lớn mình vẫn thường gọi thím Tư đến uốn tóc. Mỗi tháng thím ghé một lần, hôm nay mắc chứng gì mà thím ngồi tố khổ mấy đứa con quá chừng chừng. Thím có cả thảy bảy đứa: bốn gái ba trai. Con gái đầu kẹt lại Việt Nam, còn tất cả đều ở quanh quẩn thím, đều đã lập gia đình, chỉ cậu út là chưa. Thím than ở Mỹ buồn chán cô đơn quạnh quẽ. Mình nghĩ nhưng không dám nói thím biết là bộ chỉ người già như thím mới “độc quyền” buồn chán cô đơn quạnh quẽ thôi sao. Thím than mấy đứa con không lo lắng chăm sóc cha mẹ già. Thôi thì thím kể lể đủ điều đủ chuyện. Nào qua đây lạc lõng, vô dụng, chỉ đợi ngày chết. Con cái đi làm suốt ngày, không trò chuyện, thăm hỏi. Hàng xóm thì xa cách, nhà nào đóng cửa im ỉm nhà nấy. Thím kết tội con cái toàn là đồ bất hiếu. Thím nói đã một hơi rồi xách đít về. Thằng con trai út của thím ngồi chờ gần hai tiếng ngoài xe. Mình nghĩ rõ là bệnh của người già. Già rồi đâm lẩm cẩm, biến thành trẻ con, ưa vòi vĩnh giận hờn như trời nắng trời mưa, như má mình đang ở Việt Nam, mỗi lần gọi điện về là nghe bả than như bọng, lôi hết tội từng đứa con ra kể, chán chê mê mệt xong lôi bầy cháu ra kể tiếp. Kết luận cũng y chang như thím Tư là một lũ con cháu bất hiếu. Mình nghĩ, kiếm người thực sự bất hiếu không lo cho cha mẹ già mới là hiếm. Cứ nhìn quanh, trước phải trái sau, những người mình quen biết, cả thảy cùng một lòng một dạ lo cho mẹ cha. Mình thực tâm nghĩ: kiếm người con bất hiếu mới là khó. Thời buổi bây giờ tương đối đầy đủ. Qua rồi cái thời cha mẹ nhịn củ khoai cho bầy con ăn, hoặc thằng con nằm ủ mềm hơi ấm trước cho má già nằm, cởi áo nhường cho cha yếu... Tất cả đều xưa rồi Diễm ới ời!

 

Ngày... tháng...

Nhớ hồi nhỏ, đầu xóm mình ở có gia đình người Ấn Độ. Con nít ê a gọi chà và, thổi rắn quấn đầu người bốc mùi cà ri nị. Họ là niềm bí ẩn, gây sự tò mò, như muốn biết sau lớp vải đen bọc kín của mấy bà xơ tóc ngắn hay dài. Cũng lạ, đi tu Phật thì ni cô cạo trọc lóc, còn mấy ma xơ thì giấu tóc. Ai ngờ mấy chục năm sau, ở xứ Mỹ này, mình chỉ chực mút cu Ấn Độ. Giờ thì biết bao bao huyền thoại, bí ẩn, khó hiểu, thắc mắc hơn tóc mấy bà xơ nhiều. Đời sống đẩy đưa mình như hoa súng hay đám lục bình. Gió thổi tới đâu đẩy mình tới đó. Ngẫm nghĩ mà chán chường cho cái thân phận không ra gì của mình. Đúng là bọt bèo cỏ dại. Khi nào cũng tự an ủi là tạm thời, qua cơn mưa trời lại sáng, riết rồi giờ thây kệ. Mưa thì che dù, nắng thì đội mũ... tới đâu hay tới đó, mình có cướp của giết người đâu mà sợ.

Tối qua đi chơi khuya với thằng Mễ. Mò về, nhón chân đi khẽ khàng, sợ ông già dậy. Thằng Lô ngủ chèo queo trên xa lông phòng khách, bột sô cô la còn dính hai mép, chắc thằng nhỏ mong má. Mình dạy con Tiên, mà làm y như nó. Má thì phải làm gương, coi bộ gương này đã bể còn không thì mờ câm, chẳng thể soi đường dẫn lối ai được. Những lúc như vầy, mình hối hận áy náy một chút, nhưng qua ngày mai, ngủ dậy là quên tuốt luốt, cứ như con thiêu thân đâm đầu vào lửa. Mình chán ngán chính mình, ngán lắm, mắt quầng thâm, ngực bụng cổ hông bắt đầu có ngấn, có nọng. Con Tiên giục mình đi tập thể thao cho tươi tắn khoẻ mạnh, mà mình lưỡng lự lười biếng. Thông mua cho cái thẻ đi gym nguyên năm liệng đâu đó, tốn tiền vô ích. Phải tìm coi có cách nào, chứ tự mình chắc là không xong. Mình sợ thời gian trôi qua ngồi không một mình. Phim bộ dạo này bớt coi, điện thoại bớt gọi, sợ nhất là một mình, cứ phải bày ra cái này cái kia để lấp cái khoảng trống vô chừng đó.

 

Ngày... tháng...

Có lúc mình tò mò muốn hỏi Mây sao không lấy chồng sinh con như mọi người mà ngài ngại. Ở Mây có vẻ gì đó làm mình nể phục quá đâm sợ. Mình nghĩ tại mình chứ chẳng phải tại Mây. Không lẽ Mây cứ sống một mình như vậy hoài sao, đi về lủi thủi một mình, con người xinh đẹp giỏi giang tài hoa đáng yêu quá sức. Hay là Mây không cần đàn ông? Mây ít tâm sự đời riêng. Mây kín đáo, chẳng bù cho mình, mới cầm dao đã la hoảng đứt tay, mới thấy vé máy bay đã nghĩ ngay đang ở Việt Nam. Hay là Mây ô môi? Ừ mà nếu vậy thì đã sao, có người nói đó là bịnh, người nói không. Mà giả thử một ngày nào đó, mình khám phá ra Mây là ô môi thì mình vẫn thương quý Mây như bấy lâu nay. Thỉnh thoảng có mấy con mẹ Mỹ ô môi đến tiệm cắt tóc, tanning, cạo lông đùi lông háng... mình thấy tụi nó cũng dễ thương, đàng hoàng, cho tiền tip hậu hĩnh. Bà Phương nói đồ thứ bê đê, ô môi, lại đực mà còn chịu khó bày đặt làm đẹp. Tụi nó y như đàn ông, cắt tóc ngắn, đi đứng mạnh bạo, mặt mày lúc nào cũng như đóng vai điệp viên trong phim trinh thám. Còn đàn ông bê đê, lại cái, thì ngược lại, có vẻ lo lắng chăm sóc nhan sắc bề ngoài hơn. Cắt tỉa cạo râu, giữ người thon gọn, nói năng nhỏ nhẹ, điệu bộ dịu dàng. Dạo này mình ưa nằm nghĩ đủ chuyện tào lao thiên địa, hèn chi cứ than nhức đầu hoài là đúng. Mình đoán Mây chắc cũng như mấy bà khách quen của mình, chẳng thiết tha lấy chồng có con, thích sống độc thân, ngại đóng vai má, bà ngoại, bà nội, vợ chi cho mệt xác. Có chồng có con cũng khổ cực chứ sướng chó gì đâu. Quanh mình nghe ai cũng than thở khổ mệt buồn phiền lo âu rầu rĩ, chắc vậy mà người ta gặp nhau hay chúc may mắn tốt đẹp hạnh phúc vui vẻ bình an. Chứ căn bản ai cũng vui sướng thoả thuê mãn nguyện đã đời, muốn gì được nấy thì chắc chẳng ma nào nghĩ ra những lời chúc tụng đẹp đẽ hay ho như vậy cả! Được cái là thời đại bây giờ khác với thời bà nội bà ngoại dì thím bác má mình. Đàn bà ở tuổi Mây ngày trước mà chưa có chồng là bị cả xóm bêu riếu, nói cạnh nói khoé, gái già, gái ế, gái chồng chê ì xèo. Cha mẹ lấy thúng úp mặt khi ra khỏi nhà. Qua Mỹ được cái tự do, ai muốn làm gì thì làm, miễn đừng đụng xía vào chuyện người khác là tạm êm. Lắm lúc mình nghĩ qua được Mỹ là điều may, cho dù buồn rầu thì cũng rục nẫu bụng dạ. Sống kiểu như mình ở vào thời mấy chục năm trước, không chồng mà hai con ra đường thế nào cũng bị con nít liệng đá, người lớn cạo trọc bôi vôi, cột bè thả xuồng trôi sông như bà cố mình ngày trước ưa kể. Ông cố chết lúc bà cố mới 19, một lòng thờ chồng nuôi ba đứa con đến mãn đời. Bà cố được bao người trong làng khen là tiết hạnh khả phong. Chịu, mình chịu, no way José! Bà cố nội là bà cố nội, mình là mình. Đời ai người nấy sống. Mình chẳng cần ai khen, đi làm nuôi hai đứa con mệt đứ đừ, bở hơi tai. Có ai cho mình đồng bạc cắc mua tã mua sữa cho con mình đâu. Đèn nhà ai nhà nấy rạng!

 

Ngày... tháng...

Khi chiều, chồng bà Nguyệt tới đón. Bà Nguyệt ngoài 50, là chị họ xa của bà chủ, tuổi nghề được hơn 20 năm, một trong vài người Việt Nam hành nghề nail lâu nhất ở San José. Bà kể thời kì đó một bộ nail giá từ 50 đến 70 đô, “Tụi Mỹ trả đẹp lắm, như hàng cổ quý.” Bà bị ung thư ngực trái cách đây bốn năm, nhờ phát hiện sớm, cắt bỏ, sau đó chỉ làm thứ sáu, thứ bảy, hoặc khi nào tiệm thiếu người gọi bà ra phụ. Nghe nói bà chủ còn nợ bả tiền vì giúp vốn và chỉ nghề. Nếu là mình, thiệt tình chẳng biết ơn hay hận, lời lãi chẳng được bao nhiêu mà cực thì khỏi nói, nội hít mấy chất hoá học sau nữa về già ngủm sớm. Làm từ sáng tới tối, trọn chẵn 365 ngày trong năm. Trước kia ít người làm nail thì còn đỡ, kiếm được đồng vô đồng ra, giờ hỏi, hình như ai cũng làm nghề này, thặng dư. Nghề móng tay giờ xuống dốc thê thảm, muốn được phải dọn đi tiểu bang khỉ ho cò gáy thì còn may ra. Bà Nguyệt khoe tậu được căn nhà bốn phòng ngủ ở khu Evergreen. “Thời tui làm khách đông ngồi chờ xếp hàng dài, sáu thợ làm thở không kịp. Tối đếm tiền mỏi cả tay, hoa cả mắt. Mỗi tháng kiếm đổ đồng 15 đến 20 ngàn đô, down được căn nhà, mấy năm sau là trả off...” Mỗi khi bà kể về thời cực thịnh nghề móng tay của bà thì mỏ bà chu ra, nhọn hoắt, chẳng khác chi mấy ông tướng tá miền Nam trước 75 cuối tuần tụ tập uống bia nhắc ôn một thuở ngang dọc, hiển hách. Mình nghe, chỉ muốn bạo mồm phun, “Tui mà như chị ở nhà nghỉ cho khoẻ cái thân già. Giá chót 50 đô một bộ, khách nhiều thiếu điều muốn đuổi, giờ giá sộp nhất cũng chỉ 20 đô, khách thiếu điều phải ra đường kiếm a ă ẵm vào... làm chi cho nhục.” Nhưng nghĩ bà còn có một vú, để bà yên.

Khi chiều lúc thằng cha chồng bà đến đón, mình ngồi ngắm kỹ, vì nhớ một lần hứng chí bả kể về chồng, “Hồi còn ở Việt Nam ổng mạnh đụ lắm, đòi miết. Người làm, con ở, bạn bè tui ai ổng cũng tìm mọi cách sờ mó ráo trọi, ăn không được thì thằng chả nhả. Từ ngày qua đây tự dưng ổng yếu xìu, nhiễu như nến, còn không như súng bắn hơi, dzậy mà tui mừng, đỡ mệt thân, đỡ lo sợ ổng đi chơi bậy bạ. Trước kia, làm việc gì ổng cũng chậm chạp, ù lì, ngớ ngẩn, lười biếng, chứ đụng chuyện đó là như xe bật đèn pha... lẹ làng lanh lợi mặt mày sáng rỡ... giờ qua đây cả ngày đi lôi máy sửa xe tối về tới nhà là xụi lơ hết xí quách. Nội cái mùi dầu xe, xăng nhớt ám um cả người ổng cũng đủ làm tui muốn ói, có rửa tắm mấy bận cũng không tẩy được mùi. Trời! Mấy bà biết không, hồi mới cưới tui, đêm tân hôn ổng lận sẵn trứng gà so, vỏ nâu hồng, thứ tròng đỏ ít, tròng trắng dày... đố mấy bà biết để chi không? Ổng thủ sẵn để lỡ đút cu không lọt thì đập đôi trái trứng... thủ dzậy mà đúng, tui nằm cứng như cây cột nhà, hai cẳng gồng giữ thế thủ, cu ổng đút mãi không dzô... Tui càng sợ thì ổng làm ăn càng khó, bị cái lỗ con gái nhỏ quá, ổng cứ loay hoay đút, tui cứ gồng như người sợ bị đòn. Giờ nghĩ thấy mình ngu không để đâu cho hết, mà có ai chỉ bày gì đâu. Mười sáu tuổi, trước ngày lấy chồng còn ham nhảy lò cò, chơi ô làng với mấy con bạn cùng xóm. Thay vì đập trứng bể đôi, ổng lúng túng sao đó đập bể nát, vỏ viếc gì tọng luôn vô lồn. Tui lúc đó chẳng biết vì hết sợ hay khiếp đảm quá.... mặc kệ tía nó... Giờ nhớ lại chẳng biết vì sợ mà bớt gồng hay nhờ trứng. Sau đó là cứ mỗi đêm trời chạng vạng, là rồi đó, dzô luôn... bác tài. Giường chiếu vách cột tường trần nhà... tất cả kẽo kẹt rung rinh như sắp sụm bà chè, mồ hôi mồ kê ướt đẫm cả người như vừa mới xông ra...” “Còn giờ thì sao?” Con Tina liến láu. “Giờ hả? Giờ thì tắt mẹ nó kinh rồi... Giờ mà ổng nổi hứng bất tử đòi mần ăn thì tui là người xung phong đi kiếm trứng giùm cho ổng...”

 

Ngày... tháng...

Đàn ông nghĩ kỹ cũng kỳ quặc và khó hiểu thật chứ chẳng phải chơi. Như trưa nay, sau khi bú cu ông Ấn xong, tự dưng ổng ôm chặt mình một đỗi, rồi bật khóc. Ổng khóc nức khóc nở như cha chết mẹ chết. Mình cũng run run, vừa sợ hãi vừa ngạc nhiên. Quái đản thật! vì mình linh cảm chẳng phải ổng yêu thương mình đến độ phải khóc dữ vậy. Sau đó, ổng hôn lên rốn mình, nói là ổng rất thích mùi thân thể mình, vì mình có cái mùi của người đàn bà đã từng sanh đẻ.

 

[còn 1 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

... Soi gương thấy mặt mình bành nát ra như cái bánh tráng nhúng, phờ phạc, rệu rạo, không chút sức lực. Hai môi tím thâm, tóc dựng đứng, lỉa chỉa như cái chổi cào, xấu xí như con ma trơi. Mình vừa sợ vừa chán cả mình, bẩn thỉu dơ dáy như con đĩ già hết thời, cạn nước, mà mình là con đĩ chứ còn gì nữa... (...)
 
... Dạo này mình hay có cảm giác như đang bay trên mặt đất. Không được bay bổng như chim, mà la đà nghiêng ngả, mất thăng bằng. Cảm giác kì quặc bám lấy mình nhiều giờ trong ngày... (...)
 
... Tại sao mình không giỏi giang khôn ngoan như những người đàn bà khác cho con cái được nhờ? Người ta cũng bỏ chồng, chồng bỏ, chồng chết, chồng bịnh, chồng tù tội... đủ mọi đoạn trường chông gai thử thách, có khi hoàn cảnh còn te tua hơn mình gấp trăm ngàn lần, nhưng sao con cái họ học hành giỏi giang, có nhà có cửa, xe cộ, cho con học đàn, chơi banh, học trường tư... còn mình chẳng ra con cặc gì cả... (...)
 
... “Ừ, về thì về. Mai này chúng ta cùng về Việt Nam ở.” Nội cái nóng đốt người cũng đã kinh hoàng. Ở đâu riết quen đó, thiệt là đúng, rồi còn con còn cái. Nơi đâu con cái ở, nơi đó là quê nhà. Không tin số mệnh cũng phải tin, giày dép áo quần còn có số! Chạy trời không khỏi nắng! Sao tự nhiên giờ mình lại đâm ra triết lý... cùn vậy nè trời?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021