thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Mỵ Châu” [6]

 

Lời toà soạn:
“Mỵ Châu” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau chương “Tiên Dung” và trước các chương “Âu Cơ” và “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Mỵ Châu” [1][2][3][4][5]

 

Ngày... tháng...

Phải cất ngay công thức làm nem chua bò vào đây kẻo quên hay để lạc mất. Nhắc mãi con Tâm mới chép cho. Tháng trước nó ghé tiệm cắt tóc, mang cho chục miếng, ăn thấy ngon, xin cho được cái công thức. Sẽ làm thử cho Thông ăn cuối tuần này. Thông đặc biệt thích nem chua nhậu lai rai với bia, là hết sẩy!

 

 

Ngày... tháng...

Gọi điện thoại về nhà tối qua. Bà già than bịnh tiểu đường của ông già đang thời kì biến chứng nặng, hai mắt bắt đầu mờ dần. “Rồi ổng mù nay mai,” giọng má nấc lên từng cơn trong điện thoại. “Khổ thân tao quá!” Má than làm mình không dứt nổi điện thoại. “Ông Tám cũng bị như ba mày giờ hai cái cẳng đang thúi dần, chắc phải cưa...”

Ba vào nhà thương nằm cả tuần lễ, vừa về lại nhà sáng hôm qua. Cúp điện thoại là hiện ngay trước mắt số tiền bạc ngàn cần gửi gấp. Mình moi hết từng ngăn trí nhớ đến từng kẽ ví đám đàn ông đang nằm ngồi đi đứng có cách gì moi được. “Phải gửi gấp ngày hôm nay, tạm 500 đô trước đã…” Dành dụm chắt mót được đồng nào là tiền như có cánh bay ngay khỏi người. Chắc tại cái mũi mình bị hếch quá chăng? Nghĩ tới chuyện đi hạ hai cánh mũi xuống. Đứng trước gương thấy hai lỗ mũi như hai cống rãnh sâu hóm, đen sì. Con Liên cũng như mình, mà hầu như người mình quen biết cũng như mình, là phải đóng “hụi chết” hằng tháng nuôi người bên nhà. Chưa kể tết nhất, tang tóc, bệnh hoạn, cưới hỏi, làm ăn, học hành, cháy nhà... Ôi muôn thứ linh tinh hằm bà lằng, toàn bất ngờ bất trắc bất chợt. Bên này nhịn tiêu xài, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, ở thuê ở trọ, cắm đầu cắm cổ cày như trâu, chỉ mong gửi tiền về Việt Nam giúp ba má anh chị em cháu chắt. Càng gửi nhiều lòng càng vui càng sướng, càng ăn ngon ngủ yên. Bà Hoàn, bà Ba, con Hồng, ông Cảnh, con Liên, dì Năm, chú Hưởng, bác Thuần... cùng thi đua tranh giành nhau gửi.

Mình sẽ xin chủ làm thêm ngày thứ hai, thời gian con Ngọc ở nhà hai tháng đẻ con. Hy vọng dư được chút đỉnh gửi thêm cho ông già chữa bịnh. Làm thêm thì mệt, nội hít ngửi cái mùi chùi móng tay không cũng tổn thọ. Cứ định học thêm cái nghề cắt tóc, mà thấy khó đã đành, lại không có thời giờ. Ai nuôi mình, nuôi con đây?

9:30 tối.

Chắt mót, moi hết cũng gửi về nhà được 700 đô. Hi vọng giúp ông già có tiền mua thuốc. Năm trăm tiền của mình để dành. Hai trăm Thông cho thêm. Mình đang chơi cái hụi 100 một tháng, mới chơi được ba tháng. Chơi là để dành, định hè hốt dông về Việt Nam thăm nhà một chuyến. Nhưng điệu này, không chừng phải hốt sớm!

 

 

Ngày... tháng...

Mình được về nhà sớm hơn hai tiếng. Cả building bị cúp điện để sửa đèn đường hay gì gì đó, mình cũng chẳng cất công tìm hiểu. Ông già đang dọn dẹp trong phòng mình. Hình như ông già khoái chui vô phòng mình dọn dẹp hút bụi khi mình đi vắng. Đây là lần thứ tư hay thứ năm mình bắt gặp tại trận. Lạ là mình khó chịu thì ít mà khoái trá thì nhiều. Nhất là bất ngờ nhìn thấy vẻ mặt bẽn lẽn, dáng bộ lúng ta lúng túng như ăn vụng bị bắt quả tang của ổng. Kể ra mình cũng hơi ác! Cái ống “nước nhờn” mình xài tối qua chưa vặn kín nút còn để tênh hênh trên bàn. Chẳng biết ổng nghĩ gì trong đầu. Đứa con dâu mất nết, thứ đồ dâm phụ... hay không chừng ông già ngó thấy còn khoái chí! ha ha ha...

Ôi! mà thây kệ, đời mình mình sống, thân mình mình sướng. Còn ổng, ổng có lo gì được cho mình đâu, đẻ ra thằng con phiền nhiễu đời mình. Sống mà cứ bận tâm lo lắng người khác nghĩ chi về mình chỉ tổ nặng đầu, đau bụng.

Nhìn ông già, cái lưng hơi còng, chẳng phải vì trời sanh mà vì tuổi tác, sức khoẻ yếu kém cùng bao oan khiên lao tù Cộng Sản. Mình nghĩ chẳng biết lúc làm tình với vợ, với người tình, hay với gái điếm... ổng như thế nào? Nhẹ nhàng từ tốn như ông Ấn, hay mạnh bạo nhấc bổng mình lên chơi như thằng Mễ? Mình thích cả hai, trời nóng trời lạnh, mùa nào có thú riêng mùa đó. Mình đoán mò chắc cha già này có cả hai mùa trong người khi còn trẻ. Cứ lan man nghĩ ngợi về ổng suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Cũng may ông trời cho con người giữ được mọi ý nghĩ trong đầu, để chúng tha hồ nhảy múa, nhào nặn, lăn lộn, uốn éo, nhập nhằng... rồi biến mất, chứ để chúng thành hình, thành ảnh rõ mồn một cho người ta đọc, hay thấy được thì cả thế giới này đã không còn có mặt từ thời tạo thiên lập địa.

Có một lúc nào đó, như chiều nay, giả như về nhà không thấy ông già. Ổng dọn tới chỗ khác ở, nhà bạn, nhà bồ, nhà người quen. Hay ổng vô viện dưỡng lão, về lại Việt Nam, qua Úc với con gái. Ổng bỗng biến đâu mất, tan vào không khí, hay nước, chui vô lòng đất nằm... chắc mình trống rỗng lắm lắm! Có ổng, dầu gì cũng đã thành thói thành nếp thành quen với đời mình khi nào không hay. Con người sống với con người là do thói quen. Thói quen tạo thành đời sống. Ông già là thói quen của mình rồi chăng?

 

Ngày... tháng...

Sau lễ Thanksving một ngày, Thông rủ mẹ con mình đi Lake Tahoe chơi. Ban đầu con Tiên “đi thì con đi nữa” nhưng sau nó đổi ý, đi chơi với bạn. Nó muốn, trời cản chẳng được. Ông bạn của Thông ban đầu cũng hồ hởi phấn khởi đòi đi cùng, sau cho xù luôn. Rốt cuộc, chỉ Thông, mình và thằng Lô. Đường dài lái xe bốn tiếng, lúc phẳng lì, lúc quanh co. “Lên đó cho cu Lô chơi tuyết.” Thông nói. Mùa này tuyết chưa rơi nhiều như cuối tháng chạp, giữa tháng giêng, nhưng ảnh sẽ cố tìm. Đám người lô nhô da trắng da nâu da vàng da đen... đủ cả. Ảnh thuê cho thằng Lô bộ đồ trượt tuyết, ghi tên cho nó vào lớp vỡ lòng ngày đầu. Trời lạnh dù có nắng chiếu. Tuyết trắng tinh, nhìn, chỉ làm mình cảm thấy lạc lõng hơn giữa đám người xa lạ. Những đôi giày nhựa màu mè thô cứng, hàng dãy nút, móc mà mình nghĩ suốt đời chắc sẽ chẳng bao giờ muốn giơ chân xỏ thử. Ngồi trong tiệm ăn, từ trên lầu cao, nhìn tuyết qua cửa kiếng. Tuyết như trải từ trời trải xuống. Nhìn xuống phía dưới, Thông đang loay hoay điền đơn, mướn đồ, hai cái đầu gật gù như cha già con mọn. Hình ảnh bất chợt làm mình cảm động muốn khóc. Trên đời mấy ai tử tế với má con mình như vậy. Nếu không có Thông, chẳng biết bao giờ thằng bé mới thấy được tuyết lần đầu, nói chi được dẫn đi mướn đồ trượt tuyết, chơi tuyết.

Người đàn ông trung niên từ đâu kéo ghế đến ngồi cạnh, hỏi vài câu xã giao, chắc thằng chả thấy mình ngồi một mình, co ro lạnh lẽo ngơ ngác. Bộ đồ và đôi giày mình đang mang lạc mùa không hợp nơi đây. Chỉ đôi găng tay mới mua khi nãy ở trạm xăng Chevrolet vì lạnh quá chịu không thấu, chém ngọt hai mươi đô mình cứ tiếc mãi, biết vậy, trước khi lên đây, ghé K-Mart hay Target chỉ chừng năm đô là cùng. Thằng cha gắng bắt chuyện làm quen, mình chỉ ầm ừ cho qua. Không chừng lại là cựu quân nhân chiến đấu ở Việt Nam nữa đây! Trông ông tẻ nhạt và hơi ngớ ngẩn như mình. Nghĩ vậy, mình quay qua nhoẻn miệng cười với ông một cái. Ánh mắt ông rực sáng hẳn. Phải chi lúc khác, chắc có người vớ mình như thế, mình cũng giở trò lẳng lơ đĩ thoã một chút cho vui, mất mát xây xát chi mà sợ. Cứ vui là được rồi, cứ sướng là thích rồi. Giờ thì trước mắt, vạt tuyết trắng muốt và lạnh, làm mình chẳng thiết tha tán dóc cùng ai. “Chồng và con tôi đang trượt tuyết dưới kia. Kìa, ông thấy không?” Mình vừa nói vừa chỉ, cố nội của ông đội mồ sống dậy cũng chẳng biết đầu nào là đầu của thằng con mình. Ông trung niên nấn ná thêm dăm ba phút, rồi rút gọn.

Buổi tối mướn motel rẻ tiền một phòng, hai giường. Hai mẹ con một giường, Thông một giường. Mùi sô cô la còn dính trên mép thằng Lô và mùi thuốc lá thở từ trong miệng Thông, mình chẳng thấy khó chịu. Nửa đêm, mình mò qua nằm cạnh ảnh, ảnh ôm lưng mình, vuốt ve nhè nhẹ. Tiếng lách tách nổ của máy sưởi và mùi ẩm của thảm làm mình khó ngủ. Nhưng rồi, một lát cũng bắt đầu quen và dễ chịu dần. Cảm giác bình yên. Ừ, lâu lắm rồi, chẳng biết từ bao giờ mình mới có lại cảm giác bình yên như thế khi nằm trong vòng tay người đàn ông. Nghe như tiếng mưa đêm, mát như nước giếng hè. Nước, bao giơ sờ vào cũng cho mình cảm giác bình yên, dễ chịu. Như được nằm đong đưa trong bào thai của má.

Sáng hôm sau, lúc trao cho ảnh ly cà phê không phải trả xu nào ở phòng khách motel rẻ tiền của hai vợ chồng Ấn Độ làm chủ, mình nhón chân hôn ở má ảnh, nói với ảnh điều đó.

Biết đâu hôn nhân giống hoa giấy, hoa ni lông thì còn hoài, sống mãi. Hoa thật thì đẹp thật, thơm thật nhưng tươi nở được bao lâu?

 

Ngày... tháng...

Khi trưa vào phòng con Tiên. Nó đang trần truồng nằm cong người đút tay vô lồn, rên thở hổn hển, mình lật đật đi ra, người choáng váng như bị trúng gió, điện giật, vội gọi phone kể cho Mây nghe, phải làm sao? Mây nói, “Lần sau bà vào phòng nó, nhớ gõ cửa, nhé!”

 

Ngày... tháng...

Trong tiệm làm chung toàn một lũ đàn bà quanh năm thay phiên nhau có kinh, có bầu, rụng trứng, sắp tắt kinh, đã tắt kinh... một tháng một năm mười năm rồi đời người... hèn chi bọn đàn ông cứ rên la than thở, bứt tóc giựt tai cóc hiểu nổi lũ đàn bà con gái là phải. Mới tối qua, con nhỏ, con mẽ cười cười nói nói tươi tắn như hoa. Nàng ỏn ẻn anh muốn gì gì em cũng chiều cả. Cưng ưng gì cứ cho em biết. Sáng nay mặt mày như người bị trĩ kinh niên hành.

Mình có cái tật làm gì cũng bằng tay trần, không ưa đeo găng. Gội đầu cho khách, bọt xà bông thấm tan, nước mát hay ấm, để tóc chảy mềm giữa các kẽ tay. Nấu ăn, rửa rau, hay trồng cây, cào đất cũng vậy... Gãi lưng con Tiên, xoa đầu thằng Lô. Ngay cả cầm cu bọn đàn ông, rờ được từng đường gân nổi cồm, láng lẩy đầu cu... hổng lẽ ngay lúc đó, “Cưng... chờ, để em đi đeo găng tay đã nghe!”

 

Ngày... tháng...

Thông bị bệnh, anh thuộc típ người thể chất yếu đuối. Quanh năm không ho thì cảm, không cảm thì dị ứng, không dị ứng thì đau bụng, chảy máu cam, khạc ra đờm... Mình mới đến thăm anh về, nấu cho anh nồi cháo gà để sẵn, đói anh hâm nóng bằng microwave. Định đi hái lá khuynh diệp về nấu cho ảnh xông nhưng ảnh nói thôi khỏi. Ảnh than lạnh, mỏi người, mình đè anh ra cạo gió. Anh nằm sấp, người hâm hấp nóng, mình bôi dầu con hổ, lấy đồng 25 xu cạo dọc vai, sống lưng. Cái nóng và mùi dầu con hổ cũng gợi mình chút thèm muốn. Hai tay xoa xát dầu, mình vuốt ve, chà bóp cả lưng ảnh, hình như ảnh biết thì phải. Cảm giác ảnh biết thỉnh thoảng làm mình không ngượng mà ngại. Tại sao mình cứ lúng túng ngại ngùng với ảnh, như đứa con gái nhà lành, mới lớn, màng trinh chưa lủng. Mình cứ hay tự hỏi, tại sao? Lấy tay kéo cái áo che phủ hai bả vai ảnh. Lúc ấy, mình cảm thấy tội nghiệp cho mình hơn là cho ảnh.

 

Ngày... tháng...

Đêm qua, trong giấc mơ, mình nghe vang vọng tiếng chuông địa ngục và thiên đường rền rung cùng một lúc.

Mình nằm gác cả người lên ba thằng đàn ông. Đầu ngực mông chia đều mỗi phần một thằng, như quà đám hỏi, như nước Việt Nam có ba miền Nam Trung Bắc. Ông già phần đầu, thằng Mễ phần giữa, ông Ấn phần đuôi. Thông đứng chỉ giáo.

Choàng tỉnh, ba giờ sáng. Ngủ lại không được vì khuôn mặt của Thông trong giấc mơ.

Nhớ có lần, mình đến nhà Thông chơi, ngủ thiếp một giấc trên xa lông phòng khách, bật mắt, “Em vừa mơ một giấc mơ,” mình nói. “Em mơ gì vậy?” ảnh hỏi. Mình nằm im thin thít. Không lẽ kể ảnh nghe rằng trong giấc mơ mình thấy tấm hình vẽ mặt mình bằng đầu con cu của ảnh. Mực là máu kinh nguyệt của mình. “Khiếp đảm lắm!” Mình chỉ nói vậy, rồi đi vào phòng bếp rửa mặt.

Nhớ lần khác, mình nằm mơ thấy thằng chồng cũ bị liệt dương. Cu cứng không nổi, teo tóp dần... rồi từ từ hõm sâu như cái lỗ của người đàn bà. Mình nghe tiếng hắn tru tréo, cả người hắn giãy đành đạch, mặt cực kì đau đớn. Mình đứng vòng tay, ngó trân hắn, nghĩ thầm trong bụng, “Có như vậy... ừ, có như vậy... trở thành như vậy... may ra hắn mới hiểu, cảm thông được, thương được... Thiệt cho đáng đời... Chỉ bằng cách đó... Ừ, chỉ bằng cách đó...”

 

[hết chương]

 

 

------------

Đã đăng:

... Soi gương thấy mặt mình bành nát ra như cái bánh tráng nhúng, phờ phạc, rệu rạo, không chút sức lực. Hai môi tím thâm, tóc dựng đứng, lỉa chỉa như cái chổi cào, xấu xí như con ma trơi. Mình vừa sợ vừa chán cả mình, bẩn thỉu dơ dáy như con đĩ già hết thời, cạn nước, mà mình là con đĩ chứ còn gì nữa... (...)
 
... Dạo này mình hay có cảm giác như đang bay trên mặt đất. Không được bay bổng như chim, mà la đà nghiêng ngả, mất thăng bằng. Cảm giác kì quặc bám lấy mình nhiều giờ trong ngày... (...)
 
... Tại sao mình không giỏi giang khôn ngoan như những người đàn bà khác cho con cái được nhờ? Người ta cũng bỏ chồng, chồng bỏ, chồng chết, chồng bịnh, chồng tù tội... đủ mọi đoạn trường chông gai thử thách, có khi hoàn cảnh còn te tua hơn mình gấp trăm ngàn lần, nhưng sao con cái họ học hành giỏi giang, có nhà có cửa, xe cộ, cho con học đàn, chơi banh, học trường tư... còn mình chẳng ra con cặc gì cả... (...)
 
... “Ừ, về thì về. Mai này chúng ta cùng về Việt Nam ở.” Nội cái nóng đốt người cũng đã kinh hoàng. Ở đâu riết quen đó, thiệt là đúng, rồi còn con còn cái. Nơi đâu con cái ở, nơi đó là quê nhà. Không tin số mệnh cũng phải tin, giày dép áo quần còn có số! Chạy trời không khỏi nắng! Sao tự nhiên giờ mình lại đâm ra triết lý... cùn vậy nè trời?... (...)
 
... Được cái là thời đại bây giờ khác với thời bà nội bà ngoại dì thím bác má mình. Đàn bà ở tuổi Mây ngày trước mà chưa có chồng là bị cả xóm bêu riếu, nói cạnh nói khoé, gái già, gái ế, gái chồng chê ì xèo. Cha mẹ lấy thúng úp mặt khi ra khỏi nhà. Qua Mỹ được cái tự do, ai muốn làm gì thì làm, miễn đừng đụng xía vào chuyện người khác là tạm êm. Lắm lúc mình nghĩ qua được Mỹ là điều may, cho dù buồn rầu thì cũng rục nẫu bụng dạ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021