thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CẢNH TƯỢNG SAU TRẬN CHIẾN [trích]: Một cánh cửa phải hoặc mở hoặc đóng

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

JUAN GOYTISOLO

(1931~)

 

 

MỘT CÁNH CỬA PHẢI MỞ HOẶC ĐÓNG [*]

 

Đột nhiên, khi chúng tôi đã mất hết hi vọng, thì phép lạ xảy ra. Nhân vật của chúng ta đã cẩn thận kéo cái chốt cửa căn hộ loàng xoàng của mình và, bọc người trong chiếc áo mưa, cái nón nỉ ca rô đội lên đầu, anh đi dọc theo hành lang hẹp về hướng thang máy. Anh thấy cánh cửa thang máy mở và bên trong, anh ngạc nhiên khám phá ra vợ mình.

ANH. – Chào em. Quả là chuyện lạ. Đã lâu rồi.

NÀNG. – Phải thế không?

ANH. – Em đi xuống?

NÀNG. – Vâng, tất nhiên.

ANH. – Em có gì phiền nếu anh cùng xuống với em?

NÀNG. – Tuyệt đối không. Trái lại: em đang muốn gặp anh.

ANH. – Anh cũng vậy. Gặp nhau trong thành phố Paris quả là khó như điên. Chúng ta ở đối diện nhau thế này mà có khi hàng tháng không gặp nhau.

NÀNG. – Đúng vậy. Anh có thể sống bốn mươi năm trong khu phố này mà vẫn không biết được ai là hàng xóm của mình.

ANH. – Nhưng nó cũng có cái lợi.

NÀNG. – Vâng, anh nói có lý.

ANH. – Anh không muốn nói về em, tất nhiên. Anh nghĩ đến những người khác. Đến cái ngốc nghếch của những mối quan hệ qui ước bắt ta phải tuân thủ khi sống gần nhau.

NÀNG. – Hoàn toàn đồng ý. Em cũng thế, em sợ những quan hệ kiểu ấy. Tốt hơn là không biết nhau, và mỗi người sống cuộc sống của mình. Nhưng với anh, thì khác. Em đã quen có anh hiện diện bên em. Em thấy thiếu anh.

ANH. – Thì với em cũng thế. Anh thường tự bảo: hôm nay ta sẽ gặp nàng ở cầu thang hoặc ở nhà bà gác dan, và khi anh bước ra đường mà không gặp được em, thật là lố bịch, bởi vì anh có cảm tưởng như mình bị tước mất cái gì.

NÀNG. – Thì em cũng đúng y như vậy. Em mơ tưởng sẽ gặp anh ở cầu thang và, khi em mở mắt ra, em cảm thấy rất lẻ loi.

ANH. - Quả là lạ lùng. Với anh cũng y như vậy. Cả hai chúng ta đang chuyện trò, như bây giờ đây, và đột nhiên, khi mọi chuyện giữa chúng ta đang êm đẹp, anh tỉnh lại.

NÀNG. – Có thể là chúng ta đang mơ, cả hai mơ cùng một lúc.

ANH. – Anh hi vọng là lần này chúng ta sẽ không tỉnh lại!

NÀNG. – Nhưng nếu anh chán?

ANH. – Thì quả là quá tiếc. Một khi chúng ta gặp dịp chuyện trò với nhau và ở bên nhau như thế này.

NÀNG. – Đúng vậy, đây là một sự tình cờ phi thường. Có thể nó sẽ không tái diễn nữa.

ANH. – Anh đã nhiều lần tưởng tượng ra cảnh này. Anh không sao tin được là anh đang sống nó!

NÀNG. – Đôi khi, em sợ sẽ không nhận ra anh, sẽ thấy anh thay đổi. Khi con người chờ đợi nhiều một cái gì đó, người ta sợ phải thất vọng. Nhưng đây không phải thuộc trường hợp đó, giấc mơ của em đã không đánh lừa em.

ANH. – Em nói thật đấy chứ?

NÀNG. – Vâng, nơi anh vẫn còn có một cái gì trẻ trung, tựa như thời gian không ảnh hưởng gì đến anh.

ANH. – Anh thấy vui được nghe em nói như thế! Em không biết đấy thôi, anh cảm thấy mình già và mệt mỏi lắm.

NÀNG. – Trái lại. Anh trẻ ra. Nơi anh em thấy có một cái gì mới: một nghị lực, một sức sống mà trước đây anh không có. Em không biết làm sao giải thích cho anh được: một thứ cuốn hút.

ANH. – Em nói nghiêm chỉnh chứ?

NÀNG. - Bộ em có vẻ nói đùa sao? Anh cho một cảm tưởng sức mạnh nội tâm, cảm tưởng an toàn rạng rỡ, quyến rũ lắm. Em có đọc bài báo khoa học anh viết về điôxit cacbon và sự nóng dần của quả địa cầu. Một kiệt tác.

ANH. – Em thích bài ấy?

NÀNG. – Thích vô cùng. Ở văn phòng, người ta cứ đọc lui đọc tới bài báo và lớn tiếng bình luận nó.

ANH. – Em biết đấy, anh chỉ định viết ra vài lời bình luận chế giễu về hoàn cảnh trong đó.

NÀNG. – Anh chớ có khiêm tốn. Anh đã viết một tác phẩm khoa học vào bậc thầy. Mọi người theo chân anh, thảo luận những tư tưởng của anh.

ANH. – Anh nghĩ loại văn châm biếm ấy chỉ nhắm tới một nhóm hạt nhân rất thu hẹp có khả năng.

NÀNG. – Anh có một số lượng người đọc không tưởng tượng được. Công chúng ngưỡng mộ anh. Em rất hãnh diện về anh.

ANH. – Em làm anh ngạc nhiên. Xưa nay anh vẫn viết trong khi hi vọng rằng em và năm ba người khác sẽ hiểu ra tại sao anh xa rời chính trị và sống tách biệt: anh mong muốn được hiểu và đồng thời, một chút thôi, được yêu mến. Nhưng chưa bao giờ anh nghĩ rằng.

NÀNG. - Mỗi ngày em mua báo để đọc anh. Em không sao cưỡng lại được: em cần biết anh nghĩ gì. Đây là một nhu cầu thật sự.

ANH. – Anh không sao tin nổi. Nhưng anh hài lòng biết bao!

NÀNG. – Anh có viết cái gì mới không?

ANH. – Có, hôm qua anh đã viết một bài mới.

NÀNG. – Anh có mang theo không?

ANH. – Em chờ, để anh xem đã.

NÀNG. – Em thích đọc bài ấy lắm!

ANH. – Đây chỉ là một bản nháp viết về.

NÀNG. – Không sao. Bút pháp anh thật là tuyệt vời. Em cảm thấy vui như điên khi đọc những bài thơ anh dịch.

ANH. – Có thể nó nằm trong đống giấy này.

NÀNG. – Anh cho phép em?

ANH. – Anh không chắc. Anh nghĩ rằng.

NÀNG. – Chữ viết của anh mà.

ANH. – Không, anh nhầm xấp hồ sơ này rồi. Cái anh muốn cho em xem không có trong này. Xin em đưa lại cho anh đi.

NÀNG. - Một củ cà rốt trong lỗ đít và một cây bút cắm vào chỗ vượt quá, anh lắc lư khi nghĩ đến em. Lá thư này là cái gì thế này?

ANH. – Có sự nhầm lẫn. Không phải xấp hồ sơ ấy đâu. Anh đã bảo mà, đưa lại cho anh đi.

NÀNG. – Anh đã viết lá thư này sao?

ANH. – Không , nghĩa là.

NÀNG. – Em hoàn toàn nhận ra nét chữ của anh mà.

ANH. – Vâng, là nét chữ của anh, nhưng thật ra là.

NÀNG. – Đây là một lá thư sỗ sàng và thô lỗ. Anh sẽ gửi cho ai đấy?

ANH. – Anh van em, cho anh lại đi.

NÀNG. – Em đòi hỏi anh giải thích. Em muốn biết đúng anh gửi lá thư này cho ai.

ANH. - Trời ơi, em buông ra. Chỉ là một trò chơi ngông của anh thôi mà. Anh thấy nó trong mục rao vặt tình dục và anh muốn.

NÀNG. – Em sẽ không đưa cho anh, anh nghe chứ? Em sẽ đọc cho đến hết lá thư này. Rốt cuộc em sẽ biết được thực sự là anh sử dụng thời gian làm chuyện gì.

ANH. – Anh xin em. Chỉ là một trò đùa của anh, không có tí ti quan trọng nào.

NÀNG. – Anh nhầm rồi! Đây là cái viết của một kẻ bệnh hoạn. Em đòi hỏi anh cho em biết tên của con nhóc kia!

ANH. – Em đưa xấp hồ sơ cho anh, đưa không nào?

NÀNG. – Ái, nó cắn em!

ANH. - Cắn? Em nói cái gì vậy?

NÀNG. - Một con chuột, một con chuột từ trong tay áo anh bò ra, nó cắn em!

ANH. - Một con chuột?

NÀNG. – Thì anh nhìn đây, ta thấy cái mõm nó ở giữa mấy hột nút măng sét của anh đấy!

ANH. – À, vâng, con chuột của anh. Em chớ có sợ gì cả, nó vô hại. Chắc là em đã làm nó sợ và.

NÀNG. – Anh làm gì với một con vật đáng tởm như vậy? Nó đã cắn vào tay em thế mà anh còn bảo là nó vô hại!

ANH. – Em đừng hét lên như vậy, có gì đâu.

NÀNG. – Em muốn ra khỏi đây ngay bây giờ. Anh đã nhốt em trong thang máy với con vật này đấy. Anh hãy nhấn vào nút bấm hoặc mở cửa ra.

ANH. – Đó là cái anh thử làm, nhưng anh không sao làm được. Dường như chúng ta bị bất động. Có lẽ điện đã bị cúp và.

NÀNG. - Thế thì em may mắn thật! Rõ ràng là em đang bị nhốt trong thang máy với anh và con vật của anh! Em cuộc là anh đã làm như thế có tính toán.

ANH. – Anh xin bảo đảm với em rằng.

NÀNG. – Vâng, anh đã cố ý làm như thế. Anh quá biết cái tật sợ những chỗ bị bịt kín và sợ chuột của em. Anh định làm gì bây giờ để đưa em ra khỏi đây?

ANH. – Anh đã nhấn nút chuông báo động. Người gác gian sẽ đến ngay bây giờ mà.

NÀNG. – Em đã nhầm khi tin cậy anh. Đối xử với em như anh đối xử như vậy anh thấy chưa đủ sao? Anh chỉ là một con quái vật.

Như vẫn xảy ra khá thường xuyên, một thằng bé lơ đãng hẳn là đã đóng sập cánh cửa, làm tắt nghẽn thang máy giữa hai tầng lầu, và khi thiết bị chạy trở lại, nhân vật của chúng ta chậm rãi chấm mồ hôi trán: một linh hồn nhân từ và đến đúng lúc trong khoảng thời gian đó hẳn đã điều chỉnh cái tay nắm thủ phạm gây ra sự gián đoạn đáng buồn và tai hại này. Sau khi nhìn vào kính soi và yên chí là vẻ mặt mình không có gì bất thường, anh bỏ cái phòng giam chật chội của mình, đi qua phòng ngoài, đẩy cánh cửa và nhường lối cho người nữ tóc vàng đã phai màu đi bên cạnh mình và thoắt nghiêng đầu kiêu kỳ chào người này không nói một lời.

 

 

----------------
“Một cánh cửa phải hoặc mở hoặc đóng” dịch chương “Il faut qu’une porte soit ouverte ou fermée“ (bản tiếng Pháp của Aline Schulman) trong Juan Goytisolo, Paysages après la bataille (Paris: Fayard, 1985). Nhan đề của nguyên tác tiếng Tây-ban-nha của cuốn tiểu thuyết này là Paisajes después de la batalla.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]«Il faut qu’une porte soit ouverte ou fermée»: có nghĩa “phải dứt khoát theo bên nào, hay mặt nào.“ Người dịch chọn chuyển ngữ theo từng chữ vì thích hình ảnh này, và tin không ai không tưởng tượng ra được cái nghĩa khá rõ ràng của nhóm chữ.

 

 

Những tác phẩm khác của Juan Goytisolo đã đăng trên Tiền Vệ:

... Tôi vừa cố gắng che giấu sự xúc động của mình vừa trả tiền chỗ tem mà cô nhân viên đóng dấu, đi về phía tiệm cà phê ngoài trời gần đó, và, khi đã ngồi xuống rồi — tôi cảm thấy nổi da gà và củ dương căng cứng... | ... Mặt cô đanh lại, nhưng, khi anh bắt đầu tuyệt vọng, thì cô đưa bàn chân trái nhỏ nhắn của mình ra trước và đặt lên đầu anh. Những mệnh lệnh của cô, thốt lên bằng một giọng sắc, sẽ làm anh đi thẳng lên đến cõi cực lạc... (...)
 
... Mày làm cái giống gì một mình, xa lánh mọi người, tự giam trong phòng kín như một ẩn sĩ thế? Bộ mày tưởng là đời sống đã ngừng trôi? Những khát vọng và cuộc đấu tranh của chúng ta bộ mày không còn quan tâm nữa? Có lẽ mày nghĩ là con người có thể đổi qua sống ở một hành tinh khác?... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Thưa ông chủ nhiệm: nếu tôi dám cầm cây viết lên và gửi những dòng vụng về nhưng thành thật này cho mục thư bạn đọc của tờ báo mà ông là vị chủ nhiệm lỗi lạc, ấy là nhân danh những truyền thống và lý tưởng của chủ nghĩa tự do, của sự khoan dung và hiếu khách làm nên những nền tảng xã hội của đất nước chúng ta... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
... Anh nhận một thư mời trình diện của Sở Cảnh Sát: một tờ giấy in hình chữ nhật trên đó có tên họ anh và địa chỉ anh cũng như ngày và giờ ghi rõ ràng anh phải có mặt trước ông cò. Anh hoàn toàn không biết lý do cuộc hội kiến và, trong khi bước quanh co qua các hành lang và cầu thang dẫn đến văn phòng ông... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tội ác ở nhà ga Chamartín  (truyện / tuỳ bút) 
... Đi từ ga Atocha đến ga Chamartín, xem bảng ghi giờ khởi hành của các chuyến xe lửa đi Barcelona, mua một cái vé, ngái ngủ bước những bước lạc lõng loanh quanh căn phòng và nhẹ nhõm khi khám phá ra một dãy ghế có thể đặt lưng xuống. Cô đơn, vô định, buồn bã, mệt, ngủ, rồi ngủ say. Abdellah Arrouch không biết, hay giả vờ không biết, là khi nằm dài trên ghế ngồi mà không bỏ giày ra... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021