thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đối thoại
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

CLAUDE SIMON

(1913-2005)

 

“Đối thoại” — nhan đề do người dịch đặt — là một đoạn trích dịch trong tiểu thuyết L’Herbe của Claude Simon (Paris: Les Editions de Minuit, 1958), một trong những đối thoại ngắn nửa chừng, tiềm ẩn những đối thoại khác làm thành đời sống phức tạp, với một chiều sâu tiềm ẩn nhiều chiều sâu khác. Từ tiểu thuyết Le Vent (Paris: Les Editions de Minuit, 1957), qua đến L’Herbe và những tác phẩm tiểu thuyết tiếp sau đó, Claude Simon bắt đầu phát triển một nghệ thuật của riêng ông nhằm bắt chúng ta đi sâu vào ý nghĩa của một cử chỉ, hay của một thái độ, của những đối thoại, và bằng cái nhìn của ta từ vị trí người đọc, xây dựng lại — chung quanh cử chỉ đó, chung quanh thái độ đó hay chung quanh những đối thoại “nửa chừng” đó — toàn cả thế giới và lịch sử của nó...
 
HNB

____________

 

ĐỐI THOẠI

(trích đoạn)

 

... Nàng nhớ lại điều này, không đúng hẳn là mẩu đối thoại, không đúng hẳn là những chữ được nói đi hay nói lại, được lặp đi hay lặp lại, mà là hai giọng nói trả lời nhau, luân phiên, phối hợp với nhau, hoà tan với nhau trong ký ức nàng thành một khối độc nhất, không phân ra được, những câu hỏi và những câu trả lời gắn liền trong một thứ liên hệ không dứt được và phi lý của mọi đối thoại, của mọi lời nói: “Em sao vậy, Không có gì cả, Có chứ em sao vậy, Đâu có gì em đã bảo với anh rồi anh muốn em có gì bây giờ anh làm sao vậy bây giờ làm sao, Tại sao em làm bộ mặt đó, Bộ mặt nào, Bộ mặt đó, Em có làm mặt gì đâu, Không chắc em tưởng anh ngu em cứ tưởng là anh không biết rõ khi nào em có gì hay không dù em có cố. Anh biết ồ tội nghiệp anh Georges anh biết trời ơi em muốn biết anh biết gì anh tưởng tượng đang biết cái gì bởi vì có thể em sẽ biết rõ hơn những gì chính em đang biết thôi đừng có nhảm nữa không phải vì tối nay anh giận ba mà ta phải, Em sao vậy, Ồ lại hỏi nữa, Em sao vậy anh không phải ngu. Không có gì cả em đã bảo với anh anh muốn em phải bịa ra cái gì đây bộ anh tính lặp lại mãi câu hỏi đó lâu nữa sao tốt hơn anh nên tắm xong đi chứ anh ra phố? Đừng có đánh lạc câu chuyện, Anh ra phố? Nếu em tưởng em tinh quái bằng cách cố r’, Dường như em cũng có quyền hỏi anh một câu em chỉ hỏi là anh có xuống phố không, Có, Anh làm vậy là phải ra ngoài anh sẽ thấy khoẻ ra, Nghe đây Louise, Anh làm vậy là phải anh có về muộn không? Anh không biết nghe đây Louise, Anh đến tiệm Rubis? Tại sao đến tiệm Rubis chuyện gì lại có chuyện tiệm Rubis nữa đây, Không phải anh đánh ở Rubis-Bar cái tiệm trước mặt chợ bán súc vật, Sao lại anh đánh cuộc là cái thằng khốn nạn Bác sĩ hắn đã n’, Không phải tiệm Rubis thế thì ở đâu? Thằng khốn thật anh cho nó, A thế ra là đúng rồi đúng ở tiệm Rubis, Thằng khốn nạn hồi nào hắn đã n’, Anh tưởng rằng em cần người ta đến đây kể cho em nghe chuyện đó tội nghiệp anh Georges tại sao anh làm bộ giận dữ tại sao anh làm bộ như không biết rõ rồi là em đã biết, Nghe đây Louise, Thế ra viên ngọc bích chưa đủ sao?” Nàng đợi chàng đánh mình, nhưng vẫn không nhúc nhích, vẫn nằm, hai chân tréo nhau, vẫn mặc cùng chiếc áo màu sáng đó, không nhìn vào chàng, thỉnh thoảng đưa điếu thuốc lên miệng, nhìn khói bay ra, làn khói ra khỏi môi nàng, những lời nói ra khỏi môi nàng, những lời nói giống như làn khói thuốc lủng lẳng một lúc trước môi nàng, một hình cầu khói xám quay tròn, những âm thanh phát ra, chữ này quay trên chữ kia, nghĩa là để lộ những bộ mặt khác nhau, những kết hợp khác nhau của chúng — cái mà có lẽ do đó người ta mới bảo là “nói đi nói lại” —, rồi thì (những chữ, những chữ kết hợp) tơi tả, tan rã, tiêu tán trong không khí buổi ban đêm, nhưng cái đó vẫn chưa đến (cú đánh, cái tát) Georges vẫn đứng bất động, nàng trông thấy được hai bên sườn gầy guộc vươn lên thả xuống, và quyết định ngước mắt lên, cả hai người nhìn vào mặt nhau, nàng, gương mặt hoàn toàn trầm tĩnh, thanh thản, có chăng nữa thì cũng để hiện ra một cái gì như một sự tò mò lạnh ngắt, lơ là, tựa như nàng lùi lại nhìn chàng, từ rất xa, qua những mặt kính dòm vô hình đeo phía mặt trái, và chàng, tấ khăn lau vẫn cầm trên tay, bối rối, với dáng điệu vừa đáng thương vừa hèn hạ của con chó ốm tong teo, mãnh liệt, nhục nhã, rốt cuộc nói: “Thế ra em tin, em tưởng...”

Và nàng: “Em không tin gì cả, em chỉ hỏi anh một câu...”

Và chàng: “Em bảo thế là hỏi một câu...”

Và nàng: “Thế thôi ta đừng nói nữa...”

Và chàng:”Em tưởng rằng anh đã lấy nó...”

Và nàng: “Em chỉ hỏi anh một câu, thôi ta đừng nói nữa...”

Và chàng: “Em tưởng anh có đủ sức...”

Và nàng: “Nếu vậy thì em nói thế này cho anh vui lòng: em còn tưởng là anh đủ sức để không lấy nó nữa đấy, thôi ta đừng nói nữa...”

Và chàng: “Em nghe đây, anh thề với em...”

Và nàng: “Tội nghiệp Georges của em, anh đừng có thề.”

Và chàng: “Nhưng anh có thể thề với em...”

Và nàng: “Ồ, thế thì được rồi, được lắm, nhưng thề thì làm gì được chứ...”

Và chàng: “Louise, anh thề với em...”

Và nàng: “Dì ấy đã cho em nữ trang của dì, có lẽ anh cũng sẽ có thể cố đem bán đi nữa?” (Lại nghĩ: “Bây giờ đây!” nàng duỗi người ra, đợi chờ cái đánh, vẫn bất động, bên ngoài có vẻ thanh thản, có lẽ thở hơi nhanh hơn một tí, vẫn nhìn bóng đêm hình chữ nhật trên cánh cửa sổ mở rộng, bóng đêm dày và nặng tháng chín lọt vào trong căn phòng với mùi hương nồng và ngạt của những trái cây đang thối ủng, bò trườn giống như một lớp sơn đen lầy nhầy phủ lên mặt đất, cây cối, và như những cây nhỏ dính vào, thành từng đường chỉ, như những thứ thảo mộc hoá đá trong những lớp than dày tối mù, những rừng cây sâu hút, những cây dương xỉ với những cành có hoa mảnh khảnh uốn cong, với những lớp nhung, với các nhánh cây mảnh khảnh, những phiến lá phức mất nguyên trong tối, cỏ cây, chim chóc ngủ yên dưới màn đêm phủ xuống, vây kín cả mùi hương của những trái cây đang khô dần trong những chiếc tủ, trên những ngăn kệ đầy những tờ báo trên đó hai người còn để lại những vết tay màu nhựa thuốc, bốc lên một mùi chết chóc, thối ủng, ứ đọng, giam kín, có những con ruồi bay vù qua vù lại, bàn tay nàng đập vào cánh tay trần, lòng bàn tay mở rộng đưa ra giữa khoảng trước màn đêm và nàng (Louise), nhìn vạch máu ngắn, nói cùng một giọng trống không:) “Trời nặng nề thật, cứ mặt trời lặn là không khí lại âm ỉ, đêm nay chắc trời sẽ mưa, anh không cần phải bỏ công tưới...”

Và chàng: “Em vừa bảo gì...”

Và nàng: “Bảo là chắc anh khỏi phải nhọc công với cái máy bơm đó bởi vì em nghĩ r’...”

Và chàng: “Chuyện nữ trang kia là chuyện gì nữa đó...”

Và nàng: “Ồ, anh muốn lấy luôn?”

Và chàng: “Louise...”

Và nàng: “Anh muốn lấy, có lẽ anh có thể rút được mười ngàn quan, nếu anh biết khéo l’...”

Và chàng: “Louise.”

Và nàng: “Mười ngàn quan, anh biết đấy, tất cả những gì quí báu mà dì ấy chưa bao giờ có được giấu trong một hộp sắt trắng, em cho rằng đó là vật đầu tiên mà dì đã nghĩ là sẽ lấy đem theo khi dì bỏ đi khỏi đó, có một chiếc kiềng vàng đã gãy, những chiếc vòng buộc giày tháo riêng ra và còn cả một đống những” (Nhưng chàng không đánh nàng, chàng chỉ nói:) “Thôi đừng nói nữa” (Không cử động, nhưng nàng không trông thấy chàng, nàng phải quay đầu lại, và thay vì vậy nàng vẫn nhìn thẳng bóng đêm trước mặt, bóng đêm đen hình chữ nhật, chỉ để yên một lúc không trả lời thôi, rồi rốt cuộc nói, hay đúng hơn là tự bắt buộc nói, tự ép mình:) “Quả thật anh không muốn?” Rồi lại đối thoại, hai giọng nói luân phiên, bây giờ trộn lẫn, mà có thể gọi là giáp nhau, theo lối đi đi về về, như những cú đánh trao nhau:

“Louis

“Gì

“Thôi

“Thôi gì

“Nghe đây em muốn anh ở nhà?

“Anh muốn sao cũng được

“Em muốn anh ở nhà?

“Anh muốn sao cũng được

“Em thích thấy anh ra phố hơn phải vậy không

“Tại sao

“Em sẽ làm gì

“Nằm và đọc tại sao

“Nghe đây Louise

“Sao

“Chẳng có gì cả

“Tội nghiệp anh Georges

“Trời ơi”.

 

 

---------------------------
“Đối thoại” của Claude Simon từng xuất hiện trong Hoàng Ngọc Biên, Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, Saigon 1969.

 

 

 

Tác phẩm của Claude Simon đã đăng trên Tiền Vệ:

Tro tàn  (truyện / tuỳ bút) 
Một đoản văn tuyệt đẹp của Claude Simon (1913~) — nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1985, người đã "kết hợp óc sáng tạo của nhà thơ và nhà hội hoạ với một ý thức sâu sắc về thời gian trong việc mô tả điều kiện nhân sinh" — lần đầu tiên được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021