thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba trích đoạn trong L’EMPLOI DU TEMPS [1]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Lời người dịch: Ba trích đoạn này là những gì còn lại trong nguyên, hay gần nguyên bản dịch [chưa đọc lại] của tiểu thuyết L’Emploi du Temps của Michel Butor, sau trận cháy ở đường Trần Bình Trọng, Saigon, tháng Năm 1975: các trích đoạn [2] và [3] nhờ đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên, 328 trang, nhà xuất bản Trình bầy, 1969; trích đoạn đầu tình cờ được tìm thấy, sống sót trong một hẻm sâu trước vườn Tao Đàn, Sài Gòn, có lẽ nhờ Trời Phật đã khiến người bạn thân vừa qua đời của tôi là họa sĩ Nhã Bình mó tay vào một xấp giấy cũ bị mối ăn mất hơn phân nửa, một trưa tháng Sáu năm 2005. Trích đoạn cuối cùng “... em xán lạn biết bao trong bóng tối của anh!” xuất hiện trên tienve lần này bắt buộc phải dành tặng người nhạc sĩ trung hồ cầm của những hàng me Saigon: Cao Thanh Tùng.

 

 

MICHEL BUTOR

(1926~)

 

__________________

 

Ba trích đoạn trong L’EMPLOI DU TEMPS [1]

 

THÁNG NĂM, tháng mười

 
Thứ Năm 1 tháng năm.
 

Ánh đèn mỗi lúc một nhiều.

Chính lúc đó là lúc tôi đi vào thành phố, lúc khởi đầu những ngày tháng của tôi trong thành phố này, khởi đầu một năm mà hơn phân nửa đã trôi qua, lúc dần dần tôi tỉnh dậy trong cơn ngủ mơ màng, trong góc toa xe chỉ có mình tôi, ngồi đối diện với chỗ lên xuống, gần khung cửa kính đen bên ngoài phủ đầy những giọt mưa, hằng hà sa số những mặt kính nhỏ, mỗi mặt phản chiếu một hạt lung linh ánh sáng yếu ớt toả xuống như một màn mưa phùn từ ngọn đèn đã bẩn gắn sát trần toa xe, lúc cả màn âm thanh dày đặc đã bao phủ tôi đến hàng giờ, hầu như không ngớt, một lần nữa lại giảm dần, tan đi.

Bên ngoài, là hơi nước màu nâu, những cột trụ bằng gang đi qua, chậm dần, và giữa những trụ đó là những ngọn đèn, với những tấm kẽm tráng men phản chiếu, chắc hẳn đã có từ những năm người ta còn thắp đèn dầu hôi, và tiếp theo đó, cách khoảng đều, là những chữ màu trắng viết trên những hình chữ nhật dài mầu đỏ: “Ga Bleston Hamilton”.

Trong cả toa xe tôi chỉ có ba hay bốn hành khách, vì đây không phải là chuyến tàu suốt, mà lẽ ra tôi phải đi, chuyến mà khi đến nơi sẽ có người đón tôi, chuyến mà tôi đã bị trễ đi mất mấy phút ở Euston, và cũng chính vì vậy mà rốt cuộc tôi đã phải chờ không biết đến lúc nào chuyến xe chở thư này, trong một nhà ga bưu chính.

Nếu tôi biết được giờ của chuyến xe lửa bất tiện đến như thế nào trong đời sống ở đây, thì hiển nhiên tôi đã không do dự dời chuyến đi của tôi lùi lại một ngày, và đánh điện xin lỗi.

Tôi nhớ lại mọi chuyện một cách rất rõ ràng, nhớ lại lúc tôi đứng lên, lúc tôi đưa tay vuốt thẳng những nếp nhăn trên chiếc áo mưa của tôi, bấy giờ hãy còn mang màu cát bụi.

Tôi có cảm tưởng rằng tôi sẽ có thể nhận ra nhất định là rất chính xác chỗ để chiếc vali nặng độc nhất của tôi trên ngăn lưới để hành lý, và chỗ mà tôi đã thả nó rơi xuống, ở giữa những chiếc băng nhỏ, ngang qua cửa lớn.

Như vậy là bởi lúc bấy giờ màn nước trong mắt tôi hãy còn trong; từ đó, mỗi ngày trôi qua đã ném vào đó một nắm bụi mờ.

Tôi đặt chân lên sân ga gần như vắng ngắt, và tôi chợt nhận ra là những cái va chạm cuối cùng đã tháo tung hẳn tay nắm bằng da đã cũ của tôi, và tôi cần phải ấn mạnh ngón tay cái ở chỗ bị tuột chỉ, quặp cả bàn tay lại, và phải cố gắng gấp đôi.

Tôi đã chờ đợi; tôi đứng thẳng người, hai chân hơi dang rộng để tựa chắc trên mặt đất chưa quen này, đảo mắt nhìn quanh tôi: bên trái, mặt tôn màu đỏ của toa xe mà tôi vừa rời, với cánh cửa dày cộm đang đong đưa, và bên phải, là những đường rầy khác, với những tia sáng chói chang trên các đường sắt, và xa hơn, những toa xe khác đứng bất động và không để đèn, tất cả vẫn nằm dưới vòm mái rộng xây bằng kim khí và kính trong, mà qua đám sương mù tôi có thể đoán thấy những vết loang lở; và sau rốt trước mặt tôi, phía trên chấn rào cản mà người nhân viên sắp sửa đóng lại sau khi tôi đi qua, là mặt chiếc đồng hồ dạ quang lớn đang chỉ hai giờ sáng.

Bấy giờ tôi thở một hơi dài, và hơi không khí với tôi có vẻ đắng, the, đầy bụi than, nặng nề tựa như mỗi giọt sương đều có một hạt vụn giũa nằm bên trong.

Tôi cảm thấy có một chút gió lướt qua hai bên sóng mũi và hai bên má tôi, một chút gió cọ phớt vào da, nhám và bám chặt như lông một chiếc mền len thấm ướt.

Cái không khí mà tôi đã phải chịu thở suốt cả một năm trời đó, tôi đã tìm hiểu khi hít bằng mũi, nếm bằng lưỡi của tôi, và rõ ràng tôi đã nhận ra trong nó có chứa những hơi khói độc từ bảy tháng nay đã làm cho tôi ngạt thở, những hơi khói đã đi đến chỗ đem chôn vùi tôi trong một trạng thái cùng cực tê liệt mà tôi vừa mới tỉnh khỏi.

Tôi còn nhớ, tôi đã đột nhiên thấy hoảng sợ (và lúc đó tôi đã sáng trí: cái mà tôi vẫn sợ hãi chính là thứ điên cuồng đó, là làm cho chính mình tối mù u mê) và, trong một giây đồng hồ dài tưởng như không dứt, tôi thấy trong tôi tràn ngập cái ý nghĩ phi lý muốn quay trở lại, bỏ hết mọi thứ, chạy trốn; nhưng một cái hố rộng bấy giờ đã chia cách tôi với những biến cố buổi sáng và với những khuôn mặt với tôi từng là những khuôn mặt quen thuộc nhất, một cái hố đã lớn dần lên quá đỗi khi tôi vượt qua nó, đến độ tôi không còn nhận ra được chiều sâu của nó và phía bờ bên kia hố, xa không ai tưởng tượng được, tôi chỉ còn thấy có vẻ như một đường chân trời hiện ra rất mơ hồ trên đó người ta không còn phân biệt được một chi tiết nào cả.

 
 

THÁNG NĂM, tháng mười

 
Thứ Sáu 2 tháng năm.
 

Tôi đã nhặt chiếc vali của tôi lên và tôi bước đi trên mặt đất mới này, trong bầu không khí của xứ người, giữa những chiếc xe lửa đứng bất động.

Người nhân viên đã đóng chấn rào sắt lại và đã bỏ đi.

Tôi đói bụng, nhưng trong phòng lớn, những chữ “tiệm rượu”, “nhà hàng”, lại bày ra phía trên những màn lưới sắt kéo kín.

Muốn hút thuốc, tôi lục trong túi áo khoác của tôi, nhưng gói gauloises đã hết, và trong túi không còn gói nào khác nữa.

Thế mà tôi nghĩ là chính tôi đã xếp bức thư của ông Giám đốc hãng Matthews and Sons trong đó, vài phút trước đây, hay vài giờ trước đây, tôi không còn nhớ rõ lúc nào nữa, bức thư cho tôi biết địa chỉ của khách sạn mà người ta đã dành phòng sẵn cho tôi.

Tôi đã đọc nó lại một lần cuối cùng trên xe lửa, vậy thì nó không thể nằm trong vali tôi được, vì suốt đoạn đường đi tôi không hề mở vali ra; nhưng sau khi hoài công tìm kiếm trong khắp các quần áo tôi, tôi đã phải thử xem lại, đã phải luồn tay vào giữa những chiếc sơ mi, một cách hoài công.

Chắc hẳn bức thư đã rơi mất trên toa xe lửa mà lúc này tôi không còn trở lại được nữa, nhưng tôi chẳng quan tâm một tí nào tới việc đó, vì tôi tin rằng tôi sẽ tìm được dễ dàng một nơi trú ngụ tạm thời trong những vùng lân cận đâu đây.

Bác tài xế taxi mà tôi đúng là hi vọng cuối cùng trong đêm, đã hỏi tôi muốn được đưa về đâu (những lời bác ta nói không thể có một nghĩa nào khác hơn), nhưng những chữ bác ta dùng, tôi không nhận ra được, và những chữ tôi muốn dùng để cảm ơn bác, tôi cũng không làm sao mở miệng nói ra được; lúc đó tôi chỉ nghe mình phát ra một tiếng thì thầm không rõ.

Bác ta nhìn tôi, lắc đầu và, trong khi tôi ra khỏi nhà ga, một cách lặng lẽ, ngay phía trước mặt, tôi thấy chiếc xe màu đen của bác đánh một vòng trên bãi trước nhà ga, đi xuống con đường dốc hai bên có đắp tường rào, rồi biến mất sau con đường vắng vẻ ở phía dưới.

Những ngọn đèn đường cao chiếu một thứ ánh sáng màu vàng cam vào những bảng hiệu đèn đã tắt, vào những mặt tiền cao không cửa, ở đó tất cả các cửa sổ đều tối mù, tất cả các tủ kính đều đã đóng, và không có một dấu hiệu gì cho biết có khách sạn cả.

Tôi đi đến một nơi mà nhà cửa cách xa nhau, và khoảng trống ở giữa các ngôi nhà phía dưới, tôi trông thấy những chiếc xe buýt hai tầng đang nổ máy.

Số rất ít những người đi ngang qua mặt tôi có vẻ vội vã, làm như chỉ còn có vài phút nữa là đến một giờ giới nghiêm nào chặt chẽ lắm vậy.

Bây giờ thì tôi biết con đường rộng mà tôi đã đi qua ở phía bên trái chính là Brown Street; trên tấm bản đồ mà tôi vừa mua của Ann Bailey, tôi theo dõi nguyên cả quãng đường đi của tôi trong đêm đó; nhưng vào những phút giây bỡ ngỡ như vậy mà ở góc phố tôi đã không tìm xem một tên đường nào, bởi vì những chữ viết mà tôi mong muốn được đọc, là chữ “Khách sạn”, “Nhà trọ”, “Nghỉ đêm và điểm tâm”, những chữ viết mà từ dạo đó khi đi ngang trở lại trước các căn nhà vào lúc ban ngày tôi đã trông thấy được lớp men sáng chói trên các cửa kính của tầng lầu nhất hay tầng lầu nhì, lúc bấy giờ lại bị khuất mất trong bóng tối của cái giờ giấc khác thường đó.

Tôi trở lại phía quảng trường đã vắng người trong lúc tôi bỏ đi, tôi lê bước trong mấy đường hẻm phía cửa hậu của các toà nhà, cứ bước mười bước tôi lại dừng chân đặt chiếc vali nặng trĩu xuống đất và đổi tay; thế rồi vì sương mù biến thành mưa, tôi quyết định trở lên nhà ga để chờ sáng.

Khi lên đến đầu con dốc, tôi đã ngạc nhiên thấy mặt tiền nhà ga lớn đến như vậy; hiển nhiên là lúc nãy tôi đã không nhìn kỹ, nhưng có lẽ nào tôi đã đi qua dưới cổng này sao? Lẽ nào lại không có một mái hiên ngoài? Và cái tháp kia, làm sao tôi lại không hề thấy nó?

Khi bước vào, tôi mới vỡ lẽ ra là đi loanh quanh có mấy bước như vậy mà tôi đã lạc đường; tôi đã đi tới một nhà ga khác, ga Bleston New Station, cũng vắng ngắt như nhà ga trước.

Tôi cảm thấy đau nơi chân, tôi bị ướt hết, tay lại bị phồng lên; tôi nghĩ tốt hơn nên cứ ở lại đây.

Phía trên các cửa lớn tôi đọc thấy những chữ: “Chỉ dẫn”, “Bán vé”, “Tiệm rượu”, “Sếp ga”, Phụ tá”, “Kho hàng hoá”, “Phòng đợi hạng nhất” (tôi vặn quả nắm, thử mở cửa), “Phòng đợi hạng nhì” (vẫn không mở được), “Phòng đợi hạng ba” (bên trong có đèn sáng).

Tôi bước vào và thấy hai người đàn ông đang nằm ngủ trên hai chiếc băng gỗ, hai người đàn ông thật bẩn, một người nằm nghiêng, mặt che dưới một cái nón, một người nằm ngửa, đầu gối co lên, đầu ngửa ra phía sau, miệng há hốc, gần như chẳng có một cái răng nào, với một bộ râu nửa tháng chưa cạo và một vết vẩy nằm trên gò má phải, bàn tay mặt thiếu mất hai ngón buông thòng xuống đất.

Một người đàn ông thứ ba, ngồi bên cạnh cái lò sưởi lạnh tanh, cao tuổi hơn, lưng còng, hai tay khoanh trước bụng, quan sát tôi từ đầu tới chân, đưa mắt chỉ cho tôi hai người đồng hành của ông như là để cảnh giác tôi, rồi hất hàm chỉ cho tôi một chỗ trống, mà tôi phủi qua loa trước khi đặt chiếc vali lên và ngồi xuống bên cạnh, tựa khuỷu tay lên nắp đậy.

Mười lăm phút sau, khi có tiếng chân nặng nề bước đến gần, người đàn ông còn thức nọ nhắm mắt lại.

Tôi thấy quả nắm quay từ từ; các bản lề bắt đầu kêu nghiến; qua khe cửa hé mở hiện ra cái nón màu xanh đen, rồi kế đến là khuôn mặt của một viên cảnh sát; ông ta có vẻ hài lòng về sự yên tĩnh và tắt đèn; các bản lề một lần nữa lại nghiến; ổ khoá phát lên một tiếng gọn êm ái.

Ngay một lát sau đó, dù cố gắng hết sức, tôi cũng đã thiếp đi.

 
 

THÁNG NĂM, tháng mười

 
Thứ Hai 5 tháng năm.
 

Một cơn đau nhói phía bên phải đã làm tôi thức dậy; tôi thử cố trở mình; bàn tay tôi cọ trên một mặt phẳng sù sì; tôi có cảm tưởng bị phủ đầy một thứ bùn đông lạnh.

Khi tôi đứng lên, các bắp thịt tôi như rút lại, tất cả các khớp xương cứng đơ, và tôi đã phải duỗi ra từng khớp một.

Khi tôi mở mắt, một thứ ánh sáng xám giống như nước giặt áo quần chảy lan khắp phòng; ba con người phiêu bạt kia vẫn thở đều đều.

Tôi kiểm điểm lại các đồ đạc trong các túi tôi (lúc đó có một tiếng còi xe lửa huýt), tôi nhặt dưới đất lên một mẩu dây dài màu trắng nằm lạc giữa đống giấy vụn, đoạn, sau khi sửa qua loa lại tay nắm tôi bước ra, cố gây thật ít tiếng động, và hướng về phía tiệm rượu bấy giờ mới chịu mở cửa.

Trong tiệm có khoảng mười người đang uống bằng những cái tách tráng men trắng không có đĩa lót, họ ngồi cạnh những chiếc bàn tròn nhỏ rải rác hai bên một cái lò sưởi giống như lò sưởi trong phòng đợi, nhưng ở đây có một ngọn lửa than đá cháy trên một cái vỉ sắt.

Ba hay bốn người khác đang đứng đợi, chống khuỷu tay trên quầy rượu, phía sau đó hai người đàn bà đang loay hoay với những chiếc bình lớn.

Sau khi xem xét bảng ghi giá cả treo trước cái kệ sáng loáng vô số những chai rượu, tôi bước lại gần và gọi một ly rum lớn.

“Thưa ông, ông bảo gì?”

Với nét tàn tạ, xương xẩu, những cử chỉ nóng nảy, người đàn bà ít nhất cũng tới bốn mươi tuổi, và sau mái tóc kiểu cọ của bà chắc là đã đã có nhiều sợi ngả màu xám rồi.

“Cho tôi một ly rum.”

Tôi muốn nói: “xin bà vui lòng”, muốn làm cho câu nói dịu dàng, nhưng tôi đã phải khổ hết sức để tìm cho ra vài danh từ cần phải nói, và tôi đã phát âm tệ đến nỗi chính tôi cũng còn biết được như vậy, và tôi lấy làm khổ tâm.

“Rum à?”

“Vâng.”

“A, thưa ông không được, tôi rất tiếc.”

“Ủa...”

Bà ta quay qua một khách hàng khác đang cầm đưa cho bà một cái tách để bà rót trà vào.

Trước bức tường tôi thấy được trên các nhãn hiệu cuộn tròn những hình bản đồ Jamaïque, những khuôn mặt người da đen, những đám mía.

“Thế thì cho một ly whisky vậy.”

“A thưa ông không, tôi rất tiếc. Trà nhé? Hay nước cam?”

Bà bạn bên cạnh, cao tuổi hơn, khoảng sáu mươi, nhìn tôi xoi mói bằng một con mắt tò mò khó chịu.

“Không có gì khác sao?”

“Nước suối, soda, cà phê, xúp...”

“Không có rượu sao?”

“Thưa ông không có rượu, ông đừng hỏi hoài vô ích. Không bán rượu trước mười một rưỡi.”

“Cho trà vậy.”

Tôi đem trà đến uống trước lò sưởi, trong màn hơi bốc lên từ chiếc áo mưa bấy giờ hãy còn mang màu cát bụi của tôi.

Khi tôi đặt cái tách không lên một cái bàn, tôi thấy trên tách có những dấu tay tôi để lại; tôi đưa tay sờ vào hai má sần sùi và tôi thấy hổ thẹn đã đến trước mặt bà bán hàng với bộ mặt như thế này; lúc bấy giờ tôi cũng bẩn không kém gì các bạn cùng ngủ với tôi trong phòng đợi.

Tôi đi xuống phòng rửa mặt; dĩ nhiên xuống đó không phải là để cạo râu, vả lại cũng không có xà phòng, mà chính kỳ cọ cho sạch được cũng đã thấy nhẹ nhõm trong người lắm rồi.

Chiếc áo của tôi dán sát vào da, và trong tấm kính mà tôi khó nhận ra mình được, tôi thấy trên cổ áo những đường lằn xám và những chấm đen của vụn tro than bấy giờ hãy còn từ trên tóc tôi rụng xuống.

 
 

THÁNG NĂM, tháng mười

 
Thứ Tư bảy tháng năm.
 

Sau khi rảnh tay vứt chiếc vali của tôi lại ở phòng hành lý, tôi buộc lại thắt lưng chặt hơn một tí, thọc sâu hai bàn tay vào túi quần và bắt đầu đi dọ tìm một tiệm hớt tóc.

Chiếc đồng hồ lớn ở ngoài đường chỉ sáu giờ rưỡi; cơn mưa đã dứt; mấy chiếc taxi đen đậu dọc theo cổng vào; vài người phu khuân vác xắn tay áo lăn các thùng đồ trên những chiếc xe thấp hai bánh và chất lên một chiếc xe hàng; những du khách vội vã bỏ đi, vai khoác chiếc áo choàng dài màu sậm, đầu đội nón mơ lông hơi hẹp, và trên tay móc cán dù.

Tôi quay đầu lại để xem kỹ mặt tiền, với cái tháp nằm bên phải tôi, và trên tấm bảng hình chữ nhật sơn đỏ, tôi đọc thấy những chữ mầu trắng: Bleston New Station.

Tôi vừa đi xuống con dốc vừa lặp lại: “lúc nãy ta không có xuống ở ga này, ta đã xuống ở ngả Hamilton Station, đây là lần đầu tiên ta đặt chân đi về phía này”; thế nhưng tôi cũng cảm thấy khó mà thuyết phục được mình về điều này; trong trí tôi hai toà nhà lẫn lộn với nhau; và tôi không làm sao tưởng tượng ra vị trí của ga nầy đối với ga kia được.

Tựa như có một cái gì giả mạo nơi những ngôi nhà hãy còn im ngủ kia, đang cứ mỗi lúc một mọc cao lên chung quanh tôi.

Trên quảng trường, bầu trời tháng mười giăng rộng, với một bóng mặt trời tái nhạt và thấp, hơi ửng hồng, nằm trong những đám mây đua nhau bay tựa như những đàn súc vật thuộc đại thảo nguyên ở Bắc cực, với bộ lông bị ướt, và trên những vỉa hè gió cuốn lốc không biết bao nhiêu là vé xe buýt, cọng rơm, vỏ bào và lá khô.

Ở giữa quảng trường những chiếc xe buýt đỏ hai tầng lại bắt đầu tụ về.

Trên hai tấm bảng bằng gang gắn đinh ốc vào một tảng đá làm móng, tôi đọc ra được: New Station Street, Alexandra Place, và trước mặt, trên một mũi tên chỉ qua phía bên phải, chiều cao ngang nửa trụ một ngọn đèn đường, là chữ Hamilton Station.

 

[còn tiếp 2 kỳ]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021