thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba trích đoạn trong L’EMPLOI DU TEMPS [2]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Lời người dịch: Ba trích đoạn này là những gì còn lại trong nguyên, hay gần nguyên bản dịch [chưa đọc lại] của tiểu thuyết L’Emploi du Temps của Michel Butor, sau trận cháy ở đường Trần Bình Trọng, Saigon, tháng Năm 1975: các trích đoạn [2] và [3] nhờ đã được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại của Hoàng Ngọc Biên, 328 trang, nhà xuất bản Trình bầy, 1969; trích đoạn đầu tình cờ được tìm thấy, sống sót trong một hẻm sâu trước vườn Tao Đàn, Sài Gòn, có lẽ nhờ Trời Phật đã khiến người bạn thân vừa qua đời của tôi là họa sĩ Nhã Bình mó tay vào một xấp giấy cũ bị mối ăn mất hơn phân nửa, một trưa tháng Sáu năm 2005. Trích đoạn cuối cùng “... em xán lạn biết bao trong bóng tối của anh!” xuất hiện trên tienve lần này bắt buộc phải dành tặng người nhạc sĩ trung hồ cầm của những hàng me Saigon: Cao Thanh Tùng.

 

 

MICHEL BUTOR

(1926~)

 

__________________

 

Ba trích đoạn trong L’EMPLOI DU TEMPS [2]

 
Đã đăng: trích đoạn [1]

THÁNG NĂM, tháng mười

 
Thứ Ba 13 tháng năm.
 

Hãy còn rất mệt mỏi vì cuộc hành trình, lại bị túi bụi với những ngày làm đầu tiên mà những công việc người ta giao cho tôi dù có đơn giản cũng vẫn là những ngày khó nhọc nhất trong năm, vì sự cố gắng phiên dịch vẫn còn đều đặn, và vì tôi còn phải làm quen với những chi tiết vụn vặt của một lề lối hành chánh mới, cho nên tối đến là tôi lại thấy cô đơn vô cùng, không đủ sức quyết định một việc gì nhỏ nhặt, chỉ biết sau khi nuốt vào miệng miếng ăn nhạt nhẽo cuối cùng là vội vàng leo lên tầng trên chiếc xe buýt 17, để nhìn đường phố lúc đó vẫn còn vô danh đối với tôi diễn hành qua, để rồi lại trở về căn phòng này mà mỗi lần bước vào tôi vẫn cố để khỏi phải nhìn thấy.

Trong chăn đệm, trong bóng tối, tôi tự nhủ: “thứ Bảy, mọi việc sẽ thay đổi, ta sẽ có thì giờ đi tìm một chỗ ở khác, sẽ có thì giờ nhận ra được phương hướng trong cái thành phố mà ta vẫn còn chưa biết được những tài nguyên này”.

Vậy thì vào buổi trưa, ngày sáu tháng mười, khi ra khỏi hãng Matthews and Sons, lúc gương mặt nào cũng thấy tươi lên vì ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm vào những ngày cuối tuần (và đối với chính người bạn ngồi cùng phòng với tôi, đó cũng là tuần dài như mọi tuần khác, mà việc tôi đến đã thành biến cố độc nhất, rất tầm thường), được an ủi bởi những cái nhìn đã tốt đẹp hơn và bởi bầu trời dịu và sáng, tôi đi vào ngõ Tower Street về phía bên phải, với hi vọng khám phá ra được một tiệm ăn thích thú.

Chính ở giữa những mặt tiền ảm đạm này mà mỗi buổi sáng khi xuống xe bước đi, tôi vẫn thấy cái hình tam giác cao màu đỏ của chiếc xe buýt 17 xa dần, giữa những mặt tiền ảm đạm mà phía trên cao có những chữ hoa dày cộm mạ vàng đã mờ nhạt xếp hàng xiêu vẹo giống như những chữ viết bằng phấn trên những tấm bảng đen của các trường sơ cấp.

Tôi nghĩ tôi đang ở rất gần Nhà Thờ Cũ, trạm cuối của đường xe này, và tôi cứ tưởng là ngôi nhà thờ ở trước mặt tôi, bị che khuất bởi một ngôi nhà cao nào đó, thế mà chính thật là nó ở phía bên phải tôi.

Những đường phố, những quảng trường mà tôi đã đi qua, những toà nhà mà tôi đã trông thấy và ngay cả những toà nhà mà tôi chỉ biết là có thôi, đã bắt đầu sắp xếp thứ tự trong đầu óc tôi, đang chồng chất thành một biểu đồ tổng quát mơ hồ rất sai lạc về thành phố này, do biểu đồ đó tôi đã nhận định phương hướng để đi mà không hề biết, về thành phố mà tôi vẫn chưa hề thấy bản đồ và lại còn không đủ khả năng định được những kích thước thật sự.

Từ khắp các cửa lớn những nhân công mặc áo mưa và đội nón mơ lông đi ra; những chiếc xe chậm chạp chạy qua, nối đuôi nhau rất sát; nhưng trong khi tôi đang chờ đợi thấy đám đông và số cửa hàng tăng dần thêm mỗi lúc tôi càng đi tới, thì trái lại tôi bước vào những khu càng lúc càng yên tĩnh hơn, ở đó những tủ kính, những bảng hiệu, ngay ở gần hãng Matthews and Sons cũng đã hiếm rồi, lại càng thưa thớt, và ở đó càng lúc càng có ít tiếng ồn.

Tôi bước vội và đi đến một vùng mà mặt đường vắng người bị lún xuống, nhà cửa chỉ còn có hai hay ba tầng, đường sá bị chắn ngang bởi một bức tường nhỏ mà phía sau, dưới đáy một cái hầm chừng hai mươi thước, thành hầm thẳng đứng như những vách tường dọc theo thông hào của một cái lâu đài, tôi đã khám phá ra một dòng nước sền sệt, đen ngòm và sủi bọt, nước từ than bùn rỉ ra, với cái mùi mà tôi đã ngửi thấy khi lần đầu tiên hít không khí ở thành phố này, trên sân ga Hamilton Station, nhưng ở đây mùi nồng hơn và ghê rợn hơn.

Trời tối sầm lại; tôi đói bụng.

Nghe tiếng chân tôi bước lại, một người đàn ông ngồi trên những bực đầu tiên của một chiếc cầu thang nằm đâm xuống ngoảnh lại phía tôi cái khuôn mặt của hắn, cùng màu đen như dòng nước.

“Xin lỗi ông, ông làm ơn chỉ giùm tôi làm thế nào đi nhanh nhất để về đến trung tâm thành phố?”

“Ông bảo sao?”

Hắn ta phát âm một cách khó nhọc, như là chán chường lắm; người hắn thu lại, như một khối đất có phủ một chiếc áo choàng ngoài, thân mình chồm về phía trước, hai chân xếp lại, hai bàn tay cầm hai cùi chỏ tựa trên đầu gối để cao vừa ngang mắt cá của tôi, còn da, ngay cả làn da trên môi hắn, thì giống như là da thú mỏng đã tróc lớp sơn bóng từ lâu, hắn đưa đôi mắt vàng và nâu nhìn vào mắt tôi.

“Làm sao để đến trung tâm?”

“Trung tâm theo ông nghĩa là sao?”

Tất cả những chữ hắn nói ra đều hơi biến khác đi, như khó nghe, nhưng hắn nói rõ từng chữ đó bằng một giọng trầm và khàn, chậm đến nỗi tôi vẫn còn thì giờ để nhận ra từng chữ một.

“Alexandra Place.”

Đó là thí dụ đầu tiên đến trong trí tôi; tôi cũng có thể hỏi hắn: “Nhà Thờ Cũ”, hoặc “Toà Đô Sảnh” mà cả hai nơi tôi chẳng hề biết nơi nào hết.

“Alexandra Place, tôi không được biết.”

Hắn lắc đầu chầm chậm để làm dấu.

“Không, thật vậy, tôi không được biết; từ mấy năm nay tôi không hề đi về phía đó.”

“Không bao giờ ông ra khỏi khu này sao?”

“Đây không phải là khu của tôi, như ông biết đó; tôi ở gần chiếc cầu mà ông có thể thấy đấy.”

“Ở gần đây có nhà hàng nào không?”

“Tôi không biết nữa.”

“Tôi xin lỗi phải quấy rầy ông; tôi là người ngoại quốc, tôi mới đến tuần này...”

“Khỏi cần phải nói, ông ạ, thấy thì biết ngay mà.”

“Thế còn gần chỗ ông ở, về phía cầu?”

“Một người ngoại quốc, Trời ơi! Thế chứ ông đến đây làm gì? Được rồi, được rồi, ông khoan đi đã.”

Khi hắn đứng lên, tôi ngạc nhiên về chiều cao của hắn (hắn cao hơn tôi một cái đầu).

Hắn phá lên cười cái cười ồn ào mà không bao giờ xoá hẳn được cái buồn của hắn, cái cười không thể dự đoán trước mà ngay bây giờ cũng ít khi tôi có thể thông cảm được.

 
 
Thứ Tư 14 tháng năm.
 

Chúng tôi đi dọc theo dòng sông mà không nhìn xuống nước; hắn xóc những đồng xu leng keng trong túi; và khi chúng tôi đi ngang trước một hàng rào sắt, hắn dừng lại nói với tôi:

“Chỗ làm của tôi đây, nhà máy bông sợi, như ông biết đấy; thế còn ông?”

“Tôi làm ở hãng Matthews and Sons, tôi phụ trách thư từ gửi qua Pháp.”

“Sao?”

“Tôi viết thư tiếng Pháp.”

“Ông là nhân viên chứ gì! Suốt ngày ngồi trên ghế, hả? Tốt lắm. Và ông là người Pháp? Chưa bao giờ tôi gặp người Pháp cả; ở gần đây chắc hẳn là không có nhiều người Pháp.”

“Tôi cũng không biết được; tôi chưa quen biết ai hết ngoài những người làm việc chung trong sở.”

Những giọt mưa rất nhỏ rơi xuống.

“Còn ông?”

“Sao?”

“Ông từ đâu đến?”

“Tôi? Tôi thì khác; tôi ở đây đã lâu lắm rồi.”

“Nhưng trước kia?”

“Từ châu Phi đến, dĩ nhiên rồi, như bọn họ vậy mà.”

Hắn dừng lại trước một cánh cửa hé mở, hai bên cửa có gắn bằng đinh ốc những tấm bảng quảng cáo rượu bia, bằng tôn tráng men nền màu trắng, hình tam giác màu đỏ có chữ Bass, và chiếc đàn thụ cầm Guinness.

“Nhà hàng ông nói là ở đây à?”

“Cứ vào đi, ông sẽ thấy dễ chịu. Chúng ta sẽ đi ăn sau.”

Chính lúc đó tôi đã bắt đầu làm quen với cái lạnh của những tiệm rượu vắng gần một nửa và với lớp bụi dày đóng trong các tiệm đó.

“Ông dùng gì đây, ông người Pháp?”

Tôi không biết mùi vị những thức uống ở Bleston, giá cả, và cách thức để gọi họ đem đến.

“Gì cũng được.”

“Thưa bà cho hai hũ bia thứ gắt.”

Cái thứ nước đen sì và bầy nhầy chảy tràn ra những chiếc ly lớn kẻ sọc có quai kia, tôi thấy hình như đó chính là nước ngoài sông, đem đun chín và được cô lại.

Hắn trả tiền không để tôi có đủ thì giờ phản đối; hắn uống một hơi, rồi lấy lưng bàn tay đen của mình quẹt lên môi chùi; tôi thì phải lâu nhiều hơn nữa mới uống hết được.

Vì tôi không muốn phải nợ hắn, nên lại có thêm một chầu nữa, và cũng vì tôi thấy rất đói, những bức tường bắt đầu đu đưa qua lại chung quanh tôi; tôi đã phải ngồi lại một lúc, những ngón tay bám vào mép đồng, nhìn những vũng bọt đọng tròn trên tấm vải sơn gỗ đào và những bọt nước của chúng, mỗi bọt có điểm một ánh nhỏ phản chiếu những chiếc cửa sổ.

Khi chúng tôi đi ra, bên ngoài mưa đã ướt hết.

Chính hắn lại bắt đầu nói chuyện, nhưng với một giọng hoàn toàn khác hẳn, nhỏ hơn, gầm gừ, cặp mắt nhìn chòng chọc trên mặt đất.

“Ở Bleston có dân da đen, ngoài tôi ra còn có rất nhiều người da đen, nhất là khi người ta đi xa hơn một tí về phía bắc, nhưng không có ai thật sự ở xứ tôi cả; hầu hết họ từ miền Sierra Leone đến, và họ nói với nhau bằng thứ tiếng ở đó, người Anh không hiểu, mà tôi đây cũng chẳng hiểu được.

Họ sống với nhau trong những ngôi nhà lớn với vợ, và họ có những máy và đĩa hát; thỉnh thoảng tôi đến thăm họ, người này hoặc người nọ, nhưng ông hiểu cho, tôi không phải hoàn toàn cùng một giống người với họ.”

Qua một cánh cửa kính lớn trên đó người ta viết thực đơn hàng ngày bằng sơn trắng, tôi trông thấy một người đàn ông nhỏ thó chột mắt mang miếng vải trước ngực đang cúi mình trên cuốn sổ kế toán của ông ta, khi chúng tôi bước vào, ông ta chờ đến lúc chúng tôi ngồi xuống ở một trong ba chiếc bàn mới đứng dậy, khập khiễng đi lại ném trên chiếc khăn bàn bằng giấy lấm chấm ở giữa chúng tôi một nắm những bộ muỗng nĩa để ăn.

“Như thường lệ?”

“Như thường lệ, cho hai người.”

“Bánh mì... Cá... Rau... Dấm... Trà; được chứ?”

Rồi ông ta đến ngồi xuống lại sau két.

Vài phút sau, sau khi rút trong miệng ra một cái xương cá cuối cùng, ông bạn đồng hành nói nhỏ với tôi:

“Không đến nỗi tệ lắm, hả? Chắc ông muốn tráng miệng chứ?”

“Ông dùng gì?”

“Tôi à? Thường thì chẳng dùng gì cả; ông biết đấy, cũng chẳng có gì ngon lắm... Vậy thì nếu ông cũng không muốn lắm, tôi tưởng tốt hơn ta không nên làm rộn ông kia.”

Tôi lại thấy lạnh.

“Tôi thấy còn muốn một tách...”

“Ông chỉ cần đến nhà tôi; tôi sẽ pha trà cho ông, và sẽ là thứ trà ngon nhất. Đi đi vậy!”

Hắn đứng dậy, hắn gài nút áo mưa lại, hắn đến đặt trên cuốn sổ kế toán một đồng bạc và kêu lên: “chào Jack”; nhưng lão kia không thấy nhúc nhích.

Ngoài mưa, hai cô bé mặc đồ đen bỏ chạy trốn khi chúng tôi tiến lại gần, làm tắt nghẽn một tiếng cười cao vút.

“Tôi nợ ông bao nhiêu?”

“Chẳng có bao nhiêu cả.”

“Sao? Ông làm như vậy thì thật là tử tế, nhưng tôi vừa mới đến đây, có lẽ tôi lãnh cũng được nhiều tiền như ông.”

Tôi rút trong túi ra một nắm tiền.

“Tôi cũng biết như vậy, rằng ông cũng lãnh được nhiều bằng tôi.”

“Trong trường hợp đó...”

“Tại sao ông lại không muốn nhận những gì tôi đãi ông? Ông cho rằng một người da màu trả tiền ăn cho ông là một điều hổ thẹn sao?”

“Đâu phải vậy...”

“Vậy thì tại sao ông lại đứng lại đó? Tôi tưởng ông muốn uống một tách trà cơ mà.”

Hắn vỗ một cái lên vai tôi để kéo tôi đi.

Nếu tôi đã đi theo hắn thì dù chính hắn gây cho tôi ngại ngùng và lo lắng, chắc chắn đó là do tính tò mò, mà cũng bởi tôi biết ơn về sự thành thật và rộng rãi của hắn, nhưng nhất là vì hắn nói chậm rãi đến nỗi tôi hiểu được, và đồng thời hắn nói cũng sai đến nỗi khi nói với hắn tôi không còn thấy hổ thẹn một tí nào về cách phát âm đáng ghét của tôi nữa.

“Dĩ nhiên nhà tôi cũng không lớn lắm, nhưng ông sẽ thấy là nó cũng khá sạch sẽ.”

Tôi nhìn những ngôi nhà biệt lập chung quanh chúng tôi, không có cửa hàng, với một vài tấm quảng cáo dán thưa thớt hai bên, không có màn che ở những cửa sổ trên các tầng lầu một độc nhất.

Hắn xoay chiếc chìa khoá sáng ngời giữa ngón cái và ngón trỏ gập lại, sau đó tôi trông thấy cái cầu thang dốc đứng với cả cái lan can rung chuyển mỗi khi người ta đặt tay lên.

 
 
Thứ Năm 15 tháng năm.
 

Trong khi tôi dè dặt bước vào căn phòng tối om, vào căn phòng mà thoạt tiên tôi chỉ phân biệt được chiếc giường lớn bị xáo tung, một thứ mùi chua chua của quần áo cũ xông tạt vào mặt tôi.

“Ông bỏ áo mưa ra đi, ông có thể treo ở đây; ông lấy ghế ngồi chơi.”

Khi hắn bỏ tấm màn phủ các cửa kính xuống, ánh sáng lùa vào như một luồng gió, và những nếp xếp uốn vòng của chăn đệm mở tung mang màu thạch cao.

“Ông không lạnh sao? Tôi có thể đốt lò sưởi. Ông thấy mà; lò cũng khá nóng đấy. Ông đến gần để hong cho khô. Tôi đem nước đi đun đây; một tí là xong ngay mà.”

Ngọn lửa xanh của cái lò chiếu lòe dưới đất, gần dưới bồn rửa mặt; bên phải lò, trên một tấm thảm nhỏ, tôi thấy hai chiếc giày cao gót và trong chiếc tủ treo quần áo mà hắn vừa mới đóng lại, tôi thấy nhiều áo dài.

Hắn sửa lại chiếc giường, và nói xin lỗi:

“Từ nhiều ngày nay nàng không đến, ông hiểu cho...”

“‘Nàng’ vẫn thường đến sao?”

“Tôi tin là nàng sẽ không đến đây nữa; chắc hẳn nàng đã kiếm được việc làm rồi.”

Sau khi trải lên bàn một tờ báo cũ, hắn đặt lên hai cái ly, một túi giấy trắng đựng đường, hai cái muỗng nhỏ bằng kim loại mạ bạc, và cái lọ bằng sành trong đó hắn đổ vào từng nhúm lớn chỗ trà còn lại trong một gói bọc bằng thiếc mỏng, rồi cho nước sôi vào.

“Ông thích trà lắm sao?”

“Khá thích.”

“Trà sẽ đậm lắm đấy. Tôi không có sữa.”

Cái thứ nước mà hắn rót vào cho tôi nó cũng có vẻ đen như là rượu bia lúc nãy và như nước trong hố, với tất cả những mảnh vụn lá vàng lềnh bềnh trên mặt nước, đã phát xuất ra cái vị hăng nồng gắt gao đó.

Hắn vẫn đứng thẳng, và đưa bàn tay phải đen sì của hắn nâng cái ly nóng bỏng lên, ly trong suốt như có thắp một ngọn lửa bốc khói.

“Tôi xin chào mừng ông đến nhà tôi, ông người Pháp, tôi xin chào mừng ông đến thành phố Bleston tuyệt đẹp này...”

Hắn muốn nói lên những lời đó một cách trẻ trung, nhưng sự chậm rãi trong cách nói đã mang lại cho những lời kia một sự trịnh trọng lạ lùng, rồi bất chợt tiếng cười sau cuống họng phát ra, bắt đầu từ chữ “magnificent”, tiếng cười gượng lại, làm rối loạn những chữ sau cùng, rồi lại phá lên, giọng chua cay, nghẹn ngào giận dữ, làm rung chuyển những cửa kính, rồi sau rốt ngừng hẳn lại, như đã vỡ tan.

Không biết bao nhiêu lần, khi lang thang trong những đường phố hay trong những phòng trọ, tôi đã nghe lại bài diễn văn chào đón cay đắng đó thì thầm bên tai, và ngay bây giờ, mỗi khi không có mặt hắn mà tôi tập trung ý nghĩ về nhân vật Horace Buck, là chính trong cái dáng điệu đó, hay nói đúng hơn, trong vai trò đó mà hắn đã hiện ra với tôi.

Sau khi đã nốc hết một ngụm lớn, sau khi đưa lưỡi liếm lên môi, hắn ngồi xuống, tréo hai bàn tay với nhau chung quanh cái ly đã cạn hết một nửa của hắn.

“Ông sẽ ở lại đây lâu chứ?”

“Một năm.”

“Ít ra cũng được trả lương khá chứ?”

“Chừng ba mươi lăm livres mỗi tháng.”

“Vậy là ông giàu rồi, ông người Pháp ạ; ông mới ở Bleston từ năm ngày nay, thế mà ông đã lãnh tiền còn nhiều hơn tôi là người đã ở đây từ nhiều năm nay, còn nhiều hơn phần đông những người đã sinh ra ở đây và không bao giờ ra khỏi đây.”

Giọng hắn nhỏ đi, già đi; khi tôi bắt đầu uống hắn đã đưa hai ngón tay búng vào nhau một cái để chận ngang tôi.

“Ông chờ tí, chắc là tôi có một tí rượu rum; nó sẽ làm ông ấm hơn nữa. Ờ, một tí dưới đáy thôi.”

Những giọt cuối cùng từ cổ tay nhỏ xuống ly hắn.

“Ồ, thành phố này cũng không đến nỗi tệ lắm; gió ở đây không khi nào lạnh kinh khủng bằng ở ngoài bờ biển; đối với ông có thể thành phố này êm dịu đấy.”

Hắn để chai lên nền gạch bông, rồi hít mạnh hơi rượu.

“Ông nghe tôi đây: khi tôi đến đây, mười năm sau khi xuống tàu ở Cardiff, tôi đã tự nhủ: từ nay hết thay đổi chỗ mỗi ba tháng nữa; chẳng cần phải bỏ việc và phòng trọ của ta, để rồi lại kiếm cùng thứ đó, thời tiết cũng vẫn xấu, chẳng cần phải từ giả những bạn bè ngay lúc mà ta bắt đầu nhận rõ được tiếng nói của họ, để rồi lại từ giả liền ngay sau đó những bạn bè mà ta sẽ gặp; thành phố này kể cũng khắc khổ thật, nhưng ở đây thì thành phố nào cũng khắc khổ cả; ta phải chờ đợi, để một ngày kia có thể đi luôn, có thể xuống tàu, và dứt khoát một lần dọn đến ở, mở một cửa hàng, trong một xứ hoàn toàn khác ở đây.

Nhưng tất cả những gì tôi đã thành công dành dụm được trong khi sống như một thứ người dã man, đàn bà họ biết cách lấy của tôi đi.

Ông xem tôi có thể làm gì với những chiếc áo dài của nàng, nếu nàng không trở lại lấy? Một người đàn bà khác sẽ không thèm đâu.”

Nếu hắn đã bày tỏ sự căm hờn của hắn đối với người và cảnh ở Bleston như vậy, một cách chậm rãi, mỗi chữ lại được thêm vào một cố gắng thầm lặng, lặp đi lặp lại, lúc nào cũng ngắt ngang những câu nói bằng những chữ “ông hiểu không” “ông thấy không”, những chữ mà tôi trả lời bằng “vâng”, “chắc chắn rồi”, những chữ mà có tìm cách lặp lại chi tiết cũng vô ích, đó cũng chính vì hắn đã thấy nơi tôi, là người vừa mới đến, ngoại quốc, một người da trắng có thể chia sẻ, chia sẻ sự căm hờn đó, như vậy có thể biến đổi mức căm hờn, biện minh cho nó và làm nó vững thêm.

Bàn tay phải hắn bấu chặt cái ly lạnh mà hắn đã nốc cạn với một nét mặt nhăn, rồi lại đưa những ngón tay vuốt vuốt để bớt giận.

Vậy là người đàn ông đầu tiên mà tôi đã có một cuộc nói chuyện riêng tư trong thành phố này đã tố cáo chống lại nó, đã bắt tôi làm nhân chứng cho nỗi khốn khổ của hắn, yêu cầu tôi ghi nhận lời kêu than của hắn, như chính tôi là người do quan toà gửi đến.

Tôi đã cố để chú trọng đến sự lưu ý đó, đã cố để tự vệ, nhưng cũng chưa đủ: phép yêu thuật phi thường quỷ quyệt của Bleston đã xâm chiếm và mê hoặc tôi, đã đánh lạc tôi xa chính mình trong một vùng hoang vu sương khói.

Khó chịu bởi căn phòng buồn bã này, tôi không còn dám nhìn khuôn mặt yên lặng của hắn nữa; khi tôi kéo tay áo lên một tí, để xem giờ trên chiếc đồng hồ, hắn đứng dậy như vừa thức tỉnh.

“Những tiệm rượu sắp mở cửa lại rồi đấy, ông đến uống với tôi đi.”

Nhưng tôi không thể nán lại một tí nữa để chẳng làm gì hết, để chờ đợi trong thứ ánh sáng mỗi lúc một u ám này, và nhất là tôi phải rời bỏ hắn, anh chàng da đen mà tôi chẳng giúp gì được cả.

Thật tựa như là tôi sợ rằng sự căm hờn và khốn khổ của hắn sẽ dễ lây, và có thể là dễ lây thật, có thể tôi đã bị truyền bệnh rồi; mắt tôi đầy mây u ám như mắt hắn.

Tôi đã mạo nhận là một trong những đồng nghiệp của tôi có mời tôi đến dùng trà, và bây giờ tôi cũng đã trễ rồi; tôi lại còn bịa ra một địa chỉ để hỏi hắn xem hắn có thể chỉ cách cho tôi đến đó chăng.

“Làm sao tôi biết được? Tại sao lúc nào bắt đầu ông cũng từ chối? Ông khinh tôi. Ông đang hối tiếc vì đã ở đây với tôi suốt từ nãy tới giờ...”

“Một ngày khác, tôi sẽ vui lòng đi uống; nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến nhà những người đó, tôi không thể để họ chờ được...”

“Nếu ông không biết làm sao đến đó...”

“Nó ở phía Toà Đô Sảnh, tôi nghĩ như vậy...”

“Vậy thì ông hãy lên chiếc buýt 27, chiếc đi ngang trên cầu ấy.”

Hắn đã theo tôi ra đến bến xe buýt; mưa tạt mạnh; khi tôi nhảy lên sàn xe, hắn hét theo:

“Nhớ trở lại thăm tôi nhé! Nhớ trở lại đấy!”

Hắn không có cho tôi biết tên hắn, mà tôi cũng không để ý tên đường hắn ở nữa.

 

[còn tiếp 1 kỳ]

 

-----------

Đã đăng:

... Chính lúc đó là lúc tôi đi vào thành phố, lúc khởi đầu những ngày tháng của tôi trong thành phố này, khởi đầu một năm mà hơn phân nửa đã trôi qua, lúc dần dần tôi tỉnh dậy trong cơn ngủ mơ màng, trong góc toa xe chỉ có mình tôi, ngồi đối diện với chỗ lên xuống, gần khung cửa kính đen bên ngoài phủ đầy những giọt mưa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021