thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [1]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

 

TRUYỆN HỌ HỒNG BÀNG [1]

 

Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm kẻ nối ngôi để trị đất Bắc. Lại phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị đất Nam, lấy hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất. Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng, đôi khi trở về Thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự, không biết do đâu được thế. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng tôi.” Long Quân tới ngay, sự linh hiển cảm ứng của Long Quân, người đời không ai lường nổi.

Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai, cai trị Bắc phương. Nhân khi thiên hạ vô sự bèn sai quần thần là bọn Xuy Vưu thay mình trông coi quốc sự rồi đi tuần xuống nước Xích Quỷ ở phía Nam. Khi đó, Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không có chúa. Đế Lai bèn để ái nữ là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành tại rồi đi chu du thiên hạ, ngắm các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, ngọc ngà vàng bạc... các thứ đá quý, các cây trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai rất ái mộ, vui quên trở về. Dân phương Nam khổ vì bị người Bắc phương quấy nhiễu, không được yên sống như xưa mới cùng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu phương dân.” Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ có dung mạo đẹp đẽ kỳ lạ, trong lòng vui mừng, bèn hoá thành một trang thiếu niên phong tư tú lệ, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc vừa đi vừa ca hát đánh trống. Cung điện tự nhiên dựng lên. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Long Quân dấu Âu Cơ ở Long đài nham. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến hoá thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi... làm cho bọn đi tìm đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn trở về. Truyền ngôi đến đời Du Võng, thì Xuy Vưu làm loạn. Vua nước Hữu-Hùng là Hiên Viên đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xuy Vưu mình thú mà nói tiếng người, có sức khoẻ dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thú làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trác-Lộc. Đế Du Võng xâm lăng chư hầu, cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh ba trận đều bị thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp rồi chết ở đó. Dòng họ Thần Nông tới đây thì hết. Long Quân lấy bà Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là truyện phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc, vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này.” Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương, Âu Cơ nói: “Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình.” Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hoả tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly. Ta đem năm mươi con về thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị.” Lên vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình Hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm-Thành). Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận. Chia các em ra cai trị, lại đặt các em làm tướng văn tướng võ, văn là lạc hầu, võ là lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, trăm quan gọi là bồ chính, thần bộc, nữ lệ gọi là xảo xứng (còn gọi là nô tỳ). Bề tôi gọi là hồn, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi. Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Đáp: “Giống sơn nam và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó.” Khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long quân theo dạng thủy quái. Từ đó, dân không bị tai hoạ giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đó trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.

 

 

Minh thương của má,

Bên ngoài trời lạnh. Lạnh len vào từng kẽ chân, má hà hơi cho ấm, đã bao năm như thế, gì gì... cũng tự làm lấy một mình. Đóng cái đinh, kê lại giường, dọn sạch garage, đổ rác... chưa kể tới những quyết định lớn như mua nhà, thay xe, đổi việc, chọn nghề, dạy dỗ các con.

Khi chiều má ngồi coi tivi, có đoạn ông ký giả phỏng vấn cô luật sư, tuổi bằng chị con. “Điều gì khác biệt giữa thế hệ má cô và cô?” “Dưới hành lý có gắn bánh xe.” Cô trả lời. Má nghe, ngẫm nghĩ, người trẻ và ăn học trả lời có khác, ví von hay thiệt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy má để quên cái kiếng trên máy giặt, cô Mây thấy đưa lại cho má. Đang viết thư cho con đành bỏ dở, dấu hiệu má bắt đầu già nua, lú lẫn rồi đó con thấy không Minh? Khi đưa kiếng cho má, cô Mây đùa, “Bác cần cái kiếng để kiếm cái kiếng.” Hôm trước, bà Rebecca trong hãng, cùng tuổi má, nói là tình cờ gặp bà thầy bói khi bà đang đứng xếp hàng trả tiền trong tiệm Long Drug, đề nghị muốn “đọc” khuôn mặt của bà Rebecca.

Còn má, tuổi già là hình ảnh buổi chiều tà, ảm đạm, thê lương. Có đôi lúc trong ngày bỗng dưng những ý nghĩ ngưng bặt, đứng yên, bất động, và rồi má không nhớ được gì tuốt, phải mất một đỗi má mới loay hoay bắt lại ý nghĩ từ đầu, như cái đồng hồ báo thức má đã không dùng tới nó từ khi nào chẳng còn nhớ. Nhưng cũng có khi trong ngày, má lại nhớ hết, nhớ kỹ, nhớ tuốt, nhớ từng chi tiết một. Tất cả kết thành một khối đen đặc, âm u như đá tảng trong lòng má.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Ngày hôm nay đổi giờ. Mùa xuân chính thức trở về. Sáng Chủ Nhật má ngủ dậy muộn, nằm ngắm bầu trời qua khung cửa sổ. Nắng vàng ngọt lịm như ly mía ép, lòng má thư thái nhẹ nhàng. Má đi ra vườn sau, bụi đào suốt mùa đông trụi trơ lá cành, giờ khí xuân về, mầm bắt đầu đâm chồi nẩy nụ.

Những cây bông hồng cũng vậy. Trong vườn nhà mình, cả thảy có tám cây: hai vàng, hai trắng, ba hồng, một đỏ. Má yêu bông hồng, chúng trung thành với má từ bao năm nay. Hai chậu bông giấy trước hiên nhà đã thay mấy lần. Mùa đông năm trước, có đêm trời quá lạnh, sương đọng thành đá làm ủng gốc. Cây ngọc lan nửa đêm má phải ra bưng vào hiên. Chỉ có bông hồng, cứ đến mùa là nở, bông nào cũng to, đẹp rạng rỡ. Má yêu quý sự bền bỉ, mạnh mẽ, cứng cỏi của nó. Bông hồng có gai, cũng lạ phải không Minh? Đẹp, cứng mà thân lại đầy gai!

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la. Thiên nhiên vĩ đại, huyền nhiệm khôn lường. Ý tưởng tìm kiếm cái lon nhựa, tiểu tiện vào đó, phòng khi... Nắng gắt, vành môi rạn vỡ, làn da nứt, sàn gỗ khô cứng. Đàn cá vượt qua mặt những đầu người nằm ngồi lố nhố. Đâu là bến bờ, nơi chốn nương thân?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Sáng nay trong hãng, vẫn những con chip nhỏ li ti má ngồi hàn, xì, châm, gắn. Đã bao năm má cặm cụi làm. Chúng nhỏ nhắn, cứng cáp, lạnh lùng, nhưng nuôi sống gia đình mình. Chúng cho má đời sống đầy phẩm cách, không dựa cậy vào ai. Rồi những cái chip, cái board đó dùng vào việc gì, đưa đi đâu, ai sử dụng, khi nào hư, out-of-date... là số phận của chúng. Lắm lúc má chán nản, đau lưng, mỏi mắt... nhưng cũng chỉ thoáng qua như mọi cảm giác khác má có trong ngày, đến rồi đi, như mây bay ngang bầu trời, ngọn gió lướt trên mặt sông. Mưa xuân đêm qua làm sáng nay trời nắng ráo. Má nghiệm một điều, gì gì rồi cũng xong và qua, chẳng có gì là vĩnh cữu. Tụ tan là lẽ thường hằng.

Ông José, người gốc Phi Luật Tân làm cùng line với má bị heart attack chiều hôm qua. Ổng đang nằm nhà thương. Cái ghế, bàn ổng ngồi hằng ngày giờ trống trơ, không nghe tiếng thở phì phò nặng nhọc, cùng tướng đi như lết cả thân hình gần 200 pounds của ổng lắm lúc cũng làm má mệt lây. Ổng có vợ và ba con. Má mong ổng qua khỏi. Ổng làm hãng này được hơn một năm. Tuần trước trong giờ giải lao, ổng nói với má là thích làm hãng này, lương trả khá, công việc thoải mái, chỉ bị lái xe hơi xa. Nhà ổng ở tận Gilroy, từ đó lên Sunnyvale cũng xa thật con ạ. Ngày hai buổi, sáng chiều kẹt xe trên xa lộ mất gần hai tiếng. Tuần trước ổng khoe với má là đã bỏ thuốc lá được bốn tháng, sau nhiều lần cố gắng, lần này coi bộ dài nhất. Ba con ngày trước cũng hút thuốc. Ngày ấy má không khó chịu, hay lấy làm điều, nghĩ lo gì tới sức khoẻ cả, bởi chung quanh đàn ông Việt Nam hầu như ai cũng hút thuốc, cứ như đàn bà chải tóc, bôi son. Giờ thì Cali ra luật cấm hút thuốc nơi công cộng, vậy mà tốt. Chẳng biết thuốc lá có cái gì mà thiên hạ hút vô rồi là bỏ khó khăn vô vàn. Hút thuốc lá là thói quen, hay sợ trống rỗng, hay vì yếu đuối, hay cần chứng tỏ? Má chịu. Má với ông José ngồi bàn về hút thuốc, cai thuốc, bỏ thuốc... giờ thì ổng đang nằm chèo queo trong nhà thương. Khi nào ổng hết bịnh, má sẽ làm món gỏi cuốn cho ổng. Ổng thích món này lắm, có thể ăn một hơi tám cái lận đó Minh.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Mùa xuân hoa lá nở tưng bừng trong vườn nhà mình. Những đọt lá non ửng tươi sức sống. Dọc xa lộ 237, trên những khoảng đất trống chưa kịp xây hãng xưởng, khách sạn, nhà hàng, chung cư... Có loại hoa gì giống như cải dại nở rộ, màu vàng tươi rói, lại nõn nà, mong manh vươn lên từ lòng đất. Bên trên mặt đất là những thân cây apricot khô cằn đen đủi đã qua mùa. Nhìn, má hình dung ra cảnh ông bồng cháu. Sống và chết. Nở rồi tàn. Má ưa ngắm những hình ảnh tương phản như vậy.

Vùng này trước kia nổi tiếng trồng walnut, giờ người ta chặt trụi gần hết. Dưới phố San José đang kiến thiết lại, họ bứng từng cây palm ở dưới Nam Mỹ đem về trồng dọc vỉa hè thành phố làm kiểng. Những cây palm cao lêu nghêu như cây dừa xứ mình, tạo không gian thoải mái, dễ chịu như quanh năm là mùa hè.

Những người hay đứng giơ tay xin đi quá giang ở những ngã ra xa lộ giờ cũng vô tăm biệt tích, như những cây walnut.

San José đã và đang trở mình, hoá trang thành bộ mặt high tech. Cái giá phải trả là nhà cửa đắt đỏ có hạng trên nước Mỹ. Homeless cũng đang mất dần đất sống.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Ói mửa hoành hành làm hai thái dương má đau buốt. Tiếng nôn oẹ, tiếng thét trẻ con, tiếng tấm tức khóc, tiếng lâm râm khấn nguyện cùng tiếng chửi rủa, tiếng quát tháo ra lệnh của ông tài công hoà nhập cùng tiếng mưa, tiếng sóng biển, tiếng gió gào, tiếng chim hải âu gọi đàn. Cái ghe chao lượn, chiếc lá giữa dòng nước lũ, thân người trên ghe chao lượn, thần chết chờ chực dang tay. Sấm sét rền rung trong đầu má. Má sợ quá đến quên cả tên mình. Má thấy ngay lúc đó con người yếu đuối nhỏ nhoi không thể tưởng, không thể nào độc lập với đất với trời được.

Này Minh, bao giờ trong mắt con, má cũng thấy lấp lánh ánh trăng non.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Thói quen viết thư cho con mỗi ngày má không (muốn) nhớ là bắt đầu từ bao giờ, khởi đầu do đâu. Có những lúc, như lúc này, viết thư cho con là hơi thở của má. Nếu hụt hơi, là má tắt thở. Những lúc khác, má rất đỗi tỉnh táo, như lần cách đây hai tuần, khi nghe câu chuyện kể của ông Lân trong hãng về bà hàng xóm có đứa con gái bị xe tông nằm coma gần tám năm trời. Mỗi chiều, sau giờ tan sở, bà đi thẳng vào nhà thương thăm con, vừa kể lại mọi chuyện xảy ra trong ngày cho con gái nghe, vừa thoăn thoắt đan. Đứa con gái 14 tuổi, mũi miệng gắn dây nhựa, nhịp tim đập thông qua dây nối, làn sóng điện nhấp nhô trên mặt computer hiện hình sự sống. Bà đều đặn đến với con mỗi chiều như những người sống quanh bà ăn, uống, ngủ, thở, đi, đứng, nói, ngồi, cười, lái xe, làm việc. Đứa con là lẽ sống của bà, hơi thở của bà.

Má của con ngay lúc này cũng là người đàn bà Mỹ đang ngồi, tay thoăn thoắt đan, miệng thầm thì mỗi chiều trong căn phòng nhà thương, nhưng không lạnh lẽo đó.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

“Đẩy con người khó ngàn lần đẩy cái ghe!” Câu nói nửa giỡn nửa thiệt của ông tài công làm má nhớ hoài. “A dô... hò dô... a li hò lờ...” Câu hò chèo thuyền chống mái của Phạm Đình Chương luẩn quẩn trong đầu khi má ráng sức phụ đẩy cái ghe xuống bãi. Ghe không nặng mà lòng má nặng. Nặng lo sợ, nặng bất an, nặng hồi hộp. Mỗi phút mỗi căng như sợi dây thun dồn sức kéo.

Bà ngoại dạy má sự chịu đựng, phục vụ, kiên nhẫn, bền gan, và không gì quan trọng hơn là bổn phận, trách nhiệm đối với người trong gia đình, họ hàng, dòng tộc. Luôn giữ gìn lễ giáo, “Giấy rách phải giữ lấy lề.” Bà ngoại là người đàn bà cứng cỏi, quyết liệt, mạnh mẻ, thách đố, đương đầu, không hề bỏ cuộc. Không có gì quật ngã được người đàn bà chưa từng một ngày cắp sách tới trường. Ngay từ còn nhỏ, má nhận thấy được điều này ở cách sống, ứng xử của bà ngoại đối với tất cả mọi người bao quanh.

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.” “Một sự nhịn, chín sự lành.” “Con không nghe mẹ nghe cha. Mắm không nghe muối thật là mắm hư.” Đó là những câu ca dao, tục ngữ bà ngoại dùng để dạy dỗ, răn đe con cái.

Má cũng được biết rằng thiện-ác như đậu đen, đậu trắng, mỗi cuối ngày đem ra ngồi lặt lựa, đếm đong.

Càng sàng lọc, đá cát càng rơi, còn lại là không khí, khoảng không trong cái rổ.

Mà sao cái rổ của má luôn nặng đầy đất đá rác rến, hả Minh?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Hai thùng phi chứa nước sơn màu xanh sẫm ở hông nhà má nhớ hồi nhỏ mỗi ngày phải đi gánh nước giếng về đổ đầy. Đêm nào trời mưa, sáng ra, đứng nhìn nước từ máng xối đổ xuống tràn lênh láng sân gạch, sướng tựa lòng má, khỏi phải đi gánh nước ngày hôm đó.

Má không ngờ mấy chục năm sau cũng mấy cái thùng phi đựng nước sơn màu xanh sẫm đó lại về ám ảnh. Nó đè ngang người má, đầy nước và miệng bịt kín.

Đêm tối đen, người nằm, ngồi la liệt trên khoang ghe. Ghe nhấp nhô không ngớt. Cả đám lạ mặt, không rõ gốc gác, từ cõi đất liền, chỉ trừ chủ ghe tên Ba Năm là biết chút đỉnh, dựa lòng tin trên những thỏi vàng. Đếm đầu người, hai anh em, Thông tuôå mười bẩy và Thái tuổi mười ba. Ghe chật, người xếp theo cách thức cá mòi hộp. Đêm thứ ba, giữa biển khơi, một thùng phi đã cạn nước, ngả nghiêng choáng chỗ. “Để tổ chật ghe.” Vài người hè nhau đẩy xô xuống biển. Tối đen trời. Thái em tuôåi mười ba đang trong tư thế tôm cong ngủ say trong đó.

Trời sáng dần. Thông anh đi tìm Thái em. Thùng phi xanh sẫm đã trôi tuột trong đêm tối trời giữa đại dương, xoá sạch dấu vết. Có há mồm gào tên anh cầu cứu thì cũng không nghĩa lý gì với tiếng sóng đại dương. Bức tử, bởi cái đẩy lăn vô tình, trả giá mạng người đầu tiên của chuyến vượt biển, tìm kiếm tự do.

Khuôn mặt chìm lỉm, họng toang hoác, da thịt phình trương, rồi cá rỉa, máu loang ngan ngát. Trôi theo toàn bộ thời gian, hốt nhiên hiện về trong trí nhớ. Ôi, nó vẫn thừa khả năng làm má hốt hoảng.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chiều nay má rời hãng sớm, ghé bác sĩ Triều chụp hình ngực hằng năm. Cái răng trám chiều hôm qua suốt đêm ê làm má khó ngủ nên cả ngày nay hơi bị váng vất. Văn phòng bác sĩ Triều gần khu chợ Lion, sẵn tiện, má ghé mua bó hoa lay-ơn, cặp bánh chưng, ít mứt để cúng ông bà và ba con. Không khí tết vây quanh góc chợ Lion. Gió lùa thông thốc, lạnh buốt. Giọng Duy Khánh ca bài Xuân này con không về rất đỗi ngậm ngùi, má đứng lặng nghe, đầu nhão và đỡ đi một chút. “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa...” Giọng Giao Linh nức nở giữa đám người tấp nập kẻ sắm người mua, lựa hàng, trả giá. Cũng người, cũng tiếng nói, cũng hàng quà, cũng tinh thần tết nhất, nhưng không khí tết trên đất người giờ đây chỉ sót lại bên trong góc chợ này. Phóng tầm mắt ra ngoài đường King, Tully, những chiếc xe đang lăn bánh hay dừng, chở người ngồi trên đó, má tin chắc rằng tết nhất chẳng có trong từ điển cuộc đời họ. Người níu người, níu lòng cố hương, níu không khí tết năm xưa nơi quê nhà, nơi chôn cuống rún, nơi những người thân yêu còn sống hay đã khuất. Má thấy tội tình làm sao con ạ.

Đã bao cái tết tha hương như vầy? Thời gian rồi cũng quên, cũng qua, và xoá nhoà tất cả. Má nghĩ tới miếng Swiss cheese chị con thường ăn, có những lỗ hổng tròn tròn, to nhỏ. Trí nhớ má giờ đây cũng đầy những lỗ hổng như vậy. Những lỗ hổng càng lúc càng nhiều càng to dần theo thời gian cận kề miệng huyệt. Biết được vậy thì đỡ. Má tập tính gạt bớt những gì không cần thiết ra khỏi trí nhớ, nhất là những điều làm má đớn đau, buồn nản. Cô Mây nhiều lần thán phục má khi má tỏ ra bất cần, tỉnh bơ. Má thắp nhang, mùi nhang làm nhà ấm áp lạ lùng. Má bày biện bánh chưng, mứt, hoa quả lên bàn thờ cho có không khí tết, biết cũng chẳng mấy ai đến nhà ta. Tết mồng một năm nay đúng vào ngày thứ tư, ngày giữa tuần, nên thăm viếng chúc tụng phải đợi đến cuối tuần. “Nhập gia tùy tục” con ạ.

Mấy cái tết sau này, học khu miền đông San José cho phép học sinh Việt Nam được nghỉ nhà mồng một, chẳng bị phạt hay gặp rắc rối gì. Nhà trường không khuyến khích, nhưng là hợp đồng ngầm chấp thuận. Tết là ngày lễ lớn của người Việt Nam, như người Mễ có Cinco de Mayo, người Ái Nhĩ Lan có Saint Patrick. Trước kia má thường cho phép hai chị em con nghỉ học ngày mồng một, cả má cũng vậy, dù ở nhà ba má con mình cũng chẳng biết làm gì. Sau màn chúc tết là lì xì (khoản này hai chị em con thích nhất!), rồi chơi bài tiến lên, cùng ăn bánh chưng, chả lụa, dưa món... (toàn những món hai đứa không mặn cho lắm!)

Má cũng mua bịch hạt dưa, vừa viết cho con vừa cắn, giấy vấy đầy phẩm đỏ, con thấy không Minh? và dòng chữ cứ bị gián đoạn. Ngày trước, mỗi lần thấy má cắn hạt dưa là chị con cứ lấy tay cản, sợ mẻ răng má. Giờ thì má ngồi cắn tí tách một mình cho vui, vậy thôi, chẳng ngon lành hay thích thú gì, vả lại cái răng trám chiều qua vẫn còn ê.

Chị con vừa gọi điện cho má, hỏi răng má đỡ chưa, má nói đỡ rồi. Hỏi má đêm qua có ngủ được không, má nói cũng được... được...

hôn con.

 

[còn tiếp]

 

_________________________

[1]trích từ Lĩnh Nam Chích Quái, bản dịch của Đinh Gia Khánh – Nguyễn Ngọc San. (Hà Nội: nhà xuất bản Văn Hoá, Việt Nam, 1960).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021