thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [3]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Âu Cơ” [1][2]

 

Minh thương của má,

Hôm nay là ngày giỗ ông ngoại, má thắp hương, bày hoa quả, nấu nồi chè đậu đen. Má bắt chước bà ngoại ngày trước. Bà ngoại nói ông ngoại thích ăn chè đậu đen lắm. Bà chọn ngày ông rời nhà ra Bắc tập kết là ngày giỗ. Ông đi, để lại bốn đứa con nhỏ, chưa đứa nào đặt chân tới trường. Ngày đó bà ngoại còn ẵm má trên tay. Ông đi, không bao giờ trở lại. Bà ngoại ở vậy, một tay nuôi bầy con khôn lớn. Trong trí nhớ của má hoàn toàn vắng bóng hình ông ngoại, có chăng chỉ là qua những câu chuyện kể, mà chuyện kể lại do mấy cậu, dì, bác tưởng tượng ra. Má nhớ bà ngoại giận ông ngoại lắm, nên ít khi nhắc, kể về người cha cho con cái nghe. Bác Cả kể ông ngoại ốm, cao, thích đội mũ, và có giọng nói to, ộp oạp như con ễnh ương.

Thời chiến, ông ngoại từ bỏ bà ngoại cùng bầy con ra Bắc tập kết. Khoác trên người lý tưởng cứu dân cứu nước, tưởng như mình là đức Phật lìa bỏ gia đình đi tìm sự giác ngộ cho mình, cho chúng sinh.

Thời bình, ba con cũng ra Bắc, với danh xưng gán ghép mới là đi “học tập cải tạo”.

Cả hai người đàn ông ra đi không ngày về. Cũng như bà ngoại, má chọn ngày ba con rời nhà làm ngày giỗ. Má được báo tin là ba con bị lên cơn sốt vài bữa thì mất. Khi hay tin, má ra tới nơi thì ông quản giáo dẫn tới bìa rừng chỉ nấm mộ mới, đắp vội, bảo xác ba con chôn dưới đó.

Hàng chục năm trôi, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Biến cố đến rồi đi, má cũng phải sống như bà ngoại con ngày trước, nuôi con cái với niềm hi vọng ở tương lai. Và vin vào các con để đứng dậy mỗi khi vấp ngã. Các con là niềm vui, lẽ sống, niềm tin của má. Má quyết tâm chọn lựa đời sống như vậy. Đã, đang và sẽ hoàn toàn không một chút tiếc nuối, oán than, trách móc.

Trên bàn thờ ngày giỗ ba con, má cúng thêm thuốc lá và bia.

Mỗi lần dọn bàn thờ lau hình ông ngoại, má mơ hồ nghe tiếng sóng từ xa vỗ vọng. Má từng ở khu Hai, thôn xóm nhỏ chạy dọc bãi biển Quy Nhơn, miền Trung nước Việt. Má sanh ra và lớn lên ở đó đến ngày theo chồng chưa hề đặt chân đến thành phố nào khác. Con đường Nguyễn Huệ chạy dài song song bãi biển là huyết mạch thành phố, nối từng khu làng, trường học, nhà thương, phi trường, phố xá, trại lính, chợ búa... Thời Mỹ chưa đổ quân, thôn xóm má sống êm đềm lắm. Những hàng dừa, gốc lá gió biển xô ngã theo bóng người dân lao xao trong làng. “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca...” Hoặc, “Quê em miền thuỳ dương. Lúa ngọt ngào hoa mới. Gió mang mùa xuân tới, hôn liếp dừa lên hương, thơm thơm tràn muôn lối. Quê em dậy bình minh. Nắng đẹp lòng thôn xóm. Quán tranh hiền vui đón, dâng bát nước chè xanh, chan chứa mộng yên lành...” Những câu hát yên ả, thắm tình. Nhà không sát bờ biển, nhưng hằng đêm, tiếng sóng ru má ngủ, như tiếng nước vỗ vập trong bọc thai bà ngoại cưu mang má. Sau này theo ba con, vì lính tráng, rày đây mai đó, dạt mãi tuốt trong Nam. Nhớ những tháng ngày vừa rời đất Quy Nhơn, đêm nằm má trằn trọc khó ngủ, cứ tưởng lạ nhà vì mới lấy chồng, nhớ bà ngoại, anh chị, nhưng về sau, má nhận ra vì thiếu tiếng sóng ru vỗ. Thỉnh thoảng giờ đây, hồi tưởng về tuổi thơ, là nhớ mảnh sân trước, cát vàng óng, mềm mại, vàng như màu nắng ngả theo trời chiều. Hôm nào bà ngoại bán hết gánh rau sớm, từ chợ về, mua cho má mấy viên kẹo cau, cứng ngọt, phủ lớp bột mỏng trắng, nồng cay mùi gừng. Má vừa ngậm kẹo vừa nhìn bà ngoại ngồi sàng cát, chỉ đợi bà ngoại sàng xong chỗ nào là má nằm lăn ngay ra chỗ đó. Cát bám toàn thân má, sướng không thể tả. Có nằm dài trên cát, mới thấy được những cây dừa cao khều ở góc sân, thấy được từng cụm mây trắng như bông gòn, nhỏ to, đủ hình thù, tha hồ tưởng tượng ra những con vật trong sở thú chưa từng đặt chân đến, mà chỉ nhìn chúng qua sách vở. Bầu trời trên cao xanh ngan ngát, ngửi mùi biển mặn trong không gian. Rồi từ từ mây tan, những hình thù con cá kình, chim đại bàng, bờm ngựa, hùm beo, bướm ma, chồn tinh dần dần cũng loãng. Ôi, má nhớ nhiều thứ quá! Má mỏi tay rồi.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Mấy ngày qua má lu bu không thể viết cho con được. Dì Thương từ tiểu bang Colorado qua đây dự đám cưới đứa cháu gái. Dì với má quen biết nhau từ ngày học tiểu học. Trưa qua, chú Phong rủ dì Thương và má đi ăn. Chú Phong từng tán tỉnh dì Thương cách đây trên 30 năm, thời cả hai chưa ai lập gia đình. Nay dì Thương li dị, vợ chú Phong mất, hai người bạn cũ năm xưa gặp lại. Má ngồi giữa hai người, giữa những đĩa thức ăn dở dang. Trước đó, má đã có ý tưởng thoáng trong đầu, ước chi hai người có được liên hệ tình cảm với nhau, dù trễ tràng. Ý nghĩ đó bám theo má suốt trên đường lái xe lòng vòng qua những con đường ngắn, cong, hẹp. Má mỉm cười, ước mơ trẻ dại, dầu chẳng phải cho mình.

Tối qua chú Phong gọi điện cho má, hỏi về buổi gặp gỡ khi trưa. Ý tưởng đó lại len lén mò về trong má. Cuối cùng không ngăn được, má hỏi thẳng chú, “Con Thương đang available đó! Ông thấy sao?” Con biết chú Phong trả lời sao không, “Ừ, thì bả available, tôi biết chứ, nhưng già quá! Già chát. Già khú đế. Phía trước như phía sau, mặt phải như mặt trái...” Nói xong, chú cười ha hả như người nốc rượu mừng chiến thắng. Má phải để điện thoại xa tai, hình dung ra cái cười, khuôn mặt, và cả cái bụng to tròn của chú rung rinh. Cúp điện thoại, thì cô Mây về, thấy vẻ mặt không vui của má, cô sà tới hỏi, má kể lại đầu đuôi. Nghe xong, cô nói, “Gặp cháu, cháu đã bảo, ‘Tôi cũng có hỏi con Thương, nó cũng nói với tui rằng ông vừa lùn, vừa già, vừa mập, bụng bự như thùng nước lèo, lại hói đầu nữa... trông chán quá!’”

Chỉ có cô Mây mới đáo để, trị được lão này. “Người ta thô bỉ, lỗ mãng mà mình cứ tử tế cũng không nên. Ăn cá cũng phải lừa xương chứ!” Má nghĩ cô Mây nói chẳng hoàn toàn sai hay oan ức gì. “Đàn ông Việt Nam, lứa tuổi của bác, đa số rất macho. Họ coi đàn bà lớn tuổi như là có tội, vô giá trị, ngoại trừ giỏi chịu đựng, chịu khó, chịu thương... cháu nghe hoài. Họ cứ nghĩ, chỉ có đàn bà thì mới già và xấu đi, còn họ bao giờ cũng vẫn trẻ đẹp, khoẻ mạnh, ngon lành... Chú Phong mấy lần về Việt Nam kiếm vợ nhí, rước thêm hoạ, chẳng khác con chó già, rụng hết răng, hễ thấy xương là thèm gặm.”

Cô Mây vào phòng. Má ngồi nhìn mảng tường vàng trước mặt, tự nghĩ, má cũng “quá” già rồi còn gì.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chiều nay trong lúc phủi bụi mấy cái cúp thể thao của chị con đoạt được, má nhớ một ngày cách đây lâu thật lâu, chị con học lớp sáu, năm cuối tiểu học, là đứa chạy khá nhanh trong trường, được chọn chạy đua với mấy trường khác. Đêm trước ngày đua, chị con không ngủ được, gần 1 giờ sáng, vẫn còn trằn trọc. Má nằm cạnh xoa lưng, chị con nằm yên không nói, nhưng má biết, lần đầu chị con được giao trách nhiệm khá nặng nề. “Con ráng ngủ, để có sức sáng mai mà chạy,” má dỗ.

Sáng hôm sau, trên bậc ghế gỗ cao, giữa đám trẻ con, người lớn lố nhố đứng ngồi không yên. Má nhìn chị con bận đồng phục của trường màu cam đậm hoà lẫn trong đám trẻ nhỏ đùa nghịch, xô đẩy dưới kia. Rồi đến phiên chị con... cắm đầu cắm cổ chạy thi vòng quanh sân football. Tiếng còi thổi, tiếng hò reo cổ võ, tiếng vỗ tay, tiếng gọi tên nhau ơi ới. Chị con chạy mà má tưởng như chính má chạy. Má thở dốc, hụt hơi, sợ chị con thua đã đành, còn sợ chị con đứt hơi nửa đường, ngã lăn quay giữa sân. Má nhắm mắt, hai tai lùng bùng, tim trong lồng ngực đập thình thịch, hai tay má bấu chặt thành ghế gỗ cứng đơ đơ.

Hôm đó chị con về hạng tư trong sáu trường. Chị con buồn một, má buồn mười. Nhưng cũng phải dỗ, “Lúc thua, lúc thắng con ạ!”

Rồi bao nhiêu lần thi đua theo bao nhiêu năm, má dần dà hết còn nhắm mắt, níu chặt thành ghế gỗ, tai lùng bùng, tim đập mạnh nữa. Má cũng cổ võ bằng tiếng vỗ tay, dù không la ó thật to như mọi người chung quanh. Thua thắng bớt phần quan trọng. Ai số một thì mình số hai, mà ai số hai thì mình số ba. Hai hay ba thì đã sao, hả Minh?

Một lần má thấy trong ví chị con cất tấm hình của ba con. Má hỏi, chị con trả lời, “Mỗi lần đi thi hay ra sân đua thể thao, con luôn cầu nguyện ba cho con thắng. Nhưng nếu lỡ thua, con cũng không... buồn nản.”

Má ôm chị con vào lòng. Nó là con bé khôn ngoan, sắc sảo, lương thiện biết là bao!

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy chị con gọi điện, than suốt đêm qua bị sốt, sáng nay đỡ một chút, dù đầu vẫn còn nhức, cuống họng rát. Má nói phải uống thuốc, uống nhiều nước, và nằm nghỉ. Chị con nói thèm tô phở gà ít bánh, nhiều nước, và tách trà nóng bỏ vào lát gừng, lát chanh, muỗng mật ong của má. Chị con vòi vĩnh nhõng nhẽo với má một chút thôi, chứ má biết nó là con bé rất lì, cứng đầu, khôn ngoan đáo để. Lúc chị con còn bé, bà cô thường nói, “Con bé coi mòi khôn hơn má nó.” Má nghiệm thấy chị con khôn ngoan hơn má nhiều. Nó là đứa có tinh thần trách nhiệm. Tính nết thâm trầm, kín đáo, biết lo xa. Đã quyết định gì rồi là làm bằng được. Vui thì chia mà buồn thì giữ. Má thương nhất lá cái tính tránh làm phiền lòng người khác. Lắm lúc má thương chị con, nghĩ mình không đủ kiến thức, hiểu biết sâu rộng để chia sẻ, thông cảm. Từ ngày còn bé, chị con tự học, lo liệu bài tập. Tiếng Anh tiếng u của má đếm chỉ được trên mười đầu ngón tay. Má nuôi hai con bằng tình yêu thương vô bờ bến của má. Vì miếng cơm manh áo, má phải bám lấy bất cứ việc gì và với giá nào. Má làm đầu tắt mặt tối, không lo toan chăm sóc nhà cửa được nhiều. Chị con tự làm bài, học hành, xoay xở lấy một mình. Chị con ý thức được điều này từ khi còn bé, chỉ có cách đó mới làm má vui, và mới ngoi đầu lên được. Những bảng danh dự chị con cầm về, dán kín tường, về sau nhiều quá, cất trong hộp. Chị con cũng ít đòi hỏi, se sua với bạn bè, chú tâm vào việc học, coi em, chơi với vài đứa bạn thân. Thời của má, tầm nhìn không ra khỏi thành phố má ở, ước mơ là có được mái ấm, chồng thương con ngoan là đầy đủ rồi. Giờ chị con khác xa, chồng con chỉ là một trong những ước mơ. Má chịu, thôi thì tuỳ ý chị con, má tin ở khả năng, khôn ngoan, và sự tốt lành nơi chị con.

Trước khi quyết định gì chị con cũng bàn qua với má, ngay cả trong thời gian làm luận án tiến sĩ, dù sắp xong, nhưng đổi ý muốn sang ở Âu châu một thời gian, phần vì tài liệu, phần việc làm tốt, phần vì Jim... Má có cảm tưởng rằng là, chị con bàn với má cho má vui, chỉ vì thương yêu, lo lắng cho má. Quyết định cuối cùng bao giờ cũng tự ý chị con. Má không buồn không trách, bởi đến giờ này, chị con vẫn đi đúng đường. Đường dài rộng mở thênh thang hơn má nhiều lắm. Ngày trước cha ông ta thường nói: Con hơn cha là nhà có phước. Má mong được như vậy.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Thời gian má ở Mỹ không lâu nhưng đủ để chứng kiến biết bao chuyện đổi thay. Hay ho cũng có, dở tệ cũng nhiều. Nghiệm cho cùng, thì ở đâu và bao giờ cũng vậy cả, con ạ.

Khó nhọc rồi cũng trôi qua theo thời gian. Những điều tưởng rằng ghê gớm lắm, cuối cùng cũng vậy vậy thôi. Hôm nay má nói nhập nhằng, biết con có chịu khó ngồi nghe má nói không? Má dở trong cách diễn đạt ý nghĩ của mình, bằng cách nói cũng như viết, chẳng thứ nào là sở trường cả. Nhập nhằng có lẽ bắt nguồn từ tối hôm qua má xem chương trình Việt ngữ địa phương, thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới. Một đoàn người đứng nghiêm chỉnh chào cờ trong công viên chỉ có mỗi cột cờ chơ vơ, những khuôn mặt người chơ vơ. Hình ảnh đó làm má chạnh lòng nghĩ tới ba con, có lẽ đã lâu lắm rồi... ba con cũng đã sống, chết vì bảo vệ nó.

Thôi để má kể chuyện con nghe về lá cờ, bài quốc ca vậy. Má nhớ trước kia con làm bài, cũng khoảng vào tháng này trong năm, lớp social studies, thầy hỏi về nguồn gốc mỗi học sinh, con lúng ta lúng túng, về nhà hỏi má, “Cờ nào hả má? Tại sao trong sách, bản đồ thế giới tài liệu chứng dẫn là cờ đỏ sao vàng, mà ở trường Việt ngữ, hay trong cộng đồng người Việt hải ngoại mình lại trưng bày cờ vàng ba sọc đỏ?” Việc con chọn cờ thiệt tình cũng làm má phân vân, nghĩ ngợi mất mấy ngày. Cuối cùng má đề nghị con nên chọn cờ vàng ba sọc đỏ là vì má nghĩ tới vong hồn của ba con. Cũng màu da vàng máu đỏ cả, chỉ khác sao và sọc, nhưng biết bao triệu người đã phải trả giá!

Má không tài giỏi để cắt nghĩa thấu đáo, tường tận cho con hiểu. Con cũng được cái tình ưa chiều lòng má. Má nói thì nghe, vả lại nhà trường cũng chẳng trừ điểm vì lỗi này, chỉ phải lối cắt nghĩa của má làm con càng rối trí, thắc mắc hơn. Má mong khi hai con lớn khôn, đủ kiến thức, để nhận ra rằng màu sắc và hình thể lá cờ Việt Nam thuộc về bên nào, phía nào, thì hoàn toàn rũ sạch. Không còn là đề tài để bận tâm nữa

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy má phải bóp dầu bả vai phải, nhức mỏi quá con ạ. Cả hơn hai tuần nay má làm thêm giờ, hãng đang cần, thứ Bảy cũng vào làm thêm nửa buổi, giờ cánh tay nhức nhừ chịu không thấu. Má lớn tuổi rồi, tay yếu, mắt hết tinh tường. Đọc báo một chút là mỏi. Việc má làm bao nhiêu năm nay, assembler là hạng thấp nhất trong ngành điện tử, chỉ cần chút cần cù, siêng năng, cần mẫn là xong việc. Suốt ngày ngồi một chỗ, làm theo lối dây chuyền, hàn xì vặn nối mấy sợi dây cáp. Nơi má làm, đủ mọi hạng, giống dân khác nhau, như Mỹ quốc thu nhỏ. Má cũng thăng trầm theo nghề này, nhưng nhờ nó, mà chị con ăn học được đến ngày hôm nay. Và má cũng có nơi ăn chốn ở tương đối bình yên, thoải mái ở những năm cuối đời.

Có những giai đoạn toàn bộ hãng điện tử trong vùng xuống dốc, má bị mất việc, phải lãnh tiền thất nghiệp một thời gian, rồi chạy đôn chạy đáo kiếm việc khác, kiếm không ra, lo lắng thiếu thốn, lòng dạ thường trực bất an, lo âu mất ngủ. Thôi thì má kinh qua đủ cả. Lúc đó các con còn nhỏ, vô tư học hành ăn chơi. Thời gian sau, điện tử vùng này lại khá lên, thiên hạ tha hồ làm thêm giờ phụ trội, má thêm tiền sắm sửa cho hai con được những thứ bình thường mà ngày trước chỉ nằm trong ước mơ hay dự định. Giờ đây hai con không cần đến má nhiều nữa, má chỉ làm cầm chừng đủ trả tiền nhà, phụ chị con chút đỉnh. Má làm thêm giờ hơn hai tuần nay cũng vì muốn dư thêm cho chị con mang về Việt Nam giúp mấy dì, các cháu trong hè này. Con đừng nghĩ má than thở gì hết nghe chưa Minh. Không nói với con thì biết nói với ai đây? Trong hãng ai cũng làm thêm cả, vì manager đề nghị, chỉ không biết kéo dài bao lâu để đủ hàng giao cho người ta.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Đôi khi trong ngày má hồi tưởng lại những năm tháng xa xưa, mà này Minh, hình như càng ngày, má càng nhớ chuyện xảy ra ngày xưa hơn chuyện mới xảy ra hôm kia hôm trước hôm nọ. Đó là triệu chứng lão hoá. Thôi, thây kệ, già là định luật trời đất, cứ bình thản chấp nhận, cưỡng chống chỉ tổ khổ thân mình thôi. Má nhớ tới chuỗi ngày ấu thơ, mới lớn, thiếu nữ... nhưng thường chỉ muốn nhớ tới những hình ảnh mang lại cho má sự êm ái dịu dàng. Đầu mình chứa đựng toàn bộ trí nhớ, thành ra gắng kiểm soát chút nào hay chút ấy. Đầu người khác, má chịu thua. Có những lúc bất chợt, ký ức đưa lại cho má sự sợ hãi, như kẻ bị trúng độc, muốn ói, toàn thân co rút, đầu xoay mòng, má phải tự cố kiềm chế, gạt ra khỏi đầu những ý tưởng đen tối kinh khiếp đó. Má ra vườn, hoặc đi nằm nghỉ. Có khi gọi điện thoại chị con, hoặc vô phòng viết cho con. Có khi tới bàn thờ ba con thắp nhang, van vái, khấn xin...

Cảm giác phập phồng, sợ hãi, âu lo trong những ngày sau 30/4/75 thỉnh thoảng bất ngờ ập tới, nhất là ban đêm, má nằm không đợi chờ nhưng hai tai và mắt cứ mở toang toác nghe rõ mồn một tiếng chân người rầm rập đang bước dần lên cầu thang, rồi tiếng gõ cửa, đập cửa mỗi lúc một dồn dập. Tiếng quát tháo, ra lệnh... Tất cả là sự kiểm tra, xem xét, hạch hỏi. Những khuôn mặt lạ cùng vũ khí cầm chắc trong tay, băng đỏ quấn quanh ống áo, lục soát từ lọ cắm nhang đến dưới gầm giường. Từng sợi tóc là từng cái tội. Mỗi hơi thở là một cái tội

Sau biến cố 30/4/75, miền Nam Việt Nam bị kiểm soát bởi chính quyền mới, phải đi thưa về trình, tự do căn bản bị tước đoạt. Làm ngu dân, lại để đói, vì thế mất hết niềm tin. Ba con bị đưa đi học tập cải tạo, là sự chia lìa, mất mát trong gia đình mình. Cuốn lịch chị con và má gạch chéo đếm chờ từng ngày ba con về chỉ được vài tháng, sau đó bỏ trống. Cái gì rồi cũng phải quen thôi, cũng qua, ngay cả sự vắng mặt của ba con, để sống còn, tồn tại.

Hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Má đang gặp chuyện bực bội trong hãng, vì bà supervisor và ông Ken. Làm việc mệt đã đành, mà những chuyện linh tinh lắm khi làm mình chán nản cùng cực. Cả hai ưa kèn cựa, kéo má vào phe. Đi làm kiếm tiền đã đỏ con mắt, còn cứ ưa trò chính trị bẩn thỉu, chỉ chực chơi nhau, ai được là hả hê sung sướng. Má gắng gạt không theo phe nào, vì biết chẳng tới đâu. Và có đổi hãng này sang hãng khác cũng vậy, nơi nào cũng có kẻ tốt người xấu, không gặp chuyện này, bày sang chuyện khác. Chén ly trong rổ bao giờ cũng kêu lẻng kẻng, biết vậy, nhưng bực thì vẫn là bực. Má đã từng làm nhiều nơi nên má biết. Thiệt tình mà nói, cũng có nơi thì không khí, con người làm chung đỡ phiền phức hơn, nhưng không nơi nào hoàn hảo cả, hoạ là thế giới đại đồng... không tưởng của Cộng Sản, hoặc là thiên đường của đức Chúa Trời. Má từng chứng kiến những cuộc tranh cãi, ý kiến, hơn thua, thù vặt, phe phái, chơi nhau, giành giật, rốt cuộc là “đì” lẫn nhau. Má không muốn thuộc phe này nhóm nọ. Tọc mạch chỉ tổ đau đầu. Nịnh hót, khen chê, lấy điểm chỉ tổ nhọc thân. Một mình, cũng là một phe. Má chủ trương làm xong công việc thì về nhà. Ai tốt hợp với mình thì mình chơi, ai xấu thì mình tránh. Nhóm má chỉ 12 người, mà biết bao chuyện lôi thôi, phiền phức. Nào liên hệ tình cảm, rồi đánh ghen, đi sớm về trễ, đẩy công việc cho người khác, giao việc không đồng đều, giành nhau từng giờ phụ trội, nói xấu, đặt điều... Má thấy nhiều khi cứ mắt nhắm mắt mở để người ta yên là mình yên. Má già rồi, bon chen chỉ tổ thêm mệt thân mệt trí. Sức lực, khả năng của má giờ giới hạn, ngôn ngữ lại bất đồng, nhưng bực thì vẫn bực. Sống là sống với người khác, với người chung quanh, không thể sống một mình. Vui buồn lây lan, bực bội đành gánh lẫn nhau.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Má nhớ lúc hai con còn nhỏ, thích chui rúc vào lòng má. Hai chị em cười giỡn đó, rồi cãi cọ đó. Giành nhau từ thức ăn vặt, như chip, bánh, kẹo, nước ngọt, đồ chơi, và cả má... nhưng chẳng khi nào giành cơm. Vậy mà mỗi khi một trong hai đứa đi đâu về trễ, là đứa kia hỏi đứa nọ, đi đâu? khi nào về? sao đi lâu quá vậy? Rồi thì lẩn thẩn đi vô đi ra. Má thấy hai chị em con yêu thương nhau, quyến luyến nhau, và lo cho nhau, lòng má vui sướng không thể tả.

Nhưng cũng có lúc hai đứa ganh nhau, nhất là chị con, lộ tỏ rõ hơn. Cái gì chị con cũng muốn được nhất và phải trội hơn con. Khi còn bé, ai khen con đẹp trai mà không khen chị con đẹp gái là chị con xụ mặt ngay tại chỗ, vì vậy, khi gặp vài người thân quen, má phải nhắc họ là không khen thì thôi, còn khen là phải khen luôn cả hai. Sau càng lớn, chị con bỏ bớt tính xấu này. Học hành cả hai đều khá. Chị con cần mẫn, chăm chỉ. Con ham chơi, lơ đãng làm má phải nhắc chừng hoài.

Má có thói quen ưa ngồi ngắm khuôn mặt con khi say ngủ. Khuôn mặt của con, trời ơi! sao mà dễ thương hết sức! Khuôn mặt của con khi ngủ giống như tạc khuôn mặt của ba con ngày trước, con có biết điều này không Minh?

Má nhớ một lần, nhìn hai con chơi bóng rổ ngoài sân, đùa giỡn, miệng tía lia, hoà với tiếng banh căng dội trên nền xi măng, mặt hai đứa tươi rói, má đứng trong bếp, lòng sung sướng tột cùng. Hạnh phúc làm má chảy nước mắt. Má thấy mình như con bé nhảy cao được giải huy chương vàng thế vận hội, sung sướng quá, con bé cũng khóc.

Khổ quá cũng khóc, mà sướng quá cũng khóc. Con người rõ là rắc rối, phức tạp, khó hiểu nổi.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Hôm nay là thứ Bảy, má quyết định không đi làm thêm giờ, gọi điện thoại chị con mấy lần nhưng không gặp. Ngày mai là sinh nhật của chị con, má đã gửi đôi tất len má đan, và cái check, không biết chị con đã nhận được chưa. Má đang trông coi hai đứa con của Carol vài tiếng, cô ấy nhờ. Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn, con em láu lỉnh hơn con chị, nó đi nhanh hơn, nói nhiều hơn, và ăn cũng nhiều hơn. Má xào mì, món hai đứa thích, gọi là spaghetti. Carol bị ticket xe, phải đi học. Tối qua cô ấy qua ngồi khóc lóc, ba tụi nhỏ bỏ đến nhà bồ ở hơn cả tuần lễ chưa về. Carol đang có bầu sáu tháng. “Có bầu vì ổng muốn con trai,” Carol nói. “Thôi thì chiều chồng vậy, vả lại Chúa cho bao nhiêu thì mình nuôi bấy nhiêu.” Carol ở sát nhà mình ba năm nay mà má chưa từng thấy ông chồng có cử chỉ tốt đẹp gì với vợ cả. Má cũng ít khi nghe Carol nói tốt về chồng. Thỉnh thoảng hai người cãi nhau to tiếng, đồ đạc bể loảng choảng, hai người rượt đuổi nhau, con cái khóc thét. Có lần cảnh sát đến lập biên bản, bắt ông phải đi học lớp chừa tội đánh vợ, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, rồi đâu cũng vào đó. Nhìn cảnh tượng này, má nghĩ phải chi đàn ông dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào hơn một chút, và đàn bà cứng rắn, bản lĩnh, quyết định hơn một chút. Nghĩa là, cả hai giới tính sẵn sàng đổi hay san sớt một chút phần của mình cho người kia thì thế gian này hay ho biết dường nào! Chắc chắn sẽ giảm bớt, không những tội phạm, bạo lực, mà còn giảm bớt dân số trên trái đất này nữa.

Nhắc chuyện của Carol, má nhớ hôm nọ đang ngồi nói chuyện gì đó, cô Mây chợt buột miệng nói, “Sao cháu thấy thời của bác, mẹ cháu... hầu như người nào cũng lận đận vì... đàn ông, không bằng cách này thì bằng cách khác.” Đàn bà thời má lớn lên được dạy dỗ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội rằng người phụ nữ phải chịu lệ thuộc vào người đàn ông. Người đàn ông lý tưởng là người luôn bao bọc, che chở cho người đàn bà. Đàn ông là phái mạnh, đàn bà là phái yếu. Đàn ông là lẽ sống. Người thiếu nữ kiếm chồng như kiếm cha để được nuôi nấng, lo toan cho mình. Nhưng trong thực tế, đa phần thay vì người cha, hoá ra lại là... thằng con trai. Người đàn bà lại phải nuôi, chăm lo, săn sóc...

Trường hợp bà ngoại, má, hay một số đàn bà má quen biết, không có đàn ông vẫn sống được, và sống rất ngon lành, dù hoàn toàn không phải là sự chọn lựa.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Trưa nay má đến thăm bà Tư, đem theo cái bánh giò, tô phở chín, phong thuốc lá, và hai xâu bia Budweiser, toàn những món bà ưa thích. Bà vẫn hỏi má sao không đưa hai con đến thăm bà, má vẫn trả lời hai con giờ ở xa má lắm lắm!

Bà Tư quá đỗi già nua. Già đến mức không cách chi già hơn được nữa! Bà giờ chỉ còn da bọc xương, hai chân khẳng khiu như hai cổ tay chị con khi lên tám. Bà di chuyển bằng cách bò lết quanh nhà. Đầu bà trọc lóc, chẳng còn một sợi lông mi lông mày, tất cả trụi lủi trụi lơ. Cười chỉ toàn lợi mà ưa cười miết. Mỗi ngày bà vẫn tiêu thụ hai lon Budweiser, hai điếu Marlboro, hai lon Ensure. Thím Lợi ở sát cạnh, ngày ba bận qua chăm sóc cho bà, tiền công chính phủ trả. Mỗi lần nói hoặc hỏi gì, má phải kề miệng hét to vào tai bà, vì bà bị nặng tai, gần như điếc đặc. Bà ưa vuốt nắn cổ tay má, và hết còn nhờ má đưa đi thăm cô Bồi rồi, vậy cũng đỡ cho má con ạ. Cô Bồi giờ đang ở đâu thiệt tình má cũng không biết, chắc là trong một nhà thương tâm thần nào đó. Má định tuần tới vào nhà thương thăm chú Lở một chút. Tấm ảnh cô Bồi, bà treo trên đầu ghế xa lông. Trong ảnh cô Bồi chẳng có dấu hiệu gì là bị tâm thần phân liệt cả. Cô Bồi trong ảnh độ chừng 10 tuổi, mắt tròn xoe, má bầu bĩnh, tóc cắt bum bê, coi thật xinh xắn. Cô Bồi không khùng điên xoã tóc cởi truồng đi lòng vòng sau nhà. Cô Bồi không bẻ tay bà (má) Tư. Cô Bồi không áo tím hoa cà nhét trong quần tây đen đeo nịt vàng to bản, chiều chiều đứng trước cửa ca vọng cổ vọng sang nhà mình, lan ra cả khu chung cư chính phủ trợ cấp.

Nhìn bà Tư, má nghĩ cái thân mong manh kiếp người quá ngắn ngủi, thoáng một cái chớp mắt, mà chứa đầy tai ương, hoạn nạn. Cơn gió khô thổi phù qua không nghĩa lý gì đến đời bà Tư cả. Trước khi chào bà về, má nhìn, thầm hỏi, bà sống dai hay lâu chết? Áp dụng chính sách triết lý ba Q: Cái gì cũng Qua, cũng Quen, cũng Quên. Ngày trước ai có hỏi tuổi bà, bà nói 72. Giờ hỏi bà, cũng 72. Đến ngày lìa đời, có ai hỏi tuổi, bà cũng nói 72. Cái tuổi 72 nó ám, vận vào đầu bà Tư từ lúc mới lọt lòng hay sao con ạ!

Mà này Minh, căn apartment ngày trước mấy má con mình ở giờ cũng có gia đình Việt Nam khác đang ở. Lúc má lui xe, nhìn thấy ông cụ ngồi chẻ rau muống, thằng cháu độ bốn tuổi ngồi cạnh ráp lego. Chỗ con dựng xe đạp, nay họ kê mấy chậu trồng đủ loại rau thơm. Chung cư giờ sơn sửa lại coi đỡ hơn trước nhiều. Thùng rác xây tường xi măng có cổng mở, đóng, chứ không để tràn ra đường, có cả nắp đậy hẳn hoi, bớt ruồi muỗi nhặng kiến. Rặng thông sau nhà giờ cao chót vót, thân cây chắc phải hai má con mình nối tay mới may ra ôm trọn vòng. Tóm lại, má nhận thấy chính phủ thành phố San José giờ để ý, săn sóc người low income hơn ngày trước.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Trưa nay cô Mây đi cùng má ghé vào nhà thương Bascom thăm chú Lở. Người Việt mình gọi đây là nhà thương thí. Má và cô Mây phải đi hết sáu phòng mới tìm được đúng phòng. Mấy bà y tá chỉ lung tung. Người bệnh nào mặt mày cũng hao hao giống nhau, khó phân biệt, nhất là đang bị căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, nằm chờ ngày đi. Chú Lở nằm ở phòng cuối, dãy cuối. Khuôn mặt chú, thoạt nhìn, má không cách chi nhận ra, phải mất mấy phút. Chú nhìn má, má nhìn chú, cả hai chào hỏi bằng mắt, định thần môỳt lát má giới thiệu cô Mây. Cổ chú mổ đôi, nhét ống thở vào, chú hoàn toàn không nói, không cử động gì được nữa. Chú thở bằng ống và sống bằng nước sữa truyền từ bình vào. Má ngồi kể chú nghe về bà Tư, rằng thảm nhà chủ mới thay, màu xanh dương đậm, màn cửa cũng thế, màu vỏ trứng. Những lá thư, bill của chú, bà Tư vẫn cất trong hộp giấy để ngay ngắn trên bàn cho chú, đợi chú về đọc. Trong khi nghe má kể, chú nhìn má không chớp mắt. Má đọc được điều chú đang nghĩ trong đầu, “Nói nữa đi, đừng ngưng. Chị làm ơn nói tui nghe về má tui. Bả ra sao? đang làm gì? Con Bồi ở đâu? có khoẻ không?” Má kể tiếp, “Má anh vẫn mỗi ngày hai lon bia Budweiser, hai điếu thuốc Malboro, hai lon sữa Ensure. Thím Lợi ở sát cạnh hằng ngày qua ba bận chăm sóc bà cụ. Và ti vi vẫn mở 24/24.” Má thấy nước mắt chú ứa ra. Một lát sau, má cầm tay hỏi chú muốn gặp má phải không, chú nhắm mắt, rồi mở, má hỏi cả thảy ba lần, để nghĩ rằng mình không nhận xét sai, vì cũng câu hỏi tương tự như vậy cách đây mấy tháng, chú lắc đầu.

Má và cô Mây chào chú, đôi môi chú run run như gắng hết sức mấp máy. Má phải nói giùm, “Tôi biết chú muốn nói cám ơn, thôi chú an tâm nằm nghỉ, tuần tới tôi sẽ đưa má chú vào thăm chú.”

Ra khỏi phòng, má nghĩ, có lẽ chú Lở biết mình sắp đi.

Má thấy trong người khó thở và đuối sức. Má cần đi nằm một chút.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Suốt cả ngày nay má cứ bần thần làm sao. Mấy lần ráng sức ra khỏi giường, vào bếp pha ly trà nóng, ngồi nhìn ra mảnh vườn quen thuộc, nhưng không thấy gì hết, ngoài sự trống rỗng. Má biết nỗi buồn bã, âu lo đang ăn lan trong người, mong rằng sẽ qua, chiều nay hay sáng mai ngủ dậy, hoặc cùng lắm lấn qua bữa mốt. Tất cả đến rồi đi, đọng rồi tan, có rồi mất.

hôn con.

 

[còn 3 kỳ]

 

------------

Đã đăng:

... Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la... (...)
 
... Những ngày như thế này... Ngày cuối tháng tư mỗi năm. Ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam. Mùa Xuân Giải Phóng hằn trên từng cá nhân, trong đó có gia đình mình. Má nhớ những ngày chạy loạn, mọi người đi tới đi lui như bầy kiến đi vòng quanh trên mặt chảo rang... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021