thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [5]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Âu Cơ” [1][2][3][4]

 

Minh thương của má,

Sáng nay trời hiu hiu, có lẽ chiều tối sẽ mưa. Trở trời, má thường nhức mỏi bả vai, đầu gối. Bả vai và đầu gối là hàn thử biểu đo lường cơ thể má. Má uống hai viên Tylenol với ly sữa đậu nành hâm ấm, dán miếng Salonpas rồi đi nằm nghỉ. Má định ra vườn đào đất trồng chậu lavender lady lilac, nó có mùi thơm dịu như hoa sầu đông bên nhà, nhưng thôi, để mai mốt má làm cũng được.

Suốt đêm qua, con chó nhà bà Pat sau lưng sủa liên hồi, làm má vốn ngủ ít, giờ lại bị mất ngủ, nên hôm nay cứ vật vờ như người nghiện thiếu thuốc, may mà không phải đi làm.

Má công nhận là mình đã lỗi thời, lỗi lối sống so với những người chung quanh, chỉ được sự cần lao. Vài người quen thân nói thế. Nhưng má biết, hiểu được mình. Không ai hiểu mình bằng chính mình. Những gì má trải qua chỉ mình má biết. Những gì má học hỏi, giúp ích cho má, cũng chỉ mình má hay. Có kêu ca, than trách, vật vã rồi thì cũng phải sống hết đời mình thôi. Suốt đời má, hiếm hoi có được một ngày sống, nghĩ cho riêng mình. Với má, cuộc sống đồng nghĩa với bổn phận, trách nhiệm. Ngày chưa chồng bổn phận là dốc lòng làm hài lòng bà ngoại. Lấy chồng, sanh con đẻ cái, gánh thêm trách nhiệm. Giờ má đang bước chân vào tuổi già, chẳng còn mấy năm nữa là về hưu, đi cho hết phần đời còn lại. Má nhận thấy mình có được nội tâm phẳng lặng ở tuổi xế chiều, dầu rằng luôn cố gắng. Nhưng xét cho cùng, sống là cố gắng hoàn tất nghĩa vụ, nỗ lực chống chỏi với mọi khó khăn. Đừng qua cầu rút ván hay đóng cửa sập nhà, bởi cây cầu biết đâu có ngày chính mình cần. Còn bỏ đi hay nghỉ chơi... thì rồi cuối cùng biết sống cùng ai đây? Má tìm được sự bình an, là nhờ thoả thuận với chính mình, dù phải hy sinh, chịu đựng, nhẫn nhục. Má luôn gắng hoà mình vào vạn vật, giữ lòng phẳng lặng. Mặt nước xao động không thể nào thấy được ánh trăng. Gương mờ không thể nhận ra mặt mình. Sống cho người mình thương yêu cũng là hạnh phúc như cho chính mình vậy. Má không dám so má với những người cao cả, hy sinh vì lý tưởng, nhân loại, không cùng máu mủ ruột thịt với mình, như mẹ Teresa chẳng hạn.

Bà Barbara, làm cùng assembly line với má, sàng sàng tuổi má, nói tuổi của kẻ đứng dạng hai chân, một trong nghĩa địa, một ngoài sàn nhảy. Bao nhiêu năm bà nuôi con, giờ con khôn lớn, bà mới thực sự được sống cho mình, cảm giác như cây được hồi sinh. Trước kia, bà chỉ biết ở nhà nuôi con, khi con tự lập cánh sinh, bà thấy mình đâm ra vô dụng, phế thải... Bà còn tràn đầy sức sống, luôn ăn uống kiêng khem, siêng tập thể dục, thích đi du lịch, party, hát karaoké... Bà nói thêm rằng đến tuổi này rồi, đếch cần lo lắng nhiều. Chẳng nên bận tâm nếu mình làm gì sai trái, cũng chẳng còn phải thường trực chứng tỏ. Và sướng nhất là chẳng cần phải tranh đấu điều chi nữa cho nhọc xác, bởi cả đời phải tranh đấu rồi. Chuyện gì đến cứ để nó đến, nó đi thì cũng để mặc nó đi. Bà chỉ chú tâm enjoy những năm tháng còn lại mà thôi. Má nghĩ bà nói cũng có lý. Mỗi người tự chọn cách sống cho mình. Như con người cần nhiều tôn giáo khác nhau. Bà Barbara là người Mỹ, gốc Đức. Còn má là người Mỹ, gốc Việt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Trưa nay má ngồi ăn với cô Sandy. Cô Sandy người Phi Luật Tân, ở Mỹ tám năm, lấy chồng Mỹ và có đứa con riêng với người chồng trước. Với chồng sau, cô bị sẩy thai hai lần. Cô ấy nhỏ tuổi hơn má nhiều, người Việt mình thì xưng cháu, con, và gọi má là thím, dì hay bác, nhưng tiếng Mỹ thì cứ you & I là xong tuốt luốt. Cô ấy rất khổ tâm, khóc cạn nước mắt vì chồng/con. Ông chồng đang có bồ mới. Cách đây mấy bữa, cô giặt quần áo, thấy cái hoá đơn motel trên Lake Tahoe, cô hỏi, ông chối, hỏi riết, ổng nói là bạn. Ngày hôm qua, cô nghe lén điện thoại, hai người lại hẹn hò. Dạo sau này ổng thường xuyên về trễ, tính khí gắt gỏng, xem chuyện ngoại tình là bình thường, tỉnh bơ coi cô không ra gì cả, như đang ở một xứ chậm tiến thời xa xưa, chẳng phải Bắc Mỹ, chỉ thêm bước nữa, đánh vợ, là xong. Cổ đang tính chuyện ra ở riêng, rồi sẽ li dị. Còn nỗi khổ tâm khác, gấp trăm lần chồng ngoại tình, là thằng con trai riêng đang học lớp chín bỗng bỏ học, hút xì ke, nhập băng đảng trộm cướp. Cổ kể, mà giọng cùng khuôn mặt đớn đau tột độ. Má xót dạ, bởi có làm má, làm vợ mới thấu hiểu nỗi thống khổ này. Má chỉ biết lắng nghe, tìm cách an ủi. “Nó còn nhỏ, ham chơi nghe lời rủ rê bè bạn, cứ từ từ... mình thương yêu, lo lắng nó, và luôn cho nó thấy là mình không bao giờ bỏ cuộc.” Cô chua xót, “Tưởng lấy chồng Mỹ, qua đây chỉ vì con, chẳng cầu tiền cầu tiến gì cho bản thân mình cả.” Má tin ngay, bởi má cũng từng như cô ấy. Má nhìn quanh, những người đàn bà má quen biết, hầu như ai cũng tranh đấu sống còn là chỉ vì con cái, mong cho tương lai con mình rạng rỡ nên người. Hay tại những người má quen biết đều bất tài hết chăng? nhiều khi má tự hỏi. Những người đàn bà tài giỏi, sang giàu, trí thức, liệu họ sắp xếp cuộc đời có hay ho hơn những người có đời sống bình thường, thậm chí tầm thường không? Những người má tiếp xúc giao thiệp hằng ngày là giới lao công, thấp kém trong xã hội. Con đường độc đạo là nhìn lên, đi lên. Ý chí gầy dựng, đấu tranh sống còn thì họ dư thừa.

Nếu mục tiêu sống cho con hay vì chồng là niềm hạnh phúc thì sự hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng nào cũng có ý nghĩa và đáng được ngợi ca cả. Sống ở xứ Mỹ này, tự do, dân chủ, độc lập... nhưng xét cho cùng, nhìn quanh quất, má cũng thấy nhiều người khổ lắm con ạ. Giàu khổ theo giàu. Nghèo khổ theo nghèo. Giỏi lo theo giỏi. Dở cực vì dở. Khổ thì có từ thời xưa cho tới thời nay. Làm người là khổ rồi! Chỉ khác thời nay, đàn bà tương đối được đối xử bình đẳng hơn, và có thêm được quyền chọn lựa (trong giới hạn tương đối). Cô Sandy khổ sở đớn đau khóc than rồi cũng xong thôi, ước mơ có được mái ấm, bạn đời chung thủy không toại nguyện thì sống một mình vậy, vẫn không sao cả. Độc lập tài chánh giúp người đàn bà bớt lệ thuộc vào người đàn ông. Chỉ con cái hư hỏng là đứt gan cắt ruột. Má cầu mong thằng con của cổ chỉ vì tuổi thành niên ưa nổi loạn, náo động tạm thời rồi sẽ qua đi trong vài năm tới.

.......

Xin lỗi con, má đang kể nửa chừng, thì điện thoại chú Lộc gọi kiếm cô Mây. Má nói cô Mây chưa về, chú cà kê dê ngỗng chỉ hỏi thăm về cô Mây. Chú Lộc là kỹ sư điện tử, làm hãng Intel, lương hơn trăm ngàn, cộng thêm stocks. Chú đã lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình, có thiện cảm với cô Mây. Theo má nhận xét, cô Mây không mấy gì ưng chú cả. Tuần trước chú ghé, trong khi trò chuyện, chú nhìn quanh nhà, buột miệng, “Chị và Mây sống giản dị quá!” Rồi tiếp, “Giản dị là dấu hiệu của sự chín chắn.” Má cười, “Giản dị thì hỏi cô Mây, chứ tôi giản dị là vì già rồi chú ạ!” Cô Mây ngồi im, ngó ra vườn. Lúc chú về rồi, cô nói, “Mỗi lần gặp, toàn nói chuyện tào lao, thậm chí ngốc nghếch, chỉ có câu nói khi nãy là cháu nghe lọt lỗ tai.” Má nói, “Khó quá coi chừng ở giá đó cô ạ!”

Bữa nay má kể lung tung, toàn chuyện người này người nọ. Những người quanh má. Thôi, tay má mỏi rồi.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Tối qua chị con gọi nói chuyện rất lâu, giọng tíu ta tíu tít. Khi chị con tíu tít, má nghe như hát, những con chữ cứ quấn chặt với nhau, nghe không rõ. Mọi chuyện gần như được theo ý chị con. Chị con vui là má vui.

Má nghĩ, chị con học xong, tìm được việc làm tốt, rồi lập gia đình, có con cái, sống cuộc đời bình an, ý nghĩa. Má ước mơ như câu chuyện con bé đội rổ trứng trên đầu đi bán. Uớc mơ này nối tiếp ước mơ nọ. Nhưng má sẽ không nhảy tưng tưng để trứng bể, ước mơ tan tành mây khói. Má cũng đã từng như vậy, chồng chất ước mơ cho má, giờ thì cạn kiệt. Má giờ đây sống nhiều với dĩ vãng, mà dĩ vãng như nhiều lần má nói với con, là chỉ mong được xoá nhoà cho đỡ nhọc lòng.

Trở lại vấn đề chị con. Ông thầy đỡ đầu khen luận án giá trị, độc đáo. Về chuyện học, chị con nói thì má nghe, ít có khái niệm. Tối qua chị con vẫn còn cái giọng nửa đùa nửa thật, “Giấc mơ làm đạo diễn con vẫn còn ấp ủ đó má!” Má biết, chị con mê phim ảnh rồi nói vậy. Hồi còn bé, lúc dệt mộng làm ca sĩ nhạc Rock, lúc người mẫu, lúc thám tử tư... Ôi thôi, má đã từng trải qua theo bao giấc mộng của chị con. Hai con mơ gì là má mơ nấy. Trong những giấc mơ chưa bao giờ hai con mơ mình là “bác sĩ” cả, bị hai đứa đều sợ máu me, thây người chết. Đường công danh sự nghiệp chị con còn dài. Được học một trong mười trường giỏi nhất nước Mỹ là giấc mơ ngoài tầm tay với của má.

Má nhớ ngày chị con tốt nghiệp trung học, đứng trên bục cao đọc bài diễn văn. Thầy cô cùng má và bạn bè ngồi dưới nghe, lòng má rạo rực, sung sướng không tài nào tả xiết. Từng chữ, từng chữ, từng chữ chị con đọc má rót vào lòng dù má không hiểu hết, và đã được chị con cắt nghĩa trước đó cả tuần. Hàng chữ cám ơn má in thật đậm, thật to.

Trời quả có mắt Minh ạ.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Con, rồi chị con, giờ thì cô Mây hay nói (chọc) má là người bảo thủ, quê mùa, không hợp thời, cổ xưa, hủ lậu, cũ rích cũ rang, không hiện đại, dây đàn lạc điệu.... má nghe, chỉ cười, đành chịu, vì quen nếp sống vầy rồi. Suy nghĩ đã hình thành bản tánh má tự bao giờ. Ngay từ còn nhỏ, lễ giáo gia đình, học đường, xã hội đào tạo má theo khuôn phép nhất định do ngàn xưa truyền lại. Má nghĩ, đạo đức Nho giáo chẳng còn hợp lắm với người đàn bà Việt Nam sinh sống trên đất Mỹ. Nhưng xứ Mỹ được cái hay là ai muốn làm gì, tin gì, thích gì, sống thế nào thì tuỳ. Đến tuổi này rồi, má suy ngẫm, đạo nào cũng có cái hay cái dở, (ngoại trừ đạo cướp của giết người, hay bắt người khác tử vì đạo của mình). Những cái hay của đạo lý phương đông, là luôn chú trọng đến riềng mối giao hảo giữa con người với con người. Lấy gốc làm chính, không dựa vào ngọn, ngành. Làm điều thiện vì tin là tốt, chứ chẳng phải do sợ hãi. Sống có tôn ti trật tự, hoà hợp, trời đất cùng con người bình đẳng. Đạo đức nhân nghĩa. Tính cách hiếu tĩnh. Bởi thế đã giúp má lấn lướt, đứng dậy sống với mọi người và sống vì hai con. Má học cách làm người, cách ăn cách ở, cách đối xử với mọi người quanh má. Trung dung, không có gì là tuyệt đối. Má sống mực thước, tự trọng, ráng giữ phẩm giá, chu toàn nghĩa vụ. Và quan trọng, là giữ được lòng bình thản ở những năm bóng ngả về chiều.

Nho giáo, lấy con người làm gốc, dẫu người đàn bà trong Nho giáo không được trọng vọng bằng đàn ông, nhưng có đạo nào, văn hoá nào, xã hội nào ngày trước coi trọng đàn bà đâu con. Nho giáo cũng chẳng ngoại lệ. Với thời gian, văn minh tiến bộ, chịu khó suy nghĩ, trải qua bao biến cố, kinh nghiệm con người có cái nhìn thay đổi, đỡ khe khắt hơn với đàn bà. Hôm kia, má nói với cô Mây rằng đừng quên Khổng Tử cũng đã từng dạy, “Người quân tử làm điều mình thích, người tiểu nhân làm điều người khác thích.”

Má không hiểu thấu đáo chủ nghĩa cá nhân, nhân bản của người tây phương. Hô hào dân chủ tự do bình đẳng độc lập. Má nhớ một lần chị con nói, người tây phương có khuynh hướng làm từ thiện như viên công chức được lãnh lương, hoặc vì mục đích muốn chinh phục, thay đổi người khác theo ý hướng của mình. Má thật lòng nghĩ, dù gì đi nữa, không nên theo hoặc tin điều gì một cách mù quáng. Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo dàn trải trên đất nước Việt Nam hàng ngàn năm, nhờ vậy, mà kinh qua bao cuộc ngoại-nội chiến tàn khốc, người dân khốn khổ vô vàn, mà vẫn luôn giữ được nhân tính, không để chai sạn, vẫn rộng rãi, hài hoà, vui vẻ sống, gắng xoá bỏ hận thù để sống. Bà supervisor của má nhận thấy rõ được điều này ở nhân viên; và những người chủ phố, chủ nhà cho người Việt mình thuê đều cùng chung nhận xét. Cô Mây, có tật ưa châm biếm, “Cháu công nhận người Việt mình mau quên, tốt bụng, nhưng bù lại, hơi... nông cạn bác ạ.”

Tuần trước, cô Mây và má ngồi coi Tivi chiếu cảnh một số cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam thăm chơi và được người dân mời đón, chào hỏi ân cần. Những giọt nước mắt ứa ra từ mắt những ông cựu chiến binh Mỹ già cao to, da hai cánh tay xăm đầy hình quái lạ. Họ nói họ cảm động bởi không ngờ người Việt vẫn độ lượng với họ, không xua đuổi chửi bới họ. Má nói người dân Việt Nam mình hiếu hoà tốt bụng, chỉ tiếc không có người lãnh đạo giỏi nên mới để đất nước ra nông nỗi như ngày hôm nay. Thời chiến tranh, trong miền Nam mấy ông tướng tá vơ vét đầy túi tham. Ngoài miền Bắc, mấy ông lãnh đạo bần cùng hoá người dân. Cô Mây buông ngay một câu, “Ông Lê Nin từng nói người tư bản bán cho người ta sợi dây thừng, dù biết mục đích mua sợi dây về chỉ để treo cổ.” Chị con cũng từng nói với má, “Người Mỹ có được đời sống ấm no sung sướng vật chất thoả mãn như thế là cái giá của các giống dân nghèo đói khác phải trả, phải chịu, phải gánh gồng, phải thiệt thòi, phải chịu đựng... má có biết vậy không?”

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Sáng nay bà Helen mới vô làm cùng assembly line với má, hỏi má theo đạo gì, má nói má theo đạo ông bà, thờ cúng tổ tiên, chẳng phải tín đồ Phật giáo thuần thành như bà Tiềm, cũng chẳng con chiên ngoan đạo như ông Ken. Đạo ông bà dạy má sống sao thành người tốt lành, hữu ích, ngay thẳng với chính mình, chẳng dựa vào thần linh nào cả, đối xử có trên có dưới, có trong có ngoài. Bà Helen nghe má nói một hơi, mắt cứ trố ra, lát sau má mới biết, bả theo đạo Islam con ạ.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chiều qua cô Ngọc đến chở má đi khu outlet ở mãi tận Gilroy. Má mua lố tất, bốn khăn tắm và hai áo lạnh. Rẻ lắm, giá hạ đến 75%. Sau đó cô Ngọc đưa má lại nhà ông bà Chánh chơi. Mùa hè thường là mùa tụ họp, gặp gỡ bạn bè. Cả đám ngồi ở sân sau, bao quanh là cây cối hoa lá xanh tươi, mát mẻ. Góc vườn có hòn non bộ, hoa sen nở, và nước chảy róc rách nghe vui tai. Khoảng gần 20 người đàn ông lẫn đàn bà, hầu như ai cũng gần “sáu bó” hoặc hơn. Tuổi già, tuổi chạng vạng, gặp nhau toàn nói chuyện “gần đất xa trời,” chuyện ăn uống kiêng khem để hạ cholesterol, huyết áp. Làm sao ngăn ngừa ung thư, trị bịnh đái đường. Rồi bắc qua chuyện nhà cửa vùng này giờ đắt đỏ một cách vô lý. Má ngồi yên lắng nghe nhiều hơn nói. Giữa đám đông má thường có cảm giác lạc lõng, nhất là những năm sau này. Má không thích lắm, nhưng cũng không khó chịu đến độ phải xin về sớm hoặc tuyệt đối không bao giờ tham dự.

Đời sống ở đây bịt bùng kín mít, không loãng tan như ở Việt Nam. Ông Tánh bảo lãnh cô vợ trẻ từ Việt Nam sang, sống chưa tới ba tháng là đã không trụ được. Cô vợ 25 tuổi bỏ qua Boston ở với người dì. Ông chồng 55 tuổi trở lại đời sống độc thân, dù giấy tờ cư trú chưa hoàn tất. Cả hai khó lòng chia sẻ bởi biết bao điều khác biệt đưa đến sự cách lìa. Tuổi tác chênh lệch đã đành, mà dòng suy nghĩ hai người lại hai nẻo. Dạo này, đang có phong trào đàn ông già về Việt Nam cưới vợ trẻ, cả mấy cậu thanh niên cũng vậy. Má nghĩ biện pháp này giải quyết được một số vấn đề tạo dựng đời sống vợ chồng, nhưng liệu những cặp vợ chồng như vậy thành tựu được bao nhiêu và bao năm? Má nhớ, gần hai mươi năm trước là phong trào vượt biên, vượt biển, sống chết gì cũng phải ra đi, giờ thì cùng đua nhau về lại Việt Nam. Má nghe, biết, chứng kiến một số gia đình tan nát là vì người chồng về Việt Nam liên hệ với những người đàn bà, con gái trẻ bên nhà. “Đưa nó qua, lỡ không thành, thì cũng được chơi... free vài năm,” ông Kiệt lí luận. Má nghe, nhớ tới lời ông Toàn về Việt Nam chơi gái, cũng lí luận là một cách giúp kinh tế nước nhà giàu mạnh, “Giúp tụi nó có tiền nuôi cha nuôi mẹ nuôi em.” Nghe sao bi thảm, bi đát, tội tình quá. Còn ông Ngân (thi sĩ vùng) lại lí luận như vầy, “Làm tình với đàn bà, con gái ở Việt Nam như làm tình với quê hương, đất nước.” Trên đường về, cô Ngọc vẫn còn hậm hực, “Cỡ thằng cha Ngân thì chỉ có về Việt Nam kiếm đĩ mà chơi. Chả nói vậy, chẳng khác ví Việt Nam là con đĩ sao?” Má nghe, trong lòng thầm nghĩ, cuộc đời người ta bao giờ cũng nhiều, dài, đầy dẫy phức tạp hơn một câu nói ngắn, gọn.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Tối qua má ngồi coi cuốn video Thuyền & Biển của nhà sản xuất Viên Thao. Giọng ca Elvis Phương rên rỉ thở than, điệu bộ (cố) uốn éo khổ đau vì tình

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
 
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ...

Phải yếu đuối, lãng mạn, yêu đương tha thiết lắm mới nghĩ ra được lời lẽ như thế. Ví người tình mình là bể khơi, dào dạt những con sóng bao la phủ trùm. Xuân Quỳnh, nhà thơ nữ trong nước, sống và lớn ở miền Bắc đã sáng tác bài thơ đó.

Nhưng riêng má, và những người tị nạn vượt biên bằng đường biển, thì lời nhạc trên chỉ gợi lại nỗi kinh hoàng sợ hãi co rúm người. Nhạc vang dội kèm theo tiếng lùng bùng ghe máy nổ. Giọng hát vọng lại lời khẩn cầu van xin từ đáy biển khơi. Những đợt sóng cao hung hãn trùm phủ con thuyền mong manh trôi tuột dần vào không gian thăm thẳm trời đêm. Đốt lửa làm tín hiệu, đồng thời là đốm hy vọng, tin rằng ngày mai trời lại sáng, sẽ được tàu Tây, tàu Mỹ cứu vớt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy má đọc báo, California giờ đây dân da màu gộp lại đông hơn dân da trắng. Da trắng trở thành thiểu số. Trong đám da màu, người Mỹ gốc Latin là nhiều nhất, kế đến là gốc Á.

Như cái kim đồng hồ chạy tới, không thể bẻ ngược, trở lui. Dân tứ phương vẫn thích đổ xô về California bởi nơi đây mời đón mọi dị biệt. Nơi đây quy tụ nhiều khuynh hướng chính trị, đa văn hoá, khác biệt tôn giáo, đủ loại nhà hàng phục vụ món ăn ngon, lạ. Khí hậu rất dễ chịu. Nơi đây, Mỹ trắng hết còn là cái thước đo của mọi giống dân. Và nhất là vùng thung lũng hoa vàng, còn mệnh danh là thung lũng điện tử. Người Việt hải ngoại có hai câu vè: “Cali đi dễ khó về,”“chồng tách vợ ly.” Tách đây là technician. Và ly đây là người làm ở assembly. Người làm ca sáng, kẻ làm ca chiều, thay nhau trông nom, đón đưa con đi học. Tách ly còn có nghĩa là đôi lứa, như chén đũa, kề cận, không thể thiếu nhau. Nhưng đồng thời, còn có nghĩa khác nữa là tách xa, chia ly, bởi cả hai lo đi làm, ham kiếm tiền quá, khoảng cách giữa vợ chồng càng ngày càng xa, cuối cùng dẫn tới ly dị.

Nhiều người tài giỏi khắp năm châu bốn bể đổ về đây góp tay xây dựng, phát triển bộ mặt kỹ nghệ điện tử. Cái giá phải trả là bây giờ nơi đây bỗng biến thành một nơi đắt đỏ có hạng trên đất Hoa Kỳ. Những người không làm trong ngành điện tử, như y tá, thầy giáo, cảnh sát... sinh sống ra sao? Những người hành nghề lao động, lương thấp xoay xở thế nào? May cho má là định cư nơi đây đã lâu.

Má từng chứng kiến những trận sa thải khi các hãng xưởng trì trệ. Người người dọn ra khỏi thành phố. Hình như chu kỳ cứ độ chừng 5-7 năm thì tái diễn một lần, vậy mà đông vẫn cứ đông. Người người đổ xô về. Xa lộ bây giờ nghẹt cứng xe cộ.

Thời đại thay đổi. Xã hội bây giờ chủ trương toàn cầu hoá. Thế giới biến dần thành cái làng nhỏ. “Xa mặt nhưng không cách lòng.”

Cuối tuần rồi, Cô Mây đi biểu tình chống tiến trình toàn cầu hoá, thay vì đi biểu tình chống Cộng Sản Việt Nam. Má thấy nhiều khi cô Mây cũng... là lạ, ưa làm chuyện khác người.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chiều chủ nhật, sự tịch mịch phủ quanh nơi chốn má ở. Bên trong lòng má cũng tịch mịch. Ôi sao má yêu quý những giây phút tịch mịch như vầy quá! Nó bám đeo lấy má nhiều năm, giờ biến thành thói quen, như ngón tay, có thể co, bóp, đong đưa, bẻ, chà xát nhưng không thể thiếu. Tịch mịch đồng nghĩa bình yên, thanh thản, chấp nhận, mở rộng lòng. Má tranh đấu suốt dọc cuộc đời để có được . Nó đến là đến, và nó đi thì đành chịu. Trong những thâm trầm đau đớn chia lìa mất mát tủi nhục đắng cay... má chỉ cầu khấn một điều là sự bình an. Bình an thật, không phải là sương khói tạm bợ thoáng chốc. Và giây phút bình an, như lúc này, má ủ được trong lòng bàn tay của chính mình.

Má tập sống bình lặng, như ngày trước hai con tập làm bài. Còn sống còn thở là còn tập. Má thiệt lòng tin, dù giờ đây, ở tuổi gần với đất xa dần trời, sự tập tành vẫn là một thao diễn thói quen thường nhật, cần đến nỗ lực như hàng chục năm trước. Má mơ hồ thấy được định mệnh, phần đời, mộ bia, trạm an nghỉ cuối. Má kể Minh nghe, con đừng cười, cho là má vớ vẩn, già đâm lẩm cẩm, bởi có thể sớm mai thức dậy, lòng má không còn nhẹ tênh như vầy nữa, mà chao đảo như chiếc lá bị gió thổi đong đưa, hay bị mưa dìm sũng nước. Sáng nay má nhìn tấm tranh con vẽ cành hoa hướng dương từ lâu, chắc lúc đó con độ chín-mười tuổi, má vẫn treo nó trong phòng. Hoa hướng dương luôn xoay về phía ánh mặt trời. Thời gian đã làm nước màu sơn vàng úa. Má nghĩ sẽ đi làm khung lại, nhưng cứ chần chừ, biết có nên không, vì má cũng thấy thích màu vàng úa quyến rũ của thời gian. Sự hiện diện ắt có tạo nên đời sống. Tấm tranh treo đã bao nhiêu năm, má còn nhớ con giúp má đóng chặt cái đinh vào tường. Tấm tranh treo trên cao, thật cao, xa tầm tay với của con, của má. Tranh và đinh giờ vẫn còn, còn cả dấu tay vấy bẩn của con trai thương yêu của má. Thấp hơn một chút là cái hình chị con vẽ ông hề. Má cũng thích, nhất hai màu xanh đậm và đen. Còn mấy dòng chữ con và chị con viết cho má, má còn giữ nguyên đây.

Chúng là những vết tích của mấy má con mình có nhau ở cõi trần gian này đó, Minh ạ.

hôn con.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Minh thương của má,

Khi nãy má vất bó hoa vào thùng rác. Hoa tàn, lá rũ, thân ủng, và nước ngâm cũng đã bốc mùi. Bó hoa cô Mây mua tặng má từ anh chàng Mễ đứng bán ở ngã tư gần nhà. Cô Mây đặc biệt thích hoa, hầu như chiều thứ sáu nào cũng mang về nhà một bó, chưng trên bàn ăn. Cô mua hoa theo mùa. Khi vất bó hoa rụng tàn vào thùng rác, má nghĩ tới thân phận má, rồi cũng rơi rụng mất dấu. Đời má sắp sửa đi qua. Má sống vì những người thân thương ruột thịt. Từ bà ngoại, đến ba con, giờ là hai con... má luôn luôn ấm lòng, mãn nguyện. Má sợ con nghĩ má ưa kể lể, già đâm nói nhiều. Sống vì hạnh phúc người thân là điều dễ mà cũng chẳng dễ. Thương nhau lắm cắn nhau đau. Những người ruột thịt, tạo thành cuộc đời má. Má không tài hoa, giỏi giang như nhiều người đàn bà khác. Họ đóng góp cho cuộc đời nhân loại bao la sâu rộng. Số phận má, tài năng trời ban chỉ được vậy. Má loay hoay luẩn quẩn quanh vài người thân yêu ruột thịt đếm chưa qua mười đầu ngón tay. Má nhận mình kém cỏi, không phủ nhận hay xấu hổ, chấp nhận sống với không gian nhỏ bé hữu hạn của mình. Nhưng, những điều má kể cũng là những điều con biết. Má sống được cho đến ngày hôm nay, phải tranh đấu ghê gớm lắm. Có những lúc đối đầu với cái chết. Chết vì người khác giết hại, hay chọn cho mình cái chết. Trong những lúc tận cùng cạn kiệt, bao giờ hình ảnh hai con cũng vực hồn lẫn xác má dậy. Giờ đây má sống một mình, bắt đầu nghĩ nhiều tới ngày từ giã cõi đời này, và ra đi sao cho lòng bình an, thanh thản.

Tuần trước má nói với chị con những điều má đang nói với con đây. Đến một lúc nào cũng phải vậy thôi. Sinh lão bệnh tử. Má chưa già đến mức phải ra đi ngay ngày hôm nay, nhưng cũng chẳng còn trẻ như chị con để chưa nghĩ tới. Lý tưởng là ở tuổi nào mình sống đúng với tầm suy nghĩ tuổi đó. Ngày trước má sống là sống, phải sống, tìm mọi cách xua đuổi sự chết chóc như xua đuổi kẻ thù. Lúc nào cũng tự nhắc nhủ là phải mạnh, phải dạn, phải cứng, phải chống đỡ bằng mọi giá, mọi cách để sống còn, tồn tại. Giờ đây, con đường má đang đi dần vào phía tối. Nó ngắn dần ngắn dần. Má thấy bóng và má càng lúc càng gần, nhập thành một. Má chỉ ráng làm sao giữ lòng bình thản theo từng bước chân, từng hơi thở của mình. Như bản thân đã từng bước, bò, chạy, nhảy, leo, vấp. Từ ngàn xưa đến ngày nay, có ai thoát được thần chết đâu con?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi chiều lái xe quẹo vào nhà má thấy thằng Ryan ở nhà đối diện ngồi lẩn thẩn một mình ngoài sân. Chân trái nó băng bột cứng ngắc, đầy kín chữ viết, vẽ, ký... của ba má chị em bạn bè nó. Thằng Ryan bảy tuổi, bằng tuổi con ngày đó cũng bị băng bó cánh tay trái vì té xích đu trong trường. Một lần khác, lúc con mười tuổi, con đá mạnh cánh cửa phòng tắm, hổng chân trượt té. Má không có ở nhà, chị con gọi 911, rồi gọi má ở chỗ làm. Tâm trạng má trong lúc lái xe đến nhà thương thật là kinh hãi, người cứ như bay, cảnh vật lướt nhoà. Ôi! sao mà nó dài lê thê.

Lúc bác sĩ khâu vết rách, má phải quay mặt đi chỗ khác. Con tê nên không biết đau đớn khi bị khâu tám mũi. Cũng may con chỉ rách miếng da, chưa sâu vào gân. Chị con giỏi, lanh, và bình tĩnh, má phải phục.

hôn con.

 

[còn 1 kỳ]

 

------------

Đã đăng:

... Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la... (...)
 
... Những ngày như thế này... Ngày cuối tháng tư mỗi năm. Ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam. Mùa Xuân Giải Phóng hằn trên từng cá nhân, trong đó có gia đình mình. Má nhớ những ngày chạy loạn, mọi người đi tới đi lui như bầy kiến đi vòng quanh trên mặt chảo rang... (...)
 
... Cảm giác phập phồng, sợ hãi, âu lo trong những ngày sau 30/4/75 thỉnh thoảng bất ngờ ập tới, nhất là ban đêm, má nằm không đợi chờ nhưng hai tai và mắt cứ mở toang toác nghe rõ mồn một tiếng chân người rầm rập đang bước dần lên cầu thang, rồi tiếng gõ cửa, đập cửa mỗi lúc một dồn dập. Tiếng quát tháo, ra lệnh... (...)
 
... Con phải hiểu, má đến từ một nơi mà quay đi đâu cũng đụng phải người, phải cây, phải vật... như cái chổi, cái lu nước, cái mùng, cái ghế đẩu... Tất cả quấn chặt lấy nhau. Tiếng nói, tiếng người rao hàng, tiếng bà hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng sóng vỗ, tiếng mèo gào, tiếng reo cười trẻ con. Mùi muối biển mặn, mùi mồ hôi người, mùi cứt chó, cứt gà. Màu xanh bẹ chuối, màu xanh trời gần... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021