thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [6]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Âu Cơ” [1][2][3][4][5]

 

Minh thương của má,

Có những buổi chiều như buổi chiều hôm nay, má thấy lòng mình bâng khuâng, ảm đạm làm sao! Nhìn qua song cửa sổ, nắng lịm dần, má nhớ bài thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vắng trống dồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

Những câu thơ ngắn ngủi, má học từ thời trung học, nhưng nằm sâu trong tâm trí má mấy chục năm trời. Lời lẽ ngậm ngùi, nhưng thanh thoát. Chứa chan tâm sự của kẻ đã đơn côi, còn phải đối diện với sự vắng lặng, mà tâm tư thì bất lực.

Má tâm sự cùng con một chút, nhá Minh.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi chiều đi làm về, trán má hâm hấp nóng, mình mẩy nhức mỏi. Cô Mây vắt cho má ly cam, đưa hai viên Tylenol bảo má uống. Uống xong, má lên giường nằm, thiếp đi một lát, thức dậy, thấy đỡ được một chút, nhưng lo không biết sáng mai có dậy nổi đi làm không!

Trước kia, khi còn trẻ, má mạnh như con trâu nước, thấy mình độc lập biết bao. Giờ đây, ở tuổi này, khi bệnh, thấy độc lập, là ảo tưởng.

Má cảm thấy càng ngày càng cần sự nương tựa, bởi thấy mình yếu đuối hẳn ra, từ tinh thần lẫn thể chất. Nói tóm lại, má cần đến sự giúp đỡ, có mặt của người khác, có lẽ đó là tính chất nhất định của đời sống.

Má không biết rồi những tháng ngày già nua lụm khụm sẽ sống ra làm sao? Vào viện dưỡng lão Los Gatos Oaks ở cùng mấy ông bà cụ Việt Nam hay về lại Việt Nam sống với mấy đứa cháu? Chị con nói sẽ đưa má về ở chung. Chị con hứng chí nói vậy, chứ rồi đây, khi có mái ấm riêng biệt, sẽ đổi ý. Vả lại, má cũng ngại làm phiền lắm.

Bỗng nhiên sao bữa nay má than van với con về đề tài này hả Minh?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Có những thức ăn, ở vào giai đoạn nào đó, cứu con người khỏi chết đói, nhưng ở vào giai đoạn khác, chỉ tổ làm hại con người. Sau biến cố 30/4/75: sắn, bo bo, khoai lang, bắp... là những món ăn thay cơm ngày ba bữa. Rồi vượt biên, những bịch đường, trái chanh, trái quýt, mì gói... cứu được bao mạng người. Trong những lúc nguy nan, thiếu thốn, đói khát hoành hành, miếng thịt, chén cơm... sao mà to tát, vĩ đại hết sức!

Cha ông ta dạy: “Một miếng khi đói bằng gói khi no.” Nhưng đồng thời, “Miếng ăn là miếng nhục.”

Giờ đây thức ăn ê hề. Người ta sợ ăn chứ không còn thiếu ăn. Hai chị em con cũng đã từng thiếu ăn ở tuổi thơ ấu, giờ thì chẳng đứa nào nhớ, nhưng má còn nhớ rất rõ. Ký ức nhiều khi làm mình bực bội. Má chỉ muốn gạt những hình ảnh buồn thảm, đau xót đó ra khỏi ký ức mòn mỏi của má,

Xứ Mỹ giờ đây bị bệnh vì ăn quá độ. Bệnh béo phì. Cứ ăn thật nhiều rồi nhịn, kiêng, tập thể dục cho xuống cân. Có người còn uống thuốc chống mập. Đúng là bệnh con nhà giàu: tham ăn.

Dạo sau này má ăn chẳng được nhiều, mà cũng chẳng thấy thèm gì cả. Lưỡi cũng bị bào mòn theo thời gian. Má ăn vì phải ăn, vì giữ gìn sức khoẻ, như uống nước chẳng vì thấy khát. Lâu lâu mới có được bữa ăn ngon miệng. Mỗi ngày má uống một ly sữa đậu nành, một ly cam vắt, hai ly trà nóng. Nước uống thì dễ trôi, nhai khó nuốt hơn. Ở tuổi má, chẳng còn cần ăn ngon mặc đẹp. Giữ được bình an, thanh thản trong lòng là điều cốt yếu.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi trưa cô Mây đi đâu về mang cho má chậu xương rồng đang nhú nụ. Cô bảo mua ở garage sale đầu ngõ.

Má nhìn chậu hoa, nghĩ con người thay đổi theo hoàn cảnh, thời gian. Mấy năm đầu ở Mỹ, garage sale, flea market, thrifty... là những nơi mấy má con mình siêng lui tới nhất. Hầu như toàn bộ đồ dùng trong nhà, từ giường, Tivi, bàn ghế, đến xoong chảo nồi niêu, qua áo quần, giày dép... đều phát xuất từ những nơi đó. Những tháng ngày cơ cực, túng thiếu giờ đã qua. Cô Mây tình cờ thấy, tạt vào, cũng chỉ mua chậu bông, thứ đồ... xa xỉ phẩm, trang hoàng cuộc đời.

(... xin lỗi con, má phải ra vườn tắt nước tưới cỏ).

Má nhớ một lần, lâu lắm rồi, chắc giờ chị con cũng đã quên, vượt qua, hoặc chẳng còn thấy quan trọng nữa. Bài luận văn cho trường, năm lớp 11, chị con viết về “cái tên” của chị con. Cái tên ba má chọn đặt. Lúc còn bé, ở Việt Nam, hoàn toàn không thắc mắc. Nhưng khi sang tới Mỹ, đi học, nó trở thành vấn đề. Chị con “khổ sở, bực bội, cảm thấy bị quê, khó chịu...” vì nó. Chị con muốn đổi một tên khác, rặt Mỹ, chỉ vì đọc dễ và cho giống bạn bè. Mấy lần chị con tự xưng là Kelly, Lisa, Emily, Beth... để không thấy khác biệt với lũ bạn. Mỗi lần chị con nhăn nhó, khó chịu, má phải kiên nhẫn ngồi giải thích cho chị con hiểu. Cái tên ba má đã bàn bạc, chọn lựa từ hàng trăm cái tên. Trong tiếng Việt, nó mang nhiều ý nghĩa, vừa hay, lại đẹp, và phát âm lạ. Chị con vẫn nằng nặc không chịu nghe. Mãi lên đến lớp 9, trong một bài báo của trường viết khen chị con. Lần đầu chị con thấy cái tên mình xuất hiện... một cách khác lạ, đặc biệt, không lẫn lộn với những tên... bình thường khác. Bỗng nhiên chị con ý thức ra được cái hay, cái đẹp, cái lạ của cái tên ba má đặt cho mình, và từ đó bắt đầu hãnh diện vì nó.

Đó, con thấy không Minh, nội cái tên cũng có vấn đề. Lần theo cái tên như lần theo tìm kiếm cái bản sắc, căn cước của mình.

Ở nơi đây, nhiều cái tên rất khó gọi, nhất là tên họ, nhưng mọi người bắt đầu quen dần rồi. Ai cũng cố gắng đọc, có sao đâu!

Cô Mây nói người Mỹ da đen giờ đây đang có khuynh hướng ghép tên, đọc lên nghe hay lắm.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Cả ngày hôm nay mưa không ngớt. Khi nặng hạt, khi lâm râm làm bầu trời luôn sũng nước. Cô Mây đi đâu từ sáng sớm, căn nhà trống vắng, má đi vô đi ra chỉ nghe mỗi tiếng chân mình. Má dọn dẹp, lau chùi nhà bếp, phòng tắm, gọi điện thoại cho chị con, nói chuyện một lát. Ý nghĩ chị con đi về Việt Nam cứ đeo đuổi trong đầu má. Nhưng như má đã nói, bất cứ giá nào má cũng đi cùng chị con. Cũng may, chị con bằng lòng. Có cả Jim đi nữa. Má sẽ tránh không là cái đuôi sam của hai đứa. Má ra Bắc ở chừng vài ngày, sau đó vào Trung, rồi Nam. Khi vào Nam, má để hai đứa đi riêng. Má sẽ ở nhà dì Ba.

Câu cách ngôn một sự nhịn chín sự lành ngày trước bà ngoại nói miết, má chẳng rõ bà dạy dỗ con cái hay tự nhắc nhủ bà. Nhưng giờ đây, ngẫm nghĩ, nó cũng ám vào đầu má. Má không phải cố nín thở qua sông như bác Hưng thường áp dụng khi ở trong trại cải tạo. Bản tánh má ưa nhường nhịn. Không muốn làm mất lòng ai.

Thích được yên, chẳng phải dễ, dẫu yên hay náo là hoàn toàn do mình cả.

Tuổi thơ má tàm tạm. Sống với bà ngoại, bà ngoại lo cho hết, chỉ thiếu thốn hình ảnh người cha. Về sau, thêm sự mất mát của bà ngoại, rồi mất luôn cả chồng. Tiền bạc cũng tiêu tan dần, rồi vượt biên, rồi định cư... cứ vậy, bao tai ương lần lượt diễn biến. Giờ thì má già rồi. Ở tuổi này, như ngày hôm nay, trời mưa, má ngồi, nằm, đi vô đi ra nghĩ ngợi lung tung... tạm thoả thuận, chấp nhận. Không chấp nhận cũng không được. Mấy bà bạn bằng tuổi má, cuối tuần có người cặp kè bồ bịch đi chơi, có người tụ họp hát karaoké, có người nhảy đầm. Lại có người có con dâu, con rể, cháu chắt về tụ họp đầy nhà, cùng ngồi xem video Thuý Nga, Asia, hài kịch Hoài Linh, Vân Sơn... cuốn mới nhất. Má có vùng vẫy, đòi hỏi, than trách cũng bằng thừa. Thiệt lòng, má cũng không ưa mấy trò tìm vui tạm bợ vài ba tiếng. Má chấp nhận sự bình an buồn tẻ. Ngày ngày đi làm, tối về trò chuyện cùng con hay nói điện thoại với chị con, như vậy là đầy đủ rồi.

Cô đơn cũng phải tập lướt đi. Chống đỡ cô đơn không dễ. Coi tivi, đọc báo, nghe người ta kể... má biết bao người còn khốn khổ hơn mình. Cô Mây rồi cũng sẽ rời khỏi nơi đây. Nghĩ tới ngày đó má cũng buồn. Cô đi, nhà đã hiu quanh sẽ hiu quạnh hơn. Nhưng rồi, tất cả cũng sẽ từ từ trở về lại nguyên thủy như ngày cô Mây chưa dọn vào. Có cô ấy trò chuyện cũng đỡ trống vắng. Biết có người đi ra đi vào, nghe tiếng chân, tiếng xe, tiếng nấu ăn, tiếng máy giặt máy sấy chạy... nghĩa là, biết có người quanh quất cạnh mình. Thôi, biết đâu, chị con kiếm được việc làm tốt, dọn về ở gần má. Má chỉ ước ao được vậy là mãn nguyện lắm rồi.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Cô Mây lại ca ngợi má, không những sống giản dị, mà còn đầy bản lĩnh. “Bác là người tự lập, tự do, tự quyết, tự tồn...” Ôi thôi bao đức tính hay ho, đẹp đẽ cô ấy áp đặt hết lên trên má, đưa má lên cao tít tận trời xanh. Má nghe, chỉ cười, nhưng không dấu con, trong lòng cũng thấy vui vui. Chắc cô Mây hôm nay trong người không được bình thường, nên nói liền tù tì, khác hẳn mọi ngày. Chẳng phải chỉ cô Mây ca ngợi má, mà vài người quen biết cũng từng nói như vậy, trong đó, có cả chị con.

Má cũng phải sống thôi, như mọi người, không để gục ngã. Phải gắng giữ bình tĩnh trong mọi trạng huống, chuyện gì rồi cũng xong, đâu cũng còn đó, luôn cố làm việc, và làm hết khả năng mình. Đời sống dạy cho mình biết mình là ai. “Già thì hay có tật ưa ngoái cổ nhìn lui, mà nhìn lui thì cũng đáng sợ lắm.” Má nói nhẹ như thế với cô Mây. Nỗi khó nhọc của má giờ đây là làm sao sàng lọc điều gì đáng nhớ và điều gì phải quên phứt đi. Má không còn nhiều thì giờ và sức lực để phấn đấu. Chỉ ước mong sao có được sự bình an, thanh thản bước vào chặng đường cuối cuộc đời.

Từ ngày làm assembler, má đổi từ ghế này sang ghế khác, ráp nối biết bao components, quấn bao nhiêu dây điện, hàn hàng chục ngàn con chip. Những cái ghế ngồi lâu ngày hư hỏng bị phế thải. Những cái máy cũ, cổ lỗ sĩ, lỗi thời, chậm chạp rùa bò như má bị đem đi nghiền nát. Những ông bà supervisor, đồng nghiệp đã về hưu, hay đổi hãng, qua đời, mất việc, bệnh hoạn... mà má của con vẫn còn được ngồi đây, viết thư, trò chuyện cùng con, không gọi là phước đức sao? Thời giờ đang trôi. Má đang trôi dần vào tuổi già. Cửa đời từ từ khép kín.

Má nghĩ, đời má ví như cái computer mà má đã gắn, hàn, xì, nối. Rồi cũng bị lỗi thời, cần cái khác mới hơn, nhanh hơn, gọn hơn, tốt hơn để thay. Lẽ thường tình mà con.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chiều nay trên đường lái xe về nhà, băng qua những con đường quen thuộc, má cảm thấy lòng buồn bã làm sao, dù những con đường mùa xuân hoa lá bừng bừng nở. Dạo sau này, cứ sắp đến giờ tan hãng, thu dọn đồ nghề, là lòng má lại hoang mang một cách lạ thường. Những người làm chung, tâm trạng người vui kẻ buồn. Người vui, háo hức sắp về với gia đình, sửa soạn bữa ăn tối cho chồng con. Người buồn, (có má) biết không còn (có) ai mong ngóng, đón chờ mình trước cửa nhà.

Nhưng má nói vậy thôi, chứ khi bước vào trong nhà rồi, thì má lại an tâm. Những hình ảnh, đồ vật dính liền với má như bóng với hình. Home sweet home, người Mỹ có câu nói này cũng hay, giống người Việt Nam mình gọi là Tổ Ấm. Má may mắn còn có chỗ để trở về, chốn riêng tư của mình, còn có con để tâm sự, chị con để hỏi han.

Hãng vẫn đang cần người làm thêm giờ. Khi sáng bà supervisor tới chỗ má hỏi, má bằng lòng mỗi ngày ở lại làm thêm hai tiếng, dư chút tiền gửi về giúp cậu Tư có thằng con út được đi du học ở Úc cuối năm nay. Thứ Bảy má quyết định không làm thêm. Trong hãng mỗi khi có giờ phụ trội là giành nhau, má nhường. Người trẻ cần tiền hơn. Má chẳng dư cũng chẳng thiếu, nghĩ vậy đỡ nhọc lòng.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy bác Phong bên Chicago gọi điện sang than khí hậu bên đó lạnh quá. Lạnh buốt xương tủy. Càng ở lâu cái lạnh càng ngấm lại càng sợ hãi, không như người ta vẫn tưởng ở lâu rồi quen dần đi. Lạnh thì đành chịu, muốn hết chỉ có cách dọn đi, mà thay chỗ ở là cả vấn đề, hoàn toàn không đơn giản. Ngoài công ăn việc làm, còn bao thứ rễ chằng rễ chịt: con cháu, nhà cửa, thói quen, tất cả thành nề thành nếp theo từng năm, bứng đi chẳng phải dễ dàng. Lần bứt ra khỏi Việt Nam là dấu ấn để đời. Làm lại từ hai bàn tay trắng: văn hoá, ngôn ngữ, cùng trách nhiệm như đá tảng cõng trên vai. Má nghe, thông cảm lời than của bác. Lớn tuổi rồi, da thịt bị thời gian róc gần hết. Bác Phong định cư ở Chicago từ năm 1975. Mỗi mùa đông thấy tuyết là chỉ muốn dọn ra khỏi miền đất lạnh đó, nhưng rồi cũng xong cả, theo cách thức riêng, như mấy má con mình vậy thôi.

Chuyện lạnh lẽo, tuyết trắng của bác Phong làm má nghĩ tới thân phận mình. Vài người biết má, nhất là mấy bà nhỏ tuổi hơn, nhìn má sống thui thủi, chẳng biết vì an ủi hay nói theo thói quen, “Sống một mình riết cũng quen đi phải không chị?” Má nghe, thầm nghĩ, không quen thì cũng phải đành quen, chứ biết làm sao hơn. Không lẽ ra giữa đường đứng dang hai tay, hả họng gào!

Má nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nắng xuân óng ả tuôn tràn. Nắng theo gió nhảy nhót trên những bông hoa đào hồng thắm. Cỏ trong vườn xanh biếc. Cây cam trước sân trái vàng chín bọc kín cây. Hoa magnolia nở bung, lấn cả lá. Cành chanh nhà bên cạnh vói qua vườn nhà mình trái trĩu nặng. Mấy búp tulip đỏ, vàng sắp hé nở. Lòng má chợt ấm áp. Nơi đây khí hậu rất dễ chịu, di chuyển dễ dàng, không té ngã vì những tảng băng trơn trượt khổng lồ. Nghĩ đến bác Phong, cũng như má, đến từ vùng nhiệt đới, nơi chỉ thiếu lạnh chứ chẳng hề thiếu nóng.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Đã lâu lắm rồi má không còn cái thú thưởng thức nhạc. Chẳng biết lần cuối là khi nào, chắc phải là lâu lắm lắm... Giờ nghe là nghe cho có, vậy thôi. Cô Mây đang mở nhạc Mỹ trong phòng, lớn hơn mọi khi. Thời con gái, má thường lựa loại nhạc trai tiền tuyến, gái hậu phương bởi đơn giản ba con là lính tráng, xông pha trận mạc, má là kẻ đợi chờ. Sau này má “phải” nghe theo loại nhạc của hai con. Má nhớ mỗi lần lên xe là hai chị em tranh giành nhau mở đài, mở tivi. Nhạc xập xình ồn ào, không cách chi má hiểu được, nói chi đến thưởng thức. Nhưng hai con ngồi lắng nghe say sưa, tay chân gõ nhịp, người uốn éo, miệng hát theo. Thỉnh thoảng má mở đài Việt Nam, tình cờ nghe lại mấy bản nhạc trước năm 75, kỷ niệm ùa về, má tắt, vì sợ nó có khả năng làm mình rã rượi, hoặc thẫn thờ. Má có phải gỗ đá đâu mà trơ ra cùng mưa cùng gió, hả Minh?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Chị con gọi điện, an ủi má đừng quá lo lắng bận tâm về chuyến đi Việt Nam. Người ta đi hà rầm, có sao đâu. Có người về Hà Nội ở cả năm, có chết thằng tây nào đâu. Bạn chị con, đứa về chơi, đứa về làm việc, đứa về nghiên cứu, đứa về thăm gia đình... đủ mọi lí do. Chị con là đứa về lại Việt Nam muộn màng nhất. Và về, lại có má và bồ... tháp tùng.

Má biết chứ, quanh má biết bao ngươi đi đi về về Việt Nam như đi chợ, nhưng lo sợ vẫn là lo sợ.

Đến một lúc nào đó, chị con đóng vai người má, và má đóng vai người con khi nào không hay. Anh chị Tòng, hè vừa rồi đưa hai đứa con về thăm ông bà ngoại, họ hàng. Trở qua than, “Cái xứ gì thiệt là... ra đường thì sợ xe đụng, mua sắm thì sợ trả hớ, ăn uống thì sợ ngộ độc, hít thở thì sợ hư phổi, mướn xe thì sợ cướp giựt, gặp bà con thì sợ xin tiền, gặp cơ quan nhà nước thì phải đút lót.”

Hôm nọ chú Lang nói, “Người Việt hải ngoại như người bay lưng chừng ở mép bìa, lề đường. Ở Mỹ thì bị gọi Mỹ gốc Việt. Về Việt Nam thì bị gọi Việt kiều ở Mỹ.” Nghe cũng ngậm ngùi, như những đứa con hoang, vô thừa nhận.

Má nhớ khi mới đến Mỹ, như người bị cắt lưỡi. Tiếng nước người gom lại không quá 10 chữ. Má như người bị điếc, nghe như vịt nghe sấm. Nhưng rồi cũng phải xăn tay áo một hai với đời. Ai sao mình vậy! Vốn liếng sống, kinh nghiệm của má như gửi, để, trả lại hết ở Việt Nam. Bước chân xuống thuyền là phủi sạch. Chị con thông minh (chắc chắn là thông mình hơn má!) Má không thể dạy chị con được nhiều về trí tuệ và trưởng thành, bởi trưởng thành đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm. Thời gian và kinh nghiệm của má coi như chẳng áp dụng gì nhiều trên đất nước xa lạ này cả. Văn hoá khác biệt, học hành, bạn bè, bồ bịch, ngành học chị con, má mù tịt, vậy mà chị con tự lò dò, vạch đường mà đi, cho đến bây giờ, má tin chị con đi đúng đường.

Má chỉ có lòng yêu thương, lo lắng, chăm sóc hai chị em con. Cố làm việc, không quản cực nhọc, chỉ mong con cái học thành tài, trở thành người tốt lành, hữu ích cho xã hội là má mãn nguyện rồi.

Tâm sự được với con, má nhẹ lòng lắm. Con biết mà, phải không Minh?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Ngày nay trời như muốn mưa mà không được. Cây đào trắng trước cổng nhà hoa nở bung, đẹp lắm. Mỗi khi có làn gió thổi qua, hoa bay như đàn bướm li ti sà đậu xuống sân nhà mình. Xe cô Mây đậu cạnh, hoa rơi vãi đầy mui, đúng là xe hoa, má chỉ cô Mây coi, cô cười đùa, “Xe hoa của cháu chỉ có cô dâu chứ không có chú rể. Chắc tại vì là hoa thật chứ chẳng phải hoa giả.”

Hôm nay Chủ nhật, đài khí tượng dự đoán ngày mai sẽ không mưa, vậy thì đỡ quá. Má ngại, sợ lái xe trời mưa lắm, đường trơn trượt, mắt lại kém, may mà đường sá má quen thuộc mỗi ngày. Dạo sau này má ít đi đâu, chỉ ra khỏi nhà khi cần. Xứ Mỹ rộng lớn mênh mông quá! Từ ngày sang đây má ngại những chuyến đi xa, ngại sự thay đổi, hầu như hiếm hoi đi ra khỏi thành phố San José. Bị chê “nhà quê” thì cũng đúng thôi. Má sợ cảm giác bị mất hút. Xa lộ dài cuốn lấy mình và xe. Trời đất bao la xoá nhoà hình mình. Con người xa lạ đè lấy bóng mình. Một thân một mình lạc lõng, bơ vơ, biết trôi dạt về đâu.

Thứ ba tới là ngày giỗ ông Nội. Sáng nay chị con gọi nhắc má. Kể cũng lạ, chị con đặc biệt nhớ ngày giỗ mọi người trong nhà, dù biết má không quên. Điều này làm má vui. Má chưa nói điều này cho chị con nghe, chắc lần tới chị con về, má sẽ nói.

Sáng nay ngủ dậy, bả vai má lại mỏi nhừ, phải bóp dầu nóng một đỗi, rồi dán Salonpas, giờ thì đỡ nhiều rồi.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Có những điều phải đòi hỏi thời gian mới có được, như trí khôn chẳng hạn. Má ngồi lẩn thẩn nghĩ, có vượt thoát ra khỏi xứ sở, mới có cơ hội nhìn lại mình. Nhìn lại có nghĩa là phải có đủ chiều dài thời gian nhất định. Truyền thống má mang theo trong người, là sự hy sinh, chịu đựng, nhẫn nhục. Những điều mà ngày nay, ở trên đất nước văn minh tiến bộ bậc nhất thế giới này cho là đã lỗi thời. Xã hội Mỹ được tạo dựng dựa trên vật chất, bởi thế, con người cứ ngụp lặn trong bể tham lam đó. Giá trị thành công đếm đo bằng của cải, tiền bạc. Má đưa ra mấy đức tính này thiên hạ cười vào “mũi” má, cho là má lạc hậu, thậm chí khùng ngu. Phụ nữ ngày nay ít người chia sẻ điều má nghĩ. Ai cũng lo sống cho mình, và phải đứng ngang hàng cùng mọi người, nhất là với cánh đàn ông. Thì cũng hợp tình hợp lý thôi. Chẳng ai đâu xa xôi, chị của con và cô Mây, hai phụ nữ điển hình của thời đại. Mỗi thời mỗi khác. Văn hoá, truyền thống, tập tục quyết định sự suy nghĩ, cá tính con người. Má biết má đã lỗi thời, từ lâu, như cái xe đời cũ, máy rã mục, sắp bị quăng vô nghĩa địa, nên má bình thản chấp nhận, có cựa quậy gì rồi cũng chính mình làm khổ thân mình, chi bằng ta vui vẻ chấp nhận còn hơn.

Khó lòng thay đổi, đảo lộn. Chị con ăn cottage cheese, không vị, không mùi, trắng đục lợn cợn. Má ăn mắm cá sặc chưng, mùi bay hôi rình cả nhà. Cả hai thưởng thức ngon đều như nhau. Không bắt ai bỏ món của ai.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Nơi má làm, một số người biết tới má chẳng phải vì má mà vì chị con, dù hoàn toàn chưa một lần gặp mặt chị con, chỉ vì nghe chuyền tai má có đứa con gái sắp ra trường đại học giỏi có tiếng. Ông Ben hay gọi đùa má là “bà má tiến sĩ”. Cũng dễ hiểu thôi, những người thợ “cu-li” làm nghề tay chân, giỏi cần lao, toàn dân tứ xứ, qua Mỹ kiếm ăn, nói tiếng Anh không trọn câu.. Ngày chị con được nhận vào trường Yale, má phát âm không rõ, cứ như bị vào jail. Chị con cười, sửa giọng má, nhưng cuối cùng đành chịu thua. Mấy lần ngồi một mình, má tập phát âm cho đúng, ít ra một chữ, nhưng sao khó quá. Lưỡi cứng đơ. Trẻ trung thì cái gì cũng uốn nắn được. Già là bó tay.

Bà ngoại của con chưa từng một ngày cắp sách tới trường. Cả đời bà chẳng bao giờ viết trọn một hàng chữ. Nhưng nói năng, buôn bán, trả giá, thậm chí cần chửi lộn bà chẳng thua bất cứ ai.

Đến đời má thì chỉ được học xong trung học đệ nhất cấp, tức tương đương hết lớp chín bên này. Má phải ở nhà phụ bà ngoại buôn bán, rồi thời gian sau, đi lấy chồng.

Trường Sư Phạm Quy Nhơn nằm đối diện bãi biển, sóng vỗ quanh năm. Thời con gái, má chỉ ao ước được một lần đặt chân vào bên trong cổng trường. Mỗi lần đi ngang, má nhìn vào dãy nội trú nằm im lìm, tưởng tượng trong đó có cầu thang rộng mở nối từng bước chân các anh, các chị sinh viên nội trú. Mỗi khi nhìn mấy chị mang áo dài trắng đi bộ, lái xe đạp, chạy xe solex, má ước mong một ngày nào có mình trong hình ảnh đó. Rặng thông xanh cao vi vút, cát trắng nhuyễn, con đường Nguyễn Huệ nối dài, ngả này dẫn lên Gành Ráng, có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử mang bịnh cùi nhưng đắm say phụ nữ. Ngả nọ dẫn đến phố thị, chợ búa, nhà má ở.

Giấc mơ rất đỗi bình thường mà suốt đời má không đạt được. Giờ cũng là giấc mơ, nhưng là giấc mơ chị con đã đạt được thay má. Không phải vào trường sư phạm hai năm ở tỉnh lị miền Trung nước Việt, mà vào một đại học lớn có hạng trên nước Mỹ. Rồi chị con sẽ viết sách, dạy đại học Mỹ, thành đạt được ước muốn. Và sống như một người đàn bà hoàn toàn tự do, đầy khả năng, làm được điều mong ước, cho bản thân và xã hội. Ôi! lắm khi má nghĩ, tự lắc người mình, đừng là đang mơ.

Má nhớ một lần chị con kể câu chuyện cổ tích của xứ gì đó, má quên rồi. Ba là trời, má là đất. Đất trời cách xa vời vợi, hun hút, không sao nối, gặp được nhau. Vậy là những người con gái phải trèo đứng lên vai nhau mà chắp nối làm đường. Cuối cùng người con gái út cũng gõ được cửa trời. Đó, Minh thấy không? Bao nhiêu người đã phải đứng làm vai để cõng nhau, đỡ nhau. Bao đời người đã chịu cực, chịu thương, chịu khó, chịu tội. Từ bà cố, bà ngoại, má, rồi nay đến chị con. Những cái vai. Vai. Vai. Toàn là Vai...

hôn con.

 

[hết chương]

 

------------

Đã đăng:

... Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la... (...)
 
... Những ngày như thế này... Ngày cuối tháng tư mỗi năm. Ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam. Mùa Xuân Giải Phóng hằn trên từng cá nhân, trong đó có gia đình mình. Má nhớ những ngày chạy loạn, mọi người đi tới đi lui như bầy kiến đi vòng quanh trên mặt chảo rang... (...)
 
... Cảm giác phập phồng, sợ hãi, âu lo trong những ngày sau 30/4/75 thỉnh thoảng bất ngờ ập tới, nhất là ban đêm, má nằm không đợi chờ nhưng hai tai và mắt cứ mở toang toác nghe rõ mồn một tiếng chân người rầm rập đang bước dần lên cầu thang, rồi tiếng gõ cửa, đập cửa mỗi lúc một dồn dập. Tiếng quát tháo, ra lệnh... (...)
 
... Con phải hiểu, má đến từ một nơi mà quay đi đâu cũng đụng phải người, phải cây, phải vật... như cái chổi, cái lu nước, cái mùng, cái ghế đẩu... Tất cả quấn chặt lấy nhau. Tiếng nói, tiếng người rao hàng, tiếng bà hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng sóng vỗ, tiếng mèo gào, tiếng reo cười trẻ con. Mùi muối biển mặn, mùi mồ hôi người, mùi cứt chó, cứt gà. Màu xanh bẹ chuối, màu xanh trời gần... (...)
 
... Trong những thâm trầm đau đớn chia lìa mất mát tủi nhục đắng cay... má chỉ cầu khấn một điều là sự bình an. Bình an thật, không phải là sương khói tạm bợ thoáng chốc. Và giây phút bình an, như lúc này, má ủ được trong lòng bàn tay của chính mình... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021