thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ [bài dẫn nhập: “Zirara”]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

FRANÇOIS AUGIÉRAS

(1925-1971)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
Một ông già da trắng và một thằng bé da màu. Một cuộc tình cấm kỵ trong sa mạc hoang vu? Một cơn ác mộng loạn luân trên đồi gió hú? Một mối căm thù khôn nguôi giữa hai dân tộc? Bức xúc tình dục để làm ẩn dụ cho thời thuộc địa? Hay chỉ là một bài thơ tình thù rực rỡ, một giấc mơ phiêu lưu, một chuyện tình dị thường, dị chủng trong một vườn địa đàng hoang sơ, một luận án về sức mạnh của ngôn từ, trong đầu một gã da trắng?
 
CỐT TRUYỆN: Một tướng về hưu xa nhân loại và thế giới, hay chính xác hơn, một tá về chiều, cô đơn, dưới một mái nhà hoang liêu. Ngài đại tá không chờ thư, mà chỉ đợi chờ, suốt đời, một thiên thần da màu bé bỏng sẽ mang tình yêu chân chất tới hiến dâng. Cuối cùng thiên thần cũng đã tới, trong một đêm trăng: một chú nhỏ quê mùa, mồ côi, cô đơn, ngây thơ, man dại. Một nhà thơ, một nghệ nhân, một thiên thần chỉ có đôi cánh mỏng vạn dặm dưới gót chân du tử lang thang. Và lòng căm thù người da trắng trong quả tim non, để trao tặng. Phần còn lại là lịch sử và định mệnh. Mà cũng có thể chỉ là mộng mơ thôi! Như Emily Brontë, cô con gái hiền từ của một vị linh mục, đã mơ mộng để viết Đồi gió hú. Ông già đôi khi chỉ là một đứa con nít, thằng bé thì có khi lại nghiêm chỉnh hơn người lớn. “Những giọt máu của người đàn ông đó cũng là những giọt máu của tôi, dù tôi không dám thú nhận nó là máu huyết của tôi tới mức độ nào... Đối với ông già ấy, có phải tôi chỉ là một giấc mơ đến từ một quá khứ rất xa xăm”, thằng bé viết.
 
HUYỀN THOẠI: Vào khoảng đầu thập niên 50, vài nhà văn, nhà thơ được ưu ái của nước Pháp, như André Gide, René Étiemble, Yves Bonnefoy... thỉnh thoảng có nhận được vài tập sách nhỏ, rất lạ lùng, với nhan đề chung LE VIEILLARD ET L’ENFANT (Ông già và thằng bé). Các tập này, in trên giấy màu và đầy những chỗ gạch xoá sửa chữa, đều ghi tên tác giả là Abdallah Chaamba, và được gởi đi từ vùng sa mạc Bắc Phi. Nhà văn André Gide cảm thấy “một niềm vui sướng tột đỉnh và lạ kỳ” khi ông đọc đi đọc lại các trang viết đó. Tác giả hình như là một cậu bé người Angiêri hay Marốc, mới tập viết tiếng Pháp, do đó văn chương đôi khi vụng về, nhưng cũng nhờ vậy mà thêm thi vị. Cuối cùng, trong năm 1954, nhà Minuit đã thâu gom các tập đó lại và in chung thành một cuốn tiểu thuyết mang cùng tựa đề, với khổ lớn, 272 trang.
 
SỰ THẬT: Năm 1963, nhà Minuit tái bản cuốn tiểu thuyết này với khổ nhỏ, gồm một bài dẫn nhập — “ZIRARA” — do chính tay tác giả viết, và bốn chương. Ấn bản mới này được cả thảy là 84 trang, ghi tên tác giả đã được sửa đổi lại như sau: FRANÇOIS AUGIÉRAS (ABDALLAH CHAAMBA). Bởi lẽ tác giả cuốn tiểu thuyết này thật ra là một người Pháp, sinh năm 1925 tại Rochester, Mỹ. Mẹ ông là người Ba-lan. Người cha đã đem gia đình sang Mỹ để dạy nhạc tại trường Eastman ở Rochester (New York), và đột ngột qua đời năm 1925. Sự rút ngắn cuốn tiểu thuyết đầu tay đã được tác giả giải thích minh bạch trong lời tựa. [Tiếc thay, vì trong ấn bản đầu tiên của nhà Minuit có nhiều đoạn về các đồn lính Pháp trong sa mạc và các sinh hoạt của thổ dân rất hấp dẫn. Tôi đã mua ấn bản đầu tiên này (giá hạ) ở tiệm sách Xuân Thu năm 1958-59, sau có thuê đóng bìa cứng để mang theo ra hải ngoại]. Ông đại tá và trang trại / viện bảo tàng có thật. Ông này là bác ruột của Augiéras mà cũng là một bạn thân của tướng de Gaulle — “Ngài Đại Tướng” trong Ông già và thằng bé. Tướng de Gaulle có tới thăm viện bảo tàng một lần. Cậu bé trong tiểu thuyết chính là tác giả, nhưng “bé” đã hai mươi tuổi khi đến El Goléa (1945) sống với bác để tìm một liên hệ cha con và tình dục trong dịp nghỉ phép ba tháng (năm 1944 Auriégas đăng lính hải quân và được gởi sang Bắc Phi). Tất nhiên, đời sống thật chỉ được sử dụng vài phần, chỉ là cái cớ để khai sinh một tác phẩm văn chương thai nghén trước đó. Nếu mượn lời Proust để nói, thì cái tôi sáng tạo là cái tôi tinh tuý, thầm kín của Augiéras, khác hẳn cái tôi đời thường. Ngoài đời, người bác của Augiéras thật ra rất tốt, thỉnh thoảng có gởi tiền về cho người em dâu mẹ goá con côi ở Paris. François Augiéras có thư từ qua lại với André Gide, trong năm 1950 có được gặp mặt nhà văn tên tuổi này một lần ở Taormina, vài phút, ngay trước khách sạn Gide đã thuê phòng. Ông già và thằng bé được đánh giá là tác phẩm độc đáo nhứt của François Augiéras và là hình mẫu của những tác phẩm sau. Có người đã đọc nó như một ẩn dụ về đạo Thiên Chúa: Thượng Đế và Giêsu, cha và con, chỉ là một người duy nhất, và Thượng Đế đã đóng đinh / đã để mặc cho loài người đóng đinh đứa con yêu quý của mình. Năm 34 tuổi (1960), François Augiéras, một người đồng tính luyến ái, lập gia đình với một cô em họ 17 tuổi, và bị người vợ này ly dị năm 1967. Ông mất ngày 18 tháng 12, năm 1971 ở Périgueux (Pháp), trong sự cô đơn, túng thiếu. Chỉ có ba người bạn thân tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tới nay (1984) nơi chôn cất ông vẫn của ông vẫn chưa có bia mộ.[1]
 
TÁC PHẨM: Le vieillard et l’enfant, 1954; Le voyage des morts, 1959; L’apprenti sorcier, 1964; Un vovage au mont Athos, 1970; Une adolescence au temps du Maréchal, 1968; Les Noces avec l'Occident, thơ văn xuôi, 1981; Domme ou L’essai d’occupation, 1982; Les Barbares d'Occident, 1990... v.v, và nhiều bức tranh giá trị dù chỉ sử dụng chất liệu thô sơ, phần lớn với kỹ thuật tranh thờ (icon) vẽ trên nền vàng kim đã học hỏi với các tu sĩ Hy Lạp trên núi Athos trong một chuyến viếng thăm vào năm 1956.[2]
 
Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ

 

ZIRARA

 

Thổ dân méharite chắc đã biết những tình cảm đối nghịch như tôi, bị áy náy đến mức cảm thấy xấu hổ, vì họ cũng muốn chống đối những người đồng chủng. Đúng thế, chúng tôi thảy đều đã thích mùi vũ khí, mặc dù trong thâm tâm họ không muốn dùng khí giới để chiến đấu với một kẻ thù có thể đang rình rập từ những đỉnh cao xung quanh, và ở đây chẳng có ai đã thực tình muốn lùng bắt kẻ thù, mà chính kẻ thù đó, cũng vậy, cũng vẫn còn thư thả như chưa muốn tiếp xúc vội với đối thủ. Trên nguyên tắc, chúng tôi đã kiểm soát một vùng đất dành cho dân du mục và sự có mặt của chúng tôi chỉ để tượng trưng thôi, Zirara chỉ là một cái đồn ở cách xa đường đi hiện nay, nó nằm trên ngả di chuyển cũ, về hướng El Goléa, trong một cảnh trí tuyệt đẹp. Chúng tôi lúc đó chỉ là một lá cờ cắm trên một ngọn núi.

Rất đúng, là sa mạc không khuyến khích những hoạt động thực sự. Hai hay ba gia đình du mục, luôn luôn là những gia đình này, đã tới lấy nước giếng trong bóng mát các bờ tường của chúng tôi, rồi lặng lẽ ra đi, họ tất nhiên phải biết rõ về quân lực và vũ khí của chúng tôi, trong khi chúng tôi mù tịt về dự tính của phe địch. Các đám du mục ở những nơi xa hơn và gặp gỡ trong những cuộc tuần tiễu vất vả, đã ơ hờ chứng kiến cảnh đoàn quân xa bị lún sình, họ đã phớt tỉnh trong khi phi cơ thám thính đã báo cho chúng tôi biết có những toán võ trang đang di chuyển từ hướng Bắc, các anh bộ đội Bêlumi đã mang quân trang và vũ khí ra chiến khu, các nhóm này vẫn thích trở về đầu thú, thường bị phân tán, và chỉ còn lẻ tẻ vài ba mạng hết biết đi đâu nên sẵn sàng bắn giết, cũng như sẵn sàng quy hàng nếu có lời hứa hẹn sẽ không bị tử hình.

Thảy đã rất bấp bênh trong sự im lặng của sa mạc và ở giữa mùa hè Sahara; thảy đã như không thực ngoài cái thực tế mà chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng khi nhìn thấy những dấu vết cũ bị gió xoá nhoà gần hết. Nhưng một cuộc tấn công bất ngờ vẫn có thể xảy ra lắm chứ.

Zirara: hãy tưởng tượng một đồn lính có những lỗ châu mai, phết sơn trắng chói mắt, trên một đỉnh đồi cao đầy sỏi đá. Xung quanh là sa mạc. Một giếng nước ở giữa đồng, vài con lạc đà. Zirara: một cái bordj trong dạng thái tối thiểu nhất, gần như trừu tượng, nơi mà cuộc đời quân nhân đã không còn quân kỷ; các đại đội méharite đi tới lui như ở tư gia, sau các giờ trực, sau các cuộc tuần phòng, mạnh ai nấy đi nấy làm các công việc riêng, một cách quá ư là nhàn nhã khiến não óc tôi rất thư thái tự do.

Một buổi sáng, sau khi giao đoàn quân xa cho vài tên lính ở lại canh gác, cầm súng tiểu liên và nối gót nhau, chúng tôi chậm rãi đi lên một triền dốc chấm dứt bởi những mũi đá. Băng đạn quấn vào giây nịt, đùi trần, trong bầu không khí tinh khiết trinh nguyên của buổi sớm mai, da sạm nắng, bắp thịt săn cứng vì cố gắng: bỏ mạng trong một cuộc chiến tranh phi lý, đó là số phận dành cho tôi, tôi đã nghĩ thầm trong khi leo dốc, với lũ bạn lặng lẽ bước sau lưng. Khi lên tới đỉnh chúng tôi chỉ nhìn thấy sa mạc mênh mông; chúng tôi lấy ống dòm ra quan sát các vùng lân cận yên tĩnh; chúng tôi trở lại đoàn quân xa.

Khi đêm xuống, chúng tôi quay về trại. Ánh sáng đèn pha rọi lên vòng thành chung quanh đồn, kéo ra ngoài bóng tối các vách tường trắng, rồi cánh cổng đóng lại tức khắc sau khi đoàn quân xa đã vào trại. Tôi leo lên một mái nhà đứng gác, gỡ băng đạn ra để trong lỗ châu mai bên cạnh khẩu súng, và trong một tiếng đẩy nhẹ, gài cần lên nòng, các viên đạn lấp lánh dưới ánh sáng những ngôi sao mới mọc. Nếu lòng chung thuỷ của tôi đối với nước Pháp không thành vấn đề, thì ngược lại chắc chắn sự có mặt của tôi ở châu Phi trước tiên là để phục vụ định mệnh của tôi. Một cuộc phiêu lưu riêng rẽ, một hướng đi cô độc? Xâm lấn ai ở những vùng giới tuyến bao la này, trong khi du kích chiến đã lan tràn khắp thế giới.

Trăng đang lên trên các đỉnh đá trước mặt. Tất cả đang an giấc, trừ tôi ra, với khẩu súng trên tay. Các sân thượng trắng của chúng tôi vươn ra ngoài bóng đêm, phản sắc dữ dội với cái sân tối. Các vết sẫm của những tấm mền đắp che thân thể vài tên ảrập đang yên giấc trên các mái nhà hiện ra đó đây trên nền vôi trắng huyền ảo. Tôi đi vài bước trong bầu không khí tĩnh mịch, ấm áp, băng đạn vắt lên vai, tránh đụng chạm vào những kẻ đang nằm ngủ khẽ mớ ú ớ hoặc mở một bàn tay ra mà không tỉnh giấc, mặt phủ kín như người chết.

Sự vô ý thức của họ càng khiến tôi muốn nhìn thấy rõ mình hơn. Nếu chẳng có một điều gì khác có sức gây xúc cảm nhiều hơn giấc ngủ của một kẻ sùng đạo, thì sự luôn luôn mê mải tự chất vấn mình cũng chẳng thua kém nó đâu; trên các mái nhà Zirara này, ở giữa bọn người đang ngủ say, chỉ có tôi là kẻ duy nhất còn tỉnh táo, chiếc bóng dọi của tôi chậm rãi lướt qua trên mình họ. Ở đây chỉ toàn là dân ảrập, toàn là những người lính rất tự do, rất cô đơn, toàn là những tín đồ bị Thượng Đế ám ảnh, như tôi bị ám ảnh bởi cuộc phiêu lưu của chính mình, và, nhiều hơn thế nữa, là cuộc phiêu lưu trong các cuốn sách đa sắc của tôi, đã được gởi đi từ sa mạc khi tôi còn chưa biết tí ti gì cả về cái nghề viết lách. Nhìn lại đời mình, tự kiểm thảo trước những thiên thể của đêm, cái định mệnh của tôi, như thể sự bất trị và sự gần cận với mối hiểm nguy đã tách rời tôi ra khỏi nó, cái định mệnh của tôi nó chợt hiện về như một kế hoạch, như một chuỗi tín hiệu.

Nơi phía Bắc của khu trù mật El Goléa, ở giữa những vườn cọ, trong một thứ viện bảo tàng được bồi đắp thêm cho kiên cố, tôi đã sống chung với một ông đại tá nghỉ hưu mà tôi đã gần như là một tên nô lệ.

Ông đại tá ấy, tuy nhiên, đã không độc ác đến mức không thỉnh thoảng cho tôi được cái vinh hạnh nghe ông tỏ bày vài ý kiến, nhất là về lòng khinh miệt của ông đối với sự trường tồn trong ký ức của con người, và hơn thế nữa, trong ký ức của một ông Thượng Đế. Bằng một thứ lòng tốt nào đó ông ta đã dạy cho tôi viết và đọc tiếng Pháp, trong khi đã có những tiếng gầm gừ khe khẽ từ cuộc nổi loạn giải phóng đất nước Angiêri; một đêm, tôi bỗng thấy trong ánh mắt ông ta cái gì như là một thoáng hãi sợ, và ông ta đã chấm dứt ngay việc dạy dỗ tôi.

Lúc ấy bỗng nảy nở trong đầu tôi một đức tin bất khuất về sức mạnh của chữ nghĩa; đã có một phát hiện bất ngờ về một quyền năng và những hậu quả của nó trong lúc tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Tôi đã tiên đoán sự chiến thắng rực rỡ của mình; tôi đã quyết định để cho cả vũ trụ chứng kiến câu chuyện dị kỳ đã xảy ra ở một viện bảo tàng trong sa mạc, biến nó thành một cuốn tiểu thuyết, sử dụng nó để nói lên nỗi thống khổ của tôi, để bằng cách đó trả thù một ông đại tá về hưu tàn nhẫn.

Nghệ thuật kêu cứu, đó là bản tính của nó lúc ban sơ; do đó mà không đọc được, biết bao trang viết dưới vòm trời đầy sao trong một hốc đá, thật ra, không phải để cho con người, cũng chẳng phải cho dương thế, mà đúng ra, chỉ để cho mảnh linh hồn tôi bất tuyệt và cho Thượng Đế mà thôi. Tôi đã viết chỉ cốt để viết, để tự biện bạch trước mặt đấng Tạo Hoá là vị Thẩm Phán của tôi, giải thích về cái thân phận quá đớn hèn của mình, về sự thiếu tự tin về tài năng của mình; sự cô đơn không giúp cho tôi có được nhiều hy vọng gặp gỡ những người khác. Và một nếp sống gần như du đãng đã hoàn tất sự chia cắt tôi với tất cả; tôi đã viết cho Thượng Đế, cho tôi. Tôi đã thú thật hết, vì tôi viết chẳng để thưa gởi với ai cả.

Cho đến một hôm tôi cảm thấy mình như đã có được một thứ kiêu hãnh vì đã phải sống quá khổ sở như vậy. Các cuốn “sổ tay”, rứt ra từ một châu Phi đen tối nhất, bỗng mất cái bản sắc vô giá trị, một văn thái bị ám ảnh bởi bầu trời đầy tinh tú có thể gây được thú vị nơi người đọc lắm chứ. Thượng Đế câm lặng; nhưng tôi vẫn còn những kẻ khác.

Xuất phát từ sa mạc, kín đáo bỏ vào các hộp thư, các cuốn sổ tay in sơ sài tại Bỉ trên giấy màu, xanh đêm, vàng và hồng, không để tiếp thị, đã được gởi đi từ Ouargla, Touggourt, Gardaia sang Âu châu, qua Á châu, có khi đến tận Đại dương châu; sổ chứ không phải sách, vì đã bị gạch xoá gần rách cả giấy, nhem nhuốc do chính bàn tay tôi, gói buộc sơ sài trong các tấm giấy dày màu xanh ở những nơi này thường được dùng để gói các bánh đường, những mẩu giấy gói hàng mà tôi đã nhặt trong các tiệm tạp hoá ở các khu trù phú khi tôi đến gom góp địa chỉ trên các trang báo văn nghệ.

Thoạt tiên, mọi việc đều có vẻ như kình chống tôi: sự lạ kỳ của một câu chuyện có nhiều yếu tố ô nhục, việc tôi đã gởi chúng đi với tính cách cầu may, sự khốn cùng và sự yếu đuối của tôi. Thế nhưng, viết đối với tôi, chỉ có giá trị thực sự khi nó bắt nguồn từ sự cô đơn tuồng như bất lực đó; tôi trông chờ một phép lạ, mơ ước cái khoảng cách quá lớn lao giữa sự bé nhỏ khiêm tốn của các cuốn sổ tay đó và văn chương của thời đại sẽ hữu ích cho tôi; dù thiếu hẳn các nguồn tin tức nhưng tôi vẫn biết rõ rằng tác phẩm man dại đó nó cũng có thể gây được sự ngạc nhiên chú ý nơi người khác. Tôi đã đặt tất cả niềm tin vào sự sống còn, sự tồn tại không thể giảm thiểu của tôi trong cái may rủi của những đêm tối; người ta sẽ đáp lời tôi mà, tôi tin chắc như vậy; lúc đó tôi chỉ là một thằng bé con, nhưng nó vẫn có thể tìm được một chỗ nào đó trong tim của vài nhà văn; nơi sa mạc ấy, trong những năm 50, họ đã có một đối thủ lợi hại.

Nhưng tin đi mà chờ mãi chẳng thấy tin về. Với cái cú thử thời vận đó giữa những thiên thể của đêm, tôi đã quá liều lĩnh đòi hỏi một điều bất khả chăng. Nhiều tảng mây bay qua che lấp các vì sao, tôi đã gác bút, và chẳng có một vọng âm nào cho tiếng gọi của tôi. Tôi đã kêu gào rất vô ích từ đáy vực của khổ đau. Tôi tin rằng Thượng Đế đã khước từ sự tồn tại của tôi trong ký ức con người, bởi vì tôi đã thưa thốt với Ngài trước tiên, bởi vì Ngài sẽ định đoạt số phần tôi, bởi vì tương lai của mảnh linh hồn tôi và của câu chuyện trong sa mạc chỉ là chuyện riêng tư giữa chúng tôi thôi. Tôi đã tuyệt vọng, trong lúc cuộc phiêu lưu của các cuốn sách của tôi vẫn tiếp tục ngoài sự hay biết của tôi.

Bởi vì chúng đã được cứu vớt khỏi sự quên lãng như tôi đã quyết định. Cuộc phiêu lưu của chúng ôi lạ kỳ thay; khởi đi từ châu Phi, gần như không đọc được, với nhiều màu sắc, chắng khác gì củi dạt bèo trôi nhưng lại gặp may mắn một cách khó tưởng tượng nổi, chúng đã được thu nhặt và xuất bản. Được đặt để trước một đề tài kỳ diệu lúc còn quá non trẻ, bốn năm sau, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả: cái mà người ta đã cứu vớt chỉ là một tiếng réo gọi, tác phẩm thật sự vẫn cần phải được viết ra. Chắc hẳn rằng tôi vẫn còn được trọn quyền hồi sinh trong ký ức của mình cái bề sâu của tấn thảm kịch đó chứ, trả nó lại cho chính nó, mà không làm mất đi cái nét ngây thơ man rợ lúc ban đầu, viết nó lại một cách nhân ái hơn, giản dị hơn, viết nó lại cho những kẻ đã đưa tay ra cho tôi nắm bắt.

Đã có biết bao trang viết quá thừa thãi! Lúc đó nó là tiếng thét la của cơn phẫn nộ, là sự phát hiện đầy kinh hãi một văn thái bị ám ảnh bởi Thượng Đế dưới vòm trời đầy sao của châu Phi, là thảm kịch của một đứa bé đã bị nô lệ hoá; nó chỉ có thể là chất liệu để viết một cuốn tiểu thuyết be bé thôi, tôi đã nghĩ như vậy trên các mái nhà Zirara, trong một phiên gác đêm. Tôi đã phát hiện sức mạnh của ngôn từ trong lúc bị sỉ nhục; nay tôi lại thấy mình cần phải giải thích thêm cho nó được minh bạch hơn, bởi tôi đã bị đe doạ tính mệnh.

Trên các mái nhà Zirara, tháng tám 1957.

 

[còn 4 chương tiểu thuyết]

 

---------
Nguồn: François Augiéras (Abdallah Chaamba), Le vieillard et l'enfant (Paris: Les Éditions de Minuit, 1977).

 

_________________________

Phụ chú của Tiền Vệ:

[1]Nhà văn Alain Blottière có chụp được một bức hình ngôi mộ của Augiéras ở Domme, Pháp. Bia mộ chỉ là một phiến đá lam nham, với cái tên Augiéras được khắc rất vụng về, chẳng biết ai đã dựng lên.
 

 

[2]Một bức tranh Augérias vẽ bằng sơn dầu trên bảng gỗ, khoảng năm 1961:
 

 

Nguồn: Website của Alain Blottière http://alainblottiere.free.fr/

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021