thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ [chương I]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

FRANÇOIS AUGIÉRAS

(1925-1971)

 

 

ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ

 

 

CHƯƠNG MỘT

 

Tôi thấy một chốn dị thường trong sa mạc, một cánh đồng cỏ vàng chia cắt bởi suối và đầm lầy, và tôi nghe tiếng róc rách của một dòng suối. Dưới bầu trời đêm, cuối một con đường dài, một bức tường có những lỗ châu mai che chở một cái sân rộng ở giữa những gian nhà phủ sơn đỏ chói.

Trên một cái mái phẳng, một chiếc giường sắt lấp lánh dưới ánh trăng.

Tôi đã cất tiếng gọi trước những tảng đá của sa mạc, trong tiếng sủa của lũ chó bị bước chân của tôi đánh thức, những bước chân trần bước trên cát, một bàn tay đặt lên cánh cổng gỗ có những vòng xích, trong lúc một tên da đen đốt một ngọn đèn dầu và ông già bước ra theo dưới bầu trời đầy sao.

Trong nhà, như chẳng còn cách nào khác, ông già mời tôi tới ngồi nơi chiếc bàn; ông già mở tủ và cho tôi các thứ tôi hằng mơ ước. Ngồi đối diện nơi mép đầu kia của chiếc khăn vải dầu và chỉ lẳng lặng nhìn tôi, ông già đã đặt trước mặt tôi bánh mì, cá mòi, một cuốn tập kẻ ô vuông, một cây viết và mực tím. Miếng ăn cuối cùng đút vô miệng, ông già đọc các từ ngữ tiếng Pháp cho tôi viết, chất vấn tôi về địa dư và sử ký nước Pháp. Ổng ghi vài bài toán cấp tiểu học vào cuốn vở rồi đi ra.

Căn phòng có vẻ tiều tụy, gần như trơ trụi, và một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tôi trong sự im lặng của đêm khuya. Trên tường, lồng trong khung gỗ, các tấm ảnh của những thằng bé đồng lứa tôi, kỷ niệm của thời ông già còn là một sĩ quan. Ông già trở vô, mở một cái hộp gắn vào tường, lấy ra một chiếc chìa khoá.

“Chìa khoá gì?”

“Chìa khoá kho lương thực.”

Để bước ra ngoài, ông già đi qua mặt tôi, tôi đứng dậy đa tạ tấm lòng vàng.

“Tao chờ cái cử chỉ đó,” ông già nói, “mày cứ ngồi.”

Tôi ngồi xuống trước những bài toán.

“Thật ra chẳng phải là những bài toán mà là dấu hiệu của sự tín nhiệm, rồi mày sẽ hiểu. Tao đã quan sát mày; tình cảm của mày tốt và cao thượng, học lực của mày đầy đủ.” Nói xong ổng đưa cho tôi vài cái mền rồi trở về phòng.

 

Mùa đông, và lửa cháy khôn nguôi trong ngôi nhà buồn bã của ông già. Mỗi buổi tối, chiếc vai đẹp và êm của tôi, ông già muốn áp nó vào ngực. Ông già thiếp ngủ, nhưng tôi thức. Ông già nói ổng chẳng khác gì cha tôi, nhưng tôi chỉ yêu một Thượng Đế: chỉ có Ngài là Đấng Tạo Hoá và Quan Toà của tôi thôi.

Các chuồng cừu của chúng tôi đầy tiếng dê; tôi thích các gian nhà gỗ bé nhỏ này, sự ấm áp của các chuồng ngựa; và thằng đàn ông đó, tôi căm thù nó. Nó băng qua chiếc sân bị gió vùi dập từng cơn; nó vuốt ve mái đầu tôi và một ý nghĩ vụt đến. Trở về phòng, nó mở một cái hộp, lấy compa ra đo kích thước đầu tôi:

“Mày là thằng bảnh nhứt đã tới ở đây. Tổ tiên mày đã di tản từ Iran, cặp mắt xanh của mày là mắt dân Bẹcbe.” Sau khi ghi hình dáng khuôn mặt tôi trong một cuốn sổ chi chít những tên họ đã gần hết trang, ổng nói:

“Mày lại đây ngồi gần tao bên lò sưởi.”

Khói toả cay mắt; ở những nơi khác trời lạnh kinh khủng và tôi sẽ chết đói. Tôi sẽ trông coi các phiến than hồng, khêu những tàu dừa đang bốc cháy. Tôi đau khổ, lệ tràn chứa chan; tôi viện cớ đi ra.

“Về lẹ nhé,” nó réo theo.

Tôi tựa người vào một cây khuynh diệp gần các lồng chim cu, tôi khóc âm thầm trong bóng đêm dưới những cành lá thấp, mái đầu êm ái của tôi nghiêng nghiêng trên những vỏ cây. Bên cạnh tôi là những cái chuồng và những con khỉ đang thiếp ngủ trong những sợi xích. Và chỉ có tiếng nức nở của tôi thôi và sự xê dịch của lũ chim trên các thanh gỗ. Tôi trở về nhà nó, gió bấc thỉnh thoảng đập vào cánh cửa từng cơn, từng cơn buốt giá.

 

Ông già cho tôi những bộ đồ lính tôi phải dùng một sợi dây cột chặt vào người.

“Bữa nay mày chăn dê.”

Tôi lùa đàn thú của tôi tới một vườn cây khô héo, những nhánh cây tuyệt vời như rắc muối hay phủ tuyết. Ở những chỗ cao, cát tích tụ giữa những tảng đá màu ngọc trai, những hạt cát mịn màng, khít khao, vàng óng ả. Gió đã để lại những lượn sóng trên cát.

Gió mát thì thầm trong những bụi rậm, dưới bầu trời xanh thẳm đến tận cùng không gian. Vài cánh chim thưa của những sườn đồi trơ trụi và quang đãng rời những hốc đá và tung bay với những tiếng kêu the thé. Tôi chăn đàn dê của tôi kề vầng trăng bạc gần gũi với tôi hơn ngôi nhà của “cha”. Rồi tôi đi xuống cánh đồng, trên những đường mòn len lỏi qua mê đạo của những phiến đá dưới chân là vườn cọ của vùng sa mạc phì nhiêu.

Ông già đang đi dạo nơi phía tây cánh đồng cỏ; cây gậy bọc sắt cắm xuống đất, ổng nhìn mặt trời lặn.

Trong một góc sân, tôi chờ xúp chín. Cài chốt kho lương thực xong, ông già hỏi tôi đã về tới nhà chưa.

Tên da đen, bưng một chồng dĩa, bảo tôi đi vô ngôi nhà của cha tôi. Tôi gõ cánh cửa duy nhất, bước vô, lấy chân trần đẩy cánh cửa. Ông già đã đặt một bàn cờ trên chiếc khăn vải dầu; tôi moi óc tìm những nước cờ cao để hạ ông già, tôi sẽ nằm ngủ cạnh đống tro tàn trong bộ đồ ổng cho.

Vào lúc đêm tàn tôi tiến về hướng mặt trời mọc, về phía những ngọn đồi trắng, về nơi tinh khiết muôn đời của thế giới. Bước lặng và khẽ, hạnh phúc trong bộ đồ nỉ, tôi đi trong sa mạc, chiếc măng-tô nhà binh khoác lên đôi vai trần, trong sự yên bình của buổi sớm mai, từ phiến đá này tới phiến đá kia qua những thung lũng im vắng. Không một gợn mây trên những hòn sỏi của những triền dốc duỗi thẳng về hướng đông xa hơn tôi tưởng tượng, xuyên qua những hành lang đá xám mát rượi đẫm sương mai; không một tiếng kêu, ngoại trừ tiếng những con diều hâu trên những bãi vắng.

Đôi dép cỏ để trên cát, tôi lấy chiếc sơ-mi xanh nắng hâm nóng và gai nhọn đâm thủng trùm kín đầu. Trên những cồn cát, ven rìa những đỉnh đồi đá, ở giữa cơn gió, tôi yêu thương Thượng Đế đã cho tôi một mảnh linh hồn. Tôi chỉ cần báo cáo với Đấng Tối Cao: Thượng Đế và Thẩm Phán của tôi.

Trong cái sa mạc phớt hồng này, mình trần, súng vác ngang trên đôi vai rộng, tôi lùa đàn thú qua những đồng cỏ thưa. Thảy đều yên lặng: không một dấu vết nhỏ trên đất; mỗi ngày gió xoá tan các dấu vết mới, chỉ để lại trên cát bức vẽ tinh khôi có vô vàn nếp nhăn.

Tôi chậm rãi bước trở về nhà trong ánh hoàng hôn; trăng lấp ló trong những lùm cây ở Chir (Sia). Cơn lạnh xâm chiếm các thung lũng đá của tôi.

Lùa đàn thú vô chuồng xong, tôi tới ngồi nơi ngưỡng cửa. Tôi thấy ổng đang ngồi đọc sách trước ngọn lửa. Ổng đi ra, gọi tôi lại cho bánh mì và thịt trong sự im lặng và cái lạnh của mùa đông.

Tôi sẽ làm những điều hắn muốn; chúng tôi sẽ vặn máy hát, tôi sẽ gắn một cây kim may vào máy hát, chúng tôi sẽ nghe nhạc nơi một góc bàn. Đầu gục vào cánh tay, những hạt cát dính trong túi áo bờ-lu-dông nỉ, tôi sẽ khép mắt trong bóng tối của đêm nay.

 

Gió thổi mạnh như bão. Các gian nhà trống trải — những cánh cửa mở toang được chêm bằng củi cành. Những cụm mây xám và dài lướt nhanh trên sa mạc và trên vườn cọ của chúng tôi, nơi ấy, nơi có những đầm lầy, người đầu bếp giăng bẫy bắt được một con ngỗng Thụy Điển, chân có đính chiếc vòng của thảo cầm viên ở Stockholm. Ông đại tá biên thư gởi về Stockholm cho biết sự có mặt của con chim ở miền Nam Algérie. Ổng bảo tôi viết địa chỉ trên phong bì để thực tập, trong ngôi nhà của ổng có những cây cột bằng đất sét đắp nắn và sơn phết sơ sài hứng đỡ các vòm mái. Rồi ổng lại tiếp tục đọc cuốn sách nghiên cứu địa chất học; chúng tôi uống những chén sô-cô-la nóng bỏng; chúng tôi đốt các tàu dừa, ngọn lửa phựt cháy, rồi lụn tàn nhanh, tôi ném thêm những cành khô vào ngọn lửa.

“Tao đã theo dõi mày từ trên mái nhà; sa mạc bẩn và ướt. Mày chơi đùa. Mày ngửa mặt chạy giỡn trong cơn gió; tao không cấm mày nô đùa, tao chỉ không hài lòng với cái cách mày chăn đàn thú của tao. Chắc mày sẽ không bỏ tao chứ. Một thằng du đãng tao đem về nuôi đã trốn đi.”

Không đáp lời ông, tôi ngồi xếp bằng trước lò sưởi. Ông già cũng nín thinh suốt cả tiếng đồng hồ. Nông trang yên tĩnh; tên đầy tớ vắng nhà; những tán dừa in bóng lên nền trời.

Tôi run lập cập nơi bàn ăn; ông già cầm tay tôi, và, nghiêng mình trên các dĩa đựng thức ăn:

“Một phần là do lỗi của mày; chạy chơi như vậy mà không mặc áo thì dễ bị trúng gió. Vô buồng nằm đi.” Ông già cũng đi vô buồng theo tôi ngay sau đó, bưng cây đèn dầu để trên bàn ngủ. Ổng rờ thử cái chụp đèn pha lê sợ nó nổ, ổng vặn nhỏ tim đèn; tiến về phía một khung cửa sổ hẹp, ổng đứng nhìn ra ngoài, chiếc sân trắng xoá dưới bầu trời đầy tinh tú, rồi ổng trở về chỗ cũ khi tôi đã chui vào các tấm ra nhám, dưới các tấm mền ươn ướt của chúng tôi. Ông già đặt ống giác cho tôi. Tôi run lập cập, vì bị lạnh, rồi vì nóng, tôi thiếp ngủ trên chiếc giường lún xuống của ông già, kế bên tấm vách xông mùi nước tiểu và mùi xà-bông; rải rác đó đây là những quần áo cũ, những chiếc giày đế mòn vì cát, và một cái tủ đựng chén dĩa miền quê ẩn hiện trong ánh sáng dịu dàng của lửa. Sau một hai giờ im lặng, gió lại tiếp tục thổi trên sa mạc, đập vào các mái tôn.

Đó là cái giờ buồn bã, khi ông già tỉnh giấc. Ổng sẽ ngồi viết tới sáng. Cây đèn đã được châm thêm dầu gần tràn. Ổng gọt các cây bút chì và chuẩn bị các cục tẩy bằng cách mài vào vách. Trên các trang vở, ổng vẽ hình những người tiền sử nằm trước cửa hang, dưới bầu trời đầy sao, trong buổi chiều đầu tiên của nhân loại.

Ông già muốn có những chi tiết thật rùng rợn, những khuôn mặt đầy thú tính, và ổng buộc tôi phải bắt chước ổng, phải vẽ như ổng. Rồi trời bừng sáng, chúng tôi vào sa mạc, đi về hướng Grand Erg. Ông già nói các đống sỏi phân ranh sở đất của ổng đã bị gió cuốn; ổng bảo tôi quan sát thật kỹ và nhặt các hòn đá có vết tích loài ngao sò cổ ở ven đường. Tôi xua đàn thú của tôi tới những mũi đá xám, tận những nội cỏ đẫm nước mưa, và tôi ở lại đó suốt ngày.

Lúc về nhà, tôi mang bánh mì và bàn cờ, nước trà, vào tận giường hắn; tôi nằm sát người hắn để sưởi ấm. Khi ngủ hắn cởi đồ ra, chỉ giữ lại chiếc quần lót có mùi chua bị mốc vì khí lạnh. Khi tôi cục cựa đầu gối dưới các tấm chăn, bàn cờ lệch qua một bên và các con cờ trượt về phía tôi, mặt hắn buồn xo khi hắn nhận thấy sự gian lận. Chúng tôi dời các con cờ về chỗ cũ trên các ô vuông đen trắng; nhưng tôi không nhớ mình đã nghiêng bàn cờ vào lúc nào, và, trong đêm đông này, chúng tôi phân vân. Chúng tôi đồng ý tiếp tục lại ván cờ từ một khởi điểm lựa chọn đại. Rồi tôi học thuộc lòng các bài vở, hắn đưa cho tôi một cuốn sách do hắn tự tay đóng bìa vải, nghĩa là cái bìa trông khá vụng về: Thế giới trước khi con người được sáng tạo, của Camille Flammarion, giá 25 xu, in năm 1886, bản của Thư viện Quốc gia, nxb Debuisson & Công ty, 5, phố Coq Héron, và Lucien Marpion, 4 và 7, hẻm Odéon, Paris. Đối với hắn đó chỉ là một cuốn sách giáo khoa mỏng về thiên văn học. Ngọn đèn dầu nham nhở tắt phụp. Tôi định nhỏm dậy đốt đèn :

“Cứ nằm im,” hắn bảo tôi trong bóng tối căn buồng.

Tôi khép mắt, trong lúc những hạt cát trên mái đầu tôi tuôn chảy xuống các khe trên giường, và hắn vòng tay ôm lấy tôi, và các mái nhà thiếc của chúng tôi long lanh dưới ánh trăng đang tràn vào các góc sân vắng.

 

Cơn buồn dày vò tôi. Tôi than thở với người đầu bếp, nó có thể giúp đỡ nếu chúng tôi không ở trong sa mạc, vì tôi đã cất giấu được nhiều thứ rồi; tôi giữ chìa khoá kho lương thực, cân chia gạo bột là công việc hàng ngày của tôi.

Gió thổi mạnh đến đỗi tôi chỉ ngồi trơ trên các đống rơm ẩm và ấm ở tít sâu trong các chuồng ngựa; rồi tôi bước trở vô nhà hắn mà chẳng buồn nói năng, như một kẻ xa lạ tới ngồi trước ngọn lửa. Hắn ngó tôi một lúc, đứng dậy, đóng sập cánh cửa, rồi hắn đánh tôi. Ăn đòn no nê xong tôi thiếp ngủ trên chiếc đi-văng trong phòng khách, như một con thú đầy ắp hận thù và dịu dàng ở khoảng giữa của một ngày, liếm cánh tay gầy guộc dính đầy rơm rác và bùn đất. Khi tôi mở mắt, tên da đen đang lau chùi máu và những hạt châu của tôi; nó cầm một miếng giẻ lướt nhẹ khắp thân tôi. Khi tôi khá hơn, người ta đuổi thằng nấu ăn xuống nhà dưới và ông già tới nằm cạnh tôi. Bóng những vừng mây; ngọn lửa đã tắt khiến gió luồn vào lò sưởi thổi tung những tàn tro. Một bức mành vạn hoa dệt bằng những cuồng len của nước Pháp. Ông già sục sạo trong tủ, vặn đinh ốc mở nắp một hộp thiếc đã rỉ sét lấy ra những miếng băng vải, những lọ dầu để xoa bóp hai ống chân tôi. Chúng tôi uống cà phê sữa, chúng tôi chơi cờ ngỗng.[*] Sự ham thích môn thiên văn học của tôi khiến ông già cảm thấy vui; một vinh hạnh lớn cho mày đấy, ông già nói.

Rồi ổng vẽ hình trái đất thuở khai thiên lập địa. Ổng lấy bút chì màu vẽ những tảng băng sơn sáng ngời, những đồng cỏ mượt xanh, hang động và ao hồ. Với một mẩu phấn trắng ổng "rắc tuyết" lên các đỉnh núi, trong lúc ngọn đèn và ngọn lửa lụn tàn. Ổng đặt một cái thau lớn trước lò sưởi, pha nước ấm cho tôi tắm rửa. Ổng lấy một miếng bọt biển lau chùi mình mẩy tôi. Tôi mở cửa. Ngoài vườn, tôi lấy ống sáo ra thổi dưới bầu trời đầy sao nhấp nhánh ánh sao vẽ trên cát những hình lau sậy. Các séghia rực sáng ở phía những vách đá thật gần trong sự yên tĩnh của đêm khuya. Không một tiếng chim kêu, không một tiếng chó sủa. Trên vòm trời không một gợn mây, lạnh lẽo, trong veo, vầng trăng xanh xao đang dong buồm vào cõi vô tận, bên trên những mái nhà quét vôi trắng của chúng tôi.

“Lại đây,” ông già nói.

Thế nhưng tôi vồ lấy cây súng, những viên đạn; tôi bước ra ngoài vòng rào, một tấm mền phủ lên đôi vai trần. Tôi chạy về hướng có ngọn núi, trong cái sa mạc của Thượng Đế. Tôi chỉ yêu Ngài, chứ không phải cái thằng đàn ông đó; tôi thuộc về Thượng Đế, về Đấng Muôn Thuở, Ông Trời của tôi và Thượng Đế của tôi, Đấng Cha Muôn Đời, Đấng Tạo Hoá và Quan Toà của tôi. Nỗi buồn đã chắp cánh cho đôi chân tôi đến ngàn năm. Tôi dẫm lên những hạt cát còn tinh khiết như vào thủa bình minh của thế giới. Cặp đùi dài và đen của tôi run rẩy trong không khí buốt giá. Băng đạn cuộn quanh mình, những nếp gấp của tấm chăn, và họng súng ló trên vành tai, nhún nhảy theo nhịp bước chân; luồng gió phát ra trong cơn trốn chạy nâng tôi lên; tôi lắng nghe tiếng máu sôi sục nơi ngưỡng cửa của mười thế kỷ đấu tranh. Ăn mặc như vậy, võ trang như vậy, tôi nhìn thấy vòm trời xanh của đêm, những tảng đá to và trắng có vân như cẩm thạch bên trên cánh đồng. Tôi nuốt những giọt lệ nóng, tiến xa thêm về hướng những vách đá hồng, xin đất trời chứng giám cho mảnh linh hồn bất diệt của tôi, tôi tiến xa thêm cho tới khi gặp những thung lũng đá, y hệt những miệng núi lửa trên mặt nguyệt.

Khi tôi quay về nhà:

“Đốt đèn lại đi, tao sẽ đưa bao diêm cho mày.”

Ngọn bấc đã cháy lại vừa đủ sáng; ông già theo tôi vô nhà, mở một cánh của bàn viết ra, và, ngồi trước các ngăn kéo, dưới cái chụp đèn vải có đính chuỗi hạt, ổng vẽ hoạ đồ trang trại; mỗi tháng ông già phải vẽ lại bức hoạ đồ vì tình trạng cái đầm lầy luôn luôn thay đổi theo dung lượng nước của con suối mà chúng tôi nghe tiếng chảy róc rách. Trước khi tôi đến, một người lính Đức trẻ đã sống ở đây sau cuộc chiến bại của lữ đoàn Africa-Korps; anh lấy những cuốn sổ nhỏ viết nhật ký trong sa mạc và cất giấu dưới những phiến đá. Sử dụng bút chì đỏ ông già kẻ những bãi bờ trong lúc tôi thiếp ngủ trên chiếc đi-văng nơi phòng khách, trong một đêm Algérie.

 

[còn 3 chương]

 

-------
Nguồn: François Augiéras (Abdallah Chaamba), Le vieillard et l'enfant (Paris: Les Éditions de Minuit, 1977).

 

_________________
Phụ chú của Tiền Vệ:
Trong bản Việt ngữ này, dịch giả Nguyễn Đăng Thường đã cho thằng bé, tuỳ tâm trạng và hoàn cảnh của nó, dùng những chữ khác nhau ("ổng", "hắn" và "nó") để kể về ông già. Trong mối quan hệ với ông già, thằng bé cũng xưng hô bằng những cách khác nhau: "con/ba", "tôi/ông", "tôi/anh".

 

_________________________

[*]Jeu de l'oie. Trò chơi do dòng họ Médicis ở Florence sáng chế trong khoảng thời gian 1580, dựa theo một trò chơi cổ Hy Lạp: xê dịch các con cờ theo kết quả của hai con súc sắc để vượt qua 63 ô vuông và cạm bẫy (cầu, giếng, nhà lao, cái chết...) đặt theo hình xoắn ốc để đi từ khởi điểm cho đến khi tới đích (viết theo Wikipédia, NĐT).

 

Đã đăng:

... Được đặt để trước một đề tài kỳ diệu lúc còn quá non trẻ, bốn năm sau, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả: cái mà người ta đã cứu vớt chỉ là một tiếng réo gọi, tác phẩm thật sự vẫn cần phải được viết ra... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021