thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ [chương II]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

FRANÇOIS AUGIÉRAS

(1925-1971)

 

 

ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ

 

 

CHƯƠNG HAI

 

Mỗi buổi sáng, lúc mặt trời mọc, từ cái sân thượng của tôi, tôi nhìn bầu trời, những vách đá bị soi ngược và sa mạc chín vàng, những tán cọ xanh cao ngất oằn trĩu những cánh chim mà tôi nghe những tiếng gọi đàn ríu rít. Tôi cột quai dép vào chân; tôi bước xuống sân: như vậy, như vậy mỗi ngày.

Sau khi nhìn cái nhựt khuê để xem giờ, chúng tôi bắt thang trèo lên chiếc đồng hồ treo tường bên trên lò sưởi. Trên nấc thang chót — cha tôi giữ nấc thang đầu — tôi vặn chìa khoá lên giây thiều, cẩn thận tránh xê dịch miếng giẻ nhét vào cỗ máy để chận tiếng chuông reo "phá huỷ sự yên tĩnh của sa mạc ".

Tôi ra suối tắm. Mặt trời làm bốc hơi những giọt nước đọng trên mép vai trần của tôi. Gió đã lặng từ ba hôm nay và thời tiết đang vào xuân. Trong khí trời xanh và ấm, an lành, lũ chim bồ câu đang lượn bay từng vòng.

Chúng tôi cân một kí lúa mạch, ông già lệnh cho tôi phải đổ đầy thức ăn vào các máng trong chuồng chim mà tôi chui vào qua khung cửa thấp. Ổng rút trong túi ra một mảnh giấy, đút qua mắt lưới sắt trao cho tôi:

“Mầy nghĩ sao nếu tao chỉ thả mày ra khi mày đã đáp được câu đối này.”

Tôi đọc:

Vế ra:

       CHIÊN CÓC CÓC CA CHIÊN CÁ CÁ CƯỜI

       CHỌC CHUỘT CHUỘT CHÀO CHỌC CHÓ CHÓ CHỬI

Khi chúng tôi trở vô nhà.

“Tao chưa thể khen tài làm thi phú của mày được đâu.”

Đây là vế đối:

       HUN HIỆP HIỆP HÁT HUN HƯNG HƯNG HÒ

       HỎI HIỀN HIỀN HÁY HỎI HIỂN HIỂN HÙ[*]

Trên trang sau ông già ghi:

       i bánh mì

       ơ hũ mỡ

“Chuyện nội trợ. Thằng đầy tớ của tao mới học đánh vần, chưa biết đọc. Phải dùng mẹo vặt như vậy mới xong, đi chợ nó hay quên lắm.”

Tôi lội xuống ao. Nước cao tới đùi dưới những cành sung thấp, tôi cọ qua cọ lại màng tang êm ái của mình vào bờ đất sét. Trên một mái nhà tôi phơi bày thân thể trong ánh nắng, nằm trên một tấm thảm cho khỏi bị lớp bụi trắng dính vào mình — một lớp bụi vôi màu trắng đục như tuyết. Đôi vai tròn và rộng của tôi nhễ nhại mồ hôi, mặt trời nơi thượng tầng khí quyển thiêu đốt cái thân hình đen nâu nồng mùi của tôi; đôi môi mọng và ấm nới rộng khuôn mặt tôi; tôi khám phá những chiếc răng trắng tinh của mình. Để bày tỏ lòng hâm mộ, ông đại tá hí hửng vỗ vỗ vào cái ống quần rộng thùng thình của ổng: tao muốn chụp hình mày nằm như vậy.

Ổng chỉ cho tôi xem một đàn chim găng-ga bay ngang qua bầu trời. Đó là loài chim cu của vùng Sahara [Xahara] này, chúng có một dân số hơn năm trăm con, sống trong sa mạc, ở phía bên kia những mũi đá. Mỗi ngày một bận, sau khi đã bay lượn lòng vòng trên vòm trời cao tít, chúng đáp xuống những chỗ cạn của các đầm lầy để uống nước trong vài giây, chân lún dưới bùn, rồi bay lên không trung trong những tiếng kêu lanh lảnh.

“Nếu mày thấy một cuốn sách hấp dẫn trong tủ sách của tao...”

Tôi chọn quyển Odyssée trong bản dịch của Victor Bérard.

“Tao không có đặt mua quyển truyện này, nó là quà của một thằng chủ tiệm sách ở Algérie, cứ mỗi tam cá nguyệt là nó gởi cho tao một thùng sách khảo cứu khoa học và nó đã có nhã ý kèm thêm vài cuốn khác mà tao không mấy ưa, nhưng nhờ vậy mà tủ sách của tao đã được thêm dồi dào. Tao biếu mày cuốn Odyssée.”

Tôi mở sách ra trên một ghế băng. Trọn buổi sáng, chúng tôi loay hoay soạn thảo lời đề tặng. Mến tặng em Abdallah thì dễ quá; chúng tôi đồng ý nó phải là "bài thơ của biển cả đọc trong sa mạc", rằng trạng từ "vô vàn" thường được Homère sử dụng để chỉ những lượn sóng biển, cũng có thể áp dụng cho những đụn cát sa mạc mà chúng tôi có thể nhìn thấy ở cách đây mấy cây số, từ các lùm cây của chúng tôi. Lúc đồng hồ điểm mười một tiếng ông già đã thấy khoái cái câu: Bài thơ của biển cả này, ta đọc trong sa mạc hoang sơ, bên bờ những đụn cát vô vàn.

Cái sa mạc yên tĩnh này.

Ánh sáng chói chang. Bể nước có những hình khảm ngũ sắc bằng miểng gạch men màu — đã cạn khô; các chú rắn mối nhảy vô đó nằm mơ mộng.

“Bớt lăng xăng đi, lại đây với tao.”

Hoa diên vỹ và đàn cò trong bãi sậy.

Chim chóc.

Đàn cá nhỏ.

“Nắng to quá để ta có thể ngồi lại trong vườn.”

Một lối đi dài ở giữa và đằng trước trang trại bên ngoài cánh cổng nơi tôi đang đứng chờ người mang lương thực về; tên Da Đen, vào khoảng giờ ngọ, sẽ từ khu trù mật trở về với cái thúng trên đầu.

Các bộ sưu tầm để ở trong các gian trại: Trại Săn Thú, Trại Nhân Chủng Học, Trại Kỷ Vật Riêng, và cuối cùng là Trại Tiền Sử chiếm vị trí của một chuồng ngựa cũ, tất cả tạo thành một viện bảo tàng nho nhỏ trong sa mạc Sahara. Những bộ sừng nai gắn vào mặt bàn xi măng; một tủ kính đựng một cái nón cối thời thuộc địa; ở chỗ khác là một cái yên xe bằng da lạc đà có ghi hàng chữ: "Yên xe này thuộc về tôi từ năm 1923 đến năm 1927"; những tấm ảnh — trắng xát, máy ảnh có thâu ghi được gì không nhỉ — chụp hình trang trại lúc đang xây cất; tất cả được liên hệ bằng mũi tên này: Sau thời chinh chiến là thời suy gẫm; những dụng cụ của Khoa Đo Quả Đất đã đem lại điều lợi ích là giúp cho ta hiểu được Lịch Sử của sự khám phá vùng sa mạc Sahara bởi Nước Pháp.

“Mày cứ thư thả mà xem cho nó đã.”

Bọn du khách đã kéo tới. Cuộc thăm viếng tuần tự diễn ra như sau: một chiếc xe đò tới đỗ gần cổng, con chó cái sủa inh tai và chẳng có ma nào dám bước vô. Ông đại tá giam mình trong ngôi nhà. Thằng bếp trấn an con chó, hỏi trong đám du khách có ai là danh nhân không. Họ lấy danh thiếp ra đưa cho nó và nó trao lại cho ông đại tá và chờ quyết định. Nếu chẳng có ai xứng đáng cho ngài đại tá giáp mặt, tên Da Đen trở ra dẫn họ vào trong sân, phân phát vé vô cửa, do chúng tôi vẽ, mỗi vé giá hai trăm quan — nó sẽ được ăn mười phần trăm — và xâu chìa khoá trong tay, thằng bếp bắt đầu mở các gian trại. Bên cạnh cuốn Sổ Vàng có để sẵn bút mực cho khách ký tên; một tờ giấy thấm còn in ngược lờ mờ vài nét chữ ký của Ngài Đại Tướng. Từ ngôi nhà của ông đại tá, nép sau các tấm rèm và qua các khung cửa sổ nhỏ, ổng quan sát bọn du khách; ổng sẽ mở cuốn Sổ Vàng ra đọc lời bình phẩm.

Trong sự mát mẻ của những gian buồng:

“Tao còn nhớ câu này; từ chính cửa miệng của mày: em gái ông hiện ở bên Tây, cô ấy sẽ nghĩ sao về chuyện ông với tôi. Nó chẳng nghĩ sao nghĩ trăng gì hết ớ mày ơi, cái chuyện tao lẹo tẹo với một thằng con nít ở thuộc địa; tuy nhiên câu nói của mày có ngụ ý đe dọa tống tiền; vậy thời nếu còn muốn ở trong nhà tao, mày nên ký tên ngay vào tờ giấy này, có ghi tất cả là mười bảy chữ mà mày phải lặp lại theo tao: Tôi thề danh dự rằng tôi đã được đối xử như con trong nhà vị Sĩ Quan. Mày đến quỳ gối ở cuối dãy hành lang. Tôi từ từ tiến tới chỗ đó, quỳ xuống, lặp lại theo lời ổng rồi ký tên vào tờ giấy.

Ông già khép cửa lại. Nơi xa, bầy dê của chúng tôi đang lang thang trên cánh đồng cỏ thưa có nhiều nét Soudan hơn Sahara. Tôi có trách nhiệm đừng để cho chúng nó tới phá phách một vài thửa ruộng thử nghiệm, bởi ông già đã nảy ý muốn trồng trọt lúa mì. Tôi ngước nhìn cánh đồng; trong túi áo túi quần tôi có những viên sỏi để bắn ná; tôi không buồn chán; tôi đọc sách, tôi ngắm nhìn lũ chim, tôi hát cho tôi nghe; tôi nhảy múa; và tôi nghiêm chỉnh hơn cái thằng già đó.

Bờ của một cái ao do lượng nước dồi dào tạo thành, vũng nước hồng bị cát vàng vây quanh. Tôi thích cái chỗ này. Đó đây vài công lúa mì, những đường mòn ở trên mực nước của đầm lầy, những con kinh tháo nước khiến toàn cảnh trông như một bàn cờ ô vuông, như một nông trại thử nghiệm ven các thửa vườn dừa bên trên có các mái nhà của chúng tôi, những mái nhà lốm đốm những vỏ chai xanh bị nắng làm cho đen đúa. Một cơn gió nhẹ; những vết chân chim trên cát.

Trong một góc, trên cánh đồng khô giữa cỏ úa, một kim tự tháp bằng xi măng do ông già xây.

“Ngôi mộ của tao,” ổng nói, nghiêng mình thật lâu, tay vuốt chòm râu cằm xám và ngắn.

Nhưng ông già chỉ xây ảo mộng. Sự im lặng của miếng vườn thử nghiệm. Cánh đồng hoang vu, yên lặng, trắng xoá. Không khí, cây cối, cái lăng tẩm nhỏ bằng xi măng. Từng bước từng bước nhẹ nhàng dọc theo những bờ kinh tôi len lỏi vào mê đạo của nước. Mặt trời đâm đốt tôi. Các miểng chai gắn vào những mũi tên đất của các gian trại loan báo giờ khắc: sắp đúng ngọ.

Gần hơn, chỉ cần thoáng nghe tiếng bước chân, tôi cũng biết rõ hắn đang làm gì. Hắn băng qua sân, đóng kỹ cánh cửa gỗ, rồi lại đấm vào xem nó đã khép chặt chưa. Tôi nghe giọng nói khô và khàn của hắn quát tên đầy tớ. Rồi hắn lấy súng bắn các vỏ chai trong một góc sân để thực tập. Bầu trời trắng xoá, nóng bỏng.

Bị choá mắt lúc đúng ngọ, tôi trở về căn buồng tối tăm của hắn. Một cái chậu sứ để rửa mặt toả sáng dịu dàng cạnh bên cái tủ búp-phê của nước Pháp. Khi mắt đã quen với bóng tối tôi tựa người vào chiếc giường. Tuần trước, Robinson Crusoé để trên bàn ngủ của ông già: vì tôi hỏi: Chỉ tại tao thích cái điểm này; nó đóng những cái cọc để mỗi ngày nó lấy dao khắc vào đó; mỗi tuần lễ, mỗi tháng trôi qua đã được nó ghi khắc trên gỗ, vì nó không muốn lãng quên Thời Gian.

Sau giấc ngủ trưa, cha tôi ngồi dậy trần truồng như nhộng, trong một cái bọc gỗ có nắp khép mở bằng những bản lề đồng mà cha đã lấy đinh nhỏ đóng vào, cha lấy ra một cặp kiếng không gọng, kẹp nó vào sống mũi, đội chiếc nón cối, gõ ngón tay vào mặt kính phong vũ biểu cho kim chỉ đúng vào nấc thay đổi; mặc đồ, gài thắt lưng xong, bảo tôi ngắm nghía thử, rồi nói :

“Chiều tà trên sa mạc đẹp quá, chúng ta đi dạo mát đi.”

“Con thương ba,” tôi nói với ông già, trước những cồn cát bị ánh hoàng hôn nhuộm thắm.

“Chắc con đã để ý thấy ba không còn tới lui khu trù mật nữa, biết ba đã muốn xa lánh cõi đời.”

Khi chúng tôi đã tiến thêm vài bước:

“Mấy thằng nhỏ về đây sống với ba đã làm cho ba thất vọng; chúng nó hay đi vô làng mua thuốc lá, kể chuyện nọ này với thiên hạ, lại còn toa rập với thằng bếp để gian lận bòn rút của cải của ba. Con thì khác hẳn. Hai lỗ mũi của con tròn vo và êm ái như lỗ mũi của loài thú vật; khi hôn lên môi con, ba nghĩ tới khoái lạc của một loài thú hiền lành, tính tình luôn luôn thay đổi, buồn, vui, nóng, nguội lẫn lộn.”

Chúng tôi ăn cơm tối trước hiên nhà, trong ánh đèn dầu, trên cái bàn mang ra sân để dưới gốc cây. Trời đã bắt đầu oi ả nên ông già sẽ ngủ trên một mái nhà trong chiếc giường sắt. Ông già đã cởi đồ nằm ngủ trần truồng khi bắt đầu có những cơn nóng nực, bên cạnh những tán cọ, nơi hướng có những mũi đá hồng. Các mái nhà trắng của chúng tôi hiện lên rõ rệt dưới ánh trăng, tôi trèo lên mái nhà nằm ngủ bất cứ chỗ nào, thường thường là ở trên một tầng tháp, hướng đông, dưới bóng một lỗ châu mai trên đỉnh tường, bầu trời bao la, trong vắt, hay có vài cụm mây trắng bay lướt qua trên đầu tôi; và tất cả, tất cả những thiên thể của đêm.

 

[còn 2 chương]

 

-------
Nguồn: François Augiéras (Abdallah Chaamba), Le vieillard et l'enfant (Paris: Les Éditions de Minuit, 1977).

 

_________________
Phụ chú của Tiền Vệ:
Trong bản Việt ngữ này, dịch giả Nguyễn Đăng Thường đã cho thằng bé, tuỳ tâm trạng và hoàn cảnh của nó, sử dụng những chữ khác nhau ("ổng", "hắn" và "nó") để kể về ông già. Trong mối quan hệ với ông già, thằng bé cũng xưng hô bằng những cách khác nhau: "con/ba", "tôi/ông", "tôi/anh".

 

_________________________

[*]Trong nguyên tác, đoạn này là một trò chơi chữ rắc rối và vô vị để đố nhau, bất khả dịch, nên người dịch phải thay thế bằng một trò vô duyên tương tợ bằng tiếng Việt, hầu cho thấy cái tâm lý đôi khi rất ấu trĩ của ngài đại tá (NĐT).

 

Đã đăng:

... Được đặt để trước một đề tài kỳ diệu lúc còn quá non trẻ, bốn năm sau, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả: cái mà người ta đã cứu vớt chỉ là một tiếng réo gọi, tác phẩm thật sự vẫn cần phải được viết ra... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Tôi thấy một chốn dị thường trong sa mạc, một cánh đồng cỏ vàng chia cắt bởi suối và đầm lầy, và tôi nghe tiếng róc rách của một dòng suối. Dưới bầu trời đêm, cuối một con đường dài, một bức tường có những lỗ châu mai che chở một cái sân rộng ở giữa những gian nhà phủ sơn đỏ chói... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021