thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ [chương III]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

FRANÇOIS AUGIÉRAS

(1925-1971)

 

 

ÔNG GIÀ VÀ THẰNG BÉ

 

Đã đăng: Bài dẫn nhập: “Zirara"[I][II]

 

CHƯƠNG BA

 

Một đêm oi ả, tôi rời nông trại ra bờ suối. Cởi tấm vải quấn che mông đùi, tôi lội xuống nước. Một tiếng đằng hắng khiến tôi khựng lại. Lau sậy động đậy. Trong dòng nước ấm, ông già đang lặn hụp như một con thú. Các nếp mỡ trên cơ thể trần truồng vỗ đập vào hai đầu gối, trong lúc ông già đang uốn mình cho nước suối thoa bóp các bắp thịt bụng. Nước dán các sợi lông lưa thưa trên đầu ổng vào sọ. Ổng ưỡn cái bụng trắng xác dưới ánh trăng lên cho tôi xem:

“Tao đây mà, tao đang tắm suối. Lại đây, lại gần tao đi.”

Mặc dù đã quen nhìn thấy ổng, tôi cũng phải bỏ chạy, mùi cỏ ướt của đầm lầy đập vào môi tôi sưng vù vì đã khóc.

Ông già đốt đèn.

“Tao muốn đo mày.”

Ổng kiểm soát hai chân không của tôi, nhìn coi chúng có đụng đất hay không, rồi ổng mới ghi chiều cao của tôi trên một cây cột quét nước sơn.

Khi ông già đã thiếp ngủ, trôi nhảy chuyền qua các mái nhà xuống đất, ngoài vòng tường tôi men theo một cánh đồng huệ, sự êm ả của những bụi cây sắp sửa chan hoà ánh trăng. Tôi tựa đầu vào một thân cây nghỉ mệt. Tôi lắng nghe tiếng chim hót trong đêm vào giờ này. Một con chó đực lông trắng mõm nhọn đi rảo, nó đang si tình con chó cái trong nhà; chúng tôi chạm mặt nhau ở các ngả tư của những con đường mòn. Khi cát đã êm ái dưới bước chân thì tôi cũng vừa nghe buồn ngủ.

“Làm tình mà không yêu nhau thì còn gì buồn bã cho bằng nhưng mà ba thì biết con thương ba.”

“Con thương ba lắm,” tôi thỏ thẻ bên mép nệm dưới vòm trời đầy sao. “Ba còn nhớ cái đêm bên bờ suối... Con đã cho ba biết rằng con mồ côi cả cha lẫn mẹ; con ôm ba hôn và khóc nức nở vì con đã tìm được một người cha mới.”

“Ba sẽ nhớ mãi suốt đời.”

“Ba nhìn kìa, cái đầm lầy cỏ sậy mọc ngút đầu, đầy những chú ếch xanh dưới ánh trăng.”

“Ba sẽ để nó lại cho con, cái chỗ đó, cái chỗ mà con đã thú nhận tình yêu của con đối với ba.”

“Vậy thì ba và con xuống nhà làm tờ di chúc đi.”

Trong căn buồng, tôi đặt ngọn đèn trên chiếc khăn vải láng trải bàn, ông già khơi tim đèn măng-sông và ngọn lửa. Khi ánh đèn đã sáng sủa hơn, ổng xé một trang tập vở ra làm tờ chúc thư. Những chữ mà óc tôi đã soạn thảo, mắt tôi đang thấy chúng hiện ra dưới bàn tay ông già. Tôi tựa người sát vào mình ổng để bộc lộ niềm xúc cảm dạt dào cho tới khi ổng ký tên xong. Tôi chộp tờ giấy, tờ hợp đồng mua bán, phe phảy cho mực chóng khô trong cơn gió nóng.

Trong một cái chái chứa đồ phế thải tựa vào các gian trại, tôi tìm chiếc va li đã xiêu vẹo vì những chuyến đi hoang. Tôi quỳ xuống kiểm điểm lại các ổ khoá, cất giấu vào bên trong trang giấy của cuốn vở học trò mà tôi đã phải trả với biết bao nhiêu đau khổ.

Chúng tôi trở lên mái nhà.

“Ba đã nghĩ đến tương lai của con. Con ráng lo học hành để mai sau kiếm được một chỗ dung thân.”

Nhưng tôi đâu còn chỗ nào khác để sống, ngoại trừ ký ức của con người.

Ông già đốt một cây nến, nó soi sáng cả một phía các gian trại, và ổng ngồi ỉa — một cái chuồng bồ câu có khoét một cái lỗ và có các nấc thang để bước lên. Mỗi thứ hai, ổng cắt các mảnh giấy vuông; xâu giấy sắp hết vì đó là đêm thứ sáu. Các chuồng chim trong gian trại bên cạnh; âm thanh các cục cứt người rớt vào thùng khiến lũ chim cu hoảng sợ; chúng kêu chíp chíp. Rồi ổng bước những bước dài băng qua chiếc sân lộ thiên trắng xoá dưới bầu trời quang đãng và những lớp muối; ổng trở về giam mình trong căn buồng. Gần bên cánh cổng, người tình của con chó cái rứt ra và chạy lẫn vào trong khu vườn.

 

Trên mái nhà của chúng tôi — bóng tối của cánh đồng bao vây —, đứng cạnh giường, tôi nhìn người đàn ông khoả thân đang yên giấc dưới các tấm ra trắng trong sự tĩnh mịch của đêm khuya.

Với chiếc ống dòm của pháo binh chúng tôi quan sát sao Hoả. Đôi mắt xanh của tôi di động. Qua mắt kính tôi nhìn thấy Hoả Tinh đang lóng lánh.

“Lại đây, lại đây nằm trên giường với ba.”

Nhưng tôi trở về trên mái nhà của tôi, nằm xuống cái chỗ tôi vẫn nằm dưới bầu trời đen và trắng.

“Mày có lại đây hay không?”

Từ trên giường ông già réo gọi vì chúng tôi ở cách nhau tới mười mét hay mười lăm mét. Rồi, vừa khoác tấm áo choàng vàng lên người vừa xỏ dép vào chân:

“Xuống nhà với tao, tụi mình sẽ ăn nhậu.”

Tôi vui sướng vì lời đề nghị trước lúc rạng đông, vì bữa ăn khuya bất ngờ đó. Khi chúng tôi đã đặt dĩa nĩa trên bàn, ông già có vẻ như đang mơ mộng:

“Đút cho tao đi.”

Thấy tôi còn chưa hiểu, ông già lấy tay chỉ chỏ vào cái chỗ đó.

“Sao mày lại khóc,” ổng hỏi.

Chúng tôi rửa tấm hình chụp hồi sáng. Dưới ánh đèn tôi nhận ra khuôn mặt tôi.

“Mày rất đẹp trai,” ông già nói; rồi ổng kéo tôi lên mái nhà của ổng. Tựa như các miểng chai gắn vào các mũi tên trên các gian trại toả sáng long lanh, các lời hứa hẹn của lão già cũng lóng lánh.

 

Trên giường, ôm siết tôi: “Con không hạnh phúc với ba à. Mỗi ngày con được chăn dê, con được chơi giỡn, được nhìn máy bay bay qua bay lại.”

Cơn lạnh đánh thức tôi, mây giăng khắp trời. Các đám mây rất rõ. Cơn mưa trút xuống bất ngờ xua chúng tôi ra khỏi giường.

 

Tên Da Đen ngồi xếp bằng trước cái máy hát. “Tởm lắm nhưng vẫn cần” toả ra từ ống loa. Những bản java của khoảng hai mươi năm trước và toàn bộ những bài hát của Montparnasse trong căn bếp của chúng tôi. Ai đã mang dĩa hát đến. Chúng tôi ra đồng cỏ, đặt máy hát trên mặt đất đỏ nứt nẻ vì những cơn nắng lửa; và tôi nhảy múa. Ông đại tá chỉ cho chúng tôi mượn một dĩa hát thôi. Để bớt nhàm chán, chúng tôi thay đổi tốc độ của máy. Bản “Con Dơi”, do giàn nhạc Baltimore-Promenade chơi. Bàn tay tôi nhẹ nhàng nắm lấy một cành của một cây khuynh diệp to lớn, chân tôi rời mặt đất; chuyền từ cành này sang cành kia dưới tán lá, ở nơi giao thoa của các cành xám và xinh tôi chọn những cành dang ra hướng mặt trăng.

Trong một chuồng cu, một quả trứng đã rơi gần tấm lưới nên tôi có thể dùng một cọng rơm khều lấy. Không gây tiếng động, tôi trèo những bậc thang dẫn lên các sân thượng. Tôi để cái trứng dưới các tấm ra, vào chỗ ấm áp nhất của cơ thể; tôi nhìn người đàn ông đang nằm im trong giấc ngủ. Tôi ứa nước mắt, những giọt nước mắt chảy dài hai bên má, những tiếng nấc nghẹn trong cuống họng. Tôi men tới căn chòi của thằng bếp. Tôi khóc và nó liếm nước mắt tôi. Nó âu yếm quàng tay vào cổ tôi. Nó vuốt mái tóc tôi. Lệ tôi rơi ướt đôi vai rộng của nó.

“Tôi căm thù thằng cha đó quá,” tôi nói.

“Đừng mà em, ổng thương em lắm mà, em cứ làm theo ý em như vậy là bậy bạ lắm đó nha.”

 

Nó ép buộc tôi phải yêu mến các bộ sưu tầm của nó, phải tôn sùng nó như tôn sùng một thượng đế, và nó không yên bụng chỉ vì cái sở thích dị hợm của mình. Trước cửa Trại Kỷ Vật, nó có gắn một tấm biển để lưu ý khách tới thăm: Bên trong có nhiều cảnh tượng chướng mắt, nếu thấy ngại thì đừng vào. Nếu khách cứ bước vô đại, họ sẽ thấy mấy con khỉ đang giao cấu, bằng đất nung, mà nó đã bắt tôi nặn.

Từ bữa ăn chiều, ánh đèn di chuyển từ buồng này qua buồng kia. Tôi biết rõ duyên do của sự chuyển động đó. Ánh đèn rốt cuộc dừng lại trong căn buồng lớn nơi ông già đang ngồi nắn nót vẽ một bức tranh. Tôi nói tôi biết vẽ phong cảnh. Ngồi vào chỗ của ổng, tôi vẽ dùm ổng.

“Không thể tưởng tượng nổi, ông già phải khẳng định, vẽ thêm một bức nữa đi.”

Tôi chiều ý ổng; thấy tôi muốn đi ngủ, “một bức nữa thôi,” ông già hạ lệnh, và, ngó thấy cái bản mặt bí xị của tôi :

“Khi đã yêu thì ta có thể làm được tất cả mà.”

Đầu óc hắn luôn luôn có sẵn một trò bỉ ổi. Tôi lảo đảo và phải vịn vào mép bàn để khỏi té lăn cù xuống cái nền đất nện của phòng ăn. Tôi hú liên tu như một con chó sắp chết. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tôi cảm giác bàn tay của hắn trên khuôn mặt tôi, cặp môi của hắn lạnh ngắt. Mắt vẫn khép kín, tôi chìm xuống đêm, rồi nôn mửa dưới gậm bàn.

 

Tôi được mời đi dự một đám cưới trong vườn cọ của khu trù mật, khá xa chỗ chúng tôi ở. Tôi đi theo các đoàn người dưới ánh đuốc, và tôi nhìn thấy khuôn mặt của người làm thuê cho cha tôi trong đám đông, anh ta bảo tôi nên đề phòng; thiên hạ sẽ không nương tay vì tôi là một sự ô nhục. Nhiều kẻ sẽ sẵn sàng tuyên bố rằng cái chết là hình phạt hợp lý nhất dành cho tôi, một thằng đồi bại; tụi Tây sẽ không nhọc công tìm xác tôi; tôi đã bị phê phán ngay từ buổi đầu, không một chút xót thương.

Tôi bước vô căn vườn của chú rể; tức khắc một hòn đá vút tới trúng cùi chỏ, không biết do ai ném. Một viên đá khác chọi trúng mặt tôi. Bên cạnh những đống lửa để cho lũ trẻ con trông coi, tôi gặp lại người giúp việc nhà của ông đại tá, anh ta quay trở lại vì lo ngại cho tôi.

“Sao anh làm vậy?”

“Muốn bảo vệ em mà,” anh nói.

Tôi xua anh đi và xích gần ánh lửa. Khi các món đầu tiên được mang lên cho thực khách, chàng rể kéo tôi lên một mái nhà ngồi ăn riêng với lũ trẻ và bọn tôi tớ. Người ta lại cho tôi biết về mối hiểm nguy đang chờ. Bỗng nhiên, tôi muốn giáp mặt cái chết, và, mùi tử khí, tôi muốn mang nó nóng hổi về nhà đặt lên môi cha tôi. Tôi rời khu vườn qua ngả cửa hông thấp ít người biết; vài tên đàn ông rời đám đông, và cuộc đuổi theo khởi sự ngay trong các ngõ ngách nóng hực len lỏi qua các vườn cọ, những bước chân rượt đuổi nhau không gây một tiếng động nhỏ trên cát.

Trở về cái bordj, một bên vai bị lưỡi dao rạch đứt còn tươm máu, nhưng may mắn đã thoát chết, tim đập thình thịch, tôi thấy hắn nằm trên chiếc ghế dài chờ tôi về. Khi cặp môi đẫm mùi tử khí của tôi chạm vào môi cha tôi, cha tôi rên. Một tiếng thở khò khè. Rồi cha cầm chùm chía khoá băng qua sân.

Hắn không biết mắc cái chứng gì mà réo tôi đến bên giường.

Hắn gọi tôi từ chiếc giường sắt lớn.

“Con đã muốn thức khuya để canh cho ba ngủ phải hông?”

Miệng tôi hé mở để đối đáp :

“Con muốn ngồi gần ba.”

 

Trong bóng đêm, tôi gào thét không thôi mối hận thù. Tôi trèo lên những tảng đá gần bầu trời. Tôi nhảy vọt qua những khe đá. Ở trên cao, các mũi đá tạo những dãy buồng lộ thiên chằng chịt nơi tôi ngồi khóc, cây súng gác ngang đằng sau gáy, trong bộ đồ tơi tả tôi buộc thắt vào người bằng những sợi da. Mắt tôi, cây súng của tôi lóng lánh dưới ánh trăng, băng đạn trên đôi vai trần. Tôi nằm nghỉ trong các căn buồng trong vách đá của tôi, tôi ngụ trong những hang đá; tôi lấy phấn kẻ lên vách những dấu hiệu lờ mờ. Trên cái chỗ cao đó dường như có những con hẻm, những chiếc giường trong đá: Ôi mảnh linh hồn tôi bất tuyệt dưới vòm trời đen và toà lâu đài tuyệt mỹ của các vì sao. Tôi ngồi đó khóc, cây súng trong tay. Rồi, hãi sợ bỗng đến; tôi nghe đau nhói, trong nỗi cô đơn ở một nơi quá xa ngôi nhà của cha tôi.

 

Tôi hay trở lại ngồi trong những căn buồng của các mũi đá. Tôi học tiếng Pháp từng chữ một, tập viết lần đầu tiên. Tôi hay cảm thấy cô đơn như vậy trong những đêm nóng và xanh, ở phía trên cánh đồng cỏ, ở phía trên các vườn cọ, ngồi trên những vách đá hồng. Lũ sói tru. Tôi mang theo vở và mực; hai cánh tay trần, chống trên đá, một cây đèn cầy ngọn lửa rung rinh trong cơn gió đêm thoảng nhẹ gần bên tôi, lần đầu tiên tôi được nghe tiếng nói thầm thì của mình; khi làm như vậy tôi hoàn toàn được tự do, khi tôi đặt bút viết dưới vòm trời đầy sao, trên những phiến đá của tôi, trong cái sa mạc của Thượng Đế của tôi. Những cụm mây nhỏ, từng đàn, tách rời những đám mây trắng lớn và tiến về hướng mặt trăng.

 

Trong sự im lặng trước buổi rạng đông hắn cất tiếng gọi tôi từ chiếc giường sắt. Tôi giả vờ ngủ để khỏi phải tới chỗ hắn. Nhưng hắn vẫn tiếp tục gọi. Trong ánh sáng lờ mờ hắn nhìn mặt tôi, mắt tôi. Hắn có nghĩ rằng tôi có thể hồi tưởng lại không nhỉ. Tôi cũng nhìn hắn dưới bầu trời đầy sao. Ông già trong những cơn co giật kêu rú như sắp chết tới nơi và tiếng rên la quá to vang dội trong sa mạc.

“Tao không nén được, chắc ở nơi xa người ta cũng nghe thấy.”

Sau cái phút đó, trong đêm khuya tôi đã bảo hắn:

“Sao ông không để cho tôi được yên thân?”

 

Khi có những tiếng chim đầu tiên hót trong đêm tối, tôi gõ vào một cái nồi đồng và nó phát ra một âm thanh trong trẻo; ban đầu thì rất khẽ, chỉ để cho tôi nghe được thôi, những cú thật nhẹ và thật ngắn, rồi trầm ấm hơn sau những khoảng im lặng; khi tới gần khu vườn, tôi ngưng gõ, rồi lại gõ thêm khi đã đi xa hơn. Các vách tường ném trả lại âm thanh đó; tôi chỉ là một thanh âm, dịu dàng, xúc cảm, có thể trở thành nguy hiểm cho chính tôi và cho chúng nó.

Chúng nó bật cặp đèn pha của chiếc xe hơi. Thằng Đen trói tay tôi, xô tôi xuống cát. Thằng Tây lấy chân đá.

“Tao đã có cớ để thù ghét mày rồi đó,” nó nói.

 

Chúng nó không biết phải xử trí thế nào đối với tôi. Nhắm mắt lại, tôi nghe rõ tiếng nói của chúng nó, tiếng nói của cha tôi, khàn khàn trong đêm tối. Chúng nó kềm chắc tôi xuống ghế băng; một cảnh tượng quái đản nếu có một kẻ nào đó đứng nhìn lén trên đồng cỏ. Tôi mở mắt, trong ánh sáng choá loà của cặp đèn pha. Trong tiếng chó sủa, lũ chó bu lại bị cha tôi lấy chân gạt ra, chúng nó nhặt một cây đèn. Tôi vẫn còn run rẩy chút đỉnh, trong lúc chúng mở cánh cổng, và tôi để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm, và chúng ném tôi vào một góc sân, trên nền đất cứng nứt nẻ vì cái nóng.

 

Trên mái một chuồng ngựa, trên lớp vôi trắng, tôi vẽ một bàn cờ; tôi đánh cờ bằng các viên sỏi. Tôi muốn viết lại những điều tôi trông thấy. Bút chì trên tay, sau tiếng rên tôi đã giật lấy của tên đàn ông đó, những chiếc trống của châu Phi khua nhẹ trên những ngọn đồi đen, còn trật tự nào dành cho tôi không nhỉ khi tôi đã phó thác đời mình cho những rủi may của đêm tối.

 

[còn 1 chương]

 

-------
Nguồn: François Augiéras (Abdallah Chaamba), Le vieillard et l'enfant (Paris: Les Éditions de Minuit, 1977).
 
_________________
Phụ chú của Tiền Vệ:
Trong bản Việt ngữ này, dịch giả Nguyễn Đăng Thường đã cho thằng bé, tuỳ tâm trạng và hoàn cảnh của nó, sử dụng những chữ khác nhau ("ổng", "hắn" và "nó") để kể về ông già. Trong mối quan hệ với ông già, thằng bé cũng xưng hô bằng những cách khác nhau: "con/ba", "tôi/ông", "tôi/anh".

 

 

Đã đăng:

... Được đặt để trước một đề tài kỳ diệu lúc còn quá non trẻ, bốn năm sau, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa cả: cái mà người ta đã cứu vớt chỉ là một tiếng réo gọi, tác phẩm thật sự vẫn cần phải được viết ra... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Tôi thấy một chốn dị thường trong sa mạc, một cánh đồng cỏ vàng chia cắt bởi suối và đầm lầy, và tôi nghe tiếng róc rách của một dòng suối. Dưới bầu trời đêm, cuối một con đường dài, một bức tường có những lỗ châu mai che chở một cái sân rộng ở giữa những gian nhà phủ sơn đỏ chói... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
... Chúng tôi ăn cơm tối trước hiên nhà, trong ánh đèn dầu, trên cái bàn mang ra sân để dưới gốc cây. Trời đã bắt đầu oi ả nên ông già sẽ ngủ trên một mái nhà trong chiếc giường sắt. Ông già đã cởi đồ nằm ngủ trần truồng khi bắt đầu có những cơn nóng nực... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021