thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ONLAI... BALÔ [chương 15]

 

[chương 1] - [2][3] - [4][5][6] - [7]
[8][9][10][11][12] - [13][14]

 

15.

 

Lần nào lên trên này ta cũng theo Bàn Kì Páo vào rừng săn thú.

Thằng bạn Thổn Mừ cụt chim là thợ săn nhà nghề. Nó kể. Mười tuổi ta đã theo người già vác nỏ chạy vào rừng bắn lợn lòi và đào hố đặt bẫy bắt gấu bắt hổ. Đàn bà Thổn Mừ Nà Cốc ta vào rừng chặt nứa hái nấm hái thuốc tắm hồ nước nóng. Đàn ông Thổn Mừ Nà Cốc ta thì đẵn gỗ và săn bắt thú dữ trong rừng.

Không thể nào hiểu được mối quan hệ rằng rịt bí ẩn của thằng bạn cụt chim người Thổn Mừ với rừng. Đã cố hiểu. Nhưng vô ích. Bởi vì có hỏi thì ngay chính thằng Páo cũng không hiểu. Đó là thế giới tâm linh quái lạ và bí mật được cất giấu lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nó tạo nên tâm hồn và tính cách người Thổn Mừ.

Ta ghét săn bắn nhưng rất thích vào rừng.

Khoác khẩu súng kíp trên vai. Đeo bọc đạn chì vào lưng. Đi săn ư? Đó chỉ là cái cớ theo thằng bạn Thổn Mừ vào rừng vui chơi.

Một nhà văn lõi đời bạn vong niên của ta ở chốn đô thành náo nhiệt nhếch mép cười. Mày ư. Máy đã trót quá khinh bỉ ghê sợ cái gọi là đám đông nên thích chui vào rừng. Nhưng như vậy là vô phúc. Nghệ sĩ phải nồng nàn ràng rịt với đám đông. Mày không phải là hoạ sĩ. Mày là thợ vẽ.

Ta không khinh bỉ ghê sợ đám đông. Ta chán. Chán lắm. Càng ngày càng chán.

Còn biết chui vào đâu. Rủ vợ con rồng rắn ra vườn bách thú ư để xuýt xoa mấy cây cổ thụ bé tí xíu uốn éo thả rễ trong chậu cảnh hay là trố mắt ra nhìn con hổ đang lồng lộn gầm thét sau song sắt hôi thối.

Nhạt nhẽo. Vô vị.

Thấy ta bắn trượt con hươu què đang à ớc gọi mẹ ben bờ suối, thằng Páo cằn nhằn. Thấy ta găm một viên đạn chì tung toé vỏ cây ngay trên lưng con chồn đực, thằng Páo nhăn nhó. Đến khi thấy ta cố tình tặng một phát ghém vào mông con lợn rừng kêu eng éc cắm đầu phóng chạy vào bụi rậm mất tăm thì thằng bạn Thổ cụt chim ré lên cười.

“Zịt mẹ cậu. Ta biết rồi.”

Từ đó thằng Páo mặc xác ta.

“Hay khịt mũi thế?

“Mùi lá rừng mục nát đang lên men.”

“Thối thum thủm.”

“Trên cả tuyệt vời.”

“Điếc à?”

“Ta mải nghe tiếng suối chảy.”

“Cậu có hay vẽ rừng không?”

“Ta không thể vẽ được rừng.”

“Vẽ rừng mà cũng khó thế cơ à?”

“Khó lắm.”

“Thế mà thằng hoạ sĩ người Kinh hội văn nghệ Nả Hoang vẽ rừng cây đẹp lắm.”

“Ta không tin.”

“Cành lá bôi màu xanh tươi mà.”

“Cậu bị lừa rồi.”

“Lừa a?”

“Đúng.”

“Cũng có thể. Thảo nào ta nhìn mãi mà vẫn không thấy cái rừng cây thở rì rào.”

Rừng Nả Hoang nguyên sinh bị bỏ quên. Có hàng ngàn giống cây lạ. Có hàng trăm loại thú rừng quý hiếm. Nhưng ta chẳng mê man cây cỏ thú rừng. Ta yêu rừng. Hỏi yêu vì căn cớ gì. Không biết. Hỏi tại sao lại cứ thích vào rừng. Chỉ lắc đầu mỉm cười. Ta thích ngồi trên rễ cây loằng ngoằng thân rắn. Thích nằm toài trên tảng đá rêu phong. Vểnh tai nghe tiếng gió hú và khịt mũi liên hồi ngửi mùi sương rừng khi không bị cứt nát văng lên mặt. Ta lội trong rừng giống như cái bào thai lội trong bụng mẹ. Trời ơi thanh thản quá chừng. Không buồn không vui. Và nhất là không còn sợ nữa. Sợ cái gì? Không biết. Chỉ biết là sợ thôi. Nỗi sợ vô hình. Bao nhiêu năm nay nó thường trực từng phút từng ngày tháng này qua tháng khác năm này qua năm khác đeo bám nhằng nhẵng sát sạt từng bước chân khi đứng khi ngồi khi uống khi ăn và cả trong những giấc ngủ mộng mị mê sảng. Nỗi sợ như con bạch tuộc ghê gớm nhớt nhát nhầy nhụa chui vào sọ lặng lẽ vươn vòi hút dần óc.

Tha thẩn chui lủi trong rừng thỉnh thoảng thằng bạn Thổ cụt chim lại nhìn gã và mỉm cười. Sao mặt cậu nhâng nháo thế. Giống mặt con dê núi động đực.

Lặn lội trong rừng hơn một giờ thì Bàn Kì Páo bắn được một con cáo cái lông vàng to gần như con chó. Viên đạn xuyên qua cổ ngọt sớt không để lại vết máu. Có lẽ đứt cuống họng. Ta đeo xác con cáo trên vai. Lạc tới một con suối chảy rào rào. Hỏi.

“Sắp tới lán ông cụ Giản rồi nhỉ”

“Đúng rồi. Vẫn nhớ ông hủi cơ à.”

“Ta vẫn nhớ.”

“Lội qua suối. Đi theo con đường mòn vòng vèo kia là tới thôi.”

“Vào chơi nhé.”

Nghe gạ gẫm như vậy thằng bạn Thổ cụt chim ngửa mặt lên trời cười:

“Lần này muốn vào chơi cũng không được nữa.”

“Ông cụ chuyển nhà đi chỗ khác a?”

“Chết rồi.”

“Làm sao biết chết rồi?

“Biết chứ. Đám ma to lắm mà.”

“Kể chuyện đám ma ông hủi cho ta nghe.”

Hai thằng ngồi xuống tảng đá hút tẩu. Phun khói mờ mịt.

“Ông hủi chết rồi. Vợ con khênh xác về bản Nà Xút làm ma. Đang làm đám ma thì có mấy ông bà Việt kiều ăn mặc sang trọng lắm từ Hà Nội lên đỗ ô tô ở uỷ ban tỉnh rồi lặn lội trèo bộ lên tận bản Nà Xút xin được mang xác ông hủi về chôn ở Hà Nội. Thế là cãi nhau ầm ĩ. Phải cãi nhau chứ. Ông hủi chết rồi hoá thành cái ma của người Pa Thẻn Mẹo Lài rồi. Cái ma ông hủi phải ở mãi mãi với núi rừng Nà Xút. Ơi trời ơi. Ta nói như vậy để cậu đừng có giận ta. Mấy lần cậu rủ ta kết nghĩa anh em. Ta cũng thích lắm. Nhưng ta lắc đầu. Ta không muốn cậu chết đi thành cái ma của người Thổn Mừ ta phải ở mãi trên núi rừng Nà Cốc. Như vậy thì khổ cho vợ con cậu lắm không được cúng vái cậu.”

“Ta hiểu rồi. Kể tiếp chuyện đám ma ông hủi đi.”

“Cãi nhau to lắm. Uỷ ban tỉnh phải về tận bản Nà Xút đứng ở giữa để xét xử.”

“Có kiện nhau ra toà đâu mà xét xử.”

“Không kiện nhau ra toà. Chỉ cãi nhau ỏm tỏi thôi. Vậy thì gọi là gì?”

“Hoà giải.”

“Hay lắm. Hoà giải.”

“Hoà giải như thế nào?”

“Xác ông hủi được chở về chôn ở Hà Nội.”

“Uỷ ban không bênh vực người bản Nà Xút a?”

“Chỉ bênh mấy ông bà Việt kiều.”

“Tại sao thế?”

“Tại vì mấy ông bà Việt kiều hứa sẽ mang tiền về đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quả mận ở trên này thành rượu mận.”

“Hay quá.”

“Không hay lắm đâu.”

“Tại sao?”

“Ta sợ rằng họ chỉ hứa bậy thế thôi.”

“Việt kiều có nhiều tiền. Bây giờ họ cũng thich đem tiền về nước đầu tư xây nhà máy.”

“Bao giờ ta nhìn thấy cái nhà máy chế biến quả mận thành rượu ở đây thì ta mới tin. Người Kinh chúng mày nói khéo lắm.”

“Cậu cũng đi dự đám ma ông cụ hủi a?”

“Không đi dự. Ta được mấy ông bà Việt kiều thuê khênh quan tài ông hủi về tới tận uỷ ban tỉnh.”

“Mấy ông bà Việt kiều là họ hàng với ông hủi?”

“Phải. Một bà Việt kiều béo lắm kể cho nghe họ là anh em cùng cha khác mẹ đấy. Cả nhà đều làm ăn sinh sống ở Pháp ở Mỹ. Chỉ có một mình ông hủi ở lại trong nước rồi hoá thành người Thẻn Hà.”

 

[còn 8 chương]

 

 

-----------

Đã đăng:

Hôm nay đọc Mác Kẹt. Không thể nhớ nổi. Cái gì buồn buồn với cô gái điếm nhỉ. Chính xác. Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Tiểu thuyết in hàng triệu bản. Một con đĩ non 15 tuổi và một ông già hơn 80 tuổi... (...)
 
... Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi chọn bãi đậu trên mảnh sân phập phồng ngay dưới cái lỗ rốn nhỏ xíu sâu hoắm. Bãi đáp tuyệt vời (nhưng hơi láo). Dính líu đến tên tuổi một ông kễnh! Văn học giả dối khôn thế. Đồ ranh ma... (...)
 
... Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi vất lăn lóc trên giường. Em vô tình bỏ quên. Quyển sách thoang thoảng mùi nước hoa rẻ tiền không có thương hiệu trộn lẫn một thứ mùi... một thứ mùi riêng biệt... (...)
 
... Trong mơ... đôi khi lại nghe thấy tiếng hú hoang vu từ rừng thẳm vọng về. Không phải tiếng hú thú rừng. Không phải tiếng hú người. Cũng không phải tiếng hú ma quỷ. Có ma quỷ không?... (...)
 
Đêm ngày mai rồi đêm ngày kia, đúng hẹn, ta (Zê) lên mạng đợi chát. Chát với cái con tiều. Em gái sinh viên kiêm gái gọi nghiệp dư cho ăn no thịt thỏ... (...)
 
Gần trưa xe đỗ lại một quán ăn bên đường thiên lý. Cũng loè loẹt cờ đuôi nheo bảng hiệu xanh đỏ tím vàng. Một tấm biển quảng cáo to tướng ngất ngưởng bia chai Con Hổ nhăn nhở ngoác miệng cười... (...)
 
Trong trí nhớ xa xăm vật vờ chuyện cổ tích ấu thơ bản Nà Cốc là vùng rừng núi tâm linh lờ mờ mộng ảo. Hổ già mồm thối hoăng ngang nhiên giữa trưa đập đuôi nằm ngáp dài trên đỉnh dốc. Sông rừng tím ngắt... (...)
 
... Thào Yêng lặn xuống ôm xốc ta rồi nổi lên. Ta chỉ he hé mắt nhìn. Khi hai chân vừa chạm lòng hồ thì vòng hai tay bất ngờ siết chặt lấy vòng bụng của cô gái Thổn Mừ rồi há to mồm đớp ngay lấy cái đầu vú xinh xắn đỏ hồng đang cương lên trong làn nước nóng... (...)
 
... Đêm đó ta thức trắng. Thào Yêng cũng thức trắng. Lửa bếp lập loè soi bóng hai người chập chờn trên vách... (...)
 
... Nhà hàng trương biển hiệu đặc sản núi rừng thịt hươu thịt chồn vênh ngay sườn dốc. Cũng bàn cũng ghế cũng bia cũng rượu cũng quầy bếp lừng lững mù mịt bốc khói chẳng thua kém nơi nào... (...)
 
... Cụt chim rồi mà vẫn cứ thèm zịt. Rất thèm. Lạ thật. Mà lại thèm zịt bậy bạ lung tung mới chết chứ... (...)
 
... Hình như có một dấu hỏi vô hình đang treo lơ lửng trong bóng đêm. Ai hỏi? Hỏi cái gì? Không biết... (...)
 
... Nằm trong hang nhìn xuống phía Đông Nam. Không xa chân dốc. Một bản nhỏ người Xán Chỉ hơn chục nóc nhà suốt ngày ẩn hiện trong sương khói bảng lảng. Xa hơn là một biển mây mù mịt che phủ dãy Trường Sơn. Và xa hơn nữa là biển Đông... (...)
 
... Có ai cứ ném sỏi cốc cốc vào sọ ta. Nhói buốt. Một con lợn rừng gầy xác ve lông lá nhọn hoắt, dựng đứng, há mõm đỏ lòm nhe nanh xông thẳng về phía ta. Rồi nghe tiếng hú thê thảm nghẹn ngào từ rừng hoang vọng về... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021