thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ [1/10: NHẬP]

 

Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922-2008)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, La Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khoá ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...
 
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

________

 

NHẬP

 

Không có gì — tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào — có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecœur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và, nếu như có những thành phần khác của chuyện kể tự tách ra một cách có cân nhắc, thì lúc nào cũng với một cách đáng ngờ đến nỗi người ta không thể cố tình không thấy ra một ý đồ có hệ thống về phía người kể chuyện, tựa như là có một nguyên nhân thầm kín nào đó đã chủ trì cho những thay đổi và những phát kiến của anh ta.

Một nguyên nhân như thế, tất nhiên, chúng ta không nhìn ra được, ít nữa là ngay bây giờ. Nếu chúng ta khám phá được nguyên nhân ấy, toàn bộ sự việc sẽ do đó mà sáng tỏ... Dù sao đi nữa, chúng ta cũng được phép suy nghĩ về nó.

Về chính tác giả, chúng ta biết rất ít. Tông tích thật sự của anh ta đã là có vấn đề rồi. Không ai biết anh ta có người bà con xa hay gần nào không. Sau khi anh ta biến mất, người ta khám phá ra ở nhà anh ta một giấy thông hành của Pháp mang tên Boris Koershimen, kỹ sư điện tử, sinh ở Kiev. Thế nhưng những cơ quan ở sở cảnh sát khẳng định giấy tờ này rõ ràng là giả mạo, có thể đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, cái hình dán trên giấy, theo tất cả các nhân chứng, thì dường như là hình của anh ta.

Còn về tên họ đã khai báo, thì người ta không phát hiện chút âm nào thuộc vùng Ukraine. Vả cái tên anh ta đăng ký ở trường Mỹ nằm trên đường Passy,[1] nơi từ mấy tháng nay anh dạy tiếng Pháp trong văn học hiện đại, lại có một cách viết khác và cái họ cũng khác: “Robin Körsimos, tức Simon Lecœur”. Vậy thì lần này, đúng ra đây là một người Hungary hay một người Phần Lan, hay cũng còn có thể là một người Hy Lạp; nhưng cái giả thuyết sau cùng này hẳn là sẽ bị phủ nhận bởi thể xác bên ngoài của anh thanh niên dài ngoằn có mái tóc rất vàng và cặp mắt màu xanh sáng. Sau cùng, cũng phải ghi nhận là những đồng nghiệp của anh ta ở trường, cũng như các học trò của anh (đa số là nữ sinh), đều chỉ gọi anh là “Yann”, mà ai nấy đều viết là Ján khi gửi cho anh những mẩu giấy viết ngắn nói chuyện nghề nghiệp; không ai trong họ cắt nghĩa được là tại sao.

Bản văn mà chúng ta quan tâm đây — chín mươi sáu trang đánh máy, chừa dòng đôi — đã được đặt làm bằng chứng trên bàn làm việc của anh ta (trong căn phòng nhỏ có bàn ghế mà anh đã mướn, ở số 21 đường Amsterdam), bên cạnh một cái máy đánh chữ xập xệ, mà theo những nhà chuyên môn, thì quả đây là cái máy chữ đã được dùng để đánh những trang kia. Tuy nhiên, ngày giờ làm cái việc đánh máy thì cách đấy vài tuần lễ, hay còn có thể là nhiều tháng; và, ở chỗ này cũng thế, việc cái máy chữ đặt nằm gần những trang giấy bởi thế cũng có thể là kết quả của một sự dàn cảnh, một sự giả mạo tưởng tượng bởi cái nhân vật luôn chuyển động kia nhằm làm rối mù những dấu vết của chính mình.

Khi đọc câu chuyện kể của anh, người ta trước tiên có cảm tưởng đây là một cuốn sách giáo khoa dùng để dạy tiếng Pháp, như ta vẫn thấy có cả hàng trăm cuốn. Sự tiến triển đều đặn của những cái khó trong văn phạm của ngôn ngữ chúng ta nổi rõ trong suốt tám chương mỗi lúc càng dài hơn ra, nói chung là tương ứng với tám tuần lễ của một tam cá nguyệt ở các trường đại học Mỹ. Các động từ được đưa vào truyện theo thứ tự cổ điển của bốn cách chia động từ, ngoài ra ở cách chia thứ hai, còn có cả một sự đối nghịch được đánh dấu rõ nét giữa những động từ có mang trung tố theo thể bắt đầu và những những động từ không mang trung tố ấy. Những thời và những lối trong chia động từ cũng được sắp xếp một cách hoàn hảo, nối tiếp nhau một cách chặt chẽ từ thời hiện tại của lối trình bày cho đến lối liên tiếp chưa hoàn thành, đến thời tương lai xảy ra trước và lối điều kiện. Các dùng những đại từ quan hệ cũng được sắp xếp như thế, những thể phức tạp của chúng chỉ xuất hiện ở phần sau của chuyện kể. Như thường lệ, phần lớn những tự động từ qua lại và thuộc thành ngữ cũng được dành cho phần kết của truyện.[2]

Tuy nhiên, cái nội dung giai thoại trên những trang giấy vẫn là rất xa cái nội dung mà người ta thường bắt gặp trong những tác phẩm cùng loại, ở đây đã được cố tình biến thành không quan trọng. Mức xác suất của những biến cố ở đây hầu như lúc nào cũng quá thấp so với những định luật của chủ thuyết hiện thực truyền thống. Bở vậy nên không ai cấm ta nhìn ra một cớ vắng mặt trong cái mục đích tự cho là giáo dục ấy. Đằng sau cớ vắng mặt ấy hẳn là có ẩn giấu một cái gì khác. Thế nhưng đó là cái gì?

Xin đưa ra đây, đưa nguyên vẹn, bản văn nói trên. Phía trên cùng tờ giấy đầu tiên ta thấy cái tít đơn giản này: Cuộc hẹn.[3]

 

[8 chương sách và phần KẾT sẽ lần lượt xuất hiện từ ngày mai]

 

_________________________

[1]Trường Pháp-Mỹ ở Paris (Ecole franco-américaine de Paris — E.F.A.P.) 56 rue de Passy, 75016.

[2]Luận điểm của chúng tôi đã được xác nhận qua việc nhà xuất bản sách giáo khoa từ bên kia Đại Tây Dương Holt, Rinehart and Winston, CBS Inc., 383 Madison Ave., New York, N.Y. 10017 mới đây đã cho xuất bản tám chương sách ấy.

[3]Chú thích của người dịch: Cuộc hẹn (Le rendez-vous) là tên ấn bản cuốn sách giáo khoa tiếng Pháp được nhà xuất bản Holt, Rinehart and Winston, CBS College Publishing, ấn hành năm 1981 tại Mỹ. Trên bìa cuốn sách này, tên Giáo Sư Yvone Lenard được để ngay dưới tên tác giả Alain Robbe-Grillet. Cuộc hẹn không in phần Nhập và Kết như trong ấn bản Djinn của Minuit (1981), nhưng được giới thiệu bằng một bài Tựa tiếng Pháp của tác giả Robbe-Grillet, một bài Giới Thiệu bằng tiếng Anh, “Cuộc hẹn được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát”, ký tên Yvone Lenard — trong đó, ngoài phần trình bày hoàn cảnh và mục tiêu hợp tác giữa hai bên, vị giáo sư này còn giới thiệu nội dung sư phạm qua những bài tập (cho từng chương, từng đoạn) được lồng vào bản văn: hiểu biết tổng quát, từ vựng, ngữ pháp, phát biểu cá nhân. Cuối sách là phần từ vựng soạn tương đối công phu và đầy đủ — từ những chữ thông dụng nhất như être/to be đến những chữ ít thông dụng hơn như déchiffrement/deciphering. Ấn bản phát hành ở Mỹ tương đối tốt, ở chỗ có lẽ nó đã được đọc kỹ hơn (có phải vì là sách giáo khoa?) nên không thấy có dăm ba lỗi typo phạm phải trong ấn bản Minuit.
 
Những phát hiện ghi nhận về lỗi typo cũng như 83 (!) chỗ khác nhau giữa hai ấn bản là do người dịch chuyển ngữ lần thứ nhất năm 1996 theo Le rendez-vous (ấn bản Holt, Rinehart and Winston), rồi cũng năm đó, khi đọc Djinn (ấn bản Minuit) vì tò mò, đã cất công rà lại toàn bộ, cũng vì... tò mò. Bản chuyển ngữ khá lâu mới hoàn tất, mà hai bản Minuit và Holt, Rinehart and Winston thì có nhiều chỗ (chỗ, chứ không phải chỉ là chữ) hoàn toàn khác nhau, nên phải thú nhận là rất khó xác định được phần lớn sự chọn lựa trong bản Việt ngữ là ngả theo bản nào: một bên là bản Minuit tươi rói sự sáng tạo nghệ thuật, một bên là bản Holt, Rinehart and Winston dù sao cũng có những ràng buộc vì mục đích sư phạm (có khi nguyên một đoạn trong bản Minuit không thấy trong bản Holt, Rinehart and Winston!) nhưng không vì thế mà mất đi một cái thú chơi ngôn ngữ có một không hai...

 

___________

 

Phụ lục:

Dưới đây là bài TỰA của Alain Robbe-Grillet, và bài Giới Thiệu Yvone Lenard dưới nhan đề “Cuộc hẹn được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát”, trong Le rendez-vous (ấn bản Holt, Rinehart and Winston, 1981).

 

TỰA

Alain Robbe-Grillet

 

Tôi là người viết tiểu thuyết. Có nghĩa là tôi viết những câu chuyện. Những chuyện của tôi — người ta thường nhận xét như thế với tôi — không “hiện thực”, theo những tiêu chuẩn bình thường. Thế tuy nhiên, với tôi, chúng có thật.

Ngay cả khi những biến cố người ta bắt gặp trong đó có vẻ làm ta hoang mang (không lô-gic, phi lý hoặc mâu thuẫn), những biến cố ấy lúc nào cũng tác động lên tôi với một sức mạnh không thể bác bỏ đi đâu được, bất chấp mọi lý trí.

Ở đây có một nghịch lý. Nghịch lý ấy ngày càng trầm trọng nếu như ta nhận xét rằng những chuyện kể ấy (những chuyện tôi kể) thường được nẩy sinh từ những khích động hình thức có tính rất cưỡng bức, những khích động thay vì làm tôi lần cấn, tôi thấy như lại chính là nơi tự do của tôi sẽ có thể nở hoa (nghĩa là: sẽ có thể làm việc.)

Những cưỡng bức hình thức gay gắt, tự do sáng tạo của tôi, chân lý của thế giới được tạo ra từ đó, đấy là ba cái cực — trên lý thuyết là kỵ nhau — tổ chức nên sự gắn bó chặt chẽ trong bản văn của cái mà người ta đã gọi là “Tiểu Thuyết Mới”. Vả lại, thật sự, cả Flaubert lẫn Nabokov lẽ ra đã có thể tán thành một chương trình như thế rồi.

Trong bản văn trước mặt đây, những cưỡng bức có tính tạo sinh thuộc lĩnh vực ngữ pháp: tôi đã đề nghị với Yvone Lenard, chuyên gia về sách giáo khoa dạy tiếng Pháp, là chính tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết, trong đó, từ chương này qua chương khác, tôi sẽ tôn trọng sự tiến triển tuần tự bình thường của những cái khó về ngữ pháp trong một năm học ở đại học. Như vậy Yvone Lenard là người đã cung cấp cho tôi cái dàn này. Đây là cuốn sách. Tôi đã rất thích thú khi viết nó. Giờ đây, mong đừng có ai đến nói với tôi rằng những chuyện như thế không hề có thật.

 

 

CUỘC HẸN

được đề nghị như một câu trả lời cho một nhu cầu dứt khoát

Yvone Lenard

 

Những người dạy các lớp tiếng Pháp ở trình độ trung cấp từ lâu đã nhận thấy việc tuyển chọn sách đọc thích hợp cho những sở thích và khả năng của các sinh viên là chuyện khó. Những bản văn do một tác giả đã được nhìn nhận viết thường là quá khó, không hẳn do những tư tưởng phức tạp, mà do bút pháp và từ ngữ của họ không phải là dễ hiểu được. Mặt khác, những văn bản được viết hoàn toàn như là sách giáo khoa, dù có giải trí và tốt về mặt giáo dục, vẫn thiếu giá trị văn học.

Trong những lần bàn chuyện ngôn ngữ và việc học ngôn ngữ, Alain Robbe-Grillet và tôi thảo luận vấn đề này, và Robbe-Grillet bắt đầu quan tâm đến tác dụng mà những hạn chế gay gắt về ngữ pháp và từ vựng có thể có đối với tư tưởng và bút pháp của người viết. Những hạn chế ấy có làm suy yếu sự diễn đạt của người viết đến độ làm mất đi bản sắc của người ấy? Một bản văn viết với mục đích dạy học có đương nhiên bao giờ cũng phải là một thứ diễn giải tẻ nhạt, thiếu sự căng thẳng năng động và bí hiểm? Tôi chắc chắn câu trả lời cho cả hai câu hỏi phải là không. Alain Robbe-Grillet, xưa nay lúc nào viết cũng tự áp đặt cho mình những tiết chế thuộc một tính chất khác, đã nhìn vấn đề như một thách thức chính ông muốn đương đầu. Tôi đã cung cấp tiến trình tuần tự về ngữ pháp, theo thứ tự dẫn nhập có vẻ lô-gic hơn cả cho những sinh viên trình độ trung cấp cho đến cao cấp.

Như mọi nhà văn chân chính, Robbe-Grillet đã tìm thấy trong tiến trình ấy những yếu tố, không chỉ cho lối diễn đạt của mình, mà cả cho cấu trúc chiều sâu, căn bản của câu chuyện.

[...]

CUỘC HẸN và Tiểu Thuyết Mới

Alain Robbe-Grillet cảm nhận rằng CUỘC HẸN là một phần trong tổng thể tác phẩm của ông. Xa hơn, ông coi nó như một nhập môn lý tưởng cho việc nghiên cứu những tác phẩm khác của ông.

CUỘC HẸN không những sẽ cho phép sinh viên thu hoạch một số lớn thành ngữ tiếng Pháp đương đại, mà nó còn sẽ gây ra những câu hỏi, giải trí, và giải đáp những trò chơi rối rắm. Hơn thế, nó sẽ dẫn người đọc nỗ lực đi tìm cái mà Robbe-Grillet và những tác giả khác của Tiểu Thuyết Mới đã dấn thân vào.

 

--------------
Trích trong Alain Robbe-Grillet, DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ, Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu (Trình Bầy / Tủ sách Nhân & Dân, 2003).
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021