thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ [2/10: chương 1]

 

Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922-2008)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, La Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khoá ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...
 
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

________

 

Đã đăng: NHẬP

 

CHƯƠNG 1

 

Tôi đến nơi đúng giờ ấn định: bấy giờ là sáu giờ rưỡi. Trời đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn ổ khoá.

Bên trong im lặng như tờ. Lắng nghe kỹ, căng hết tai cũng chỉ thu được một tiếng động nhỏ rõ và đều, khá gần: những giọt nước đang chảy từ một cái vòi nước nào đó không khoá kỹ, vào một cái bồn, hoặc chỉ vào một vũng nước trên nền nhà.

Dưới ánh sáng yếu ớt rọi vào từ những cửa sổ với mặt kính cáu bẩn, một phần đã bị vỡ, tôi cố gắng lắm mới phân biệt được những đồ vật chung quanh mình, chất thành đống loạn xạ khắp mọi phía, có lẽ là không còn dùng được nữa: những máy móc cũ xếp xó, những khung cốt kim loại và sắt vụn linh tinh, mà bụi và rỉ sét đã nhuộm lên một màu hơi đen, đồng đều và xỉn.

Khi mắt đã quen tranh tối tranh sáng, tôi rốt cuộc mới nhận ra người đàn ông, bấy giờ đang ở ngay trước mặt tôi. Đứng thẳng, bất động, hai tay đút vào túi áo mưa, người ấy nhìn tôi không nói một lời, không buồn khoác một cử chỉ chào hỏi nào. Nhân vật ta mang kính đen, và bấy giờ trong đầu tôi bỗng thoáng qua một ý nghĩ: có lẽ hắn mù...

Cao lớn và mảnh khảnh, cứ nhìn vẻ bên ngoài thì còn trẻ, hắn ta dựa một bên vai vào một chồng thùng hình dáng không đồng đều. Vì mang kính, cái mặt hắn, giữa chiếc cổ kéo cao của cái áo đi mưa có thắt lưng và vành nón bẻ sụp xuống trán, không nhìn thấy rõ. Toàn bộ không có cách gì ta không nghĩ đến một cuốn phim trinh thám xưa những năm 30.

Bấy giờ chính tôi cũng đứng không nhúc nhích, năm hay sáu bước cách chỗ cái con người bất động y như một pho tượng bằng sáp kia, và tôi cất tiếng đọc rõ (mặc dù giọng nhỏ) câu mật mã: “Ông Jean, tôi chắc thế? Tên tôi là Boris. Tôi đến vì mẩu tin rao vặt.”

Và tiếp sau đó, lại vẫn chỉ tiếng động đều đặn của những giọt nước, trong im lặng. Anh chàng mù kia hay lại cũng điếc và câm?

Sau nhiều phút trôi qua, rốt cuộc câu trả lời đến: “Đừng phát âm là Jean, mà là Djinn. Tôi người Mỹ.”

Tôi ngạc nhiên đến nỗi khó giấu nổi sự ngạc nhiên ấy. Giọng nói quả là giọng một người đàn bà trẻ: giọng nghe du dương và ấm, với những âm vang trầm làm cho giọng có một vẻ gì thân mật xác thịt. Tuy nhiên, nàng không chữa lại tiếng tôi gọi “ông” mà dường như vậy là nàng đã chấp nhận.

Một nụ cười nửa miệng lướt qua trên môi nàng. Nàng hỏi: “Ông thấy khó chịu phải làm việc dưới quyền một cô gái?”

Có cái gì thách thức trong câu nói của nàng. Thế nhưng liền lúc ấy tôi quyết định nhập cuộc chơi. “Không, thưa ông,” tôi nói, “trái lại thì có.” Dù sao, tôi cũng không có cách chọn lựa khác.

Djinn không có vẻ vội nói thêm. Nàng chú ý quan sát tôi, với vẻ không thiện cảm. Có lẽ nàng đang có một phán đoán bất lợi về những khả năng của tôi. Tôi rất sợ nghe bản án, và nó đến sau khi xem xét: “Ông khá bảnh trai đấy, nhưng đối với một người Pháp thì quả ông lớn con quá.”

Tôi muốn cười. Cô gái người nước ngoài này ở Pháp không phải là đã lâu, tôi cho thế, và nàng ta đã đến đây với những ý nghĩ có sẵn. “Tôi là người Pháp,” tôi nói để chữa lại. “Vấn đề không phải ở chỗ đó,” nàng trả lời sau một hồi im lặng.

Nàng nói tiếng Pháp với một giọng hơi trọ trẹ, nghe rất có duyên. Giọng nói nàng ngân nga và cái vẻ lai tính của nàng làm tôi nghĩ đến nữ diễn viên Jane Frank. Tôi thích Jane Frank. Tôi xem tất cả các phim cô ta đóng. Tiếc thay, như “ông” Djinn nói, vấn đề không phải ở chỗ đó.

Chúng tôi đứng yên như thế, quan sát nhau, thêm vài phút nữa. Nhưng bên trong mỗi lúc một tối hơn. Để che giấu sự bối rối của tôi, tôi hỏi: “Vậy thì vấn đề ở chỗ nào?”

Lần đầu tiên thoải mái, hình như thế, Djinn phác nụ cười tuyệt vời của Jane. “Ông sắp cần phải không để ai nhận ra mình trong đám đông,” nàng nói.

Tôi rất muốn cười trả với nàng, và kèm theo một lời khen về con người nàng. Tôi không dám: nàng là sếp. Thế nên tôi chỉ tự biện hộ: “Tôi không phải là người khổng lồ.” Thật ra, tôi cao gần một mét tám mươi, còn nàng thì cũng không nhỏ nhắn gì.

Nàng bảo tôi tiến về phía nàng. Tôi bước năm bước về hướng nàng. Nhìn gần hơn, mặt nàng xanh xao lạ thường, và bất động như là bằng sáp. Tôi hầu như thấy sợ tiến lại gần hơn. Tôi nhìn vào miệng nàng...

“Thêm nữa,” nàng nói. Lần này, không còn nghi ngờ gì nữa: môi nàng không nhúc nhích khi nàng nói. Tôi bước thêm một bước nữa và tôi đặt bàn tay lên ngực nàng.

Đây không phải là một người đàn bà, cũng chẳng phải là một người đàn ông. Trước mặt tôi là một hình nhân bằng chất dẻo bày trong tủ kính thời trang. Bóng tối giải thích sự lầm lẫn của tôi. Cái nụ cười Jane Frank chỉ là do tưởng tượng của tôi mà ra.

“Cứ sờ nữa đi, nếu ông thấy thích,” giọng nói quyến rũ của “ông” Djinn cất lên mỉa mai, nhấn mạnh cái lố bịch trong hoàn cảnh của tôi. Tiếng nói ấy từ đâu tới? Âm thanh không phải từ chính hình nhân phát ra, chắc là thế, mà từ một cái loa giấu kín ngay bên cạnh.

Như thế là tôi đang bị theo dõi bởi một người nào đó tôi không nhìn thấy. Thật là rất khó chịu. Tôi có cảm giác vụng về, bị đe doạ, có lỗi. Cô gái đang nói với tôi thế là đang ngồi cách đấy nhiều cây số; và nàng đang nhìn tôi, như một con sâu nằm trong một cái bẫy, trên màn ảnh truyền hình của nàng. Tôi chắc chắn là nàng đang chế giễu tôi.

“Cuối lối đi chính giữa,” giọng nói cất lên, “có một cầu thang. Ông đi lên tầng lầu hai. Những bậc cầu thang sẽ không lên cao hơn.” Sung sướng được rứt khỏi con búp bê không đời sống kia của tôi, tôi nhẹ nhõm làm theo những chỉ dẫn.

Lên đến tầng lầu thứ nhất, tôi thấy cầu thang ngừng ở đấy. Vậy thì đây là tầng lần thứ hai theo kiểu Mỹ. Điều này xác nhận phán đoán của tôi: Djinn không sống ở Pháp.

Bây giờ tôi đang ở trong một thứ tầng gác mái rộng mênh mông, hoàn toàn giống như tầng trệt; vẫn những cửa kính dơ bẩn và vẫn những lối đi được sắp xếp giữa những đồ đạc chất đống đủ loại. Có điều ở đây sáng hơn một chút.

Tôi nhìn quanh bên phải rồi bên trái, tìm một con người nào đó hiện diện trong cái đống loạn xạ những giấy cứng, gỗ và sắt này.

Bất chợt, tôi có cảm tưởng lúng túng về một cảnh tượng đang tái diễn, như trong một cái kính soi: trước mặt tôi, cách năm hay sáu bước, sừng sững vẫn cái nhân vật bất động ấy, với chiếc áo mưa kéo cao cổ của hắn, cặp kính đen và chiếc nón nỉ sụp vành xuống trán, nghĩa là một hình nhân thứ hai, bản sao y chang hình nhân đầu tiên, trong một tư thế giống hệt.

Bây giờ, tôi tiến đến gần, không chút e ngại, và tôi giang tay ra phía trước... May thay, tôi ngừng cái động tác ấy của mình đúng lúc: cái nhân vật ấy vừa nhoẻn miệng cười, và cái cười ở đây không gì chối cãi được, nếu tôi không phải là người điên. Cái hình nhân giả bằng sáp kia là một người đàn bà thật sự.

Nàng rút bàn tay trái ra khỏi túi, và, với một động tác chậm rãi, nàng đưa cánh tay lên để gạt cánh tay tôi, bấy giờ đã để yên trên không, bởi tôi đang ngạc nhiên.

“Anh đừng đụng tôi,” nàng nói, “có đặt mìn đấy.” Giọng nói vẫn là giọng nói ấy, vẫn với cái sức lôi cuốn xác thịt và vẫn cái giọng Boston ấy; trừ có mỗi một chuyện, là từ bấy tới giờ nàng anh-tôi với tôi với một giọng xấc láo toàn hảo.

“Xin lỗi,” tôi nói, “tôi ngu thật.” Nàng lấy lại ngay giọng điệu nghiêm chỉnh và không ai bẻ lại được: “Theo đúng phép,” nàng nói, “anh vẫn phải bắt buộc thưa gửi khi tiếp chuyện tôi.”

“O.K.,” tôi nói, vẫn không bỏ cái vẻ vui vẻ bên ngoài của mình. Thế tuy nhiên, toàn bộ cái màn dàn dựng này bắt đầu làm tôi bực mình. Djinn hẳn là cố tình làm như thế, bởi vì sau một hồi suy nghĩ, nàng nói tiếp: “Và đừng có nói O.K., nó tầm thường lắm, nhất là khi nói tiếng Pháp.”

Tôi muốn chấm dứt ngay cuộc gặp gỡ khó chịu này: tôi không thấy có hy vọng gì, sau một kiểu tiếp khách như thế. Nhưng, đồng thời, cái cô xấc láo kia lại tác động nơi tôi một sự thu hút mơ hồ. “Cám ơn về những bài học tiếng Pháp,” tôi nói.

Như đoán được ý nghĩ của tôi, bấy giờ nàng nói: “Anh không rút khỏi chúng tôi được đâu. Quá muộn rồi, lối ra đã được canh giữ. Tôi giới thiệu anh với Laura, cô ấy có súng đấy.”

Tôi quay người về phía cầu thang. Một cô gái khác, mặc đúng cùng áo quần như thế, với cặp kính đen và mũ mềm, đang đứng đấy, trên đầu những bực thang, hai bàn tay thọc sâu vào túi áo mưa.

Tư thế cánh tay trái của cô và chỗ túi áo méo mó làm cô có một vẻ gì gần giống như là đe doạ: con người trẻ tuổi này đang chĩa súng vào tôi, súng cỡ bự, giấu dưới vải... Hay cô ta giả vờ làm như thế?

“Chào Laura. Cô mạnh giỏi, thưa cô?” tôi nói và cố hết sức theo kiểu trong phim ảnh ly kỳ. “Ông mạnh giỏi, thưa ông,” cô khẳng định đáp lại, theo kiểu hoàn toàn ăng-lô xắc-xông. Cô ta không có cấp bậc trong Tổ Chức, bởi vì cô ta thưa qua thưa lại với tôi.

Một ý tưởng phi lý thoáng qua trong đầu tôi: Laura chỉ là cái hình nhân bất động ở tầng trệt, đã bước lên các bực cầu thang theo sau tôi, và bây giờ lại đứng ngay trước mặt tôi.

Thật ra, con gái ngày nay không còn như ngày xưa. Ngày nay, các cô cũng chơi trò băng đảng, như bọn con trai. Các cô tổ chức những vụ tống tiền. Các cô đánh cướp và đấu võ karaté. Các cô cưỡng hiếp bọn thiếu niên không đủ sức chống cự. Các cô mặc quần đàn ông... Thật là không còn sống nổi.

Djinn có lẽ cho là cần có những lời giải thích, bởi vì lúc bấy giờ nàng bắt đầu một bài diễn văn dài hơn: “Tôi hy vọng là anh bỏ qua cho những phương pháp của chúng tôi. Chúng tôi bị buộc tuyệt đối phải làm việc như thế ấy: chú ý đến những kẻ thù có thể có, canh chừng sự trung thành của những bạn bè mới; nói tóm, là luôn luôn hành động với sự thận trọng lớn nhất, như anh vừa thấy.”

Sau đó, nghỉ một lúc, nàng tiếp tục: “Hành động của chúng tôi, do cần thiết, phải là bí mật. Nó có nhiều mạo hiểm trầm trọng cho chúng tôi. Anh sẽ giúp chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho anh những chỉ dẫn rõ ràng. Nhưng chúng tôi thích (ít nữa là vào lúc đầu) không phát hiện cho anh biết ý nghĩa của sứ mạng anh, cũng như mục đích chung của công tác này. Làm vậy là vì thận trọng, nhưng cũng là vì hiệu quả.

Tôi hỏi nàng cái gì xảy ra nếu tôi từ chối. Thật ra, nàng không cho tôi chọn lựa: “Anh cần tiền. Chúng tôi chi tiền. Vậy thì anh hãy chấp nhận không bàn cãi. Đặt câu hỏi hay bàn ra tán vào chỉ là chuyện vô ích. Anh làm những gì chúng tôi bảo và chỉ có thế thôi.”

Tôi thích tự do. Tôi thích có trách nhiệm về những hành động của mình. Tôi thích hiểu những gì tôi làm... Thế nhưng, tôi lại đồng ý nhận cái giao kèo kỳ cục đó.

Không phải vì sợ cái súng tưởng tượng kia mà tôi bị đẩy đến chỗ đồng ý, cũng chẳng phải vì cần tiền gắt gao... Khi người ta còn trẻ, người ta có nhiều cách khác để kiếm sống. Vậy thì, tại sao? Tại tò mò? Tại muốn tỏ ra anh hùng? Hay tại một động cơ nào khó hiểu hơn?

Dù sao chăng nữa, nếu tôi tự do, thì tôi có quyền làm điều gì tôi muốn làm, dù cho nó đi ngược lý trí của tôi.

“Anh đang nghĩ điều gì đó mà anh muốn giấu,” Djinn nói. “Vâng,” tôi nói. “Vậy thì là điều gì?” “Cái điều chẳng ăn nhập gì đến công việc.”

Bấy giờ Djinn bỏ cặp kính đen xuống, để ai nấy chiêm ngưỡng đôi mắt đẹp nhợt nhạt của nàng. Sau đó, nàng rốt cuộc cười với tôi cái nụ cười đẹp mê hồn mà tôi từng trông đợi từ lúc đầu. Và, từ bỏ cái kiểu nói anh-tôi theo thứ bậc, nàng thì thầm bằng giọng dịu và ấm:

“Bây giờ, xin anh cho biết anh nghĩ gì.”

“Cuộc đấu tranh giữa các giống,” tôi nói, “chính là động lực của lịch sử.”

 

[còn 7 chương và bài KẾT]
 
--------------
Trích trong Alain Robbe-Grillet, DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ, Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu (Trình Bầy / Tủ sách Nhân & Dân, 2003).
 

 

 

Đã đăng:

... Không có gì — tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào — có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecœur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021