thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ [4/10: chương 3]

 

Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922-2008)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, La Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khoá ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...
 
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

________

 

Đã đăng: NHẬP[1][2]

 

CHƯƠNG 3

 

Tình trạng mê hoảng ấy kéo dài bao lâu?

Lấy một quyết định đột ngột, con bé tiến đến phía tôi, không nói gì, bước đi dứt khoát. Tôi làm một cố gắng lớn để ra khỏi tình trạng đờ đẫn của mình. Tôi đưa tay vuốt lên trán, lên mí mắt, nhiều lần. Rốt cuộc tôi trồi lên được. Dần dần, tôi lấy lại được cảm giác của mình.

Cái tôi thấy rất ngạc nhiên là bấy giờ tôi đang ngồi trên một cái ghế, ở đầu giường. Gần tôi, thằng bé vẫn còn ngủ, nằm ngửa thẳng cẳng, mắt mở, cái thánh giá đặt trên ngực. Tôi cố đứng dậy không khó khăn gì lắm.

Con bé cầm một cây đèn cắm nến bằng đồng trước mặt, cây đèn sáng loáng như bằng vàng; nó có ba ngọn nến, tất cả đều tắt. Con bé bước đi không một tiếng động nhỏ, lướt tới theo kiểu những bóng ma; nhưng ấy cũng là bởi đôi dép nhẹ có đế bằng nỉ của nó.

Nó đặt cây đèn nến trên cái ghế mà tôi vừa mới rời. Rồi nó thắp ba ngọn nến, lần lượt từng ngọn, một cách chăm chút, mỗi lần thắp nó đánh một que diêm mới và thổi tắt diêm sau khi dùng, để phần que diêm đen còn lại vào hộp, một cách nghiêm chỉnh hết mình.

Tôi hỏi: “Có chỗ nào có điện thoại không? Ta sẽ gọi một bác sĩ cho anh của em.”

Con bé nhìn chòng chọc vào mặt tôi với một thứ thái độ như ban ơn, như người ta vẫn thường làm đối với một người tiếp chuyện không có khả năng, hoặc điên rồ.

“Jean không phải là anh của cháu,” nó nói. “Và bác sĩ chẳng ích lợi gì, bởi vì Jean chết rồi.”

Nó nói với một thứ giọng ung dung của người lớn, không có kiểu nói của trẻ con. Giọng nó ngân nga và dịu dàng, nhưng không biểu lộ một sự xúc động nào. Nét mặt nó rất giống nét mặt thằng bé đang chết ngất kia, dĩ nhiên là nét con gái hơn.

“Nó tên là Jean à?” tôi nói. Câu hỏi là thừa; nhưng đột nhiên tôi nhớ đến Djinn và, lần nữa, tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng dữ dội. Bây giờ đã hơn bảy giờ rưỡi. Vụ việc như thế là đã hoàn toàn kết thúc... kết thúc xấu, nói thế mới đúng. Con bé nhún vai:

“Dĩ nhiên,” nó nói. “Ông muốn gọi nó là gì bây giờ?” Rồi, vẫn với cái vẻ nghiêm trọng và biết điều, nó tiếp: “Hôm qua, nó đã chết rồi.”

“Em nói cái chuyện gì vậy? Khi người ta chết, là chết luôn.”

“Không, Jean thì không!” Nó khẳng định với một sự vững tin dứt khoát đến độ chính tôi tự mình cảm thấy bị nao núng. Tuy nhiên, bên trong, tôi vẫn cười khi nghĩ đến cái cảnh tượng kỳ lạ mà cả con bé và tôi đang tạo ra, và những câu chuyện qua lại phi lý giữa nó và tôi. Nhưng tôi chọn chấp nhận trò chơi:

“Nó vẫn thường chết sao?”

“Vào lúc này thì đúng vậy, rất thường. Những lần khác, có khi nhiều ngày mà nó vẫn không chết.”

“Và chết như thế có lâu không?”

“Một giờ đồng hồ có lẽ, hay một phút, hay một thế kỷ. Cháu không biết. Cháu không có đồng hồ.”

“Tự nó ra khỏi cái chết một mình? Hay em phải giúp nó?”

“Đôi khi nó trở lại một mình. Thường thường, thì là khi cháu rửa mặt cho nó; ông biết đấy: gọi là lễ xức dầu thánh lần cuối.”

Đến bây giờ thì tôi bắt được cái ý nghĩa có khả năng đúng của toàn bộ sự việc: thằng bé hẳn là thường xuyên vẫn bị ngất, gốc chắc là do thần kinh; nước lạnh đắp lên trán dùng như một thứ thuốc chuyển máu để làm nó sống lại. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ hai đứa trẻ lại trước khi thằng bé bị bệnh tỉnh dậy.

Lửa những ngọn nến bây giờ làm gương mặt nó hồng hào. Ánh đèn phản chiếu ấm hơn làm giảm bớt những chỗ tối chung quanh miệng và mũi thằng bé. Hai con ngươi trong mắt, bấy giờ cùng tiếp nhận cái ánh sáng mới ấy, cũng chiếu ra những luồng sáng nhảy nhót, phá vỡ cái nhìn trừng trừng của nó.

Con bé mặc áo dài trắng ngồi phịch xuống giường, dưới chân cái được cho là xác người chết. Tôi không thể cầm được một cử động, để thằng bé khỏi phải chịu những chấn động mà con bé có thể gây ra khi ngồi như thế lên cái khung lò xo bằng kim loại. Đáp lại, con bé nhìn bằng một cái nhìn coi thường:

“Người chết không biết đâu. Ông phải biết điều đó. Họ không còn có mặt ở đây nữa. Họ ngủ trong một thế giới khác, với những giấc mơ của họ...” Những câu chuyển giọng xuống thấp hơn làm cho âm sắc giọng nó mờ đi, giọng giờ đây trở nên êm ái hơn và xa vắng hơn khi nó thì thầm: “Nhiều lần, cháu nằm ngủ bên cạnh nó khi nó chết; tụi cháu cùng đi lên thiên đàng.”

Một cảm giác trống rỗng, một nỗi lo âu quá mức, lần nữa, lại quấy nhiễu tinh thần tôi. Thiện chí của tôi cũng như sự hiện diện của tôi chẳng làm được gì. Tôi muốn ra khỏi căn phòng ma ám đang làm cho thân xác cũng như lý trí tôi suy yếu dần. Nếu tôi có được những lời giải thích đó, tôi bỏ ra ngay tức khắc. Thế nên tôi lặp lại câu hỏi đầu tiên của mình:

“Mẹ em ở đâu?”

“Mẹ đi rồi.”

“Khi nào mẹ về?”

“Mẹ không về,” con bé nói.

Tôi không muốn cố hỏi thêm. Tôi nhận ra ở đây có cái bi kịch gia đình gì đó, đau khổ và bí ẩn. Tôi nói để thay đổi đề tài:

“Thế còn bố em?”

“Bố chết rồi.”

“Mấy lần?”

Nó mở mắt nhìn tôi ngạc nhiên, đầy vẻ thương cảm và trách móc, và rất nhanh đã làm tôi thấy ân hận. Sau một lúc khá lâu, con bé rốt cuộc chịu giải thích:

“Ông chỉ nói chuyện điên khùng. Khi người ta chết, là chết luôn. Trẻ con còn biết như thế.” Lý luận thì hiển nhiên đúng là vậy.

Thế là tôi đã đi khá xa rồi. Làm sao những đứa trẻ có thể ở đây một mình, không cha cũng không mẹ? Có lẽ chúng sống ở nơi khác, ở nhà ông bà hay bạn bè gì đó, những người vì lòng nhân ái đã cho chúng vào ở. Nhưng, vì ít nhiều bị bỏ bê như thế, suốt ngày chúng cứ chạy rông hết bên này đến bên kia. Và cái ngôi nhà bỏ hoang kia, không có điện cũng chẳng có điện thoại, chỉ là cái chỗ chơi chúng nó thích. Tôi hỏi:

“Anh của em và em, các em sống ở đâu?”

“Jean không phải là anh cháu,” nó trả lời, “chồng cháu đấy.”

“Và cháu sống với nó trong ngôi nhà này?”

“Chúng cháu muốn ở đâu là tuỳ ý. Và, nếu ông không thích ngôi nhà này của chúng cháu, tại sao ông đến? Chúng cháu có nhờ cái gì của ai đâu?”

Tóm lại, con bé có lý. Tôi không biết tôi đang làm gì. Tôi tóm lược trong đầu cái tình hình này: một cô giả là sinh viên y khoa hướng dẫn tôi đến một con đường nhỏ mà tôi không chọn; tôi nhìn thấy một thằng nhỏ đang chạy, ngay trước mặt tôi; nó té và bất tỉnh; tôi bê cái xác nó vào chỗ trú gần nhất; ở đấy, một con bé ưa lý sự và ưa chuyện thần bí nói tràng giang với tôi những chuyện không đầu không đuôi về những người vắng mặt và những người chết.

“Nếu ông muốn thấy chân dung cha cháu, thì nó treo trên tường kìa,” kẻ tiếp chuyện tôi nói, để kết luận. Làm sao nó đoán được tôi vẫn còn nghĩ đến cha nó?

Trên mảng tường mà nó đưa tay chỉ, giữa hai cửa sổ, một cái khung nhỏ bằng gỗ mun quả thật là lộng hình một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, mặc y phục hạ sĩ quan hải quân. Dưới miếng gỗ đen, người ta luồn một nhánh hoàng dương được ban phép lành.

“Ông đi hải quân?”

“Dĩ nhiên.”

“Ông chết ngoài biển?”

Tôi tin chắc nó sẽ lại nói “Dĩ nhiên”, với cái nhún vai khó thấy rõ của nó. Thế nhưng thực tế là những câu trả lời của nó luôn luôn ngược lại cái tôi chờ đợi. Và, lần này nó chỉ chỉnh lại, như một cô giáo sửa một đứa học trò: “Chết đắm ngoài khơi”, là thành ngữ đúng khi nói tới một vụ đắm tàu.

Tuy nhiên, những lối giải thích rõ ràng như thế thật khó tưởng tượng là phát xuất từ miệng một đứa bé từng ấy tuổi. Và, đột nhiên, tôi có cảm tưởng là nó đang trả một bài thuộc lòng. Dưới cái hình, một bàn tay chăm chút nào đó đã viết những dòng chữ này: “Tặng Jean và Marie, ba yêu quý.” Tôi hơi quay đầu về phía con bé:

“Em tên là Marie?”

“Dĩ nhiên. Ông muốn gọi cháu là gì đây?”

Trong khi tôi khảo sát bức chân dung, tôi đột nhiên linh cảm như sắp có một cái bẫy. Thế nhưng con bé đã nói tiếp:

“Còn chú, chú tên là Simon. Có một cái thư cho chú đây.” Tôi vừa để ý thấy một cái bì thư màu trắng, hơi ló ra dưới nhánh hoàng dương. Vậy nên tôi không có thì giờ suy nghĩ về những cái thay đổi xảy ra trong thái độ của Marie: nó gọi tôi bằng chú và nó biết cả tên tôi.

Tôi khéo léo kẹp cái thư giữa hai ngón tay, và tôi rút nó ra khỏi chỗ giấu mà không làm hỏng mấy cái lá hoàng dương. Không khí và ánh sáng thường làm cho loại giấy này chóng vàng. Giấy này, dưới thứ ánh đèn yếu ớt ấy, tôi thấy có vẻ như không vàng mà cũng không nhạt đi. Hẳn là nó không phải đã ở đây từ lâu.

Bì thư mang tên nguyên vẹn của người nhận: “Ông Simon Lecœur, tức Boris”, nghĩa là không những tên tôi mà thôi, mà còn có cả mật khẩu của tổ chức tôi mới chỉ làm việc từ có mấy giờ trước đây. Còn lạ hơn nữa, chữ viết giống mọi điểm (cùng thứ mực, cùng thứ viết, cùng bàn tay ấy) với chữ đề tặng trên tấm ảnh của người lính hải quân.

Thế nhưng, lúc ấy con bé la thất thanh, sau lưng tôi: “Xong rồi Jean, anh thức dậy được rồi. Ông ấy đã tìm thấy cái thư.”

Tôi đột nhiên quay người lại, và tôi thấy thằng bé nằm bất động bỗng bật người dậy và ngồi trên mép nệm giường, hai chân thòng xuống, bên cạnh cô em gái hớn hở. Cả hai đứa cùng vỗ tay và run lên vì vui mừng trên chiếc giường kim loại lung lay trong suốt gần một phút bởi trận cười của chúng. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn ngốc nghếch.

Sau đó con Marie, không ngần ngại, lấy lại vẻ nghiêm túc của mình. Thằng bé lập tức bắt chước nó; thằng bé — theo tôi nghĩ — vâng theo con bé rõ ràng là nhỏ tuổi hơn nó, nhưng lanh lẹn hơn. Bấy giờ con bé tuyên bố với tôi:

“Bây giờ chú là cha của tụi cháu. Cháu là Marie Lecœur. Và đây là Jean Lecœur.”

Nó nhún người lên để chỉ vào kẻ đồng loã của mình, một cách trịnh trọng, đồng thời nghiêng đầu cúi chào tôi. Tiếp đó, nó chạy ra tới đầu cầu thang; ở đấy, hẳn là nó ấn vào một cái nút điện (gắn ở bên ngoài phòng), bởi vì liền tức khắc một thứ ánh sáng chói chang tràn ngập cả phòng, y như trong một rạp hát vào cuối một màn diễn.

Nhiều ngọn đèn, những đèn gắn tường kiểu xưa hình chim, thật ra là có thể nhìn thấy khá rõ; nhưng, khi đèn không bật sáng, thì có thể không nhìn thấy được. Nhẹ nhàng và lanh lẹn, Marie trở về phía giường, và ngồi xuống lại sát bên cạnh anh nó. Chúng nó nói với nhau giọng nhỏ, kề sát tai mà nói.

Sau đó, chúng lại nhìn tôi. Bây giờ chúng có vẻ chăm chú và ngoan ngoãn. Chúng muốn được nhìn thấy những gì xảy ra tiếp theo đó. Chúng đang ở trong nhà hát, còn tôi thì ở trên sân khấu, đang diễn một vở tuồng lạ hoắc, do một người lạ viết ra cho tôi... Hay, có lẽ, người lạ ấy là một phụ nữ?

Tôi mở bì thư ra, cái bì thư không dán. Bên trong là một mảnh giấy xếp làm bốn. Tôi mở tờ giấy cách cẩn thận. Chữ viết vẫn cùng là chữ ấy, chắc hẳn là của một người thuận tay trái, hay nói rõ hơn, của một người nữ thuận tay trái. Tim tôi nhảy nhót khi tôi nhìn thấy chữ ký...

Nhưng đột nhiên tôi cũng nhìn thấy rõ hơn cái lý do khiến tôi trước đây một lúc có sự ngờ vực theo bản năng, trước những chữ viết tay nghiêng ngược chiều, dưới bước chân dung đóng khung đen: ở Pháp, rất ít người viết tay trái, nhất là thuộc thế hệ người hải quân này.

Thư chẳng có gì là một lá thư tình, dĩ nhiên. Nhưng mấy chữ thôi cũng đã nhiều rồi, đặc biệt là khi những chữ ấy xuất phát từ một người mà ta vừa mất vĩnh viễn. Bấy giờ lòng tràn đầy hào hứng, đối diện với hai công chúng trẻ của tôi, tôi lớn giọng đọc lá thư kia, giống như một diễn viên kịch.

“Chuyến xe lửa từ Amsterdam là một hướng giả, nhằm đánh lạc những nghi ngờ. Sứ mệnh thật sự bắt đầu từ chỗ này. Bây giờ các người đã làm quen nhau, bọn trẻ sẽ đưa anh đến nơi mà ai nấy sẽ phải cùng đến. Chúc may mắn.”

Thư được ký tên “Jean”, nghĩa là Djinn, không thể nhầm. Nhưng tôi không hiểu rõ câu viết về chỗ nghi ngờ. Những nghi ngờ của ai? Tôi xếp mảnh giấy, và để nó trở lại vào phong bì. Marie vỗ tay vài tiếng ngắn. Trễ hơn một chút, Jean cũng làm như nó, nhưng không hào hứng lắm.

“Tôi đói bụng,” nó nói. “Chết vất vả lắm.”

Hai đứa trẻ bây giờ đi về phía tôi và mỗi đứa cầm một bàn tay tôi, vẻ có uy. Tôi để yên cho chúng làm, bởi lẽ đây là những hướng dẫn. Cả ba chúng tôi đi ra như thế, trước tiên là ra khỏi phòng, rồi ra khỏi nhà, như một gia đình đi dạo mát.

Cầu thang và hành lang ở tầng dưới, cũng như chỗ đầu cầu thang tầng trên, bây giờ đây đó sáng rực ánh đèn, do những bóng đèn cao thế. (Ai đã bật đèn lên?) Thấy Marie khi đi ra không hề tắt điện cũng như không đóng cửa ra vào ở dưới đường, tôi hỏi nó tại sao. Câu trả lời của nó cũng không lạ lùng gì hơn cái phần còn lại của tình thế.

“Không sao đâu,” nó nói, “bởi vì Jeanne và Joseph vẫn còn ở đó.”

“Jeanne và Joseph là ai vậy?”

“Ấy, Joseph là Joseph, và Jeanne là Jeanne chứ ai.”

Con bé kéo tay tôi đi về phía đại lộ, đi thật nhanh và thỉnh thoảng nhảy lên những viên đá lát không đồng đều. Jean thì trái lại, hơi để cho người khác dẫn dắt mình. Đi được vài phút, nó lặp lại:

“Tôi rất đói.”

“Đã đến giờ ăn tối,” Marie nói. “Phải cho anh ấy ăn. Nếu không, anh ấy chết nữa; và chúng ta sẽ không còn đủ thì giờ chơi trò chơi ấy đâu.”

Khi chấm dứt câu, con bé phá lên một tiếng cười ngắn, rất sắc, mà hơi âu lo. Nó điên khùng hoàn toàn, như phần lớn những đứa bé quá biết phải trái. Tôi tự hỏi không biết thật ra con bé bao nhiêu tuổi. Nó nhỏ con và mảnh khảnh, nhưng có lẽ nó nhiều hơn tám tuổi.

“Marie, em bao nhiêu tuổi?”

“Hỏi phụ nữ về chuyện tuổi tác là không lễ độ, chú biết đấy.”

“Ngay cả ở tuổi này?”

“Dĩ nhiên. Không cứ phải ở tuổi nào đó mới bắt đầu cần biết lễ độ.”

Nó thốt lên câu châm ngôn kia với một giọng trịnh trọng, không hé một chút cười thông đồng. Nó có ý thức được hay không cái phi lý của lối lý luận ấy của mình? Nó đã quẹo qua trái, ra đại lộ, kéo theo chúng tôi, tức là Jean và tôi, sau lưng mình. Bước đi của nó, cũng dứt khoát y như tính cách của nó, không khuyến khích người khác đặt những câu hỏi. Đột nhiên, chính nó là người đứng phắt lại, để phát biểu câu này, trong khi ngước mắt lên nghiêm khắc nhìn tôi:

“Chú, chú có biết nói dối?”

“Đôi lần, khi cần thiết.”

“Cháu thì cháu nói dối giỏi lắm, ngay cả khi không có ích gì. Nói dối mà do cần thiết thì chẳng có giá trị gì, dĩ nhiên. Cháu có thể để nguyên một ngày hoàn toàn không nói cái gì có thật cả. Cháu từng đoạt giải thưởng về nói dối, năm ngoái, ở trường.”

“Em nói dối,” tôi nói. Nhưng phản công của tôi không làm nó bối rối một giây. Và nó tiếp tục, với một sự tự tin trầm tĩnh:

“Ở lớp luận lý học, năm ấy chúng cháu làm những bài tập nói dối cấp hai. Chúng cháu cũng nghiên cứu nói dối cấp một với hai người lạ. Và thỉnh thoảng, chúng cháu nói dối nhiều giọng một lúc. Hấp dẫn lắm. Ở lớp trên, học sinh thực tập nói dối cấp hai với hai người lạ và cả nói dối cấp ba. Nói dối cấp ba hẳn là khó. Cháu đang nóng lòng vào năm học tới.”

Rồi, cũng đột ngột như thế, nó lại bước tới trước. Còn thằng bé thì không mở miệng. Tôi hỏi:

“Chúng ta đi đâu đây?”

“Đến tiệm ăn.”

“Ta có thì giờ sao?”

“Dĩ nhiên. Thế người ta viết cho chú cái gì, trong thư ấy?”

“Rằng em sẽ đưa ta đến nơi mà ta phải đến.”

“Thế thì, khi cháu đưa chú đến tiệm ăn, chú phải đến tiệm ăn.”

Quả là không có gì để đối đáp. Vả lại chúng tôi đến trước một tiệm cà-phê - quán rượu. Con bé đẩy cánh cửa kính một cách đầy uy thế và với một sức mạnh lạ lùng. Chúng tôi, cả Jean và tôi, đi theo sau nó. Tôi nhận ra ngay cái tiệm cà-phê nơi tôi đã gặp cô sinh viên y khoa mặc áo vét đỏ...

Cô ta vẫn còn đấy, vẫn ngồi cùng chỗ cũ, ngay giữa cái phòng lớn trống không. Cô đứng dậy khi nhìn thấy chúng tôi đi tới. Tôi tin chắc là cô đang đợi tôi trở lại. Khi đi qua gần chúng tôi, cô ra dấu với Marie và nói nhỏ giọng:

“Mọi việc ổn cả chứ?”

“Tốt cả,” Marie nói, rất lớn, không có vẻ gì ngại ngùng. Và ngay sau đó, nó thêm: “Dĩ nhiên.”

Cô sinh viên giả đi ra, chẳng buồn nhìn tôi một cái. Chúng tôi ngồi tại một trong những cái bàn hình chữ nhật, tận cuối phòng. Không lý do gì rõ ràng, mấy đứa bé chọn cái bàn ít sáng đèn nhất. Chúng tránh những ánh đèn quá sáng, hình như là thế. Dù sao, thì chính Marie là người quyết định.

“Tôi muốn một cái pizza,” Jean nói.

“Không,” em gái nó nói, “anh thừa biết là trong những thứ ấy họ cố tình nhét đầy vi khuẩn và virút.”

?a, tôi tự bảo, cái phép phòng bệnh thì ra đã thắng thế nơi giới trẻ. Hay là bọn trẻ này được nuôi dạy trong một gia đình Mỹ? Khi anh bồi bàn đến gần chúng tôi, Marie gọi bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát cho tất cả mọi người, hai chai limônát, “và một cốc bia nửa lít cho ông đây, ông là người Nga.” Con bé nhăn một bộ mặt dễ sợ với tôi, trong khi người đàn ông bỏ đi, vẫn không nói gì.

“Tại sao em nói tôi là người Nga? Vả chăng, người Nga họ cũng không uống bia nhiều hơn người Pháp, hay người Đức...”

“Chú là người Nga, bởi vì tên chú là Boris. Và chú uống bia cũng như mọi người uống bia thôi, Boris Lecœurovitch ạ!”

Sau đó, đổi cả giọng lẫn đề tài, nó nghiêng người ghé vào tai tôi thì thầm, giọng tâm sự:

“Chú có để ý vẻ mặt ông bồi bàn tiệm cà-phê không? Ông ta chính là người mặc đồ hải quân trong cái ảnh đóng khung của người đã chết đấy.”

“Ông chết thật rồi chứ?”

“Dĩ nhiên. Chết đắm ngoài khơi. Hồn ma của ông ấy trở lại phục vụ cho tiệm cà-phê nơi ông làm ngày xưa. Chính vì thế mà ông ta không nói gì bao giờ.”

“À ra thế,” tôi nói. “Tôi hiểu.”

Người đàn ông mặc áo vét trắng thình lình xuất hiện trước mặt chúng tôi, với các thức uống. Ông ta trông giống người hải quân lắm. Marie nói với ông ta, giọng rất lịch sự:

“Cháu cám ơn ông. Ngày mai mẹ cháu sẽ ghé qua, để trả tiền.”

 

[còn 5 chương và bài KẾT]
 
--------------------
Trích trong Alain Robbe-Grillet, DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ, Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu (Trình Bầy / Tủ sách Nhân & Dân, 2003).
 

 

 

Đã đăng:

... Không có gì — tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào — có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecœur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Tôi đến nơi đúng giờ ấn định: bấy giờ là sáu giờ rưỡi. Trời đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn ổ khoá... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Khi tôi trở lại một mình, bước nhanh nhẹn trên những đường phố bấy giờ chói chang ánh đèn đường và tủ kính các cửa tiệm, tôi nhận ra trong tôi một sự thay đổi tâm trạng thật đáng kể: một sự hân hoan mới toanh bấy giờ làm thân thể tôi nhảy nhót... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021