thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ [5/10: chương 4]

 

Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922-2008)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, La Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khoá ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...
 
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

________

 

Đã đăng: NHẬP[1][2][3]

 

CHƯƠNG 4

 

Trong khi chúng tôi ăn, tôi hỏi Marie làm sao người bồi bàn ấy có thể được mướn làm trong một tiệm cà-phê, trước khi ông ta chết, bởi ông ta đang là hải quân. Nhưng con bé không lúng túng tí nào:

"Dĩ nhiên chỉ là những lần nghỉ phép của ông. Vừa về tới đất liền, ông đến thăm cô bồ làm việc ở đó. Và vì tình yêu, ông cùng cô bồ ấy bưng dọn những ly nhỏ rượu vang trắng và những tách cà-phê kem. Tình yêu, nó có thể sai ta làm những chuyện lớn lao lắm."

"Thế cô bồ của ông ta, bây giờ cô ấy ra sao?"

"Khi cô biết người yêu chết thảm khốc như thế, cô tự tử, bằng cách ăn một cái pizza làm theo kiểu công nghiệp."

Sau đó, Marie muốn biết ở Moscou người ta sống như thế nào, bởi vì nó gán cho tôi quốc tịch Nga. Tôi trả lời là nó hẳn cũng phải biết điều đó, bởi nó là con gái tôi. Thế là nó chế ra một câu chuyện bịa kỳ quặc mới:

"Đâu có. Chúng cháu không có sống với chú. Những người sống lang thang nay đây mai đó đã bắt cóc Jean và cháu, khi chúng cháu còn bé tí. Chúng cháu đã sống trong những đoàn xe lưu động, đi khắp châu Âu và châu Á, ăn xin, ca hát, nhảy múa trong các gánh xiếc. Cha mẹ nuôi chúng cháu còn buộc chúng cháu ăn cắp tiền, hay đồ vật trong các cửa hàng.

"Khi nào chúng cháu không vâng lời họ, họ trừng phạt chúng cháu một cách ác độc: Jean phải ngủ trên xà đu bay, còn cháu thì trong chuồng cọp. May thay, con cọp rất hiền; nhưng nó có những giấc ác mộng, và thế là nó gầm suốt đêm: tiếng gầm cứ làm cháu giật mình. Buổi sáng khi thức dậy, cháu chưa ngủ đủ giấc.

"Còn chú, trong thời gian ấy, chú chạy đi tìm chúng cháu khắp thế gian. Đêm nào chú cũng đi coi xiếc — mỗi đêm một đoàn xiếc mới — và chú rảo khắp các hành lang hậu trường để hỏi thăm hết bọn trẻ chú gặp. Nhưng, có lẽ chú nhìn nhiều nhất là những cô biểu diễn ngựa xiếc... Chỉ tới hôm nay đây chúng ta mới gặp lại nhau."

Marie nói mau, với một thứ tin tưởng vội vàng. Đột nhiên, cái hứng khởi của nó tàn rụng. Nó suy nghĩ một lúc, bất chợt mơ màng, rồi nó buồn rầu kết thúc:

"Nhưng còn cái này nữa, chúng ta cũng chưa chắc đã gặp lại nhau. Có thể không phải là chúng ta, cả chú cũng thế..."

Chắc hẳn cho rằng mình đã nói khá nhiều chuyện bậy bạ, bấy giờ Marie tuyên bố là tới lượt tôi phải kể một câu chuyện gì đó.

Bởi tôi ăn nhanh hơn bọn trẻ, tôi đã kết thúc miếng bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát của mình từ lâu. Marie, bấy giờ còn nhai từng miếng chậm chạp và chăm chỉ giữa những câu kể dài dòng của mình, có vẻ như chưa sắp ăn xong bữa. Tôi hỏi nó muốn tôi kể loại chuyện gì. Nó muốn — đây là dứt khoát — một "câu chuyện tình và chuyện khoa học giả tưởng", chữ sau cùng này nó phát âm kiểu tiếng Pháp, tất nhiên. Vậy nên tôi bắt đầu:

"Đấy. Một người máy gặp một thiếu nữ..."

Cô thính giả của tôi không để tôi đi xa hơn.

"Chú không biết kể," nó nói. "Một câu chuyện đúng nghĩa, bắt buộc phải ở thì quá khứ."

"Nếu em muốn. Vậy thì, một người máy đã gặp một..."

"Không, không phải cái kiểu quá khứ ấy. Một câu chuyện, phải là ở kiểu quá khứ kể chuyện. Nếu không, chẳng ai biết đó là một câu chuyện."

Hẳn là nó có lý. Tôi suy nghĩ một lúc, vì ít quen dùng cái thì này trong ngữ pháp, và tôi bắt đầu lại:

"Ngày xưa, lâu lắm rồi, trong cái vương quốc đẹp đẽ của nước Pháp, có một người máy rất thông minh, mặc dù hoàn toàn bằng kim loại, gặp một cô gái thuộc hàng quý tộc trẻ và đẹp trong một dạ vũ ở triều đình. Họ khiêu vũ với nhau. Chàng nói với nàng những lời tình tứ. Nàng đỏ mặt. Chàng xin lỗi.

"Họ lại khiêu vũ nữa. Nàng thấy chàng hơi cứng, dưới những cung cách trịnh trọng làm chàng nổi bật hẳn. Ngay ngày hôm sau, họ kết hôn. Họ nhận được những món quà lộng lẫy và lên đường đi hưởng tuần trăng mật... Kể như thế được chứ?"

"Chuyện không có gì hay lắm," Marie nói, "nhưng cũng được. Dù sao, những thì quá khứ dùng đúng."

"Vậy," tôi kể tiếp. "Người vợ trẻ, tên là Blanche, đặt tên như thế để bù lại, bởi vì tóc cô rất đen, và nàng không nhận ra ngay cái tính cách điều khiển học nơi người hôn phối của mình. Tuy nhiên, nàng cũng thấy rõ là anh chàng lúc nào cũng làm cùng những động tác và lúc nào cũng nói cùng những câu ý như nhau. 'Ấy,' nàng nghĩ, 'đây chính là một con người kiên trì theo ý kiến của mình.'

"Nhưng, một sáng nọ, thức dậy sớm hơn thường lệ, nàng nhìn thấy chàng đang vô dầu hệ thống máy móc của những khớp xương hông, trong phòng tắm, với một cái bình dầu của máy may.

"Bởi nàng là người có giáo dục, nàng không bày tỏ một nhận xét nào. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, mối nghi ngờ xâm chiếm lòng nàng.

"Những chi tiết nhỏ không giải thích được bấy giờ trở lại trong đầu óc nàng: chẳng hạn, những tiếng cọt kẹt ban đêm không thể nghe kêu từ chiếc giường, trong khi chồng nàng ôm ấp nàng trong bí mật của căn phòng ái ân; hoặc tiếng tích tắc lạ lùng của chiếc đồng hồ báo thức, ngập cả khoảng không gian chung quanh chúng.

"Blanche cũng đã khám phá ra là đôi môi màu xám của chàng, rất không diễn cảm, thỉnh thoảng phóng ra những cái chớp, bên phải hay bên trái, như một chiếc xe hơi sắp đổi hướng. Còn nhiều dấu hiệu nữa, thuộc loại máy móc, rốt cuộc đã làm nàng hoàn toàn lo lắng.

"Sau cùng, nàng cầm chắc những cái bất thường còn làm lúng túng hơn nữa, và là những cái thật sự khủng khiếp: chồng nàng không bao giờ quên cái gì cả! Cái trí nhớ kinh hoàng của chàng liên quan đến những sự cố nhỏ nhặt nhất hàng ngày, cũng như cái nhanh nhẹn không giải thích được của chàng trong những bài tính nhẩm khi mỗi cuối tháng hai người tính sổ chi tiêu trong gia đình, đã cho Blanche một ý nghĩ nham hiểm. Nàng muốn biết nhiều hơn nữa và dự kiến một kế hoạch đầy thủ đoạn..."

Bọn trẻ bấy giờ đã vét hết đĩa ăn của chúng. Còn tôi, người tôi đang sôi lên tại chỗ, vì tôi rất sốt ruột muốn rời ngay cái quán rượu này, để biết được chúng tôi rốt cuộc sẽ đi đến đâu sau đó. Vậy nên tôi vội vàng đến chỗ kết luận:

"Tiếc thay," tôi nói, "đúng vào lúc ấy, cuộc viễn chinh Thập Tự thứ Mười Bảy bùng nổ, và anh chàng người máy bị động viên vào bộ binh thuộc địa, trung đoàn Ba thiết giáp. Anh xuống tàu ở cảng Marseille và tham gia chiến tranh ở Trung Đông, chống lại những người Palestine.

"Bởi vì tất cả kỵ binh đều mặc những bộ áo giáp có khớp bằng thép không gỉ, những đặc điểm thể xác của người máy không ai nhận ra được. Và anh chàng không bao giờ trở về lại nước Pháp hiền hoà, bởi vì anh đã chết một cách oan uổng, một đêm hè, không ai chú ý, dưới dãy tường Jérusalem. Mũi tên thấm độc của một tên lính nguỵ đã gây ra một sự chập mạch bên trong bộ óc điện tử của anh."

Marie bĩu môi.

"Kết thúc thật là ngu xuẩn," nó nói. "Chú có một vài ý hay, nhưng chú đã không biết khai thác chúng một cách thông minh. Và, nhất là không có chỗ nào chú làm cho các nhân vật sống thực và làm cho người ta có thiện cảm. Khi nhân vật chính chết, ở cuối câu chuyện, người nghe chẳng cảm động tí nào."

"Vậy là khi nhân vật chính chết, em không cảm động sao?" tôi nói đùa.

Lần này, dù sao tôi cũng có được của cô giáo sư môn kể chuyện quá đòi hỏi của mình một nụ cười thích thú. Con bé trả lời tôi vẫn với cái giọng nhại:

"Bạn ơi, dù sao tôi cũng thấy chút thích thú được nghe bạn, khi bạn kể cho chúng tôi về buổi dạ vũ, nơi hai người làm quen và tán tỉnh nhau. Khi Jean và tôi ăn vừa xong, chúng tôi rất lấy làm tiếc, vì đến chỗ ấy bạn bỗng rút ngắn câu chuyện kể: chúng tôi nhận ra ngay cái vội vàng đột ngột của bạn..." Rồi đổi giọng: "Sau này, cháu muốn học để trở thành vai chính trong tiểu thuyết. Đây là một nghề tốt, và nó cho phép ta sống ở thì quá khứ kể chuyện. Chú không thấy như thế là đẹp hơn sao?"

"Tôi vẫn còn đói," đến lúc ấy thì thằng anh con bé nói. "Bây giờ, tôi muốn một cái pizza."

Hẳn đây chỉ là một lời nói đùa, bởi vì cả hai đứa cùng phá ra cười. Nhưng tôi không hiểu tại sao. Cái cười có thể là một phần của cái kiểu màu mè riêng tư của chúng. Sau đó là một lúc lâu im lặng mà tôi thấy giống như một lỗ hổng trong thời gian, hay như một khoảng trắng giữa hai chương sách. Tôi kết luận chắc hẳn sắp có cái gì mới mẻ xảy ra đây. Tôi chờ đợi.

Bọn trẻ bạn đồng hành của tôi, chúng nó cũng chờ đợi. Marie cầm cái dao và cái nĩa của nó lên, nó đùa nghịch một lúc với dao nĩa bằng cách cho cả hai tựa vào nhau, nối ở hai đầu, giữ cho chúng thăng bằng; sau đó nó sắp hai cái thành hình chữ thập giữa bàn. Trong khi làm những việc tập dợt không đâu vào đâu ấy, nó làm ra một vẻ trịnh trọng, một sự chính xác có tính toán, đến nỗi tôi thấy việc tập dợt có giá trị của những dấu hiệu bí hiểm.

Tiếc thay, tôi không biết cách giải thích những hình tượng ấy. Và cũng có thể chúng thật sự chẳng có ý nghĩa gì. Như tất cả những trẻ em và những nhà thơ khác, Marie thích đùa nghịch với nghĩa và vô nghĩa. Làm xong công trình xây dựng của mình, nó mỉm cười, với chính mình. Jean uống cạn ly của nó. Cả hai đứa đều im lặng. Chúng chờ đợi cái gì thế?

Chính thằng bé phá tan sự im lặng:

"Không, ai nấy đừng sợ gì cả. Pizza, đó chỉ là cái làm cho ta hăng tiết lên. Vả lại, đã nhiều tháng nay, tiệm cà-phê này chỉ còn bán có mỗi bánh mì nướng kẹp giăm-bông phó-mát và sandwich. Nãy giờ ông tự hỏi chúng ta đang chờ đợi gì ở đây, phải thế không? Chưa đến giờ lên đường, chỉ có thế thôi. Bây giờ, chúng ta sắp đi đây."

Giống như em gái nó, thằng bé này cũng nói năng gần như một người lớn. Nó thì hơn thế, nó gọi tôi bằng ông. Nó chưa bao giờ nói nhiều như thế kể từ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên, cách đây hơn một giờ. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu tại sao nó kiên trì im lặng như vậy.

Giọng nói của nó quả là đang giữa thời kỳ thay đổi, và nó ngại những âm bị bể của nó, phát ra bất ngờ giữa những câu nói, sẽ làm nó lố bịch. Điều đó có lẽ cũng giải thích tại sao em nó và nó cùng phá ra cười: chữ "pizza" hẳn là mang những âm tiết đặc biệt đáng ngại cho những dây thanh đới của nó.

Bây giờ, rốt cuộc, Marie cho tôi biết đoạn tiếp chương trình của chúng tôi: chính nó, nó cũng buộc phải trở về nhà (nhà nào?) để làm bài (những bài nói dối?), trong khi anh nó sẽ đưa tôi đến một cuộc họp mặt bí mật, nơi tôi sẽ nhận những chỉ thị rõ ràng. Nhưng, về phần tôi, tôi phải không được biết địa điểm cuộc hẹn này. Vậy nên người ta sẽ bắt tôi giả dạng làm người mù, đeo cặp kính đen có mặt kính hoàn toàn mờ đục.

Những sự đề phòng và những bí ẩn mà tổ chức bí mật này phải giữ chung quanh những hoạt động của nó càng ngày càng trở nên quá đáng. Nhưng tôi tin phần lớn của cuộc chơi là ở đấy, và, dù sao chăng nữa, tôi đã quyết định theo đuổi kinh nghiệm này tới cùng. Tại sao thì cũng dễ đoán thôi!

Vậy nên tôi giả vờ coi như sự xuất hiện gần như là kỳ diệu của những đồ vật cần thiết cho việc giả trang của tôi là điều hoàn toàn tự nhiên: cặp kính đã được báo cho biết, cũng như chiếc gậy màu trắng. Jean đã âm thầm đến lấy những thừ đó trong một góc phòng của tiệm cà-phê, nơi chúng nằm chờ sẵn, gần ngay chỗ chúng tôi ngồi ăn.

Dĩ nhiên bọn trẻ đã chọn chiếc bàn này, không tiện gì mấy và không được sáng, bởi vì nó ở ngay gần chỗ giấu các thứ kia. Thế nhưng ai đã để những đồ phụ tùng kia ở đó? Jean, hay Marie, hay là cô sinh viên mặc áo vét đỏ?

Cô này hẳn là đã theo dõi tôi từ khi tôi đi ra từ cái xưởng có những hình nhân, nơi Djinn kết nạp tôi làm công tác cho nàng. Cô có thể đã đem theo cái gậy và cặp kính. Cô đã theo tôi đến tận cái quán bia này, và cô đã bước vào vài giây đồng hồ sau tôi. Cô đã có thể để ngay tức khắc những đồ vật nọ xuống ở cái góc kia, trước khi đến ngồi vào chiếc bàn gần bàn tôi.

Tuy nhiên, tôi lấy làm lạ là mình đã không nhận biết tí gì về nhựng lần đi lại ấy. Khi tôi khám phá ra sự hiện diện của cô sinh viên, thì cô đã ngồi và trầm tĩnh đọc cuốn sách giải phẫu học to tướng của mình. Nhưng lúc ấy, tôi thích thú trong những tưởng tượng yêu đương, sảng khoái và mơ hồ, những thứ hẳn là làm hại tới cái ý thức thực tại của tôi.

Một câu hỏi khác làm tôi còn bối rối hơn nữa. Chính tôi là người đã muốn uống một tác cà-phê trong quán bia này, cô gái giả sinh viên chỉ làm cái việc theo tôi. Thế mà, tôi rất có thể chọn một cái quán khác trên đại lộ (hoặc là không uống cà-phê). Trong những điều kiện ấy, làm sao bọn trẻ lại được kẻ tòng phạm của mình báo cho biết trước chỗ chúng sẽ tìm thấy cái gậy và cặp kính?

Mặt khác, khi đến đây, Marie nói chuyện với người hầu bàn y như nó đã quen biết hắn rất nhiều. Và Jean thì biết những món ăn nào thật sự có bán ở đây, trong số những món người ta bày, với cách mang ít nhiều xảo quyệt, ở cái bảng treo trên tiệm rượu. Sau cùng, chúng còn cho là mẹ chúng sẽ ghé vào tiệm ngay sau đó, để thanh toán tiền bữa ăn của chúng tôi; trong khi chỉ cần để tôi trả cái số tiền ít ỏi đó. Anh hầu bàn không hề có một sự phản đối nào. Anh ta rõ ràng tin bọn trẻ, và cả hai đứa đều hành xử như những khách quen lui tới ở đây.

Vậy thì mọi việc xảy ra y như tôi đã tình cờ bước vào cái quán bia họ dùng làm căng-tin và tổng hành dinh. Chuyện thật là khó tin. Tuy nhiên, cách giải thích khác có thể đúng nhưng còn có vẻ lạ lùng hơn nữa: không phải "do tình cờ"; trái lại, tôi đã được chính tổ chức dẫn tới cái quán rượu này, mà không hề hay biết, để gặp cô sinh viên đang chờ tôi ở đây.

Thế nhưng, trong trường hợp này, người ta đã "dẫn" tôi như thế nào? Bằng cách gì? Dùng phương pháp huyền bí nào? Tôi càng nghĩ về tất cả những chuyện đó, sự vật càng ít sáng tỏ hơn, và tôi càng kết luận là ở đây có hiện diện một điều khó hiểu... Nếu trước tiên tôi giải được bài toán liên hệ giữa bọn trẻ và cô sinh viên y khoa... Than ôi, tôi chẳng giải được gì cả.

Trong khi tôi khuấy động những ý nghĩ ấy trong đầu, Jean và em gái nó đeo cặp kính đen lên mắt tôi. Những vành bọc cao-su của cái gọng, hình thù khít khao, rất vừa với trán tôi, với hai bên thái dương tôi, với gò má tôi. Tôi nhận ra tức khắc là tôi không thể nhìn thấy gì hai bên, phía dưới cũng không, và tôi cũng không nhìn thấy gì cả qua mặt kính, vì quả thật là chúng mờ đục.

Và bây giờ, chúng tôi, tôi và thằng bé, bước đi trên lề đại lộ, cạnh bên nhau. Chúng tôi cầm tay nhau. Bàn tay kia để không, bàn tay phải, tôi cầm cái gậy trắng đưa ra phía trước, cái đầu gậy quét khoảng không trước bước chân tôi, để tìm những vật chướng ngại có thể có. Đi được vài phút, tôi đã sử dụng đồ phụ tùng này một cách hoàn toàn tự nhiên.

Trong khi để người ta dẫn đi như một người mù, tôi suy nghĩ về cái tự do của tôi đang dần dần xuống cấp một cách lạ lùng, kể từ lúc, sáu giờ rưỡi tối, tôi bước vào cái nhà kho với những hình nhân, chất đầy những hàng hoá vứt đi và những máy móc không còn dùng được, nơi "Ông Jean" đã cho gọi tôi tới.

Ở đó, không những tôi đã chấp nhận tuân lệnh một cô gái tuổi tôi (hay có thể còn trẻ hơn tôi nữa), mà tôi còn đã làm như vậy dưới sự đe doạ xúc phạm của một họng súng (ít ra là giả thiết) đã đánh tan mọi cảm giác về một sự chọn lựa tự nguyện. Hơn thế, không một lời phản đối, tôi đã chấp nhận không biết một tí gì về cái công tác chính xác của mình và những mục đích mà tổ chức ấy đang theo đuổi. Tôi đã không hề thấy tổn thương tí nào về việc ấy; trái lại, tôi đã cảm thấy sung sướng và nhẹ nhàng.

Tiếp đó là một cô sinh viên chẳng dễ thương gì, trong một tiệm cà-phê, bằng những điệu bộ của viên thanh tra và của cô giáo, đã buộc tôi đi theo một con đường với tôi không phải là con đường tốt nhất. Việc đã đưa tôi tới chỗ phải săn sóc một tên giả vờ bị thương nằm bất tỉnh dưới đất, nhưng thật ra lại là đang giỡn mặt với tôi.

Khi tôi biết được điều đó, tôi đã không than phiền gì về cái cách hành xử bất chính ấy. Và lần này, tôi thấy ngay là mình đang vâng lời một con bé chỉ mới mười tuổi, chuyên nói dối và hơn thế, chuyên bịa đặt. Cuối cùng, tôi đã chấp nhận mất cả quyền sử dụng mắt mình sau khi đã tuần tự mất hết quyền sử dụng ý chí tự do của mình và quyền sử dụng trí khôn của mình.

Đến độ bấy giờ tôi hành động mà không hiểu một chút gì về việc mình đang làm cũng như cái gì sẽ xảy ra, không biết luôn cả mình đang đi đến đâu, dưới sự dẫn dắt của cái thằng bé con ít nói kia, rất có thể là một thằng bé mắc bệnh động kinh. Và tôi chẳng hề tìm cách vi phạm điều lệnh bằng cách chơi gian một chút với cặp kính đen. Chắc là chỉ cần nhích nhẹ cái gọng một chút, với lý do là để gãi chân mày, làm sao tạo ra một cái kẽ hở giữa vành cao-su và một bên sống mũi...

Thế nhưng tôi không làm gì cả. Rõ ràng là tôi đã muốn làm một anh điệp viên vô trách nhiệm. Tôi đã không ngại để cho người ta bịt mắt mình. Rồi đây, nếu như Djinn thích, chính tôi sẽ trở thành một thằng người máy sơ đẳng. Chưa chi tôi đã nhìn thấy mình ngồi trên một chiếc ghế cho người bị liệt, mù, câm, điếc... tôi còn biết gì nữa?

Nghĩ tới cảnh này tôi mỉm cười với chính mình.

"Tại sao ông cười?" Jean hỏi.

Tôi trả lời tôi thấy hoàn cảnh hiện tại của tôi quả thật là khôi hài. Thằng bé bấy giờ nói lại, như trích đọc, một câu tôi từng nghe từ miệng của em gái nó, khi chúng tôi ngồi ở tiệm cà-phê:

"Tình yêu," nó nói, "có thể sai ta làm những chuyện lớn lao lắm."

Thoạt đầu tôi tưởng nó chế nhạo tôi; và tôi đã trả lời, một cách khá bực tức, là tôi không thấy hai việc có một quan hệ nào. Nhưng, nghĩ lại, cái nhận xét kia của thằng bé tôi thấy trước hết là không giải thích được. Làm sao nó biết được cái hy vọng si tình (hầu như phi lý và, dù sao cũng là thầm kín) mà tôi cũng chỉ vừa mới thú nhận với chính mình?

"Có chứ." nó lại nói bằng cái giọng khi thì trầm khi thì cao của nó, "có một sự quan hệ hiển nhiên: tình yêu thì mù quáng, cái ấy ai cũng biết. Và, dù sao chăng nữa, ông không nên cười: bị mù, buồn lắm."

Tôi sắp hỏi nó có phải vậy thì nó kết luận tình yêu là chuyện buồn chăng (suy ra từ hai đề xuất của nó liên hệ tới đặc tính người mù, theo đúng y tam đoạn luận), thì bỗng xảy ra một sự cố làm chuyện trao đổi của chúng tôi ngưng tại đó.

Chúng tôi dừng chân, được một lúc, bên bờ lề đường (tôi nhận ra được cái mép bằng đá nhờ đầu chiếc gậy bịt sắt) và tôi tưởng là chúng tôi đang chờ đèn hiệu cho phép những người bộ hành qua đường. (Ở nước tôi không có nhạc hiệu cho người mù, như nhiều thành phố bên Nhật Bản.) Thế nhưng tôi đã nhầm. Chỗ này hẳn là một cái bến taxi, nơi Jean chờ một chiếc xe trống đi tới.

Quả là nó cho tôi bước lên một chiếc xe khá lớn, dường như thế, căn cứ cái nơi cánh cửa xe mở rộng mà tôi mò mẫm bước qua. (Tôi đã bỏ cái gậy cho người dẫn đường.) Tôi ngồi vào chỗ chắc phải là cái băng ghế sau, rộng và tiện nghi.

Trong khi tôi ngồi xuống, Jean đã đóng sập cửa lại và hẳn là đã đi nửa vòng xe, để chính nó bước lên xe bằng cánh cửa bên trái: tôi nghe tiếng người ta mở cửa, có người nào vào bên trong xe và ngồi bên cạnh tôi. Và cái người nào ấy rõ chính là thằng bé, bởi cái giọng bị vỡ từng tiếng không ai bắt chước được của nó hỏi người tài xế:

"Xin vui lòng cho chúng tôi đến chỗ này."

Cùng lúc ấy, tôi nghe một tiếng giấy kêu khẽ. Thay vì nói cho biết chỗ nào chúng tôi muốn tới, Jean có lẽ đã chìa ra cho người tài xế một miếng giấy có viết địa chỉ (ai viết?). Cái mẹo ấy là để không cho tôi biết nơi chúng tôi sẽ đến. Và bởi vì người sử dụng mẹo là một thằng bé con, cái kiểu thức ấy không làm người tài xế ngạc nhiên.

Thế nếu đây không phải là một chiếc taxi thì sao?

 

[còn 4 chương và bài KẾT]
 
--------------------
Trích trong Alain Robbe-Grillet, DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ, Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu (Trình Bầy / Tủ sách Nhân & Dân, 2003).
 

 

 

Đã đăng:

... Không có gì — tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào — có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecœur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Tôi đến nơi đúng giờ ấn định: bấy giờ là sáu giờ rưỡi. Trời đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn ổ khoá... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Khi tôi trở lại một mình, bước nhanh nhẹn trên những đường phố bấy giờ chói chang ánh đèn đường và tủ kính các cửa tiệm, tôi nhận ra trong tôi một sự thay đổi tâm trạng thật đáng kể: một sự hân hoan mới toanh bấy giờ làm thân thể tôi nhảy nhót... (...)
 
... Bì thư mang tên nguyên vẹn của người nhận: “Ông Simon Lecœur, tức Boris”, nghĩa là không những tên tôi mà thôi, mà còn có cả mật khẩu của tổ chức tôi mới chỉ làm việc từ có mấy giờ trước đây. Còn lạ hơn nữa... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021