thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ [6/10: chương 5]

 

Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu

 

ALAIN ROBBE-GRILLET

(1922-2008)

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, La Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khoá ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...
 
Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội hoạ – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên

 

________

 

Đã đăng: NHẬP[1][2][3][4]

 

CHƯƠNG 5

 

Trong khi xe chạy, tôi lại nghĩ tới cái phi lý trong hoàn cảnh của tôi. Nhưng tôi lại không sao quyết định chấm dứt nó được. Cái bướng bỉnh ấy của tôi làm ngay chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi tự trách mình về nó, nhưng đồng thời cũng thấy vui vì nó. Việc tôi thích Djinn không thể là nguyên nhân duy nhất ở đây. Chắc hẳn là cũng do tò mò. Chứ còn gì nữa?

Tôi cảm thấy mình bị cuốn vào một chuỗi những tình tiết và những gặp gỡ mà sự tình cờ hẳn là chẳng mảy may đóng một vai trò nào. Chỉ là tôi không nắm được cái nguyên lý nhân quả sâu xa ấy thôi. Những bí ấn liên tiếp kia đã làm tôi nghĩ tới một thứ săn bắt kho báu: người ta lần hồi nhích lên từ manh mối này đến manh mối khác, và người ta chỉ khám phá ra cách giải quyết vào tận cuối hồi kết thúc. Và kho báu ở đây, chính là Djinn!

Tôi cũng tự đặt ra những câu hỏi về loại công tác mà tổ chức chờ đợi ở tôi. Có phải người ta sợ không dám nói huỵch toẹc với tôi về công tác đó? Hay đó là một công tác thuộc loại ít đem bày tỏ ra được? Những thoả thuận mào đầu như thế kia có nghĩa là gì? Và tại sao người ta giành cho tôi quá ít sáng kiến như vậy?

Cái kiểu hoàn toàn không có thông tin như thế, tôi hy vọng dù sao cũng chỉ là tạm thời: có thể trước tiên tôi phải đi qua cái đoạn đường này đã, để người ta thử thách tôi. Cuộc chạy đua đến kho báu như thế, trong cái đầu óc tiểu thuyết của tôi, trở thành một hành trình kết nạp.

Còn về việc tôi vừa biến thành nhân vật người mù cổ điển được một chú bé dắt đi kia, chắc chắn nó chỉ là một cách gợi lòng trắc ẩn của người ngoài, và bởi thế là một cách ru ngủ sự ngờ vực của họ. Nhưng, để khỏi bị lộ diện trong đám đông, như người ta đã dứt khoát dặn dò tôi, thì tôi thấy hình như phương tiện này có chỗ rất phải bàn lại.

Ngoài ra, còn có một lý âu lo rõ rệt cứ không ngừng trở lại làm tôi bận tâm: chúng tôi đang đi đâu đây? Chúng tôi đang đi theo những con đường nào, những đại lộ nào đây? Xe chúng tôi đang lăn bánh đi về những vùng ngoại ô nào thế này? Đi phát hiện cái gì? Hoặc giả, đi tìm cái bí mật mới nào nữa đây? Và có còn lâu nữa mới đến được đó không?

Điểm sau này hơn hết — thời gian ngồi trên xe — mới là điểm làm tôi thấy lo lắng, không rõ vì sao. Biết đâu Jean được phép cho tôi biết điều này? Tôi làm bộ tình cờ đem câu hỏi này hỏi hắn. Thế nhưng hắn trả lời tôi là chính hắn cũng không biết gì cả, là điều tôi thấy có vẻ còn lạ hơn nữa (ít ra, vì là tôi đã tin hắn).

Người tài xế, nghe tất cả những gì chúng tôi nói với nhau, bấy giờ can thiệp để trấn an tôi:

“Ông đừng lo. Ta đến nơi ngay bây giờ mà.”

Thế nhưng tôi lại nhận ra trong hai câu nói ấy, tôi chẳng biết vì sao, có một lời đe doạ mơ hồ. Dù sao chăng nữa, nó chẳng nói lên một điều gì. Tôi lắng tai nghe những tiếng động trên đường phố, chung quanh chúng tôi, nhưng chúng cũng chẳng cung cấp được một dấu hiệu gì về những khu vực mà chúng tôi đi qua. Có lẽ xe cộ lưu thông ở đây tuy vậy mà ít náo nhiệt hơn chăng.

Sau đó, Jean đưa cho tôi máy cục kẹo the. Tôi bảo nó là tôi muốn ăn một cục thôi. Nhưng nói thế cũng là vì lịch sự. Thế là nó cầm cánh tay trái tôi, và bảo:

“Này, ông đưa bàn tay ông cho tôi.”

Tôi chìa bàn tay đưa ra cho nó. Nó để vào tay tôi một viên kẹo ngậm đã chảy hết phân nửa, hơi dính khắn, thứ kẹo mà trẻ con đứa nào cũng có trong túi. Tôi thực sự chẳng còn muốn tí nào, nhưng tôi không dám đem thú nhận với người cho: viên kẹo một khi đã nhận, không có cách nào có thể đem trả lại cho nó.

Vậy nên tôi cho kẹo vào miệng, hoàn toàn miễn cưỡng. Ngay lập tức tôi nhận ra nó có một vị lạ lung, vừa nhạt vừa đắng. Bấy giờ tôi rất muốn khạc viên kẹo ra lại. Tôi ghìm lại được, vẫn là để khỏi làm phật lòng thằng bé. Bởi vì không nhìn thấy nó được, tôi sẽ chẳng bao giờ biết là lúc ấy nó có đang quan sát tôi hay không.

Ở đây tôi lại khám phá ra một hậu quả ngược đời của sự đui mù: một người mù thì không còn cách nào làm cái gì mà có thể giấu giếm được! Kẻ nào khốn khổ không nhìn thấy được là cứ phải liên tục sợ người khác nhìn thấy mình. Để thoát khỏi cái cảm giác khó chịu này, trong một thứ phản xạ khá là không hợp lý, tôi nhắm mắt lại sau cặp kính đen của mình.

Tôi đã ngủ, tôi tin như thế; hay ít ra, tôi đã thiu thiu ngủ. Nhưng tôi không biết là ngủ bao lâu.

“Ông dậy đi, giọng thằng bé cất lên, chúng ta xuống xe ở đây.”

Và đồng thời, nó hơi lay tôi một tí. Bây giờ tôi nghi viên kẹo the với cái vị khả nghi kia chính là một viên kẹo gây ngủ; bởi tôi không hề có thói quen ngủ trên xe như thế. Anh bạn Jean của tôi quả đã thuốc tôi, không gì đúng hơn thế, bởi vì hẳn là hắn đã được lệnh. Làm như vậy, tôi không sao biết được thời gian chúng tôi vừa đi là mất bao lâu.

Xe dừng lại. Và anh chàng dẫn đường trẻ tuổi của tôi đã trả tiền cuốc xe (nếu như đây quả đúng là một chiếc taxi, là điều mỗi lúc tôi càng thấy ít chắc chắn). Tôi không còn nhận ra có ai ngồi ở chỗ tài xế nữa. Và tôi có cái cảm giác mơ hồ là tôi không còn ngồi trong cùng chiếc xe trước kia nữa.

Tôi tỉnh ra lại rất khó. Cái bóng tối bấy giờ vẫn còn bao trùm tôi làm cho tôi tỉnh dậy càng khó hơn, và đồng thời làm cho nó còn mơ hồ hơn nữa. Tôi có cảm tưởng như giấc ngủ của mình kéo dài, trong khi tôi vẫn mơ là tôi vừa đi ra khỏi nó. Tôi không còn ý niệm gì về giờ giấc cả.

“Nhanh lên ông. Chúng ta không phải là đến sớm đâu.”

Thần bản mệnh của tôi sốt ruột và nói thẳng thừng cho tôi biết, bằng cái giọng trật đường rầy buồn cười của mình. Tôi khó nhọc ra khỏi xe, và tôi cố gắng đứng thẳng người được sao hay vậy. Tôi cảm thấy người choáng váng, y như tôi đã uống nhiều rượu quá.

“Bây giờ,” tôi nói, “em trả lại cái gậy cho tôi.”

Thằng bé đặt cái gậy vào bàn tay phải của tôi, và sau đó nắm lấy bàn tay trái của tôi, để kéo mạnh tôi đi.

“Đừng đi nhanh quá. Em làm tôi mất thăng bằng bây giờ.”

“Chúng ta sẽ trễ đấy, nếu ông cứ bước lê như vậy.”

“Bây giờ chúng ta đi đâu đây?”

“Đừng có hỏi tôi. Tôi không có quyền nói với ông. Vả lại, chỗ này cũng chẳng có tên.”

Dù sao, chỗ này hoàn toàn yên lặng. Tôi thấy dường như chung quanh chúng tôi chẳng còn có ai cả. Tôi không nghe tiếng ai nói, cũng không nghe tiếng bước chân nào. Chúng tôi bước đi trên sỏi. Thế rồi nền đất thay đổi. Chúng tôi bước qua một ngưỡng cửa và chúng tôi đi vào một toà nhà.

Ở đấy, chúng tôi làm một quãng đường khá phức tạp, mà thằng bé có vẻ như đã thuộc làu, bởi nó không bao giờ do dự mỗi lần đổi hướng. Bây giờ một nền nhà bằng gỗ đã thay thế cho những đá lát lúc đầu.

Bấy giờ có thể là có ai khác đang đi theo chúng tôi, hoặc đúng hơn là đi trước chúng tôi, để chỉ đường cho chúng tôi. Quả thế, nếu tôi dừng một lúc, thì người dẫn đường trẻ tuổi của tôi, vẫn đang nắm tay tôi, cũng dừng, và bấy giờ tôi nghĩ là tôi phân biệt được, hơi phía trước một tí, một bước chân thứ ba vẫn tiếp tục bước trong vài giây đồng hồ. Nhưng cái này cũng khó mà khẳng định.

“Ông đừng có dừng lại như thế,” thằng bé nói.

Và đi xa hơn vài mét:

“Ông coi chừng đấy, chúng ta sắp bước lên bực thềm. Ông nắm tay phải vào lan can ấy. Nếu cái gậy vướng, ông hãy đưa nó cho cháu.”

Không, theo bản năng, tôi không thích đưa cái gậy cho nó. Tôi linh cảm như có một mối nguy đang tới gần. Thế nên, cùng bàn tay ấy, tôi vừa nắm thành lan can bằng sắt vừa nắm chỗ nắm cong của cây gậy. Tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu có cái gì quá đáng lo ngại xảy ra, tôi sẵn sàng lập tức lột kính đen ra bằng tay trái (bàn tay mà thằng bé bấy giờ đang nắm lỏng lẻo trong tay nó) và, bằng tay phải, tôi sẽ vung cái gậy bịt sắt của tôi lên để dùng làm vũ khí tự vệ.

Nhưng không có biến cố nguy ngập nào xảy ra. Sau khi đã leo lên một tầng, theo một cái cầu thang rất dốc, chúng tôi mau chóng tới một căn phòng hình như đang có một cuộc họp. Jean đã báo cho tôi biết trước khi bước vào, và còn khẽ giọng nói:

“Ông đừng gây tiếng động nhé. Chúng ta là những người đến cuối cùng. Đừng làm người ta chú ý.”

Nó mở nhẹ cánh cửa và tôi bước theo nó, vẫn để tay cho nó nắm, y như một đứa bé. Trong phòng có rất nhiều người: tôi tức khắc biết như thế dựa theo những tiếng rất nhẹ — nhưng nhiều — những tiếng động đủ thứ, tiếng thở, tiếng chặn ho, tiếng vải sột soạt, những tiếng chạm nhỏ hoặc những tiếng lách thoáng qua, tiếng đế giày rít nhẹ trên nền nhà, vân vân.

Tuy nhiên, mọi người ở đây đều đứng yên, tôi tin như thế. Nhưng ai nấy hẳn là đều đứng, và họ hơi nhúc nhích tại chỗ, bắt buộc phải thế. Vì không ai cho tôi biết phải ngồi vào đâu, nên tôi, tôi cũng không ngồi. Chung quanh chúng tôi, không ai nói gì.

Thế rồi đột nhiên, trong cái im lặng đông đảo nhiều người có mặt chăm chú, sự ngạc nhiên ai nấy nóng lòng chờ đợi rốt cuộc đến. Djinn có mặt ở đây, trong phòng, giọng nói thánh thót của nàng cất lên cách chỗ tôi chừng vài mét. Và ngay lập tức, tôi cảm thấy toàn bộ sự kiên nhẫn của tôi đã được đền bù.

“Tôi triệu tập các bạn đến đây,” nàng nói, “là để đem đến cho các bạn mấy điều giải thích, lúc này đã là cần thiết…”

Tôi tưởng tượng nàng trên một cái bục, cũng đang đứng, và đang đối diện với những người nghe. Có một cái bàn nào trước mặt nàng, như trong một lớp học không? Và Djinn ăn mặc như thế nào? Nàng có vẫn mặc cái áo mưa và đội mũ dạ? Hay nàng đã bỏ hết ra để đến buổi họp? Và cặp kính đen của nàng, nàng còn giữ hay không?

Lần đầu tiên, tôi hết sức thấy thèm bỏ kính của mình ra. Nhưng chưa ai cho phép tôi làm như thế; và nói tóm thì cũng chưa phải đã đến lúc, với bao nhiêu người bên cạnh có thể đang trông thấy tôi. Đó là không kể chính Djinn... Thế nên tôi phải tự bằng lòng với những gì người ta cho tôi: tiếng nói ngọt ngào với giọng hơi lai Mỹ.

“...tổ chức bí mật quốc tế... sự ngăn vách các nhiệm vụ... tác phẩm lớn của lòng nhân đạo...”

Tác phẩm gì lớn của lòng nhân đạo? Nàng đang nói chuyện gì thế? Đột nhiên, tôi ý thức được cái lông bông của mình: tôi còn không để ý nghe nàng nói gì nữa! Bị hốt hồn bởi những âm điệu ngoại lai của nàng, tâm trí để hết vào việc tưởng tượng khuôn mặt và cái miệng thoát ra những âm điệu đó (Nàng có mỉm cười chăng? Hay nàng giả làm ra vẻ cứng rắn của bọn đứng đầu băng đảng?), tôi đã bỏ sót cái chính yếu: lưu ý đến cái thông tin chứa đựng trong những lời nàng nói; tôi nhấm nháp những lời nói ấy thay vì ghi nhận ý nghĩa của chúng. Thế mà tôi cứ tự cho là cực kỳ kiên nhẫn tìm cách biết rõ hơn công việc sắp tới của mình!

Djinn giờ đây đã ngưng nói. Đúng ra nàng vừa nói những gì? Tôi cố tìm cách nhớ lại nhưng vô ích. Tôi mơ hồ nghĩ rằng đó chỉ là những câu tiếp đón, chào mừng khách trong tổ chức đến. Nhưng tại sao nàng lại ngưng nói? Và những người nghe khác, họ làm gì trong lúc ấy? Chung quanh tôi, không ai nhúc nhích, cũng không ai tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi không biết có phải là do xúc động hay không, thế nhưng những cảm giác nhoi nhói quấy rầy làm mắt bên phải tôi thấy khó chịu. Tôi cố co mạnh mí mắt nhiều lần nhưng cũng không làm sao cho hết thấy khó chịu. Tôi tìm cách lén gãi. Bàn tay trái của tôi bấy giờ vẫn nằm trong tay thằng bé, nó không buông tay tôi ra, và bàn tay phải thì còn vướng cái gậy. Tuy nhiên, chịu không nổi nữa, tôi thử tìm cách đưa bàn tay phải lên chà xát ít nữa là ở chung quanh mắt.

Bị vướng chỗ tay nắm cong của cái gậy, tôi làm một cử chỉ vụng về, và cái gọng kính dày cộm tuột lên trên, tới chỗ vòm cong chân mày. Thực ra, hai mặt kính chỉ lệch đi có một tí, nhưng khoảng cách giữa da và cái viền bằng cao su thì lại đủ để cho tôi thấy được cái gì đang ở ngay bên phải tôi...

Tôi sửng sốt. Tôi chưa hề tưởng ra như thế... Tôi từ từ nhích cái đầu mình, để quét một vùng rộng hơn qua khe nhìn chật hẹp của tôi. Cái tôi thấy, khắp mọi nơi, chỉ khẳng định cho nỗi sợ lúc ban đầu của tôi: tôi có cảm tưởng đang đứng trước hình ảnh của chính mình, được nhân lên hai mươi hay ba mươi lần.

Thật vậy, căn phòng đầy những người mù, có lẽ cũng là những người giả bộ mù: những thanh niên tuổi tôi, ăn mặc khác nhau (nhưng, nói chung, khá gần với cách ăn mặc của tôi), cũng với những cặp kính đen to tổ bố trên mắt, cũng cái gậy trắng cầm bên tay phải, một thằng bé giống y như thằng bé của tôi nắm bên tay trái.

Tất cả những người đó đều hướng về một phía, về phía cái bục. Mỗi cặp — một người mù và người dẫn đường của mình — đều cách biệt những người bên cạnh bởi một khoảng trống lúc nào cũng gần như giống nhau, y như người ta đã cất công sắp xếp một loạt những tượng người giống nhau, trên những cái ô đã được vạch ranh giới.

Và, bỗng nhiên, một thứ cảm giác ghen tuông ngu xuẩn làm tim tôi đau thắt: vậy ra Djinn không phải đã nói những lời kia với tôi! Tôi biết rõ đây là một cuộc họp đông người. Thế nhưng tận mắt mình nhận ra Djinn đã tuyển mộ hai hay ba tá trai trẻ, không khác gì tôi mấy và đối xử với ai nấy y chang như nhau, đó lại là một chuyện khác. Với nàng, tôi không là gì hơn một thằng ít nổi bật hơn cả trong đám.

Nhưng, đúng vào lúc ấy, Djinn bắt đầu nói lại. Một cách rất lạ lùng, nàng tiếp tục bài diễn văn của mình ở ngay giữa một câu, không lặp lại những chữ nói trước đó để giữ cho vấn đề gắn bó chặt chẽ. Và nàng cũng không nói gì để biện minh cho sự đứt đoạn vừa qua; giọng nàng vẫn đúng y như vậy, như không hề có việc ấy xảy ra.

“... sẽ cho phép các bạn không đánh thức những nghi ngờ...”

Đã bỏ hết mọi sự thận trọng (và mọi lối tuân thủ những mệnh lệnh mà đột nhiên tôi không còn chịu nổi), bấy giờ tôi quay đầu, vừa uốn cong cổ và vừa hất cằm lên, đủ để trung tâm cái bục nằm ngay trong tầm nhìn của mình...

Thoạt tiên tôi không hiểu được cái gì đã xảy ra... Nhưng ngay lúc ấy tôi vẫn phải nhận ra cái điều hiển nhiên: đúng là có một cái bàn cho người thuyết trình, nhưng không có ai đàng sau cả! Djinn chẳng hề có mặt ở đấy, cũng chẳng có mặt ở đâu cả trong căn phòng!

Chỉ là một cái máy phóng thanh truyền đi lời phát biểu của nàng, đã được thu âm tôi không biết ở đâu cũng chẳng biết hồi nào. Cái máy đặt trên bàn, nhìn thấy rất rõ, gần như là sỗ sàng. Có lẽ sau khi gặp một sự cố kỹ thuật gì đó, máy đã ngừng chạy: một người thợ đang loay hoay kiểm tra các dây nhợ, mà hẳn là trước đó anh ta đã nối lại...

Toàn bộ cái duyên dáng của giọng nói tươi mát và đầy nhục dục kia phút chốc đã biến mất. Chắc hẳn phần còn lại của bài thu âm vẫn có chất lượng tốt; những lời nói vẫn tiếp tục bài hát nhẹ bên kia Đại Tây Dương của nó; cái máy ghi âm vẫn phát lại trung thực những độ vang, điệu nhạc, và cả những chỗ chuyển giọng nhỏ nhất...

Thế nhưng, giờ đây khi cái ảo tưởng về sự hiện diện bằng xương bằng thịt kia đã tiêu tan, tôi mất luôn mọi tiếp xúc cảm giác với điệu nhạc ấy, điệu nhạc trước đây một phút tai tôi nghe còn êm dịu biết bao. Khám phá của tôi về cái điều gian trá ấy đã phá tan cái tác dụng thần diệu của bài diễn văn, bây giờ đã trở nên tẻ nhạt và lạnh ngắt: cuộn băng từ bây giờ đọc lên nghe vừa vô tính vừa vô danh như là của một thông báo đọc ở phi trường. Đến độ, giờ đây, tôi chẳng thấy có một trở ngại gì khi nghe những câu nói, cũng chẳng khó khăn gì khi khám phá ra ý nghĩa.

Giọng nói không mặt mũi kia bây giờ đang giải thích cho chúng tôi về vai trò và những chức năng tới đây của chúng tôi. Nhưng nó không vạch ra cho chúng tôi thấy hoàn toàn, nó chỉ cho chúng tôi những nét lớn thôi. Nó mở rộng về những mục đích theo đuổi hơn là những phương pháp: nó cho biết là vì chú trọng tới hiệu quả, nên hiện giờ nó chỉ muốn tiết lộ cho chúng tôi cái cần thiết tối thiểu mà thôi.

Như tôi có nói, tôi đã không theo dõi kỹ đoạn đầu bài phát biểu của nàng. Nhưng tuy nhiên hình như tôi đã nhận ra cái chính yếu của nó: cái tôi đang nghe bây giờ dù sao cũng cho phép tôi cho như thế, bởi vì ở đây tôi không thấy có những điều gì tối nghĩa đáng kể (ngoại trừ những cái tối nghĩa do cô gái diễn giảng cố tình sắp xếp vào bài nói).

Vậy thì, như nàng cho chúng tôi biết, những người chung quanh tôi và tôi, chúng tôi đã được gia nhập vào một phong trào quốc tế đấu tranh chống lại chủ nghĩa máy móc. Mẩu tin rao vặt trên báo, mẩu tin đã đưa tôi (sau thời gian ngắn trao đổi thư từ qua lại với một hộp thư bưu điện) đến gặp Djinn trong cái xưởng bỏ hoang kia, ngay lúc ấy đã làm tôi đoán là như thế. Nhưng tôi đã không đo đúng được những hiệu quả của công thức đã được dùng: “cho một cuộc sống tự do hơn và thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc của máy móc.”

Thực ra, hệ tư tưởng của tổ chức thật là đơn giản, nhìn bên ngoài còn có thể nói là đơn giản quá mức: “Đã đến lúc chúng ta phải tự giải phóng khỏi máy móc, bởi vì chính máy móc áp bức chúng ta, không gì khác hơn. Con người cứ tưởng là máy móc phục vụ cho họ, trong khi chính họ, từ bao giờ họ vẫn phục vụ cho máy móc. Dần dà, máy móc điều khiển chúng ta, và chúng ta tuân hành máy móc.”

“Chủ nghĩa máy móc, trước tiên, chịu trách nhiệm về tình trạng phân công lao động thành những mảnh vụn không có một ý nghĩa nào. Công cụ máy buộc mỗi công nhân phải hoàn thành một động tác duy nhất, mà anh ta phải lặp đi lặp lại từ sáng đến tối, suốt cả đời. Chia nhỏ là chuyện hiển nhiên đối với những công việc tay chân. Nhưng nó cũng trở thành qui luật trong bất cứ ngành nào của hoạt động con người.

“Như vậy, trong mọi trường hợp, kết quả về xa của công việc chúng ta làm (hàng chế biến bằng công nghiệp, dịch vụ, hay nghiên cứu trí tuệ) chúng ta hoàn toàn không thấy được. Người lao động không bao giờ biết được cái hình dáng toàn bộ cũng như khả năng sử dụng sau cùng của nó, hoặc có biết là biết một cách lý thuyết và hoàn toàn trừu tượng. Không một trách nhiệm nào được giao cho anh ta, không một tự hào nào thuộc về anh ta. Anh ta chỉ là một mắt xích rất nhỏ của cái dây chuyền sản xuất đồ sộ, chỉ đem đến một thay đổi chi tiết cho một bộ phận rời, một bộ phận máy tách riêng, những thứ tự chúng không có một ý nghĩa nào.

“Trong bất cứ lãnh vực nào, không ai còn sản xuất cái gì toàn bộ. Và ý thức con người chính nó cũng tan ra từng mảnh. Các bạn hãy ghi nhớ điều này: sự tha hoá chúng ta bằng máy móc, chính nó đã gây ra chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa quan liêu xô viết, chứ không phải ngược lại. Chính việc tán thành bụi nhỏ trên toàn vũ trụ đã làm nảy sinh ra bom nguyên tử.

“Tuy nhiên, đầu thế kỷ này, giai cấp cầm quyền, là giai cấp duy nhất được miễn trừ, vẫn còn giữ trong tay quyền quyết định. Từ đấy, cái máy suy nghĩ — nghĩa là máy tính — cũng lấy mất quyền ấy của chúng ta. Chúng ta chỉ còn là những kẻ nô lệ, làm việc để tự huỷ diệt chính mình, phục vụ — và lấy đó làm điều vinh quang lớn lao nhất — cho vị thần toàn năng máy móc”.

Về những phương tiện sử dụng để gây ý thức nơi đám đông, Djinn kín đáo hơn và ít rõ ràng hơn. Nàng nói về “chủ trương khủng bố cách hoà bình” và những hành động “có tính kịch” do chúng tôi tổ chức giữa lòng quần chúng, trong xe điện hầm, trên những quảng trường, trong những văn phòng và trong những nhà máy...

Tuy nhiên, có cái gì làm tôi thấy chói tai trong những lời nói hoa mỹ kia; đó là cái số phận dành cho chúng tôi, là những người thực hiện chương trình: vai trò của chúng tôi hoàn toàn mâu thuẫn với những mục đích mà nó đưa ra. Ít ra là cho đến nay, chương trình ấy người ta chưa hề đem áp dụng với chúng tôi. Ngược lại người ta đã điều khiển chúng tôi không một chút quan tâm đến ý chí tự do của chúng tôi. Và bây giờ, người ta còn thú nhận là chúng tôi chỉ được phép biết một phần của toàn bộ. Người ta muốn giáo dục những nhận thức, thế nhưng người ta bắt đầu không cho chúng tôi nhìn thấy. Rốt cuộc, để đưa lên đỉnh cao toàn bộ những thứ ấy, chính là máy móc đang nói với chúng tôi, đang thuyết phục chúng tôi, đang điều khiển chúng tôi...

Lần nữa, trong tôi lại tràn ngập một mối ngờ vực. Tôi cảm thấy như có một mối nguy xa lạ, khó hiểu, đang phảng phất đâu đó trong cuộc họp giả mạo này. Căn phòng đầy những người giả mù là một cái bẫy mà tôi đã tự mình để mình bị kẹt vào... Qua khe hở hẹp, mà tôi đã cẩn thận mở ra dưới vành bên phải của cặp kính to tổ bố của tôi, tôi liếc nhìn qua người đứng ngay sát bên tôi, một thanh niên to cao tóc vàng mặc một cái blouson da màu trắng, khá sang trọng, áo hở để lộ một cái áo tròng đầu màu xanh tươi...

Hắn ta cũng thế (đúng như tôi đã nghi ngay từ lúc nãy), hắn cũng nhích lướt vài milimet cái dụng cụ đã được điều chỉnh làm cho hắn không nhìn thấy gì, để nhìn quanh quẩn, bên trái hắn; cứ như thế hai cái nhìn nghiêng của chúng tôi gặp nhau, tôi chắc chắn vậy. Vả lại, một cái nhếch mép nơi miệng hắn ra hiệu đồng loã với tôi. Tôi đáp lại hắn, vẫn bằng cái biểu hiện nhăn mặt, có thể được coi như là một nụ cười mỉm với hắn.

Thằng bé đi theo hắn, bấy giờ đang cầm bàn tay trái của hắn, không hề để ý đến hành tung của chúng tôi, hình như thế. Cả thằng bé Jean cũng chắc chắn như thế, bởi lẽ rõ ràng là nó đứng bên ngoài cái chút xíu trao đổi ấy. Trong lúc đó, bài diễn văn tiếp tục, kêu gọi chúng tôi với những lời lẽ quyết liệt:

“Máy móc đang giám sát các bạn; hãy đừng sợ nó nữa! Máy móc đang ra lệnh các bạn; không vâng lời nó nữa! Máy móc đòi hỏi hết thì giờ của các bạn; không cho nó thì giờ nữa! Máy móc tự coi đứng trên con người; hãy đừng coi trọng nó hơn con người nữa!”

Bấy giờ tôi thấy anh chàng mặc blouson trắng, lúc ấy cũng còn giữ cái gậy người mù trong tay phải, bí mật luồn nó ra sau lưng mình, về phía bên trái, để có thể đưa cái đầu nhọn của nó đến gần tôi. Với cái đầu bịt sắt kia, hắn âm thầm vẽ những dấu hiệu rắc rối trên nền nhà.

Anh chàng đồng nghiệp của tôi, cũng cứng đầu như tôi, quả là đang tìm cách truyền đạt cho tôi điều gì đó. Nhưng tôi không làm sao hiểu được điều anh ta muốn nói với tôi. Anh vẽ lui vẽ tới nhiều lần cho tôi thấy, cùng loạt hình những gạch thẳng ngắn và những đường cong chéo nhau. Tôi cứ cố tìm cách đọc cho được cái mật mã ấy nhưng vô hiệu; cái nhìn rất giới hạn của tôi trên nền nhà, lại thêm nữa là nhìn quá nghiêng, không làm cho việc suy đoán dễ dàng hơn, chắc chắn là vậy.

“Chúng tôi đã khám phá ra, giọng nói được ghi âm tiếp tục, một giải pháp đơn giản để cứu những người anh em của các bạn. Hãy cho họ biết giải pháp ấy. Hãy đưa nó vào đầu óc họ mà không phải báo trước, hầu như là không để cho họ biết. Và hãy biến chính những người ấy thành những người tuyên truyền mới...”

Đúng lúc ấy, tôi bỗng đoán có một sự náo động đột ngột sau lưng tôi. Tiếng những bước chân vội vã, rất gần, cắt đứt cái im lặng của căn phòng. Tôi cảm thấy có một cú đánh mạnh vào phía dưới sọ đầu tôi, và cảm giác đau rất dữ dội...

 

[còn 3 chương và bài KẾT]
 
--------------------
Trích trong Alain Robbe-Grillet, DJINN: Một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ, Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu (Trình Bầy / Tủ sách Nhân & Dân, 2003).
 

 

 

Đã đăng:

... Không có gì — tôi muốn nói là không một bằng chứng quyết định nào — có thể cho phép bất cứ ai xếp câu chuyện của Simon Lecœur vào loại những chuyện thuần tuý tiểu thuyết. Ngược lại người ta có thể khẳng định là những yếu tố nhiều và quan trọng của bản văn không chặt chẽ, đầy lỗ hổng, hoặc như là bị nứt nẻ này, ăn khớp với thực tế (thực tế mà ai nấy đều biết) với một sự nhấn mạnh bởi vì là rõ ràng, nên làm ta thấy rối tung. Và... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Tôi đến nơi đúng giờ ấn định: bấy giờ là sáu giờ rưỡi. Trời đã gần như tối. Cửa nhà kho không đóng. Tôi đẩy cửa lớn bước vào, cánh cửa không còn ổ khoá... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
Khi tôi trở lại một mình, bước nhanh nhẹn trên những đường phố bấy giờ chói chang ánh đèn đường và tủ kính các cửa tiệm, tôi nhận ra trong tôi một sự thay đổi tâm trạng thật đáng kể: một sự hân hoan mới toanh bấy giờ làm thân thể tôi nhảy nhót... (...)
 
... Bì thư mang tên nguyên vẹn của người nhận: “Ông Simon Lecœur, tức Boris”, nghĩa là không những tên tôi mà thôi, mà còn có cả mật khẩu của tổ chức tôi mới chỉ làm việc từ có mấy giờ trước đây. Còn lạ hơn nữa... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)
 
... Cuối cùng, tôi đã chấp nhận mất cả quyền sử dụng mắt mình sau khi đã tuần tự mất hết quyền sử dụng ý chí tự do của mình và quyền sử dụng trí khôn của mình... [Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ và giới thiệu] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021