thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH [kỳ 2] — phần I: Nguồn cơn

 

 

 
Lê Thị Thấm Vân, nhà văn / nhà thơ, đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ, đã xuất bản một tập truyện ngắn, một tập tiểu luận, một tập thơ, và bốn cuốn tiểu thuyết.
 
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Lê Thị Thấm Vân, do nhà xuất bản Anh Thư ấn hành năm 2005.
 
Dưới đây là ấn bản điện tử (có bổ khuyết) được phổ biến lần đầu tiên trên Tiền Vệ (tháng 6/2008).

 

__________

 

 

BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH

 

 

phần một

 

nguồn cơn

 

Đã đăng: [kỳ 1]

 

Võ Thị Gái lấy dao nhíp bửa cau của bà ngoại xởn trọc tóc. Tóc này tóc này tóc này. Xởn chỗ này thì mọc chỗ khác. Tóc mới, cọng đen cọng vàng, cọng thẳng cọng quăn. Cây khế bỗng mọc chuồi cả thân cả rễ vào trong nhà khi trưa. Gốc khế có cái mả chôn hai người đàn bà trần truồng ôm ghì nhau tự tử. Cây không bao giờ bị gãy nhánh, dù mưa trút gió thổi sét đánh. Bà ngoại gọi là cây khế âm. Lá sáng héo, trưa tươi, chiều có hôm rủ, có hôm chĩa thẳng ngó trời. Hoa lúc rời nhà thì tím non, lúc về nhà thì đỏ bầm. Cả xóm sợ nó vãi đái nhưng Võ Thị Gái không hề, bởi nhiều bữa được ăn khế thay cơm, nửa đêm trở mình, ợ tiếng to đùng, men chua xông tận óc. Cây khế âm không tuổi, với cái mả chôn hai người đàn bà tự tử vì tình, trong tư thế thịt dính thịt, khắc dấu ấn trái tim, hình cửa mình đàn bà trên từng cái trán của bất kỳ đàn ông trong xóm. Những kẻ đánh mất bản chất từ tâm.

Vòng rào kẽm gai cuộn tròn từng lọn, rỗng ruột, chồng chất. Đầu kẽm gai nhọn hoắt, đâm là phọt máu. Má và vài con bạn nhỏ thó luồn bên trong, tìm cách chui vô trại lính Mỹ. Những cái kẹo sô cô la ngọt ngọt, đắng đắng. Lon B2, B3, B1 chứa đựng những khoanh bánh khô vỡ vụn, thịt bò nghiền nát. Kẹo cao su nhai hoài nhai huỷ nhai luôn răng mà không hay. Trái táo mang mùi lạ từ dải-ngân-hà-tháng-tám-xa-xăm. Những bịch quần áo đã mặc, liệng ra từ trong trại lính Mỹ. Giặt quần áo Mỹ, từ ngữ mới, việc mới cho người dân trong xóm. Đàn bà con gái, thanh niên ông lão túa ra chụp giựt quần áo dơ bẩn của lính Mỹ mang về nhà giặt. Làm gì còn khó, chứ giặt quần áo thì trẻ con thò lò mũi xanh còn làm được. Mùi mồ hôi Mỹ, hơi thở Mỹ xâm lăng từng nóc nhà. Hàng loạt vị cứu thế đồng xuất hiện. Những túi vải to, chứa quần áo bẩn, cả cha mẹ lẫn con cái kéo lệch xệch về. Những cái áo cả nhà chui vô, chạy chơi ú tìm, vẫn còn thênh thang. Đôi khi lục túi, sót vài đồng tiền cắc leng keng, cầm chắc chúng trong tay mà chẳng biết chi vào việc gì. Hoặc mẩu giấy ghi hàng chữ, dẫu trí óc cả xóm gộp lại, đọc cũng đếch hiểu. Cái xóm, từ thời lập quốc đến nay, chưa có người nào trải nghiệm một bữa ăn no-ngon, nhưng giờ sực nhận ra, những đồng tiền cắc lạ kì kia là của quý hiếm, vật thuộc bảo tàng viện. Chẳng khác lượng vàng ròng 24, hoặc tấm vé số, 95% trúng lô độc đắc. Biết đâu đấy! Mỗi người thêu dệt một kiểu, sẽ sử dụng một cách, nhưng chung quy đều tin rằng có khả năng xoay chuyển số mạng người đang sở hữu. Những túi quần áo, giặt vo chà xát vắt phơi khô trên dây kẽm gai, rồi ủi giữa những ngày trời thổi lửa. Trao đổi thường ngày mọi người trong xóm giờ được bồi thêm những từ ngữ mới toanh, me-you-OK-salem-búm bùm bum-numbaone là tốt numbaten là không tốt. Những đứa trẻ líu đíu, đi như móc vào nhau, rớt dép, rốn thò, thối tai trước kia giờ đua chen tranh giành chụp giựt với người lớn những bịch quần áo bẩn từ trong trại lính Mỹ phóng ra, bay bổng trên không trung, rồi rơi xuống đất biến thành thứ bổng lộc cứu chuộc đám dân đen đầu đất. Tóc người nào cũng hừng hực lửa, chỉ mồ hôi nước mắt của chính họ mới đủ khả năng dập tắt.

Võ Thị Gái không lanh lẹ nhưng giỏi luồn lách vào bên trong trại lính Mỹ cùng vài con bạn. Lần đầu cả bọn chưa biết Sợ là gì, chỉ sợ kẽm gai nhọn đâm phun máu, xé toạc da. Nhưng rồi những thỏi kẹo, những lon nước ngọt, những nụ cười ban phát xoá dần nỗi sợ. Mùi phương trời xa ngái và hàm răng trắng thẳng tắp, cùng đôi mắt có hai con ngươi tròn vo như hai viên bi, ước chi được móc ra chơi. Baby OK salem you me no yes Võ Thị Gái nhanh mồm nói tuốt luốt, ai sao mình vậy. Sợ hãi chắp cánh bay xa, biến khỏi Võ Thị Gái sau vài lần chuồi người vào bên trong vòng hàng rào kẽm gai để ngả tay xin kẹo sô cô la, uống cô ca, và vài đồng tiền cắc. Một điều Võ Thị Gái không hề biết (để sợ) là cơn khát con gái của binh lính Mỹ xa nhà. Bất cứ thứ gì trên đời cũng đều có giá. Có cái giá trả bằng phận người.

Tuổi mười lăm băm vằm sừng trâu. Má không băm vằm được sừng trâu Mỹ. Sừng trâu Mỹ đã băm vằm toàn thân má. Vỡ Vụn. Nát Tan.

Những chiếc xe chở đám binh lính Mỹ chạy trên đường lộ. Bụi dấy lên, xoắn chặt từng vòng, toả ngút vào cõi trời xanh lơ. Chúng vẫy tay, miệng toe toét cười mà mắt trố màu sợ sệt. Xe xanh, áo lính xanh, màu mắt xanh, đường chỉ lòng bàn tay xanh, đồng đô-la xanh, gân chân cũng xanh. Tất cả xanh xanh băng băng, nghiền nát mọi thứ. Từ cỏ khô đến óc người. Cây cối hai bên đường ca bản đồng dao buồn bã giữa tiếng bom nổ, đạn rơi, súng bắn. WELCOME TO VIET NAM!

Những thùng chứa đồ ăn thảy ra từ trong trại lính Mỹ tẩm chất độc dược: ngon, béo, ngọt, nhiều, lạ, thơm, ghiền... Tất cả gành giựt. To-khoẻ-nhanh thuộc chế độ cơ bắp thị trường. Những bàn tay đón chụp không khí, móng tay cào cấu đất, lòng tiếc hùi hụi thùng quà chụp hụt. Thùng quà made in USA, từ dải-ngân-hà-tháng-tám-xa-xăm. Mùi Mỹ đất Mỹ tiếng Mỹ người Mỹ đô-la Mỹ như mưa đổ xuống xứ sở bụi đất nung thịt gót chân bốc phèn chua, da đầu nhèm nhẹp, tóc tẩm mùi nắng khô khốc, quanh năm.

Sau lần cái chày bốc lửa thụi sâu vào cái cối non Võ Thị Gái thì giếng kinh nguyệt hạn hán, dù nó chỉ mới chớm nhỏ giọt trên dưới nửa năm. Giếng máu biến mất thay cho bụng mỗi tối trương phình một chút. Tất cả thứ khác trên thân thể ngày càng tóp teo. Cái bụng chường ra trêu chọc, thách thức đám đông. “Cái thúng, vỗ đi vỗ đi bà con ơi!” Cái bụng là dấu hiệu xấu xa tội lỗi của xóm, cho ai lỡ nhìn làm dơ mắt họ. Bà ngoại bị chột một mắt, đám đông gọi tắt bà chột. Bà chột ở đợ, bà chột ăn xin, bà chột bán rau là những từ đi kèm. May bà còn một mắt để nhìn được giàn bí trong vườn quanh năm nở hoa vàng thắm, dù chẳng bao giờ kết trái.

Cả xóm trên dưới vài trăm nóc nhà. Nóc nhà nào cũng bị dột, dù lợp tôn hay lợp lá. Lác đác vài nhà bắt đầu lợp ngói. Màu ngói đỏ vừa phô trương hiện đại vừa doạ nạt mắt người nhìn chưa quen. Những con đường ngắn chật, cong queo thích hợp lòng dân trong xóm. Những cục đá lượm chơi ô làng. Những nhánh cây khô tước sạch bẻ đều chơi thẻ. Những sợi thun kết lỏng nhảy dây. Rồi thì chân gác tay chồng chơi đi chợ về chợ. Những trò chơi không tốn một cắc của cha mẹ đói nghèo truyền kiếp. Không cần ngửa mặt ngó trời nửa phút để tra hỏi ý nghĩa đời sống là gì? chết rồi đi đâu? Những tiếng cười hồn nhiên đang bị vỡ dần, nghiền nát dần bởi bánh xe cam-nhông, công-voa chở người lẫn súng đạn từ từ tiến sâu tiến thẳng tiến mạnh vào lòng đường, mạch máu của xóm. Chiến tranh lan nhanh, mang theo màu da lạ mắt, tiếng nói lạ tai. Cả xóm nông náo. Mối mọt trong đêm bỗng hùng hồn túa ra từ những kẹt cửa chôn kín hàng vạn năm.Võ Thị Gái men theo màu nâu đục thỏi sô-cô-la mang từ xứ lạnh đến xứ nóng, biến thành vũng bùn nhầy nhụa.

Ngôn từ tuột khỏi cửa miệng: mamasan babysan youme OKsalem nubanone nubaten givmethis givmethat chạp chụp gút bai... Ngôn ngữ quái đản là nguyên do cái bụng chình ình Võ Thị Gái trực diện mỗi khi trần truồng. Võ Thị Gái thấy bụng mình như quả bóng lọt khỏi cửa, bay vào không gian đen ngòm. Thứ màu vĩnh cửu. Thứ màu dân đen. Bay qua những căn nhà đồng loạt nằm úp mặt, chổng mông gào khóc trong giấc mơ. Những cái mông tập thể đen sì, tựa cáu ghét giắt quanh viền móng chân chứa đựng nông cạn một cách hồn nhiên. Nước mắt lẫn sình lầy tuôn sền sệt ngỡ rằng sô-cô-la huyền diệu đổ xuống từ dải-ngân-hà-tháng-tám-xa-xăm.

Ban đầu bụng má nhỏ như trái quất, rồi trái quít, rồi cam sành, rồi bưởi... cuối cùng biến thành trái dưa hấu to nhất chợ. Ruột dưa đỏ kè như mặt trời đang nổi cơn thịnh nộ vô lý. Bụng má lớn dần dưới giàn bí. Giàn bí má phụ ngoại ràng, cột khi trí khôn lẫm chẫm đâm mầm. Những sợi dây bí phóng nhanh quấn chặt giàn. Lá non đâm chồi, búp hoa hé nở. Con cún ghẻ xuất hiện cùng thời điểm ngoại lập giàn bí. Ơi! Lá bí xanh ngắt, Bông bí vàng tươi của má ơi!

4 giờ chiều, Võ Thị Gái nghe tiếng cười khúc khích của trẻ con, nhìn quanh quất, chẳng ai trong căn nhà vắng, cả tiếng chuột rít cũng lặng đâu mất. Nửa đêm choàng tỉnh bởi tiếng ré kinh hoàng của đứa bé hụt chân ngã, làm bầy dế sau nhà khiếp sợ, nín thin thít. Rồi khám phá tiếng ré & tiếng cười phát xuất từ trong bụng mình, Võ Thị Gái hoảng loạn. Có hôm Võ Thị Gái nghe tiếng cười khóc-hát ru-trò chuyện hết sức dị kì. Âm thanh dị kì không làm Võ Thị Gái hoảng sợ mà dư khả năng làm Võ Thị Gái buồn bã khôn lường. Cô Đơn. Không bất cứ thứ gì dính vào mình cả. Không là máu mủ ruột thịt, mà trơn tuột như mưa đổ trên tán lá nhựa. Tiếng cười khóc-hát ru-trò chuyện với nhau kia thuộc về thế-giới-nào-đó mà Võ Thị Gái không thể/được dự phần. Xa lạ. Có như không. Cảm giác như cả trần gian quên mất mình. Nước dưới giếng múc từ gàu lên, còn có âm thanh vang vọng, những tiếng cười khóc-trò chuyện-hát ru kia không thuộc về Võ Thị Gái, tách bạch một cách chắc nịch, chủ ý. Võ Thị Gái không khổ xác, mà khổ tâm trí bởi giấc mơ thường đến vào nửa đêm về sáng.

Bước chân người đàn bà chưa hề giẫm chệch một bước ra khỏi xóm, nơi nhà không số, xóm không tên. Một lần xa lắc xa lơ, bà đã đếm nhẩm trong đầu được hơn vạn bước, từ bước đầu đến bước cuối của xóm. Cách đếm bà tự nghĩ ra. Khi chân dừng, gọi là cuối, ngược đôi bàn chân, gọi là khởi đi từ... Tấm lòng gói gọn bao chục năm đếm bằng tuổi bà. Thế giới xóm quá bao la trong tầm mắt bà. Người Mỹ xuất hiện, bà gọi chúng từ mặt trời rơi xuống. Phi hành gia Armstrong bước những bước chân đầu tiên trên cung trăng không có trong bộ sưu tập truyện cổ tích bà từng nghe đi, kể lại. Sáng đó, bà đi về phía bìa phải của xóm, trật chân ra khỏi xóm độ trên dưới trăm bước. Lần đầu tiên, đôi chân trần bà giẫm lên đất lạ, để vào cô nhi viện, xin lại một trong hai đứa, bởi tay bà chỉ ẵm được một, dẫu bụng bà muốn cả hai. Trên đường đi, bà nguyện rằng, đứa nào bà thấy trước, chứ không phải đứa nào bà nghe tiếng trước. Ở đời biết bao điều ước muốn mà không thành. “Ngoại đây con!” bà nói khẽ. Đứa bé bà ấp trong nách sáng hôm đó là Bí Vàng. Bí Xanh nằm quay mặt vào vách, nhường phần định mệnh. Có Bao Giờ Lịch Sử Lỡ Lầm Không?

Bà ngoại bị chột một mắt. Còn một mắt chỉ trông coi được một đứa. Bầy châu chấu nhảy múa trên mặt Bí Xanh. Bầy cào cào cào nát mặt Bí Vàng. Quỷ sứ là gì hở Chúa? Bí Xanh hỏi. Mọi đen là gì hở bà? Bí Vàng hỏi. Đó là câu hỏi đầu tiên trong đời chúng. Cả hai hình dung quỷ sứ và mọi đen trong đầu, chắc màu da không đỏ không trắng không vàng không xanh, nghĩa là đen. Mọi đen bày tỏ khinh miệt. Quỷ sứ biểu tượng tội ác.

Tâm trạng Võ Thị Gái lúc nào cũng như cọng lông mèo bay lạc vào hành tinh cạn gió. Đầu rời, lưng gãy, tay chân cắt lìa bởi bụng phồng như trái bí ứ hơi thở của kẻ răng hàm bị hà ăn. Sâu-hư-thối. Một buổi tối trời, bụng trương cứng, to ngang ngửa trống làng. Khi đi, vào ngày lẻ, Võ Thị Gái ghì chân mé phải. Vào ngày chẵn, Võ thị Gái ghì chân mé trái. Đó là bí mật.

Bí Xanh có tật khóc đêm. Tiếng khóc vang vọng cả cô nhi viện. Bà sơ đề nghị Bí Xanh nằm một mình ngoài sân để khỏi đánh thức những đứa trẻ mồ côi khác. Thế là, trong đêm tối, Bí Xanh khóc cùng bè với bọn dế nhủi tinh nghịch, với mụ ộp oạp già hơn trăm tuổi. Bí Xanh ngó vòm trời, từng chùm sao thi nhau phóng dao tua tủa, quên cả thở. Bí Xanh nghe tiếng ngáy, hắt xì, ngáp, và nấc cụt của bầy côn trùng hấp hối. Con cún ghẻ từ đâu xuất hiện mơn trớn dỗ dành Bí Xanh: ngủ đi ngủ đi ngủ đi mày nhé... Cây ổi đồng trinh say mê khiêu vũ một mình trong bóng đêm, quanh chỗ Bí Xanh nằm, toả mùi thơm dị kì. Đêm trước ngày bà ngoại đến ẵm Bí Vàng đi, bị nằm một mình ngoài sân, Bí Xanh khóc, tiếng khóc vang dội, chẳng khác trời đang nắng chang chang mà sấm sét rền rung. Vài đứa trẻ phải mút chặt ngón tay mạnh, nhanh hơn. Cây ổi đồng trinh biến đâu mất đêm hôm đó. Con cún ghẻ cũng không đến liếm mặt vỗ về Bí Xanh: ngủ đi ngủ đi ngủ đi mày nhé... Sáng sớm hôm sau, bà sơ ra sân ẵm Bí Xanh vào, người Bí Xanh từ đen chuyển sang tím chuyển sang vàng chuyển sang đỏ chuyển sang đen. Khi bà ngoại giơ tay ẵm Bí Vàng, ruột Bí Xanh vữa nhão như bùn. 1/2 phần hồn và 1/2 phần xác từ từ lìa khỏi Bí Xanh. “Để yên cho nó ngủ.” Câu nói đầu tiên và cuối cùng, Bí Xanh nghe từ miệng người đàn bà bị chột một con mắt.

Đen thủi đen thui đen nhẻm đen kịt. Có đứa chơi đểu, quẹt nhọ nồi dí vào mũi Bí Vàng, nè, mày nè, mày nè, đen nè, đen ơi đen à... Cả đám con nít giễu chọc, cười sướng đã đời. Chúng nối đuôi chơi trò rồng rắn lên mây, xin khúc đầu, không cho, xin khúc giữa, không cho, vậy khúc đuôi, không cho nốt. Chúng xô Bí Vàng ngã sấp, rồi ù chạy. Cả bọn biến mất trong hẻm, như bầy gián đêm.

Con nít từ mọi ngõ ngách tuôn ra. Mụ điên tới! mụ điên tới tụi bây ơi! Trong vài phút, con nít cả xóm tụ lại, điểm danh không thiếu mống nào. Chúng bao quanh mụ điên như vòng vây lửa trại, nhảy múa vỗ tay ca hát. Cái lon, bọc nhựa, que cây, cục đá... Mỗi đứa thủ sẵn trong tay một thứ để đâm, chọc, liệng, ném, thọc, đánh, quất, quẹt... Mụ điên trần truồng tựa nhộng cái. Đứa không có gì thì nhào tới véo đùi, giựt tóc, kéo tai, thậm chí dơ cao cẳng đá mụ một cái xiểng liểng. Mụ hết chửi, lại khóc, rồi cười, cuối cùng dùng ba cái răng còn lại vừa tự cắn vừa nhay lợi. Hai mắt phóng hai mũi tên lửa. Tụi con nít ù chạy. Riêng Bí Vàng đứng chịu trận, đợi ngoại tới nắm tay dắt về. Bụng ngoại như vừa ăn rổ ớt hiểm, uống gáo cốt khổ qua.

Tiếng khóc hai con đen vang vọng suốt 49 đêm ngày. Chúng thay phiên nhau làm cả cô nhi viện không phân biệt được đứa nào khóc, đứa nào nín. Cả hai như bóng như hình, tàng và hiện cùng lúc. Ban đêm, bọn trẻ lấy tay bịt mắt, sáng sớm ghèn đóng cứng mắt, múc nước giếng kỳ cọ, vẫn không sạch. Biết đem vất hai con đen đi đâu, chẳng lẽ bóp mũi? (Sẽ) chẳng có ánh mắt, tiếng thở dài trắc ẩn của bất kỳ ai. Sáng trời, chuyển hai đứa vào nhà. Tối trời, chuyển hai đứa ra sân. Giữa những giờ chuyển, khuôn mặt hai đứa hoàn toàn trơn tuột, không ai đọc được điều gì . Hai con đen giờ đây bị tách lìa hai ngả. Đám trẻ hết còn nghe tiếng quát tháo, như gió rít qua từng kẽ răng. Chúng mường tượng bầy quạ trời chập choạng bay sà xuống đậu trên nhánh keo sau vườn. “Khóc nữa là tao bóp mũi, nhận nước cho chết cha chết má tụi mày bây giờ.” Cả đám không hề có chữ cha chữ má trong từ điển đời chúng. “Khóc nữa là tao liệng ra đường... Khóc nữa tao kêu mẹ mìn tới bắt... Khóc nữa thì ông kẹ... khóc nữa...” Giờ chẳng còn nghe tiếng khóc, tiếng khóc nữa... Hình ảnh căn nhà với mâm cơm nóng, có canh thịt, cá kho, ba má thay nhau dỗ dành ăn đi con nhai đi con nuốt đi con... Tay đút cơm, đút luôn tình yêu thương vào lòng con cái. Tượng thiên thần có nước da màu huệ trắng treo trên tường, giữa tượng Đức Mẹ Đồng Trinh và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bỗng lung lay, long khỏi tường, chưa chạm sàn nhà, tượng đã vỡ tan.

Trong giấc mơ, có kẻ lạ mặt đến dụ khị Bí Xanh tự móc mắt thì sẽ được gặp-lại-nửa-phần kia. Bí Xanh khạc đờm vào mặt hắn. Ừ, quyền năng như Chúa mà còn bị người ta lột truồng đóng đinh treo lủng lẳng trên thập tự giá nữa là... Câu chuyện truyền miệng của đám vô công rỗi nghề: “Con người nói rằng con chó con gà con heo con vịt sinh ra cho con người ăn.” Con bé 7 tuổi đang ngồi cạnh hóng chuyện, xía vô, “Con cọp bảo cháu rằng, con người sinh ra để cho nó ăn.” Đám vô công rỗi nghề đầu to trán nhẵn mông đầy thẹo bỗng nghệch mặt, cứng họng. Bí Xanh thắc mắc, con vật nuôi trong nhà được gọi là pet. Nhưng khi làm thịt, bày trên bàn ăn thì gọi dinner.

Bí Vàng-khoảng cách-người khác là sự khinh bỉ. “Cứt nó tao thấy cũng đen thui. Lại gần là vấy đen ngay đấy tụi bây ơi!” Đen là cùi hủi, là xui xẻo. “Cùi là gì hả ngoại?” Bí Vàng hỏi. “Sao cháu lại hỏi thế?” “Hủi là gì hả bà?” Bí Vàng chưa tha. Ngoại im lặng. Con mắt chột của ngoại da dính da, mắt sáng còn lại có cũng như không. “Bọn nó không cho con chơi ô làng, nói tay con thúi cứt. Không cho con chơi u mọi, nói không muốn dây với hủi.”

Mồ hôi nách ngoại ngọt như mía, ngát như hoa chanh. Không đắng chát như ruột cau héo. Tóc ngoại mỏng manh tựa cánh chuồn chuồn. Tóc Bí Vàng xoăn tít, rậm rạp, rối bù. Nhà không có lược, Bí Vàng lấy tay kéo dài từng sợi tóc xơ cứng y cọng miến khô. Đôi khi Bí Vàng thấy tóc mình óng ả, nồng nàn như rạ chín. “Màu tóc ánh trăng!” Ngoại nói ngôn ngữ giấc mơ. Mọi người gọi Bí Vàng là con đen, chỉ ngoại gọi Bí Vàng ơi... Bí Vàng à... Đấy là sự khác biệt. Lòng thương yêu chân thật, không tưởng tượng. Bí Vàng ưa nghịch cọng bí. Cứ mỗi cái hoa, đi với cọng bí quăn tít, giống tóc Bí Vàng. Cầm tay kéo, nó dài gần bằng gang tay, thả buông, tức khắc nó thun lại bằng đầu móng út. Bí Vàng sống với ngoại và giàn bí. Cả hai không đáng bị nguyền rủa, cũng chẳng cần lý giải.

Bí Vàng nghiện mùi nách ngoại. Từ ngửi tới liếm rồi ủ mặt vào đó đánh một giấc thật đã đời. Mở mắt, tất cả trắng phau như nắng. Chỉ có nách ngoại là nơi chốn Bí Vàng nghe tim mình đập trúng nhịp. Ngoại luộc khoai với đường thẻ, rắc mè nâu, rồi hà hơi thổi bớt khói, từ tốn đút Bí Vàng ăn. Mắt ngoại yếu, răng ngoại cũng yếu nên ngoại hiểu Bí Vàng bằng tai, Bí Vàng hiểu ngoại bằng mũi, như nước sông không xâm phạm nước giếng. Ngoại chẳng hề thở than, “Già sinh tật.” Màu da đen tuyền Bí Vàng ngoại mơ tưởng (sẽ) không (bị) như trời đêm ăn lần trời sáng. Thế giới ban đêm không thống lĩnh được tâm tư ngoại. Màu quần ngoại bận cũng đen như màu da Bí Vàng. Màu đen nhuộm trọn tròng mắt không chột của ngoại. “Bà đến trần gian này vì có cháu.” Ngoại nói, rồi ngồi đếm tuổi bà và cháu bằng những đốt xương bàn tay chẳng bao giờ cần cắt móng.

Sáng nay chuồn chuồn bay lanh, khó cho Bí Xanh rượt đuổi. Mùi đất thường nồng vào khoảng trời đất giao nhau ở trục sáng tối. Trục giao nhau bủa vây sự chờ đợi để Bí Xanh tự cười có căn cớ. Tay xoắn lấy xoắn để chùm tóc, trò chơi kéo dài đến khi rã rệu thì ngưng. Tròng mắt Bí Xanh ngày càng xanh. Xanh tựa mặt biển bình minh. Bà sơ múc nước giếng xối dội lên người Bí Xanh, “Đôi mắt dầm mưa, không khéo khổ cả đời con ạ!” Tạ ơn ai đây? Kẻ tạo tác ra đám con mồ côi, con hoang, con vô thừa nhận, quanh năm bụng ỏng vì nuốt bụi. Âm tiết cuối cùng của các sơ luôn thẳng vút, mà đôi mắt luôn cụp vì thiếu ngủ. “Đức Chúa Trời ban quà quý cho các con là sự sống.” Đàn sán đang ngủ gật trong bụng trẻ con ngọ nguậy tìm cách chui ra, đồng thanh cất tiếng: “Nhưng nếu chúng con khước từ món quà quý Chúa trời ban, có được không ạ?”

Trời nắng/mưa cùng lúc. Bà sơ và bọn trẻ con thường trực chán đời cùng hít thở bầu khí quyển chật chội. Bí Xanh ưa đếm mắt mấy bà sơ, hoặc đếm tai mấy đứa nhóc trong lúc đọc kinh. Mắt và tai cứ nhập rồi biến, nhập rồi biến. Đôi khi trong ngày, Bí Xanh nghe tiếng nói rất kì lạ. Thứ ngôn ngữ không dùng hằng ngày, mang âm hưởng của dải-ngân-hà-tháng-tám-xa-xăm, đầy chữ sh, th, và cả f, z, j mà mẫu tự tiếng Việt cố tình loại bỏ.

Bọn con nít trong xóm tò mò sờ tóc Bí Vàng. Chúng khám phá điều kì lạ, màu ngô non dưới nắng nhưng màu đất sầu khổ khi trời sẩm tối. Bọn con nít trong cô nhi viện thọc ngón tay vào mắt Bí Xanh, gọi là xanh ước mộng. Bên ngoài hàng rào cô nhi viện là vách trời trong veo. Đôi khi hai màu mắt chan nhau, biến màn hư ảo. Nếu Bí Vàng để bọn con nít trong xóm sờ tóc thì chúng cho viên kẹo dừa hay kẹo chuối. Không cho thì chúng lôi Bí Vàng xềnh xệch như con chó cứng đầu lì lợm. Bí Xanh & Bí Vàng tuyệt đối không để bất kì ai chạm tới làn da, doạ phạm tội trọng. Chúng reo hò, đồng ca Quỷ Quỷ Quỷ hiện hình chúng mày ơi! Bí Xanh nhìn lên tượng Chúa Giêsu đang vác thập tự giá, gắng lết hết 14 chặng đường. Bài học phải yêu lấy sự khổ đau. Bí Vàng nhắm mắt, thả người, hít sâu mùi nách ngoại bàng bạc khắp không gian. Bí Xanh & Bí Vàng mê trái trứng cá da mỏng bóng lưỡng, Bí Xanh nút chụt, tỉ trứng cá trôi tuột vô bụng. Bí Vàng cắn, tỉ trứng cá nổ bụp giòn tan giữa kẽ răng. Hàng trứng cá mọc che mái nhà cô nhi. Sáng-trưa-chiều Bí Xanh đi một vòng là no bụng. Vườn nhà ngoại có cây trứng cá già ngàn tuổi, trái sai quanh năm. Sáng trưa chiều Bí Vàng nằm dưới cội cây, hả họng, gió thổi từng chùm trứng cá rơi tõm vô bụng. Đêm ngủ, ngậm miệng ợ, trứng cá trào tràn ra mũi. Ngày hai đứa cùng lên rạ là 2/6. Ngày hai đứa mọc răng là 6/8. Ngày hai đứa biết lẫy là 5/1. Ngày hai đứa biết đi là 26/2. Ngày hai đứa nói chữ đầu tiên là 4/7. Hai đứa không hề được xâu lỗ tai bằng cọng chiếu khô để phân biệt là mình có hĩm.

Sàn nhà Bí vàng quạch sệt đất sét khi mùa khô, bùn nhão khi mùa ướt. Cả xóm, đất trong vườn nâu thẫm, chỉ riêng đất trong vườn nhà Bí Vàng màu dát vàng. Bà ngoại nói tại đất thấm nước đái Bí Vàng. Bí Vàng nghe, toe miệng cười. Bà ngoại nói xong, cũng toe miệng cười, chỉ con mắt không chột của ngoại cả đời không biết cười. Như bà không bao giờ hiểu được, tại sao một ngày đi chợ về, nhà bỗng có thêm hai đứa. Một đứa đen tuyền, một đứa đen nhánh, rồi con gái bà bỗng biến thành ai (đó) khác. Trong sân, cạnh giàn bí, qua đêm xuất hiện cái ao nước trong vắt.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

 

Đã đăng:

... Võ Thị Gái bận quần lãnh đen, áo màu hoa bí nụ, bước dần vào lòng đại dương, nơi nước đang tuôn vào vĩnh cửu. Mùi đất để lại sau lưng, tay thõng với những móng hồng non. Nước bắt đầu ngập ngón chân, rồi trọn bàn chân, rồi qua cổ chân. Nước biển len dần vào cửa mình, bụng, lỗ rốn, ngực, rồi cổ rồi cằm rồi miệng rồi mũi và rồi là mái tóc đen loà xoà, vết tích cuối cùng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021