thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH [kỳ 7] — phần II: Bí Vàng

 

 

 
Lê Thị Thấm Vân, nhà văn / nhà thơ, đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ, đã xuất bản một tập truyện ngắn, một tập tiểu luận, một tập thơ, và bốn cuốn tiểu thuyết.
 
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Lê Thị Thấm Vân, do nhà xuất bản Anh Thư ấn hành năm 2005.
 
Dưới đây là ấn bản điện tử (có bổ khuyết) được phổ biến lần đầu tiên trên Tiền Vệ (tháng 6/2008).

 

__________

 

 

BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH

 

Đã đăng: [kỳ 1][kỳ 2][kỳ 3][kỳ 4][kỳ 5][kỳ 6]

 

phần hai

 

Bí Vàng

 

 

Sài Gòn falls. Giải phóng miền nam. Đất nước hoà bình. Miền nam thất thủ. The war is over! Việt Nam thống nhất. No more killing! Lịch sử (chẳng) lỡ lầm đã được chứng minh.

Từ ngày Bí Vàng ra đời dưới giàn bí, hôm nay mới có người lạ ngang nhiên xông vào nhà, cầm theo ảnh Hồ Chí Minh, chẳng nói chẳng rằng, lấy búa đóng chặt đinh, treo ngược ảnh Bác ngay trên vách, giữa nhà. Cái vách độc nhất che nắng đỡ mưa. Trong ảnh, hai tai Bác vểnh, một uy nghi, một hoành tráng. Người lạ dí ngón trỏ vào mũi Bí Vàng, dõng dạc, “Tàn tích Mỹ Nguỵ. Sanh ra bởi kẻ thù. Mi phải kính yêu Bác Hồ như...” Ông ngáp, rồi tiếp, “Bác Hồ, tay lãnh đạo ưu việt, dẫu ngủ giấc ngàn thu, hắn vẫn sáng suốt, tài tình lèo lái nhân dân đạt được mục tiêu, bằng hồn.” Nói xong, người lạ rút trong túi ra cái hộp đựng mấy điếu thuốc. Bí Vàng nhón chân liếc, điếu Vàm Cỏ, điếu Sông Cầu, điếu Thủ Đô, điếu Phù Đổng. Còn Salem, Mallboro, Camel, Pallmall... đã bỏ của chạy lấy người. Chỉ trong vòng ba cái đằng hắng, hai cái giụi mắt, một cái hắt xì, Bí Vàng biến thành con của Kẻ Thù + Kẻ Thù. Người lạ vừa ra khỏi cổng, bà ngoại tới xoay mặt ông Hồ vào vách. Mảnh giấy dán sau ảnh ông Hồ ghi hàng chữ Kỷ Niệm Ngày Giải Phóng 30/4/75. Bà quay người nhìn thẳng vào mắt Bí Vàng, “Đó là một ngày không thể quên, cháu ạ.” Rồi ngoại lững thững bước ra vườn với cái lưng khòm hơn một nửa so với ngày hôm qua. Mớ rau trong thúng rũ héo. Rau chia sẻ ngày vui đại thắng của Bác bằng cách tự tử tập thể. Suốt ngày mắt Bác cứ dán chặt vào ngươi Bí Vàng. Bí Vàng tập thói quen mỗi đêm, tự đấm thùm thụp vào ngực, “Mi là kẻ thù. Mi là con của kẻ thù. Mi là kẻ phạm tội. Mi là sản phẩm của quân xâm lược. Mi là thứ tàn dư đế quốc Mỹ. Mi là kẻ thù của nhân dân.” Hàng cau rất cao, phải nằm mới thấy được. Khoai sắn vùi trong đất, phải ngồi mới nhổ được. Còn lá trầu luôn quẹt vào háng Bí Vàng, chỉ đứng mới hái được.

Màu da không vàng không trắng mà đen thui như khúc củi cháy không ảnh hưởng đến tiếng cười như nước vỡ trong mơ. Mỗi sáng thức dậy, Bí Vàng phải tập nghe/im tựa mưa xối trên da thịt. Chỉ mùi nách ngoại mới khuất phục được cái chết của Bí Vàng. Marx nói, tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Lenin nói, lũ chúng như khoai sọ, nếu không dồn vào bao, chúng sẽ lăn tung toé. Ai-đó-nói, phải xâu lũ dân Việt lại, bởi chúng như bầy cua mòng, bò lổn ngổn đầy mặt bể sau ngày giông. Giờ thì chẳng cần niềm tin, vì đã có Đảng và nhà nước lo tất. Làm tuỳ khả năng và không hưởng theo nhu cầu.

Bộ đội Bắc xuôi Nam hiện thực ----- Cậu khờ khạo đến độ chân thật. “Bác Hồ khả kính, vị cứu tinh dân tộc, luôn phù hộ ông cha ta.” Cậu lẩm bẩm. Vào được trong Nam, cậu bị lạc đạn. Chẳng biết viên đạn được chế tạo từ Liên Hiệp Quốc hay Liên Xô mà găm ngay bắp đùi cậu, suýt nát dái. Cậu ráng lết đến vườn nhà Bí Vàng, rồi vật người ra như thể nằm vạ. Bí Vàng là người khám phá ra cậu đầu tiên, liền vội chạy gọi ngoại. Bà cháu gồng sức lôi cậu vào trong nhà. Máu cậu bết đặc sân. 3 ngày sau, bà cháu lại lôi cậu ra ngoài ngõ để ông bà Dậu, hành nghề nhổ răng, đồng thời là công an khu vực, chặt phứt cái đùi của cậu. Cả xóm kéo đến tham dự đông hơn giết chó. “Sao không để cho nó chết quách.” Ai đó nói. “Tiên sư mày thằng bộ đội. Cái nồi ngồi trên cái cốc.” Giọng khác chì chiết. “Bác cùng chúng cháu hành quân... ca đi, hát đi, hò reo đi...” Người nữa cố nói bằng nửa con mắt. Cuối cùng, mọi người tan hàng. Nước dãi nước trầu nước mắt nước đái nước mũi cùng máu mủ đờm mồ hôi tuôn rơi thấm đất, lan qua sân, rồi tràn vào tận sàn nhà Bí Vàng. Cậu giờ chỉ còn một chân, và trở thành người thứ ba trong nhà.

Bí Vàng đi loanh quanh trong vườn, múc nước ao xối lên người, rồi đến nằm chỗ quen thuộc, bắt đầu đếm lá bí. Tổng số luôn khác hôm qua, và biết chắc sẽ khác ngày mai. Bí Vàng ngủ thiếp, tỉnh dậy, dưới gáy cộm bởi vật gì, thò tay rút, đó là cuốn từ điển Anh Việt-Việt Anh. Những con chữ dày đặc (như-thể-hứa-hẹn) tựa lá bí đang trườn leo trên giàn, (sẽ) phải đếm mãi đếm hoài. Trong lòng Bí Vàng toả dâng làn khói, cảm giác trải nghiệm lần đầu. Phần dưới bụng trồi trục, cảm nhận về sự hỗn mang cần thiết. Muốn thuộc lòng những con chữ này thì phải ăn chúng. Bí Vàng tự tin mãnh liệt. Bắt đầu ngày mai tập tính kiên nhẫn. Mỗi ngày một chữ, vậy sẽ ăn được vạn nghìn lần. Bí Vàng nhìn cuốn từ điển cười âu yếm, lòng rộn rã, tưởng tượng đến cái hốc trong pháo đài bộ óc bị lãng quên quá lâu, nay cần kiểm tra. Từ điển như dinh thự đồ sộ, vững bền. Bí Vàng quỳ trên cuốn từ điển, thề, “Ta sẽ ăn thịt mi, nghe rõ chưa?” Bí Vàng nói giọng của người lạ (hôm nào) đã xông vào nhà treo ảnh Bác Hồ. Bí Vàng nhận ra Bác Hồ không xấu lắm! Đừng có mắt mà như mù. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Tư tưởng không thông xách bình đông cũng nặng. Bác thở ra thơ khuyên nhủ các cháu. Bí Vàng đứng phắt dậy, thấy lưng bỗng mọc dài thêm ba gang tay. Tối đó, khi rúc mặt trong nách ngoại, ngoại hỏi, “Trưa nay ngủ dậy cháu có thấy cái gì dưới gáy không?” “Dạ có.” “Nó đâu rồi?” “Cháu cất trong hòm. Ở đâu ngoại có vậy?” “Đang trên đường từ chợ về… thấy nó từ trời rơi xuống cái ụp…ngoại vội lấy rổ hứng...” Cuốn sách toàn là chữ là chữ. Thứ chữ của thằng đàn ông có cu cưỡng hiếp con gái bà. Nhưng giờ cháu gái đang cần. Bà nghe tiếng ai nói lùng bùng trong lỗ tai. Bà nín thinh, nén chặt trong lòng sự bí mật. Tin chắc Nó là bùa hộ mệnh cho cháu bà đối phó với đời-sống-đang-diễn-ra.

Bí Vàng, thứ nhất, là biểu tượng không nhan sắc. Thứ hai, là nguồn gốc cuộc xâm lăng. Thứ nhất xí xoá được vì không có lựa chọn. Nhưng thứ hai là tội ác có kế hoạch. Dân miền Nam chiến bại giờ (phải) nhận vơ dân miền Bắc chiến thắng. Bí Vàng là lý do làm bụng họ ngày càng tóp teo, không có gì đổ vào, ngoài bo bo sống, sắn sượng, khoai lang sùng. Màu da Bí Vàng càng đen thì bụng họ càng bùng lửa căm hận. Nhưng họ bị lấn cấn, bởi gã cụt giò đang di chuyển qua lại trong nhà Bí Vàng cực kỳ thản nhiên. Họ bị đẩy vào khối cực kỳ mâu thuẫn. Mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn bên trong. Thằng thua ôm vai thằng thắng. Tha thứ trộn lộn oán thù. Bà ngoại vẫn thở khi nặng khi nhẹ. Từ ngày cậu đến ở, mang theo những từ ngữ mới, dân miền Nam nghe rúm người. Những từ ngữ mạnh mẽ có khả năng khuynh đảo mọi lề lối. Giờ đây người ta bay vì bụng rỗng, chứ không bằng gót chân nứt nẻ như ngày trước.

Đất nước thống nhất rồi bà con ơi! Bác Hồ, vị cứu tinh dân tộc, đấng cứu thế, người yêu nước thương nòi. Chúng ta phải suy tôn Bác Hồ. Đảng Cộng Sản chuyên chính. Nhà nước vinh quang, Nambắctrung viết thành một chữ. Mỗi sáng, Bí Vàng đứng ngắm mặt Bác như ngây như dại. Bác mạnh mẽ, quyết liệt, uy nghi, đầy ắp nhiệt tình. Nhiệt tình đến độ, giả như nửa đêm tướng Giáp đến rủ Bác đi đánh ghen dùm, Bác sẽ hăng hái phóc người dậy, quên cả xỏ dép râu, đội nón cối. Đi. Hai tai Bác vểnh cao, má hóp, mắt sáng, miệng lúc nào cũng sắp cười hay vừa cười xong. Nụ cười cực kỳ sung mãn. Vầng hào quang toả sáng từ làn da khô rang, cái bụng lép xẹp trông mới đáng yêu làm sao! Bí Vàng ưa lấy ngón trỏ thấm nước bọt rồi thoa đều quanh lỗ rốn Bác, chạm được sống lưng Bác, cùng những mảnh xương vụn trật khớp của Bác.

Mở mắt thấy Bí Vàng, cậu nói khẽ, “Sao không là màu đỏ mồng gà, màu tím bằng lăng, màu vàng cải cúc, màu trắng hoa nhài, hả cháu?” Sự thất vọng hiển lộ trong tròng mắt cậu không buồn che giấu. Bí Vàng tự nhủ thầm, hãy kiên nhẫn và sống thật. Bí Vàng thương cậu vì khi cậu đi ngủ có đủ hai chân, giờ thức dậy chỉ còn một. Năm phút sau, cậu mỉm cười, với một mắt bẽn lẽn và một mắt hối hận. Rồi bảy phút sau, cậu lộ vẻ ngơ ngác, như kẻ đi ngược đường. Bà con trong xóm nhìn nhau ái ngại: “Đổi đời - Đời đổi!” Bà ngoại bước ra vườn, cầm theo cái rựa chặt cành khế (âm), róc sạch, làm nạng cho cậu chống. Bí Vàng đứng nhìn bà chặt cành, tước lá, mà nhớ lại hình ảnh ông bà Dậu chặt cẳng cậu hôm nào. Hai tay bà thoăn thoắt, gọn, chắc, khoẻ. Toàn thân cậu giờ đây toả mùi chở che. “Bắc là đâu cơ cậu?” Hoặc, “Dạ, cho cháu xin ạ!” Bí Vàng nói như thế với ngoại khi đưa tay đỡ bát cháo chỉ có 9 hạt cơm nhừ. Lần đầu sờ tóc, vuốt da Bí Vàng, cậu nói như dỗ, “Ông mặt trời sấy khô da và tóc của cháu đấy à!” Bí Vàng nghe, nhe răng cười, “Ổng mải ngủ quên, phơi cháu ngoài nắng lâu quá đó, cậu ơi!”

Hết còn được ca cẩm ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Giờ thì vuốt ve lòng nhau bằng khẩu hiệu với sức người sỏi đá cũng thành cơm, xuất phát từ đất Bắc, nơi ai cũng có hai tay hai chân một đầu, nói thứ tiếng nhẹ mà nặng, nặng mà sợ, sợ mà phách của kẻ chiến thắng. Âm hưởng con chữ cuối cứ vút lên vút lên, như thể tất cả chữ mang độc dấu sắc, dấu đe doạ. Đang là thời bình, mọi người phải biết cười, và cười thật to. Khác với thời chiến, tiếng hát át tiếng bom. Cười với mình, cười với người, cười với những dự đoán không rõ có thích thật hay không. Lạp xưởng ngỡ nến, sao có thể nuốt tọng vào bụng? Chợ về, cá đổ tất vào bồn cầu rửa cho sạch, lỡ tay giật, cá lọt xuống cống, chửi nguỵ giờ còn dám giở thói ba que. Khen máy quạt công bằng, biết quay qua quạt đồng chí một cái, tớ một cái. Đồng hồ ba cửa sổ, mát mẻ thông hơi, khoẻ khoắn. Cà chớn cà chua cà pháo chạy đầy đường phố Hải Phòng. Đèn xanh-đèn-đỏ-đèn vàng biết điều, không cần công an đứng thổi còi chỉ tay năm ngón cho dân đen qua đường. Máy bay Nga nằm nghỉ trong đám mây, chờ máy bay Mỹ bay qua là phóng ra bắn lộn nhào...

Bác ngồi câu cá, trẻ con trong xóm tranh nhau lặn sâu dưới ao móc cá lòng tong vào lưỡi câu của Bác. Bao quanh Bác bao giờ cũng là đàn cháu ngoan cổ quàng khăn đỏ. Cả nước gọi Hồ Chí Minh bằng Bác, xưng gì Bác cũng vuốt râu cười xoà. Lần thứ ba trong đời, ngoài bà ngoại, cậu, giờ đây Bí Vàng có thêm ông Hồ gọi Bác xưng cháu một cách vô tư. Sáng nào ngủ dậy Bí Vàng cũng hồ hởi phấn khởi không cần lý do chính đáng. Bác luôn hiện diện với vẻ hoành tráng không ai được phép so bì. Bác sống cả trong quần chúng. Bác dạy rằng “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phong kiến Bảo Đại đã gục ngã. Đế quốc Mỹ đã bị đánh bại. Chuyên chính vô sản Cộng Sản Muôn Năm. Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết! Hình Bác Hồ lộng kiếng treo ngoài chợ, mỗi khi thằng Phước (giả) khùng đi ngang, ngó, cười khì, rồi hô to, “Bảng đỏ sao zàng. Bỏ đảng zào sang!”

Bởi ngoại chột một con mắt nên tất cả ánh sáng đổ dồn hết vào con mắt còn lại. Nhưng nó vẫn không đủ sáng để giúp ngoại thấy cái kim đít vàng rơi xuống đáy ao chứa đựng nước mắt. Hoặc cái đinh rỉ sét chôn sâu dưới gốc cây khế (âm) gần trăm năm.

Đất nước thống nhất nhưng không cung cấp đủ công ăn việc làm cho người dân. Không có việc làm thì sao cắt nghĩa, giải quyết quyền lao động, luật công đoàn. Dân đen gặp nhau cùng khoe hàm răng vẩu, vẫy tay gọi đồng chí ơi đồng chí à đồng chí ạ mà ruột đồng chí nào cũng rỗng như bao ni lông tái dụng phồng căng chứa toàn không khí. Đồng chí cấp dưới nhìn đồng chí cấp trên khúm núm lo sợ như sổ gạo thời bao cấp sắp bị tịch thâu. Đồng chí nữ thủ thỉ rằng đồng chí nam là cái đệm thịt êm ái ơi. Đồng chí nam vỗ về đồng chí nữ là cái máy đẻ dấu yêu ơi. Thực tế thì nữ cần hộp băng vệ sinh và nam cần bịch bao cao su. Hai thứ này đâu cần phần tư thế kỷ bắn giết nhau mới nghĩ ra được. Cứ tưởng tượng đồng chí là bạn của thượng đế rồi tự sướng, mà quên rằng chữ “thượng đế” Bác đã gạch khỏi từ điển đời Bác từ thời hai hòn dái Bác còn xinh xắn, tròn trĩnh, cứng ngắc như hai hòn bi. Ngàn năm trước lão Tàu phong kiến đô hộ, dạy rằng phụ nữ tồn tại ở hành tinh này với mục đích đẻ con trai. Trăm năm trước bọn Tây thực dân tuyên bố chắc nịch rằng đàn bà là đồ chơi của đàn ông. Giờ đây những đồng chí gặp nhau, cùng thở dài chép miệng, ôi! chúng ta đầu thai lầm thế kỷ. Bí Vàng thấy màu đỏ rợp trời Nam. Màu đỏ là men say của những ai cương quyết đạt chiến thắng bằng mọi giá. Mà ai chiến thắng ai? Làn gió bao giờ lại chẳng thổi một vật gì đó, chiếc lá khô cằn chẳng hạn. Làn sóng công an đỏ kềm kẹp chùm trái tim bị cột túm, đập thình thịch thình thịch thình thịch. Nỗi sợ nghiền nát tầng lớp mà cách mạng gọi là con nhà có của. Bọn cần được thanh tẩy. Tiểu tư sản bị gọi là tư hữu, rồi bị truất quyền sở hữu, dù sở hữu của Bí Vàng chỉ có mỗi cái quần đùi tưa gấu cũng phải cắn răng lột truồng cho bằng/giống người hàng xóm bốn bên. Tước đoạt sở hữu. Cách mạng dạy rằng vấn đề nằm ở chỗ chẳng phải ít hay nhiều mà là kẻ ít người nhiều. Thế thì xoè mười ngón tay, sao ngón út bé bỏng nhất, vô tích sự nhất, nhưng lại dễ yêu nhất. Mặt trời vốn đã đỏ kè, giờ chỉ biết thở dài ngao ngán, còn không đành thở hắt vội vã, cho xong.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

 

Đã đăng:

... Võ Thị Gái bận quần lãnh đen, áo màu hoa bí nụ, bước dần vào lòng đại dương, nơi nước đang tuôn vào vĩnh cửu. Mùi đất để lại sau lưng, tay thõng với những móng hồng non. Nước bắt đầu ngập ngón chân, rồi trọn bàn chân, rồi qua cổ chân. Nước biển len dần vào cửa mình, bụng, lỗ rốn, ngực, rồi cổ rồi cằm rồi miệng rồi mũi và rồi là mái tóc đen loà xoà, vết tích cuối cùng... (...)
 
... Bí Xanh khóc cùng bè với bọn dế nhủi tinh nghịch, với mụ ộp oạp già hơn trăm tuổi. Bí Xanh ngó vòm trời, từng chùm sao thi nhau phóng dao tua tủa, quên cả thở. Bí Xanh nghe tiếng ngáy, hắt xì, ngáp, và nấc cụt của bầy côn trùng hấp hối. Con cún ghẻ từ đâu xuất hiện mơn trớn dỗ dành Bí Xanh: ngủ đi ngủ đi ngủ đi mày nhé... Cây ổi đồng trinh say mê khiêu vũ một mình trong bóng đêm, quanh chỗ Bí Xanh nằm, toả mùi thơm dị kì... (...)
 
... “Thức ăn ai cho?” Bí Xanh hỏi. “Mỹ.” Bọn trẻ đồng thanh trả lời. “Tiếng nói ai cho?” “Tây.” “Học hỏi từ ai?” “Tàu.” “Sức mạnh dựa vào ai?” “Nga.” “Muốn bắt chước ai?” “Nhật.” “Dân tộc nào đã bị ta diệt?” “Chiêm Thành.” “Thế ta là ai?” Bọn trẻ con ngơ ngác nhìn nhau, rồi phá ra cười nắc nẻ... (...)
 
... Trong người Bí Xanh phát ra tiếng sóng. Lẫn trong tiếng sóng giọng người đàn bà: “Con hãy yêu thương con người. Con người sống với nhau. Chỉ con người mới cứu giúp được con người.” Đêm hôm đó toàn thân Bí Xanh chìm trong bể nước ấm áp, thơm mùi dễ chịu... (...)
 
Ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, Bí Xanh gọi (nó) là thứ bệnh dịch, với khả năng truyền nhiễm cực nhanh. Người người di chuyển như thần chướng thổi lùa nửa số dân trong xóm loã thể đi lui. Dịch Đi Lui... (...)
 
... Bí Xanh đi theo bước chân thúc bách của (bóng) mình. Bước chân chẳng thể dừng để nghĩ ngợi ở những ngã ba ngã tư cuộc đời. Bỗng nghe tiếng nổ chát chúa, kế tiếp là tràng cười giễu cợt. Bí Xanh ôm đầu. Ngất. Ngất là xong, là hết, là phủi sạch... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021