thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH [kỳ 8] — phần II: Bí Vàng

 

 

 
Lê Thị Thấm Vân, nhà văn / nhà thơ, đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ, đã xuất bản một tập truyện ngắn, một tập tiểu luận, một tập thơ, và bốn cuốn tiểu thuyết.
 
BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Lê Thị Thấm Vân, do nhà xuất bản Anh Thư ấn hành năm 2005.
 
Dưới đây là ấn bản điện tử (có bổ khuyết) được phổ biến lần đầu tiên trên Tiền Vệ (tháng 6/2008).

 

__________

 

 

BÓNG GÃY CỦA THẦN TÍCH

 

Đã đăng: [kỳ 1][kỳ 2][kỳ 3][kỳ 4][kỳ 5][kỳ 6][kỳ 7]

 

phần hai

 

Bí Vàng

 

 

Ngoại bịa với người trong xóm rằng “Cậu ấy là con cả của anh trai tôi ra Bắc tập kết từ năm năm tư.” Bí Vàng phục trí tưởng tượng và óc khôi hài của ngoại sát đất. Thời chiến, ngoại nhận đứa bé chưa đầy tuổi bị mất cha mẹ trong trận pháo kích làm con nuôi. Đứa bé được ngoại đặt cho cái tên là Võ Thị Gái. Thời bình, ngoại nhận cậu bộ đội chân chất bá vơ tận đẩu đâu thành máu mủ ruột thịt. Những lúc rảnh rỗi, nằm thẳng cẳng dưới giàn bí, Bí Vàng thấy rõ mọi sự trong Quá khứ và Hiện tại. Đêm qua, cậu nói với ngoại rằng, con bé sao mà bé thế! Bé đến mức trời hơi chập choạng một tị là cháu chịu, chẳng thấy gốc lẫn ngọn đâu cả. Trong giọng nói của cậu, chan pha mùi thương cảm. Có hôm, cậu lấy tay chùi trán Bí Vàng, nói dính mồ hóng. Không phải mồ hóng mà lọ nghẹ đấy cậu ơi! Bí Vàng vừa nói vừa cười. Cậu trố mắt, há hốc mồm, chìa mấy cái răng dài, to, xiêu vẹo không còn màu nguyên thuỷ. Cái gì cũng lạ, đã gọi là Đổi Đời cơ mà. Cậu lạ cháu, cháu lạ cậu, vậy hai ta đồng đẳng nhá! Bí Vàng nghĩ chỉ mình ngoại là chẳng khác đi mấy. Ngày chưa giải phóng, buổi sáng ngoại được ăn hai củ khoai, giờ chỉ còn một, rồi còn phải bẻ đôi chia cho cậu nữa chứ. Ngoại đi khuất ngõ, Bí Vàng còn nghe tiếng óc ách sôi sục trong bụng ngoại theo gió vọng ngược vào nhà. Nhưng phải công nhận rằng, nhà giờ đây ấm áp hơn, dễ chịu hơn, vì sự có mặt của cậu. Nhà không hề khoá cửa, đơn giản vì không có cửa.

Mỗi lần nhìn cậu, ngoại chặc lưỡi thở dài, rồi nói không cơ man nào hiểu hết nỗi khổ đau, nhọc nhằn cậu đã trải qua với từng ấy tuổi mà giờ còn sống sót. Đường mòn Hồ Chí Minh, địa đạo Củ Chi, núi rừng Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, súng nổ, bom rơi, tử thi đồng đội, xác quân thù… còn bám rịt trên da thịt cậu. Đôi khi trong ngày, từ rốn cậu phun ra luồng khói xanh đậm, đặc kín mùi máu, mùi bùn, mùi xác chết sau trận giao chiến. Chỉ ăn rau má mà phá (được) đường tàu. Thiệt là đại tài! Cậu bảo ngoại là thành phần công nhân lao động tốt. Còn Bí Vàng, cậu chần chừ đúng 3 giây, rồi nói giờ là cháu ngoan của Bác Hồ. Bác Hồ hay bà ngoại và cả cậu, ai Bí Vàng cũng xưng cháu tuốt. Cậu gọi Bí Vàng là đứa con pha giống, nghe văn hoá phết! Trưa hôm qua cậu bảo cậu là người không chết khi phải chết, mà sẽ chết khi có thể chết.

Bí Vàng chợt thức giấc vì cuộc chuyện trò giữa ngoại và cậu. Bí Vàng hé mắt thấy cậu móc trong túi áo bên phải ra gói thuốc Vàm Cỏ, đặt lên bàn. Rồi cậu móc trái tim bên trái ra, cũng đặt lên bàn. “Thôi… thôi…” ngoại vội xua tay, nói, “Tôi tin cậu là thằng bộ độ chân chất hiền lành. Từ hồi trong bụng mẹ đẻ, cậu đã được Bác Hồ dạy phải cứu nhân độ thế. Miền Bắc phải giải phóng miền Nam. Như đôi dép râu thất lạc, chiếc phải mong gặp lại chiếc trái. Đồng bào bên này vĩ tuyến mong ngóng đồng bào bên kia vĩ tuyến. Cậu không ma cô ma cạo, không ba que xỏ lá, không đầu đường xó chợ. Cậu không lạm dụng lòng tin của tôi.”

Cậu đúng là bóng cây mát rượi trưa hè, là quạt nan ngoại phe phẩy đuổi muỗi trong đêm, ru dỗ Bí Vàng ngủ ngon. Nhiều năm cậu lặn ngụp trong rừng, giờ trở thanh người rú. Cậu mang cả rừng rú trú ngụ trong nhà. Cậu là người chân thật, dễ tin, tốt bụng. Bí Vàng cám ơn Bác Hồ đã mang cậu đến cho Bí Vàng. Tư Bản - Vô Sản - Chiến Tranh - Hoà Bình - Mỹ Nguỵ... Tất cả mọi khẩu hiệu nằm hết ngoài ngõ. Ban đêm, mái tóc ngoại rũ ra, Bí Vàng thò tay lấy vạt tóc ngoại vắt qua mặt, như thể ngăn chặn thế giới bên ngoài xâm nhập. Sáng thức dậy, nhìn ra sân trước, thấy ngoại đang súc miệng, rửa mặt. Nhìn ra sân sau, thấy cậu đang bứt từng cọng rau má nấu nước để cả nhà uống cho mát. Rồi cậu rửa, kì cọ hai nách thật kỹ càng. Cậu lấy xác vỏ cau chà mạnh hàm răng không cái nào giống cái nào, màu nào ra màu nào. Nước miếng trên lưỡi cậu quyện bụi phương xa. Nhiều lần cậu thủ thỉ trong tai Bí Vàng rằng, cậu rất thương nhớ nơi có những con đê quyện bụi đỏ. Còn ngoại, giờ đây không khấn vái tứ phương như trước nữa. Bí Vàng hỏi tại sao. Ngoại trả lời không còn tin có ông thần nào phù hộ con người. Ngoại đã khẩn cầu mỗi ngày, suốt cuộc đời, chẳng thấy thần thấy thiếc gì phù hộ cả. Chỉ ngoại phù hộ ngoại. Vuốt tóc Bí Vàng, ngoại nói mong sao sự sống cả ba luôn mạnh mẽ, bởi nỗi sầu đau đang xâm chiếm mạch sống khắp muôn nơi.

Từ ngày cậu cư ngụ trong nhà, Bí Vàng thường bị đánh thức vào khoảng 2 giờ sáng bởi mùi khét lẹt da thịt người cháy. Có hôm lại ngửi mùi những viên đạn rỗng ruột đẫm máu bầm móc ra từ thân thể cậu. Bí Vàng nhớ hôm ông bà Dậu chặt cẳng cậu, moi ra từng viên đạn đầu đồng. Ban đầu bọn con nít trố mắt trái kinh ngạc, mắt phải sợ hãi, nhưng chúng không quên đồng thanh đếm 1-2-3-4-5-6-7-9-12-14-21-35-41... 109-276-302... Cứ thế, thêm một con số, là moi thêm viên đạn đầu đồng. Giết một mạng hay cứu sống một mạng? Giờ đây, chẳng còn ai bận tâm, chia trí. Mọi người đang sống trong thời bình, nhưng gắng thương yêu, chở che, bảo bọc nhau một cách kh(ổ)ó nhọc. Ông Dậu đếm đến con số 407 thì phải về nhà tắm rửa cho đứa con nửa nam nửa nữ bị chứng đau tim bẩm sinh, và cũng đến cữ rượu đế. Chỉ còn lại bà Dậu, ngoại và Bí Vàng. Những đứa trẻ mỗi đứa về nhà không quên cầm chắc trong tay viên đạn đầu đồng làm kỉ niệm. Cuối cùng, bà Dậu chùi hai bàn tay đẫm máu vào quần lãnh đen, nói nhỏ, “Xong rồi.” Bà ngoại chùi mồ hôi, Bí Vàng chùi nước mắt.

Mỗi ngày Bí Vàng rửa những kẽ chân còn lại của cậu bằng nước mưa đêm, hứng trong lu, không có con lăng quăng nào chết dầm trong đó cả. Ngoại lấy que cạy đất ghét cáu bẩn bám quanh viền móng tay. “Tại sao cái gì dơ bẩn cũng màu đen hết hở ngoại?” Bí Vàng hỏi. Những nếp nhăn trên mặt ngoại bỗng đổ dồn một bên mặt. Ngoại ra vườn hái lá bí non mới nhú, hoa bí sắp tàn, nhai nát đắp lên vết thương cho cậu. Vết thương lành, nhưng mùi rừng rú, bom-súng-đạn, tử thi sình thối, thịt người khét lẹt vẫn phảng phất trong không gian. Ngoại lấy áo ít bị vá nhất, nhúng xuống ao, nước chảy long tong, vắt ráo, hơ lửa, rồi phủ lên cẳng cụt của cậu mỗi đêm.

Từng ngày, từng ngày một, thìa cơm nguội Bí Vàng nhai rất kỹ, đợi chờ tiêu hoá. Từng chữ, từng chữ một, trong cuốn từ điển dày cộm cũng phải hành xử như thế, cần được tiêu hoá. Phải làm sao như lá bí xanh, hoa bí vàng thay nhau mọc và rụng quanh năm nhưng rễ chẳng hề nao núng. Ba người sống trong nhà tìm cách thích ứng lẫn nhau. Da mặt màu nhọ nồi Bí Vàng sau đợt bị ong chích — tưởng đã nằm luôn dưới lòng đất — nhờ phép lạ vô tình của cậu cứu kịp thời. Nay da Bí Vàng lổm chổm như đá ong, hết khả năng doạ nạt, gây căm phẫn, hay săn lùng giết cho được những giấc mơ quỷ ám trong đầu cậu khi say ngủ. Lúc thức, trong tầm kiểm soát suy nghĩ, cậu và Bí Vàng hết còn xa lạ, nghi ng(ại)ờ. Cậu luôn nhắc nhủ cuộc chiến đã kết thúc. Ngày 30/4/75 là ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng. Cậu nối tiếp lòng chiến đấu dũng cảm vì tin vào sự tốt lành của nhịp đập con tim. Sự kiêu hãnh của đấng nam nhi trong thời giặc Ngoài xâm lăng. Bí Vàng nghe tưởng như điệp khúc vừa ngây thơ vừa buồn bã. Cậu không nói giặc Mỹ vì biết ngoại không vui, không thích nghe, thậm chí triệt để cấm. Có một số chữ cấm kị, như đen đủi, quỷ dữ, Mỹ lai, địa ngục, con hoang, con vô thừa nhận. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Bí Vàng không cách gì nhớ nổi, chỉ nhớ mẫu tự đầu nào cũng phải viết hoa, và tên HỒ CHÍ MINH phải viết to, in đậm. Cậu bảo, do sự tử tế và lòng tốt, trái tim cậu có được 9 giọt máu của Bác. Cậu cũng không quên nhắc lại là dân ta đã sống qua mùa địa ngục. Cậu bảo giờ đây không nên ôn lại tội ác Mỹ Nguỵ. Cậu là người cực kì tế nhị, như khi nãy cậu chống gậy ra vườn, ngắt cọng bí quăn tít, kéo dài, nói tóc Bí Vàng và cọng bí tựa như nhau, nghĩa là Đẹp. Mỗi khi Bí Vàng chun mũi, khịt khịt vì mùi lá tươi rừng rú súng đạn da thịt người cháy khét lẹt toát ra từ người cậu, thì ngoại bảo đừng làm như thế cháu à, bà thương thật thương mùi đó. Mùi khổ nạn.

Cậu gồng tới căn nhà này cả gánh mùi lá rừng, mùi bụi đường xa, mùi tử thi đồng đội. Vậy mà giờ đây, trong phút-nói-thẳng-nói-thật, hay đang mớ, cậu bảo chẳng muốn nhớ chút nào nữa cả. Như thể cậu tự tạo ra ảo tưởng để rồi thất vọng. Cậu có thể kiểm soát nỗi buồn đau trong ngày trời sáng trưng. Nhưng trong đêm tối, giữa giấc ngủ không kịp trở giấc, cậu giơ tay đầu hàng vô điều kiện. Bí Vàng nhận thấy, cậu đã bớt ngâm nga, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” Đôi khi, bất chợt, nhân dạng cậu là một đám mây băng giá.

Cậu rời nhà lúc hừng đông, trở về nhà trời bắt đầu nhá nhem. Mặt cậu thẫn thờ. Vẻ thẫn thờ khác lạ, chẳng phải thương nhớ, tiếc nuối cái cẳng đã đứt lìa thân xác, dù hơn nghìn lần cậu bảo Bí Vàng rằng cậu bị mất cái thú rung đùi. Bí Vàng len lén theo dõi cậu sau những kẽ tay xoè. Đêm đó, cậu đứng nói một mình mà tưởng nói với ai đó rất đỗi thân thương đang ở phía bên ngoài cửa sổ. Những đồ vật cậu ước ao sở hữu có cùng chữ đ: đèn pin, đồng hồ, xe đạp, đài radio... như hầu hết các chú bộ đội sinh Bắc tiến Nam ước mơ & đạt được. Bà ngoại cứ thở vô thở ra thở hắt thở dài thở dốc thở ngắn theo từng cơn gió trời đêm oi ả lọt thỏm vào nhà, bởi bà tưởng rằng cậu ước muốn đàn bà. Bí Vàng nằm yên, ngưng thở, thấy trong đầu cậu phất phơ cái quần lót của mẹ cậu phơi ở bờ giậu, đũng đáy vá đụp để cất & giấu vài đồng xu lẻ. Hôm nọ, cậu lạc ra chợ, ngạc nhiên trố mắt thấy sao đít con gái miền Nam có ba đường gân nối kết thành hình tam giác. Một ngang và hai dọc, tựa cái nón hay chữ V có khả năng kích thích cậu mọc thêm cái chân con con, nhưng cứng ngắc, chỉ mình cậu biết, dù chính cậu chẳng ngờ. Cực sướng & cực khổ đánh vật cùng lúc trong con người cậu. Sáng sớm hôm sau, mắt miệng cậu nhắm khít, cố gắng lắm mới mở ra được vài chữ lí nhí với ngoại rằng, cậu xin ít tiền để đánh điện tín về phương Bắc, báo người nhà biết rằng mọi sự đã ổn, cứ chờ đấy. Cậu không cho họ biết rằng cậu không còn đi bằng hai chân nữa. Giờ đây, cậu hay gọi Bí Vàng là đen thương ơi... đen thương à...

Bà ngoại - Bí Vàng - Cậu có cùng thực tại là thèm ăn, và thực tế là thiếu ăn. Đêm, cả ba nằm nghe tiếng ùng ục ùng ục… ôn nghèo kể khổ trong bụng nhau. Ánh trăng chỉ để đỡ vài đồng dầu cặn. Cậu ra sau vườn hồ hởi phấn khởi trồng 3 dãy khoai lang và 4 dãy khoai sắn. Khoai sắn lá chưa mọc rễ đã thối. Khoai lang trồng được 7 ngày, nhổ lên, giống bầy lợn tí hon, tròn vo, đỏ hỏn. Trời sắp tối, cậu nhắc Bí Vàng đi rửa mặt, “Này bà mặt trời nhá nhem, này cái mặt con đen lem nhem, thèm mút cà rem.” Hai cậu cháu cười to. Cậu cười giọng thanh, Bí Vàng cười giọng đục, nhưng cả hai trùng ý. Tai ngoại nghe không rõ, nhưng thấy cậu cháu cười ngoại cũng hả họng cười theo. Chiều qua, cả ba ngồi lưng quay ra vườn, bụng quay vô nhà, cùng ngốn nồi khoai luộc ngùn ngụt khói. Lúc đó, nước bọt thổi chùm bong bóng bám chặt khoé miệng người hàng xóm. Khoai lang nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Khoai lang chắc nịch, không lõng bõng lơi bơi. Răng ngoại cái còn cái mất cái gãy cái hư cái lung lay, nhưng hoàn toàn không răng mô với những củ khoai lợn tí hon cậu trồng tưới bằng nước ao nhà buộc lòng nhổ sớm. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nam-Bắc-Trung thống nhất một nhà. Kết quả 30 năm cách mạng là thế này đây! Bí Vàng ủ kín mấy củ khoai bốc khói nằm lặng yên dưới đáy dạ dày. Ngoại nghiêng vai nói khẽ, “Ba người mình chưa bị đày đi kinh tế mới là phúc đức bảy mươi đời đấy, cháu ạ!”

Cậu nói giải phóng được dân tộc là đã đi được nửa bước. Nửa bước còn lại sẽ giải phóng luôn nhân loại. Thế-Giới-Đại-Đồng. Đoàn Kết & Quyết Thắng. Khi cậu lặp lại lời Bác, Bí Vàng nghe tiếng ộp oạp rống to bất thường của ễnh ương mẹ đang kiếm tìm ễnh ương con thất lạc trong đêm. Mưa to làm ngập ao, mất phương hướng. Bí Vàng run rẩy, răng va đập không ngớt. Ngoại bảo để yên cho cậu mộng tưởng. Cậu nói chỉ mình cậu tin/hiểu. Mộng tưởng làm cậu sinh tồn và tự sướng, miễn cậu không vác súng, dí dao, bật chốt lựu đạn bắt người khác nói theo, làm theo là được.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

 

Đã đăng:

... Võ Thị Gái bận quần lãnh đen, áo màu hoa bí nụ, bước dần vào lòng đại dương, nơi nước đang tuôn vào vĩnh cửu. Mùi đất để lại sau lưng, tay thõng với những móng hồng non. Nước bắt đầu ngập ngón chân, rồi trọn bàn chân, rồi qua cổ chân. Nước biển len dần vào cửa mình, bụng, lỗ rốn, ngực, rồi cổ rồi cằm rồi miệng rồi mũi và rồi là mái tóc đen loà xoà, vết tích cuối cùng... (...)
 
... Bí Xanh khóc cùng bè với bọn dế nhủi tinh nghịch, với mụ ộp oạp già hơn trăm tuổi. Bí Xanh ngó vòm trời, từng chùm sao thi nhau phóng dao tua tủa, quên cả thở. Bí Xanh nghe tiếng ngáy, hắt xì, ngáp, và nấc cụt của bầy côn trùng hấp hối. Con cún ghẻ từ đâu xuất hiện mơn trớn dỗ dành Bí Xanh: ngủ đi ngủ đi ngủ đi mày nhé... Cây ổi đồng trinh say mê khiêu vũ một mình trong bóng đêm, quanh chỗ Bí Xanh nằm, toả mùi thơm dị kì... (...)
 
... “Thức ăn ai cho?” Bí Xanh hỏi. “Mỹ.” Bọn trẻ đồng thanh trả lời. “Tiếng nói ai cho?” “Tây.” “Học hỏi từ ai?” “Tàu.” “Sức mạnh dựa vào ai?” “Nga.” “Muốn bắt chước ai?” “Nhật.” “Dân tộc nào đã bị ta diệt?” “Chiêm Thành.” “Thế ta là ai?” Bọn trẻ con ngơ ngác nhìn nhau, rồi phá ra cười nắc nẻ... (...)
 
... Trong người Bí Xanh phát ra tiếng sóng. Lẫn trong tiếng sóng giọng người đàn bà: “Con hãy yêu thương con người. Con người sống với nhau. Chỉ con người mới cứu giúp được con người.” Đêm hôm đó toàn thân Bí Xanh chìm trong bể nước ấm áp, thơm mùi dễ chịu... (...)
 
Ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, Bí Xanh gọi (nó) là thứ bệnh dịch, với khả năng truyền nhiễm cực nhanh. Người người di chuyển như thần chướng thổi lùa nửa số dân trong xóm loã thể đi lui. Dịch Đi Lui... (...)
 
... Bí Xanh đi theo bước chân thúc bách của (bóng) mình. Bước chân chẳng thể dừng để nghĩ ngợi ở những ngã ba ngã tư cuộc đời. Bỗng nghe tiếng nổ chát chúa, kế tiếp là tràng cười giễu cợt. Bí Xanh ôm đầu. Ngất. Ngất là xong, là hết, là phủi sạch... (...)
 
... Bí Vàng thấy màu đỏ rợp trời Nam. Màu đỏ là men say của những ai cương quyết đạt chiến thắng bằng mọi giá. Mà ai chiến thắng ai? ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021