thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]

 

(Cho người tôi yêu thương)

 

1

 

Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn.

Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi.

Bố ngồi dán dính trước màn hình TV. Có một trận bóng đá được tường thuật trực tiếp. Những ngày này, không có điều gì khiến bố quan tâm hơn là một trận bóng đá. Ông thuộc tên các đội bóng một cách đáng kinh ngạc khi chúng cứ liên tục được đổi tên và, mỗi năm, tên mỗi đội lại gánh theo cả tên một vài công ty dài dằng dặc và chẳng hề liên quan gì đến bóng đá. Khi ông ngồi xem trận đấu, có thể thấy rõ là mọi thứ xung quanh ông đã chết hẳn. Chỉ còn ông và những âm thanh sống động, tiếng hò reo, tiếng còi huýt, những lời bình luận phát ra từ miệng của một tay bình luận viên mà mới đây đã được trở thành người tường thuật chính cho những trận bóng sau khi rất nhiều đồng nghiệp tiền nhiệm đã bỏ qua một đài truyền hình cạnh tranh với mức lương hấp dẫn hơn. Tôi còn nhớ rõ, thi thoảng, tiếng của hắn lọt vào tai tôi, một cách đầy vô tình và rất khó chịu, vì hắn nói rặt một thứ giọng địa phương và thậm chí, đôi khi còn để ngọng vần ln. Và rồi, bố cũng sẽ nói. Như thể bố đang trò chuyện với cái TV đó.

Bố bắt đầu nói chuyện một mình từ khoảng hơn một năm trước. Hôm đó, hai mẹ con tôi đang cùng chuẩn bị bữa cơm chiều dưới bếp. Tôi đang dở tay gói nem. Rồi cả mẹ và tôi bắt đầu nghe thấy tiếng của bố như đang nói chuyện với ai đó. Ông nói: “Đã bảo là không được mà sao cứ cố thế hả?”. Tôi tưởng mình nghe lầm. Rồi tôi hỏi mẹ. Hai mẹ con tôi dừng tay trong chốc lát và để tâm lắng nghe. Nhà trên lại chìm vào yên lặng. Rồi khi tôi vừa thả vào chảo dầu nóng chiếc nem thứ nhất, đột nhiên, chính là mẹ, hỏi tôi: “Hình như bố có khách à con?”. Tôi trả lời, không chắc chắn lắm: “Có thể thế mẹ ạ”. Rõ ràng cả hai chúng tôi đều nghe thấy bố nói thật. Giọng bố dường như đang có vẻ cáu gắt. “Sao lại có thể ngu dốt thế cơ chứ? Đã bảo là không được rồi”. Mẹ vớt vội rau sống ra rổ nhựa, rồi đứng lên bước về phía phòng khách.

Vài phút sau, mẹ đi xuống, rồi tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Bà nói: “Ông ấy mắng mấy thằng đá bóng trên TV”.

Bố đã bắt đầu những câu chuyện một mình như thế. Ví như lúc này, bố ngồi trước màn hình TV và theo dõi một trận bóng, bố sẽ tranh luận với những người mà bố nhìn thấy nhưng ngược lại, họ không, chưa và sẽ chẳng bao giờ gặp bố, biết bố là ai. Đầu tiên, bố sẽ reo lên như một đứa trẻ và đọc rành rẽ tên của những cầu thủ bố thích, sau đó bố sẽ nói chuyện với ông trọng tài chính, góp ý về cách ông ta nên thổi còi hay rút thẻ ra sao, cuối cùng, bố sẽ nói nhiều nhất, với tay bình luận viên nói ngọng đó. Và bố sẽ thật đắc thắng nếu tay bình luận viên nọ chưa kịp đọc hoặc đọc sai tên của các cầu thủ ngoại, giờ đang dần trở nên rất phổ biến ở giải bóng đá hạng nhất quốc gia.

Còn mẹ thì sao?

Mẹ đang cúi đầu vào một cuốn sách. Mẹ đeo kính viễn thị, gọng vàng – một món quà sinh nhật của anh tôi dành cho mẹ khi bà qua tuổi 55. Mẹ rất ghét kính, tất cả các loại kính; nhưng bây giờ thì bà buộc phải mang chúng. Đối với bà, đeo kính là dấu hiệu của tuổi già, thừa nhận sự bất lực của tuổi tác trước thời gian. Tôi nhớ, cho đến ngày tôi biết đeo kính mát có thể là một cách trang điểm thì mẹ vẫn chỉ có duy nhất một cặp kính màu cánh gián. Nó làm từ mica – một thứ nhựa mà vào lúc mẹ mua, nó là một thứ xa xỉ, rất có giá trị. Cặp kính đó trông rất đáng yêu, với hai cái mắt tròn tròn, duyên dáng. Cặp kính này tôi đã làm mất khi mẹ cho mượn. Đúng hơn, tôi bị ăn cắp.

Cái thằng ăn cắp đó, nó chết rồi.

Một cái chết đầy tức tưởi, vì một căn bệnh lạ. Vào lúc mà tôi mới chín tuổi, sẽ không ai nói tới bệnh ung thư. Người ta chỉ nói, không hiểu vì sao mà ông A bà B anh C chị D nào đó chết. Ung thư sẽ là tên của tất cả các loại bệnh vô phương cứu chữa và sau này trở nên phổ biến nhờ trào lưu phim Hàn Quốc. Lúc đó, tất cả chỉ được đặt chung một cái tên: căn bệnh lạ.

Nó là con nuôi một người đàn bà không chồng đáng thương trong khu tập thể. Mẹ tôi kể, vào cái ngày bà ta đón nó về, người ta đã tiên đoán, bà sẽ phải đau khổ vì nó. Không ai không đoán ra được nó chính là con của “con bớp” duy nhất của thị xã. Thị xã có duy nhất một cô điếm vào thời điểm 18 năm trước. Cô ta vứt nó lại trước cửa bệnh viện thị xã, nơi mà ngày nay không ai còn có thể nhận ra những bức tường rào quét một màu trắng của vôi sống nấu dở vẫn còn lổn nhổn sạn vì tất cả đều đã thay đổi. Cả những bức tường rào mới xây lên, tấm biển đề tên bệnh viện cùng chữ thập đỏ quét bằng sơn cũng bị khuất lấp sau các dãy bán sữa, hoa quả, bánh kẹo,…; tất tật mọi thứ chạy liên hoàn cho tới chỗ mà người ta nghĩ không có ai đến thăm bệnh nhân lại chịu ra tới đó nữa. Một cô điếm mang số phận hẩm hiu với một nghịch lý rõ ràng không được ai thừa nhận, rằng chính cô ta, là người đàn bà đã mang lại rất nhiều thứ gần như hạnh phúc cho những người đàn ông “có vấn đề”.

Tôi muốn kể thêm về thằng bé đó. Nó có một đôi mắt rất không bình thường. Tới giờ, tôi vẫn còn có thể nhớ rõ cặp mắt của nó, vì tôi đã không gặp bất kỳ ai có một đôi mắt như nó nữa. Không, không một ai. Tất cả các bà mẹ trong khu tập thể đều dặn con mình không nên chơi với nó, trong đó có cả mẹ tôi. Người lớn tạo ra những hố ngăn mà bạn biết đấy, lũ trẻ đều thích trò chơi nhảy ngựa qua những cái hố, và thậm chí nếu khoảng cách ấy có lớn như một mặt hồ thì chúng cũng tìm cách bơi qua thôi. Thằng bé vẫn được đón nhận như một phần của cái cộng đồng trẻ con ngây thơ, non nớt ấy. Bạn có thể tưởng tượng được không, nó có hai hàng lông mi quả là độc nhất vô nhị. Đen bóng và ngắn cụt lủn, như thể mọc nhầm chỗ và chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện nổi chức năng ngăn mồ hôi như trong sách sinh học vẫn dạy. Rồi sau đó, khi nó lên lớp 2, một buổi sáng tới trường cùng nhau, tất cả lũ trẻ con chúng tôi đã kinh sợ khi nhìn nó cầm một chiếc dao lam han gỉ, bẩn thỉu có lẽ lượm được đâu đó lên xén từng sợi mi. Có đứa con gái yếu tim đã khóc ré lên. Còn lại, những đứa tò mò đều chăm chú nhìn công việc nó đang thực hiện. Như một hành vi tôn giáo, thiêng liêng, chậm rãi, im lặng, thản nhiên. Tất cả hàng mi đều bị xén vẹt như thế trước những con mắt ngơ ngác của lũ trẻ. Khoảng thời gian nặng nề, nghẹt thở đó có lẽ chỉ kéo dài chốc lát rồi cả hai hàng mi biến mất không dấu vết, chỉ còn trơ lại hai lòng mắt nó đảo lia lịa và đang dần đỏ rực lên, có lẽ vì bị cay.

Nó là đứa trẻ đầu tiên trong khu tập thể liên tục đúp hai năm liền – quả là một thành tích đáng nhớ vì ngày ấy, nếu chúng tôi không đạt học sinh tiên tiến thì đó là nỗi nhục nhã lớn nhất của các bậc cha mẹ, tất nhiên kèm theo điều kiện là phải có hạnh kiểm khá trở lên nữa. Nó càng lớn trông càng ngổ ngáo, càng chẳng giống ai, chỉ giống duy nhất người mẹ đẻ ra nó. Mọi người nói, người đàn bà đó, giờ đã trông như một cái xác ve, trở thành một cô điếm già, ít khách và buồn tủi, thường giấu mình nơi đống rác gần vườn hoa thị xã, đón nhận những tay khách chỉ có chút tiền dằn lưng.

Tôi vẫn còn nhớ, trong những ngày thơ ấu đó, tôi đã nhìn mọi việc trong trẻo tới mức nào. Không, có lẽ không phải riêng tôi. Mọi đứa trẻ đều đã trong trẻo và thơ ngây như thế. Trong trẻo và thơ ngây, tới mức, tôi đã nghĩ rằng, nếu tôi yêu thương thằng bé đó, nó sẽ trở nên đỡ lạc lõng hơn, nó sẽ bớt dị thường hơn và rồi, chúng tôi sẽ lớn lên, tốt đẹp cả.

Và để thực hiện ý nghĩ ấy, tôi bắt đầu tiếp cận thằng bé. Tôi chỉ có một người anh trai, vì thế, trong gia đình, tôi được thương yêu hết mực. Tôi muốn gì được nấy. Khi tôi lên lớp hai, bố mua cho tôi một chiếc xe đạp mini màu xanh của Liên Xô. Nó có cái gióng ngang rất cao, và để tôi có thể đi được, bố đã nhờ một người thợ hàn cắt nó ra và hàn nó xuống dưới thấp. Cái xe đó có thể dừng lại được bằng cách tôi đạp ngược về phía sau. Lũ trẻ trong khu tập thể khi nhìn thấy nó đều cảm thấy rất ghen tị.

Và đó là thứ tôi có thể chia sẻ với thằng bé đó. Tôi là một đứa trẻ rất thích sự thăng bằng. Tôi thường xuyên luyện đi thăng bằng trên những dãy gạch chạy đường dài mỏng mảnh dọc theo vườn hoa trong sân khu tập thể. Không thể cùng đứng hai chân song song trên dãy gạch đó. Luôn luôn là từng bước một, chậm rãi, tôi đi lần lần cho tới viên cuối cùng trong hàng. Càng thích thú hơn nếu là những ngày mưa, dãy gạch đó trở nên trơn trượt. Việc luyện tập đều đặn đó đã giúp tôi có thể đi xe đạp thành thạo ngay trong ngày đầu tiên được bố tập cho. Giờ đây, tôi mang nó để dạy lại thằng bé.

Tôi muốn nó hiểu được điều kỳ diệu mà sự thăng bằng mang lại. Cảm giác đạp xe chạy lòng vòng trong sân khu tập thể, ngửa mặt ra để đón gió và ngắm nhìn bầu trời xanh trong những sáng chủ nhật mùa hè đúng là một điều tuyệt diệu. Đầu tiên, tôi bảo nó chịu khó ngồi phía sau rồi tôi giảng cho nó hay về cách giữ thăng bằng trên xe. Tôi còn hứa, nếu nó có thể tập xe để nhanh đi được, tôi sẽ tặng cho nó một món quà. Tôi bảo nó: “Rồi cậu sẽ thấy, chúng mình sẽ giống như những con chuồn chuồn, chẳng bao giờ ngã được”

Tôi làm tất cả điều đó một cách giấu giếm. Ngay kể cả khi ý thức được rằng bố mẹ vô cùng nuông chiều mình, thì tôi vẫn biết sẽ chẳng hay ho gì nếu bị bắt gặp đang chơi với thằng bé kia. Vì vậy, tôi thường hẹn thằng bé ở lại trường lâu hơn và ở đó, giữa sân trường nền đất và những đám bụi quẩn lên trong không khí, dưới những tán bàng rỗ, chúng tôi đã cùng nhau, đạp những vòng xe đầu tiên.

Trái với việc học trên lớp, thằng bé tỏ ra học rất nhanh môn xe đạp thăng bằng này. Chỉ trong vài buổi, nó đã tự đạp được xe lượn vòng vòng quanh sân, tạo nên những vệt xe tròn xoe đan xen nhau như những bông hoa. Trong khi nó đạp, tôi đứng giữa cái tâm của vòng tròn hoa ấy, vỗ tay reo hò như đang được chứng kiến một màn xiếc đẹp mắt. Tôi cũng hay nghĩ nó đã trở thành một con chuồn chuồn thật, nhất là khi nó đã có thể bỏ cả hai tay ra trong khi đạp xe, vì đôi mắt không hàng mi của nó có thể đảo lia lịa xoay tròn như mắt con chuồn chuồn. Đôi khi, cả hai chúng tôi còn hát nữa. Một bài hát về chiếc xe đạp và con búp bê: “Bé bé bồng bông, hai má hồng hồng, bé đi mẫu giáo có em đi cùng. Mẹ mua xe gỗ, cho bé ngồi trong, bao giờ chiến thắng, cho bé về phố đông”.

Nó dường như đã tỏ ra biết ơn tôi, nhưng không vì thế, mà sau đó, nó không muốn có những thứ thuộc sở hữu của tôi. Nó bắt đầu ăn cắp từng thứ một, những thứ rất nhỏ, như một cục tẩy thơm mùi kẹo cao su con vẹt, những chiếc bút chì có mùi chuối, mùi dâu, chiếc bút dọc dưa màu vàng da cam tôi rất thích có đeo một con mèo bé xíu trên cái dây xích lủng lẳng đầu ngòi, hay những tấm giấy màu thủ công. Tôi phát hiện từng thứ một mất đi, trong khi, thằng bé luôn có một cái gì đó để ăn vặt, hoặc có lúc, nó mua rất nhiều bi ve, rất nhiều dây chun. Khi ấy, trò chơi gẩy chun rất thông dụng trong lũ trẻ chúng tôi, bất kể trai gái. Chúng tôi còn đem những sợi dây chun nhiều màu về ngâm trong xăng, đợi nó nở ra để dùng làm đồ cá cược. Tất nhiên, cả trò bắn bi nữa.

Lần đầu tiên, tôi nghi ngờ chính niềm tin của mình. Rằng có phải cứ ta dành tình yêu thương cho một người thì họ sẽ đáp lại với một thái độ yêu thương? Tôi chỉ cảm thấy nó không tốt, nó đã nói dối tôi. Và việc nó ăn cắp chiếc kính mẹ cho tôi đã trở thành cái hố ngăn lớn nhất, rạn nứt toàn bộ tình bạn giữa chúng tôi mà tôi đã cố tình sắp đặt và nuôi dưỡng.

Nhưng chẳng bao lâu sau đó thì nó chết, vì căn bệnh lạ. Cái chết của nó khiến ngay cả những ai ghét bỏ nó cũng phải rơi lệ. Vì dù sao nó vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nó gầy xác xơ như một que củi, mốc thếch và bẩn thỉu. Chú trưởng khu đã vào vuốt mắt cho nó ngay trên chiếc giường của nó, trong góc tối căn nhà. Sau đó, chú ấy đã bị ám ảnh cả một thời gian dài. Đi đâu, chú cũng hỏi mọi người “có thể tưởng tượng vuốt mắt một người mà không có một chút lông mi sẽ như thế nào không?”. Ngay cả mẹ nuôi của nó cũng không dám tới gần, bà sợ sẽ bị lây bệnh của nó. Căn nhà hôi hám sau đó ầm ĩ trong tiếng kèn đám ma và nó được đưa về quê ngoại, nơi nó sẽ có một nấm mồ nhỏ. Đó là thứ duy nhất thực sự thuộc về nó.

Mẹ vẫn tiếp tục lần giở những trang sách. Đó là một cuốn sách in lậu. Tôi biết chắc điều đó, vì chính tôi đã tặng mẹ cuốn sách đó. Không phải vì tôi tiếc tiền, mà vì với cuốn sách đó, tôi chỉ có thể mua một bản lậu trong khi người ta chưa kịp tái bản. Vài năm nay, đột nhiên mọi người trở nên chăm đọc sách một cách lạ lùng. Rất nhiều cuốn sách trở thành best-seller và ngay cả những hàng bán xổ số dọc đường cũng có một góc để dành cho những cuốn sách kiểu này. Nó khiến tôi nhớ đến hồi học lớp mười, khi một nam diễn viên điện ảnh đang nổi đã tự tử, các hàng photocopy đã nhanh chóng in tất cả các bài báo viết về ngôi sao đó và đóng thành tập để bán cho chúng tôi. Không đứa nào không mua một quyển như vậy, vừa đọc vừa mếu máo khóc. Quyển sách mẹ đang đọc cũng vậy, nó kể về cuộc đời của một người đàn bà đa đoan với rất nhiều những người tình, những đứa con và cuộc đời giông bão. Mẹ thừa nhận với tôi rằng mẹ đọc nó vì tò mò. Dạo gần đây, khi mẹ đã chuẩn bị cho một cuộc đời hưu trí thực sự, bà bỗng trở nên tò mò một cách khó hiểu.

Trước đó, chưa bao giờ mẹ là một người tò mò. Với tôi, bà là một người phụ nữ chừng mực, rất đáng kính. Bà có những nguyên tắc của mình, không bao giờ tham gia vào những cuộc nói chuyện ngồi lê đôi mách của các bà hàng xóm. Thời gian rảnh rỗi chủ yếu được bà sử dụng cho việc đạp xe và chạy bộ, hòng hạn chế lượng mỡ ngày càng bị phân bố một cách không hợp lý trên cơ thể. Bà được đào tạo ở nước ngoài, từ khi mới 16 tuổi. Bà thuộc típ người nhớ tất cả và ghi lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình một cách chính xác nhất có thể, một người thích ghi nhật ký. Bà đã ghi lại ngày bước chân ra khỏi lũy tre làng, bắt đầu một cuộc thoát ly lớn. Và bà rất tự hào rằng ngày đó lại trùng với ngày Quân đội nhân dân. Năm nào cũng thế, vào ngày đó, bà đều tự tay tổ chức một bữa tiệc gia đình và đòi hỏi sự quần tụ của mọi thành viên, dù là cháu tôi, lúc mới sinh hay đã tới 6 tuổi như bây giờ. Bà sẽ muốn tất cả mọi người cùng nâng ly, chúc mừng ngày Quân đội nhân dân – một ngày vô cùng quan trọng với bố vì ông đã từng có gần 20 năm phục vụ trong Quân đội – và sau đó là vì ngày bà được mở mắt để ra với cuộc sống thật sự, không phải chỉ gói gọn trên những cánh đồng đầy mùi phân và dòng sông dẫn tới nhà lúc nào cũng lổn nhổn xương trâu, xương bò ngâm thối nồng nặc.

Năm 16 tuổi, mẹ được đi học ở nước ngoài vì bà tôi khi đó đang là Chủ tịch xã và vì ông tôi đã là một trong những liệt sĩ rất vẻ vang. Không khi nào mẹ không khóc khi nghĩ lại ngày bà rời quê. Hình ảnh bà ngoại chạy đuổi theo mẹ trên triền đê với chỉ một câu với theo duy nhất “Con phải cố gắng lên nhé” dường như luôn ăn chặt trong đầu mẹ. Mặc dù lúc đó mẹ đã có kinh được 3 năm nhưng về bản chất, bà vẫn là một cô gái ngây thơ, đúng chất nông thôn, lần đầu bước tới một thế giới, một đời sống khác.

Bỗng dưng khi ngồi nhìn bố xem TV và mẹ đọc sách, tôi đột nhiên nảy ra một ý định không thể nào cưỡng nổi. Và để sắp xếp cho việc sẽ đề xuất với bố mẹ, tôi tự duyệt lại ý định đó của chính mình.

Rất lâu sau khi thằng bé đó mất, tôi bắt đầu lấy lại niềm tin rằng, nếu tôi mang tình yêu thương của mình đi cho người khác, rồi tôi sẽ được họ đền đáp lại như vậy. Ký ức về thằng bé và những nỗi buồn nó đã từng gây ra cho tôi, biến mất nhanh chóng và nhẹ nhàng một cách lạ lùng. Bạn biết đấy, với đứa trẻ nào cũng vậy thôi. Ngày giỗ đầu của nó, tôi đã tới bên cửa căn nhà luôn luôn tối vì mẹ nó rất tiết kiệm điện với một nải chuối xanh. Tôi lấp ló một lúc lâu, không thấy mẹ nó ra nên tự động bước vào.

Tôi để nải chuối lên cái tủ thờ nhỏ xíu và thấp chỉ hơn tầm với của tôi chút ít. Tôi không biết lấy hương ra và thắp như người lớn, nhưng tôi biết chắp tay. Tôi nhìn nó thật lâu trong tấm ảnh đen trắng trên bàn thờ. Cho dù nó đã chết, nhưng tôi vẫn không thấy nó có vẻ mặt của một người không còn thuộc về cuộc đời này nữa. Vì đôi mắt của nó, đôi mắt với hai hàng mi trụi lủi, dường như vẫn đang toan tính một điều gì đó, như thể nó sẽ lại ăn cắp một thứ gì đó của tôi, như nó đã từng làm.

Tôi nghĩ là mình có nói với nó một điều gì đó. Sau đó, tôi vẫn đứng trong bóng tối, nhìn tấm ảnh của nó, và tôi thấy thật là tiếc vì người ta đã không chụp ảnh khi nó cười. Mà không phải, không ai cười khi đã chết cả.

Khi nó cười, nụ cười ấy thực sự là của một đứa trẻ, thật hạnh phúc biết bao. Thực ra, khi ấy, cả hai chúng tôi đã cùng cười với nhau. Đó là một buổi chiều tối một ngày rằm hay mồng một gì đó. Và vào mùa hè. Tôi nhớ đó là một ngày rằm hay mồng một vì hôm đó mẹ có đồ xôi để thắp hương. Mẹ là người phụ nữ duy nhất có những thùng gạo nếp thơm ngon trong khu tập thể do bà ngoại thường xuyên gửi lên. Hôm đó, mẹ cắt từ giàn gấc lúc lỉu quả chín sau vườn đem vào một quả lớn, rồi lấy nhân và hạt trộn rượu, trộn gạo, đồ ra thứ xôi màu đỏ ăn thật ngọt bùi. Sau bữa cơm chiều, tôi gọi thằng bé ra cổng sau khu tập thể. Tôi đã giấu một nắm xôi lớn màu đỏ mang tới cho nó. Thằng bé ăn vội vàng, tới mức nó bị nấc lên từng hồi vì nghẹn. Khi đã hết nắm xôi, nó nhìn tôi, miệng cười toe toét. Lúc đó trông nó thật lạ vì môi nó còn đỏ rực màu gấc chín. Tôi chỉ nhìn thấy nụ cười từ cái miệng còn bóng nhẫy đỏ chót ấy của nó, mà quên đi hàng mi trụi. Tôi cũng mỉm cười rồi hỏi nó: “Ăn nữa không?”

Một lát sau, tôi thấy mẹ thằng bé bước ra từ phía sau nhà. Có mùi thơm rất ngọt của ngô non luộc. Mẹ nó khẽ ho húng hắng, tôi cũng chẳng biết nói gì, chỉ định chào bà về nhưng bà gọi tôi lại. Trong chốc lát, bà trở lại từ buồng ngủ bên cạnh, lúc này cũng tối thui thui với một chiếc túi nilon nặng. Bà bảo tôi là nó đã gửi lại cho tôi trước khi chết. Tôi định mở ra coi nhưng bà ngăn lại. Trong bóng tối, có tiếng bà khẽ nói: “Cho bác xin lỗi con.”

Về tới nhà, tôi mở chiếc túi. Nào những tẩy, những bút chì, những bút máy,… rồi cả cặp kính của mẹ. Tất cả đều đựng trong chiếc túi con ấy. Tất cả đều cũ kỹ, bốc lên thứ mùi âm ẩm khó chịu vì lâu không được động đến. Những kỷ niệm về thằng bé bỗng chốc lại trở về trước mắt tôi, như thể mới ngày hôm qua, hai chúng tôi còn chung nhau đạp chiếc xe mini xanh dưới sân trường đất vàng, như những con chuồn chuồn cánh nâu bình yên bay dưới vòm trời đan bằng những tán lá bàng rỗ.

Bố lại tiếp tục trò chuyện với tay bình luận viên nói ngọng. Không phải trò chuyện, mắng mỏ thì đúng hơn. Ông thốt lên giận dữ: “Pê-nan-ti mà mày lại nói là Pê-lan-ti hả thằng quỷ?”, nhưng tay bình luận viên vẫn tiếp tục cái giọng địa phương đáng ghét của hắn, không đếm xỉa gì đến lời mắng mỏ của bố. Và vì thế, những nếp nhăn trên trán của bố lại càng trở nên căng thẳng, tưởng như đã bị đóng lại như người ta đổ khuôn vậy.

Mẹ và tôi đã quen với việc nghe bố nói chuyện một mình như thế này rồi nên cả hai đều không có phản ứng. Mẹ tiếp tục với cuốn sách trên tay. Trong bữa ăn tối hôm trước, mẹ có nói rằng, mẹ đọc cuốn này vì người phụ nữ ấy sống cùng thời của mẹ. Mẹ muốn biết thực sự thì cô ấy có nói đúng những gì mà những người như mẹ đã trải qua không.

Cho dù mẹ đã trải qua những gì, thì mẹ vẫn thật may mắn, vì mẹ không muốn nhớ thì mẹ vẫn có thể có lại chúng – những kỷ niệm – một cách đầy đủ và chân thật thông qua những ghi chép của mẹ. Mẹ có một chiếc tủ đựng đầy những thứ đủ để gây dựng lại một quá khứ chi tiết của cuộc đời không phải chỉ của mẹ, mà của cả những người mẹ thương yêu, và của cả những người – như tôi – đang tạo dựng nên cái gọi là gia-đình-tôi này.

Tôi đã bắt gặp trong bảo tàng kỷ niệm của mẹ những tấm lịch cũ, những mẩu giấy xé vội, những nét mực ngoằn nghèo, những bức ảnh cắt viền răng cưa khéo léo đang dần mốc. Hoặc giả, cả những thứ nhỏ nhặt, như khuy của chiếc áo mẹ đã mặc vào hôm cưới (hôm đó mẹ chỉ có một chiếc áo cánh trắng và một chiếc quần đen, còn bố thì đã có bộ đồ quân nhân), một đôi cặp ba lá không hiểu làm từ gì mà sau ngần ấy năm vẫn cứ sáng bóng và khi kẹp tóc vẫn cứ chặt cứng như thường, một tập thơ của bố,…

Nhưng mẹ đã bị mất hoàn toàn 4 năm trong cuộc đời. 4 năm sống ở nước ngoài, mất sạch sẽ.

16 tuổi, mẹ đi học ở Trung Quốc. Bà sống những năm đáng nhớ nhất của tuổi dậy thì ở Nam Kinh, trong một trường đào tạo sinh viên quốc tế, đặc biệt dành cho những người tới từ các nước xã hội chủ nghĩa. Đó là năm 1966 – cùng thời kỳ với phong trào tiểu hồng binh và Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc. Tất cả những ký ức đẹp đẽ của bà đều dành cho thời kỳ trong trường học này, khi bà đăng ký khóa học với lý tưởng mang được kiến thức về góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Môn học mà bà chọn là Cơ khí.

Mẹ như được mở mắt. Mọi thứ đều là đường chân trời. Những hồ bơi; những thầy giáo trẻ trung; những bữa ăn tập thể có đồ tráng miệng; những buổi chiều tắm chung trong nhà tắm tập thể và được nhìn thấy những chiếc quần lót mỏng, có riềm đăng ten thực sự,… Đó cũng là thời kỳ bà chứng kiến những gì ác nghiệt và khó hiểu nhất của một cuộc đại cách mạng văn hóa đang diễn ra bên ngoài trường học của bà. Những buổi sáng bắt đầu bằng 15 phút đọc trước tác Mao Trạch Đông và khi kết thúc, mọi người luôn hô vang khẩu hiệu: “Tư tưởng Mao chủ tịch vô địch, vô địch, vô địch!”. Làn hơi nóng bỏng của khí thế hừng hực ấy lại che giấu đằng sau sự thật về một cuộc chơi may rủi và khắc nghiệt. Những chuyện tưởng như không có thật lại diễn ra một cách chân xác và man rợ. Người thầy dạy mà bà vô cùng yêu quý, vừa còn trò chuyện vui vẻ những người học trò trong xưởng cơ khí, sáng hôm sau đã tự đóng khung mình trong chiếc ảnh chơ vơ trong đám tang chỉ vì trong buổi chiều hôm trước, ông đã lỡ vỗ mông một anh chàng đang kẻ khẩu hiệu của Mao chủ tịch trên tường bao trường học. Ông quản đốc phân xưởng nơi mẹ thực hành chỉ mới đây còn tận tình hướng dẫn cho các em học sinh thì ngay sau đó đã phải đeo lên cổ những tấm bảng tôn to gấp hai lần cơ thể của chính mình với dòng chữ “Tôi là kẻ phản cách mạng”. Những tiểu hồng binh với duy nhất một lá cờ đỏ nhỏ xíu và cuốn trước tác của Mao Trạch Đông trong tay có thể đi tới bất kì đâu, làm bất kì việc gì mà không ai dám ngăn cản. Và những sinh viên quốc tế như mẹ bẳt buộc phải hạn chế việc đi ra ngoài ký túc xá. Tất nhiên, giờ thì mẹ có thể kể về những ngày đó, về cái chết, về sự sống một cách bình thản không rơi nước mắt, như bất kỳ một câu chuyện phiếm nào. Có ai còn tiếp tục đau mãi nỗi đau ngày 16 tuổi?

Nhưng 4 năm đó đã vĩnh viễn không bao giờ còn có thể có mặt trong chiếc tủ kỷ niệm của mẹ. Tất cả đều bị đốt cháy bởi một người đàn ông đã muốn lấy mẹ làm vợ nhưng lời đề nghị không được chấp thuận. Đó là con trai của ông quản đốc phân xưởng nơi mẹ được điều về công tác ngay sau khi tốt nghiệp ở Nam Kinh. Sau nhiều ngày tháng theo đuổi mẹ không thành, bố của hắn đã gọi mẹ tới phòng làm việc với một lời đề nghị: Nếu chấp nhận làm con dâu ông ta, mẹ sẽ được kết nạp Đảng vào đợt kết nạp sắp tới; còn không; thì cho tới chừng nào ông ta còn ở đây, chừng đó mẹ đừng bao giờ hy vọng vào chuyện sẽ được kết nạp Đảng. Câu trả lời “không” rốt cuộc đã được chứng minh bằng việc một cô làm cùng tổ cơ khí của mẹ đã được thay thế ngay trong đợt kết nạp năm đó và cho tới nay, cô ấy đã trở thành một Đảng viên có gần 30 năm tuổi Đảng.

Khinh bỉ và im lặng - đó là tất cả những gì mẹ có thể làm với bố con người đàn ông nọ. Kể cả bây giờ vẫn thế. Điều đó có mang ý nghĩa nào đó không? Tôi thực không dám chắc. Cuộc sống có bao nhiêu kẻ bị khinh bỉ và đối xử như thể họ không tồn tại trước mắt chúng ta, nhưng họ vẫn cứ sống vậy thôi. Người đàn ông đó vẫn cứ tiếp tục là một ông quản đốc cho tới ngày về hưu, vẫn được phân một căn hộ trong khu tập thể, ông ta lại sẽ trở thành người ông của những đứa cháu trai đáng mến, thậm chí là một người ông mẫu mực và đầy tình cảm. Vậy đó. Nhưng 4 năm tươi đẹp nhất trong quãng đời thoát ly của mẹ đã hoàn toàn mất dấu và cho tới ngày hưu trí, mẹ vẫn không được kết nạp Đảng cho dù mẹ đã có một người chồng là Đảng viên, mẹ là Đảng viên lão thành cách mạng, ba anh trai là Đảng viên và một người cha là liệt sĩ.

Tôi đôi khi không biết việc mình viết hay không viết nhật ký thì cái nào đúng hơn cái nào và cái nào nên làm hơn cái nào. Tôi thuộc loại người cực kỳ lười ghi chép và tôi thường nhớ lại tất cả và làm sống động lại tất cả chỉ nhờ vào hai thứ: hình ảnh và âm thanh. Khi còn đi học cũng vậy. Tôi rất lười chép bài, ngược lại, tôi nghe rất chăm chú những gì thầy cô giảng và luôn cố gắng ghi lại bằng mắt mình tất cả những gì đã diễn ra trên chiếc bảng đen. Khi có bài kiểm tra, hoặc khi bị gọi lên trả bài miệng, tôi thường nhắm mắt để diễn tả những điều mình nói. Nó có vẻ hơi khác thường. Và nhiều khi, tôi rất khó để diễn đạt được mọi thứ. Ví dụ như tôi có thể nhớ đó là một công thức toán học có thể gồm các chữ a, b, c và vị trí của a, b, c trong cái công thức đó, nhưng không thực sự hiểu nó muốn nói đến điều gì. Hoặc cũng có thể, tôi sẽ nhớ toàn bộ cử động, nét mặt, âm thanh giọng nói, thậm chí đến cả bộ đồ của cô giáo khi giảng bài đó nhưng tôi sẽ quên rằng rốt cuộc thì công thức đó có thể áp dụng trong dạng đề bài kiểu gì hay trường hợp cụ thể nào.

Tôi là như vậy đó, một kẻ lười nhác thực sự.

Và chính ra thì điều này, cái chữ này, kẻ lười nhác, có vẻ không thích hợp lắm để dùng cho một phụ nữ.

 

[còn tiếp]

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021