thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU [III]

 

Bản dịch của Nam Giang

 

LUIS SEPÚLVEDA

(1949~)

 

Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học ngành kịch nghệ tại Đại Học Quốc Gia Chile. Năm 1969, ông được học bổng 5 năm để tiếp tục học ngành kịch nghệ tại Đại Học Mátxcơva, nhưng chỉ sau 5 tháng, ông bị đuổi học vì đã kết bạn giao du với một vài người bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết, và phải quay về Chile.
 
Ông trở thành một lãnh tụ của sinh viên và làm việc với bộ văn hoá của chính phủ Salvador Allende, phụ trách việc xuất bản những tác phẩm văn học cổ điển với giá rẻ cho quần chúng. Sau vụ đảo chính 1973, chế độ quân phiệt của nhà độc tài Augusto Pinochet đã bắt giam Luis Sepúlveda 2 năm rưỡi, rồi được thả nhờ sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức), nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Thế nhưng, ông đã trốn thoát và ẩn nấp bí mật gần một năm và thành lập một nhóm kịch phản kháng. Rồi ông bị bắt lần nữa và lãnh án tù chung thân (sau này được giảm còn 28 năm tù) vì tội “phản quốc” và “phiến loạn”.
 
Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức) lại can thiệp, và bản án của ông được giảm xuống còn 8 năm lưu đày, và năm 1977 ông rời Chile. Từ đó, ông sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tiếp tục hoạt động như một nhà vận động chính trị - xã hội, và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ông đã xuất bản gần hai mươi tác phẩm văn chương. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã thực hiện bốn cuốn phim.
 
Ngày 19.2.2009 vừa qua, ông được trao tặng giải thưởng lớn Premio Primavera de Novela với số tiền 200 ngàn Euro cho tiểu thuyết La sombra de lo que fuimos [Bóng tối của quá khứ chúng ta, 2009].
 
Tuy nhiên, cuốn Un viejo que leía novelas de amor [Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu, 1989] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn này đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.

 

_________

 

 

MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU

 

Đã đăng: [I] - [II]

 

III

 

Antonio José Bolivar biết đọc nhưng không biết viết. Giỏi lắm ông chỉ có thể nguệch ngoạc ký tên vào giấy tờ, ví dụ như khi đi bầu cử. Nhưng một sự kiện như vậy rất ít khi xẩy ra, nên ông lão có thời gian để quên nó.

Ông đọc chậm chạp, giọng thì thầm, lẩm nhẩm từng chữ cái một giống như mồm đang nếm thử một món ăn. Khi đã nhẩm xong một chữ, ông đánh vần lại một hơi. Sau đó ông tiếp tục làm như vậy với một câu. Cứ như thế, ông chiếm lĩnh dần dần những tình cảm, ý nghĩa của từng trang sách.

Khi có đoạn làm ông cực kỳ thích thú, ông lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến lúc cảm thấy đủ để nhận ra rằng làm sao ngôn ngữ loài người có thể đẹp tuyệt vời như vậy.

Ông thường dùng một cái kính lúp để đọc. Đồ vật này được xếp vào hàng thứ hai trong những đồ dùng quý báu nhất của ông. Nó chỉ đứng sau hàm răng giả.

Ông sống trong một căn nhà tranh rộng chừng 10m2, đồ đạc hết sức sơ sài. Một cái võng vải gai, một thùng bia dùng làm giá cho cái bếp dầu, và một cái bàn có chân rất cao. Một hôm, khi cảm thấy đau lưng, ông hiểu rằng tuổi tác đã bắt đầu ngả xuống đời mình. Ông quyết định sẽ ngồi ít nhất. Chính vì thế ông mới đóng cái bàn cao lênh khênh này để có thể đứng ăn, và để đứng đọc sách.

Đó là một căn nhà mái lợp bằng rơm, cửa sổ hướng về phía dòng sông. Cái bàn được đặt trước cửa sổ này.

Gần cửa ra vào, có treo một cái khăn rửa mặt đã sờn rách, bên cạnh là bánh xà phòng. Ông dùng hết hai bánh một năm. Đó là một loại xà phòng tốt, có nhiều bọt, giặt rửa rất sạch quần áo, bát đĩa, đồ nấu bếp, thân thể và cả đầu tóc.

Trên tường trước cái võng, treo một tấm ảnh đã được sửa lại, tác phẩm của một thợ ảnh trên cao nguyên chụp một đôi vợ chồng trẻ.

Chàng trai, Antonio José Bolivar, mặc áo vét xanh, áo sơ mi trắng, đeo cà vạt kẻ sọc. Cái cà vạt chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người thợ ảnh truyền thần.

Cô gái, Dolores, khoác trên người những đồ trang sức có thật. Những thứ vẫn còn tồn tại ở một chốn bướng bỉnh trong trí nhớ, nơi vùi sâu gốc rễ của một cuộc đời cô đơn.

Chiếc khăn nhung xanh viền đăng ten phủ đầu làm tăng thêm vẻ trang trọng của khuôn mặt, nhưng nó vẫn để lộ mái tóc đen nhánh được rẽ làm đôi, thả xoã xuống lưng. Một đôi hoa tai mạ vàng lủng lẳng ở dái tai, còn cổ cô thì đeo một sợi dây chuyền cũng mạ vàng quấn thành nhiều vòng.

Tấm ảnh cũng cho người ta thấy cái áo thêu theo mốt vùng Otavalo mà cô khoác trên ngực. Ở phía trên, đôi môi nhỏ xíu bôi son đỏ của cô gái nở một nụ cười.

Hai người quen nhau từ thuở nhỏ ở San Luis, một làng trên cao nguyên, gần ngọn núi lửa Imbabura. Họ đính hôn vào tuổi 13. Hai năm sau hai người tự nhiên trở thành vợ chồng, sau một lễ cưới mà họ không thật sự tham gia, như bị tê liệt bởi một cuộc phiêu lưu quá lớn so với chính họ.

Ba năm đầu cái gia đình trẻ con ấy sống trong nhà bố vợ. Đó là một ông già goá, người đồng ý để lại toàn bộ gia sản cho cặp vợ chồng, đổi lại những lời cầu nguyện và hứa hẹn chăm sóc cho ông lúc tuổi già.

Ông già qua đời lúc họ xấp xỉ tuổi 19. Hai người thừa hưởng mấy mét đất không đủ để nuôi sống gia đình, và bầy gia súc thì không còn sống sót lấy một con sau những chi phí tang lễ.

Thời gian trôi đi, người đàn ông vừa làm ruộng trên mảnh đất của gia đình, vừa đi làm thuê cho những chủ trại quanh vùng. Họ tự bằng lòng với những gì tối thiểu nhất. Điều thừa thãi duy nhất họ có là những lời bình phẩm xấu bụng của mọi người. Những điều đồn đại này không ảnh hưởng đến ông, nhưng làm Dolores ăn không ngon ngủ không yên.

Cô không có bầu. Hàng tháng kinh nguyệt đến đều đặn một cách ghê gớm. Mỗi lần tới tháng càng làm tăng thêm sự cô lập của cô.

— Con bé này đẻ ra đã vô sinh. — Các bà già nói với nhau.

— Tôi đã nhìn thấy kinh của nó từ lần đầu tiên. Nó chứa đầy những con nòng nọc chết. — Một bà già khẳng định.

— Con bé này đã chết từ trong ruột. Thứ đàn bà như nó thì dùng làm được việc gì? — Mấy bà già tiếp tục.

Antonio cố gắng an ủi vợ. Hai người đi khám hết thầy lang này đến thầy lang khác, thử mọi loại lá thuốc cũng như những loại dầu kích thích sinh sản.

Tất cả mọi cố gắng đều vô ích. Tháng này qua tháng khác, người phụ nữ trốn vào góc nhà để che giấu mọi người cái chu kỳ kinh nguyệt đáng xấu hổ.

Họ quyết định rời bỏ vùng cao nguyên vào ngày mà người ta nói với ông những lời gợi ý mất danh dự.

Có thể đấy là lỗi phía đàn ông. Hãy để cho cô ấy ở một mình vào ngày hội San Luis.

Người ta yêu cầu ông mang vợ đến ngày hội tháng 6, bắt cô phải tham dự vũ hội và buổi chuốc rượu tập thể. Khi cha cố vừa quay lưng đi, dân chúng nằm ngả ngớn trên thềm nhà thờ sẽ đua nhau uống rượu mạnh nguyên chất được cất từ mía. Một thứ sản phẩm thừa lấy từ bã làm đường được ép bởi cối xay gió. Rượu làm các thân thể quấn lấy nhau trong sự đồng loã của bóng đêm.

Antonio từ chối khả năng làm bố của một đứa trẻ sinh ra trong hội giả trang. Anh nghe tin chính phủ có chương trình khuyến khích dân đi khai hoang vùng Amazon. Nhà nước hứa chia cho mỗi gia đình một diện tích đất khá rộng, giúp đỡ kỹ thuật, đổi lấy việc họ định cư ở vùng đất biên giới đang tranh chấp với nước Peru. Có thể việc thay đổi khí hậu sẽ chữa lành sự khiếm khuyết của một trong hai người.

Gần đến ngày hội San Luis, hai người tập trung tất cả những đồ đạc ít ỏi của mình lại, khoá cửa nhà và lên đường.

Phải mất hai tuần, họ mới tới được cảng sông El Dorado. Bằng xe bus, bằng xe tải, hay đơn giản là đi bộ, hai người đi qua những thành phố có tập tục kỳ lạ như Zamora và Loja, nơi người da đỏ Saragurus luôn mặc đồ đen để chịu tang Atahualpa.

Sau một tuần hành trình nữa bằng thuyền độc mộc, chân tê dại vì ngồi lâu không được vận động, họ đổ bộ lên bờ ở một khúc quanh của dòng sông, nơi có duy nhất một toà nhà lợp tôn rộng mênh mông. Nó vừa là trụ sở hành chính, vừa là cửa hàng bán công cụ và hạt giống, cũng là nơi ở tạm cho những người mới đến. Đó là làng làng El Idilio.

Ở đấy, sau khi làm xong những thủ tục hành chính ngắn ngủi, người ta trao cho họ giấy chứng nhận quy chế dân khai hoang có dán tem đường hoàng. Họ được chia hai héc-ta rừng, hai con dao, cuốc xẻng, vài hộp hạt giống đã bị mọt ăn cùng một lời hứa hỗ trợ kỹ thuật không bao giờ tới.

Hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống mới bằng việc dựng tạm một căn nhà gỗ, sau đó lao vào công việc dọn cỏ, vỡ đất. Làm việc quần quật từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt, họ mới chặt được một cây gỗ, vài khóm mây, mấy bụi cây. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, những mầm xanh đã trỗi dậy dưới mặt trời với một sức mạnh như muốn báo thù.

Lúc mùa mưa đầu tiên bắt đầu, hai người đã kiệt hết lương thực dự trữ và chẳng biết phải xoay xở thế nào được nữa. Một số dân khai hoang có mang theo những khẩu súng săn cũ kỹ. Nhưng thú rừng rất nhanh và khôn ngoan. Ngay cá dưới sông cũng như muốn chế nhạo họ bằng cách nhẩy lên ngay trước mũi mọi người mà không làm sao bắt được.

Bị giam cầm bởi mùa mưa, bởi những cơn bão họ chưa từng biết đến, họ héo mòn trong tuyệt vọng, vì biết số phận mình như những người tù bị kết án tử hình chỉ còn chờ đợi một phép lạ thần kỳ. Họ ngồi ngắm nước lụt dâng lên mênh mông trên sông, nó đang cuốn đi những thân cây bị nhổ bật gốc cùng những xác thú vật trương phềnh.

Cái chết bắt đầu với tới những người mới đến khai hoang. Có người vì ăn phải những loại quả dại, có người bị quật ngã bởi những cơn sốt sét đánh. Một người khác nữa biến mất vào bụng một con trăn khổng lồ. Nó quấn anh ta lại, nghiền nát xương thịt để cuối cùng nuốt vào bụng với một sự chậm chạp dã man.

Họ đấu tranh vô vọng với mưa gió, mỗi khi một cơn mưa ập tới đe doạ cuốn đi căn nhà gỗ. Họ làm mồi cho muỗi rừng mà trong từng tia sáng của ánh chớp lại được dịp tấn công dữ dội. Chúng đốt vào da thịt, hút máu, rồi để lại trên da những nốt bỏng rát. Ở dưới da những con ghẻ sẽ đục khoét, gây thành những vết thương mưng mủ xanh. Họ bị bao vây bởi thú rừng đói mồi rình mò. Tiếng động của chúng ngăn không cho họ ngủ yên. Vào giây phút tuyệt vọng đó, sự giải thoát đã tới dưới hình dạng những con người cởi trần, mặt mũi bôi mầu đỏ vẽ bằng nhựa quả rucu,[1] đầu và tay họ được trang điểm bằng những vòng lông chim nhiều mầu sắc.

Đó là những người thổ dân Shuars, do thương cảm số phận họ, đã tới gần đưa bàn tay cứu giúp.

Những người da đỏ dạy họ săn bắn, câu cá, dựng nhà có thể chịu được mưa bão, phân biệt các loại quả lành và quả độc, và nhất là dạy họ cách sống với rừng.

Khi mùa mưa đã qua, những người thổ dân giúp hai người khai hoang trên sườn núi, đồng thời cũng báo cho họ biết đó là một việc làm vô vọng.

Mặc những lời cảnh báo của người da đỏ, họ vẫn gieo những hạt giống đầu tiên, và chẳng cần mất nhiều thời gian cho lắm, họ phát hiện ra đất ở đây rất cằn. Không có tán rừng che, những cơn mưa sẽ bào đất không ngừng nghỉ, khiến cho cây mọc lên không có đủ chất mầu để phát triển. Chúng sẽ chết non trước khi ra hoa, hay bị cắn nát bởi côn trùng.

Đến mùa mưa tiếp theo, trên mảnh đất họ mất bao nhiêu công sức khai hoang, đất bị xói mòn trôi theo triền dốc ngay từ cơn mưa đầu tiên.

Dolores không chịu đựng nổi đến mùa mưa thứ hai. Cô đã ra đi, bị cuốn đi bởi một cơn sốt dữ dội, người cô héo tới tận xương vì sốt rét.

Antonio hiểu là không thể quay trở về làng cũ trên cao nguyên. Những người nghèo có thể tha thứ cho nhau tất cả, trừ sự thất bại.

Ông bị kết án phải ở lại nơi này, cùng với những kỷ niệm là người bạn đồng hành duy nhất. Ông muốn trả thù vùng đất đáng nguyền rủa, cái địa ngục mầu xanh đã lấy mất tình yêu và mơ ước của ông. Ông mơ tới một cơn hoả hoạn lớn sẽ biến cả vùng rừng Amazon thành biển lửa.

Trong sự bất lực của mình, ông phát hiện ra mình chưa thật hiểu biết đầy đủ về rừng để có thể thật sự căm ghét nó.

Ông học tiếng Shuars bằng cách tham gia đi săn với họ. Họ săn heo vòi, khỉ, rắn, lợn rừng khoang... Ông học họ cách sử dụng ống phi tiêu. Nó không gây tiếng động và rất hiệu quả để săn thú rừng, rồi học họ cách sử dụng lao để xiên những con cá bơi nhanh nhẹn dưới suối.

Từ khi chơi với họ, ông bỏ dần sự ngượng ngùng của một người nông dân theo đạo Cơ-đốc. Ông ở trần và tránh quan hệ với những dân khai hoang mới tới. Những người này nhìn ông như một kẻ điên dại.

Antonio chẳng bao giờ nghĩ đến chữ tự do, nhưng ông được hưởng một sự tự do vô tận trong rừng. Ông cố gắng nghĩ tới kế hoạch trả thù, nhưng ông không thể tự cấm mình yêu cái thế giới này, đến mức quên đi tất cả những điều đó. Ông bị say mê bởi cái không gian mênh mông không ai có quyền sở hữu này.

Ông ăn khi đói. Ông chọn những hoa quả có vị thơm nhất trong rừng, không thèm ăn những con cá mà ông thấy chúng bơi chậm chạp. Ông lần theo dấu thú rừng, và việc săn chúng bằng phi tiêu làm cho ông tăng gấp đôi sự ngon miệng.

Buổi tối, nếu muốn ở một mình, ông trú trong bụng thuyền độc mộc. Ngược lại nếu cần có bạn, ông sẽ đi tìm những người Shuars. Họ đón tiếp ông rất hào phóng. Họ chia sẻ đồ ăn, thuốc lá với ông rồi hai bên cùng nhau tán chuyện hàng giờ liền, vừa nói vừa khạc nhổ xung quanh bếp lửa bập bùng chiếu sáng.

— Anh thấy chúng tôi thế nào? — Họ hỏi.

— Dễ thương như một bầy khỉ ouistisis, lắm mồm như những con vẹt say và to mồm gào rú như quỷ sứ.

Những người thổ dân đón nhận những so sánh ấy bằng những tiếng cười rộn vang, và thể hiện sự đồng tình của họ bằng những tiếng hú chói tai.

— Còn ở trên kia, nơi quê hương của anh, thì sao?

— Rất lạnh. Buổi sáng và buổi tối lạnh như băng. Người ta phải quấn poncho [2] làm bằng len và đội mũ.

—Vì thế mà người nào cũng bốc mùi hôi thối. Bởi khi đi ị người ta để dính phân vào nó.

—Không phải, tất nhiên có trường hợp như thế, nhưng vấn đề là trời lạnh, nên người ta không thể đi tắm bất cứ lúc nào như mọi người ở đây.

— Khỉ ở trên đó, chúng cũng mặc poncho?

— Trên cao nguyên không có khỉ, cũng không có lợn rừng khoang. Dân trên núi không biết đi săn.

— Thế họ ăn gì?

— Ăn những gì họ có. Khoai tây, ngô tẻ, thỉnh thoảng có thịt lợn hoặc gà vào ngày lễ, hay thịt chuột lang vào những hôm chợ phiên.

— Vậy họ làm gì nếu không đi săn?

— Họ làm ruộng từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.

— Những thằng ngốc, đúng là những thằng ngốc. — Những người thổ dân Shuars kết luận.

Ông ở đây được 5 năm trước khi ông hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ rời khỏi xứ này. Hai vết răng cắn đã báo cho ông cái tin bí mật ấy.

Ông học cách người Shuars đi rừng, bằng cách áp sát hai bàn chân lên mặt đất. Mắt và tai chăm chú lắng nghe những tiếng thì thầm của rừng, con dao quắm luôn sẵn sàng trong tay. Một hôm, trong một phút lơ đãng, ông cắm con dao xuống đất để rảnh tay hái một chùm quả. Đúng lúc cúi xuống cầm lại dao, ông cảm thấy hai cái nanh nhọn rát bỏng của một con rắn đuôi chuông cắm vào cổ tay phải.

Ông nhận ra con rắn, nó dài khoảng một mét, đang trườn ra xa, để lại trên mặt đất những hình chữ X, vì thế người ta gọi nó là rắn ích xì. Ông phản ứng thật nhanh giơ dao nhẩy theo nó. Ông còn kịp băm nó thành mảnh nhỏ, trước khi nọc độc phủ một bức mành làm ông mờ mắt.

Lấy tay dò dẫm, ông tìm được đầu con rắn. Cảm thấy sự sống đang rời bỏ mình, ông đi tìm một gia đình người Shuars. Những người thổ dân nhìn thấy ông lảo đảo đi tới, không còn khả năng để nói, bởi lưỡi, chân tay, và cả thân thể đã sưng phồng lên quá cỡ. Ông cảm thấy mình như sắp nổ tung ra. Ông chỉ kịp giơ cái đầu rắn lên trước khi ngã xuống bất tỉnh nhân sự.

Hai ngày sau, ông tỉnh dậy, thân thể còn sưng tấy, người run lẩy bẩy từ đầu tới chân giữa hai cơn sốt. Cách chạy chữa truyền thống của một thầy mo giúp ông hồi phục sức khoẻ một cách chậm chạp.

Thuốc bằng lá rừng làm tiêu nọc độc. Những lần tắm khô, vùi mình trong tro lạnh, làm giảm những cơn sốt cùng những cơn ác mộng. Một chế độ ăn uống với óc, gan, và cật khỉ giúp ông có thể đứng lên đi lại sau 3 tuần.

Trong suốt thời gian dưỡng bệnh, người ta cấm ông không được đi xa khỏi nhà. Những người đàn bà tỏ ra rất cương quyết trong việc thi hành chế độ điều trị nhằm làm sạch nọc độc trong cơ thể ông.

— Mày đang còn chất độc trong người. Phải bắt nó tiêu đi hết, chỉ để lại một chút để nó giúp mày chống lại những vết cắn mới.

Họ nhồi ông ăn nhiều thứ quả mọng nước, uống nước đun với các loại lá rừng và nhiều thứ nước uống khác để lợi tiểu.

Khi thấy ông đã hoàn toàn bình phục, những người thổ dân vây quanh ông, phủ đầy lên người ông quà tặng: một ống phi tiêu mới, một ống tên mới, một vòng trang sức bằng đá suối, một dây chão tết bằng lông phượng hoàng đất. Họ vỗ lên vai ra hiệu cho ông hiểu rằng ông vừa trải qua một thử thách để được chấp nhận. Một thử thách hoàn toàn phụ thuộc vào những vị thần tinh nghịch, những vị thần bé nhỏ hay trốn mình trong đám bọ dừa hay trong những tổ sâu mỡ màng, khi họ muốn đùa giỡn với số phận con người. Cũng có khi họ biến thành những vì sao để chỉ lạc đường trong rừng.

Những người thổ dân vẽ lên người ông những mầu sặc sỡ như da trăn và mời ông cùng nhảy với họ.

Ông là một trong số rất ít người thoát chết khi bị rắn đuôi chuông cắn, vì thế phải cúng lễ một cách trân trọng để tạ ơn vào ngày hội rắn.

Lúc tàn đám, lần đầu tiên ông được uống natema, một thứ rượu gây ảo giác như thuốc phiện, được làm bằng cách nấu những rễ cây yahuasca. Sau đó trong cơn mơ, ông cảm thấy mình như một bộ phận không thể tách rời của cái không gian luôn biến hoá này, giống như một sợi lông mọc thêm trên một thân thể khổng lồ có mầu xanh bất tận. Ông thấy mình suy nghĩ và cảm nhận như một người Shuars, rồi với thân thể được tô vẽ như một thợ săn Shuars giầu kinh nghiệm, ông đang lần theo dấu vết một con thú mà ông không thể mô tả nổi nó. Nó không có hình dáng, không có da thịt, không có mùi vị, không gây tiếng động, nhưng lại có đôi mắt mầu vàng rực. Đấy là một dấu hiệu không thể giải thích được. Điềm ấy ra lệnh cho ông ở lại và ông sẽ ở lại.

Sau đó rất lâu, ông tìm được một người bạn. Nushino, một thổ dân Shuars, lưu lạc đến đây từ một nơi rất xa. Xa đến mức những lời miêu tả vùng đất ấy bị lẫn tới những ngã sông Maranon, ở tận trung lưu dòng sông Amazon. Nushino tới đây vào một ngày đẹp trời. Anh bị thương bởi một viên đạn bắn vào lưng, kỷ niệm để lại của một cuộc thám hiểm văn minh, do quân đội Peru tiến hành. Những người thổ dân tìm thấy anh bất tỉnh, gần như kiệt máu, sau nhiều ngày trôi dạt trên một chiếc thuyền độc mộc.

Antonio và Nushino đi cùng nhau khắp rừng. Nushino khoẻ mạnh, eo lưng hẹp với đôi vai rộng. Anh dám bơi thi cùng cá heo trên sông và tính tình lúc nào cũng vui vẻ.

Người ta nhìn thấy họ lần theo dấu những con thú lớn, phân tích mầu phân của nó, đến khi họ chắc chắn có thể bắt được nó, Antonio sẽ nấp trong bụi cây, còn Nashino xua con thú khỏi bụi rậm, bắt nó chạy về phía bạn mình, nơi nó sẽ đón nhận những ngọn lao tẩm thuốc độc.

Cũng có lúc hai người săn một con lợn rừng để bán cho dân khai hoang. Tiền kiếm được giúp họ mua dao rừng mới hay một túi muối.

Khi Antonio không đi săn cùng người bạn của mình, ông đi bắt rắn độc. Ông biết cách tới gần chúng, huýt sáo với những âm thanh chói tai khiến chúng mất phương hướng. Thế rồi với một cánh tay của mình, ông lặp lại những cử động của con rắn, khiến chúng bị thôi miên, bắt chước các cử động của ông. Đấy là lúc với với cánh tay kia, ông bất ngờ chộp lấy chúng từ đằng sau cổ, bắt chúng phải nhả nọc độc vào một cái bát làm bằng nửa quả bầu rỗng.

Khi chúng đã chịu nhả đến giọt nọc cuối cùng, lúc con rắn duỗi đờ người ra vì mệt mỏi, không cuộn tròn được nữa, cũng chẳng còn sức để phản xạ, hoặc chúng hiểu rằng mọi sự chống trả đều vô ích, lúc này Antonio vứt chúng vào đám lá, với một thái độ khinh miệt.

Nọc rắn bán được giá. Một năm hai lần, một nhân viên cửa hãng dược phẩm, nơi người ta pha chế, sản xuất các thuốc giải độc, ghé qua đây thu mua những bình nọc rắn nguy hiểm đó.

Cũng có lần, con rắn nhanh hơn ông, nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì. Ông hiểu rằng ông sẽ sưng phồng lên như một con cóc, mê sảng trong cơn sốt cao một vài ngày, nhưng không còn gì là nguy hiểm nữa. Ông đã có kháng thể, và có thể kiêu hãnh trước những người dân khai hoang, bằng cách chìa cho họ xem hai bắp tay phủ đầy những vết sẹo.

Cuộc sống trong rừng đã tôi luyện từng xăng-ti-mét trên người ông. Ông đã có được những bắp thịt giống như loài thú ăn thịt, càng ngày càng săn chắc theo năm tháng. Ông hiểu rừng không kém gì người Shuars. Ông cũng bơi tốt như người Shuars, Ông biết cách tìm vết thú rừng như một người Shuars. Ông giống như một người thổ dân, nhưng không phải là thổ dân.

Chính vì thế, ông bắt buộc phải vắng mặt thường xuyên. Những người thổ dân giải thích cho ông, đó là một điều tốt khi ông không phải là một người của họ. Họ thích gặp ông. Họ thích nói chuyện cùng ông, nhưng họ cũng muốn có cảm giác vắng mặt ông, cảm giác buồn không thể nói chuyện được với ông, cảm giác vui sướng khi hai bên gặp lại nhau mỗi khi ông quay trở về.

Mưa rồi nắng, các mùa thay phiên nối tiếp nhau. Cùng với thời gian, ông dần biết được những tục lệ và bí mật của bộ tộc này. Ông tham gia vào những lễ cúng hàng ngày dành cho những cái sọ người được phơi khô, làm bé quắt lại. Những cái sọ của kẻ thù hay của những chiến binh trong quá khứ. Ông cùng hát với họ những lời cầu nguyện để tạ ơn chúng đã truyền lại cho người ta lòng dũng cảm, hoặc cầu mong cho bộ tộc có một cuộc sống yên ổn lâu dài.

Ông tham dự những bữa cỗ hào phóng được các già làng ban cho. Những người quyết định giờ ra đi của họ đã điểm, khi họ đã ngủ thiếp đi dưới tác dụng của chicha [3]natema trong một giấc mơ sung sướng đê mê. Những giấc mơ mở cửa cho họ đến một cuộc đời mới. Ông giúp mọi người mang họ vào trong một túp lều gỗ nằm sâu ở trong rừng rồi tẩm mật cọ lên người họ.

Hôm sau, vừa hát những lời cầu nguyện để đưa tiễn những già làng vào một kiếp mới, của loài cá, của loài bướm, hay các loài thú thông thái khác, ông giúp mọi người nhặt những mẩu xương trắng đã được một bàn tay vô hình cọ rửa sạch sẽ. Đây là những thứ vô ích mà người già để lại khi họ ra đi, những thứ mà những cái càng dịu dàng của kiến rừng không mang đi được.

Chừng nào ông còn sống với những thổ dân Shuars, ông không có nhu cầu đọc tiểu thuyết để biết đến tình yêu.

Ông không phải là một người của bọn họ, vì thế ông không thể lấy vợ. Nhưng ông cũng giống như họ, và vì điều ấy mà người đàn ông Shuars cho ông ở cùng trong mùa mưa đã yêu cầu ông nhận lấy một trong những người vợ của mình, vì danh dự của gia đình và dòng họ.

Người phụ nữ dẫn ông ra bờ sông. Cô ta vừa tắm, vừa trang điểm, rồi xức nước thơm cho ông, vừa cất giọng hát những bài anents. Rồi họ quay về túp lều, cùng nhau làm tình trên một manh chiếu. Được sưởi ấm bởi bếp lửa, họ không ngừng ngân nga những bài anents. Đó là những bài trường ca dài, được kể bằng giọng mũi, mô tả vẻ đẹp của thân thể cùng những sự sung sướng khoái lạc mà sự bí hiểm của ngôn ngữ làm tăng nó lên đến vô tận.

Đó là một tình yêu thật cao thượng, không có mục đích nào khác ngoài tình yêu dành cho tình yêu. Không có sự sở hữu và ghen tuông.

— Không một ai có thể giữ được tia chớp ở trên trời, không có ai có thể chiếm đoạt hạnh phúc của người khác vào thời điểm ngất ngây.

Đấy là điều mà người bạn của ông, Nushimo giải thích.

Khi nhìn dòng sông Nangaritza mãi mãi chẩy xuôi, người ta có thể nghĩ rằng thời gian đã quên đi vùng rừng Amazon xa xôi này. Nhưng chỉ những loài chim mới biết. Từ phía tây, những cái lưỡi hung dữ, cường bạo, đang tiến dần vào, sục sạo trên thân thể của rừng già.

Những cái máy khổng lồ mở ra những con đường, và người Shuars bắt buộc phải du cư nhiều hơn. Họ không thể định cư ở một nơi quá ba năm trước khi du cư đến nơi khác, để rừng tự hồi sinh, như ngày xưa. Bây giờ mỗi khi đổi mùa, họ dỡ những túp lều của mình, gói hài cốt của tổ tiên lại, mang chúng đi xa, lẩn tránh những người xa lạ đến định cư trên bờ sông Nangaritza.

Những người khai hoang, bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn về tiềm năng chăn nuôi và khai thác rừng, đến càng ngày càng nhiều hơn. Họ mang theo rượu mạnh, thứ nước uống không cần làm lễ tế, và cứ thế làm tha hoá những kẻ yếu đuối. Nguy hiểm hơn nữa là những kẻ tìm vàng. Chúng lan truyền như một bệnh dịch tả. Một loại người thô bạo, ích kỷ, bất chấp luật lệ. Chúng đến từ khắp mọi nơi không ngoài mục đích làm giầu nhanh chóng.

Những người Shuars di cư dần về phía đông. Họ tìm đến những nơi kín đáo nhất không lối vào của rừng già.

Một buổi sáng, Antonio José Bolivar đã bắn trượt phi tiêu, ông hiểu ông cũng đã già. Với ông cũng vậy, giờ phút ra đi cũng tới gần.

Ông đã quyết định định cư ở làng El Idilio, và sinh sống bằng săn bắn. Ông không thể tự quyết định cho mình giờ phút của cái chết, để cho kiến rừng ăn xác mình. Ngay cả khi chuyện đó có xẩy ra, nó sẽ là một ngày lễ buồn.

Ông giống như những người thổ dân, nhưng không phải là họ. Sẽ không có lễ hội dành cho ông, không có ăn uống, không có thứ nước diệu kỳ để người ta ra đi trong đê mê.

Một hôm, khi ông đang bận đẽo một con thuyền mới mà ông muốn đóng nó chắc chắn nhất để có thể vượt được mọi trở ngại trên sông, chợt ông nghe thấy một tiếng nổ vọng tới từ phía một nhánh sông. Đấy là điềm báo hiệu sự ra đi của ông.

Ông chạy tới địa điểm phát ra tiếng nổ, và nhìn thấy một đám người thổ dân đang khóc lóc. Họ chỉ cho ông một đám cá chết nổi lềnh bềnh trên sông, cùng một nhóm người lạ đang chĩa súng về phía họ.

Đó là một nhóm năm người phiêu lưu đi tìm vàng. Họ đã dùng thuốc nổ phá cái đập giữ cá để mở lối đi trên sông.

Tất cả đã xẩy ra rất nhanh, vì hoảng sợ khi thấy những người Shuars xuất hiện, những người da trắng đã nổ súng bắn hai người thổ dân, rồi bỏ chạy bằng thuyền của mình.

Ông biết rằng những người da trắng sẽ không có đường thoát. Những người thổ dân đã đuổi theo họ bằng một lối tắt, rình ở một nơi mà dòng sông rất hẹp, để những ngọn giáo tẩm thuốc độc có thể với tới dễ dàng những con mồi của họ. Mặc dù vậy, một người da trắng đã kịp nhảy xuống nước, bơi sang bờ đối diện rồi biến mất vào trong rừng.

Đầu tiên phải chăm sóc những người bị thương. Một người đã chết, đầu bị bắn nát bét bởi một họng súng chĩa thẳng vào mặt. Một người khác đang hấp hối, lồng ngực vỡ toang, đó là bạn của ông, Nushimo.

— Thật là một cách ra đi tồi tệ. — Nushimo thở hổn hển, mặt nhăn lại vì đau đớn, cánh tay run rẩy chỉ vào bát thuốc độc. — Người anh em. Tôi sẽ không yên nghỉ được, chừng nào cái đầu của kẻ đó không được treo lên cây cột nhà, tôi sẽ ra đi buồn bã như một con vẹt mù đập đầu và cành cây, hãy giúp tôi, người anh em.

Những người Shuars vây quanh ông. Ông là người duy nhất thông thạo phong tục của người da trắng. Những lời yếu ớt của Nushimo nói với ông rằng giờ đã đến lúc ông phải trả nợ, món nợ ông đã vay khi họ cứu ông khỏi nanh vuốt của rắn độc.

Điều đó có vẻ như công bằng, ông mang theo một ống phi tiêu làm vũ khí, bắt đầu một cuộc săn người đầu tiên của mình.

Ông chẳng khó khăn gì tìm ra hắn. Trong cơn tuyệt vọng, kẻ đi tìm vàng đã để lại những dấu vết rõ ràng đến nỗi chẳng cần tìm kiếm.

— Tại sao mày lại làm thế? Tại sao mày lại bắn nó?

Người kia chĩa họng súng về phía ông.

— Bọn mọi rợ, bọn mọi rợ, chúng ở đâu?

— Ở bên bờ bên kia, họ không đuổi theo mày đâu.

Thở phào nhẹ nhõm, hắn hạ súng xuống, Antonio nhân dịp đó bắn cho hắn một mũi tên bằng ống phi tiêu của mình.

Hắn ta bị thương, lảo đảo nhưng không ngã. Không còn cách nào khác là đánh nhau tay không. Hắn rất khoẻ, nhưng ông cũng giật được khẩu súng ra khỏi tay hắn. Ông chưa bao giờ dùng súng, nhưng khi nhìn thấy hắn sờ soạng để tìm con dao, ông không ngần ngại bóp cò, tiếng nổ làm xôn sao những bầy chim rừng hoảng sợ.

Ngạc nhiên về hiệu quả của phát súng, ông xáp tới gần kẻ xấu số. Hắn nhận đủ hai viên đạn vào giữa bụng, quằn quại trong đau đớn. Không quan tâm tới những tiếng rên la, ông nắm cổ chân hắn kéo ra phía bờ sông. Ngay từ quãng đường đầu tiên, ông nhận thấy kẻ bất hạnh đã tắt thở.

Những người thổ dân chờ ông bên bờ bên kia. Họ giúp ông kéo cái xác khỏi mặt nước, nhưng khi nhìn thấy cái xác chết, họ bắt đầu những lời than khóc mà ông không thể giải thích nổi.

Họ không khóc vì kẻ lạ mặt mà họ khóc vì Nushino.

Antonio José Bolivar không phải là một người như bọn họ, nhưng cũng là một người như bọn họ. Chính vì thế, ông phải giết kẻ thù bằng một mũi lao tẩm thuốc độc sau khi đã cho phép đối thủ của mình được chống trả một cách dũng cảm. Bị tê liệt dần dần bởi chất độc, tất cả thần khí của hắn ta sẽ được ghi lại trong nét mặt, để rồi sau đó được giữ lại mãi mãi trong cái đầu bị cắt ra phơi khô và làm nhỏ lại. Mồm, mí mắt, lỗ mũi, sẽ bị khâu lại, để cho thần khí dũng cảm của kẻ thù không thoát đi được.

Nhưng làm thế nào để phơi khô cái đầu hắn bây giờ, khi tất cả tinh thần của hắn đã thoát đi trong những nét mặt nhăn nhó vì sợ hãi và đau đớn.

Vì lỗi đó mà Nushino không thể siêu thoát. Nushino sẽ lẩn quẩn ở lại trong rừng già, như một con vẹt mù vỗ cánh bay đập mình vào cành cây. Anh sẽ gây nên sự thù hận của mọi người dù họ không biết anh là ai, khi hồn anh đập vào người họ. Anh sẽ làm rối loạn giấc mơ của những con trăn đang ngủ, xua đuổi thú rừng đi mất bởi hồn anh bay lởn vởn không mục đích.

Ông đã tự làm mình mất hết danh dự, bởi chính ông phải chịu trách nhiệm về nỗi bất hạnh vĩnh cửu của người bạn mình.

Không ngừng khóc, những người thổ dân ôm hôn ông, họ giành cho ông cái thuyền độc mộc tốt nhất, chất đầy lương thực lên thuyền cho ông và họ nói từ giờ phút này, ông không còn được chấp nhận. Ông có thể đi qua nhà họ, nhưng không được dừng lại.

Những người da đỏ đẩy cái thuyền ra sông, rồi xoá đi những dấu vết còn lại trên cát.

 

[còn tiếp]

 

_________________________

[1]Rucu: Một loại quả ở vùng Nam Mỹ. Người ta dùng hạt của chúng làm bột bôi lên cơ thể để chống muỗi đốt và để trang điểm.

[2]chicha: một loại rượu làm bằng lúa mạch, đôi khi cũng có thể làm bằng củ sắn hay các loại quả.

[3]poncho: khăn len to, thủng ở giữa để chui đầu, được thổ dân Machupe ở miền nam Chile dùng làm áo khoác ngoài.

 

——————————————
Dịch theo bản tiếng Pháp, Le vieux qui lisait des romans d'amour, của François Maspéro (Paris: Editions Métailié, 2004).
 

 

 

Đã đăng:

... Ngồi yên, đồ chó. Hạ hai cái cẳng trước xuống! Đúng là nó đau, nhưng lỗi của ai, hử? Của thằng này? Không, đó là lỗi của nhà nước. Hãy nhồi điều đó vào đầu, do nhà nước. Đấy là tội lỗi của nhà nước khi chú mày có những cái răng thối và nó làm chú mày đau. Lỗi của nhà nước... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Một buổi tối sau khi thoả cuộc mây mưa với Joselina, một cô gái quê ở tỉnh Esmeraldas, người có một nước da nhẵn và khô như mặt trống, ông nhìn thấy một chồng sách xếp gọn gàng trên nóc tủ đầu giường. — Em cũng thích đọc sách à? — Ông hỏi. — Vâng, nhưng em đọc chậm lắm. — Em thích những loại sách nào? — Những tiểu thuyết tình yêu. — Cô gái trả lời... [Bản dịch của Nam Giang] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021