thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [3]

 

Đã đăng: chương [1] - [2]

 

3

 

Thực ra, giờ đây, khi ngồi kể lại những câu chuyện này, một cách rất vặt vãnh, tôi mới biết rằng, hoá ra, tôi cũng đã rất nhớ quá khứ, nói đúng hơn, tôi cũng đã nhớ rất rõ những câu chuyện nhỏ nằm trong cả chuỗi dài ký ức của tôi.

Ví như lúc này đây, thì thứ duy nhất hiện lên trong óc tôi là căn nhà tập thể nơi mẹ con tôi đã sống trước khi bố được chuyển công tác về với mẹ con tôi. Và dĩ nhiên, mang theo cả người anh trai mà tôi đã từng phải ở rất xa và rất lâu với anh, tới nỗi, nhiều khi tôi nghĩ rằng mình chỉ có một mình, và mình là con cả trong gia đình.

Đó là một căn nhà giống hệt mười bốn căn nhà còn lại, nằm trong cùng khu tập thể. Cùng một kiểu nhà ống dài dằng dặc, đầu tiên sẽ là phòng khách, tới buồng ngủ, nhà bếp, nơi vệ sinh tắm giặt rồi tới chuồng lợn hoặc gian để nuôi gà công nghiệp. Các căn nhà giống nhau như thể người ta lấy mười lăm chiếc hộp diêm xếp cạnh nhau vậy, từ cấu trúc tới các cánh cửa, từ các hoa sắt, song cửa sổ tới màu sơn, màu vôi tường. Vì nó là một khu tập thể kiểu mẫu, được dựng nên để sau đó, sẽ được đưa lên báo với thành tích là mô hình khu tập thể một tầng lý tưởng cho thị xã. Khi đó, xí nghiệp của mẹ là một nơi rất có uy tín. Cơ khí là số một, không có ngành cơ khí thì công nghiệp nặng làm sao phát triển được và dĩ nhiên, làm sao có thể xây dựng được đất nước giàu mạnh. Không một năm nào xí nghiệp của mẹ không có những mô hình máy kéo, máy phát điện, ống nước,... tham dự các triển lãm và mang về cơ man huy chương các loại. Hồi đó, người ta hay làm huy chương bằng gang đúc rồi mạ màu bạc, đồng, vàng. Những chiếc huy chương ấy giờ vẫn có thể tìm được trong ngăn kéo chiếc tủ trong phòng anh trai tôi vì khi xí nghiệp làm ăn thua lỗ và giải thể vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, tất cả đống huy chương đều bị vứt lại trong khi họ bán thanh lý mọi thứ thuộc về xí nghiệp ấy. Thậm chí cả những cây tùng trồng trang trí trước phòng giám đốc xí nghiệp.

Căn nhà tập thể ấy là nơi chứng kiến trọn vẹn những ngày tháng cơ cực nhất của mẹ. Hồi đó, nói là được phân nhà, thì bạn phải hiểu là chúng tôi chỉ được phân cái móng của ngôi nhà đó. Còn việc để nó trở thành một ngôi nhà hoàn chỉnh thì bạn phải động tay vào. Suốt trong những tháng làm nhà, mẹ và tôi ở giữa những cái khung nhà trống hoác như một bộ xương khổng lồ. Nếu có bố ở bên thì sẽ đỡ hơn nhiều vì ban đêm, chúng tôi không phải trông chừng có kẻ trộm vật liệu xây dựng. Nhưng đêm nào cũng thế, mẹ, người đã từng là thợ cơ khí giỏi nhất xưởng sẽ trở thành một công nhân hạng thường sau khi bị một tai nạn lao động tới mức phải mổ với một vết nẹp đinh dài gần 40cm vẫn phải chong một ngọn đèn nhỏ để trông chừng căn nhà chưa ra hồn nhà ấy. Nhưng ngay cả khi đó, mẹ vẫn là một người đàn bà đẹp.

Cả bây giờ vẫn vậy. Mẹ đã trở thành bà nội, và vẫn là một bà nội đẹp với khuôn mặt trái xoan, đôi mắt hiền từ và hai chiếc lúm đồng tiền duyên dáng lộ ra mỗi khi mẹ hé cười. Ngày ấy, sau những đêm mất ngủ, mẹ trông gầy rộc hẳn đi. Không những phải trông kẻ sẽ tới lấy trộm vật liệu xây dựng, mà mẹ còn phải đi gánh trộm vôi cát từ những núi cát và hố vôi khổng lồ bên trong xí nghiệp. Đó là của chung và như tôi biết, ngày đó, ai cũng ăn cắp cái đống của chung ấy. Mọi người còn rủ rỉ nói chuyện khi đi gánh trộm vôi cát về trong đêm, vui vẻ và thân thiết như sau một buổi họp ngoài giờ. Điều ngạc nhiên nhất là ngay cả bảo vệ xí nghiệp cũng tham gia việc làm ấy, một cách hết sức tự nhiên, người nhà của ban lãnh đạo xí nghiệp cũng vậy và sau đó, cứ sáng ra thì ông giám đốc và bí thư xí nghiệp sẽ đi qua và nhìn vào cái núi cát và hố vôi đã vơi đi bất thường trong đêm với những ánh mắt hết sức bình thản. Mẹ thường gánh rất nặng, lúc nào chiếc đòn gánh cũng để lại những vết hằn rất lâu trên vai mẹ, mà tôi sẽ chỉ thấy khi nhìn mẹ thay đồ trong buổi sớm chuẩn bị đi làm.

Mẹ không thể nhờ bất kỳ người đàn ông nào ở đó, vì như tôi đã nói, mẹ có nguyên tắc của mẹ. Theo thói quen với cách nhớ bằng hình ảnh và âm thanh, tôi giờ đây có thể nhớ được cả những lời mời mọc, bỡn cợt hoặc khuôn mặt những người đàn ông quanh mẹ. Và cả những cái lắc đầu nhẫn nhịn của mẹ.

Hình ảnh mẹ đêm đêm gánh vôi cát đi xiêu vẹo trên con đường lấp bằng gạch vỡ rất dễ ngã trẹo chân trước khi qua sân chơi khu tập thể rồi mới tới cửa nhà thường làm tôi nghĩ tới bà ngoại. Ông ngoại mất sớm, một mình bà nuôi sáu người con. Và bà đẹp, như tôi thấy, bà còn đẹp hơn mẹ rất nhiều vì sống mũi cao, mắt sâu và dáng người thon thả, cao ráo. Từ khi nhỏ, mỗi khi được mẹ cho về chơi với bà, tôi thường ngạc nhiên tại sao bà lại như đàn ông vậy. Bà tôi thường hút thuốc lào và trong một ngày, không biết bao nhiêu lần bà tôi uống nước chè. Chỉ đặc một thứ chè mộc, không hương vị, lúc nào cũng chát đắng.

Bà tôi là một người rất đặc biệt, tôi có thể tự hào mà nói với bạn như vậy. Dường như trong con người của bà, còn có một người đàn ông với hai bờ vai vạm vỡ luôn sẵn sàng đứng ra để che chở cho cái gia đình toàn những đứa trẻ chỉ cách nhau năm một đang lớn lên quá nhanh chóng. Khi về quê, chưa có một đứa trẻ nào dám lừa phỉnh gì tôi cả, vì nếu chúng chỉ cần tỏ ra một chút ý định bắt nạt tôi thì chúng sẽ biết tay bà. Bà sẵn sàng tốc cả váy và yếm lên đi vòng quanh làng để tìm kì được “đứa nào dám động vào cái lông chân cháu bà”. Có một lần, tôi còn được chứng kiến cảnh bà mang theo chiếc đòn gánh tới cửa nhà của ông Bí thư xã. Ông ta đã ám chỉ điều gì đó về việc bà tôi là phụ nữ mà lại hút thuốc lào trong các buổi họp chi bộ. Tôi không hiểu sao một người đàn ông lớn tuổi như thế lại có thể nhỏ nhặt đến vậy. Ông ta, sẽ chẳng bao giờ hiểu, tiếng rít thuốc xòng xọc trong đêm là thứ tự vệ và niềm an ủi duy nhất cho những người đàn bà cô độc.

Và nhiều khi tôi nghĩ, giống như Nhã là anh hùng ở trường của tôi, mẹ là anh hùng ở nhà của tôi thì bà, là anh hùng ở quê của tôi.

Bọn trẻ bây giờ đã khôn hơn chúng tôi ngày đó rất nhiều. Nhưng ở vào tuổi đó của mình, tôi cũng đã nghĩ là mình luôn lớn trước tuổi hơn so với các bạn đồng lứa.

Chuyện đó có thể xuất phát từ việc mẹ đã để tôi đi học trước tuổi. Khi ấy, đi học trước tuổi là một chuyện rất khó khăn, nhưng vì quen biết nên mẹ đã nằn nì để cô giáo đó nhận tôi vào lớp một do cô làm chủ nhiệm. Đó là một cô giáo rất đáng mến. Tôi vẫn nhớ cô giáo có giọng đọc rất truyền cảm và những chữ cái cô viết trên bảng thật là tròn trịa, đẹp đẽ. Lũ học sinh chúng tôi ngày ấy đều rất yêu các thầy cô của mình, cho dù họ có nghiêm khắc hay khó tính đến mấy đi nữa. Mỗi dịp 20/11, tất cả các bà mẹ có con học cùng một cô chủ nhiệm sẽ tổ chức đưa tất cả bọn trẻ tới nhà thầy cô giáo chơi. Tại nhà của thầy cô, chúng tôi có thể toả ra khắp các ngóc ngách, trèo lên hái những trái táo đang chín rộ trong vườn hay chơi đùa với những con mèo nhỏ, trong khi các bậc phụ huynh và thầy cô trò chuyện rôm rả trong nhà. Lúc đó, những bông hoa có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều so với bây giờ. Loại hoa phổ biến để tặng là những bông thược dược đủ loại, từ loại tai chuột tới loại cánh sen,... Sang lắm mới tới hoa hồng.

Anh hùng ở nhà của tôi thường bắt tôi phải cố gắng học hành rất nhiều, đến nỗi tôi gần như đã rất sợ hãi trước khi được thực sự tới trường và ngồi vào những chiếc bàn xô lệch đầy những vết mực đổ, giơ những tấm bảng tí xíu với bụi phấn đã kịp rơi trắng mặt bàn và bay mù trong không gian ngay cả khi không có gió.

Thời kỳ đó, tôi nghĩ là mẹ vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để mong được kết nạp Đảng, cho dù mẹ đã bị tai nạn lao động và sẽ không bao giờ có thể đạt lại thành tích trước đó. Tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng mẹ đánh thức tôi dậy đi học bằng những câu hát: “Trên đại dương tàu lướt cho ta cầm lái, vạn vật sinh nhờ ánh mặt trời, mưa rơi xuống cho cây xanh bời bời, làm cách mạng phải nhờ tư tưởng của Mao chủ tịch”. Mẹ hát nó thường xuyên tới nỗi, ngay cả tôi bây giờ vẫn có thể hát ngay được những lời này, cho dù hồi đó, tôi không hề hiểu gì về ý nghĩa của nó. Đó là bài Người chèo lái vĩ đại, điệu nhạc của nó rất sôi nổi, giống như tất cả các bài hát cách mạng khác. Khi mẹ hát, mẹ trở nên hăng hái lạ thường, như thể những câu hát ấy đã mang lại cho mẹ một sức mạnh nào đó và ngay cả hai gò má của mẹ cũng bắt đầu hồng rực lên. Một số người trong khu tập thể còn nói, mẹ cũng thường xuyên hát nó ở phân xưởng, ngay bất kì lúc nào mẹ có thể bỏ khẩu trang ra. Người ta bảo, mẹ hát cứ như thách thức ông quản đốc, để ông ta nhớ rằng, chính mẹ, chứ không ai khác ở phân xưởng đó, đã từng được đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng giờ đây, như tôi nhớ lại, thì rất có thể, những câu hát ngày ấy chỉ là sự lặp lại vô thức, một thứ quán tính của những vệt xe thời gian trượt đi sau những tháng ngày mẹ học ở Nam Kinh. Vì tôi đã từng thấy có lần, mẹ ru cháu tôi ngủ, cũng bằng bài hát đó.

Nhưng dù sao thì ông quản đốc kia sẽ vẫn tồn tại ở đó và sẽ chỉ nghỉ hưu trong mười mấy năm sau đó, nên con đường trở thành Đảng viên của mẹ vẫn cứ bị chặn đứng. Những nỗ lực của mẹ thật đáng nể. Hàng ngày, mẹ luôn đi làm đều đặn và đúng giờ một cách nghiêm khắc, ngay cả khi ốm đau, mẹ vẫn cố gắng để tới xưởng làm việc và gắng hết sức để lấy lại thành tích trước khi bị tai nạn. Mẹ cũng bớt cả thời gian nghỉ phép và ngồi lì cả buổi trong phân xưởng để luyện cho chiếc tay bị tai nạn trở lại được như bình thường. Những ngày nghỉ phép lẽ ra tôi sẽ được mẹ đưa về nơi bố công tác để thăm anh trai và bố dần rút ngắn lại, sau đó không còn nữa. Thời gian đó, dù muốn hay không, tôi cũng buộc phải trở thành một đứa trẻ độc lập (chứ không thể dựa dẫm hay được nuông chiều như thời kỳ sau này bố tôi về ở cùng). Tôi đâm ra ghét mẹ, ghét luôn cả cái ông quản đốc, cả nghề cơ khí của mẹ. Ngoài những lúc làm việc nhà và đi học ra, tôi chẳng có nơi nào để tới trừ nhà của Nhã.

Những buổi lao động nặng nhọc cùng những buổi đêm thức khuya gánh vật liệu xây dựng khiến mẹ trở nên gầy rộc, hốc hác, tóc xơ đi trông thấy. Mẹ đã bắt đầu rụng tóc từ sau khi sinh tôi. Tôi không thể nào hình dung được mẹ đã từng có hai bím tóc rất dài và rất dày như trong tấm hình đen trắng của mẹ trước chiếc tủ kính. Bố yêu mẹ cũng chỉ vì hai bím tóc ấy. Giờ mẹ cắt tóc ngắn, buộc hai bên với những chiếc dây thun màu đen. Cứ mỗi lần diễn ra buổi kết nạp Đảng, cũng có nghĩa là một lần nữa, những nỗ lực của mẹ bị bỏ qua, mẹ lại trở về nhà với một tâm trạng rất buồn bực. Thường thì mẹ cố gắng vượt qua nỗi bực dọc ấy bằng những bài hát. Mẹ hát say sưa, miệt mài tất cả các bài cách mạng mà mẹ thuộc suốt từ lúc về, lúc nấu cơm, lúc tắm, cho tới buổi tối khi đi ngủ cùng tôi. Mới đầu, mẹ sẽ hát theo thứ tự, từ bài thích nhất tới bài ít thích nhất, sau rồi, mẹ sẽ bắt đầu tráo thứ tự, mặc kệ chúng lộn xộn, muốn ra khỏi miệng theo kiểu nào thì ra, đến lúc có lẽ đã chán, mẹ chỉ thi thoảng hát lên một vài câu rồi ngừng lại rất lâu, như thể suy ngẫm điều gì đó. Tôi quên kể với bạn là ngoài “bài tủ” Người chèo lái vĩ đại mà mẹ có thể hát bằng cả hai thứ tiếng ra, mẹ thuộc rất nhiều bài hát cách mạng khác. Mẹ chép tất cả trong cuốn sổ tay. Chữ của mẹ rất xấu và khó đọc, cũng vì ảnh hưởng thời gian ở Nam Kinh, chữ nào cũng có những nét móc thật là kỳ cục. Cũng có lúc, tôi phải hứng chịu sự bực bội của mẹ. Nếu sử dụng phương pháp dùng hình ảnh và âm thanh để moi lại chút ký ức nhỏ nhoi những ngày ấy, tôi vẫn có thể thấy mẹ đứng trước mặt, dùng thanh thước gỗ đánh vào các đầu ngón tay khi tôi viết sai hoặc viết chữ không đẹp. Đó là những chiếc thước chỉ to bằng ngón tay trỏ nhưng dài khoảng 30cm, màu nâu, gỗ rất cứng và vênh. Tất cả những khớp ngón tay đều trở nên đỏ rực và sưng vù ngay lập tức sau những cái quất và thường sau đó, tôi còn phải tiếp tục bị đứng úp mặt vào tường cho tới khi mẹ mềm lòng, chạy ra kéo tôi lại, rồi cứ thế, cả hai mẹ con ôm nhau khóc rưng rức.

Mẹ không thể trở thành Đảng viên nhưng mẹ đã có một niềm tự hào khác, đó là tôi. Nhờ vào việc đã được mẹ dạy chữ và luyện tập từ trước ở nhà, nên khi vào cấp 1, tôi dường như đã là một đứa trẻ xuất sắc. Tôi lúc nào cũng dẫn đầu lớp, rồi năm nào cũng đoạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, tới năm lớp 5, tôi còn được tham dự Trại hè cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Niềm vinh dự đó không thuộc về tôi nữa, nó là của mẹ. Và của cả khu tập thể.

Cũng vào lúc ấy, tôi bắt đầu trở thành một đứa trẻ ăn cắp. Thằng bé ăn cắp đã chết khi tôi lên lớp 4. Khi chơi với Nhã, khi nhớ lại thằng bé kia, đôi khi tôi không thể hiểu được, tại sao những đứa trẻ như chúng tôi có thể trở thành những đứa ăn cắp. Và liệu việc chúng tôi ăn cắp, có là một cái tội không?

Nhưng đúng là tôi đã bắt đầu ăn cắp. Lúc đầu, tôi không nghĩ đó là một việc làm không tốt. Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi có thể mở túi của mẹ, lấy ra một tờ hai đồng, một tờ năm đồng để mua cái kẹo, cho Nhã, hoặc cho bất kỳ bạn bè nào. Cũng có khi, tôi lấy ra một vài tờ tiền, tôi mua những thứ quả rất đắt tiền khi đó, như là quả vú sữa, ở khu chợ gần trường học và mang về biếu mẹ khi mẹ bị ốm, nói dối rằng bố Nhã cho. Tôi làm điều đó một cách rất tự nhiên, không có chút ý thức nào. Và tôi cũng chỉ ăn cắp của mẹ. Tới khi mẹ phát hiện là tiền trong túi thi thoảng bị mất và than phiền thì tôi bắt đầu có cảm giác lo sợ. Tôi lo không phải vì sợ mẹ phát hiện, mà vì biết rằng, hoá ra mình đang làm một điều không đúng. Tôi chưa bao giờ làm điều gì không đúng trước đó, trừ việc chơi với thằng bé mi trụi. “Đồ ăn cắp” – không gì nặng nề hơn nếu một người lớn, nhất là một người mẹ, nói với một đứa trẻ. Chỉ ba từ đó thôi cũng đủ để làm cho một đứa trẻ trở nên yếu đuối, bất lực và thiếu tự tin biết bao. Một đứa trẻ là “đồ ăn cắp” sẽ phải cả đời vác một chiếc mai rùa vô hình nặng nề trên lưng mà những người ngoài không bao giờ nhìn thấy, trừ chính nó.

Tôi đã ăn cắp. Khi tôi viết những dòng chữ này, đột nhiên tôi cảm thấy rất tức cười. Vì tôi đã làm điều đó và còn nghĩ đó là điều hay hớm, rằng chỉ là lấy đi một chút tiền của mẹ để đem lại niềm vui cho chính tôi và những người khác nữa. Đó là một năm thật kỳ quặc. Mẹ và tôi, giống như hai con thú trong cùng một chiếc chuồng, đều rình chờ nhau. Tôi rình mẹ khi đi tắm, đi sang nhà hàng xóm, khi mải nhặt rau dưới bếp để trộm những tờ bạc lẻ. Mẹ rình tôi để có thể bắt quả tang đứa ăn trộm. Trò rình rập này đôi khi còn khiến tôi thích thú. Mẹ bắt buộc phải dành ít thời gian hơn cho xưởng cơ khí. Bà cũng không có thể luôn luôn cất tiếng để hát những câu ca tôi đã thuộc nằm lòng, vì thứ âm thanh đó chẳng khác gì một tín hiệu báo trước cho tôi biết phải rụt tay ra khỏi túi khi nào và nên trốn đi đâu. Việc không thể bắt quả tang tôi được khiến bà vô cùng khổ sở nhưng tôi lại khoái chí. Tôi lái trò chơi theo ý muốn của mình với những mẹo vặt và những tờ tiền tiếp tục rời khỏi túi mẹ. Lúc này, tôi chẳng còn hứng thú với việc mua một thứ gì đó với số tiền kiếm được, tất cả những tờ tiền đó, tôi gom lại và giấu vào một chỗ bí mật.

Lúc này, Nhã cũng trở nên khác thường. Nó bắt đầu nói nhiều hơn bình thường và lảm nhảm những điều gì mọi người không thể nào hiểu được. Nó vẫn hay nói chuyện với tôi, nói nhiều hơn với cả người khác, nhưng chính tôi cũng không thể hiểu nổi nó đang muốn diễn đạt tới điều gì, tới những-thứ-ở-ngay-đây hay những-thứ-ở-đâu-đó nữa.

Một buổi chiều, tôi rủ Nhã tới nhà tôi chơi với ý định khoe chỗ cất giấu kho tiền tôi đã tích cóp được trong suốt gần một năm. Khi đó đã tới gần học kỳ II của năm lớp 5. Khi tôi mang từ trong nhà ra cốc nước đưa cho Nhã, nó đột nhiên hất tay tôi và nói là “Cốc nước này bẩn lắm, tớ không thể uống được”. Tôi nhìn cái cốc, trong veo veo. Tôi hỏi nó: “Có bẩn gì đâu? Nước sôi tớ rót từ siêu ra mà”. Nó bảo: “Tại cậu không nhìn thấy thôi. Còn tớ, tớ thấy có rất nhiều lông khỉ trong đó. Con khỉ là tổ tiên của loài người ấy, cậu biết không?” Dĩ nhiên tôi lắc đầu. Nó bắt đầu giảng giải cho tôi về tổ tiên của loài người, về những người nào đó ngoài hành tinh với những sợi tóc đỏ, những sợi tóc mảnh và thưa “giống như tớ”, nó nói. Sau đó, nó kết luận rằng đó là tổ tiên của nó, và rằng nó không thuộc về nơi này, rồi thì nó sẽ ra đi, vì nó chính là công chúa từ bao nhiêu năm trước của loài người đó.

Tôi cứ há hốc miệng ra nghe nó nói, không hiểu nổi thực sự đó là điều gì. Nó nhổ một sợi tóc, đặt vào lòng tay của tôi, rồi bảo: “Cậu nhìn xem nó có màu gì?” Tôi giơ sợi tóc ra trước ánh sáng, thấy một màu đỏ rực rỡ như sợi dây đồng, rồi trả lời nó. Nó có vẻ rất đắc chí, bảo tôi: “Cậu thấy không, tóc cậu màu đen, còn tóc tớ màu đỏ. Vì tớ là một công chúa, tớ không phải là người ở đây. Chính vì thế mà tớ không có mẹ. Tớ sắp phải đi rồi”. Không hiểu sao, khi nghe nó nói vậy, tôi bỗng oà khóc. Tôi tưởng tượng ra Nhã từ từ bay lên trời như một quả bóng, mái tóc nó mỏng và thưa bồng bềnh đỏ rực trong không gian. Nó sẽ không còn ở bên tôi nữa, nó lại còn là con cháu của một loài khỉ ở tận đẩu đâu, rồi cả bố nó cũng sẽ biến mất, tất cả những bức tranh lụa chúng tôi đã từng ngồi xếp với nhau đột nhiên bay lên trong óc tôi, rồi rơi lả tả trong không gian, cả Tháp Rùa và vịnh Hạ Long đều chới với bay lên, bay đi mãi.

Tôi không nhớ rốt cuộc thì chuyện nó và tổ tiên của nó đã gặp nhau thế nào hay chuyện chúng tôi đã chia tay ra sao. Cũng không nhớ rốt cuộc kho báu của tôi đã bị mẹ phát giác như thế nào, tôi có bị trừng phạt hay không? Chuỗi ngày thật lạ lùng đó như thể đã bị lấp chìm sau những vết sơn trắng xoá của con lăn ký ức. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối chúng tôi đã tạm biệt nhau như thế nào, có phải Nhã đã bay lên với mái tóc thưa, mảnh và đỏ rực cùng những bức tranh lụa hay không? Không, tôi không nhớ một chút nào cả. Tôi chỉ biết là cả Nhã, cả bố nó, cả căn nhà luôn đầy mùi sơn, màu vẽ,... đều biến mất, không để lại chút vết tích nào, cho dù tôi có cố nhắm mắt để hình dung lại bằng hình ảnh và âm thanh. Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú.

Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi.

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021