thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU [IV]

 

Bản dịch của Nam Giang

 

LUIS SEPÚLVEDA

(1949~)

 

Luis Sepúlveda sinh năm 1949 tại Ovalle, Chile. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông học ngành kịch nghệ tại Đại Học Quốc Gia Chile. Năm 1969, ông được học bổng 5 năm để tiếp tục học ngành kịch nghệ tại Đại Học Mátxcơva, nhưng chỉ sau 5 tháng, ông bị đuổi học vì đã kết bạn giao du với một vài người bất đồng chính kiến dưới chế độ Xô-viết, và phải quay về Chile.
 
Ông trở thành một lãnh tụ của sinh viên và làm việc với bộ văn hoá của chính phủ Salvador Allende, phụ trách việc xuất bản những tác phẩm văn học cổ điển với giá rẻ cho quần chúng. Sau vụ đảo chính 1973, chế độ quân phiệt của nhà độc tài Augusto Pinochet đã bắt giam Luis Sepúlveda 2 năm rưỡi, rồi được thả nhờ sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức), nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Thế nhưng, ông đã trốn thoát và ẩn nấp bí mật gần một năm và thành lập một nhóm kịch phản kháng. Rồi ông bị bắt lần nữa và lãnh án tù chung thân (sau này được giảm còn 28 năm tù) vì tội “phản quốc” và “phiến loạn”.
 
Hội Ân Xá Quốc Tế (chi nhánh Đức) lại can thiệp, và bản án của ông được giảm xuống còn 8 năm lưu đày, và năm 1977 ông rời Chile. Từ đó, ông sống và làm việc ở nhiều nước khác nhau, tiếp tục hoạt động như một nhà vận động chính trị - xã hội, và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ông đã xuất bản gần hai mươi tác phẩm văn chương. Ngoài ra, ông còn hoạt động trong ngành điện ảnh, và đã thực hiện bốn cuốn phim.
 
Ngày 19.2.2009 vừa qua, ông được trao tặng giải thưởng lớn Premio Primavera de Novela với số tiền 200 ngàn Euro cho tiểu thuyết La sombra de lo que fuimos [Bóng tối của quá khứ chúng ta, 2009].
 
Tuy nhiên, cuốn Un viejo que leía novelas de amor [Một ông già đọc tiểu thuyết tình yêu, 1989] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn này đã được xuất bản qua hơn 60 ngôn ngữ.

 

_________

 

 

MỘT ÔNG GIÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH YÊU

 

Đã đăng: [I] - [II] - [III]

 

IV

 

Sau năm ngày lênh đênh trên sông, Antonio José Bolivar tới được làng El Idilio. Khung cảnh làng có những thay đổi. Đối diện với dòng sông có khoảng hai chục nóc nhà, nối nhau thành một dẫy. Nhà cuối cùng to nhất, được đóng một tấm biển phía trên cửa với một dòng chữ sơn mầu vàng “Toà thị chính”. Làng El Idilio cũng đã có bờ ke bằng gỗ, nơi ông tránh không cập bến. Ông xuôi theo dòng nước, cho đến khi mệt mỏi mới cập thuyền vào bờ. Đó là nơi ông dựng căn nhà để ở bây giờ.

Lúc đầu, khi nhìn thấy ông đi vào rừng với một khẩu súng Remington ca-líp 14, đồ thừa kế duy nhất của người mà ông đã giết, không những thế còn giết một cách tồi tệ, dân chúng coi ông như một người man rợ nên lảng tránh. Nhưng rất nhanh chóng sau đó, họ phát hiện ra sự may mắn do việc ông xuất hiện mang lại.

Dân khai hoang và dân đi tìm vàng đã phạm vào những sai lầm ngu xuẩn ở trong rừng. Họ tàn phá mọi thứ không đếm xỉa tới bất cứ điều gì. Chính vì thế mà một số loài thú trở nên hung dữ.

Để có được vài mét đất, họ phá rừng vô tổ chức, làm cho diều hâu không còn chỗ trú. Chúng trả thù lại bằng cách cắn chết lừa của họ. Họ săn lợn rừng khoang vào mùa sinh sản. Việc này đã biến những con lợn con thành những con quỷ dữ. Không kể sự xuất hiện của những thằng Mỹ mò tới từ những mỏ khai thác dầu.

Chúng chia thành từng nhóm đi ầm ĩ vào rừng, súng đạn đủ có thể trang bị cho một tiểu đoàn. Chúng sẵn sàng bắn vào tất cả những gì cử động được. Chúng bám riết theo những con báo, không cần biết đó là những con báo con hay báo cái đang có bầu, để sau đó chúng sẽ đứng chụp ảnh trước mấy chục bộ da được đóng đinh treo lên một tấm ván trước khi bỏ đi.

Những thằng Mỹ ra đi, còn những bộ da ở lại bốc mùi hôi thối cho đến lúc một bàn tay nhân từ nào đó gỡ chúng ra vứt xuống dòng nước. Những con báo sống sót trả thù lại bằng cách moi ruột những con bò đói giơ xương của dân khai hoang.

Antonio José Bolivar tìm cách hạn chế sự phá hoại của dân khai hoang. Họ phá hoại rừng để dựng nên tác phẩm chủ yếu của loài người văn minh: những sa mạc chết.

Rồi thú rừng càng ngày càng hiếm hơn. Những loài sống sót trở nên khôn ngoan hơn. Cũng như người Shuars, chúng trốn sâu vào rừng trong một cuộc thiên di không ai ngăn cản được về miền đông Amazon.

Đã có tất cả thời gian dành riêng cho mình, Antonio José Bolivar Proano phát hiện ra ông biết đọc đúng lúc răng của ông bắt đầu hỏng.

Chúng bắt đầu làm cho ông bận tâm khi ông cảm thấy mồm mình có mùi hôi, và có những cơn đau âm ỉ trong lợi.

Ông thường tham gia vào những buổi khám bệnh nửa năm một lần của bác sĩ Loachamín, nhưng không bao giờ ông tưởng tượng nổi chính mình sẽ ngồi trên ghế. Cho đến một ngày những cơn đau trở trở nên dữ dội không thể chịu nổi, bắt buộc ông phải leo lên ngồi trên cái ghế của bác sĩ.

— Đơn giản thôi bác sĩ. Tôi cũng chẳng còn bao nhiêu cái răng. Tôi đã tự nhổ những cái gây quá nhiều phiền toái cho mình, nhưng không nhổ được những cái nằm sâu bên trong. Nó quá khó. Vậy bác sĩ cứ tự nhiên vặt sạch chúng cho tôi, sau đó chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về giá cả của những hàm răng giả đẹp đẽ kia.

Lần ấy, tầu Sucre mang đến hai nhân viên của chính phủ. Họ ngồi sau cái bàn trước cổng nhà thị chính. Điều đó làm cho dân chúng nghĩ họ là những nhân viên đến phụ thu thuế.

Trước sự thờ ơ của dân chúng, xã trưởng bắt buộc phải kêu gọi đến nghĩa vụ công dân còn lại ít ỏi trong ý thức họ để lôi những người lần chần đến trước cái bàn của chính phủ. Hai nhân viên được gửi đến mặt mũi sa sầm, họ có nhiệm vụ ngồi thu những lá phiếu của công dân làng El Idilio cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng tới.

Antonio cũng phải trình diện trước bàn như tất cả mọi người .

— Anh biết đọc không? — Người ta hỏi ông.

— Tôi cũng không nhớ nữa.

— Để thử xem, ông thấy chữ gì viết ở trên kia?

— n-g-à-i t-ổ-n-g t-h-ố-n-g, ứ-n-g c-ử v-i-ê-n.

— Rất tốt, ông thấy không, ông có quyền bầu cử.

— Quyền về cái gì?

— Quyền bầu cử, trong một cuộc bầu cử bỏ phiếu kín và trực tiếp, để chọn lựa một cách dân chủ một trong ba ứng cử viên xem người nào sẽ nhận chức vụ quan trọng tối cao của quốc gia. Ông hiểu không?

— Tôi chẳng hiểu gì cả? Cái quyền này tốn bao nhiêu tiền?

— Không mất xu nào. Bởi đó là một quyền lợi.

— Thế tôi phải bầu cho người nào?

— Bầu cho người sẽ là tổng thống. Cho ông tổng thống, ứng cử viên của nhân dân.

Antonio bầu cho người thắng cử và nhận được một chai rượu Frontera là phần thưởng cho việc ông đã thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.

Ông biết đọc.

Đấy là điều phát hiện quan trọng nhất của đời ông. Ông biết đọc. Ông đã sở hữu được thứ thuốc giải độc để chống lại những nọc độc của tuổi già. Ông biết đọc, nhưng ông chẳng có gì để đọc.

Mặc dù không vừa ý, xã trưởng chấp nhận cho ông mượn mấy tờ báo cũ, mà ông ta giữ lại để phô ra trước mặt dân chúng giống như một bằng chứng về mối quan hệ đặc biệt của ông với chính quyền trung ương. Nhưng Antonio thấy chúng chẳng hấp dẫn gì cả.

Những trích đoạn của bài diễn văn được đọc trước quốc hội, trong đó ngài dân biểu đáng kính Bucaram nói về một vị dân biểu khác cũng đáng kính như thế, rằng ông này không có cái gì trong đũng quần. Một bài báo khác kể chi tiết việc Artemio Mateluna đã giết người bạn tốt nhất của mình, bằng hai mươi nhát dao găm như thế nào. Một tin tố cáo sự kiêu ngạo cuồng loạn của những cổ động viên bóng đá đội Manta. Họ đã đánh chẩy máu trọng tài trên sân. Những điều đó không đủ sức khuyến khích ông tiếp tục đọc. Chúng xẩy ra trong một thế giới xa lạ, ông không có kiến thức giúp mình hiểu được ý nghĩa của những sự việc đó, chúng cũng chẳng có gì làm cho ông khao khát tưởng tượng.

Một này đẹp trời, tầu Sucre ghé qua. Cùng với những két bia, thùng ga... là một linh mục bất hạnh được giáo hội gửi đến để rửa tội cho trẻ con và chấm dứt tệ nạn ăn ở với nhau không giá thú ở vùng này.

Sau ba ngày, ông linh mục không gặp được người nào có ý muốn dẫn ông tới nhà những người khai hoang. Thất vọng bởi sự lạnh nhạt của những con chiên tương lai, ông ta ra ngồi chờ trên bờ sông đợi chuyến tầu tới mang mình đi. Để giết thời gian nóng nực, ông rút từ túi áo chùng thâm ra một quyển sách cũ và cố gắng đọc. Nhưng cơn buồn ngủ đã quật ngã ông.

Quyển sách nằm trong tay thầy tu kích thích sự tò mò của Antonio José Bolivar. Ông già kiên nhẫn ngồi đợi ông thầy tu buồn ngủ gục xuống và làm rơi nó ra.

Đó là một quyển sách viết về tiểu sử của thánh Francois, mà ông giở vội vàng giấu giếm từng trang với cảm giác như đang phạm một tội ác nào đó.

Ông lẩm nhẩm từng chữ cái, thế rồi lòng khát khao muốn nắm bắt những gì chứa trong trang sách đã khiến ông đánh vần thầm thì những chữ mình đọc được.

Ông thầy tu tỉnh dậy, quan sát , không giấu được vẻ thích thú khi thấy Antonio José Bolivar đang chúi mũi vào quyển sách.

— Truyện có hay không? — Ông ta hỏi.

— Xin lỗi cha, bởi vì cha ngủ nên con không muốn làm phiền.

— Có hay không? — Cha cố hỏi lại.

— Người ta có thể nói, đây là chuyện về những động vật. — Ông trả lời một cách rụt rè.

— Thánh Francois yêu các loài vật, và tất cả những gì tạo hoá đã sinh ra.

— Con cũng vậy, theo cách của con. Cha quen thánh Francois ?

— Không, chúa không cho ta được biết tới niềm vui đó. Thánh Francois đã mất từ cách đây rất lâu. Ta muốn nói là ông đã từ bỏ cuộc sống trần thế này để về bên chúa hưởng cuộc sống vĩnh hằng.

— Làm sao cha biết?

— Bởi vì ta đọc sách. Đây là một trong những quyển mà ta ưa thích nhất.

Cha cố nhấn mạnh những lời nói của mình bằng cách vuốt ve lên quyển sách đã sờn gáy. Antonio José Bolivar ngưỡng mộ chăm chú nghe, và cảm thấy những nanh vuốt của thèm khát đang cắn vào mình.

— Cha chắc phải đọc nhiều sách?

— Cũng kha khá. Trước đây, khi ta còn trẻ mắt còn tinh tường, ta nghiến ngấu tất cả mọi tác phẩm rơi vào tay mình.

— Tất cả những quyển sách nói về các vị thánh?

— Không, trên thế giới có hàng triệu hàng triệu quyển sách, bằng tất cả mọi thứ tiếng nói, chứa đựng tất cả mọi chủ đề, trong đó có cả những điều mà người ta không nên biết.

Antonio José Bolivar không hiểu được vấn đề kiểm duyệt này. Ông tiếp tục chăm chú nhìn theo bàn tay cha cố. Bàn tay béo mập, trắng nõn, đặt ở trên bìa quyển sách mầu đen.

— Các quyển sách khác kể những gì?

— Ta vừa nói với con, đủ thứ chuyện: thám hiểm, khoa học, cuộc đời của những thánh nhân, kỹ thuật, tình yêu...

Cái điều cuối cùng làm ông chú ý. Tình yêu, ông chỉ biết qua những những bài hát. Đặc biệt là những pasillos được trình diễn bởi Julito Jaramillo, một giọng hát sinh ra từ những khu phố nghèo ở Guayaquil, tình cờ phát từ một cái đài chạy bằng pin khiến người ta buồn rầu xao xuyến. Những bài hát ấy kể rằng tình yêu giống như là một vết đốt của muỗi, chẳng có ai nhìn thấy nhưng tất cả đều tìm kiếm.

— Nó như thế nào, những quyển sách nói về tình yêu?

— Những quyển đó, ta sợ ta không thể nói được. Ta mới chỉ đọc một hai quyển.

— Chẳng hề gì. vậy nó thế nào?

— À, chúng kể câu chuyện của hai người gặp nhau, yêu nhau, rồi đấu tranh để thắng những cản trở không cho họ hạnh phúc.

Tiếng còi tầu Sucre thông báo nó sắp rời bến, Antonio không dám hỏi cha cố để lại cho ông quyển sách. Ngược lại, cha cố để lại cho ông lòng ham muốn đọc sách mãnh liệt hơn.

Ông sống qua một mùa mưa, gặm nhấm tình cảnh buồn rầu của một người đọc không có sách, và lần đầu tiên trong đời ông cảm thấy cuộc sống của mình bị bao vây bởi một loài thú có tên là cô đơn. Một con thú tinh quái. Nó không từ một giây phút lơ đãng nào để mượn lấy tiếng nói ông, buộc tội ông bằng những bài phát biểu dài vô tận, trước một khoảng trống vắng không người nghe.

Có cái gì thôi thúc ông đọc sách. Điều đó khiến ông phải đi khỏi làng El Idilio. Có thể không phải đi xa lắm, có thể ông chỉ cần tìm gặp một người nào đó ở El Dorado, một người sở hữu những quyển sách. Và ông nghĩ nát óc tìm cách thực hiện điều đó.

Khi mùa mưa ngớt dần, khi các loài thú bắt đầu xuất hiện trong rừng, ông rời căn nhà của mình, cầm theo khẩu súng săn, mấy mét dây thừng và con dao đã được mài sắc. Ông đi rừng.

Ông ở trong rừng khoảng hai tuần, trong khu vực có những loài thú mà người da trắng ưa thích. Trong vùng sinh sống của loài khỉ oustitis, nơi có những tàn cây cao rậm rạp, ông khoét rỗng ruột vài chục quả dừa để làm bẫy. Ông học được cách bẫy khỉ của người Shuars. Điều đó không khó. Chỉ cần người ta khoét vào quả dừa một cái lỗ rộng chừng hơn một ngón tay cái. Ở phía đối diện, đục một lỗ nhỏ, để luồn một sợi dây qua đó. Sợi dây được thắt nút chặt ở một đầu này, để không cho quả dừa có thể tụt ra. Phía đầu kia, ông buộc nó vào một thân cây, rồi bỏ mấy hòn sỏi nhỏ vào trong quả dừa đã rỗng. Ông vừa rời xa, thì những con khỉ, ngồi theo dõi ông từ trước trên cây cao, đã tụt xuống để tò mò xem có cái gì trong đó. Chúng cầm lấy, lắc lắc thử. Sau một hồi lúc lắc khi nghe thấy tiếng sỏi đập trong quả dừa, chúng sẽ thò tay vào để tìm cách lấy ra. Lúc cầm được một hòn sỏi trong tay, chúng không muốn bỏ ra và sẽ giẫy giụa một cách vô ích nhưng không thể nào rút tay ra được.

Khi đã đặt xong bẫy khỉ, ông đi tìm một cây đu đủ cao. Loại cây mà người ta vẫn gọi một cách chính xác là đu đủ khỉ, bởi chỉ có bầy khỉ ouistitis mới có thể với tới những chùm quả chín nẫu dưới ánh mặt trời ngọt lừ, lúc lỉu như những vương miện treo trên ngọn cây.

Ông rung gốc cây cho đến khi làm rụng được hai quả chín vàng thơm phức rồi nhét nó vào cái gùi đựng thú săn của mình.

Sau đó ông đi đến chỗ sinh sống của các loài vẹt, của phượng hoàng đất. Ông tìm những bụi cây an toàn để tránh gặp thú dữ.

Một dẫy những thung lũng nối tiếp nhau dẫn ông tới một bãi cây bụi rậm rạp. Nơi định cư của ong rừng với những tổ ong bị phân chim làm bẩn. Khi ông xuất hiện, khu rừng đột nhiên im bặt cho đến tận mấy giờ sau, thời gian để cho những bầy chim làm quen với sự xuất hiện của ông.

Ông làm hai cái lồng bằng mây rừng và những cành cây hoa giấy rồi đi tìm những thân cây Yahuasca. Ông giã nát quả đu đủ để trộn ruột đu đủ chín vàng lẫn với nhựa rễ cây được ông ép ra bằng chuôi dao rừng, rồi ông vừa hút thuốc vừa ngồi chờ cho chúng lên men. Ông nếm thử. Mồi trộn ngọt đậm. Vừa ý, ông cắm lều ở đầu suối và bắt cá để làm cơm tối.

Ngày hôm sau, ông dậy sớm đi gỡ bẫy.

Ở chỗ đặt bẫy khỉ, ông tìm thấy mấy chục con khỉ mệt mỏi vì cố sức giẫy giụa để rút bàn tay bị cầm tù trong ruột những quả dừa. Ông chọn ba cặp khỉ còn non, nhốt chúng vào lồng rồi thả những con còn lại.

Ở nơi ông rải ruột đu đủ lên men, loài vẹt đuôi dài và đủ các loại chim bị say nằm la liệt trong mọi tư thế. Một số con cố gắng lảo đảo đi lại, một số khác cố gắng vỗ cánh một cách vụng về để bay.

Ông bỏ vào lồng, một cặp guacayamos, đó là những con vẹt có lông xanh và vàng; một cặp Aras Shapul, loài vẹt rất được ưa chuộng bởi khả năng bắt chước tiếng người, còn ông bỏ lại tất cả những con khác với ước mong chúng sẽ tỉnh dậy vô sự sau một giấc ngủ dài. Ông biết cơn say của chúng sẽ kéo dài vài ba ngày.

Với món đồ săn được, ông trở về làng El Idilio và chờ đến lúc ê-kíp của tầu Sucre đã khuân hết hàng lên boong để lại gặp thuyền trưởng.

— Tôi cần đi El Dorado, nhưng tôi không có tiền. Tôi là chỗ quen biết, ông hãy nhận tôi lên tầu, tôi sẽ trả tiền ông sau, khi tôi bán được thú rừng.

Thuyền trưởng liếc mắt vào cái lồng rồi im lặng thọc tay vào bộ râu đã mấy ngày không cạo trước khi trả lời.

— Ông để lại cho tôi một con vẹt non thay vào tiền vé. Đã từ lâu tôi đã hứa với con tôi.

— Nếu ông đồng ý, tôi sẽ để lại cho ông một đôi để trả cả tiền vé về. Loài vẹt này chúng sẽ chết vì buồn bã nếu bị chia ly.

Trên tầu, ông tán chuyện với bác sĩ Rubincondo Loachamín và nói với bác sĩ lý do về chuyến đi của mình. Bác sĩ lắng nghe với vẻ thích thú.

— Nhưng nếu lão muốn có sách, tại sao lão không nhờ tôi? Tôi chắc chắn là có thể tìm được chúng ở Guayaquil.

— Cám ơn bác sĩ. Vấn đề là ở chỗ lão chưa biết loại sách nào mình muốn đọc. Khi nào lão biết, lão sẽ nhớ tới lời hứa của bác sĩ.

El Dorado chắc chắn không phải là một thành phố lớn. Ngưòi ta tìm thấy ở đó khoảng chừng trăm nóc nhà nối tiếp nhau trên bờ sông. Nó có tầm quan trọng bởi ở đây có một trạm cảnh sát, vài trụ sở hành chính, một nhà thờ, và một trường học phổ thông thưa thớt học sinh.

Nhưng với Antonio José Bolivar, người mà cả 40 năm nay không rời khỏi rừng, nó có ý nghĩa là sự trở về với thế giới rộng lớn mà ông đã từng biết trước đó.

Bác sĩ giới thiệu ông đến một người duy nhất có khả năng giúp đỡ ông. Đó là một thầy giáo, và ông cũng xin phép cho ông già được ngủ lại trong trường. Đó là một ngôi nhà lớn làm bằng tre, không có bếp. Đổi lại, ông già sẽ giúp việc làm bếp và sẽ đan giúp một cái gùi đựng cỏ.

Khi ông già đã bán xong cặp khỉ và mấy con vẹt, người thầy giáo chỉ cho ông thư viện của trường.

Ông cảm động khi được nhìn thấy một số lượng sách lớn như thế. Thầy giáo có khoảng năm chục đầu sách được xếp ngay ngắn trên một cái giá. Ông cảm thấy vui sướng không thể tả nổi, khi tự mình được ngắm nghía từng quyển sách một với cái kính lúp ông vừa mua được.

Năm tháng liền ở đây đã giúp ông hình thành và hoàn thiện gu đọc sách của mình. Thời gian mà những sự lưỡng lự và những câu trả lời nối tiếp lẫn nhau.

Khi lướt qua những quyển sách hình học, ông tự hỏi mình rằng điều đó có giá trị thực sự khiến người ta cần biết đọc không. Ông chỉ còn nhớ được một câu rất dài, mà ông hay mang nó ra nói lúc bực mình: “Trong một tam giác vuông, cạnh huyền là cạnh đối diện với góc vuông.

Về sau câu nói đó gây ra một ấn tượng mạnh tới mức, dân chúng ở làng El Idilio cảm nhận nó như một câu đố chữ vô nghĩa hay một lời chửi rủa tục tĩu.

Những quyển sách về lịch sử gây cho ông cảm giác chúng là một chuỗi những điều giả dối. Có thể như thế được không? Những nhân vật đàn ông da nhợt nhạt, đeo găng trắng đến tận cùi tay, mặc quần bó sát vào đùi giống như những diễn viên xiếc lại là những người chiến thắng trên chiến trường? Chỉ cần nhìn những bộ tóc giả của họ được chải chuốt gọn gàng bay theo gió cũng đủ hiểu, những con người ấy không đủ sức để giết chết một con ruồi. Thế là những trang lịch sử được loại bỏ khỏi gu đọc sách của Antonio.

Edmondo de Amicis và cuốn tiểu thuyết Trái tim đã chiếm hết một nửa thời gian của ông ở El Dorado. Đây mới thật sự là một câu chuyện. Quyển sách làm ông dán mắt vào nó, không thể rời tay. Nó làm ông quên đi sự mệt mỏi để kiên nhẫn đọc. Ông đọc nữa, đọc cho đến lúc ông tự nói với mình rằng không thể tồn tại trên đời một người có thể chịu đựng ngần ấy đau khổ mà vẫn bất hạnh. Đúng là phải sống như một thằng đểu cáng mới có thể tìm thấy sự vui sướng trong nỗi bất hạnh của một cậu bé khốn khổ như Lombard. Như vậy là, sau khi đã tìm kiếm trong tất cả đống sách của thư viện, ông đã chọn được những gì ông yêu thích thật sự.

Cuốn Vòng nguyện cầu của Florence Barclay chứa đầy tình yêu. Vẫn là tình yêu, tình yêu cho mãi mãi. Những nhân vật đau khổ mà kiếp người của họ trộn lẫn sự sung sướng với bất hạnh có một sức truyền cảm lạ thường khiến cho cái kính lúp của ông đẫm nước mắt.

Người thầy giáo không chia sẻ được với ông gu đọc sách đó, nên cho ông quyển sách ấy mang về làng El Idilio. Ông đã đọc đi đọc lại nó hàng trăm lần trước cửa sổ, cũng như bây giờ ông làm như thế với những cuốn tiểu thuyết do bác sĩ mang đến. Những cuốn sách nằm ngổn ngang trên mặt bàn, xa lạ với quá khứ hỗn độn của ông, quá khứ mà ông không muốn nhớ tới nữa. Ông muốn dành những khoảng trống khổng lồ trong trí nhớ để đón nhận những hạnh phúc và trắc trở của tình yêu vốn vĩnh cửu hơn cả thời gian.

 

[còn tiếp]

 

 

--------------
Dịch theo bản tiếng Pháp, Le vieux qui lisait des romans d'amour, của François Maspéro (Paris: Editions Métailié, 2004).
 

 

 

Đã đăng:

... Ngồi yên, đồ chó. Hạ hai cái cẳng trước xuống! Đúng là nó đau, nhưng lỗi của ai, hử? Của thằng này? Không, đó là lỗi của nhà nước. Hãy nhồi điều đó vào đầu, do nhà nước. Đấy là tội lỗi của nhà nước khi chú mày có những cái răng thối và nó làm chú mày đau. Lỗi của nhà nước... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Một buổi tối sau khi thoả cuộc mây mưa với Joselina, một cô gái quê ở tỉnh Esmeraldas, người có một nước da nhẵn và khô như mặt trống, ông nhìn thấy một chồng sách xếp gọn gàng trên nóc tủ đầu giường. — Em cũng thích đọc sách à? — Ông hỏi. — Vâng, nhưng em đọc chậm lắm. — Em thích những loại sách nào? — Những tiểu thuyết tình yêu. — Cô gái trả lời... [Bản dịch của Nam Giang] (...)
 
... Cô không có bầu. Hàng tháng kinh nguyệt đến đều đặn một cách ghê gớm. Mỗi lần tới tháng càng làm tăng thêm sự cô lập của cô. — Con bé này đẻ ra đã vô sinh. — Các bà già nói với nhau. — Tôi đã nhìn thấy kinh của nó từ lần đầu tiên. Nó chứa đầy những con nòng nọc chết. — Một bà già khẳng định. — Con bé này đã chết từ trong ruột. Thứ đàn bà như nó thì dùng làm được việc gì? — Mấy bà già tiếp tục... [Bản dịch của Nam Giang] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021