thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [4]

 

Đã đăng: chương [1] - [2] - [3]

 

4

 

Năm 12 tuổi, tôi có kinh. Điều ấy không khiến tôi sợ hãi. Có một điều khiến tôi ngạc nhiên là, bây giờ, tôi biết những đứa trẻ gái học lớp 5, nghĩa là mới 10 tuổi đã có kinh. Không hiểu vì sao bọn trẻ giờ lại trưởng thành sớm thế. Hay quá trình tiến hóa của loài người đang ngày càng nhanh hơn với sự tác động của khoa học kỹ thuật?

Điều đó không khiến tôi sợ hãi vì cả mẹ và bà đều đã chuẩn bị tư tưởng cho tôi từ rất sớm. Khi chỉ có hai mẹ con ở với nhau, bà ngoại thường lên thăm, mang gạo lên cho hoặc giúp hai mẹ con tôi việc này việc nọ. Lạ một điều là tới hơn 60 tuổi, bà tôi mới tắt kinh. Hồi đó, cả bà và mẹ đều dùng thứ sô trắng, mỗi lần dùng để lót xong lại đi giặt, phơi khô để sử dụng lại. Thứ vải sô như vậy có thể dùng được trong một thời gian rất dài. Khi tôi có kinh, thì xã hội đã thay thế băng sô bằng giấy vệ sinh — những cuộn giấy tròn vẫn còn mùi tre ngâm vì công nghệ xử lý chưa hoàn hảo. Tôi nhớ mình vẫn thường phải lót những lớp giấy dày cồm cộm. Vì thế, mỗi khi đến tháng, tụi con gái chúng tôi thường rất ngượng vì, trông từ phía sau, dường như chúng tôi đã đeo cả hai cái mo cau vào vậy. Giải pháp tốt nhất là chúng tôi mặc những chiếc áo đồng phục được may rộng một cách cố ý, dùng riêng cho những ngày đó. Và thật đau khổ, nếu ngày đó có tiết học thể dục.

Giờ thì bọn trẻ hoàn toàn không phải lo lắng vì chuyện đó, hàng chục mẫu mã băng vệ sinh siêu mỏng, siêu thấm giúp chúng hoàn toàn tự tin trước những người bạn khác giới và việc dùng tampon thậm chí còn giúp chúng có thể bước tới bể bơi trong cả những ngày đó. Cần phải tạ ơn cho những phát kiến khoa học phục vụ con người như thế này.

Nói chung, những ngày đó đối với tôi không để lại nhiều ký ức như những gì các nữ nhà văn thường mô tả. Tôi vẫn nhớ, thời gian ấy, những cậu trai mới lớn, như anh trai tôi, thường rất thích đọc những cuốn sách viết về các tay giang hồ, tướng cướp, in chữ khổ to với loại giấy bồn bột, lúc nào cũng có cảm giác ẩm ướt vì mồ hôi tay của quá nhiều người đọc. Trong những cuốn sách kiểu đó, bao giờ cũng có chi tiết nói về thời kỳ có kinh của một nữ nhân vật chính — những người sau đó sẽ trở thành người yêu hay người tình trong mộng của các tay đại đồ tể, tướng cướp lừng danh. Thực sự là có đọc những cuốn sách đó tôi mới biết hóa ra nó quan trọng đến vậy. Tôi đi qua thời kỳ bỡ ngỡ đó rất nhanh chóng và cảm thấy hầu như không có gì đặc biệt. Nhưng rõ ràng là có một điều gì đó đang diễn ra.

Tôi bắt đầu cắt tóc đờ mi với một cái mái xịt gôm cứng nhắc và dựng đứng. Đó là mốt của các cô gái trẻ lúc bấy giờ, giống như một cô ca sĩ nhạc rock người Đức tên là gì ấy nhỉ? Tóc con trai và đeo những chiếc khuyên nhựa đủ màu, to đùng. Tôi cũng học cách đi xe đạp và bỏ một tay ra vì thật là đáng ngưỡng mộ nếu một cô gái có thể bỏ một tay để sửa tóc hay chỉnh lại thắt lưng khi đang đạp xe trên phố. Khi đó, chúng tôi cũng rất khoái chơi một trò gọi là “họ hàng”. Trong lớp, chúng tôi sẽ tìm cho nhau những người mà chúng tôi gọi là chồng, vợ, hay anh, em, chị, cháu,... và chúng tôi đặt cho nhau những biệt danh thật là dễ thương, chủ yếu theo tên các nhân vật trong sách giáo khoa văn học, như Đan-kô, Natasha chẳng hạn. Lúc đó tôi cũng có “vợ” của mình, đó là một cô bé có đôi mắt rất to và khuôn mặt bầu bĩnh. Cô ấy gọi tôi là anh và tôi gọi cô ta là em.

Tôi là người chọn “vợ” của mình và lý do duy nhất, có thể bạn sẽ đoán được ngay, vì cô ta trông giống Nhã. Không chỉ giống ở đôi mắt to, mà ngay cả mớ tóc của cô ấy cũng giống Nhã kỳ lạ, chúng đỏ rực, thưa và mảnh. Chỗ ngồi của cô ấy ở ngay cửa sổ, nằm hướng Tây. Những buổi chiều mùa hè, khi mặt trời xuống, những tia nắng cuối cùng hắt vào lớp học bao giờ cũng để lại trên tóc cô ấy một lớp hoàng hôn rực rỡ. Từ chỗ ngồi của mình, tôi nhìn về phía đó, cảm giác như có một đám lửa đang bắt đầu nhảy múa, ma mị, lôi cuốn và đẹp đẽ — những điệu nhảy cuối cùng trước khi tàn lụi.

Để chứng tỏ vai trò của một “người chồng” thì đương nhiên tôi phải khác. Tôi thích đi dép tổ ong trắng lốp, mặc quần bò ống đứng rộng thình và tôi chỉ thích mặc những chiếc áo có kiểu cổ Đức và luôn được gài khuy kín. Đối với tôi, không gì sợ hơn là để người khác biết rằng ngực mình đang lớn lên. Hồi đó, chúng tôi, những đứa con gái mới lớn luôn cố gắng giấu càng kỹ càng tốt việc mỗi ngày bộ ngực của mình một lớn lên. Chúng tôi thường vẫn để mẹ mua cho đồ lót — những chiếc áo phải nịt thật chặt để bộ ngực đừng lộ ra. Phải thân thiết và bạo lắm, thì vài đứa con gái mới dám rủ nhau vào chợ để tìm mua những chiếc áo lót với nhau, vừa chọn vừa ngượng ngập nhìn nhau và sẵn sàng trốn ngay đi chỗ khác nếu có bóng dáng đàn ông đi qua. Hàng Trung Quốc không tràn ngập như bây giờ. Khi ấy, người ta chỉ thích đồ Thái Lan. Khắp nơi, người ta bày bán những đôi dép xốp, những đôi tông Thái đủ màu, rất nhẹ và giá hơi đắt nhưng bù lại, đi rất bền. Đồ lót cũng vậy. Có rất nhiều mẫu mã đẹp và giá cả cũng dễ chịu. Tôi không thích người khác nhìn vào ngực mình nhưng điều đó không ngăn được lòng đam mê đồ lót của tôi, điều đó có thể vì bị ảnh hưởng của mẹ. Mẹ có kể với tôi rằng, lần đầu, khi mẹ được thực sự sờ tay vào một chiếc áo lót có lớp mút mỏng, mẹ đã cảm thấy hạnh phúc tới phát khóc. Ký ức kinh hoàng của một thời đói kém, đối với mẹ, không phải là những bữa cơm trộn bo bo, những bữa ăn thiếu dinh dưỡng, những buổi xếp hàng chồn chân hay những tấm vải hoa mua theo tem phiếu cứng quèo; mà là những chiếc áo lót may bằng vải thô với hai quả may vụng về luôn có hình chóp nón, nhọn hoắt. Thi thoảng mẹ nói đùa, rằng có thể nghĩ là nếu ngồi sau lưng người yêu, thì làm người yêu thâm tím mất. Khi ấy, để có thể mặc một chiếc áo lót được lâu, ngay khi dây ngang dão đi, người ta phải lấy kéo cắt ngắn bớt và cẩn thận khâu lại bằng tay để chiếc áo luôn vừa vặn. Dĩ nhiên, chỉ người mặc nó mới biết nó đã dão tới chừng nào.

Có một điều rõ ràng khác mà bạn có thể lấy ngay ra làm một thứ tiêu chuẩn để phân biệt thế hệ chúng tôi ngày đó và bọn trẻ bây giờ là, khi ấy, chúng tôi thường phải giấu việc bộ ngực mỗi ngày một lớn lên sau những chiếc áo rộng, còn lũ trẻ bây giờ thường cố mặc áo thật bó sát và luôn có dáng đi ưỡn thẳng ngực về phía trước. Nó như một câu hỏi đầy khiêu khích “Có thấy gì đây không?” Việc để lộ cho mọi người nhận thấy hai bên ngực đang lớn dần, tròn dần thật là một việc đáng xấu hổ. Người duy nhất trên phố có thể để lộ cả hai bầu ngực mà chẳng sợ ai chê cười và cũng không ai nhìn tới, đó là một người đàn bà điên có mớ tóc rối bù và miệng thường lẩm nhẩm những gì không ai nghe được bao giờ. Mà cũng chẳng ai cố tâm để nghe xem bà ta nói gì. Trò chơi âm thanh và hình ảnh vẫn có thể giúp đặt lại trước mắt tôi hai gò ngực nhô cao của bà ta trong chiếc áo thủng lỗ chỗ, bẩn thỉu, hôi hám. Không hiểu sao khi đó lại có nhiều người điên đến vậy. Ngoài bà ta, thì “bộ sậu” còn có một cậu thanh niên, chỉ mới khoảng trên 20 trông dáng dấp rất thư sinh luôn đứng lấp ló ở cửa nhà thờ thị xã và một người đàn ông trung niên. Tôi chưa từng bao giờ gặp ai có khuôn mặt khắc khổ, nhàu nát và héo úa tới vậy. Cả ba người điên này đều không chửi bới, không bật cười khanh khách như mọi người hay tưởng tượng. Họ chỉ im lìm chuyển động trong đời sống thị xã, cứ như một gia đình nhỏ.

Tới năm tôi lên lớp 7 thì mốt tóc tém đờ mi đã được đổi sang kiểu “một mất một còn” và những chiếc quần ống đứng được thay thế bằng kiểu quần Alibaba túm ống, mà khi mặc, trông đứa nào cũng lùn đi vài xen-ti-mét. Rồi đến lớp 8 thì lại đổi sang mốt quần ống sớ, tức là những cái quần ống đứng nhưng rộng mênh mông, mà nếu đạp xe không cẩn thận thì chắc chắn ống quần sẽ bị quấn vào xích. Rồi đến lớp 9 thì có mốt mặc cả bộ đồ gilê kẻ và những chiếc sơ mi trắng mặc bên trong bắt buộc phải để tay bồng. Đó thực là những ngày buồn cười vì đời sống chẳng phải khá giả gì nhưng ai cũng thích chạy theo mốt. Trong một buổi sáng, tất cả mọi người, như bạn, đột nhiên đều trở nên giống nhau như đúc: những mái tóc, những bộ quần áo, những chiếc xe đạp,... Cứ như thể tất cả cùng tỏa ra từ một nhà máy sau ca làm việc. Người ta không dùng từ “cá tính” hay “lập dị” nhiều như bây giờ. Mọi người đều hài lòng với việc mình giống với xung quanh, mình là một cá thể chìm lấp trong cả một tập thể vĩ đại — đó là xã hội.

Tôi quên kể với bạn rằng đột nhiên, khi vào lớp 6, tôi trở nên vô cùng ham thích đồ gốm. Tôi luôn ngắm say sưa tất cả những chiếc bình hoa, bình trà, chén tách,... bằng gốm mà tôi bắt gặp ở các cửa hiệu, ở nhà bạn bè hay ở bất kì đâu tôi gặp. Mỗi dịp cuối tuần, tôi thường rủ “vợ” của mình vào chợ. Chúng tôi sẽ đi thật lâu trong suốt dãy bán đồ thủy tinh sành sứ và ngắm nhìn cho thật thích mắt tất cả những món đồ sứ, thủy tinh mà tôi gặp. Nhắc đến những món đồ gốm, tôi không thể không kể cho bạn nghe về chiếc bình vôi của bà nội. Đó là một chiếc bình rất ít hoa văn và đơn giản, chỉ có một chiếc quai ngang và một chiếc lỗ hõm vào, nơi bà sẽ cắm chiếc chìa lấy vôi sống ăn trầu. Nếu so với bà ngoại, bà nội có một cuộc đời đơn giản hơn nhiều, vì bà rất vụng về. Bà lấy một người đàn ông, sinh ra những đứa con, sống nhiều năm trong đời sống an nhàn và ít biến động của một tỉnh duyên hải miền Bắc. Tới khi đất nước có những thay đổi và đời sống ngày càng nhiều điều phải quan tâm thì thật hạnh phúc là bà đã bị mất trí nhớ hoàn toàn. Những gì tôi còn nhớ được là mỗi lần cùng mẹ về thăm quê nội, bao giờ tôi cũng gặp đôi mắt của bà hướng ra khu vườn — vốn trước đây chỉ trồng toàn hoa lay ơn, đang ngày bị thu hẹp lại để các bác tăng gia thêm rau và cây ăn quả. Đôi mắt bà vốn trước kia trông rất mệt mỏi, giờ chỉ còn một cảm giác an toàn, nhàn nhã và thung dung vô hạn. Chắc lúc đó bà chẳng còn nhớ chút gì rằng bà đã từng đưa tôi đi rất nhiều đình, chùa quanh vùng khi tôi về thăm quê lúc còn bé tí tẹo; rằng chúng tôi đã cùng nhau đi trên những con đường đầy ổ gà giữa trưa nắng chang chang mang theo một chiếc túi vải trong đựng đầy xôi, oản, chuối và chút thịt mỡ bạc nhạc trắng bóng,... Bà thậm chí quên cả việc đã từng ăn trầu. Chiếc đĩa đựng cau, trầu và thanh vỏ, chiếc cối giã trầu bằng đồng cùng chiếc bình vôi đặt trước mặt bà luôn khô không khốc. Người ta nói, chiếc bình vôi là ông thần giữ nhà, ngay cả khi trong gia đình không có ai ăn trầu thì vẫn nên có một chiếc bình vôi. Người ta cũng nói rằng, những người nghiện trầu thuốc, khi mất đi, nếu bốc mộ sẽ thấy bên trong còn một cục vôi. Người ta còn nói nhiều chuyện nữa mà khi đó tôi rất háo hức được biết tất cả. Và chiếc bình vôi đó, sau này, tôi không có cơ hội sở hữu nó khi bà nội mất, nó đã được chôn theo bà, cho dù bà không còn nhớ về sự tồn tại của nó.

Chỉ có một người vẫn còn nhớ về sự tồn tại của chiếc bình vôi ấy, đó là chị gái của bố tôi. Không ai trong gia đình có thể quên hình ảnh bác vật vã ôm lấy mộ bà nội trong ngày bốc mộ bà và vừa khóc vừa nguyền rủa cái ngày ông bà quyết định gả chồng cho bác. Một người đàn ông mồ côi, là dân ngụ cư, vũ phu và đương nhiên là thất học. Ông nội đã ép bác — cô giáo duy nhất ở làng khi ấy — phải lấy người đàn ông đó sau khi nhốt họ chung vào một căn buồng trong suốt hai ngày đêm. Gả con gái cho một kẻ bần cố nông ngụ cư là tấm lá chắn để giúp ông thoát khỏi tiếng địa chủ. Ông đã thoát ra khỏi những cuộc đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất một cách ngoạn mục. Thứ duy nhất ông có thể trao cho bác vào ngày cưới là món của hồi môn lớn nhất: một cuộc đời dài dặc những đau khổ. Khi ông mất, gia đình tôi lạc mất mộ của ông do những thay đổi trên bản đồ địa chính của xã, nhưng cho dù ông có nằm đâu chăng nữa, thì chắc chắn mảnh đất đó vẫn đã từng thuộc sở hữu của ông, chỉ có mộ của bà nội được quy hoạch vào nghĩa trang. Vào cái ngày bốc mộ bà, bác tôi đã đòi được sở hữu chiếc bình vôi ấy, nó được bác đặt trên bàn thờ tổ tiên — như một chứng nhân ghi nhớ những đau đớn câm lặng mà suốt một đời bác đã phải trải qua.

Và mỗi khi nhớ tới chiếc bình vôi ấy, tôi lại mong muốn, một ngày nào đó, khi tôi chết đi, tôi cũng có thể quên tất cả những gì đã từng tồn tại và thân thiết, giống như bà nội. Tôi nghĩ, đó mới là hạnh phúc.

Tôi rất thích rủ “vợ” đi xem các hàng đồ gốm trong chợ. “Vợ” là một người rất chịu nghe lời tôi. Và vì chúng tôi ở hai khu tập thể gần nhau nên lại càng có nhiều cơ hội ở bên nhau. Em là người đầu tiên hát cho tôi nghe những bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh. Em hát rất tình cảm và say mê. Em cũng rất xinh nữa nên đã sớm có bạn trai và ngay khi chúng tôi chơi với nhau, em đã kể cho tôi nghe về người yêu của em. Đó cũng là một cậu bé rất xinh trai. Tôi vẫn còn nhớ, cậu ấy cũng có một đôi mắt to và hay cười rất tươi. Cậu ấy học ở một trường khác và ở sâu hơn trong thị xã. Có những ngày chủ nhật, hai chúng tôi đều nói dối bố mẹ là phải đi học thêm, rồi hì hụi chở nhau vào nhà cậu ấy chơi. So với chúng tôi ngày ấy, cả em và cậu ta đều đã trưởng thành và lớn hơn rất nhiều, cả về dáng vóc và những suy nghĩ. Tôi thường được em đọc cho nghe những lá thư cậu ấy gửi, và ngược lại, mỗi khi gửi thư cho cậu ấy, em cũng đọc cho tôi nghe.

Những lúc như thế, tôi lại nhớ thật nhiều về Nhã. Tôi thường tưởng tượng Nhã giờ như thế nào. Tôi nghĩ, Nhã cũng sẽ có một đôi mắt lớn như em, cũng sẽ có hàng mi cong như em, Nhã cũng sẽ có bạn trai sớm như em và rồi Nhã cũng sẽ viết những bức thư mực tím gửi cho cậu bạn trai mình yêu thích. Có thể lắm chứ. Nhưng không giống như em, Nhã dường như thân thuộc hơn, gần gũi hơn. Cho dù em là người chia sẻ với tôi vào những ngày đau bụng đóng cứng trong những cái mo cau hay những lúc đứng tần ngần đỏ mặt bên quầy đồ lót, thì dường như vẫn luôn có một ai đó chen giữa chúng tôi, còn với Nhã, con số hai, nghĩa là con số hai.

Em và cậu ấy đều viết cho nhau bằng mực tím. Em viết rất nắn nót, chữ em không đẹp nhưng cái kiểu viết ấy khiến người ta nghĩ rằng người viết phải rất chú tâm, rất cố gắng. Em cũng thường trích dẫn những câu thơ mùi mẫn mà hồi đó rất phổ biến trong giới học sinh chúng tôi khi muốn bày tỏ tình cảm với ai đó. Em dần xao lãng việc học hành, tôi càng ngày càng phải giúp em nhiều hơn, từ chuyện làm bài tập ở nhà tới việc ném bài mỗi khi tới tiết kiểm tra. Em chưa bao giờ nói lời cảm ơn với tôi, nhưng khi em nhìn tôi, tôi như thấy Nhã trước mặt. Và tôi nghĩ, mình đang trả nợ, cho Nhã.

Tôi rất thích tới nhà em sau giờ học, khi bố mẹ em chưa kịp đi làm về. Lúc đó, chúng tôi làm đủ trò linh tinh, nào gấp hạc, vẽ thiệp, ép hoa,... và tất nhiên, cả viết thư tình nữa. Mỗi khi nhìn em nằm bò ra giường viết những dòng thư, tôi lại nhớ tới những lúc bá quanh cổ bố Nhã để xem ông vẽ. Những lọn tóc xoăn tự nhiên của em cũng rủ xuống trán, hàng mi cong vút và khuôn mặt bầu bĩnh, thánh thiện. Đôi lúc, trong những giấc mơ bất chợt, tôi có cảm giác em như là một hiện thân khác của Nhã, như thể, Nhã từ một nơi nào đó đã không đành lòng để tôi một mình. Và Nhã đã trở lại?

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

... Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú. Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021