thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [5]

 

Đã đăng: chương [1] - [2] - [3] - [4]

 

5

 

Năm lên lớp 9, tôi được kết nạp Đoàn viên sau khi mang về một giải học sinh giỏi xuất sắc trong một kỳ thi văn cho trường. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngày hôm đó. Nó khác với tất cả những thứ cảm giác tôi từng trải qua. Một đứa con gái 13 tuổi có thể nói là mình trở nên trống rỗng vào cái ngày được trở thành một Đoàn viên của một Đoàn thể không nhỉ? Tôi không biết liệu mọi người có tin không, nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi giơ một nắm tay lên để thề thốt một điều gì đó. Lời thề đã được thầy giáo phụ trách Đoàn trường ghi sẵn vào giấy và thật là vinh dự khi tôi được chọn là người đọc lời thề này. Không biết giọng đọc của tôi có đủ truyền cảm hay không, nhưng chắc chắn, trong số mười mấy đứa được kết nạp cùng ngày đó, đã có ít nhất một đứa khóc.

Bất chợt tôi nghĩ tới mẹ. Tôi không biết bà sẽ có cảm giác tự hào hay không về việc giờ đây tôi đã trở thành một Đoàn viên. Tôi cũng không biết cảm giác tự hào, nếu có, sẽ kéo dài trong bao lâu? Nhưng có một điều chắc chắn, hẳn bà cũng cảm thấy, điều này đã cho lão quản đốc già đầy chấp nhặt kia một thứ gì đó, tựa như nắm đấm, để cả khu tập thể luôn biết rằng tôi là một đứa học sinh giỏi, tôi đã đạt giải thưởng cao trong những kỳ thi quan trọng, và giờ thì tôi còn là một Đoàn viên nữa.

Cũng vào năm lớp 9, tôi nhận ra em càng ngày càng xa tôi. Chúng tôi khác nhau về nhiều thứ. Em thích nói chuyện với những đứa con gái khác trong lớp, cũng đang có bạn trai như em. Trong mắt em lúc này, đã và sẽ luôn chỉ có cậu bạn trai. Và việc chúng tôi chia sẻ với nhau, như tôi chợt nhận ra khi đó, chỉ là vì mọi việc bắt buộc phải diễn ra như vậy, và thứ quan trọng trong cuộc đời một đứa con gái đang lớn là sự quan tâm từ một đứa con trai, chứ không phải từ một đứa bạn gái.

Những ngày đó, bố đã xin nghỉ về hưu một cục, ra khỏi Quân đội và đã chuyển lên ở với mẹ con tôi được vài năm. Anh trai tôi vào Đại học và sẽ chỉ về nhà vào dịp cuối tháng do việc đi lại lúc này vẫn còn khó khăn. Tôi rất thích những lúc anh tôi về. Anh rất chiều và thương yêu tôi. Khi nào về thăm nhà, anh cũng có quà cho tôi, lúc thì miếng vải may áo, khi lại là quyển album với hình các cô người mẫu Thái Lan môi đỏ rất xinh. Lần đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của anh, tôi bắt đầu tập yoga và thấy thú vị rằng tôi có thể để nguyên thế ngồi hoa sen để di chuyển trong căn phòng nhỏ bé của tôi với hai bàn tay nổi đầy gân. Thậm chí, anh còn kiếm cho tôi một chiếc côn nhị khúc và tôi tập nó với sự háo hức chưa từng thấy. Bố kiếm được việc làm bảo vệ ở một xí nghiệp nhỏ — công việc chưa và sẽ không bao giờ nằm trong mơ ước của ông: gần nơi làm việc của mẹ. Ông trở nên trầm tính hơn và bạn biết đấy, giữa bố và đứa con gái đang trưởng thành thì không có gì nhiều để chia sẻ cả.

Vì thế, nếu mỗi tháng anh tôi không về thăm, tôi thấy mình rất cô đơn.

Lần đầu tiên, tôi nhận thấy, mình rất cô đơn.

Những “gia đình” khác trong lớp cũng bắt đầu rạn nứt vì như thể có một hội chứng tâm lý hay một biến đổi nào đó đang diễn ra, tất cả chúng tôi đều trở nên khác biệt, khác biệt với chính chúng tôi lúc đó và khác biệt với nhau. Lúc này, cái tốt, cái xấu trong mỗi chúng tôi bắt đầu có cơ hội để thể hiện rõ ràng hơn. Một đứa con gái ngồi cạnh tôi đã lấy trộm chiếc bút máy Kim Tinh mẹ tặng khi tôi đoạt giải Văn. Một thằng con trai trong lớp cùng lúc viết thơ tặng cho hai đứa con gái, ý nói là rất thích bọn nó. Những đứa con gái nói xấu nhau rằng miệng của đứa này hôi và đứa kia bị thối tai. Những thằng con trai bắt đầu tụ tập nhau lại để xem thứ gọi là “phim con heo”, chúng thích nhìn trộm lũ con gái trong những ngày bị đau bụng và thường cố tình hích vào ngực bọn con gái vào giờ tập thể dục. Trong một sớm một chiều, chúng tôi chợt nhận ra, chúng tôi thật khác nhau biết mấy, và điều đó, thật đáng sợ biết mấy.

Những bữa tối sau khi ăn cơm, tôi ngồi nhìn bố mẹ chăm chú xem những bộ phim truyền hình dài tập của Mêhicô trước chiếc TV nội địa cố tình có màu bằng cách được gắn màn hình có ba dải màu rõ ràng, vừa tự hỏi, đây có thực là gia đình của mình không?

Tôi nhớ Nhã biết mấy. Mỗi buổi chiều khi ngồi trên chiếc xe mini Liên Xô màu xanh, giờ đây đang dần han gỉ, trở về nhà, tôi luôn tưởng tượng có Nhã đang ngồi phía sau. Khi vuốt những sợi tóc ngắn loà xoà trên trán, tôi thấy nhớ vô cùng những buổi chiều Nhã lấy lược chải tóc và tết cho tôi khi hai đứa cùng ngồi xem bố vẽ. Miệng Nhã sẽ ngậm chiếc dây chun, khi xanh khi đỏ. Nắm tay nhỏ túm một túm tóc, chiếc lược nhựa đặt trên đầu gối. Nhã tết tóc cho tôi với một sự chú tâm hết mực. Và rất nhẹ nhàng, không bao giờ tôi phải kêu vì chân tóc bị cột chặt quá. Ngay cả mẹ cũng không thể tết cho tôi những bím tóc đẹp và dịu dàng đến thế. Nhiều lúc tôi thấy sợ khi nhận ra mình đang nói chuyện với Nhã trên đường. Chọn mua một cái mũ tôi cũng nghĩ: màu này có phải màu yêu thích của Nhã không; chọn một đôi xăng đan tôi cũng nghĩ: đôi này Nhã có đi vừa không. Năm đó, tôi còn tổ chức cả sinh nhật cho Nhã, một ngày sinh tôi đã lãng quên trong nhiều năm. Tôi mua một bó hoa lưu ly màu tím và một tập thơ học trò bé tí xíu. Trong bóng tối của cây nến, một mình, tôi đọc thơ, tặng Nhã: “Nắng vàng là nắng vàng ơi, cớ sao nắng lại lên trời bỏ tôi? Hay vì chiều đã xuống rồi, nắng mưa chẳng thuộc về người trần gian. Nắng ơi à, nắng ơi vàng, tóc dài tôi sẽ còn đa mang nhiều...”

Đã có lúc, tôi ước ao bố tôi cũng là hoạ sĩ như bố Nhã. Tôi ước ao được ngồi bá cổ bố, xem bố vẽ những Tháp Rùa, những vịnh Hạ Long,... rồi chúng tôi sẽ chở tranh trên một chiếc phượng hoàng đen, đem lên phố bán. Có lúc, thật ngớ ngẩn, tôi còn ước mẹ tôi cũng giống như Nhã, với những món tóc mảnh và thưa, với khuôn mặt thật hiền và đã luôn bao dung ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Nhưng sự thật là bố đã trở thành bảo vệ ở một xí nghiệp nhỏ vài năm nay rồi, và công việc của ông luôn là đóng một bộ mặt quàu quạu để khám xét tất cả những chiếc cặp lồng của công nhân khi rời khỏi xí nghiệp vào giờ tan ca. Ngày đó, người ta thật giỏi trong việc ăn trộm những thứ thuộc về tập thể. Bố tôi đã kể lại trong một bữa ăn, rằng ông không thể hiểu làm sao mà có những anh chàng công nhân của nhà máy có thể giấu cả những thanh sắt phi tám và đi lại một cách bình thường khi qua cửa bảo vệ; còn những chiếc cặp lồng, hãy cẩn thận, nếu chúng nặng hơn bình thường thì chắc chắn người ta đã giấu rất nhiều ốc vít, bù loong ở ngăn thứ hai để bán cho những người buôn sắt vụn. Và sau này ông cũng thừa nhận, không thể hiểu được vì sao rốt cuộc ông cũng trở thành một người trong số họ.

Bạn biết đấy, khi một hành vi sai trái được thừa nhận bởi cả một tập thể và mọi người đều trở thành những kẻ đồng phạm, thì nó đột nhiên không còn sai nữa. Những ngày tôi tìm cách lấy trộm tiền của mẹ và mẹ tìm cách bắt quả tang tôi nhưng không thành thì nó mãi mãi chỉ là những ngày “ăn cắp” bí mật. Cả hai chúng tôi đều biết tôi là kẻ ăn cắp nhưng cả hai chúng tôi đều ngầm không thừa nhận điều đó. Có thể là vì mẹ không muốn làm tổn thương tôi, cũng như tôi không muốn làm phiền lòng bố nếu tôi hỏi ông về việc ông sẽ lấy cắp lại những đồ ăn cắp của những người công nhân trong xí nghiệp thế nào.

Nhưng có một điều, muốn hay không, chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng món tiền có được từ việc bố đem những thứ đó bán cho các đại lý thu mua sắt vụn đã giúp chúng tôi bước đầu có được một ít vốn, đủ để mẹ tôi nuôi một đàn gà công nghiệp.

Không biết có phải ảnh hưởng của đời sống tập thể lâu dài hay không, mà ngày đó, người ta làm cái gì cũng thành một phong trào. Tôi lại quên mất một chi tiết quan trọng, rằng khi tôi học cấp I, mẹ đã từng đem về nuôi cả một đàn vẹt Hồng-kông. Khi ấy, những gia đình khá giả hơn chút ít chưa có nhiều cách để xài sang như bây giờ và cũng không dám phô diễn sự giàu có theo cách vô lối như bây giờ. Mỗi hộ chỉ thường có vài ba con vẹt nhỏ loè loẹt treo ở sân trước, như một cách đánh dấu. Tôi thích đàn vẹt đó lắm, chúng sinh sản nhanh vô cùng. Con nào cũng có bộ lông màu xanh biếc của nước biển hoặc màu xanh nõn chuối, thi thoảng điểm vài cái lông đỏ hay vàng rực, bé tí tẹo như một cái nắm tay. Buổi chiều, Nhã hay cùng tôi đi đổ phân vẹt ở bãi rác cuối khu tập thể, thay nước và đổ thêm kê cho lũ vẹt. Đàn vẹt cũng mang lại chút ít thu nhập.

Đàn gà công nghiệp bây giờ cũng vậy. Nhà nhà nuôi gà. Ra khỏi cửa, bước vào nhà, người ta chỉ hỏi nhau chuyện tăng trưởng, sinh đẻ và giá bán thịt của gà. Thậm chí, chúng còn bước vào thơ ca và trong sách giáo khoa, chúng tôi còn được dạy hẳn một bài thơ về lũ gà công nghiệp. Những con gà lông trắng, mào đỏ, béo mập mạp, có lối sống sạch sẽ, đòi hỏi có bóng điện sưởi ấm vào mùa đông và được giữ sạch chuồng trại luôn luôn, chính là gia sản lớn nhất của gia đình tôi. Khi chúng ốm, mẹ còn lo hơn cả khi tôi ốm. Mẹ phải đi tìm mua các loại thuốc kháng sinh, phải cách ly con bị ốm với cả đàn. Chỉ cần chúng mắc bệnh hàng loạt thì chúng tôi sẽ phải bán đổ bán tháo với một mức giá rất rẻ mạt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh tôi sẽ phải thường xuyên nhịn ăn sáng hơn, và tiền đóng học phí đại học cho anh cũng khó khăn hơn.

Tôi tiếc là trong những ngày tháng ấy tôi đã không tìm cách ghi chép lại tất cả như mẹ vẫn thường làm. Nếu biết điều đó, có lẽ, tôi đã được chia sẻ hơn rất nhiều, được lắng nghe hơn rất nhiều, cho dù chỉ là với những trang giấy. Đôi khi, tôi nói chuyện với lũ gà. Chúng nhìn tôi với những đôi mắt có viền đỏ, ngố tệ và ngơ ngác. Chúng càng làm tôi nhớ hơn đến những con vẹt Hồng-kông, nhớ đến những lúc cùng Nhã đi đổ phân vẹt, nhớ cách chúng tôi ôm lũ vẹt tí xíu vào lòng hít hà và những khi giấu mẹ mang đi chôn những con chim đã nghẹt thở vì hơi tay của chúng tôi mà mẹ không hề hay biết. Sự cô đơn dần bao phủ lấy tôi như những đợt sóng cứ nuốt dần cồn cát nhỏ giữa lòng sông vậy.

Đỉnh điểm của những ngày tháng buồn chán ấy là việc anh trai tôi không về nghỉ hè liền trong hai tháng vì phải tập trung vào kỳ thi. Đó là một mùa hè buồn chán nhất trong đời tôi. Thật ngớ ngẩn, bọn chúng — những đứa bạn học, bắt đầu chuẩn bị những cuốn lưu bút. Chúng viết trong đó thật nhiều kỷ niệm về nhau. Những cuốn lưu bút rất giống nhau khi luôn có trang bìa in hình của các diễn viên “mì ăn liền” và đầy những cánh phượng ép mốc meo được dính bằng hạt cơm trong ruột. Không hiểu chúng lấy đâu ra nhiều nước mắt để nhỏ đến thế với những dòng mực tím nhoè mờ luôn khơi lại những kỷ niệm cỏn con mà chính chúng, tôi chắc, cũng đâu có nhớ chính xác.

Tôi luôn hỏi bố khi nào thì anh về, và câu trả lời của bố luôn là: khi anh thi xong. Khi đó, để lên trường học, anh tôi thường phải đi tàu hoả. Khoảng cách chỉ chưa đầy một trăm cây số nhưng ngày đó sao mà nó dài dằng dặc đến thế. Với những sinh viên con nhà nghèo như anh tôi, trò nhảy tàu trốn vé trở thành thứ kinh nghiệm ai cũng tiếp thu được một cách nhanh chóng. Một người bạn của anh đã bị tai nạn và mất trong một cuộc nhảy tàu như thế. Điều đó khiến cho trong vài tháng sau đó, không còn sinh viên nào dám nhảy tàu nữa. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Cũng có khi, anh nhờ được chiếc xe Simpson của mấy anh bạn cùng học rồi chạy đại về nhà. Những lúc như thế, anh ở nhà rất ít, có khi chỉ 2-3 tiếng, đủ để xin tiền mẹ đóng học phí hoặc tiền nhà trọ gì đó, rồi lại vội vã lên trường. Những ngày tháng đó thật khó khăn. Toàn bộ số tiền về một cục sau khi bố chuyển ngành chỉ đủ chi hết học kỳ thứ III cho anh ở trường đại học. Sau đó, mẹ buộc phải bán cả bộ loa Nhật đã mua được trong một lần thanh lý của xí nghiệp. Đó là một bộ loa tuyệt diệu. Mỗi khi anh tôi về, hai anh em tôi thường cho băng nhạc vào chiếc cát-xét cũ và bật đến hết cỡ để nghe những giai điệu rộn ràng sôi nổi của nhóm Modern Talking phát ra từ hai chiếc loa có màng vải màu đen mỏng lúc này đang bật tưng tưng hoặc lịm người đi trong giọng ca sầu não của những ngôi sao nhạc vàng.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thần tượng anh trai mình. Anh tôi tính tình rất hoạt bát, cởi mở, dễ gần, lại đẹp trai, biết đánh đàn guitar và đá bóng rất giỏi. Anh em chúng tôi đã ở xa nhau quá lâu nên mỗi khi gặp nhau, chúng tôi không ngừng tìm cách hiểu nhau, và việc chúng tôi tới với nhau theo cách đó, khiến chúng tôi thân thiết hơn nhiều những người sinh ra vốn đã là ruột thịt và ở gần nhau quá lâu.

Lúc đó, ở lớp, tôi đã là một đứa học sinh khác với những đứa khác. Tôi là Đoàn viên, tôi đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi, tôi được các thầy cô giáo yêu quý. Trong mọi cách để làm lũ trẻ nhanh chóng ghét nhau nhất, có lẽ chính là sự đối xử không công bằng của các thầy cô giáo, dù cho sự đối xử đó dựa trên bất kỳ nguyên do, nền tảng nào. Tôi gần như bị cô lập, nhất là khi không hưởng ứng phong trào lưu bút đang rầm rộ khắp nơi và không tham gia gì vào những cuộc bàn tán về chó Nhật. Cả lớp đều đã đến nhà đứa lớp trưởng, nơi có cả chục con chó Nhật với những bộ mặt ngắn cũn và gãy góc để nô đùa. Em cũng rủ nhưng tôi luôn từ chối. Tôi thấy lũ chó Nhật chẳng có gì hay ho. Chúng ăn sữa và bánh mì, ngon hơn cả đồ ăn sáng của tôi, và chúng là nguyên nhân khiến lũ gà công nghiệp không còn đất sống. Mọi người lại đua nhau bán gà và chuyển sang nuôi chó Nhật. Bố mẹ tôi, sau lứa gà cuối cùng, cũng dành dụm được vài chỉ vàng và tiếp nối phong trào này. Bố mẹ đèo nhau đi suốt cả ngày trên chiếc xe đạp Eska màu sôcôla và mang về một con chó đực màu vàng. Bố đã tính, chỉ sau vài lứa cho nó đi phối giống thì sẽ không chỉ hoàn được vốn mà còn có lãi.

Nhưng rồi, vì bố mẹ không có kiến thức về chăm sóc loại chó cảnh khó nuôi này, con chó đực đã ốm chết, khiến bố mẹ cãi nhau vì nó đã ngốn của bố mẹ tất cả chỗ vàng để dành. Mẹ trở nên cáu kỉnh hơn và bắt đầu kết tội bố là “chẳng biết làm ăn gì cả”. Những buổi đi học trở về phải nghe những lời than vãn của mẹ khiến tôi càng buồn chán, càng mong anh trai mau về. Và đôi khi tôi lại nhớ, lại mong được nghe mẹ hát những lời hát sôi nổi ngày xưa.

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [4]  (tiểu thuyết) 
.. Bác vật vã ôm lấy mộ bà nội trong ngày bốc mộ bà và vừa khóc vừa nguyền rủa cái ngày ông bà quyết định gả chồng cho bác. Một người đàn ông mồ côi, là dân ngụ cư, vũ phu và đương nhiên là thất học. Ông nội đã ép bác — cô giáo duy nhất ở làng khi ấy — phải lấy người đàn ông đó sau khi nhốt họ chung vào một căn buồng trong suốt hai ngày đêm. Gả con gái cho một kẻ bần cố nông ngụ cư là tấm lá chắn để giúp ông thoát khỏi tiếng địa chủ. Ông đã thoát ra khỏi những cuộc đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất một cách ngoạn mục... (...)
 
... Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú. Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021