thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [6]

 

Đã đăng: chương [1] - [2] - [3] - [4] - [5]

 

6

 

Tôi bắt đầu thử tự tử. Tôi thấy chung quanh, mọi người dường như đều quên mất sự tồn tại của tôi. Trong đầu óc của bố mẹ chỉ tồn tại có hai vấn đề chính được xếp theo thứ tự thời gian: gà công nghiệp và chó Nhật. Anh trai tôi lại ít về và thư anh gửi về thường chỉ có vài dòng dành cho tôi. Anh trai mà, cho dù có yêu quý em gái mình tới mấy thì cũng chẳng thể nào sáng tác ra những bức thư dài dằng dặc như khi viết cho lũ con gái đang cưa cẩm được.

Tôi đã từng được chứng kiến có người tự tử. Đó là một chị trong khu tập thể. Chị ấy là con nuôi của một bà trông trẻ. Khi bà lấy chồng, người ta bảo nếu không nhận con nuôi thì bà sẽ không sinh nở được. Quả nhiên, khi bà vừa nhận nuôi chị được hơn hai năm thì bà có bầu. Lần này, bà sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Cũng từ đó, rất tự nhiên, càng ngày bà càng trở nên phân biệt hai đứa con: con đẻ và con nuôi.

Chị này càng lớn càng xinh đẹp. Tôi vẫn nhớ, chị ấy có nước da rất trắng, mịn màng, cặp môi cong và đuôi mắt cứ dài ra mỗi khi chị nhìn ai đó cười. Chị chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng cứ như lớn hơn tôi nhiều lắm. Khi chúng tôi bị nhốt kín, khóa trái cửa vào mười lăm ngôi nhà tập thể giống in hệt nhau lúc bố mẹ đi làm, chị thường bày trò để chúng tôi có thể “phá cũi sổ lồng”. Chị bày cho chúng tôi cách giấu chìa khóa hay làm các vị phụ huynh lơ đãng với những câu hỏi ngớ ngẩn khi họ chuẩn bị rời nhà đi làm. Lẽ tất nhiên, sau đó thì họ quên mất rằng lũ trẻ của họ đang có chìa khóa nhà trong tay và trong khi họ phải lao động 8 giờ tại các xưởng cơ khí thì lũ trẻ có thể thoải mái chơi đùa bên ngoài những chiếc cũi vô hình ấy.

Chúng tôi bám dính chị mọi nơi mọi lúc. Chị còn dụ mỗi đứa về nhà lấy trộm một ít thóc, một ít đỗ hay một ít ngô để đi nổ bỏng. Chị lại còn phân cặp chúng tôi, mỗi đứa con trai có một đứa con gái, mỗi đứa con gái có một đứa con trai và chơi trò chồng – vợ. Chúng tôi tập trung ở từng nhà theo phân công, từ nhà số một tới nhà số mười lăm, lôi đống quần áo, chăn màn của bố mẹ ra để quấn lên người nhau, đóng đủ các tình huống mà chị nghĩ ra: bố chào mẹ lúc đi làm về ra sao, mẹ nấu cơm cho bố ăn thế nào, rồi bố mẹ ngủ với nhau, cãi nhau, rồi nhà hàng xóm này lấn sang nhà hàng xóm kia xem trộm họ đang nấu món gì cho bữa tối, rồi có cả những nhân vật đóng vai ngồi lê đôi mách sẽ đi báo cáo trưởng khu,... Tất cả những hoạt động của người lớn trong khu tập thể được chúng tôi diễn lại y hệt.

Chúng tôi cũng bám theo chị cả khi chị bắt đầu có bạn trai. Chị có bạn trai từ rất sớm, nếu như tôi còn nhớ chính xác, thì có lẽ, lên lớp 8 chị đã có bạn trai rồi. Hồi ấy, cứ khoảng 5 giờ chiều mà chúng tôi chưa đi học về thì các bậc phụ huynh đã lo cuống cuồng lên rồi. Không phải vì nỗi lo sợ bắt cóc tống tiền hay bán đi biên giới như bây giờ, chỉ là vì, ngày đó, không có đường sá rành mạch, xung quanh vẫn còn rất nhiều ao, hồ, mương rãnh. Ai cũng sợ lũ trẻ có thể sa sẩy vào bất kì chỗ nào.

Chị hay về nhà muộn. Có những lúc tới tối khuya không còn nhìn rõ mặt người nữa. Mẹ chị đi từng nhà hỏi tìm con mà không thấy. Các chú bác trong khu tập thể phân công nhau toả đi mọi nẻo quanh vùng để tìm chị, gần thì đi bộ, xa thì phải đạp xe. Thế rồi, họ cũng tìm ra. Chị và một anh bạn trai đang hôn nhau dưới gốc đa cổ thụ trong vườn hoa.

Lớp 8, một đứa con gái để cho một cậu con trai hôn trong bóng tối vườn hoa là không thể chấp nhận được. Cả khu tập thể chê cười chị, bọn con gái không được mẹ cho chơi với chị. Ai cũng nói: chị hư thật rồi.

Chỉ vậy thôi, mà chị ấy tự tử. Bằng một chiếc khăn len, treo mình ngay trên cái móc quạt trần ở chính giữa nhà.

Tôi đã thử tự tử. Nhưng tôi không đủ can đảm được như chị ấy. Cũng có lúc tôi nhìn lên trần nhà, nhìn cái móc treo quạt trần nhưng rồi tôi lại gạt ngay ý nghĩ đó. Tôi muốn mình sẽ chết thật nhẹ nhàng. Tôi không muốn mình đau khổ. Giá như có một phép kỳ diệu, tôi cũng sẽ muốn mình giống như Nhã, biến mất vô tăm tích và để lại một khoảng trống thật lớn cho những người còn lại.

Tôi muốn những người quanh tôi phải nhận ra họ đang bỏ rơi tôi. Tôi muốn cái chết của mình sẽ làm cho mọi người phải suy nghĩ. Rồi họ sẽ khóc lóc, đau khổ, họ sẽ cảm thấy có lỗi. Bố mẹ sẽ nhận ra những ngày tôi còn sống họ đã quên mất tôi như thế nào; bạn bè sẽ nhận thấy nếu không có tôi, tên lớp của họ sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới trong buổi chào cờ sáng thứ hai hàng tuần; và em, em sẽ thấy, nếu không có tôi, em sẽ chẳng bao giờ làm được gì cả.

Tôi tưởng tượng ra những khuôn mặt đau khổ và tràn đầy sự biết lỗi, tôi tưởng tượng ra những giọt nước mắt rơi trên mộ tôi và cảnh mọi người xếp hàng dài đi viếng tôi, tôi tưởng tượng ra tiếng kèn đám ma thê thiết khiến không ai có thể cầm lòng. Đám ma của tôi sẽ diễn ra vào một buổi chiều mưa ảm đạm, và linh hồn tôi đang ở trên cao, thích thú nhìn người ta khóc và tạ lỗi với mình.

Chỉ tưởng tượng ra cảnh đó, tôi đã thấy rằng mình cần phải chết ngay lập tức. Để chuẩn bị cho cái chết của mình thật chu đáo, tôi viết lại cho bố mẹ và anh trai một bức thư. Tôi vừa viết, vừa thút thít, nước mắt rơi lã chã trên những dòng mực tím Cửu Long. Tôi viết rằng tôi yêu họ biết nhường nào mà sao họ chẳng quan tâm tới tôi, rằng tại sao mẹ lại yêu quý đàn gà công nghiệp và con chó Nhật hơn cả tôi, rằng tại sao rồi bố cũng trở thành một kẻ ăn cắp khiến tôi không còn thấy cảm phục mỗi buổi sáng bố mặc bộ đồ lính bạc màu tới xí nghiệp nữa. Tôi cũng kết tội cả anh tôi đã không nhớ gì đến em gái mình, chỉ biết vui thú với những trò vớ vẩn của bọn sinh viên. Tôi cũng viết vài dòng cho lớp học của tôi, nói rằng tôi sẵn sàng tha thứ cho việc họ đã không chấp nhận tôi trong tập thể ấy. Riêng với em, tôi nói rằng, tôi vẫn cứ quý mến em, vì em rất giống với Nhã của tôi — người mà tôi chưa bao giờ kể với em.

Tôi viết hết tất cả trên hai mặt giấy, vừa viết vừa suy nghĩ, cho đến khi nước mắt ráo hoảnh. Tôi gập trang giấy lại làm tư và để dưới gối của mẹ. Xong xuôi, tôi hái tất cả những thứ lá trong vườn nhà rồi cho vào miệng nhai nuốt. Thể nào trong đó cũng có một thứ lá độc. Tôi đã được đọc trong sách rằng những người dân tộc có thể ăn lá độc để chết. Và tôi về giường mình nằm, chờ đợi cái chết đến.

Tôi chờ, chờ mãi, nhưng thứ sau cùng cũng đến, lại là một giấc ngủ. Khi tôi tỉnh dậy, nhà đã nhá nhem tối và bố mẹ chưa về. Tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn còn sống. Bất giác, tôi cảm thấy ngượng với chính bản thân mình. Và bật cười. Tôi chạy lại rút tờ thư tuyệt mệnh từ dưới gối của mẹ, mang xuống nhà, châm lửa, đốt bếp dầu lên để chuẩn bị bữa tối.

Lần tự tử đầu tiên không thành, nhưng nó đã mãi nằm lại trong lòng tôi như một vết thương. Tối đó, tôi lại hỏi bố, khi nào thì anh về. Và bố vẫn tiếp tục trả lời, khi anh thi xong. Và tôi chợt nảy ra ý nghĩ, tôi sẽ lên thăm anh.

Lúc đó, chỉ còn hai tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp. Có những ngày, tôi quên hẳn sự hiện diện của em ở lớp. Mái tóc vẫn đỏ rực lên nơi ô cửa sổ mỗi buổi chiều khi mặt trời xuống không còn làm tôi nghĩ tới Nhã nữa. Tôi bất chợt tỉnh thức: Em làm sao có thể so được với Nhã? Ở em, làm sao có thể tìm thấy sự bao dung, nhẹ nhàng, hiền từ của Nhã? Đôi mắt hay những sợi tóc đỏ mảnh và thưa ấy, chỉ là một thứ ảo ảnh mà tôi đem ra tự lừa dối chính mình, về sự tồn tại của một con người khác.

Vào một buổi sáng thứ bảy cách gần một tháng trước kì thi tốt nghiệp, tôi tự lấy bơm ra bơm thật căng hai lốp xe chiếc mini màu xanh Liên Xô của mình, chuẩn bị cho việc đi thăm anh trai. Tôi nói dối mẹ đi học ôn thi tốt nghiệp ở trường. Dắt xe ra khỏi nhà, tôi ngồi lên và phóng mải miết.

Tôi vừa đi vừa hỏi mọi người trên phố, ai cũng nhìn tôi kỳ dị. Họ bảo, cháu không tới đó được đâu, cách hơn một trăm cây số đấy, cháu có đạp xe cả ngày cũng không tới. Nhưng tôi mặc kệ, tôi đạp mãi, đạp mãi, tới chân một chiếc cầu lớn thì thấm mệt. Nắng đổ xuống gay gắt, áo tôi dính đầy mồ hôi và khi đạp xe lên dốc cầu, tôi bắt đầu thở một cách nặng nhọc. Tôi xuống xe, dắt bộ, bắt chước những người bán hàng rong cũng đang đẩy những chiếc xe thồ chất đầy rơm và những chiếc ấm sắc thuốc, những chiếc vại sành lên dốc. Trưa trầy trưa trật. Những người đạp xe thồ đã đi mất, cả chiếc cầu rộng mênh mang chỉ còn nắng. Và tôi.

Tôi tựa chiếc xe đạp mini màu xanh vào bên thành cầu, nhìn xuống dưới dòng sông đang mùa nước đầy, cuồn cuộn chảy, thấy mình cô độc lạ lùng. Ý nghĩ đi thăm anh trai cũng biến mất. Trong chốc lát, nước ở dòng sông phía dưới ngừng chảy. Những cồn cát mang màu bầm đỏ bị cuốn đi, chỉ còn lại những cụm rong đuôi chó xanh mởn. Có tiếng chân người lội lép bép, có tiếng trẻ té nước vào nhau, tiếng cười đùa lao xao. Tôi thấy Nhã đang nắm tay mình, nước ngập qua thắt lưng của chúng tôi, chơm chớm ướt cặp xách. Những món tóc mảnh và thưa của Nhã lại rực lên trong nắng, lấp lánh một thứ ánh sáng lạ lùng.

Tiếng ầm ầm chuyển động của một đoàn tàu đi qua kéo tôi về thực tại. Mặt trời đã xuống, để lại những vết đỏ nứt gãy dưới lòng sông, như những lớp mắc-ma đang dần nguội sau một cơn phun trào của núi lửa. Bóng tối xuống rất nhanh. Chiếc xe đạp mini màu xanh không còn màu xanh nữa, nó trở nên đen thẫm, gày gò như một bộ xương khô.

Tôi nâng chiếc xe lên, bất giác thấy nó nặng trịch. Không thể nghĩ, có một lần, khi mới lớp 3, Nhã đã cùng tôi xoay xở thế nào để đặt nó lật ngược lại trong nhà. Khi ấy, chứng trượt cá của chiếc xe cứ diễn ra liên tục, bố lại chỉ cuối tháng mới về nên tôi chẳng biết làm thế nào cả. Nhã và tôi đã quyết định sẽ tự sửa lấy. Chúng tôi dùng hết sức để lật ngược chiếc xe lại, cho nó đứng vững trên nền nhà nhờ vào cái yên bằng nhựa dẻo. Trong khi tôi tháo hết mọi bộ phận của nó ra, từng thứ một, từ sợi dây xích tới dây phanh, thì Nhã chạy lăng xăng đi tìm chậu nước và khăn lau tay cho tôi. Sau rốt, tôi tháo cả lốp và lôi cả ruột xăm ra. Chúng tôi cứ loay hoay mãi, cho tới tận tối khi mẹ về nhà, vẫn không thể lắp nổi chiếc xe như cũ. Và dĩ nhiên, mẹ đã cho tôi một trận đòn vì cái tội táy máy nghịch ngợm, trong khi hai đứa mếu máo nhìn nhau, mặt đứa nào cũng tèm lem đầy dầu và mỡ.

Chiếc xe rồi cũng dễ dàng được nhấc lên. Tôi tựa nó vào thành cầu, từng chút từng chút một, nâng nó lên cao tầm của thành cầu, rồi bất ngờ, hất nó xuống cái lòng sâu thẳm đang hút nước oàm oạp phía dưới.

Nó rơi rất nhanh. Không để lại chút âm thanh nào, vì gió và tiếng nước chảy xiết đã nhấn chìm tất cả. Tôi cảm thấy trống trải. Lại có phần nhẹ nhõm. Như thể vừa vuột mất một cái gì đó. Và như, cả tôi và Nhã, đã ngồi cùng nhau trên chiếc xe đạp ấy, đạp tuốt về một miền xa thăm thẳm.

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [5]  (tiểu thuyết) 
Năm lên lớp 9, tôi được kết nạp Đoàn viên sau khi mang về một giải học sinh giỏi xuất sắc trong một kỳ thi văn cho trường. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngày hôm đó. Nó khác với tất cả những thứ cảm giác tôi từng trải qua. Một đứa con gái 13 tuổi có thể nói là mình trở nên trống rỗng vào cái ngày được trở thành một Đoàn viên của một Đoàn thể không nhỉ? Tôi không biết liệu mọi người có tin không, nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi giơ một nắm tay lên để thề thốt một điều gì đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [4]  (tiểu thuyết) 
.. Bác vật vã ôm lấy mộ bà nội trong ngày bốc mộ bà và vừa khóc vừa nguyền rủa cái ngày ông bà quyết định gả chồng cho bác. Một người đàn ông mồ côi, là dân ngụ cư, vũ phu và đương nhiên là thất học. Ông nội đã ép bác — cô giáo duy nhất ở làng khi ấy — phải lấy người đàn ông đó sau khi nhốt họ chung vào một căn buồng trong suốt hai ngày đêm. Gả con gái cho một kẻ bần cố nông ngụ cư là tấm lá chắn để giúp ông thoát khỏi tiếng địa chủ. Ông đã thoát ra khỏi những cuộc đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất một cách ngoạn mục... (...)
 
... Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú. Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021