thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [7]

 

Đã đăng: chương [1] - [2] - [3] - [4] - [5] - [6]

 

7

 

Tôi chỉ vừa đủ điểm đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp cấp II năm ấy. Đó là tính cả điểm cộng của môn Kỹ thuật công nghiệp, nếu không, tôi đã trượt vỏ chuối. Bố mẹ cảm thấy rất buồn bực về chuyện này. Mẹ không lôi tôi ra để mắng mỏ nhưng cả bố và mẹ đều tỏ cho tôi thấy, họ “chán” tôi rồi bằng những cái nhìn rất thờ ơ. Đôi khi, tôi nghe thấy tiếng mẹ nói với bố: “Nó thì càng chiều càng tối”.

Không có ai đòi hỏi tôi giải thích và tôi cũng không có nhu cầu giải thích với ai. Ngay cả anh trai tôi cũng vậy. Anh cho đó là chuyện hết sức bình thường vì “đâu sẽ vào đấy cả thôi”, anh kết luận. Tôi biết ơn anh về sự thông cảm, nhưng tôi bực tất cả về sự im lặng. Giá như “họ” hỏi tôi, dù chỉ một câu thôi.

Ba ngày thi tốt nghiệp, trời đều mưa tầm tã. Chúng tôi, hai thí sinh ngồi chung một bàn, chỗ đầu chỗ cuối. Tôi vẫn còn nhớ, nước mưa rỏ qua chỗ mái ngói vỡ đúng vào chỗ giữa chiếc ghế băng tôi ngồi. Từng giọt nước rơi xuống, chỉ khẽ chạm mặt ghế rồi vỡ tung ra làm muôn ngàn mảnh. Những bụi nước li ti liên tục bám vào cánh tay tôi khiến tôi không tài nào tập trung vào đề thi. Nhưng nguyên do không phải ở chỗ đó.

Tôi nhớ Nhã.

Đêm hôm trước, tôi mơ thấy Nhã. Tôi mơ thấy mình đứng trước cửa nhà Nhã. Trong sân, bố Nhã đang phơi đầy Tháp Rùa và vịnh Hạ Long lên những chiếc dây phơi, giữ chúng lại bằng những cái kẹp nhựa đủ màu. Tôi vỗ tay, chiếc xe đạp mini màu xanh Liên Xô mới coóng từ từ bò lại rồi hiền lành nằm nép vào cánh cổng nhà Nhã. Tôi rướn mình qua những ô sắt, khẽ kêu “Nhã ơi”. Bố Nhã nghe tiếng, nhìn ra phía cổng rồi bước ra, mở cổng cho tôi vào nhà. Những lọn tóc loăn xoăn rủ xuống trán ông và hai bên thái dương chơm chớm bạc. Hôm ấy, ông mặc một chiếc áo màu xanh da trời, mà không hiểu sao, chiếc áo hôm đó lại có vẻ mới, sạch và còn thơm mùi nắng nữa.

Nhã từ trong nhà bước ra, những món tóc thưa và mảnh rực lên trong nắng, cầm theo một chiếc túi nhỏ. Rồi nó chậm rãi đội lên đầu một chiếc mũ vải, cũng màu xanh da trời. Thế là tất cả những ánh sáng bí ẩn đó bị túm gọn lại trong vành mũ. Chỉ còn đôi mắt tươi tắn trong sáng của nó nhìn tôi, dịu dàng như muôn thuở. Hôm nay chúng tôi có một việc vô cùng quan trọng.

Hai đứa chúng tôi đèo nhau đi trên triền đê đầy hoa lạc dại nở. Hoa lạc nở từng chùm, bám vào những cái cần rất dài và gày guộc, vàng rực. Không gian nhuốm đầy mùi hăng hắc của hoa lạc dại. Thi thoảng, tôi nghe tiếng Nhã hát. Có lúc, tôi cũng hát theo nó. Nhưng cũng có đôi lúc, nó đột nhiên trở nên im lặng và im lặng thật lâu, tới mức tôi phải ngoảnh lại phía sau vì sợ nó không còn ở đó nữa. Dưới chân chúng tôi, dòng sông nhỏ trong veo, lấp lánh chảy như một dòng ánh sáng màu xanh lục của loài rong đuôi chó yên bình.

Tôi đạp ngược lại phía sau, chiếc xe mini khựng lại. Tôi dắt xe xuống trước, Nhã ở phía sau phụ kéo chiếc xe lại để khi xuống dốc nó đỡ lao vội. Hai chúng tôi từ từ đi xuống mé sông. Để chiếc xe nằm kềnh trên cỏ, mỗi đứa bắt đầu ngồi thụp xuống, chọn hai chỗ sát nhau, Nhã mở túi lấy ra hai thanh sắt nhỏ đã được chuẩn bị trước. Chúng tôi đào đất.

Hai đứa đào hì hụi. Tới lúc mồ hôi đổ ròng ròng, mới bảo nhau ra vốc nước sông rửa mặt, nghỉ một lát, rồi lại đào tiếp. Tới khi hai chiếc hố đã có vẻ khá sâu, để tay chạm đáy chỉ còn thấy phần khuỷu nhô lên, chúng tôi dừng lại. Rồi chúng tôi đi lấy thật nhiều đá ở mép sông, đem vào xếp đầy trong lòng hố.

Ngày hôm nay, chúng tôi quyết định đổi tên cho nhau. Hai miếng giấy màu ghi tên của tôi và Nhã được rút từ trong chiếc túi nhỏ ra và đặt vào lòng hố. Trong chiếc hố của mình, Nhã sẽ chôn đi tên nó, và trong chiếc hố của tôi, tên của tôi cũng được vùi lấp như vậy. Chúng tôi chôn hai cái tên trong đá của sông và đất của triền đê rồi đắp lên đó đầy những chùm hoa lạc dại. Hai nấm mộ tên nở màu vàng rực.

Xong xuôi, hai đứa lại ngồi bên sông, rửa tay thật sạch, tháo dép ra cho chân khoả nước và ngồi nói chuyện đủ thứ trên đời. Việc trước tiên, là tập gọi nhau bằng tên mới cho quen. Cứ đứa này quên thì đứa kia nhắc, cho tới khi bóng chiều chạng vạng.

Hai đứa hè nhau đẩy xe đạp lên triền dốc. Nhã lại ngồi sau lưng tôi, nhẹ nhàng như một ngọn gió. Tôi đạp xe quay lại chỗ cũ, nơi mà buổi sáng, mặt trời vẫn mọc. Chiếc xe đang chạy ngon trơn, đột nhiên vấp phải một ổ gà và hai chúng tôi cùng ngã lăn xuống dốc. Chiếc xe cũng loạng choạng lao xuống dòng sông. Tôi đứng dậy, thấy tay chân đã bị xây sát, có cả những vết máu tí xíu, nhưng không thấy đau. Tôi chỉ lo cho Nhã, vừa ú ớ gọi vừa bước thấp bước cao tìm nó. Tôi tìm mãi, tìm mãi, gọi mãi, gọi mãi mà không thấy Nhã trả lời. Tôi lội xuống sông, nhìn thấy tay lái xe đạp ở giữa dòng, khi ra tới nơi, vục tay xuống thì không thấy chiếc xe đâu cả, chỉ thấy vô cùng nặng nề, mãi mới rút tay ra được khỏi những cụm rong đuôi chó bám chằng chịt. Tôi lại gọi Nhã, vẫn không lời đáp. Khi ngước lên triền đê, chỉ thấy đám hoa lạc dại dập dìu. Và một cánh bướm vàng rực trong chiều muộn, bay lên.

Năm ấy, số phận tôi thật may mắn vì trong giáo dục đã diễn ra một cuộc cách mạng. Đó là chương trình phân ban ở cấp phổ thông trung học. Tuy số điểm tốt nghiệp rất thấp, nhưng nhờ chọn đầu vào là chuyên ban C mà điểm Văn khi thi sẽ được nhân hệ số hai, tôi lại vừa vặn điểm đỗ. Tất cả diễn ra như một trò đùa của số phận, khi nào bạn cũng đạt được đủ thứ mà bạn cần.

Có ba ban tất cả: A, B và C. Tôi không hiểu và cũng chẳng mấy quan tâm việc họ dựa vào đâu để phân loại ra các ban này, chỉ thấy vô cùng ngạc nhiên khi tới lớp học mới vào buổi đầu tiên. Cả lớp, không một bóng dáng con trai. Và thêm một điều mới mẻ nữa, ở cấp III, các thầy cô cho phép chúng tôi tự chọn chỗ ngồi cho mình.

Tôi chọn ngồi ở bàn cuối cùng, ngay sát cửa ra vào. Ngồi cạnh tôi là một đứa con gái ăn mặc hệt con trai. Và tôi thì mặc hệt nó. Chúng tôi mặc những chiếc áo thô, có cổ và viền măng-séc tay kẻ caro, mặc quần bò màu xanh đậm và... đi guốc. Một kiểu phục trang chẳng giống ai, hơn thế, cả tôi và nó đều đeo chình ình trên ngón tay trỏ những chiếc nhẫn bạc. Hồi đó, chẳng ai đeo nhẫn vào ngón trỏ cả.

Đó cũng thật là một năm đáng nhớ vì tôi thường xuyên choáng váng khi đã học gần hết một học kỳ mà vẫn không thể quen nổi việc trong lớp không có một mống con trai nào. Bọn con gái nói chuyện riêng như tằm ăn rỗi. Chúng nói luôn miệng, kêu ca luôn miệng, chọc ngoáy không ngớt và quay trộm bài thì thành thần. Còn một trò hay ho nữa: Dạy nhau hát bằng tiếng Anh.

Đó là thời kỳ cực thịnh của tiếng Anh. Nhất là khi ban nhạc Boney M với những bài ca rất được chuộng sử dụng trong các đám cưới ở thành phố sang biểu diễn và giao lưu cùng nhạc sĩ họ Trịnh. Sau đó, cả ban nhạc Micheal Learns to Rock cũng bay tới Việt Nam, kéo theo việc tất cả bọn học sinh cấp III và sinh viên đại học suốt cả năm đó sẽ chỉ nghêu ngao 25 Minutes và That’s why. Đứa nào không biết tới hai bài hát này, coi như bị loại khỏi cuộc chơi của lớp thanh niên mới và có học. Vào cái đêm MLTR biểu diễn, lũ chúng tôi như đứng trên lửa, không đủ tiền mua vé cũng phải bấu víu và tìm đủ mọi cách để có được một chỗ đứng ở bên ngoài nơi biểu diễn. Một thằng con trai trong trường tôi trong khi đứng dưới hò reo trong đám đông cuồng nhiệt còn bị ai đó ném một chiếc chai vào đầu khiến người ta phải đưa nó đi cấp cứu và mấy ngày sau đó nó mới có thể trở lại trường với chiếc đầu bị băng bó trắng toát. Nhưng đó là niềm tự hào của nó – niềm tự hào mà đứa nào cũng muốn – rằng chính nó, mới có đủ tiền để mua một suất vé và chứng kiến tận mắt MLTR chơi nhạc thế nào.

Trước đó thì khác. Vào cái thời của bố mẹ tôi, tiếng Nga là thứ ngôn ngữ có quyền lực nhất. Cho đến tận thời của anh trai tôi. Anh tôi viết tiếng Nga rất đẹp. Anh ấy còn có một cái tên bằng tiếng Nga nữa. Những người biết tiếng Nga rất dễ nhóm họp với nhau và tất cả bọn họ đều có một niềm tự hào không thể giải thích nổi với xứ sở của bạch dương và vodka ấy. Nhưng tới lứa tôi thì mọi sự khác hẳn. Các cô giáo dạy tiếng Nga hối hả đi học cấp tốc tiếng Anh. Trẻ con học tiếng Anh, người già học tiếng Anh, học tại trường, học thêm buổi tối ở các trung tâm ngoại ngữ, thuê người về dạy riêng ở nhà,... Tất cả mọi người đều cho rằng, nếu không có tiếng Anh thì đừng hòng sờ tay tới cái gọi là tương-lai-tươi-sáng.

Năm đầu tiên của cấp III trôi qua rất chậm chạp. Và vô vị không thể nào tả được. Ngoại trừ việc nghêu ngao những câu nhạc rock bằng tiếng Anh và lang thang với đứa bạn gái của mình, tôi không còn trò gì hay hớm nữa. Kể ra thì cũng có, nhưng nó lặt vặt quá. Ví dụ như tôi và đứa bạn của tôi chuyên tìm cách ở lại trường, đợi mọi người ra về hết, rồi sẽ một đứa trông chừng, một đứa cầm phấn viết ra những bản tin liên thiên trên chiếc bảng thông báo. Đó là một trò cũng giúp vui cho chúng tôi chút ít, nhất là những khi thầy Hiệu trưởng buộc phải đỏ mặt tía tai đứng lên trước toàn trường để phát động việc truy tìm thủ phạm. Không ai có thể ngờ, tác giả của những bản tin kiểu như: “Thông báo: Hôm nay bảng thông báo chưa có thông báo vì chưa có thông tin nào được thông báo. Ngay sau khi có thông báo, chúng tôi sẽ thông báo để toàn thể học sinh và các thầy cô giáo trong trường được thông báo. Vậy kính thông báo để mọi người cùng biết. Có điều gì cần thông báo, mong liên hệ trực tiếp chúng tôi để thông báo. Thông báo!” lại là hai đứa con gái học chuyên ban C. Rất nhiều đứa con trai là học sinh cá biệt bị gọi lên văn phòng Hiệu trưởng nhưng chúng tôi chưa một lần bị để ý.

Có một trò hay khác, mà tôi không biết có nên gọi là trò không, đó là học. Để thoát khỏi tất cả bầu không khí nhạt nhẽo bám quanh, ngoài những lúc nghịch ngợm với đứa bạn, tôi không biết làm gì hơn là chúi mũi vào tất cả đống sách đọc và học như bị ma làm. Ở nhà, tôi có quá nhiều thời gian rỗi. Mẹ đã nghỉ hưu sau khi đủ 25 năm lao động và với đầu óc bén nhạy, ngay lập tức, bà thuê lại của cơ quan cũ một mặt tiền nhỏ, dựng ngay lên đại lý chuyên buôn bán văn phòng phẩm và đủ thứ bánh kẹo, rượu bia. Bố tôi cũng đã xin nghỉ việc làm bảo vệ xí nghiệp nọ, về phụ bà. Họ nhanh chóng giàu lên trông thấy nhờ những phi vụ làm bia Hà Nội giả. Từ loại bia quả táo Trung Quốc, họ gia giảm thế nào đó và đóng lại vào những chai bia Hà Nội rồi dán nhãn một cách rất thủ công ngay ở buồng ngủ. Vậy mà không ai phát hiện ra. Trong khi đó, anh tôi đã tốt nghiệp kỹ sư sửa chữa điện dân dụng, giờ đang lao đầu vào việc học tiếng Anh để hy vọng chuyển qua làm giáo viên tiếng Anh vì nghề này giờ đang rất dễ kiếm tiền.

Tôi học, thuộc nằm lòng tất cả các cuốn sách giáo khoa lẫn sách tham khảo có được, trừ những môn như Toán, Lý, Hóa vì sau khi lên lớp 11 thì hầu như chúng tôi không phải học gì những môn đó nữa, trừ một ít toán đơn giản phục vụ cho việc thi tốt nghiệp. Đó cũng là nguyên do tại sao khi thi đại học, điểm toán của tôi chỉ chớm qua “điểm liệt”. Tôi học mọi nơi, mọi lúc. Học đến mức mất ngủ. Và vì mất ngủ, tôi lại chẳng có cách gì khác là học. Tôi đọc nhiều đến nỗi, tất cả những gì mà các thầy cô dẫn ra từ sách tham khảo đều không khiến tôi bất ngờ, thậm chí, có lúc tôi còn nhắc nhớ giúp họ. Đứa bạn tôi rất hài lòng vì nó có thể nhờ vả tôi bất kỳ khi nào, trong khi, các thầy cô giáo bắt đầu “giành giật” tôi vào các đội tuyển thi học sinh giỏi. Đến học kỳ II năm lớp mười, một tuần có năm buổi học ở trường, cả năm buổi tôi đều không phải tới lớp vì tôi tham gia tới năm đội tuyển học sinh giỏi khác nhau: Văn, Sử, Địa, tiếng Anh và... Giáo dục công dân. Thật khó mà tưởng tượng nổi môn Giáo dục công dân – một kiểu lai giữa môn Đạo đức hồi cấp I và chút ít Triết học lại cũng có thể được tổ chức thi học sinh giỏi. Việc học lúc ấy không chỉ giúp tôi giải trí, với số tiền bồi dưỡng có được từ các lớp ôn thi học sinh giỏi, tôi có thể để dành chút đỉnh và tiêu pha cho các nhu cầu riêng. Cuối năm đó, tôi trở thành học sinh tiêu biểu của trường. Thật may vì hồi đó người ta chưa quen tổ chức giao lưu phỏng vấn như bây giờ, chứ không lẽ khi được hỏi tại sao lại đạt thành tích cao đến thế, tôi lại trả lời “Tôi học chỉ vì chán” sao?

Để thưởng cho danh hiệu học sinh giỏi – thứ đã giúp lấy lại sĩ diện gia đình sau khi suýt trượt hụt tốt nghiệp cấp II, bố mẹ trích ra một ít từ số tiền có được do việc làm bia giả để mua cho tôi một chiếc xe đạp mini Trung Quốc. Nó có màu đỏ chót như con chuồn chuồn ớt – rất thời thượng. Hồi đó, nhà tôi cũng đã có một chiếc Honda 67 màu ốc bươu – thứ tài sản có giá trị lớn vì hầu như chỉ có những người lao động ở Irắc về mới đủ tiền mua những món đồ đắt tiền đến vậy. Gọi là Honda màu ốc bươu vì ốc bươu vàng lúc đó đang được khuyến khích nuôi và trở thành nguồn thu nhập chính của không ít gia đình. Nhưng chỉ sau đó khoảng chừng năm năm thì nơi nào cũng rộ lên phong trào tìm diệt ốc bươu vàng vì hóa ra nó là loài hại lúa kinh khủng nhất.

Vào cái ngày nhận từ tay mẹ chiếc xe đạp mini đỏ, việc đầu tiên tôi làm, là đi tìm triền đê ngày nhỏ của chúng tôi. Tôi đạp xe ra khỏi nhà, khẽ tròng trành vì chưa quen (nó quá nhẹ và vòng xích của nó quá êm và quá trơn so với chiếc xe cũ), rẽ tay trái, hình dung ra con đường tới trường cấp I. Đó là một buổi chiều đầy chuồn chuồn bay thấp, báo hiệu một cơn mưa sắp đến. Nó khiến tôi nhớ đến thằng bé mi trụi, đến những buổi tập xe giữa sân trường đầy lá bàng rỗ, nhớ đến cách nó bỏ hai tay đi thăng bằng trong sân, như một cánh chuồn chuồn màu nâu nhỏ bé. Và khi mồ hôi bắt đầu túa ra ở đầu tay cầm xe, tôi bất chợt nhớ tới chiếc mini màu xanh đã nằm lại trong lòng sông. Và Nhã.

Trong tưởng tượng của tôi, chỉ đi chút xíu thôi, sẽ gặp triền đê ấy. Nhưng đi miết, mà triền đê của ký ức, đầy hoa lạc dại nở vàng rực, không thể nào tìm được.

Cả dòng sông nông, nước trong veo, đầy rong đuôi chó, cũng không còn nữa. Chỉ còn con đường lát đá đang được rải nhựa, mùi nhựa đường và than bụi bay đầy không khí. Những người công nhân làm đường đội những chiếc nón bạc màu xùm xụp trong những bộ bảo hộ lao động bạc màu và ngước nhìn tôi với những đôi má rám.

Bao lâu rồi tôi không quay lại nơi chỉ cần rẽ tay trái qua khỏi khu tập thể một chút xíu ấy? Tại sao tôi lại quên mất rằng mọi chuyện đã thay đổi quá nhiều?

 

[còn tiếp]

 

 

------------

Đã đăng:

BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [6]  (tiểu thuyết) 
... Tôi đã thử tự tử. Nhưng tôi không đủ can đảm được như chị ấy. Cũng có lúc tôi nhìn lên trần nhà, nhìn cái móc treo quạt trần nhưng rồi tôi lại gạt ngay ý nghĩ đó. Tôi muốn mình sẽ chết thật nhẹ nhàng. Tôi không muốn mình đau khổ. Giá như có một phép kỳ diệu, tôi cũng sẽ muốn mình giống như Nhã, biến mất vô tăm tích và để lại một khoảng trống thật lớn cho những người còn lại... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [5]  (tiểu thuyết) 
Năm lên lớp 9, tôi được kết nạp Đoàn viên sau khi mang về một giải học sinh giỏi xuất sắc trong một kỳ thi văn cho trường. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngày hôm đó. Nó khác với tất cả những thứ cảm giác tôi từng trải qua. Một đứa con gái 13 tuổi có thể nói là mình trở nên trống rỗng vào cái ngày được trở thành một Đoàn viên của một Đoàn thể không nhỉ? Tôi không biết liệu mọi người có tin không, nhưng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi giơ một nắm tay lên để thề thốt một điều gì đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [4]  (tiểu thuyết) 
.. Bác vật vã ôm lấy mộ bà nội trong ngày bốc mộ bà và vừa khóc vừa nguyền rủa cái ngày ông bà quyết định gả chồng cho bác. Một người đàn ông mồ côi, là dân ngụ cư, vũ phu và đương nhiên là thất học. Ông nội đã ép bác — cô giáo duy nhất ở làng khi ấy — phải lấy người đàn ông đó sau khi nhốt họ chung vào một căn buồng trong suốt hai ngày đêm. Gả con gái cho một kẻ bần cố nông ngụ cư là tấm lá chắn để giúp ông thoát khỏi tiếng địa chủ. Ông đã thoát ra khỏi những cuộc đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất một cách ngoạn mục... (...)
 
... Tất cả những gì còn lại, chỉ là những viên gạch phủ đầy lá ngải cứu đang bốc khói, có tôi ngồi phía trước hướng hai lòng tay xuống những dòng khói đang bốc lên như tham gia một trò bùa chú. Và bỗng lúc này đây, hai lòng bàn tay ấy, lại ướt đẫm mồ hôi... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [2]  (tiểu thuyết) 
... Để nói về người phụ nữ, thì thực ra, không chỉ cụm từ “kẻ lười nhác” là không phù hợp. Nhiều cụm từ hoặc tính từ, vân vân và vân vân cũng không phù hợp nữa. Ví dụ như sự hèn nhát hay lòng dũng cảm chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ “dũng cảm” thì nên dùng cho nam giới hơn, bản thân nó đã là một tính từ “nam tính” rồi. Nếu ai đó nói một cô gái nào đó dũng cảm, thì bạn đừng vội tin ngay, hãy suy xét một chút, vì nếu không ít thì nhiều, hẳn họ đang giấu trong đó chút bỡn cợt nào đó... (...)
 
BUỔI CHIỀU TRONG CHIẾC CD [1]  (tiểu thuyết) 
Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm ấy. Đó là một ngày nồm trời, ẩm ướt. Không gian dường như mù mờ, thăm thẳm, vô hồn. Trong phòng khách, lớp sơn tường lại một lần nữa mốc lên, bủng ra, tới mức nếu tôi tới gần và búng nhẹ, chúng sẽ bắt đầu lả tả rơi xuống như thể bắt ngay được cái cớ chờ đã quá lâu rồi... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021