thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hiện thực kỳ ảo và phi lý [1]

 

Tin cũ từ một website: Mehran Karimi Nasseri, một người đàn ông Iran sinh năm 1942, hành khách của chuyến bay từ Bỉ qua Pháp, do mất giấy tờ tuỳ thân, đã sống ở nhà ga số 1 sân bay Charles de Gaulle từ năm 1988 đến 2006.
 
Mẩu tin ấy đã truyền cảm hứng cho bộ phim The Terminal do Tom Hanks thủ vai chính. Và... gợi cảm hứng cho truyện ngắn này.

 

Ông Ty đáp chuyến phi cơ từ xứ Ooke về xứ Vina. Vina là quê cũ của ông, nơi mẹ ông sinh ra ông. Đêm qua, tại ngôi biệt thự tĩnh mịch của mình ở Ooke, ông Ty không sao ngủ được, nên bây giờ ông ngủ mê mệt trên ghế máy bay. Đầu gục, cổ ngoẹo, miệng há, thân hình nhún nhảy khi máy bay vào vùng ổ gà.

Đêm qua ông Ty mất ngủ không phải do bệnh già, vì ông còn trẻ. Cũng không phải bởi thói thường khi người ta sắp trở lại cố hương, vì ông là người đã Âu hoá, và là một học giả Tây học nên khái niệm về “cố quận” không nặng nề lắm. Ông mất ngủ vì sợ. Sợ, vì ở Ooke ông không làm chính trị. Ở xứ quê Vina của ông, nam phụ lão ấu, ai cũng phải làm chính trị. Nếu tuân theo các lề luật và ủng hộ chính phủ tức là anh đã làm chính trị cùng phe với chính phủ. Nếu phạm vào điều cấm dù chỉ là đi giải không đúng chỗ, tức là bất tuân quy định của nhà nước, nghĩa là anh đã làm chính trị chống lại chính phủ.

Thế còn không làm chính trị chống chính phủ thì sao? Thì lại là tội nặng hơn tất cả. Đó là những kẻ không khẳng định sự ủng hộ chính phủ, như kẻ khả nghi trong bóng tối, còn tệ hơn những kẻ hoạt động chống đối. Một người bạn cũ của ông vẫn còn ở xứ Vina đã khốn đốn từ nhiều năm nay chỉ vì lỡ nói câu gì đó trong một hội nghị quan trọng, đã bị cấp trên mắng: “Đồ vô chính trị!”

Ông Ty giật mình tỉnh giấc khi loa thông báo phi cơ đã đến xứ Vina. Ngoài trời tối đen. Mới 3 giờ sáng Vina. Ông Ty lo lắng nghĩ đến lúc phải khai báo nếu như người ta hỏi:”Ông có hoạt động chính trị không?”

Rồi ông Ty đứng trước cái quầy làm thủ tục nhập cảnh. Một nhân viên an ninh trẻ tuổi chăm chú nhìn mặt ông, nhìn hộ chiếu của ông, gõ bàn phím chiếc máy tính rồi nhíu mày nhìn màn hình. Ông Ty thấy tim mình đập rộn. Xin máy tính đừng nhầm ông với một gã Alli Alibaba Ty nào đó có bộ râu dài rậm với cái đầu quấn khăn to xù, và rồi chỉ với một thao tác photoshop đơn giản, bộ râu quai nón dài thượt biến đi, lộ ra nguyên hình khuôn mặt của ông. Cầu xin Allah nhân từ...

Nhưng Allah đã quay lưng lại với lời cầu xin của một kẻ hỗn hào không muốn mình lẫn với những tín đồ yêu của Ngài. Tay nhân viên an ninh nhấc máy điện thoại. Rất nhanh, có mười ba người cao lớn mặc thường phục xuất hiện. Họ khoanh tay im lặng đứng quanh ông. Một người đứng tuổi bệ vệ ra vẻ là sĩ quan, cúi nhìn máy tính, xem qua hộ chiếu của ông Ty, rồi hỏi:

- Ông là Le Van-Ty hay Van-Ty Le?

- Thưa... cũng là một thôi. Theo cách gọi ở Ooke thì tôi là Van-Ty Le như hộ chiếu đã ghi. Còn về Vina đây thì tôi được gọi là Le Van-Ty.

Viên sĩ quan gõ móng tay xuống mặt quầy bằng nhựa, mắt lim dim nhìn ông Ty:

- Thế này, ông Van-Ty Le ạ. Ông đã mất thời gian bay đến xứ Vina này, nhưng rất tiếc, chúng tôi không thể hoan nghênh ông được.

Ông Ty cười vui vẻ:

- Ô, rất cám ơn lòng mến khách, nhưng tôi đâu phải là một nhân vật quan trọng của chính phủ Ooke đến viếng thăm xứ Vina. Không dám phiền các ông phải mất thời gian đón rước hoan nghênh. Xin cứ để tôi ra khỏi sân bay như một hành khách bình thường.

- Ông không thể nhập cảnh vào xứ Vina của chúng tôi.

Ông Ty ngạc nhiên:

- Trong hành lý của tôi có ma tuý, vũ khí, chất nổ, cháy, chất độc, hoặc tài liệu xấu gây hại cho xứ Vina?

- Ồ không, nếu có những thứ ấy thì ông đã được đối xử khác hơn.

- Vậy thì vì sao tôi không được nhập cảnh, thưa ông?

- Vì... vì lệnh của thượng cấp chúng tôi như vậy.

- Thế sao tòa đại sứ Vina ở Ooke lại cấp visa cho phép tôi đến đây?

- Ông hãy quay lại Ooke hỏi họ. Bây giờ ông nên đi nhận lại hành lý kẻo thất lạc. Để kịp trở về Ooke chuyến sớm nhất.

Ông Ty nghĩ đến hai va-li hành lý như một sự giải thoát cho tình cảnh kỳ quái. Có thể với hai va-li trong tay, giống như hai cái neo giữ ông với hiện thực, mọi sự huyễn hoặc này sẽ tan biến. Ông đi vội đến cái bàn quay chỉ còn hai chiếc va-li của ông chỏng trơ đang trôi vô tư. Ông nhấc hành lý của mình lên, đứng ngẩn ra một lúc và nhận thấy hoàn cảnh của mình chẳng có gì thay đổi cả. Ông vẫn không được nhập cảnh. Xung quanh ông, những tiếng lầm rầm lào rào âm vang như từ một cõi xa vắng. Chuyến bay kế tiếp đi đâu đó đang cho khách vào phòng chờ.

Ông Ty sực nghĩ ra những giấy tờ của ông vẫn còn để ở bàn an ninh. Cái chỗ ấy ở đâu rồi nhỉ? Khi đi tìm nơi trả hành lý ông đã xuống tầng dưới, mà cái quầy an ninh ấy hình như không ở tầng trên. Nhưng ông nhớ đã xuống một cầu thang, rẽ trái rồi lại lên hai đợt cầu thang nữa, lại rẽ trái rồi mới sang phải, sau lại xuống một đợt cầu thang tròn... Ông Ty hỏi một người đeo phù hiệu gì đó chỉ cho nơi làm việc của an ninh sân bay. Ông quen miệng hỏi bằng tiếng Anh như những lần ở các sân bay quốc tế. Người này lắc đầu, rồi chỉ vào một lối đi nhỏ. Ông đi theo lối ấy. Đó là khu WC. Đúng lúc ông đang mót đi giải. Một sự an ủi mini trong tình thế rủi ro.

Ồng Ty lại tiếp tục đi tìm quầy an ninh. Không ai biết, dù ông hỏi bằng tiếng Vina. Một nhân viên hải quan khuyên ông nên tìm bộ phận bảo vệ. Ở chỗ bảo vệ, người ta bảo đây chỉ lo chuyện trộm cắp, gây lộn, trốn vé... Tìm đến cảnh sát. Họ bảo: Chúng tôi giải quyết những vấn đề hình sự, những chuyện bạo động, phá hoại. Rồi ông Ty cũng đến đúng văn phòng An ninh sân bay. Người trực ban không che miệng, nhắm mắt ngáp rất dài, rồi hỏi:

- Ông đến đây làm gì?

- Tôi ở Ooke về thăm quê ở Vina.

- Tôi hỏi, ông đến gặp tôi làm gì?

- Tôi muốn lấy lại giấy tờ của tôi các ông giữ lúc nãy.

- Giấy tờ gì? Ai giữ?

- Hộ chiếu, visa, vé... các thứ. Cái ông gì đấy như là chỉ huy của các ông cầm.

- Tên?

- Tôi là Van-Ty Le.

- Không, cái ông cầm giấy tờ của ông tên gì? Cấp bậc?

- Tôi không biết. Ông ấy không đeo phù hiệu.

- Ông đi máy bay lần đầu à? Tự dưng đưa giấy tờ cho người lạ không rõ tên tuổi chức vụ, rồi đến đây hỏi han ấm ớ.

- Ông không nên nói thế. Tôi phải xuất trình giấy tờ cho các ông, rồi khi tôi vội đi lấy hành lý, các ông đã không đưa lại. Ông cứ tìm trong ngăn kéo, có thể còn lưu ở đó.

- Người ta làm việc với ông ở bàn giao tiếp ngoài kia. Đây là văn phòng. Ông là gì mà bắt tôi phải lục lọi ngăn kéo. Mà biết đâu giấy tờ của ông đã bị thu giữ vì giả mạo, bất hợp lệ.

- Vậy cái chỗ bàn ấy ở đâu. Làm ơn chỉ giúp.

- Đúng là lần đầu đi máy bay. Đây, đi hướng này: Lên một đợt cầu thang, rẽ phải rồi xuống hai đợt cầu thang nữa, lại rẽ phải rồi mới sang trái, sau lại lên một đợt cầu thang tròn, rẽ phải...

Ông Ty thở dài nhẫn nhục đi ngược trở lại những gì ông đã đi qua. (Người kể câu chuyện này cũng đã copy - paste đoạn lúc nãy rồi sửa ngược lại “trái” thành “phải”, “lên” thành “xuống”!)

Ông Ty đến đúng cái quầy an ninh ban đầu. Lúc này là một nhân viên khác ngồi. Y nhìn ông lạ lùng, hỏi, hệt như cái tay ở văn phòng an ninh:

- Ông gặp tôi có chuyện gì?

- Tôi hỏi giấy tờ của tôi mà các ông giữ.

- Giấy tờ gì? Ai giữ?

- Hộ chiếu, visa, vé... các thứ. Cái ông gì đấy như là chỉ huy của các ông cầm.

- Tên?

- Tôi là Van-Ty Le.

- Không, cái ông cầm giấy tờ của ông tên gì? Cấp bậc?

- Tôi không biết. Ông ấy không đeo phù hiệu.

- Mới được đi máy bay à? Tự dưng đưa giấy tờ cho người lạ không rõ tên tuổi chức vụ, rồi đến đây hỏi han ấm ớ.

- Xin cho tôi nói chuyện qua điện thoại với sứ quán Ooke ở Vina.

- Chúng tôi không được phép.

- Vậy cho tôi nhập cảnh tạm thời vào Vina trong thời hạn ngắn nhất đủ để tôi gặp đại sứ Ooke. Xin cam đoan không gây bạo loạn. Và xin thanh toán mọi phí tổn với mức cao nhất.

- Chúng tôi không hoan nghênh ông.

- Vậy cho tôi về Ooke với giá cao nhất.

- Chúng tôi không được phép. Mà từ giờ ông nên tự huỷ những kiến nghị phức tạp rắc rối ấy đi. Phải có giấy tờ hợp lệ chứ.

- Vậy từ bây giờ tôi ăn uống bằng gì, ngủ ở đâu?

- Tuỳ ý ông. Đây là một xứ sở tôn trọng quyền tự do của con người.

 

* * *

 

Cho đến bây giờ ông Van-Ty Le vẫn không được nhập cảnh vào Vina vì không được hoan nghênh, và cũng không về được Ooke vì không có giấy tờ tuỳ thân. Mobile của ông không hoà mạng được ở Vina và cũng không còn card để gọi về Ooke. Hàng ngày, ông ăn trong cantine của sân bay. Những món ăn nguội lúc quá nhạt lúc quá mặn nhưng rất đắt đã nhanh chóng ngốn hết khoản tiền trong ví. Ông bán rẻ một số tư trang cho những nhân viên sân bay để sống thêm ít ngày nữa. Rồi ông giúp việc những hành khách có nhiều đồ nặng để sống. Tối, ông ngủ trên ghế ở phòng đợi.

Đã mười ba năm qua rồi. Râu tóc ông Ty dài ra. May mà ông cũng có chỗ để tắm rửa. Đó là những hố đất người ta đào làm gì đó rải rác bên cạnh đường băng, nước mưa đọng lại như những hồ nước có mảnh trời xanh nhỏ và bóng mây trôi qua, rất đẹp. Ông Ty vui lòng với cuộc sống an nhàn vô tư này. Quả là một xứ sở diệu kỳ. Ông Ty đã quên mình là một giáo sư. Giảng đường đại học, chiếc Aston Martin -77 ánh bạc, ngôi biệt thự sơn trắng có rặng khuynh diệp phía sau nhà là một ký ức từ kiếp trước.

Và hàng ngày ông Ty khoan khoái đằm mình trong những mảnh trời bên đường băng. Ông dang tay thành đôi cánh đập nước, bay trong bầu trời con con ấy.

 

 

------------

Đã đăng:

Than ôi, bạn không bao giờ chết / Than ôi, tôi khóc sự bất tử của bạn / Người đồng chí thông minh của loài ruồi ngu xuẩn / Lũ ruồi vướng vào bộ râu xồm của bạn...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021