thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thái độ hậu hiện đại trong thơ Bùi Giáng

[SỔ TAY] 

 

Hôm nay tôi tình cờ đọc được bài thơ "Kẻ qua đường" của Bùi Giáng. Bài thơ như thế này:

                    Gọi là gặp gỡ giữa đường

                    Trái tim không chịu giữa đường rút lui

                    Bỏ đi buồng phổi sụt sùi

                    Trái tim không chịu lau chùi máu me. [1]

Nhà thơ diễn tả cảm xúc của mình bằng thứ ngôn ngữ như đùa giỡn: vừa chân thành bày tỏ tình cảm của mình, lại vừa như muốn châm biếm chính cái sự bày tỏ ấy.

Tôi tin rằng trước Bùi Giáng chưa từng có nhà thơ Việt Nam nào làm thơ tình như thế.

Mà sau Bùi Giáng, có lẽ cũng hiếm lắm.

Đọc xong bài thơ trên, tôi chợt nhớ lại một ý tưởng của Umberto Eco về lối viết hậu hiện đại. Trong phần hậu từ của cuốn tiểu thuyết Danh Tính của Hoa Hồng, Umberto Eco viết:

Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng như thái độ của một người đàn ông yêu một người đàn bà có học thức rất cao, và chàng biết rằng chàng không thể nói với nàng: "Anh yêu em điên dại", bởi vì chàng thừa hiểu rằng nàng biết (và nàng cũng biết rằng chàng biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một giải pháp khác. Chàng có thể nói: "Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em điên dại." Làm vậy, đã tránh được sự ngây thơ giả tạo, đã nói được rành mạch những gì không còn có thể nói một cách ngây thơ nữa, chàng lại vừa nói lên được những gì chàng muốn nói với người đàn bà: rằng chàng yêu nàng, nhưng chàng yêu nàng trong một thời đại đã mất sự ngây thơ. Nếu người đàn bà hiểu được điều này, thì nàng cũng đồng thời nhận được một lời tỏ tình trọn vẹn. Cả hai người đều không còn cảm thấy mình ngây thơ nữa, cả hai đều chấp nhận sự thử thách của quá khứ, của cái điều thiên hạ đã nói rồi, mà điều ấy lại không thể xoá bỏ đi được; cả hai người sẽ cùng tỉnh táo và khoái trá chơi trò chơi châm biếm... Nhưng, nhờ đó, cả hai người đều thành công trong việc tỏ tình.[2]

_________________________

[1]Bùi Giáng, Mưa Nguồn và Lá Hoa Cồn — có thêm phần "Mưa Nguồn Hoà Âm" (Saigon: An Tiêm tái bản, 1973) 303.

[2]Umberto Eco, "Postscript", phần hậu từ của tiểu thuyết The Name of the Rose, bản dịch Anh ngữ của William Weaver (San Diego: Harcourt Inc., 1984) 530-531.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021